Con cá khát nước

11 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 8562)




Con Cá Khát Nước

 


 

 Trong khi quan sát cách hành xử hàng ngày của vị sư trưởng tôi dần dần nhận thấy ông có nhiều đặc tính khác nhau. Trong những đặc tính đó, sự tự tại của ông làm tôi thấy khâm phục nhất. Chính ông, chứ không phải là vị thầy, là cái gương để tôi theo trong đời sống hàng ngày. Tôi nghĩ chắc ông cũng biết ông đang phải làm gương, không chỉ cho tôi, mà còn cho bất cứ những ai có liên hệ gì đến tu viện. Trong đời sống kỷ luật khép kín này tự đồng hóa mình với một người khác rất nguy hiểm, vì nếu người kia làm một điều gì không thể chấp nhận được đối với người đang bắt chước, cái gương kia sẽ sụp đổ và vỡ tan thành trăm mảnh và theo đó là hình ảnh thần tượng, cũng như tất cả hệ thống kỷ luật sẽ bị tan rã và biến thành vô nghĩa. Có lẽ biết vậy nên vị sư trưởng đã cố tránh mọi hành vi nào bất thường. Ông tuân theo luật lệ của tu viện một cách chặt chẽ và dậy sớm hơn mọi người. Ông đi ngủ trễ hơn. Trong lúc thiền ông ngồi yên bất động, đánh chuông thật đúng giờ, và trong những bữa ăn chung với mọi người trông ông có vẻ như kiểm soát tất cả những cử chỉ của mình. Tuy nhiên, ông không có vẻ gì là cứng nhắc cả. Ông lướt qua cuộc đời một cách dễ dàng, tự do, lúc nào cũng tử tế, trầm lặng, có thể nói là không để tâm đến gì hết và thản nhiên trước mọi sự. Không có gì đụng chạm đến ông được. Khi tôi cố bắt chuyện nói với ông, ông lắng nghe vài phút rồi đưa tôi trở về với bất cứ điều gì tôi đang làm lúc đó. Nếu ông muốn nói chuyện gì ông sẽ chọn lúc, và chọn nơi để nói. Ông là người làm chủ tình thế, điều rất ít người có thể làm được.



 Bên dưới bề ngoài đứng đắn nghiêm chỉnh đó, tôi còn thấy được một đặc tính khác của ông qua ánh mắt diễn tả. Nếu nói ông là vô tình thì nghe không tốt lắm, có lẽ là "không dính mắc" thì đúng hơn. Trông ông có một vẻ hoàn toàn tự do tự tại, nhưng mặc dù vậy, ông vẫn quan tâm đến người khác cũng như những hoạt động ông có tham dự vào. Dáng đi của ông trông thật đẹp mắt, như là đi trên những lò so mềm mại nhưng rắn chắc mà ông hoàn toàn chế ngự được. Nếu ông đi hơi lố hơn một chút thì trông sẽ thành ra kỳ cục, ngớ ngẩn, nhưng điều đó không có. Mọi cử chỉ hành động của ông đều thật đúng đến nỗi đâm ra có một vẻ gì sai lạc trong đó: đó cũng là một nét cơ bản trong thiền.



 Khi tôi gập ông, ông đã hoàn tất xong lịch trình tu thiền, những công án của ông. Ông không cần phải đến thăm vị thầy mỗi ngày để chứng tỏ sự tiến bộ (hay dật lùi) như chúng tôi, nhưng ông lúc nào cũng kề cận với vị thầy. Chúng tôi, những người đệ tử, phải vào tham vấn với thầy mỗi ngày trong buổi sớm tinh mơ, phải đánh vật với công án và cố tìm kiếm chỗ mở mà cũng không mở đang ẩn dấu ở đâu đó. Nhưng ông thì đã ở đó rồi.



 Khi chúng tôi rời thiền đường để vào tham vấn với vị thầy, vị sư trưởng vẫn ngồi nguyên một chỗ, yên lặng, đôi mắt dán chặt xuống đất. Nếu thiền viện này áp dụng kỷ luật nghiêm ngặt, ông đã phải ra khỏi thiền viện, bởi vì một người đệ tử khi đã giải xong được công án cuối cùng không được phép ở lại qua sở phí của thí chủ. Mỗi một xu thiền viện nhận lãnh là một món quà, trực tiếp như tiền mặt hay chi phiếu bỏ trong phong bì, hoặc là qua khất thực, mà những vị sư ngày nào cũng phải đi. Mỗi buổi sáng họ đi qua đường phố, ôm bình bát, đợi một cách kiên nhẫn cho mọi người đến bố thí -- họ không bao giờ trực tiếp đến xin ai cả. Trong khi đi khất thực họ kêu to lên "HOOOO!" để mọi người để ý đến và thường khi nếu có ai muốn đến bố thí cúng dường cũng khó bắt kịp họ vì họ mải tập trung vào tiếng "Ho", nên như mơ mẩn ở đâu đâu. Tôi nghĩ vị thầy không để cho vị sư trưởng đi vì cần đến ông ta. Vài năm trước đây, vị thầy đã bị một cơn chấn động tim nhẹ và bây giờ ông phải lo giữ gìn sức khoẻ, cần đến năng lực của vị sư trưởng này.


 Tôi cũng được nghe kể chuyện vị sư trưởng đã đến thiền viện như thế nào. Ông là con một của một cặp vợ chồng cùng là bác sĩ. Cha mẹ ông rất nuông chiều ông, họ giầu có và thường đi vắng nhà. Ông có một cái xe gắn máy đắt tiền, là thành viên trong những câu lạc bộ thể thao; trong nhà có một số phòng dành riêng cho ông, và có hai người hầu chuyên săn sóc cho ông. Bỗng một ngày kia cha mẹ ông bị tai nạn xe cộ cùng chết một lúc. Lúc đó ông mới mười sáu tuổi, và cơn chấn động đó đã quá mãnh liệt đối với cậu bé bấy giờ. Tinh thần sụp đổ, đã nhiều lần cậu tìm cách tự tử, và trong những ngày đen tối đó vị thiền sư đã như một điểm sáng, một tảng đá vững chắc cho cậu bé nương tựa. Cậu đã biết vị thầy vì cha cậu trước đây thường hay đến chùa, tập thiền chung với các vị sư và tham gia tích cực vào hoạt động của chùa. Khi cậu đến gập vị thầy để thảo luận về cái chết của cha mẹ, cậu đang ở trong một trạng thái nổi loạn. Cậu không muốn hỏi vị thầy gì cả, mà chỉ muốn đến nói rằng cuộc đời này thật là bất công và không có ý nghĩa gì cả. Tại sao một thiếu niên mười sáu tuổi như cậu bỗng nhiên lại phải mất cha mẹ? Tại sao cậu lại sinh ra làm gì? Nếu mọi sự đều phải chấm dứt, đều phải bị hủy diệt, tại sao phải tham dự vào cái gì, tại sao phải sống làm gì?


 "Phải," vị thầy nói, để cho đứa con trai trở về nhà. Nhưng cậu cứ tiếp tục đến hoài cho đến khi vị thầy mất kiên nhẫn. "Nếu con cứ đến đây để than phiền thì con ở nhà đi, đừng đến làm gì. Con muốn gì ở ta?"


 "Con muốn biết," đứa trẻ nói, "Tại sao con phải bị đau khổ. Con muốn thầy nói cho con biết."


 "Ta sẽ không nói cho con biết được."Vị thầy nói, "Chính tự nơi con đã có câu trả lời. Và nếu con muốn, con có thể nói cho ta biết câu trả lời ấy."


 "Con biết thầy muốn nói gì," đứa trẻ nói, "Thầy sẽ bảo con đi tu để thành một vị sư, rồi thầy sẽ đưa cho con một công án, và con sẽ phải tập thiền và tự vá lấy quần áo, mỗi 9 ngày mới được ngâm nước tắm một lần. Tại sao con phải làm như thế nhỉ? Cái trữ nghiệp của con, cái quả con được hưởng từ bao nhiêu kiếp trước, tốt lắm mà. Con giầu, có nhà to cửa rộng. Con thông minh, con có thể đi vào đại học theo nghề y khoa như cha mẹ con trước đây. Con có thể có bạn gái rồi có con, và con của con cũng sẽ giầu có như con vậy. Thế thì tại sao con phải từ bỏ hết những điều đó để đi tìm một cái gì mà thầy nói là con đã biết rồi?"


 "Nếu vậy, thì thôi." Vị thầy nói. "Ta không bao giờ bảo con phải đi tu . Con có thể làm bất cứ cái gì con muốn. Nhưng ta không muốn con đến đây nữa; ta bận lắm , không có giúp gì con được đâu."


 "Nhưng nếu con đi tu thì thầy có thì giờ cho con không? Nếu vậy thầy có sẽ giúp con đến được cái điểm mà thầy nói là con đã đến rồi?"


 "Ta chắc ta sẽ phải làm vậy," vị thầy nói. "nhưng con giống như một con cá đang khát nước vậy."



 Thế rồi dần dà ông cũng trở thành một vị sư, nhưng ông đã bỏ chùa ba lần và rồi lại trở lại ba lần. Chắc ông cũng gập nhiều khó khăn với công án của ông, bởi vì sau vài năm ông đã phải dùng đến những phương pháp thật là cực đoan. Ông không chịu đi ngủ nữa mà chỉ ngồi tham thiền suốt ngày đêm trên một tảng đá trong vườn, với một sô nước bên cạnh để vốc nước vào cho được tỉnh táo.



 Khi tôi gập ông thì ông đã không còn những dấu hiệu gì của một thời sôi nổi đó nữa. Tôi không tưởng tượng được rằng con người trầm lặng, đầy năng lực này đã từng là một thanh niên nóng nẩy ngang tàng.Tôi nói với vị thầy rằng sự thay đổi toàn diện này cũng giống như sự tái sinh lại trong một kiếp người. Vị thầy lắc đầu, "Anh phải quên sự tái sinh đi. Trong Ấn độ giáo người ta nói rất nhiều đến Atman, cái chân ngã không bao giờ thay đổi. Chân ngã đó đã sống qua vô lượng số kiếp và mỗi lần qua một kiếp như vậy lại tiến gần hơn đến sự thể nhập Thượng đế, để rồi sau bao nhiêu thanh lọc từ vô số kiếp, nó sẽ sống một đời sống cuối cùng trước khi nhập vào Niết bàn, là chốn thiên đàng đích thực, là cõi giới của chính Thượng đế. Nhưng đạo Phật không vướng mắc vào một lý thuyết nào cả, kể cả cái lý thuyết về một chân ngã thể nhập Thượng đế. Tất cả chỉ là giả tạm, huyễn ảo, ngoài tầm tay với của chúng ta, kể cả một thể của Thượng đế. Không có gì tồn tại, đã tồn tại, hay sẽ tồn tại. Nhưng khi chúng ta bắt đầu suy xét, dùng lý trí để suy luận, chúng ta nghĩ đến "cái này" hay "cái kia", và khi nghĩ đến "không" chúng ta lập tức phản đối và đem cái "có" ra để đối chọi. Rồi chúng ta tưởng tượng ra một khoảng không trống rỗng và bị kẹt trong khoảng không đó. Một đứa con trai nóng nẩy ngang tàng trở thành một người đàn ông chững chạc quân bình là một diễn tiến hay để theo dõi, nhưng cũng không phải là quan trọng. Cái lý thuyết về một người sống nhiều kiếp, và những kiếp đó đều liên hệ và hòa nhập vào với nhau, có biết đến cũng hay. Nhưng chúng ta, trong thiền viện này, không chủ trương phân tích về tâm lý, cũng không phải là một trường học về triết lý. Nếu anh thích thú về triết lý và tôn giáo đông phương, nếu anh muốn học về sự tái sinh và nghiệp quả, anh có thể ra khỏi cổng chùa này, rẽ trái hai lần rồi rẽ phải ba lần, anh sẽ đến ngay trước cửa trường đại học Kyoto. Ở đó có những giáo sư có thể trả lời những câu hỏi của anh, nhưng khi phân tích những câu trả lời này, chúng lại sẽ đưa đến những câu hỏi khác. Trí thức là một công cụ tốt đẹp và có một mục đích nào đó, nhưng ở đây anh sẽ khám phá ra một công cụ khác hơn. Khi anh giải được công án anh sẽ có được những câu trả lời không đưa đến những câu hỏi khác."


 "Phải," tôi nói, "đó là điều tôi muốn tìm kiếm, trí huệ."



 Vị thầy nhìn tôi một cách hiền từ.


 "Trí huệ, tự nó, cũng chẳng có gì quan trọng. Tôi muốn anh chỉ cho tôi thấy trí huệ của anh."




 Trên đường đến nhà tắm hôm đó tôi gập một giáo sĩ Thiên chúa đến từ Đức, thuộc giòng Jesuit, hiện đang dậy học cho một trường đạo của Nhật. Các vị sư đã chỉ cho tôi thấy ông trước đây, khi ông đi ngang qua, nhưng tôi chưa bao giờ giáp mặt với ông. Hôm đó ông chận tôi lại và hỏi thăm tôi thấy thiền viện thế nào.Trong những ngày đó, tôi đang sắp sửa trở thành một tên cuồng tín bởi vì càng hiểu thêm về đạo Phật, hay nghĩ là tôi hiểu về đạo Phật, tôi càng cảm thấy chắc chắn rằng đây là con đường duy nhất, đây là tôn giáo giác ngộ và hữu hiệu nhất trên đời này. Và nếu đạo Phật là đúng, thì những tôn giáo khác đều là sai cả, nhất là đạo Thiên chúa với những ý niệm của họ về thiên đường và địa ngục, với Đức Chúa Cha và Chúa Trời của họ và những định nghĩa về tội lỗi và sự trừng phạt của họ. Ông giáo sĩ đột nhiên đến chận đường tôi lại này, trông như một thằng hề đối với tôi. Tại sao ông ta lại tin tưởng vào một chủ thuyết bởi vì có một người ở bên Ý nói rằng đó là chân lý? Không, tôi không có dại vậy. Tôi được phép, và tôi còn bị bắt buộc, phải tự tìm ra tất cả cho mình, và tôi chỉ tin tưởng và chấp nhận những gì tôi thấy tin tưởng và chấp nhận được, và ngày mai nếu tôi hiểu biết được những gì mới mẻ hơn tôi sẽ tin vào những điều khác bây giờ. Đối với vị giáo sĩ này, Christ, một nhân vật mơ hồ từ một quá khứ xa xôi, là hiện thân của thượng đế, là đấng cứu thế, là bậc tiên tri đem lại một thông điệp mà ông ta phải tin tưởng vào một cách vô điều kiện. Trong khi Đức Phật, tuy cũng là một nhân vật mơ hồ từ một quá khứ xa xôi, nhưng không hề có những sự khoe khoang. Ngài chỉ nói rằng có một giải pháp cho tất cả những vấn đề của con người và giải pháp này có thể được tìm thấy qua một cách sống nào đó, bằng sự tham thiền, bằng sự tỉnh thức, bằng chánh niệm.



 Christ luôn luôn nói về Đức Chúa Trời, về một Thượng đế. Phật không bao giờ phủ nhận sự hiện hữu của một Thượng đế nhưng ngài cũng không xác nhận điều đó. Và như vậy có vẻ hợp lý hơn; tại sao chúng ta lại phải cố tìm hiểu một điều gì chúng ta sẽ không bao giờ có thể hiểu được? Thực tế hơn là cố đi đến một điểm nào đó, bằng ý thức tự giác, để đạt được trí huệ, và tìm những phương cách để đạt đến giác ngộ qua kỷ luật áp dụng trong đời sống hàng ngày.


 Tôi thấy tội nghiệp vị giáo sĩ này, một người làm công cụ cho một tổ chức kinh doanh đầy cạnh tranh, một công ty không có tương lai, một nhà thờ có số phận bị khai tử. Tôi bỗng nẩy ra ý tưởng muốn đổi đạo cho ông.



 Vị giáo sĩ không tỏ vẻ gì là cảm thấy sự thương hại đầy ác ý của tôi. Ông có vẻ thán phục khi tôi nói cho biết tu thiền khó khăn và chông gai như thế nào.


 Ông nói, "Ngủ 4 tiếng một đêm ít quá nhỉ!"



 Sau này, tôi được nói cho biết rằng, trong những tu viện thuộc giòng Jesuit sự tu tập cũng nghiêm khắc tương tự như tu thiền, nếu so với lịch trình hàng ngày. Những giáo sĩ Jesuit tự đánh mình bằng roi, còn những vị sư đánh lẫn nhau bằng gậy khi hành thiền. Cả hai cách đều đau cả. Sau đó tôi thường gập vị giáo sĩ nhưng không dám nói chuyện với ông nữa. Những người biết ông nói rằng ông rất khiêm nhường. Ông đã đậu hai bằng đại học, và những bài giảng của ông nghe nói là rất xuất sắc. Mỗi ngày ông thiền ít nhất là hai tiếng, thường thì lâu hơn nhiều, vì khi trường đóng cửa nghỉ ngày lễ hay cuối tuần, ông hay rút vào phòng và chỉ ra khi nào người ta cần đến ông. Các vị sư xem ông là một người thánh thiện và khi ông đến thăm thiền viện, đích thân vị thầy mời ông vào phòng riêng tiếp, chứ không phải vị sư trưởng.

 


 Ở Hokkaido, miền bắc nước Nhật, có một thiền viện nhỏ, trong đó vị thầy là người không biết chữ. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân và được đưa vào chùa từ khi còn rất nhỏ. Ông chưa bao giờ học đọc và viết, nhưng đã hoàn tất công trình tu tập với công án và đã đạt được sự giác ngộ hoàn toàn.


 Đối với ông, Phật giáo là tôn giáo duy nhất, và ông không hề biết rằng có những tôn giáo khác nữa, cho đến khi ông nghe những vị sư khác bàn tán về đạo Thiên chúa.


 Một trong những vị sư trong chùa đã từng học tại trường đại học Tokyo, và vị thầy nhờ ông giải thích về đạo Thiên chúa.


 Vị sư nói, "Con không biết nhiều về đạo Thiên chúa, nhưng sẽ đem cho thầy quyển sách thiêng liêng của đạo này."


 Vị thầy bèn gởi ông ta đi đến thành phố gần nhất để mua sách, và ông trở về với một quyển thánh kinh trên tay.


 "Quyển sách đó dầy quá," vị thầy nói, "mà ta lại không biết đọc nữa. Thôi hãy đọc cho ta nghe một vài đoạn."


  Vị sư kia biết về Thánh kinh, nên đọc đoạn nói về Bài Giảng trên Núi. Vị thầy càng nghe càng say mê, nói liên hồi, "Đẹp thay!" Khi vị sư đọc xong đoạn đó, vị thầy ngồi im lặng không nói gì. Sự im lặng kéo dài đến nỗi vị sư để quyển Thánh kinh xuống, xếp chân lại theo thế kiết già và bắt đầu ngồi thiền. Cuối cùng, vị thầy nói rằng, "Phải rồi. Ta không biết ai đã viết những điều đó, nhưng bất cứ người đó là ai, họ phải là một vị Phật hay Bồ tát. Những gì con vừa đọc đó chính là chỉ yếu của mọi điều ta đang cố dậy cho các con đó."


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng