Lạp Bát, tuần lễ cam go nhất

11 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 8776)



Lạp Bát, tuần lễ cam go nhất

 


 

 Những khóa tiếp tâm, tuần lễ huân tu thiền tập của một thiền viện, chiếm 7 ngày trong tuần đầu của 6 tháng trong năm. Tôi đã hầu như quên rằng một tuần lễ có 7 ngày, mà vẫn hay nghĩ rằng một tuần chỉ có 5 ngày để làm những việc bắt buộc thường lệ, và hai ngày còn lại thuộc vào một loại khác biệt hoàn toàn: hai ngày đó là để quên đi 5 ngày kia.



 Nhưng một tuần trong thiền viện là đúng bẩy ngày và không có một phút nào bị lãng phí đi. Mỗi một thời thiền là đúng 25 phút, và khoảng thời gian nghỉ giữa hai thời là đúng 5 phút. Vào đúng 11 giờ đêm tiếng chuông cuối cùng trên đại hồng chung bắt đầu tan loãng dần và chỉ lúc đó giấc ngủ mới được tới. Một vài khóa sesshins có nhiều giờ giấc thiền hơn: vào mùa hè, khi có nhiều việc phải làm ở ngoài vườn , thường chỉ phải thiền từ 7 đến 9 tiếng một ngày, trong khi mùa đông là 11 tiếng một ngày.



 Nhưng những vị sư nói, có lúc còn tệ nhiều hơn thế nữa, mặc dù thoạt tiên tôi không tin họ. Tuần lễ đầu của tháng 12 là Lâp Bát (Rohatsu). Lâp Bát là khóa tiếp tâm của tất cả các khóa tiếp tâm. Mười lăm giờ thiền một ngày: từ 2 giờ đến 4 giờ sáng , từ 5 giờ sáng đến 11 giờ sáng, buổi chiều từ 1 giờ đến 5 giờ, tối từ 7 giờ đến nửa đêm. Tổng cộng là 17 giờ thiền tất cả, nhưng những lúc tham vấn với vị thầy cũng mất thì giờ nên được trừ vào đó.



 Tôi không thể nào tin nổi điều đó. Một việc làm như vậy là vượt quá giới hạn của con người, dù cho có đánh mắng răn đe thế nào chăng nữa. Không một người nào có thể ngồi yên được 15 tiếng một ngày, nhất là dưới những áp lực nặng nề, với một câu hỏi không có giải đáp đang canh cánh trong lòng. Tôi sẽ ngất xỉu hoặc phát điên mất. Đồng ý là Đức Phật đã ngồi thiền hết tuần này qua tuần khác, dưới một gốc cây, trên tảng đá. Nhưng đó là 2500 năm về trước. Một con người thánh thiện, bao phủ trong lớp sương mờ cổ kính của ngàn xưa. Christ cũng ngồi thiền 40 ngày liền trong sa mạc. Nhưng đó là chuyện 2000 năm về trước. Nhưng tôi là một người tây phương của thời đại ngày nay -- với nhiều bất an, bồn chồn, náo động, một kẻ đi tìm đạo không một chút trí huệ, không một chút năng lực nào. Dù với một tinh thần hài hước, một nhãn quan khác lạ đối với đời sống hàng ngày, người ta cũng không thể nào ngồi yên được trong 15 tiếng một ngày. Phải , tôi đã xoay xở ngồi được 11 tiếng một ngày, nhưng với biết bao nhiêu lần nghiêng ngả, bao nhiêu lần lén nhìn đồng hồ và người chung quanh, và cũng có những lúc nghỉ xả hơi một tiếng đồng hồ hoặc hơn nữa để tôi có thể ngủ được một chút hay ngồi trên một tấm bia mộ hút thuốc và mơ mộng một chút.



 Tôi cố không nghĩ đến viễn tượng khủng khiếp này, y như là lúc nhỏ tôi đã cố gạt qua một bên hình ảnh của những lần viếng thăm nha sĩ, hay bác sĩ sắp tới. Nhưng ở đây là khác biệt hoàn toàn. Thuở trước tôi bị đẩy tới nha sĩ và bác sĩ là do một quyền lực khác mạnh mẽ ở ngoài tôi, những quyền lực rộng lớn và đen tối mà tôi không thể nào chống lại được. Nhưng bây giờ cái gì đã bắt buộc tôi phải tự mình tìm đến chịu đựng một sự huấn luyện đòi hỏi tôi phải làm những công việc không thể làm được?



 Tôi ngồi trên bậc tam cấp đưa ra vườn trước cửa phòng, hút thuốc lá và ngắm những cây tùng kiểng được cắt tỉa thành những hình thù lạ mắt, giờ được phủ đều lên một lớp tuyết mỏng: một cảnh trí thơ mộng đẹp tuyệt vời. Vị sư trưởng lúc đó đi ngang qua và tôi khen cảnh đẹp ấy với ông, ông đứng lại, lịch sự nhìn cây tùng một chút, rồi khen một cách khô khan: "Trông như một bức tranh!"



 Nhận xét của ông làm tôi hơi khó chịu. "Trông như một bức tranh." Một câu nói vô thưởng vô phạt. Nghe có vẻ nghèo nàn, giả tạo. Vậy mà con người ông được coi như đã giác ngộ, đã từng kinh nghiệm ít nhất vài lần đốn ngộ và có được sự hiểu biết sáng tỏ , vì ông đã hoàn tất lịch trình công án của ông.



 Có một công án hỏi rằng tại sao Bồ Đề Đạt Ma, sơ tổ của thiền tông, đã đến Trung hoa: một câu hỏi tiêu biểu, có tính cách cơ bản, đại loại như câu: "Thế nào là tinh yếu Phật pháp?" Câu trả lời đã được một vị thiền sư chấp nhận là: "Cây tùng trong vườn của chùa." Chỉ là một cái cây, như cái cây đang đứng trước mặt tôi bây giờ. Bởi vì một cái cây diễn tả được cái nét đẹp hoàn toàn trong đó bao gồm tất cả mọi thứ, nhất là có tinh yếu của phật pháp và lý do cuộc viễn du dài dặc của Bồ Đề Đạt Ma qua một xứ sở xa lạ. Tôi có thể cảm nhận được điều đó lắm. Dù sao, tôi cũng thích cây cối. Nhưng nếu tôi đến nói với vị thầy rằng chân lý của vạn pháp, mục đích của đời sống được biểu hiện qua một cái cây, chắc ông sẽ cầm cái chuông lên lắc cho tôi phải đi ra, hoặc sẽ lẩm bẩm gì đó trong miệng và lắc đầu.



 Và vì thế tôi đã đến đây, đến gập một lão phu Nhật bản để nghe bài bác bất cứ những gì tôi nói hoặc muốn nói, để ngồi im không động đậy trên chiếu suốt mười lăm giờ một ngày, suốt một tuần bẩy ngày, và bị các vị sư đánh trên lưng với một cây thiền trượng bằng gỗ cứng dài tới bốn bộ Anh.



 Tôi tự rủa thầm. Tại sao tôi lại như thế này? Sao tôi không thể sống một đời sống bình thường và cố gắng để thành công, như các anh chị em của tôi, như cha tôi đã làm xưa nay? Bà ngoại tôi, người tôi chưa bao giờ được biết, đã nói rằng chúng ta không nên cố nghĩ đến nát óc một câu hỏi không có lời giải đáp. Mẹ tôi đã hỏi bà cái gì tồn tại ở ngoài vũ trụ này. Bà nói, "nếu con đi đến tận cùng của vũ trụ, con sẽ thấy là tất cả đã được che kín lên bằng những tờ báo." Thật là một câu trả lời thông minh, đã làm cho mẹ tôi hài lòng. Tại sao tôi lại không thể hài lòng với một bức tường vô tận như vậy, một bức tường bằng gỗ đan vào nhau và dán kín với những tờ "Thời báo Rotterdam"?



 Nhưng trong khi tôi lẩm bẩm tự mắng nhiếc mình, và hút đến điếu thuốc thứ tư ngày hôm ấy, Lạp Bát vẫn tiến đến gần hơn và tôi biết tôi sẽ không thể chạy trốn đi đâu được. Han-san va Ka-san, và tất cả những ai có tên với chữ san ở đây, những vị sư trẻ, tất cả cũng sẽ phải trải qua tuần lễ này.



 Họ là những thanh niên nhà quê, được cha mẹ gởi vào tu viện. Nếu họ làm được, tại sao tôi không làm được? Nhưng tôi nghĩ, tôi không thể làm được. Những thanh niên nhà quê này là người Nhật, là người đông phương, có đức tính trầm lặng và kiên nhẫn, có một sức chịu đựng dẻo dai phi thường được di truyền lại. Và tôi biết một vài người trong số họ đã giải được công án rồi nữa. Có lẽ người Nhật là một dân tộc được ưu đãi với một năng khiếu bén nhậy để hiểu biết được những vấn đề huyền bí tâm linh.



 Có lẽ sang năm tôi mới có thể làm được, tôi nghĩ. Nếu tôi cố tập luyện trong một năm nữa tôi sẽ có thể ngồi thoải mái được trong thế bán kiết già. Tôi sẽ xin miễn tham dự; vị sư trưởng chắc chắn sẽ nhận ra rằng tôi sẽ không thể nào qua nổi tuần lễ hãi hùng này. Có thể là ông cứng rắn và nghiêm khắc đấy, nhưng đối với tôi, một người tây phương với đôi chân cứng nhắc lạ thường, chắc ông sẽ cho một ngoại lệ. Tôi lại tự rủa thầm vì chợt nhớ mấy hôm trước tôi đã có lần gọi ông đến thiền đường để khoe rằng tôi đã ngồi khá hơn trước nhiều. Những bắp thịt đùi của tôi đã dài ra được một chút vì nếu cố sức một chút, tôi có thể để chân phải của tôi lên mặt trong của chân trái, và nếu tôi cố kéo thêm một chút nữa, sẽ có thể đặt bàn chân phải của tôi lên bắp đùi trái. Nếu có thêm một chiếc gối đệm nữa tôi sẽ có được một sự thăng bằng vừa phải. Ông đã mỉm cười vỗ vai khuyến khích tôi. Sao tôi lại không tự kiềm chế được mình, sao tôi luôn luôn phải khoe khoang và cố tìm cách phô trương thành tích cho cả thế giới biết làm gì?



 Ngày hôm đó tôi được gọi vào gập vị sư trưởng và hai vị khác đồng vai vế với ông. Họ nói với tôi rất nhiều, nhưng tôi chẳng hiểu được bao nhiêu. Sau khi họ đã lập đi lập lại vài lần tôi gật đầu , hiểu rằng họ không được vui lắm với sự tiến triển của tôi , và khóa Rohatsu này sẽ là cơ hội thử thách cuối cùng. Nếu tôi ráng xoay xở vượt qua được tuần lễ này tôi sẽ được ở lại trong thiền viện và tiếp tục được vị thầy hướng dẫn. Nhưng nếu tôi bỏ cuộc giữa chừng tôi sẽ phải ra khỏi tu viện. Họ còn cho tôi địa chỉ của một khách sạn gần đây để tôi có thể đến tạm trú ở đó.



 Tôi cúi đầu chào và đi trở về phòng. Thôi thế là, việc gì phải đến sẽ phải đến. Tôi tự thề với mình rằng tôi phải vượt qua được tuần lễ này, dù cho chân tôi có bị cứng lại đến nỗi không còn xử dụng được nữa, hay trí óc tôi có phát khùng lên cũng vậy. Dù cho tôi có biến thành điên dại tôi cũng vẫn ngồi đó nếu cần, như một tên dở hơi miệng sùi bọt mép, nhưng vẫn nhất quyết ngồi đó, không cho họ đuổi ra. Tôi còn có hai ngày để chuẩn bị. Tôi trữ sẵn chocolat và nhờ Gerald mua dùm một gói lớn đậu phộng trộn lẫn với nho khô. Tôi mua một áo thun thật dầy và sáu chiếc áo lót. Tôi sẽ mặc một lần ba áo lót để che chở cho da thịt khỏi những lằn roi. Tôi còn mua cả một dụng cụ sưởi ấm mà các vị sư thường dùng. Trông nó như một bao đựng kính nhưng thay vì kính là những que than cháy âm ỉ. Một vị sư đã nói với tôi rằng cái bao này, nếu được đặt vào gần nơi bụng, sẽ cho một hơi nóng thật dễ chịu tỏa ra khắp trong người. Bụng là nơi gần nhất với đan điền, huyệt đạo quan trọng nhất trong cơ thể con người. Khi huyệt này nóng lên tất cả sẽ được nóng theo. Tôi đã nghe rất nhiều về huyệt đan điền. Vị thầy thường hay chỉ vào bụng ông. Đó là nơi chứa đựng những cảm giác thực sự, là trung tâm đích thực của sự quán sát. Âm nhạc không nên được nghe bằng tai, mà phải được cảm thấy bằng bụng. Sự cảm nhận về những người khác cũng qua cách đó. Công án cũng phải được ôm ấp nơi bụng. Đừng nghĩ với trí óc mình mà hãy tập trung ở chính ngay nơi bụng.



 Trong những lần hành thiền tôi đã tập cách điều hợp hơi thở: đầu tiên thở một hơi ngắn, rồi phình bụng ra "dồn hơi thở xuống dưới bụng", và ngưng đọng hơi ở đó một lúc. Vị thầy là một người bé nhỏ nhưng bắp thịt bụng của ông thật mạnh đến nỗi chỉ cần đưa bụng ra ông cũng có thể đẩy được nắm tay của tôi, và toàn bộ thân hình của tôi đàng sau đó.



 Khi khóa Lạp Bát bắt đầu vị sư trưởng khóa cửa phòng tôi lại. Trong tuần này chúng tôi không chỉ ngồi thiền trong thiền đường mà còn ngủ ở đó nữa, nếu có thể gọi đó là ngủ, vì chúng tôi chỉ được phép ngủ 2 tiếng một ngày, từ nửa đêm đến 2 giờ. Tôi đi vào thiền đường mang theo túi ngủ trên tay. Một cái tủ nhỏ để bên cạnh đựng chocolat, đậu phộng và nho khô, bàn chải đánh răng, xà bông và khăn mặt. Quần áo trên người sẽ phải mặc nguyên như vậy trong một tuần. Tôi ngồi xuống, tìm một thế ngồi thoải mái nhất để an vị, và vị sư trưởng đánh một tiếng chuông. Hai giờ sáng. Tôi mặc hết tất cả áo thun ra ngoài và ba áo lót ở trong. Bao sưởi âm ỉ cháy, được gói ghém trong một tấm khăn mỏng và để sát nơi bụng tôi. Trong thiền đường lạnh như băng giá nhưng tôi không cảm thấy lạnh chút nào. Thời thiền đầu tiên của ngày đầu tiên đã đến. Tôi sẽ bắt đầu đếm cẩn thận từng thời một kể từ đây.



 Vị sư trưởng cho một bài chỉ thị ngắn.



 "Những ngày sắp tới sẽ rất là gay go. Quý vị phải nên dùng tuần lễ này cho thật tốt. Đừng nghĩ gì hết, mà chỉ nhiếp tâm hòa nhập vào công án của mình. Quên đi bạn bè, quên đi thiền đường, quên đi chính mình, quên cả thời gian. Đừng nghĩ gì đến thân mình. Đừng nghĩ gì đến đồ ăn, thuốc lá, hay giấc ngủ ."



 Và đừng cử động nữa. Những vị sư trẻ không được cử động. Những thiền sinh mới vào không được cử động. Và cả những người tây phương cũng vậy. Chỉ có hai người tây phương, Gerald và tôi, và Gerald thì không bao giờ cử động. Chỉ có tôi hay cựa quậy, nhưng bây giờ tôi không thể làm như vậy được nữa. Vị sư trưởng có lẽ đã ám chỉ đến tôi và chắc sẽ đặc biệt để ý đến tôi, ông sẽ kêu lên rằng: "Jan-san, ngồi yên! Anh đang làm rộn đến người khác." Tôi không muốn ông kêu tôi như vậy. Tôi muốn người ta để ý đến tôi vì tôi đã làm một điều gì hay, không phải vì đã làm mọi việc sai trái. Không làm được gì cho tốt đã thành một thông lệ đáng chán đối với tôi.



 Vị sư trưởng cũng thành đáng chán đối với tôi mấy lúc sau này. Tôi sẽ cho ông thấy rằng tôi cũng có thể đối phó với ông được, rằng ông không cần phải uốn nắn tôi suốt mọi lúc như vậy.



 Và khi cái bao sưởi đã thành quá nóng bỏng để không còn cho cảm giác dễ chịu nữa, tôi cũng vẫn không cử động.



 Bụng tôi cảm thấy nóng lạ kỳ. Tôi không hiểu nổi nữa, chẳng lẽ tôi cũng làm hỏng cả chuyện này? Tất cả các vị sư ở đây cũng đều có bao sưởi và tôi thấy họ ngồi chung quanh tôi, trông rõ ràng thoải mái và an vui trong sự tập trung thiền định. Vậy tại sao bụng tôi lại nóng bỏng như thế này? Cái cảm giác ấm áp đã dần dần chuyển thành đau rát. Tôi có một cảm tưởng không sai lầm rằng da tôi đang bị bỏng. Nhưng tôi vẫn không cử động, chỉ còn mười phút nữa sẽ có tiếng chuông giải thiền. Lần đầu tiên tôi không thấy đau nơi chân. Dường như tôi không còn có chân nữa. Nhưng tôi thực có bụng, và bụng tôi đang bốc cháy.



 Khi tiếng chuông giải thiền được đánh lên tôi nhẩy ra khỏi chỗ ngồi và vội vàng đi ra cởi hết áo trong áo ngoài ra. Tôi đã bị một vết bỏng khoảng vài inches vuông. Gerald, đi theo tôi để xem lần này có vấn đề gì không, lắc đầu khó hiểu.



 "Bộ anh chỉ gói cái bao đó trong một tấm khăn mỏng à?"


 "Phải," tôi nói, "Không phải vậy sao?"


 "Không, anh không được làm như vậy. Anh phải gói nó trong một cái khăn bông và rồi gài nó vào trong tấm vải buộc bụng. Anh có thể mua tấm vải đó ở bất cứ tiệm nào." Anh ta phì cười nhưng rồi kềm lại được. "Vết bỏng đó nặng quá, cần phải được chữa trị."



 Anh trở lại thiền đường nói chuyện với vị sư trưởng và rồi hai chúng tôi được miễn thời thiền sau. Vị sư đầu bếp, người duy nhất không tham dự thiền tập vì phải nấu nướng cho ba chục người, bôi lên cho tôi một lớp dầu trị bỏng và băng bó vết thương gọn ghẽ. Ông cố giữ thái độ thông cảm và từ bi nhưng rồi cuối cùng không nhịn được, cũng phải phá lên cười.



 Ông nói, "Đúng ra là mấy cái này bị cấm, cũng như những cái áo độn nhiều lớp mà mấy vị sư mặc vậy."


 "Phải," Gerald nói. "Và anh cũng không cần bao sưởi; nếu tập trung tư tưởng đúng cách, anh có khỏa thân ngồi thiền trong tuyết cũng được, hoặc có ngồi trong lửa cũng vẫn được." Anh nói với vị đầu bếp: "Phải vậy không?"


 "Phải," vị đầu bếp nói. " Tư tưởng tập trung rồi ta sẽ có thể làm bất cứ gì cũng được. Nhưng hai người đang làm rộn tôi. Trở về thiền đường đi. Sư trưởng đang chờ đó."


 Ngày đầu tiên trôi qua êm thắm. Ngày thứ hai cũng vậy. Ngày thứ ba không đến nỗi tệ. Nhưng ngày thứ tư là cả một địa ngục kéo dài bất tận, đầy những đau đớn, chán chường, những bứt rứt bực bội. Ngày hôm đó tôi bị đánh thường xuyên và tôi ghét mấy vị sư làm sao. Tôi phải tự kiềm chế mình hết sức để khỏi nhẩy lên tấn công họ. Gerald, vừa muốn nói gì với tôi trong khoảng thời gian ngắn ngủi xả hơi, đã phải chùn bước lại khi thấy nét mặt đằng đằng sát khí của tôi, và đành đi tìm một chỗ khác để tựa lưng vào tường nghỉ ngơi đôi chút. Vị sư trưởng vừa xổ ra mấy lời ra lệnh cho tôi cái gì đó, tôi cau mặt, nghiến răng lại gầm gừ với ông. Tôi phải châm ba điếu thuốc liền nhau, vì hai điếu đầu đã bị bóp nát thành bột trong tay tôi.


 Những người khác cũng nói rằng ngày thứ tư là ngày tệ nhất. Trong tuần lễ đó có sáu người cư sĩ ở ngoài vào tham dự cùng với chúng tôi: một bác sĩ, một chủ tiệm bánh, và bốn người tôi không biết. Đến ngày thứ tư họ đều biến đi hết. Cả tọa cụ của họ cũng biến luôn. Các vị sư không ai bàn tán gì về sự biến dạng của họ. Người Nhật luôn luôn lịch sự, dù cho có chuyện gì không hay xẩy ra, mọi sự cũng được tiếp nhận một cách lặng lẽ. Nhưng Gerald và tôi là hai người thô lỗ, thiếu văn minh từ phương tây đến, nên chúng tôi nhìn nhau cười khoái chí.


 Trông mặt Gerald hốc hác đi nhiều, hai gò má nhô ra, và mí mắt anh đỏ và có vẻ xưng lên. Tay chúng tôi nặng nề và phù lên vì đã để yên mãi một vị trí trong lòng, giờ này qua giờ khác. Bước chân chúng tôi đi thất thểu, khập khiễng. Cả vị thầy cũng có vẻ thay đổi hẳn. Lần đầu tiên tôi thấy ông ở trong thiền đường và ông ở đó với chúng tôi liên tục, chỉ vắng mặt khi nào ông phải về nhà để tiếp đón chúng tôi đến tham vấn. Đôi mắt ông như trũng sâu vào trong, bộ mặt nhăn nheo lởm chởm những râu ria chớm mọc. Da đầu của ông thường bóng láng nay bao phủ một lớp tóc bạc lưa thưa.


 Nhưng sự mệt mỏi của ông chỉ hời hợt bên ngoài, ông vẫn cứng rắn và thôi thúc như trong những kỳ sesshins mà tôi đã biết đến. Căn phòng nhỏ bé của ông như rung chuyển với từ lực, và hơn bao giờ hết tôi có cảm tưởng rằng tôi đang bị dồn ép vào một bức tường dầy đặc, nhưng bức tường ấy, bí hiểm thay, lại như muốn giúp tôi -- có vẻ như có một chỗ mở ra ở đâu đó, và tôi sẽ tìm ra chỗ mở đó. Tới ngày thứ sáu cơn đau đớn tệ hại đến nỗi tôi phải rên rỉ lên và vị sư trưởng cho phép tôi được ra ngoài. Tôi phải đi tới đi lui trên một lối đi lát gạch trên cao, và hai bên dưới, sâu xuống khoảng ba bộ, là những bụi cây thấp. Mắt tôi nhắm lại từ lúc nào, và bỗng nhiên tôi thấy mình nằm trong bụi cây, mà không nhớ ra mình là ai, đang ở đâu. Tôi đã không ngất xỉu mà chỉ có ngủ thiếp đi thôi. Vị sư trưởng nghe tiếng tôi ngã thịch xuống, tiếng lá cây sột soạt, và rồi im lặng. Ông phá lệ đi ra xem có điều gì bất tường không, vì thông thường ông ở luôn trong thiền đường và chỉ ra ngoài trong những bữa cơm; thấy tôi nằm đó, ông đánh thức tôi dậy và dìu tôi trở lại lối đi, trong khi phủi những lá cây dính vào quần áo tôi và đập khẽ vào mặt tôi.


 "Tỉnh dậy đi, không còn lâu nữa đâu." Trong mắt ông tôi thấy sự thân thiện, một tình cảm ấm áp mà tôi chưa từng thấy nơi nét mặt ông bao giờ.


 Ngày thứ bẩy qua đi khá nhanh chóng. Tôi ngủ gục, đánh các vị sư và bị đánh lại, tham vấn với vị thầy năm lần một ngày, và được dẫn đến phòng ăn rồi trở lại thiền đường dưới sự tháp tùng của vị sư trưởng và Ke-san, người phụ tá của ông. Không có gì làm tôi bực bội được nữa. Đã đến ngày cuối cùng rồi. Khi nửa đêm tới sự tu luyện này sẽ chấm dứt, chung cuộc đã gần kề, không có gì xẩy ra còn có thể tệ lậu hơn những gì tôi đã trải qua được nữa.


 Tôi đếm từng giây phút trong thời thiền cuối cùng. Còn hai mươi bốn phút nữa. Còn hai mươi ba phút nữa. Tiếng chuông đánh lên. Tôi chờ đợi chung quanh sự buông thả, sự vui mừng, những tiếng cười nói náo động vang lên, nhưng không khí căng thẳng im lặng trong thiền đường vẫn tiếp tục. Tôi nhìn Gerald, anh đang cúi xuống nhìn đồng hồ. Tôi rít lên gọi anh, nhưng anh chỉ nhún vai.


 Tôi đi ra ngoài, lấy nước lạnh rửa mặt và đợi cho những người khác đi ra theo, nhưng lạ thay, lại có tiếng chuông đánh lên nữa. Thời thiền lại tiếp tục và tôi đang chậm trễ. Tôi chạy vào, cúi đầu chào vị sư trưởng xin lỗi và ông chỉ tôi xuống chỗ ngồi. Khi thấy tôi có vẻ hoang mang, ông thì thầm nói với tôi rằng còn phải thiền thêm hai tiếng nữa. Sau này tôi được biết ông chỉ nói với tôi điều đó; thật ra ông muốn thêm một bài tập thử thách bằng cách cho chúng tôi có cảm tưởng rằng ông sẽ bắt phải thiền thêm một ngày nữa, nhưng vì thấy tôi đã đau khổ đủ rồi nên ông mới nói cho biết thời gian đích xác của bài tập thêm đó.


 Tôi chịu đựng qua hai tiếng đồng hồ nữa, ngồi rũ xuống trong gối thiền và mê dần trong cơn hôn trầm. Thiền đường không có ai đi tuần, và tôi có thể ngồi nghiêng ngả thế nào cũng được. Tôi không còn cảm thấy đau, mà chỉ thấy tê tê nơi chân, và vết bỏng trên bụng tôi hơi nhức một chút. Điều duy nhất tôi cần làm là phấn đấu với giấc ngủ đang đe dọa lôi cuốn tôi. Tôi không có đủ thế thăng bằng để ngủ ngồi được. Nếu ngã nhào xuống tôi sẽ biến thành một trò cười và còn có thể bị vỡ đầu với nền đá cứng ở dưới. Vào hai giờ sáng, vị sư trưởng đánh tiếng chuông thật mạnh, âm thanh trong trẻo ngân vang trong thiền đường. Gi-san nhẩy xuống, chạy vội ra ngoài đánh trống lia lịa, và hai vị sư trẻ nhất bắt đầu ra thỉnh tiếng chuông đại hồng chung khổng lồ, cao tới sáu bộ Anh trong tháp đồng hồ. Chúng tôi lũ lượt kéo ra ngoài, sau khi đã vái chào bàn thờ lần cuối. Tôi châm một điếu thuốc lá và cười với Gerald, anh ôm lấy tôi nói lùng bùng điều gì không rõ. Vị sư trưởng ra nắm lấy tay tôi.


 "Bể tắm đã sẵn sàng. Tôi sẽ kỳ lưng cho anh. Truyền thống như vậy đó. Người sau chót sẽ là người đầu tiên. Anh là người nhẩy vào bể tắm đầu tiên!"


 Tôi thấy hơi nước tỏa lên từ phòng tắm: vị đầu bếp đã lo lắng tất cả, ông đã làm hết mọi việc một mình cả tuần nay, và có lẽ còn mệt hơn tất cả mọi người. Khuôn mặt rộng hiền từ của ông nở ra một nụ cười thật lớn.


 Quần áo tôi dính bết vào trong người và tôi lúng túng tìm cách cởi ra cho thật mau. Tôi liên tiếp dội từng sô nước nóng xuống người trong khi vị sư trưởng, nhỏ bé và trần truồng, xoa bóp lưng tôi với đôi bàn tay mạnh mẽ. Gerald ngồi bệt xuống một góc phòng, hai chân dạng rộng ra, chải răng cho đến khi râu anh trắng xóa với những bọt kem. Những vị sư trẻ vộc nước vui vẻ và nói chuyện to nhỏ với nhau. Câu chuyện bao sưởi đốt cháy da tôi đã được lập đi lập lại và mọi người ré lên cười thích thú, kể cả vị sư trưởng, kể cả vị thầy khi ông đã mặc lên người một áo khoác sạch sẽ và đến đó xem chúng tôi thế nào. Chúng tôi ở trong phòng tắm hơn một tiếng đồng hồ và tôi cạo hàm râu rậm rạp trên mặt, từng cái một cẩn thận.


 Khi vị sư trưởng nói với tôi rằng ông rất hài lòng với nỗ lực của tôi, tôi trả lời ông rằng tôi không hiểu. Không phải là ông đã nói với tôi rằng tôi bắt buộc phải qua được kỳ Rohatsu này sao? Rằng tôi sẽ bị cho ra nếu tôi bỏ cuộc giữa chừng?


 "Cái gì?" ông hỏi. "Sự phi lý này là thế nào?"


 Gerald được gọi gia nhập vào câu chuyện và cuối cùng tôi nhận ra rằng tôi đã hiểu sai những lời vị sư trưởng và hai vị sư kia đã nói với tôi. Họ đã cố giải thích cho tôi rằng họ không nghĩ là tôi có thể qua nổi khóa tu này tới cuối cùng. Và họ đã lập đi lập lại ít nhất ba lần rằng, tôi có thể bỏ cuộc. Tuy nhiên, họ không muốn tôi đi lang thang khắp chùa trong lúc những người khác đang cố gắng vượt qua khóa Rohatsu này. Cho nên họ đã cho tôi địa chỉ của một khách sạn gần đấy để đến tạm trú nếu cần. Phải mất một lúc lâu tôi mới vỡ lẽ ra được. Gerald lại giải thích thêm.


 "Thôi không sao," vị sư trưởng nói. "Tôi cũng mừng thấy anh đã hiểu lầm. Bởi vì bất kỳ với lý do gì, anh cũng đã vượt qua được. Và đó là điều rất tốt."


 Gerald ngồi xuống cười phá lên cho đến khi chẩy nước mắt, tôi phải dội nước lạnh vào người anh để làm cho anh im đi. Anh nói, "Anh đúng là một anh chàng ngây ngô, nếu anh có vào Niết bàn chắc cũng là do đi lộn!"


 Tắm xong những vị sư đi đến phòng ăn để dùng điểm tâm. Tôi thấy bầy la liệt đủ các thức ăn ngon lành của Nhật trên bàn, nào là củ cải, mận chua, rong biển, những chén nhỏ đựng các thứ sốt. Vị sư trưởng để tay lên vai tôi: "Mấy thứ này không phải cho anh, mà cho chúng tôi, vì đây là những món chúng tôi thích. Anh và Gerald sẽ được Peter đãi một bữa ăn. Peter đang chờ các anh đó.'


 Khi tôi nghe những hòn sỏi kêu răng rắc dưới gót guốc gỗ đang đi, cảm thấy được lớp vải quần áo sạch sẽ trên da thịt, và hít làn khói thuốc, biết rằng mọi sự đã qua đi, Rohatsu đã chìm dần vào quá khứ, một cảm giác vui sướng đến tràn ngập trong tôi khiến tôi phải đứng lại. Gerald đẩy tôi đi. "Peter đã dọn sẵn một bữa điểm tâm hoàn toàn Mỹ, tin tôi đi."


 

 Và thật như vậy. Trên chiếc bàn bầy biện gọn ghẽ đang đón chờ chúng tôi, đầy những đĩa bánh mì dòn, trứng và bacon, bơ tươi, một bình cà phê lớn, và những lọ mứt marmalade và anh đào. Peter liên tục nướng bánh mì, rót cà phê và chiên trứng cho đến khi chúng tôi ngã lăn ra trên sàn chiếu. Ngày hôm đó là một ngày lễ hội. Tôi ngủ vài tiếng đồng hồ và rồi thức dậy. Cái nhịp điệu quen thuộc của đời sống hàng ngày đã bị xáo trộn và tôi không thể ngủ trở lại được. Tôi bèn đọc sách cho tới khi thấy buồn ngủ lại. Những giờ phút sau đó trong ngày tôi ngủ, đi dạo trong vườn, và ăn uống. Mọi căng thẳng đã qua đi. Công án đang lảng vảng ở một góc nào đó trong ý thức của tôi nhưng chỉ vậy thôi. Tâm trí tôi yên tĩnh vô cùng; cái cảm giác duy nhất tôi đang nhận biết được lúc này là một sự mãn nguyện cực kỳ bao la.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng