Đối đầu

12 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 8539)




Đối đầu

 

 

 Một ngày mùa đông, cách đây lâu lắm rồi, cha tôi đốt lửa trong lò sưởi, và ngồi trong chiếc ghế bành ngắm nhìn ngọn lửa nhẩy múa trong lò. Trong cuối tuần đó tôi có hai người bạn đến ở chơi, những người bạn cùng lứa với tôi, khoảng chừng mười chín, hai mươi tuổi.


 "Các con muốn làm gì sau này?"


 "Một thương gia," một người bạn tôi nói. "Một thương gia theo lối cổ. Với cơ sở thương mại đặt trong một ngôi nhà xưa từ thế kỷ mười bẩy, và một kho hàng có cần trục điều khiển bằng tay để có thể vận động thân thể. Một văn phòng trong đó có những đà nhà kiểu cổ để nâng đỡ trần nhà. Và có những món hàng xuất cảng để lâu lâu còn có dịp đi chơi xa. Sẽ hút xì-gà và vui vẻ thân thiện làm quen với mọi người. Chắc lúc đó sẽ hơi mập ra một chút. Sẽ thành một người vững chắc, có đồng hồ đeo giây, mỗi ngày đều có thơ từ khắp nơi trên thế giới. Sẽ buôn bán những món hàng đặc biệt."


 Cha tôi gật đầu, có vẻ hài lòng.


 'Một văn sĩ," người bạn kia của tôi nói. 'Đi du lịch khắp nơi trên thế giới, đem theo một cái va-li và máy đánh chữ. Sống trên một du thuyền trong vùng biển Địa trung Hải. Lâu lâu xuất bản một quyển sách, kiếm một số tiền đủ để trang trải cho chuyến du hành khác. Có một căn gác ở Amsterdam, và đôi khi có một người tình thật đẹp."


 Cha tôi lại gật đầu, nhưng có vẻ lưỡng lự và trông không được vui lắm.


 "Còn con thì sao?"


 Không biết có phải là tôi muốn chọc cho ông bực, hay là tôi thật sự có ý như vậy, nhưng tôi nói là tôi muốn thành một ẩn sĩ, rằng tôi muốn nhập thất tham thiền trong một hang động hoặc một túp lều nhỏ trong rừng, suốt nhiều tháng trường hay có thể từ năm này qua năm khác không chừng. Buông xả hết tất cả mọi thứ, để được tự do, nhất là tự do đối với chính mình, không còn chạy lung tung như con khỉ, không còn mãi bị khích động bởi thứ này hay thứ khác. Và rồi tìm được sự an bình đích thực vốn sẵn có nơi tất cả mọi người: đó là sự tĩnh lặng bao la.



 Cha tôi lầu bầu.


 "Lại vớ vẩn nữa, dĩ nhiên." Ông nói. "Nghe thì hay và rất là lạ thường, nhưng chỉ là một giấc mơ không hơn không kém. Con sẽ không bao giờ làm được điều đó. Con làm sao có thể ngồi yên một mình được. Con chỉ có thể làm được một điều là, trên đường gập cái gì thì thử cái nấy. Còn ngồi một mình trong một hang động, năm này qua năm khác hả, Ha!"


 Có lẽ cha tôi đã nói đúng.


 Không những tôi sẽ thất bại chua cay khi làm một ẩn sĩ, vì chẳng mấy chốc chắc tôi sẽ chạy từ hang động hay từ trong rừng ra ngoài và buồn bã đi lung tung trong "thế giới ta bà" này; mà chính ở đây, trong thiền viện, mặc dù có những áp lực "đưa" và "đẩy" của những sư huynh cao cấp hơn và của vị thầy luôn luôn khuyến khích, tôi cũng không thể tự hào gì được với sự tiến triển của tôi.


 Điển hình là, cuộc chiến đấu vô tận với cái lười mỗi buổi sáng. Thật ra việc dậy sớm tinh mơ không phải là vấn đề. Nếu tôi dậy từ bẩy giờ thay vì ba giờ, tôi cũng vẫn có những khó khăn như vậy. Mỗi buổi sáng mọi việc lại diễn ra y như vậy: đồng hồ báo thức reo lên, tôi với tay tắt cái nút và lại tiếp tục ngủ. Rồi Peter vào dựng đứng tôi dậy từ trong túi ngủ, đập nhẹ vào mặt tôi, đợi cho đến khi túi ngủ tuột xuống đất rồi đẩy tôi đi ra phòng tắm.


 Tôi cứ tiếp tục bị đối xử như vậy cho đến khi tôi cảm thấy thực sự xấu hổ và lòng tự ái đã khiến tôi phải vùng lên tìm giải pháp khôn hơn một chút. Tôi để cái đồng hồ báo thức ở trong ngăn kéo tủ, ngoài tầm tay với, để cho tôi bắt buộc phải ngồi dậy. Thủ thuật này có vẻ thành công. Sau đó có vài lần tôi cũng ngủ dậy trễ, nhưng đó không phải lỗi tại tôi, mà có lẽ vì tôi quá mệt nên không dậy nổi và nghe tiếng đồng hồ báo thức được. Mặc dù vậy, sự thành công nhỏ nhặt này cũng không có gì khiến phải tự hào. Tôi có dậy được, có ngồi thiền đều đặn, và lau dọn nhà cửa, nhưng đó không phải vì ý tôi muốn làm như vậy. Tôi tuân hành những luật lệ vì môi trường tôi đang sống muốn tôi phải làm như vậy, và bởi vì tôi đang bị giám sát. Còn nếu tự nguyện tôi sẽ chẳng làm gì cả, ngoại trừ học tiếng Nhật, và tôi bỏ nhiều thì giờ cho việc học này hơn trong chương trình quy định.


 Nhưng tôi khám phá ra được, một cách thích thú rằng, tôi không phải là trường hợp ngoại lệ. Peter có một vị sư từ xa đến ở trọ. Vị sư này đến Kyoto làm gì tôi không được rõ, nhưng ông sẽ ở lại đây mười ngày và ông được dành cho một phòng phía sau nhà. Ông nói với tôi rằng ông xuất gia bởi vì gia đình muốn như vậy, và sau ba năm huấn luyện bắt buộc ông đã ở lại thêm để tiếp tục quán về công án. Vì vậy tôi có thể coi ông như cùng một vị trí với mình: một người tự nguyện, thực sự muốn tìm hiểu đạo pháp.


 Mỗi buổi sáng ông ở trong phòng đến mười giờ. A ha, tôi nghĩ, chắc ông đang thiền đây. Có lẽ ông cũng dậy từ ba giờ sáng như chúng tôi, nhưng chắc là ông đã đến trình độ cao quá nên không cần phải uống chút trà buổi sáng hay đi rửa mặt , mà ngồi thiền luôn trong bẩy tiếng liền.


 Rồi một buổi sáng tôi nghe có tiếng ngáy trong phòng ông. Tôi đến nhìn vào , thấy ông đang ngủ say sưa. Gần chiếc gối vài ba quyển sách tiểu thuyết nằm lăn lóc, và một gạt tàn đầy thuốc lá. Hóa ra ông đã đọc sách đến gần sáng và rồi ngủ đến gần trưa mới dậy, y như là tôi sẽ làm nếu không có ai để ý đến.


 "Thầy không thiền gì cả, có phải không?" tôi hỏi, khi chúng tôi đang cùng nhau cào đất ngoài vườn.


 ""Tôi có thiền trong thiền viện," vị sư nói. "Ở đó tôi thiền theo đúng giờ giấc và còn thiền thêm một mình trong vườn, hoặc trong phòng riêng, ít nhất nửa tiếng một ngày."


 Tôi nhìn ông.


 "Phải," ông nói, "đáng lẽ không được như thế này. Nhưng tôi luôn luôn thế này, khi nào không ở trong thiền viện là tôi chẳng tu tập gì cả. Tôi cũng muốn thiền, muốn tỉnh thức trong tất cả mọi lúc, và cố làm hết sức mình, muốn được tự tại không vướng mắc mọi sự, nhưng rồi lại quên hết. Tôi lại đọc sách, hút thuốc, và ăn, ngủ lu bù."


 "Thầy có bị lương tâm cắn rứt không?"


 "Có chứ," vị sư nói, rồi tiếp tục bận rộn cào đất. Tôi định hỏi ông xem ông đã giải được công án chưa, nhưng nghĩ lại nên thôi. Tất cả những gì dính dáng đến công án đều nguy hiểm. Nếu ông nói "không" điều đó có thể có nghĩa là ông đã giải được công án. Và nếu ông nói "có" , điều đó có thể có nghĩa là ông chỉ muốn khoe khoang. Và dù ông nói gì đi nữa, cũng không làm tôi đến gần hơn với việc giải được công án của tôi.

 


 Theo truyền thống những thiền viện chỉ nhận cho tá túc những vị du tăng nếu họ có thể chứng tỏ được là họ đã giải được công án.


 Một ngày nọ có một du tăng đến gõ cửa một thiền viện. Vị sư ra mở cổng không chào hỏi gì cả, mà nói ngay: "Chỉ cho tôi thấy bản lai diện mục của anh, bộ mặt có sẵn trước khi cha mẹ sinh ra như thế nào." Vị du tăng muốn tá túc một đêm đó mỉm cười, rút guốc ra và đập lên mặt người hỏi. Vị sư kia bèn bước lui ra sau, cúi đầu xuống chào kính cẩn, rồi mời khách vào. Sau bữa cơm tối chủ và khách ngồi nói chuyện với nhau, chủ ngỏ lời thán phục khách có câu trả lời thật là tuyệt diệu. Khách bèn hỏi:


 "Thế huynh có biết câu trả lời cho công án đã đưa ra cho tôi đó không?"


 "Không," chủ nói, "nhưng tôi biết câu trả lời của huynh là đúng. Huynh không ngần ngừ một chút nào, mà đã trả lời một cách thật tự nhiên vô cùng. Đúng y như những gì tôi đã nghe hay đọc được về Thiền."


 Khách không nói tiếng nào, chỉ ngồi nhâm nhi tách trà. Bỗng chủ cảm thấy nghi hoặc lạ thường. Trên nét mặt khách có cái gì đó khiến ông không thích chút nào.


 "Huynh có thực biết câu trả lời chứ?" ông hỏi.


 Khách bật cười lớn lên cho đến khi chịu không nổi , phải bò lăn bò càng ra sàn nhà.


 "Không, đại đức sư huynh của tôi ơi," ông nói, "nhưng tôi cũng nghe và đọc về Thiền nhiều lắm!"


 


 Trong lần trước tôi đến thăm Leo Marks , sau khi đã ăn uống thỏa thuê, đã đọc thêm một quyển sách của Van Gulik, và được đưa đi đây đó trong chiếc xe limousine của ông, tôi được ông tặng một bức tượng đồ cổ một thiền sư đang nhập định bằng gỗ . Tôi để bức tượng đó lên một chiếc bàn đặc biệt trong phòng, đốt nhang, và để bàn thờ đó với hương hoa và trái cây cúng dường làm nơi nương tựa cho sự tu tập của tôi. Vị thầy này được tạc với một nét mặt nghiêm khắc, ngồi thật nghiêm chỉnh trong thế kiết già, nhưng cũng có một vẻ gì thư thái và an nhiên tỏa ra. Tôi nghĩ, ông tượng trưng cho những cố gắng riêng tư của tôi, vì mọi việc tu tập của tôi trong thiền viện đều do người khác áp đặt lên, trong khi bức tượng này do chính tôi đã bầy ra thờ, như một bằng chứng cho sự phấn đấu của linh hồn tôi, dù linh hồn đó có không tồn tại chăng nữa.


 Bức tượng này cũng giúp đỡ phần nào khi tôi trở về phòng sau một ngày dài mệt mỏi. Vị thầy nhỏ đó sẽ đón chào tôi với đôi mắt thủy tinh bất động. Tôi cần bất cứ một sự thân thiện nhỏ nhặt nào, bởi vì Peter có vẻ như tìm mọi cơ hội để chỉ trích tôi, và thường hay sửa sai tôi khi có người khác hiện diện. Anh nói, tôi quá ồn ào khi vào trong phòng tắm rửa ráy. Tôi để những dụng cụ nằm bừa bãi trong vườn. Tôi làm vương vãi những mẩu bánh vụn trên sàn bếp. Tôi bầy bừa trong phòng tắm. Tôi không đậu xe "Rabbit" vào đúng chỗ. Tôi hay quên đóng cửa.


 Tôi không phản đối, tôi không cãi lại, và tôi không đến thộp cổ anh. Có thể vì tôi sợ, vì anh ta mạnh hơn tôi và có một cá tính lấn áp. Nhưng cũng có thể vì tôi phải luôn luôn tự nhắc nhở mình rằng (a) Peter chỉ tuân hành theo lệnh trên, anh chỉ làm theo lời thầy dặn bảo và qua sự chỉ trích này tôi sẽ học được hạnh nhẫn nhục, để được tinh tiến hơn và buông bỏ được bản ngã, nhờ đó có thể ngộ được phật tính hiển lộ, và (b) không có gì quan trọng khiến cho phải bực bội cả. 


 (b) có vẻ dễ chấp nhận hơn (a). Với (a) tôi hơi bị khó khăn vì nó hoàn toàn phản lại với lề lối suy nghĩ của tôi trước kia. Từ lúc còn nhỏ cho đến thời niên thiếu tôi đã cố ý tìm đủ mọi cách để chống lại những quyền uy. Khi vừa bị chỉ trích, tôi đã tự nhủ ngay là bất cứ người nào đang chỉ trích là sai, dù cho đó là cha mẹ, thầy cô giáo hay một người nào khác, và bao giờ họ cũng sai cả. Tôi đã kết luận như vậy qua lý luận rằng thế giới tôi đang sống là sai trái, thế giới đó đầy bất công và sự tham lam, và những người đang sống trong đó đang giết chóc, bóc lột và tra tấn lẫn nhau bằng đủ mọi cách. Ai muốn bắt buộc tôi phải chấp nhận thế giới này, dù bằng bất cứ phương pháp gì, cũng là không phải, bởi vì họ cố làm cho tôi phải chấp nhận cái không thể chấp nhận được, và cách duy nhất khiến tôi có thể cứu rỗi được linh hồn mình là chủ thuyết vô chính phủ, bằng sự cố gắng tiêu diệt những định chế có sẵn, hi vọng rằng từ trong đám tro tàn đổ nát đó sẽ mọc lên được một điều gì tốt đẹp hơn. Một lý do nữa là tôi thích sự phá hủy, thấy như vậy có vẻ vui hơn là xây những lâu đài kiên cố xấu xa bao gồm những tiền tài, danh vọng và quyền thế, những thứ phù phiếm huyễn ảo rồi sẽ tan biến đi, và ngay cả khi chúng còn tồn tại cũng đã đen tối và đáng ghét rồi. Và nếu tôi không phá hủy được, ít nhất là tôi cũng chống đối được.


 Nhưng bây giờ tôi không thể chống đối được gì cả. Không những vậy tôi còn phải hợp tác theo, bằng tất cả ý thức có được, bởi vì đây lại là con đường có thể đưa tôi đến được một điểm, một nơi sẽ soi tỏ được thực tướng của sự bất công và lòng tham lam , thấy chúng là những biểu hiện kỳ bí, những ảo tưởng sẽ có ích lợi một khi được nhận biết là những ảo tưởng.


 Có một lúc tôi đã có một cuộc đối đầu, khi đang đứng cắt thịt trong bếp, với một con dao dài và rất sắc. Hôm đó chúng tôi có một người khách đến nhà, một cô gái Nhật học trò của Peter, đang học hát tại trường Peter dậy. Tôi thấy cô ta thật dễ thương và muốn làm cô để ý đến mình. Tôi đã từng biết cô ta, vì chúng tôi đã có lần gập nhau. Hôm ấy tôi biết cô đến, nên đã sửa soạn mặc một chiếc áo vừa ý nhất, chải đầu và cạo râu kỹ lưỡng, vừa làm vừa ý thức rằng tôi đang làm những việc này là để gây một ấn tượng tốt đẹp. Mọi việc đều được làm trong tỉnh thức: tôi hãnh diện với sự tỉnh thức của tôi, ý thức được sự hãnh diện đó, và lại hãnh diện với ý thức đó. Đại khái như thế này: tôi thấy tôi thật khôn vì tôi đã biết được rằng tôi ngu, tôi thật là ngu khi tưởng rằng tôi khôn, và tôi thật khôn khi ý thức được sự ngu của tôi v.v..


 Nhưng trong khi tôi đang bận rộn cắt thịt thì Peter thốt ra một câu có tính cách miệt thị. Tôi không nhớ đó là câu gì, có lẽ anh bảo tôi phải nhanh lên hay chỉ ra là tôi đã quên cái gì đó. Thật ra những lời anh nói không có tác dụng bằng thái độ của anh khi nói, bởi vì anh thường có một lối nói chuyện nghe có vẻ phũ phàng và châm biếm. Dường như để chứng tỏ anh ta ở đây là thầy, còn tôi là một kẻ nô lệ, là tên đầy tớ bé nhỏ, một tên cù lần đến phụ giúp một con người trác tuyệt-- nhưng tên cù lần này lại chẳng làm được việc gì nên thân. Nỗi cay đắng nhục nhằn dâng trào trong tôi, bùng lên thành một cơn giận dữ như đốt cháy tâm can. Tôi không nghĩ là tôi đã dơ cánh tay cầm dao lên, nhưng tôi có xoay bàn tay lại cho mũi dao chĩa thẳng vào anh và nét mặt tôi chắc lúc đó trông dữ dằn lắm, nên cô gái bước lùi lại và Peter tiến gần đến tôi như tiến gần đến một con chó hung tợn. Anh nói với tôi bằng những lời lẽ ôn tồn nhẹ nhàng, và tay tôi nới lỏng ra, để con dao rơi xuống đất. Khi hầu bàn cho bữa trưa tôi làm rơi vỡ hai cái đĩa, nhưng Peter không nói gì, trong khi tôi nhặt những mảnh vụn. Tôi có cảm tưởng rằng thái độ của anh thay đổi kể từ ngày ấy, và anh có vẻ dùng một phương pháp tích cực hơn. Thay vì xỉa xói mỗi khi tôi có một lỗi lầm, anh hay khen ngợi khi thấy tôi cố gắng làm được điều gì tốt. Gerald theo dõi diễn tiến này một cách thích thú. Anh chưa bao giờ giao thiệp thân mật với Peter nhưng từ ngày tôi dọn về đó ở anh đến thăm tôi thường xuyên. Trong những ngày cuối tuần anh đến ngồi thiền kế bên tôi trên hành lang và đôi khi Peter cũng nhập vào đó. Chúng tôi còn ngồi theo đúng "nghi thức" và có cả một cái chuông để đánh lên sau mỗi hai mươi lăm phút.


 "Anh điên quá," Gerald nói, trong một buổi chiều anh đến thăm bất ngờ, và chúng tôi ngồi uống cà phê trong vườn rêu xanh. "Tại sao anh lại chịu phó thác mình cho gã này? Anh nghĩ điều đó sẽ đưa anh đến đâu được sao?"

 

 "Tôi nghĩ vậy," tôi nói. "Đó là một phần của sự tu tập, và vì thầy đã thu xếp như vậy, nên tôi chắc ông cũng biết điều đó phải có một ích lợi gì."


 "Hừm," Gerald nói. "Tôi sẽ không thể làm được như vậy. Chắc là tôi sẽ bỏ đi. Tôi có thể tự khép mình vào kỷ luật, nhưng không thể để cho người khác sai khiến. Nhưng có lẽ anh lại cần được đối xử như vậy, có thể là nhờ thế mà anh mới có được kỷ luật cho chính mình, bởi vì có một điều chắc chắn là, anh chẳng có kỷ luật gì cả. Nếu người ta để cho anh ở một mình một nhà, chắc anh sẽ làm tùm lum ra."


 "Cám ơn lòng tốt của anh," tôi nói. "Peter có vẻ còn tử tế hơn anh nữa."


 "Vô lý," Gerald nói, đưa tôi điếu thuốc lá. "Tôi là bạn anh, còn hắn là ông chủ của anh. Nếu bạn bè có nhận xét điều gì không hay thì cũng đâu có sao."


 Tôi bắt đầu nhận ra rằng tôi sẽ không bao giờ giải được công án, mặc dù tôi tin tưởng chắc chắn rằng phải có một câu trả lời cho công án. Những buổi tham vấn của tôi với vị thầy đã xuống dốc thành một sự im lặng ngu ngơ của tôi. Tôi đã đưa ra tất cả những câu trả lời có thể nghĩ ra, nên còn làm gì khác được bây giờ? Sở dĩ tôi còn đến là vì đó là một phần của lịch trình hàng ngày, vì thích cỡi xe qua một thành phố im lìm, vì ngưỡng mộ vị thầy, và cũng vì cảm thấy bực bội. Ông là người biết được câu trả lời, trong khi tôi không biết. Mỗi buổi sáng tôi đến gập ông, người biết hết mọi câu trả lời , một ông già mắt xếch ngồi trên cái đài nhỏ và tỏa chiếu ra đầy mãnh lực.


 Nhưng sự vô kết quả này không làm tôi chán nản. Tôi đang mải bận rộn làm quen với những ấn tượng mới trong cuộc sống chung với Peter, với những việc lặt vặt phải làm trong đời sống hàng ngày, mỗi việc lại là một bài học cho sự tu tập. Trong những việc đó tôi thích nhất là đi chợ. Trước khi có xe gắn máy tôi thường phải đi bộ mỗi buổi sáng qua một con phố chật hẹp với hai dẫy hàng chen chúc nhau hai bên đường. Tôi mua rau trái, thịt, trà và đủ thứ thực phẩm linh tinh của Nhật bản, những thứ rẻ tiền làm bữa ăn hàng ngày cho chúng tôi. Trên tay mang một cái giỏ đi chợ, nhưng tôi chỉ cảm thấy ngượng ngùng trong ngày đầu tiên. Những người bán hàng không cười nhạo tôi, mà tất cả nơi nào tôi đến cũng đều tiếp đón thật thân mật, khiến tôi thấy thoải mái dễ chịu. Khi có xe gắn máy rồi tôi cỡi xe chầm chậm qua con đường đó và những người bán hàng sẽ cẩn thận đặt những món hàng vào trong cái giỏ buộc phía sau. Tất cả đều biết rõ tôi cần mua những gì và bao nhiêu, và họ để tiền thối sẵn sàng cho tôi có thể trả tiền nhanh chóng. Cái nhịp điệu êm ả của những chuyến đi chợ hàng ngày lôi cuốn tôi, mỗi ngày tôi đều cố làm cho thật hoàn toàn những hoạt động nhỏ nhặt của công việc đó. Có lẽ đây là một trong những việc hiếm hoi mà tôi đã trở thành khéo léo.


 Nhưng trong khi tôi tìm vui với những điều mới mẻ, Gerald càng ngày càng xuống tinh thần, và có vẻ rất buồn chán. Đôi mắt anh mờ đục, dáng đi lom khom và anh nói chuyện một cách vô vị và thật tiêu cực. Để giúp cho anh vui hơn, tôi kể cho anh một câu chuyện đã nghe Peter kể lại trước đây, khi tôi vẫn còn ở trong thiền viện.

 


  Ngày xưa có một vị sư nổi tiếng là cần mẫn. Ông dậy sớm hơn những vị sư khác, thiền nhiều hơn, tụng kinh trong chánh niệm, đánh trống thật xuất sắc , không bao giờ nổi giận và luôn luôn cố làm mọi việc thật tốt. Ông xử sự như vậy trong nhiều năm trường và được cử làm sư trưởng. Một hôm, khi đang đi bộ trong khuôn viên chùa, ông tự công nhận với mình rằng đã trải qua mười sáu năm trong thiền viện rồi mà vẫn chưa giải được công án đầu tiên của ông, công án Không. Những vị sư khác, hầu hết chỉ ở trong thiền viện có ba năm, đều đã giải được không những công án Không mà còn các công án khác nữa. Ông là người duy nhất không tiến triển được chút nào, không có tiến bộ thực sự nào, vì những điều tốt đẹp khác ông làm đều không đáng kể gì.


 Trước đây ông đã từng nghĩ đến những điều này, nhưng chưa bao giờ để cho đạo tâm thối chuyển. Đạo Phật nếu hành được thật tốt sẽ tạo cho con người hai tình cảm, hai cột trụ nâng đỡ cho đời sống đạo được vững mạnh. Đó là lòng từ bi, và sự tự tại không vướng mắc. Không vướng mắc có nghĩa là được tự do. Tự do sẽ đưa đến tâm bình đẳng. Nhưng bây giờ, sau mười sáu năm trường cố gắng liên tục, mọi sự dường như đã trở thành quá mức đối với ông. "Có một lúc nào đó," ông nghĩ, "người ta sẽ phải công nhận sự thất bại của mình. Sự tu tập của ta trong thiền viện đã chẳng đi đến đâu cả. Ta đã lãng phí mất mười sáu năm qua. Và nếu đúng như vậy, ta sẽ ra đi."


 Không xin phép được yết kiến gì cả, ông đến phòng của thầy, và đi thẳng đến chỗ vị thầy ngồi, nói : "Bạch thầy, con đi đây." Vị thầy nhìn ông, không tỏ vẻ ngạc nhiên hay thất vọng gì. Ông gật đầu và nói vị sư cứ việc làm những gì ông nghĩ là tốt nhất cho chính mình. Vị sư đi gom góp lại chút đồ riêng tư của ông rồi ra đi rời khỏi tu viện. Ông tìm thấy một ngôi chùa bỏ hoang trong núi, dọn vào đó ở, và bỏ hết mọi cố gắng để giải công án. Sáng ông thức dậy lúc sáu giờ, làm việc trong vườn, sửa sang lại mái nhà cho khỏi bị dột và chữa lại sàn nhà đang sụp đổ, và hai lần một tuần ông đi khất thực vào làng gần nhất xin gạo và tiền. Ông không bỏ đạo Phật, vì ông vẫn tin tưởng rằng Đức Phật đã hành được mỹ mãn con đường bát chánh đạo, nhưng ông chắc chắn rằng một vị sư như ông sẽ không bao giờ làm vậy được và vì thế ông không cần lưu tâm đến nữa. Ông dự định sẽ sống chuỗi đời còn lại hoàn toàn dửng dưng, không bị vị thầy nào hay công án nào làm cho bực bội nữa.


 Sau đó vài tháng, một hôm khi vị sư đang quét sân chùa, cái chổi của ông đập phải một hòn sỏi, khiến cho hòn sỏi bị văng lên đụng vào hàng rào tre, gây nên một âm thanh sắc nhọn. Tiếng động bất ngờ đó đánh thức một cái gì trong tâm của vị sư và đột nhiên ông ngộ ra được câu trả lời cho công án của mình. Ông ném cây chổi xuống đất, ba chân bốn cẳng chạy về thành phố, và thở hổn hển về đến được cổng chùa, thì thấy sư phụ của ông đã đứng chờ sẵn ở đó.


 


 "Phải," Gerald nói, "và không những ông ta giải được công án đầu tiên đó mà ông còn biết được mọi câu trả lời cho mọi công án, và ông sống hạnh phúc trường thọ mãi mãi. Ông trở thành một thiền sư và có nhiều đệ tử. Nhưng tôi cũng biết có một câu chuyện về một vị sư khác, cách đây không lâu. Vị sư này được giao cho một đề tài đổi mới của một công án xưa cổ. Công án xưa là "Làm sao dừng lại được một con ngựa đang phóng thẳng vào ta"; công án đổi mới là "làm sao dừng lại một xe lửa đang đi tới từ Tokyo". Anh có biết vị sư này làm gì không?" Gerald hỏi. " Tôi sẽ cho anh biết. Vị sư này quán về công án đó hết năm này qua năm khác, và một ngày kia ông ta đi thẳng vào đường rầy ném mình vào xe lửa đến từ Tokyo. Trong chỉ một giây chớp nhoáng đã không còn gì lưu lại của vị sư đó nữa, vì ông chết mất rồi."


 Tôi tỏ vẻ kinh ngạc, và tính bỏ đi vào phòng.


 "Khoan đã," Gerald nói. "Tôi còn biết một câu chuyện thật khác nữa. Ở Tokyo cũng có nhiều thiền viện. Trong một thiền viện ở đó, năm ngoái, hay năm trước nữa đây, có một vị sư tu thiền nhưng rất là ngạo mạn. Ông ta từ chối không nghe lời thầy dậy gì cả và dùng những buổi tham vấn buổi sáng để xả hết những luận điệu riêng của ông. Các vị thầy thường có một cây gậy đặc biệt để trị những đệ tử ngông cuồng loại này. Thầy mình cũng có, chắc anh cũng thấy rồi, một cây gậy ngắn và khá to. Một buổi sáng vị thầy kia đánh vị sư một cái thật mạnh đến nỗi vị sư không dậy được nữa. Bởi vì ông đã chết rồi."


 "Như vậy là phạm pháp rồi, phải không?" tôi hỏi.


 "Phạm pháp, pháp gì bây giờ?" Gerald nói. "Vị sư trưởng có báo lại nội vụ cho cảnh sát, nhưng vị thầy đó không bao giờ bị truy tố. Ngay cả cảnh sát cũng biết rằng có một liên hệ đặc biệt giữa thầy và trò, một liên hệ ở ngoài vòng pháp luật."



 Khi Gerald ra đạp máy xe và đi chầm chậm qua cổng tôi hiểu rằng tôi đã không làm cho anh được vui hơn chút nào.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng