Lạc lối Bát chánh đạo

11 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 8906)




Lạc lối Bát chánh đạo

 

 

 

 Ở Ấn độ có một vị ẩn sĩ đang ngồi thiền bên bờ sông, bỗng có một thanh niên đến quấy rầy, Thanh niên quỳ xuống nói:


 "Bạch thầy, con muốn xin làm đệ tử của thầy."


 "Tại sao?" vị thầy hỏi.


 "Bởi vì con muốn đi tìm Thượng đế."


 Vị thầy nhẩy lên, nắm lấy cổ áo thanh niên nọ rồi lôi anh ta đến giòng sông và ấn đầu anh xuống nước. Sau một phút vị thầy buông người thanh niên ra và kéo anh ra khỏi giòng sông. Thanh niên phun nước trong miệng ra ngoài và ho sặc sụa. Một lúc sau anh mới ngồi yên.


 "Trong khi bị trấn nước như vậy anh muốn gì nhất trên đời?" vị thầy hỏi.


 "Không khí." Thanh niên nói.


 "Tốt lắm," vị thầy nói. "Hãy trở về bất cứ nơi nào anh đã ở trước nay, và chỉ quay lại đây khi nào anh muốn Thượng đế nhiều như anh đã muốn có không khí lúc nẫy vậy."


 

 Tôi không đến thiền viện để tìm Thượng đế. Tôi muốn tìm một giải thích thỏa đáng cho sự hiện hữu, một giải thích thật rõ ràng để tất cả những thắc mắc của tôi sẽ tự rơi rụng đi hết. Tôi muốn biết tại sao mọi sự lại khởi sinh , bởi vì tôi không hiểu, tại sao có khởi sinh để rồi khởi diệt. Tại sao phải khó nhọc, phải khổ công đi tìm kiếm một điều gì không thể tìm được? Có lẽ câu giải đáp cũng sẽ tương đương như cái ý niệm về "Thượng đế", nhưng điều đó không làm tôi trở thành một kẻ đi tìm Thượng đế; tôi muốn tự mô tả mình như một tâm hồn đang hốt hoảng thì hơn. Nhưng dù tôi là gì chăng nữa, là người đầy nhiệt tâm hay đang hốt hoảng, tôi cũng đã và đang muốn tìm kiếm một điều gì. Tôi đã đến được một vị thầy có thể có được điều tôi muốn tìm kiếm, hay ít nhất cũng biết con đường để đi tới đó. Ông đã chỉ con đường đó cho tôi nhưng tôi lại không theo.



 Trong những ngày tháng tiếp theo khóa Rohatsu, tôi làm đủ mọi thứ việc linh tinh. Tôi đã tìm được những cách để đời sống trong tu viện dễ chịu hơn. Khi tôi "thiền", tôi không cố tập trung tư tưởng nữa. Tôi đếm thời gian, ước lượng xem còn bao nhiêu lâu nữa đến tiếng chuông giải thiền, rồi ngủ gục, luyện thân mình tôi để khỏi ngã xuống khi tôi ngủ, và mơ mộng. Tôi tưởng tượng đủ mọi thứ tưởng tượng được trên đời cho thời gian qua đi. Cơn đau không còn quấy rầy tôi như trước và tôi bắt đầu thưởng thức được thế ngồi thăng bằng, mà không thấy đau nhức ở chân hay ở lưng. Tôi ăn ngon lành những món ăn ở các tiệm quanh khu vực như bác sĩ đã cho phép. Sau một bữa ăn ngon, thật là thú vị khi ngồi yên lặng hút thuốc và nhâm nhi ly cà phê. Tôi luôn luôn mang theo một quyển sách và thường ngồi đọc sách cả nửa tiếng sau đó. Những bài học Nhật ngữ mà tôi vẫn tiếp tục cũng rất thích thú; lối viết chữ theo hình tượng mà trước đây tôi thấy thật bí hiểm, giờ bắt đầu hiển hiện được ý nghĩa và tôi tập viết thật chuyên cần , hàng này qua hàng khác, trong những quyển vở. Giờ đây tôi có thể nói cho người khác hiểu được mình, và khi người Nhật, lúc nào cũng lịch sự, khen tôi đã có nhiều tiến bộ, tôi rạng rỡ lên với niềm tự hào. Và rồi tôi còn có nhà tắm công cộng, và có người giặt ủi quần áo cho tôi thật sạch sẽ. Tôi còn khám phá được một tiệm hớt tóc thanh nữ và đến đó thường xuyên để được cạo râu và xoa bóp những bắp thịt đàng sau ót.


 Một quyển sách về Phật giáo Tây tạng có nói rằng người nào biết tổ chức đời mình sẽ sống thoải mái được ở bất cứ nơi nào, kể cả địa ngục. Tôi hoàn toàn đồng ý. Tôi đã tự thu xếp để được thoải mái trong đời sống thiền viện.



 Tôi công nhận rằng tôi không thể giải được công án. Công án rất khó, ai cũng biết như vậy. Không ai chờ đợi là tôi sẽ giải được công án một cách nhanh chóng cả. Chẳng phải là có những vị sư tu thiền đã phải phấn đấu với công án cả mười sáu năm liền trước khi họ phá vỡ được bức tường vô hình đó sao? Và tuy là vị thầy vẫn cho tôi cái cảm tưởng mỗi ngày là ông chờ đợi tôi giải được công án ngay trong hôm đó, thì đó cũng chỉ là một phần trong trò chơi của ông thôi. Ông phải làm ra vẻ như là tôi sắp đưa cho ông câu trả lời ngay bây giờ và ở đây. Nhưng dĩ nhiên ông biết là tôi vẫn còn cách xa lắm với câu trả lời.


 Nhưng những khóa tiếp tâm vẫn tiếp tục đến mỗi tháng, chấm dứt sự thoải mái dễ chịu và bắt tôi phải nỗ lực tinh tấn. Trong thời gian có khóa sesshin không ai có thể trốn tránh được áp lực của thiền viện; những vị sư trẻ thấy những phương tiện trốn lánh của họ bị cắt đứt và họ phải gắng sức để hoàn tất một công việc vô vọng. Họ bị hết vị sư trưởng đến vị thầy thúc đẩy, bị đánh, bị mắng, và đôi khi tôi thấy mình tự ngồi thiền khi không ai bắt buộc ở trong phòng, hay ở ngoài vườn, cố gắng buông xả mọi vọng niệm và tìm cách nắm bắt lấy công án luôn luôn vuột ra ngoài tầm xa.



 Tôi để ý thấy những chú tiểu trẻ cũng tìm được những cách để lách qua những luật lệ trong thiền viện. Họ không thể như tôi đi đến những tiệm ăn hoặc nơi công cộng một cách công khai, bởi vì họ mặc áo nhà tu và cạo trọc đầu. Nhưng họ đều có quần áo thường phục, dấu ở đâu đó trong phòng, hoặc trong những xó xỉnh nào của thiền viện mà không ai ngó tới. Khi đã mặc bộ thường phục và đội mũ lên rồi, không ai sẽ nhận ra họ được, và tôi thấy họ trèo tường ra ngoài ban đêm. Họ còn có cả một cái thang nhỏ để làm việc đó.



 "Trèo tường ra ngoài rồi chú làm cái gì?" tôi hỏi Han-san, vị sư trẻ nhất, sau này đã thành bạn của tôi.


 "Đừng nói cho ai biết nhé," Han-san nói. "Chúng tôi đi xem ciné, và đôi khi đến quán rượu uống một ít rượu sake, nhưng khó lắm bởi vì ba giờ rưỡi sáng đã phải đi gập thầy và chúng tôi không thể thở ra đầy mùi rượu được. Đôi khi chúng tôi cũng đến nhà thổ nữa."


 "Mãy chú có tiền sao?"


 "Ở nhà gởi tiền cho chúng tôi. Mẹ tôi luôn luôn gởi đồ đến, thường là có những thức ăn đặc biệt, và đôi khi có phong bì tiền. Nhờ vậy tôi mới mua được bộ đồ mặc ngoài với cái mũ. Cha tôi không biết việc này, nhưng mẹ tôi tội nghiệp tôi, bà không muốn tôi phải đi tu như thế này. Và tôi cũng có một ông bác lâu lâu gởi tiền cho tôi, nhưng ông tưởng là tôi dùng tiền cho phật sự nào đó."


 Tôi không thể tin rằng vị sư trưởng lại không biết việc gì đang xẩy ra sau lưng ông. Chắc chắn là ông phải thấy cái thang rồi, vì ông biết từng ngõ ngách của thiền viện này. Và ông không những là người có trí huệ, mà còn rất khôn khéo nữa.



 Đôi khi chúng tôi được nghỉ ngày cuối tuần và tôi sẽ đi lên Kobe, đến nhà Leo Marks, nhưng sau vụ thăm viếng nhà thổ không có gì xẩy ra ở đấy có thể xúc phạm đến những quan niệm đạo đức hẹp hòi nhất. Leo hiển nhiên nghĩ rằng ông không có việc gì phải đưa tôi vào những cám dỗ, ông chỉ lo sao cho tôi ăn uống đầy đủ và không ai làm phiền đến tôi. Đôi khi chúng tôi đi bộ trong vườn nhà ông, hay trên bờ biển. Nhưng tôi thích thú nhất là thư viện của ông. Tôi không hay dậy quá trễ, và ngồi thiền ở trong phòng.


 

 Chúng tôi đang được một ngày nghỉ lễ. Tôi không nhớ là lễ gì; có lẽ là một ngày quốc lễ hoặc một ngày lễ gì đó của Phật giáo. Tôi biết Leo hiện không có mặt ở Kobe, và không biết phải làm gì với khoảng thời gian tự do bất ngờ này. Tôi đi lang thang vào thành phố không mục đích, tìm thấy một tiệm cà-phê có chơi nhạc jazz theo yêu cầu. Tôi tìm ra được một vài bản nhạc trumpet mà tôi còn nhớ từ những ngày ở Capetown và ngồi uống rượu whisky. Buổi chiều tôi xem những băng đảng Pháp đánh giết nhau trong phim mầu technicolor. Tôi lại uống rượu nữa và rồi quyết định đi thăm Gerald.


 "Anh lại uống rượu rồi," Gerald nói. "Có phải đang trốn khỏi thiền viện không? Tôi có cần phải dẫn độ anh về không đó?"



 Anh ta vẫn chưa quên được rằng anh đã là đệ tử của vị thầy trước tôi. Khi tôi nói với anh hôm nay là ngày lễ, anh cười rồi mời tôi vào trong nhà.


 Anh ta, cũng như tôi, đang ở trong một ngôi chùa, nhưng khác một điều là ngôi chùa này không phải là thiền viện. Vị sư trụ trì ngôi chùa này là một ông già giản dị, một vị tăng thân thiện, ít nói, đã chọn lựa con đường ít chông gai nhất sau khi ông hoàn tất ba năm ở thiền viện, một thời gian lâu lắm trước đây. Ông quản lý ngôi chùa này và cho thuê lại những phòng trong đó, trong khi có vài bà già không chồng lo việc dọn dẹp và nấu nướng cho chùa, để đổi lấy việc ăn ở không mất tiền.


 Ban quản trị của hệ thống Thiền tông, trong đó thiền viện của chúng tôi cũng trực thuộc, cho ông lãnh một số tiền mỗi tháng, vừa đủ để trang trải những sửa chữa và tiền thực phẩm. Ngôi chùa này cũng là một quốc tự cho nên chính phủ cũng chi cho ông một ít tiền nữa. Ngoài ra ông chẳng có việc gì để làm, và ông cũng chẳng làm gì cả. Lâu lâu cũng có một vị tăng khác đến thăm ông. Ông có một máy truyền hình, đọc báo, tham dự những buổi lễ trong chùa chính. Gerald nói ông chẳng bao giờ thiền cả, vì không ai nói ông phải thiền, thiền chỉ là bắt buộc trong thiền viện thôi. Mỗi buổi sáng ông làm một lễ ngắn trong chánh điện, mấy bà già cũng đến đó quỳ lậy kính cẩn ở đàng sau lưng ông chừng mười hai bộ. Ông sẽ tụng hai hay ba bài kinh, đánh chuông, cúi lậy đảnh lễ bàn thờ, rồi lại lúp xúp đi vào phòng. Căn phòng tốt nhất ở chùa được cho Gerald thuê, và anh trả với một giá cắt cổ trong thời đó là mười bảng Anh một tháng. Vị sư biết là khách tây phương thường hay thích về Thiền , nên đã sửa soạn sẵn phòng ốc theo kiểu tây phương, có giường và ghế ngồi, nhưng Gerald lập tức bỏ ngay những thứ này vì anh thích sống theo kiểu Nhật. Nhưng có một thứ rất hấp dẫn đối với tôi, đó là phòng tắm theo kiểu tây phương, và tôi sẽ muốn đi bộ cả một dậm rưỡi từ thiền viện đến chùa của Gerald để ngồi trong phòng tắm một cách thoải mái, hơn là đánh vật để ngồi được cho thăng bằng trong phòng cầu ở nhà. Gerald mời tôi ở lại dùng cơm tối và tôi phụ với anh rửa rau và cắt thịt trong căn bếp bé nhỏ, tân tiến với bếp gaz và tủ lạnh. Anh quan sát cách làm việc của tôi.


 "Anh biết không," Gerald nói. "Anh vẫn chưa học được gì nhiều. Cứ nhìn thì biết, anh chẳng có tập trung trong việc làm gì cả. Chưa rửa quả cà chua này xong, anh đã lo lấy quả khác. Anh làm tùm lum ra, vì cố làm hai thứ trong một lúc."


 Tôi đã quen bị chỉ trích nên không trả lời, nhưng sau bữa ăn, và sau vài chén rượu sake, tôi quay lại sự tấn công của anh



 "Thiền," tôi nói, "theo như tôi hiểu , là một cách tập luyện để tự quán sát mình, và không có gì hơn. Đức Phật đã tìm ra một con đường có thể đưa đến giải đáp được tất cả những câu hỏi trong đời sống, và con đường đó gọi là Bát chánh Đạo, con đường thiêng liêng và cao quý. Bát chánh đạo được định nghĩa rõ ràng từng phần là:


1. Chánh kiến (thông hiểu tứ diệu đế, biết rõ đời là khổ (khổ), nguyên nhân của sự khổ là dục vọng bất tận (tập), dục vọng đó có thể được giải trừ (diệt), và sự giải trừ đó được thực hiện qua con đường bát chánh đạo (đạo).)


2.Chánh tư duy (luôn luôn suy nghĩ theo hướng con đường đạo).


3. Chánh ngữ  (nói lời ái ngữ, không sỉ nhục hay làm thương tổn đến người khác bằng lời nói).


4. Chánh nghiệp (cố làm mọi việc thật tốt).


5. Chánh mạng  (kiếm sống bằng những nghề nghiệp lương thiện)


6. Chánh tinh tấn  (luôn luôn nỗ lực kiên trì)


7.  Chánh niệm (luôn luôn ý thức được tình thế hiện tại, để có thể kiểm soát và điều khiển được hành động của mình)

.

8. Chánh định.

 

"Có phải vậy không?"



Gerald xoay người trên sàn, rót đầy những chén sake và nói rằng tôi đã liệt kê một cách lớp lang và đều đều con đường bát chánh đạo đó.


"Tôi không thích sự liệt kê, sự đánh số này. Nhưng dĩ nhiên không có cách nào khác để hình dung, hay định nghĩa con đường bát chánh đạo. Nếu anh muốn nói đến chúng anh phải kể hết ra từng cái một. Nhưng thực sự ra cái thứ tự đó không đúng, một phút nào đó bước thứ hai là đúng, nhưng một phút sau bước thứ bẩy lại thích hợp hơn, đó là tôi chỉ nói một thí dụ thôi. Thật ra chúng ta cần hết cả tám bước này, tất cả mọi lúc, tất cả mọi thời trong ngày, bước này hổ trợ cho bước kia và chúng cùng trực thuộc vào nhau, giống như những sợi chỉ dệt đã giữ cho tấm vải được dệt thành.


"Phải," tôi nói, giọng nhừa nhựa, vì rượu sake đã không hài hòa được với rượu whisky tôi đã uống trước, dù cho chúng có cách nhau bằng một bữa ăn thịnh soạn. "Đó cũng là điều tôi muốn nói. Tất cả những bước này đều hợp vào với nhau, nhưng ở trong thiền viện chúng ta nghe được những gì? Chỉ có thiền, và thiền thôi. Và rồi công án, nhưng công án là đề tài để chúng ta thiền. Bao giờ cũng chỉ là bước thứ tám, không bao giờ thấy các bước kia, chỉ trừ những lúc như anh nói lúc nẫy là tôi đã không rửa cà chua được đúng cách, đó sẽ là bước thứ tư."


Gerald bắt đầu dọn dẹp bàn và đánh rơi, làm vỡ một cái đĩa .


"Đừng nói gì hết, chính tôi cũng không làm được gì cho tốt. Tôi đang sắp say, hay có lẽ đã say rồi, và có gì đó sai với bước thứ hai, thứ tư, thứ sáu và thứ bẩy của bát chánh đạo của tôi. Thế mà tôi đã tu bao nhiêu lâu rồi và được giao tiếp thường xuyên với một vị thầy. Thật là đáng buồn. Nhưng mọi sự là như thế, và tôi cũng không làm gì được hơn. Tất cả những gì tôi có thể làm được lúc này chỉ là ý thức rằng tôi đang sắp say, hay có lẽ đã say rồi, và đang cố làm sao cho tối nay không có việc gì xẩy ra."


"Hay lắm," tôi nói, "một thí dụ tốt đẹp của sự tự giác. Nhưng tôi đang hỏi anh một câu hỏi mà."


"Thiền hả," Gerald nói. "Giản dị thôi. Chỉ cần quán chiếu một chút tự anh sẽ có câu trả lời."


Câu trả lời của anh làm tôi khó chịu, vì đó là loại trả lời tôi vẫn hay gập phải ở đây. Kể cả khi tôi hỏi địa chỉ một nha sĩ vị sư trưởng cũng tìm đủ mọi cách để không cho tôi một câu trả lời rõ ràng, mà tôi phải tự tìm ra câu trả lời lấy. Như vị thầy đã nói, câu trả lời đã có sẵn ở đâu đó trong tâm trí , trong tiềm thức của người đệ tử, và sẽ hiện ra một lúc nào đó và sự thiền tập là để làm cho diễn tiến tự nhiên đó được nhanh hơn. Nhưng làm sao địa chỉ của một nha sĩ lại có thể hiện ra từ trong tiềm thức của tôi được ?


"Này anh," tôi nói. "hãy cố giải thích cho tôi một điều gì đi. Có lẽ sẽ khó lắm, nhưng chắc anh làm được mà. Tôi không hiểu tại sao sự tu tập Thiền cứ bắt người ta phải ngồi thiền, hay phải quán về công án, và cố tìm câu trả lời cho công án. Nếu tôi biết rõ tại sao tôi đã chẳng hỏi anh."


"Nhưng ông bạn thân mến , đạo hữu của tôi ơi, " Gerald vừa nói, vừa đổ thêm rượu vào chén của tôi, "ông nghĩ câu trả lời cho công án là gì?"


"Là trí tuệ," tôi nói, "là sự hiểu biết thấu tỏ, là nhận biết được mọi sự có liên hệ thực sự với nhau như thế nào , là khả năng soi chiếu qua được những ảo tưởng của sự hiện hữu này."



"Giỏi lắm," Gerald nói, "người thông minh có khác. Tính thông minh không tự hình thành được trí huệ nhưng nó cũng giúp cho dễ đạt tới đó. Và bây giờ hãy tưởng tượng là anh đã có trí huệ, anh đã giải được một công án, một công án quan trọng như công án đầu tiên mà anh phải quán chiếu bây giờ đó. Anh đã cho một câu trả lời mà vị thầy chấp nhận. Anh đã được satori, được giác ngộ, hay là một chút giác ngộ nào đó, bởi vì chỉ một lần ngộ không đủ để đưa anh tới xa hơn được một cái nhìn thoáng qua khe cửa. Hãy tưởng tượng mọi sự như vậy đi -- anh có nghĩ là lúc đó anh có thể bỏ qua dễ dàng bẩy bước kia của bát chánh đạo không?"


"A", tôi nói, "vậy thì đạo đức sẽ lén xâm nhập vào cửa hậu sau khi thiền định đã thông qua rồi chăng? Một người đã giác ngộ rồi bởi vì đã giải được công án sẽ không thể làm một dịch vụ như là buôn bán thuốc phiện, chiến tranh, hoặc không thể tra tấn người khác chăng? Có phải đó là ý anh nói không?"


Gerald lắc đầu, nói." Đó là ý tôi nói. Nhưng bây giờ anh nói ra, tôi lại không chắc nữa. Tôi biết có vài người đã giải được công án, họ chắc là phải giác ngộ rồi, nhưng họ vẫn làm những việc tôi không thể chấp nhận được. Trong họ đầy sự nghi kỵ, ganh ghét, kiêu căng, tham lam, bừa bãi, và lừa lọc. Họ sẵn sàng sỉ nhục người khác chỉ bởi vì họ thích làm như vậy. Họ ăn quá nhiều và uống say sưa. Chúng ta thường nghĩ rằng nếu ngộ rồi thì đâu có làm những hành động như vậy nữa."


"Có lẽ họ sẽ còn tệ hại hơn nếu họ chưa ngộ, nếu họ chưa biết thiền."


"Có thể," Gerald nói. "Tôi không biết. Nhưng nghĩ lại thì, tôi cũng chẳng biết gì về ngộ cả. Nhưng anh phải đi về chứ. Mười hai giờ đêm rồi. Anh phải có mặt ở chùa lúc mười một giờ mà."


Ra đến ngoài tôi mới nhận thấy là tôi quá say. Tôi phải mất một lúc lâu lắm mới đi bộ về tới thiền viện , và dọc đường tôi phải tựa vào những bức tường cho khỏi ngã, những bức tường dài vô tận dường như chuyển động và xoay nghiêng ngả khi tôi chạm đến chúng. Cuối cùng khi tôi về được đến nơi thì cổng thiền viện đã đóng, và lối vào phụ bí mật gài then bên cạnh cũng khóa luôn. Tôi đi dọc theo bờ tường cho tới khi tôi nghĩ là đã đến chỗ gần phòng mình, và cố trèo lên được tới nóc bờ tường sau khi đã trượt chân mấy lần.


Thấy một mảng xanh ở phía bên kia bờ tường, tôi tưởng lầm đó là một phần của vườn rau. Hóa ra đó là một cái mương và tôi ngã vào trong, ngập chìm tới thắt lưng. Quần áo của tôi ướt sũng, bê bết với đất bùn và khi tìm tới được phòng, tôi phóng thẳng qua tấm phên đàng trước, làm gẫy cả những khung gỗ và rách hết dấy gián tường. Nhưng lúc đó tôi chẳng còn để ý gì nữa. Tôi gieo người xuống sàn chiếu , kéo tấm chăn lên rồi ngủ luôn.


Sáng hôm sau, khoảng mười một giờ, Han-san đánh thức tôi dậy. Tôi đã bỏ thời thiền sáng, bỏ buổi tham vấn với vị thầy, bữa điểm tâm và vài giờ làm việc hôm đó.


"Chuyện gì xẩy ra vậy?" Han-san hỏi. "Anh bệnh hả?"


Tôi kể cho anh ta nghe mọi việc và anh tặc lưỡi, rồi biến mất. Tôi nghĩ chắc anh đã đi kể cho vị sư trưởng biết. Thôi thế là chấm dứt cuộc đời tu hành của tôi, nhưng tôi đang quá nhức đầu để mà lo lắng được gì cả. Tôi cởi quần áo ra, quấn một cái khăn lông lên người rồi đi tắm hoa sen nước lạnh. Khi tắm rửa và cạo râu xong trở về tôi thấy Han-san đang bận rộn ở trong phòng. Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ anh đã sửa lại bức chắn đàng trước phòng tôi y nguyên như cũ. Tôi gắng hết sức để giúp anh , và sau đó chúng tôi dùng trà, do một chú tiểu khác đem tới. Khi tôi đến gập vị sư trưởng để xin lỗi, ông ngắt lời tôi.


"Han-san đã nói với tôi rồi, anh không được khỏe trong người. Anh đã thấy bớt hơn chưa?"


"Tôi bị nhức đầu," tôi nói.


"Vậy chiều nay đừng làm gì cả. Tôi sẽ gập lại anh trong bữa cơm chiều, và nếu anh thấy đỡ hơn thì có thể tham dự buổi thiền tối."


Tôi cúi đầu xuống chào.


Chiều hôm đó tôi ở trong phòng ngủ cho tới khi Peter tới đánh thức tôi dậy. Anh vào lúc nào tôi không biết, và đến ngồi trên sàn cạnh túi ngủ của tôi, trong thế ngồi kiết già.


 "Gerald kể cho tôi nghe hai người tối hôm qua làm tiệc nhậu nhẹt và sợ anh có thể bị rắc rối. Tôi đến đây để xem thế nào."


 "Hay lắm," tôi nói. "Tôi không nghĩ là tôi có đủ tư cách để sống cuộc đời như thế này. Ở Kobe thì tôi đến nhà thổ và ở đây thì uống rượu say sưa. Tôi không biết thầy và sư trưởng có để ý gì không."


 "Tôi chắc là có ," Peter nói, "nhưng cũng chẳng quan hệ gì. Không có gì mạnh bằng những thói quen và tôi không nghĩ có ai ở đây trông đợi một người mới đến sẽ dứt bỏ được những thói quen một cách nhanh chóng. Nhưng dĩ nhiên là cũng không nên làm quá. Vài năm trước đã từng có một người Mỹ trẻ đến đây, và thường hay trèo tường ba bốn lần một tuần. Anh ta còn làm cho một cô gái trong vùng có bầu và rồi ít lâu sau anh biến dạng đi luôn."


 "Và người ta chấp nhận hành động anh ta như vậy sao?"


 "Phải," Peter nói. "Ngay cả sau khi anh ta đi rồi cũng không ai trong tu viện nói xấu gì về anh cả. Đã từng có một vị thiền sư nói rằng kinh nghiệm lần ngộ đầu tiên của ông là, ông nhận ra rằng tất cả mọi người đều có sự tương đồng với ông. Trong tất cả những người ông gập ai cũng đều có nét mặt giống ông."


 Anh gật đầu với tôi thân mật, rồi đứng dậy, gấp hai bàn tay lại, cúi xuống chào. Tôi không làm gì cả, chỉ trố mắt nhìn anh. Khi anh đã đi rồi tôi cảm thấy không khí trong phòng tôi như nặng chĩu, giống như phòng vị thầy thường có những rung động đầy năng lực và căng thẳng. Peter đã giác ngộ rồi, tôi có thể chắc chắn như vậy. Nếu xét về tư cách truyền thừa có lẽ anh cũng đứng ngang hàng với vị sư trưởng. Họ, cùng với vị thầy, là những người thuộc một giới cao siêu, mang sắc thân của họ như những kịch sĩ mang mặt nạ và y phục hóa trang. Hay có thể đó là điều tôi đang cố tự thuyết phục như vậy chăng.


   Lại một câu hỏi để quán chiếu nữa, tôi nghĩ, và ngủ thiếp đi cho đến khi Han-san đến gọi tôi đi dùng bữa cơm chiều.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng