Đừng tin loài quỷ dữ

12 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 8618)




Đừng tin loài quỷ dữ


 

 Cái ý tưởng đi vào một tu viện đã do một giáo sư triết lý người Anh ở Luân đôn gợi ra cho tôi, vài năm trước khi tôi đến Nhật. Ông đã bắt tôi đọc tới hai mươi quyển sách, và một ngày nọ khi tôi bất chợt gập ông trong hành lang của trường đại học, tôi đã có một cuộc đàm thoại ngắn với ông; tôi nói không một quyển sách nào ông đã giao cho tôi đọc, và không một bài giảng nào của ông đã đưa tôi đến gần chân lý hơn.



 "Nhưng anh tìm cái gì chứ?" giáo sư hỏi và bỗng dưng đứng lại, khiến tôi cũng phải dừng lại theo.


 "Thì, thầy biết đấy, tôi muốn tìm chân lý. Nguyên do tại sao mọi sự bắt đầu, và có lợi ích gì không," tôi nói, khoát tay làm một cử chỉ mơ hồ.


 Gìáo sư kiên nhẫn nói: "Chân lý tuyệt đối không hiện ra khi ta học triết lý. Triết lý là một khoa học, và khoa học có nghĩa là tìm cách đi gần đến chân lý. Bằng cách thực nghiệm, bằng sự lý luận, chúng ta cố tìm đến chân lý bằng sự quyết định những xác xuất, và rồi đưa ra một kết luận. Chúng ta cho rằng cái này có xác xuất đúng hơn cái kia, bởi vì lý do này hay lý do nọ. Nhưng nếu muốn thực sự biết một điều gì, muốn hoàn toàn chắc chắn một điều gì, thì không thể có được."


 "Thế thì tôi đã đi sai đường rồi," tôi nói, "bởi vì tôi muốn chắc chắn hoàn toàn. Tôi muốn chắc chắn một cách tuyệt đối rằng đời sống trên thế gian này có một mục đích nào đó, bởi vì khi tôi còn chưa chắc chắn tôi sẽ không thể yên vui được. Đôi khi tôi rơi vào một cơn buồn chán nặng nề, thấy mọi sự chung quanh sao quá vô vọng, thấy mình không thể làm được gì ngoại trừ nằm dài ra và đau bụng."


 "Phải rồi," giáo sư tử tế nói với tôi. "Buồn chán. Một hiện tượng được nói đến nhiều. Có thể đưa đến tự tử. Rất là khó chịu."


 "Nhưng làm sao để khỏi buồn chán? Thầy có biết không?"


 "Có," giáo sư vừa nói, vừa nhét thuốc vào trong điếu pipe. "Trị liệu bằng tay có thể giúp được phần nào, và dĩ nhiên là phân tâm trị liệu nữa. Nhưng nếu anh muốn biết, ý kiến riêng của tôi là những cách đó phần lớn là vô ích , chẳng chữa trị được căn bệnh của anh đâu. Những gì anh đang nghĩ trong đầu, đã từng được tất cả những người tu theo huyền môn nghĩ rồi, và cách duy nhất để giải quyết được vấn đề của anh là đi vào một tu viện. Đến một tu viện, tìm một vị thầy, một người đã hoàn tất công trình tu tập của họ, họ sẽ chữa cho anh, hoặc là anh sẽ tự mình chữa lấy được."


 Ông châm điếu pipe lên, bắt tay tôi rồi bước đi, một hồ sơ dầy cộm giấy tờ trên tay.


 Cái ý tưởng vào tu viện của vị giáo sư đó sau này đã kết hợp với những điều tôi đã học được từ những sách nói về Phật giáo, đưa đến một động lực thúc đẩy tôi đến Kyoto tìm vị thầy; nhưng quyết định này cũng phải mất một khoảng thời gian đắn đo, vì tôi không thích thú gì lắm với cái ý tưởng đi vào tu viện. Chữ "tu viện" khiến tôi liên tưởng đến "ở tù chung thân". Nếu tôi biết rằng những thiền viện chỉ huấn luyện các vị sư trong ba năm, và các vị thiền sư cũng có nhận đệ tử tại gia mà không bắt phải phát nguyện và mặc áo nhà tu, chắc tôi đã đi Nhật sớm hơn rồi. Khi vị thầy nhận tôi làm đệ tử ông đã bắt tôi hứa phải ở đó ít nhất là tám tháng. Tới nay tôi đã ở thiền viện được một năm rồi.


 Một buổi chiều mùa hè đẹp trời, trong khi tôi đang vui vẻ đứng chẻ củi ở gần nhà tắm, Han-san đến nói với tôi rằng vị thầy đang đợi tôi trong gian nhà bé nhỏ của ông. Nghe vậy làm tôi cảm thấy lo sợ, vì đây là lần đầu tiên vị thầy gọi tôi. Tôi gập ông mỗi ngày để "thảo luận" về công án, và đôi khi ông nói với tôi vài lời khi gập tôi trong vườn, nhưng tôi với ông chưa bao giờ có sự giao tiếp bình thường giữa con người với nhau, ngoại trừ một lần tôi gập ông ngoài phố. Lúc đó tôi đang bận đi mua sắm quần áo trong một cửa hàng bách hóa và trên đường về tôi bỗng thấy ông ngoài phố, giữa đám đông người qua lại. Ông mặc áo nâu sòng giản dị như nhiều vị tăng sĩ Phật giáo, và trông không có gì đặc biệt cả. Tôi định chào ông theo kiểu cách trong chùa (đứng thật nghiêm, gập mình xuống từ thắt lưng, hai tay buông thõng xuống đầu gối, cúi đầu tới mức thấp nhất và ngừng lại ở đó một lúc, rồi từ từ thẳng người lên). Nhưng ông lắc đầu tỏ ý rằng thủ tục trong thiền viện không nên đem ra áp dụng ở ngoài.


 Tôi hỏi ông đi đâu, chẳng phải vì tôi thực sự muốn biết nhưng vì đó là cách người ta chào hỏi nhau ở Nhật. "Chào ông, ông đi đâu vậy?" Người được hỏi sẽ lùng bùng nói gì đó trong miệng, mỉm cười và bước đi. Nhưng vị thầy trả lời câu hỏi tôi một cách cặn kẽ. Ông tả thật chi tiết rằng ông vừa mới ở nha sĩ ra và chỉ phòng mạch của nha sĩ ở đâu. Rồi ông há miệng, ra dấu cho tôi đến gần và chỉ cho thấy một lỗ hổng đang chẩy máu trong hàm ông. Đau lắm, ông nói. Chắc ông sẽ ăn uống khó khăn mất mấy ngày. Và tệ nhất là tuần sau ông lại phải trở lại, có thể còn mất thêm một cái răng nữa. Tôi cũng biết hết về đau răng, nhổ răng và trám răng, nên cũng thấy câu chuyện này thích thú như thế nào. Rồi ông muốn biết tôi đi đâu và tôi cho ông xem mấy quần jean và áo sơ-mi tôi mới mua. Nếu tôi không chợt nhớ ra rằng ông là thầy của tôi, chắc tôi đã mời ông đi uống cà phê. Cuộc gập gỡ đó đã cách đây vài tháng rồi. Và bây giờ Han-san, người thông tin chính thức của thiền viện, đang triệu tập tôi đến gập ông một cách chính thức.


 

 Tôi chải đầu, rửa tay, thay áo mới, và vội vã đi đến nhà ông. Trên đường đi tôi bồn chồn lo lắng. Có thể rằng ông đang muốn cho tôi đi ra, vì những tội đi nhà tắm công cộng, cuối tuần đi Kobe rong chơi, ngủ gục và mơ mộng trong thiền đường, và thường xuyên cáo bệnh để tránh thời thiền sớm buổi sáng, tất cả những cái đó đủ là lý do để cho tôi đi chỗ khác. Trước thềm nhà ông tôi thấy đôi giầy to của Peter đứng gần bên đôi guốc của vị thầy và vị sư trưởng. Lòng đầy lo âu tôi quỳ xuống nơi cửa phòng khách của vị thầy, nói lời chào hỏi .


 "Vào đi," vị thầy nói, chỉ chỗ cho tôi ngồi. Không có gối nệm nào dành cho tôi. Cả vị sư trưởng và Peter cũng không được ngồi trên gối nệm. Một vị thiền sư chỉ cho một người đệ tử gối ngồi khi nào người đó đã hoàn tất công trình tu tập, và tuy rằng vị sư trưởng đã giải xong những công án, điều đó không có nghĩa là ông được lên địa vị của một vị thầy. Ông vẫn còn phải chứng tỏ rằng ông đang vận dụng được trí huệ chứng ngộ được từ những công án. Thiền sư không bao giờ vội vã, và người đệ tử, nếu đã ở trong những chặng cuối cùng của sự tu tập, cũng không vội vã. Mọi sự sẽ đến, nếu chúng ta làm hết sức. Và nếu nó không đến, cũng không hề gì.


 "Chúng tôi gọi anh đến," vị thầy nói, "bởi vì anh đã ở đây được một năm với chúng tôi. Anh chỉ cần ở tám tháng và chúng tôi đã thêm vào đó một ít tháng nữa. Anh chưa bao giờ đến nói với chúng tôi rằng anh muốn ra đi, nên chúng tôi coi như là anh muốn tiếp tục tu tập. Nhưng bây giờ chúng tôi muốn thay đổi một chút chương trình tu học của anh."


 

 Ông ngừng lại một chút để Peter thông dịch. Sau vụ hiểu lầm trong khoá Rohatsu kỳ rồi ông không muốn có chuyện tương tự xẩy ra nữa.


 "Ở chùa," vị thầy tiếp tục, "anh sống giữa những người Nhật. Chúng tôi có một lối sống và suy nghĩ khác với lối của anh. Trên căn bản, mỗi người đều có phật tính như nhau, nhưng bề ngoài chúng ta khác nhau. Vị sư trưởng và tôi hiểu được một phần những gì anh đang trải qua trong nội tâm, và nếu chúng tôi không có việc gì khác để làm, chắc chúng tôi sẽ cho anh học nhanh hơn một chút. Nhưng dù cho chúng tôi có thì giờ hơn chúng tôi cũng vẫn là những người Nhật, và có thể rằng anh không hiểu được chúng tôi vì hai bên có những nghĩ tưởng khác nhau. Khi tôi nói về một con hạc trắng anh có thể tưởng đến một con cò, không phải lúc nào hai bên cũng nghĩ giống nhau được."


 Ông lại ngừng, và Peter thông dịch trong khi vị sư trưởng rót trà. Vị thầy nâng chén lên và chúng tôi làm theo, uống trà đúng với lễ nghi, với hai khuỷu tay nâng lên để cho hai tay áo dài của vị thầy và vị sư trưởng rũ xuống thật đẹp mắt, rồi chúng tôi đặt chén xuống gọn gàng trước mặt. Vị thầy lại nói tiếp:


 "Từ trước tới nay sư trưởng, một trong hai đệ tử cao cấp nhất của tôi, đã chỉ dẫn cho anh (Peter và vị sư trưởng mỉm cười nhưng vị thầy đưa mắt nhìn họ mỉa mai và nói rằng ông dùng chữ "cao cấp" bởi vì ông chưa nghĩ được chữ nào thích hợp hơn). Bây giờ tôi muốn thay đổi một chút. Tôi muốn Peter học cách để hướng dẫn một người sơ cơ như thế nào. Làm như vậy anh ta sẽ học thêm được và anh cũng không có gì thiệt thòi. Vì vậy bây giờ tôi không muốn anh ở trong thiền viện nữa mà dọn ra ngoài với Peter. Anh ta sẽ cho anh ăn ở và sẽ tính tiền trọ với anh. Về phần anh sẽ phải cư xử như là một đệ tử của anh ta, tuy rằng anh vẫn là đệ tử của tôi. Tôi muốn gập anh ở đây mỗi buổi sáng và buổi tối anh cũng sẽ đến thiền. Còn ngoài ra trong ngày Peter sẽ quyết định giờ giấc của anh, cũng như phải thiền lúc nào."


 Ông nhìn tôi , đôi mắt đen sắc bén như muốn soi thấu tâm can, nhưng tôi không nhìn xuống. Tôi cũng đã không nhìn xuống trong những lần tham vấn với ông, khi ông hỏi tôi câu trả lời cho công án là gì.

 

 "Hãy suy nghĩ kỹ rồi cho chúng tôi biết quyết định của anh, hôm nay hay ngày mai."


 "Không cần phải nghĩ gì cả," tôi nói. "Nếu Peter bằng lòng tôi sẽ làm như thầy nói."


 "Vậy là được rồi," vị thầy nói. "Nhưng trước khi anh đi tôi muốn kể cho anh một câu chuyện ngắn. Có thể anh cũng biết chuyện này rồi. Anh có biết chuyện một người đi ra chợ mua một con quỷ về không?" Tôi không biết, và vị thầy bảo chúng tôi ngồi thoải mái; rồi ông châm một điếu thuốc, và cho phép chúng tôi cũng được hút thuốc luôn. Peter đi lấy gạt tàn, vị sư trưởng rót thêm trà, rồi mời chúng tôi ăn bánh ngọt lấy từ một cái hộp chạm trổ thật đẹp mà sáng nay một bà cụ đã đem đến biếu vị thầy.

 


 Khoảng hai trăm năm về trước có một trưởng giả sống trong một căn nhà lớn không xa đây lắm. Một hôm ông đi chợ thấy có một con quỷ ở trong lồng; một con quỷ có đuôi, da mầu vàng, hai răng nanh dài nhọn hoắt -- trông nó to bằng một con chó lớn. Con quỷ ngồi yên lặng trong một chiếc lồng tre, gậm nhấm một miếng xương. Cạnh chiếc lồng một người bán hàng đang đứng nhìn đám đông và vị trưởng giả hỏi ông xem có mua được con quỷ đó không.


 

 "Dĩ nhiên," người bán hàng nói. "Nếu không tôi đã chẳng đến đây. Con quỷ này tốt lắm, mạnh mẽ, siêng năng, và làm bất cứ cái gì cũng được. Nó biết làm nghề mộc, làm vườn giỏi, nấu ăn, may vá quần áo, đọc truyện cho ông nghe, chẻ củi, và nếu nó chưa biết làm gì thì nó sẽ có thể học được. Và tôi cũng không ra giá nhiều đâu, nếu ông trả tôi 50,000 yen (khoảng 50 bảng Anh) thì tôi sẽ bán cho ông."



 Trưởng giả không kỳ kèo và trả bằng tiền mặt. Ông muốn đem con quỷ về nhà ngay.


 "Khoan đã," người bán hàng nói. "Vì ông không trả giá nên tôi mới nói cho ông cái này. Xem đây, nó là một con quỷ, và ông cũng biết loài quỷ không tốt gì đâu, phải không?"


 "Nhưng anh nói nó là một con quỷ tốt lắm mà," trưởng giả nói một cách bực tức.


 "Chắc chắn rồi," người bán hàng nói. "Đúng thật như vậy. Nó là một con quỷ giỏi lắm, nhưng nó không tốt gì đâu. Con quỷ bao giờ cũng là con quỷ. Ông có thể mua được một món hàng tốt đấy, nhưng với điều kiện là ông phải bắt nó làm việc luôn luôn. Mỗi ngày ông phải ra lệnh cho nó làm gì, chia thời giờ ra để phân việc như là từ mấy giờ đến mấy giờ thì chẻ củi, xong đi nấu ăn, và sau bữa cơm thì cho nó nghỉ ngơi nửa tiếng, nhưng phải nằm nghỉ thực sự, rồi sau đó đi làm vườn v.v... Nếu để nó nhàn rỗi, nếu nó không biết phải làm gì, thì nó sẽ rất nguy hiểm."


 "Nếu chỉ có vậy thì không sao," trưởng giả nói, rồi đem con quỷ về nhà. Mọi sự diễn tiến tốt đẹp. Mỗi buổi sáng trưởng giả gọi con quỷ đến và nó sẽ quỳ xuống ngoan ngoãn. Trưởng giả sẽ đọc cho nó chương trình trong ngày, và rồi con quỷ sẽ bắt đầu làm việc cho đến hết ngày. Nếu nó không làm việc thì nó nghỉ ngơi hoặc chơi gì đó, nhưng bất cứ nó làm cái gì cũng là theo lệnh của chủ.


 Sau đó vài tháng, một hôm trưởng giả bỗng gập một người bạn cũ trong thành phố, và bởi vì gập lại bạn một cách bất ngờ nên ông mừng rỡ quá, quên hết tất cả. Ông dẫn bạn đến quán cà-phê và họ uống rượu sake, hết chén này đến chén khác, rồi họ ăn một bữa linh đình và uống thêm rượu , cuối cùng họ đi đến xóm liễu chơi, quên cả đường về. Ngày hôm sau trưởng giả thức dậy muộn trong một căn phòng lạ; đầu tiên ông quên mất ông đang ở đâu nhưng rồi dần dần nhớ ra mọi sự và ông chợt nghĩ đến con quỷ. Bạn ông đã đi khỏi rồi, ông trả tiền cho mấy người đàn bà, trông khác hẳn với hình ảnh tối hôm trước, rồi vội vã quay trở về nhà. Khi về đến vườn nhà ông thấy một mùi khét ngẹt và khói bay lên từ nhà bếp. Ông nhẩy xổ vào trong nhà, thấy con quỷ đang ngồi trên sàn bếp gỗ. Nó đang nhóm lửa quay một đứa trẻ con hàng xóm trên một cái xiên."


 


 Vị thầy biết cách kể chuyện, khiến tôi cảm thấy rợn tóc gáy. Peter nói với tôi sau đó rằng anh đã nghe chuyện này rồi , nhưng chưa bao giờ thấy ghê rợn như lần này. Khi tôi chào vị thầy ông đã trở lại bộ mặt lão ông hiền lành tử tế như cũ và vỗ vai tôi. Toàn là đóng kịch cả, tôi cay đắng nghĩ thầm. Ba diễn viên phỉnh phờ một thằng ngố. Ba con mèo vờn một con chuột. Trong khi tôi ở trong vườn cố gắng làm hết sức mình, ba người họ ngồi đây cười với nhau khoái chí. Đời chỉ là một trò đùa. Mất bao nhiêu công sức để chỉ tìm ra một câu trả lời như vậy sao. Con quỷ không tốt thật, nhưng người nào nghĩ ra con quỷ cũng chẳng tốt gì. Hay là tôi phải quên đi những ý nghĩ lẩn quẩn về sự tạo dựng của vạn vật? Tạo hóa tạo ra trái đất này, và cùng với trái đất ông đã tạo nên những khả năng làm những trại tập trung, sự đau đớn trong tất cả mọi hình thức, cái chết, sự đau khổ ngập tràn. Có lẽ rằng đã không có tạo hóa nào cả, và cũng có thể rằng không có gì đã được tạo ra cả. Và nếu tôi chưa bao giờ được tạo ra, do đó không thực sự hiện hữu, thì điều đó có nghĩa lý gì nếu tôi tốt hay không tốt. Hay thực ra là không phải như vậy? Vừa lắc đầu, vừa lẩm bẩm, tôi gập Han-san đang nhìn tôi bằng cặp mắt lo lắng và muốn biết chuyện gì đã xẩy ra.


 "Như vậy anh vẫn tiếp tục đến đây mỗi ngày," anh nói, tỏ vẻ vui mừng. Hình như tôi đã chiếm một phần quan trọng trong cuộc đời của Han-san. Có lần anh còn giải thích với tôi điều đó. Anh nói, anh ái mộ tôi, bởi vì tôi biết làm nhiều thứ và tôi cũng hiểu biết nhiều. "Nhưng như vậy thì sao?" Tôi hỏi, vì tôi cũng nghĩ là anh biết nhiều, và làm nhiều được hơn tôi. Anh có thể ngồi yên suốt giờ này qua giờ khác, sửa tường, viết chữ Nhật và chữ Hán bằng cọ, và có lẽ còn giải được công án nữa.


 Han san nhún vai nói. "Có gì đâu, ai cũng có thể làm chuyện đó được mà. Và tôi cũng không biết nhiều gì về công án. Nhưng còn anh, anh biết lái xe này, anh du lịch nhiều nơi, biết tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng mẹ đẻ của anh nữa, và anh có những quyển sách tôi không thể đọc được, anh cũng không nề hà khi phải đối phó với bất cứ người nào, và anh đã tự nguyện vào tu viện này. Nếu tôi không bị bắt buộc vào đây, chắc tôi chẳng bao giờ có ý tưởng này đâu."


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng