Khởi đầu của một chung cuộc

12 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 8508)



Khởi đầu của một chung cuộc

 

 

 "Thượng đế tốt lắm", viên chức viện bảo tàng nói. Đó là một buổi chiều chủ nhật và tôi đang ở chơi nhà Leo Marks. Ánh nắng chiếu rực rỡ vào trong thư viện và tôi mở rộng cánh cửa sổ để nghe tiếng biển vọng vào. Viên chức viện bảo tàng này cũng đến ở chơi nhà Leo; nhà của ông đã biến thành một khách sạn không mất tiền cho những kẻ lang thang đây đó.


 "Miễn là họ cạo râu sạch sẽ," Leo nói, "và ngậm miệng lại khi đang ăn."


 Tôi đã từng gập những viên thuyền trưởng trong nhà ông, họ đem những chiếc tầu cũ kỹ đến Nhật để bán làm đồ phế thải. Và những nhà văn. Những thương gia đi ngoại quốc buôn bán. Và bây giờ đến một viên chức bảo tàng viện.


 "Tại sao Thượng đế lại tốt?" tôi hỏi.


 "Bởi vì con chim hoàng yến đang hát hay vô cùng."


 Gần nơi cánh cửa sổ mở rộng con chim hoàng yến của Leo đang hót líu lo, như một bài hát vui tươi, đầy những âm thanh lanh lảnh quyện lẫn vào nhau và những nốt trong sáng ngân dài.


 "Đúng lắm," Leo nói, bước vào lúc nào không ai để ý. "Thượng đế rất tốt."


 Hai phật tử và một viên chức bảo tàng viện đã hoàn toàn đồng ý với nhau.


 Mấy ngày sau tôi cỡi xe gắn máy chạy dọc theo một vực thẳm. Hôm đó Peter đi vắng khỏi thành phố, và tôi đã xóa bỏ chương trình trong ngày để đi ra ngoài chơi. Chung quanh Kyoto có nhiều núi non và tôi đã đi ra ngoài xa mà không xem bản đồ gì cả. Nửa tiếng sau đó đã không còn thấy bóng dáng người nào nữa. Tôi thấy những bìa rừng, những cánh đồng thông xanh, và đôi khi thấp thoáng mặt hồ Biwa lấp lánh ở tận dưới xa. Khi đến gần vực thẳm tôi thầm nghĩ, chỉ cần xoay tay lái một chút thôi, bao nhiêu vấn đề của tôi sẽ được giải quyết hết. Một chiếc xe gắn máy cong queo và một thân hình gẫy nát, thế giới này, vũ trụ này, sẽ ngừng hiện hữu.


 Tôi đậu xe lại, ngồi trên một tảng đá cheo leo, hai chân đong đưa xuống trong khoảng trống bao la. Chỉ cần xô tới một chút thôi, là mọi sự tiêu tan hết, dù vĩ đại như Trung quốc với 700 triệu dân cũng vậy.


 Nhưng còn linh hồn của tôi thì sao? Đức Phật đã luôn luôn từ chối trả lời câu hỏi này. Có linh hồn hay không có linh hồn, có đời sống sau cái chết hay không, cũng chỉ là một câu hỏi trống rỗng. Hãy bước theo bát chánh đạo rồi câu hỏi đó sẽ tự rơi rụng đi, sau này, hay bây giờ cũng vậy, có nghĩa lý gì đâu. Nhưng bây giờ tôi đang ngồi đu đưa trên tảng đá, hai chân chơi vơi trong không trung. Nếu tôi đi vào trong cái Không toàn diện, cái gì sẽ còn lại đây? Và giả thử có gì còn lại chăng nữa, cái ấy sẽ đi đâu? Thiên đường hay Địa ngục? Địa ngục của những kẻ tự sát chăng, một cõi giới u buồn đầy những bóng người mờ nhạt than khóc nỉ non? Tôi rút chân lại, đi ra xe gắn máy và chỉ một tiếng đồng hồ sau đã trở về tới nơi. Trên đường về tôi không buồn nhìn phong cảnh với những đôi vợ chồng nông dân đang bận rộn làm việc bên đường trong bộ quần áo kimono đẹp mắt. Tôi đã đến chỗ tận cùng của tư duy rồi. Tôi đã học được gì đây, sau một năm rưỡi của những vấp ngã và đứng dậy ? Rằng tôi phải cố hết sức mình để làm cho mọi việc thật tốt. Nhưng điều đó tôi cũng thể học được ở Rotterdam, những người Hòa lan, nhất là những công dân của thành phố Rotterdam, bao giờ cũng làm hết sức mình, đó là một thói quen của quốc gia rồi. Tôi chỉ cần làm một việc là bắt chước theo môi trường đang sống, điều dễ dàng nhất, vì bắt chước thường dễ nhiều hơn là chống đối lại .


 Nhưng tôi cũng đã học được một điều khác. Không những phải làm hết sức mình, mà trong khi nỗ lực tinh tấn như vậy, vẫn thản nhiên không dính mắc vào bất cứ những gì mình đang làm.


 Ke-san viên phụ tá cao gầy của vị sư trưởng đã kể cho tôi nghe câu chuyện của vị sư tu thiền và khu vườn cảnh, một ngày nọ khi tôi đang phụ ông trong bếp.


 

 Một vị sư được giao quản lý một ngôi chùa nhỏ cách Kyoto vài dậm, một ốc đảo thật đẹp đẽ và yên tĩnh. Ngôi chùa đó nổi tiếng với khuôn viên ở đó, và vị sư được giao cho ngôi chùa này vì ông không thích gì hơn là làm vườn và cây cảnh. Gần bên ngôi chùa của ông có một ngôi chùa khác nhỏ hơn. Một vị thiền sư rất già ở trong đó, vị này già quá rồi nên không thể có đệ tử được nữa. Vị sư thường chăm sóc cho thiền sư già đó nhưng giữa hai người không có liên hệ thầy trò với nhau. Vị sư đã bỏ không quán về công án từ lâu lắm rồi.


 Hôm đó vị sư sắp có khách đến viếng thăm chùa, ông bận rộn cả buổi sáng để làm cho khu vườn thật hoàn hảo. Ông đã thu vén hết những lá rụng và vứt chúng đi. Ông tưới nước trên cỏ rêu , ông còn chải cho những cỏ rêu đó một vài chỗ cho thật mướt, và ở một vài nơi ông đặt một ít lá vào đúng chỗ; cuối cùng, ông đứng trên hành lang ngắm nghía khu vườn, tự nhủ rằng mọi sự trông thật đúng như ý ông muốn. Vị thiền sư già từ đó tới giờ vẫn đứng dựa hàng rào ngăn đôi hai chùa với nhau, theo dõi ông một cách thích thú.


 "Đẹp không?" vị sư hỏi. "Thầy có thấy cảnh trí khu vườn này bây giờ trông thật đúng như in không? Ít phút nữa quan khách đến, họ sẽ thấy khu vườn này được trang trí y như là lúc đầu những vị tổ ở đây đã định vậy."


 Vị thầy gật đầu. "Phải," ông nói. "vườn của con đẹp lắm, nhưng có một cái gì thiếu sót thế nào ấy. Nếu con nhấc ta qua khỏi hàng rào này qua bên vườn một chút, ta sẽ sửa lại cho."


 Vị sư ngần ngại, vì ông biết vị thầy này khá rõ là ông hay có những ý tưởng rất lạ thường. Nhưng dĩ nhiên ông không thể từ chối được. Ý muốn của một vị thầy là một mệnh lệnh, dù cho vị thầy này có về hưu rồi cũng vậy.


 Khi ông đã cẩn thận hạ vị thầy xuống dưới vườn rồi, ông già đi từ từ lại một gốc cây mọc ngay giữa một khu cảnh hài hòa đá và cỏ rêu. Lúc ấy là mùa thu, lá cây đang chết rất nhiều. Vị thầy chỉ cần lắc một chút là khu vườn kia đã đầy cả lá rụng , rải rác khắp nơi một cách vô trật tự. "Khu vườn này cần như vậy đó," vị thầy nói. "Thôi bây giờ con có thể trả ta về được rồi."


 Theo lời Ke-san vị sư đó đã mất hết cả bình tĩnh, ông vừa khóc nức nở, vừa dậm chân liên hồi, và Ke-san nói, ông không được làm như vậy. Phải rồi, tôi nghĩ, sau chuyến đi ra vực thẳm đó. Vấn đề quan trọng là đó. Hãy làm hết sức mà vẫn không vướng mắc. Và khi thấy rằng tất cả những cố gắng nỗ lực xưa nay cũng chỉ là mây khói, vẫn phải thản nhiên bất động như thường. Tâm bình đẳng. Tất cả những điều tôi học được chỉ là thế. Một lý thuyết cỏn con, nhưng đã làm tôi mất một năm rưỡi ở đây. Nhưng tôi chắc tôi khó mà thực hành được lý thuyết này.


 Những giờ phút còn lại trong ngày hôm đó tôi không làm điều gì đặc biệt. Tối hôm ấy không có khoá thiền ở thiền viện, và tôi chẳng có việc gì để làm. Tôi có thể thiền ở trong phòng, học tiếng Nhật hay ra vườn làm việc. Tôi có thể theo chương trình hàng ngày làm việc, nhưng tôi không cảm thấy hứng thú gì cả. Tối hôm đó Peter trở về, tôi nhờ anh hỏi xin vị sư trưởng cho tôi ba ngày nghỉ. Vị thầy đang bệnh, nên tôi sẽ không mất buổi tham vấn sáng nào.


 "Tại sao?" Peter hỏi.


 Tôi nói với anh rằng tôi muốn nhốt mình trong phòng ba ngày liền để thiền.


 "Anh sẽ không làm vậy được," Peter nói.


 "Tôi biết tôi sẽ không làm được," tôi nói. "tôi cũng phải có thì giờ để ăn và ngủ nữa, nhưng tôi muốn thử, được không? Thử thôi cũng đâu có hại gì ."


 Peter không thích dự tính đó. Anh cố thuyết phục để tôi bỏ ý định, nhưng tôi vẫn nằng nặc đòi cho được. Tôi tin tưởng rằng tôi có thể làm một điều gì đó đặc biệt, rằng tôi phải phá lệ đi ra ngoài những nhịp điệu quen thuộc hàng ngày, phải tìm cách thoát khỏi cơn buồn chán đang dâng lên bằng cách này hay cách khác, và đây có vẻ như giải pháp tốt nhất đối với tôi.


 "Hãy chờ đến lúc thầy khỏe hơn rồi nói chuyện với thầy xem sao," Peter nói.


 Tôi không muốn đợi. Nếu bây giờ không làm, sẽ không bao giờ làm được. Cuối cùng anh nhượng bộ.


 Tôi sẽ bắt đầu sáng hôm sau, từ ba giờ sáng, và sẽ ở trong phòng ba ngày liền. Nếu tôi phải đi phòng tắm, hay vào trong bếp, anh sẽ làm như không thấy tôi.


 Bài tập này chẳng đi đến đâu. Sau nửa ngày tôi đã ra khỏi phòng. Tôi không thể ngồi yên được, căn phòng quá nhỏ, những bức tường như ép sát vào và làm tôi ngộp thở.


 Peter cố an ủi tôi, nhưng tôi đã cảm thấy quá buồn chán đến độ không gì anh nói có thể gây ảnh hưởng với tôi được. Toàn bộ chuyến phiêu lưu tìm đạo của tôi dường như đã thất bại, và tôi muốn ra đi. Chẳng còn lý do gì để nấn ná ở lại Nhật nữa. Tôi cũng không biết tôi muốn làm gì bây giờ. Tôi vẫn còn đủ tiền để mua vé tầu về Âu châu và sống dè sẻn được trong sáu tháng. Có lẽ tôi sẽ kiếm được việc gì trong nửa năm đó, kể cả một việc lao động chân tay nếu cần. Tôi có thể thuê một căn phòng ở Paris hay Amsterdam và tiếp tục tham thiền mỗi buổi tối.


 Peter, lạ lùng thay, lại nổi giận lên với tôi. Có lẽ anh lo lắng không biết phải ăn nói thế nào với vị thầy, hoặc có lẽ anh cảm thấy bị sỉ nhục vì sự thất bại của tôi -- có lẽ rằng anh cho là sự thất bại của tôi một phần cũng là sự thất bại của anh. Tôi không nghe anh, nhưng đi thẳng ra ngoài cửa không nói tiếng nào và đạp máy xe. Ngay buổi tối hôm đó tôi đi Kobe và thuê một căn phòng trong khu bến tầu. Ngày hôm sau tôi đăng ký một chỗ đi Marseilles trên một chiếc tầu Pháp cũ rích, một chỗ hạng ba. Họ không chịu bán cho tôi hạng tư. Vé hạng tư là vé hạng chót nhất, và người thư ký của hãng tầu nói là những hành khách hạng tư suốt ngày chỉ có uống rượu say, đánh bạc và ẩu đả với nhau, và anh ta không muốn có một người da trắng nằm chết ở đó để lại ám ảnh cho công ty.


 Chuyến tầu đó sẽ khởi hành trong một tháng tới. Ít ngày sau một người quen của Leo gập tôi ngoài phố và cho tôi biết rằng Peter đã điện thoại cho Leo và họ đang tìm kiếm tôi. Tôi không muốn họ phải phí thì giờ nên gọi cho Leo trong điện thoại công cộng, nói cho ông biết tôi đang bình an và sắp trở về Âu châu. Ông hỏi tôi đang ở đâu, và khi tôi trở về khách sạn đã thấy xe của ông đứng đợi sẵn. Khi Leo gập tôi, ông lắc đầu nhưng không nói gì. Ông đưa tôi về nhà, và tối hôm đó Peter đến cố gắng thuyết phục để tôi trở lại. Tôi từ chối. Anh đề nghị sẽ kiếm việc cho tôi để tôi ở lại Nhật ít năm nữa. Tôi có thể làm trong một hãng phim ở Kyoto như một vai phụ, hoặc anh sẽ giới thiệu được cho tôi một công việc đàng hoàng như làm giao tế trong một công ty thương mại. Khi tôi nhất định từ chối, anh lại nổi giận và bỏ đi, lầm bầm nói lời giã biệt. Leo, trái lại, không tỏ một xúc cảm nào. Tôi định trở về khách sạn lại, không muốn sống nhờ vả Leo cả tháng nữa.


 "Anh trả tiền cho tôi cũng được mà," Leo nói, và tính toán xem tôi sẽ phải tốn bao nhiêu tiền cho khách sạn. Tiền tôi trao cho ông được đưa lại cho những người hầu đã nhất mực từ chối tiền thưởng khi tôi ra đi.


 Ba ngày trước khi tầu khởi hành, tôi trở về Kyoto để từ biệt vị thầy. Vị sư trưởng mời tôi dùng trà, không tỏ vẻ gì là thất vọng cả, và đưa tôi đến nhà vị thầy. Vị thầy tiếp tôi trong phòng khách của ông. Ông mời tôi một điếu thuốc lá và bảo vị sư trưởng đi đến thiền đường lấy một cây gậy, loại thiền trượng mà các vị sư thường dùng để đánh lẫn nhau. Ông lấy bút lông viết vài chữ trên đó, thổi mực cho khô, vung vẩy cây gậy vài cái, rồi đưa cho tôi.


 "Những chữ này nói một điều có ý nghĩa quan trọng đối với anh. Tôi đã viết lại một câu nói cổ Trung hoa, một câu nói của truyền thống Thiền. "Thanh kiếm đã được tôi luyện kỹ càng sẽ không bao giờ mất ánh hào quang của nó." Anh không biết, hay có thể anh tưởng là anh không biết, nhưng anh đã được tôi luyện nơi thiền viện này. Sự tôi luyện những thanh kiếm không phải chỉ ở nơi thiền viện. Tất cả thế giới vũ trụ này là một lò luyện kim. Ra đi khỏi nơi này không có nghĩa là đã dứt bỏ gì hết. Sự tu tập của anh vẫn tiếp tục như thường. Thế giới này là một trường học, trong đó có những người đang say ngủ đang từ từ thức dậy. Bây giờ anh đã tỉnh ngủ được một chút rồi, và đã tỉnh đến mức anh không còn ngủ lại được nữa đâu."


 Vị sư trưởng nhìn tôi thân ái và vị thầy mỉm cười. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm hẳn, cái cảm giác đen tối nặng nề vẫn theo đuổi tôi từ Kobe bỗng nhiên tan biến đi hết. Tôi cúi đầu xuống chào và rời khỏi gian nhà đó.


 Khi con tầu từ từ tách bến, tôi thấy Leo Marks và Han-san đứng bên nhau trên bến tầu. Một người tây phương rất cao và một người đông phương rất bé nhỏ đứng cạnh nhau. Leo vẫy tay tiễn đưa, và Han-san cúi đầu xuống chào. Rồi họ biến vào xe limousine của Leo.


 Tôi vào trong quầy rượu, gọi một chai bia lạnh.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng