Một chút ma thuật

11 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 8546)




Một chút ma thuật

 


 Mỗi buổi sáng vị thầy đi một vòng quanh chùa và các đệ tử của ông, những vị sư và tôi, đi theo sau qua những dẫy hành lang dài của thiền viện. Đến mỗi một bệ thờ ông lại ngừng chân, và dĩ nhiên là chúng tôi cũng đứng lại theo, lẩm nhẩm đọc một bài kinh, chữ nọ đan vào chữ kia, không hiểu để được công đức cho chính mình hay cho ai. Đôi khi có những tượng Bồ tát, đôi khi có những tượng Phật đang ngồi thiền hay đang thuyết pháp, nhưng cũng có những tượng thần của Trung hoa hay Nhật bản không có dính dáng gì đến Phật giáo. Có cả một bức tượng của một vị thần nhỏ béo mập tượng trưng cho sức khoẻ . Trước những lọ hoa trên bệ vị thầy thắp lên những nén hương. Một hôm trong lúc đi tuần như vậy tôi chợt nhớ ra sổ thông hành của tôi cần phải được gia hạn. Điều đó có nghĩa là tôi sẽ phải đi Kobe. Phải đi, bởi vì cơ quan thẩm quyền của thế gian, trong trường hợp này là nữ hoàng nước Hoà lan, không thể bị các vị sư phớt lờ đi được.


 Vị sư trưởng, do đó, đã cho phép tôi vi phạm lời hứa phải ở liền trong thiền viện tám tháng và cho tôi được một ngày nghỉ. Tôi lấy xe điện thành phố để ra ga xe lửa. Hôm đó là một ngày khá nóng, tôi mặc áo sơ-mi nylon để không thấm mồ hôi ra ngoài. Nhìn ra khung trời mở rộng phía bên ngoài cửa sổ của chiếc xe điện lắc lư, tôi nhận ra rằng tôi đã sống biệt lập suốt gần 5 tháng. Thỉnh thoảng tôi có vượt qua cánh cổng thiền viện ra ngoài nhưng không bao giờ đi quá nửa dậm. Trước mắt tôi là những đám đông người qua lại, những bảng quảng cáo phim khổng lồ với hình ảnh đàn bà bán thân lõa lồ và đàn ông hung hăng giao súng với nhau, những cửa kính các hiệu bầy các hình nhân mặc quần áo tân thời, và những tòa nhà xám nặng nề của các nhà băng và công ty xuất nhập cảng. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm nhưng đồng thời cũng khó chịu trong lòng. Tôi không chọn đời sống tu hành nhưng đã chấp nhận nó, như một phương tiện để đi đến cứu cánh, tuy nhiên khi thoát ra khỏi những áp lực của thiền viện, tôi lại nhớ cái yên tĩnh của khu vườn với những sắc xám và xanh dễ thương và những chiếc áo tràng tẻ nhạt của các vị sư. Ở ngoài này quá náo nhiệt, quá đông đảo và phóng đại. Những mầu sắc chói chang của các bảng quảng cáo quả là không cần thiết; những tiếng la, tiếng cười nghe nhức nhối làm sao. Có lẽ đó sẽ là một ý kiến hay nếu mọi người bị bắt buộc phải thường xuyên tham thiền, trong những thiền đường xây khắp các thành phố trên thế giới. Mỗi buổi tối từ 7 đến 9 giờ là giờ tĩnh lặng bắt buộc , và mỗi buổi sáng vào lúc 3 giờ rưỡi tất cả đều phải đi tham vấn với một vị thầy. Một vị thầy cho mỗi dẫy phố.



 Và thiên nhiên phải được hồi phục lại để cho tất cả các thành phố sẽ được bao quanh với những khu rừng rộng lớn, và trong những khu rừng đó có các túp lều cho những người muốn ẩn tu mà không cần phải có một vị thầy bên cạnh. Trong mỗi khu rừng lại có một khu bếp công cộng với những nồi soup cho mọi người. Và phương tiện giao thông có thể dùng lại ngựa, lạc đà, hoặc voi cũng được, để cho chúng ta tập sống chung lại với thú vật, với những loài khác với chúng ta. Và trong khi đó kỹ thuật tân tiến vẫn tiếp tục phát triển, với những hãng xưởng hoạt động đắc lực độc quyền sản xuất những sản phẩm tối hảo mà khoa học có thể đem lại được, và những xe lửa, tầu thuỷ, máy bay và hỏa tiễn gia tốc êm ái, đem lại đồ ăn thức uống cũng như những nhu yếu phẩm khác cho nhân loại mà chỉ dùng tới rất ít năng lượng. Chiếc xe điện khấp khểnh gập ghềnh đưa tôi đến nhà ga. Chung quanh tôi đầy chặt người và bởi vì tôi không muốn chen lấn nên suýt nữa thì lỡ chuyến tầu. Trên sân ga có nhiều chỗ rộng rãi nhưng hình như người Nhật luôn luôn phải chen lấn mỗi khi họ lên tầu; đầu tiên họ bình thản đứng đợi, cư xử với nhau một cách lịch sự nhưng khi con tầu xuất hiện họ bỗng như bị lôi cuốn vào trong một cơn hốt hoảng lạ kỳ và tất cả mọi người đều muốn đi qua cánh cửa cùng một lúc. Sự kiện là tôi không muốn chen lấn với mọi người, đối với tôi, có lẽ đã chứng tỏ sự tiến bộ do nếp sống kỷ luật trong thiền viện. Rõ ràng là tôi đã trở thành bình thản hơn, quên mình hơn. Nhưng tôi cũng phải công nhận rằng từ xưa tới giờ tôi chưa bao giờ chen lấn, cả khi ở Rotterdam những lúc xe điện đông chật người. Trong những ngày đó, tôi đã thà đi bộ đến trường hay để chờ đến chuyến sau hơn. Cái nhu cầu tự kiểm chứng ảnh hưởng của thiền viện đối với tôi từ lâu nay đã biến thành một ám ảnh, như thể là satori,  sự giác ngộ, sự đạt đến cái mục tiêu thiêng liêng là một cái đích ở một nơi chốn nào đó và tôi phải càng ngày càng tiến gần hơn đến cái điểm đó. "Tôi đã đến được đâu chưa? Tôi có bớt vướng mắc vào những gì đang xẩy ra cho tôi chưa? Tôi có hiểu biết được nhiều hơn không? Tôi có buông xả được hơn không?" những câu hỏi này cứ lập đi lập lại trong tôi, mặc dù vị thầy đã cảnh cáo về sự điên rồ của những đánh giá đo lường như vậy.



 Ông hay nói rằng, "Tự khắc rồi anh sẽ tìm ra. Không cần phải mong cầu, không cần phải lo lắng. Có đắc được gì hay không hoàn toàn là không quan trọng, mà vấn đề là phải tìm cách giải quyết công án của mình. Câu trả lời đối với công án anh là gì? Anh có gì nói với tôi không? Nói đi!"



 Nhưng tôi không nói gì cả, mà cứ tiếp tục đếm những cái mốc tưởng tượng bên đường.



 Trong xe lửa tôi thấy mình đứng ép sát vào mấy người, trong số đó có một cô gái, khoảng độ ngoài 20 tuổi. Tôi đã thấy cô lúc nẫy và đã nhận thấy cô thật xinh đẹp, với một thân hình nẩy nở, đôi mắt to xênh xếch và mái tóc dầy đen nhánh. Tù xưa đến nay tôi chưa bao giờ bắt chuyện với một người đàn bà xa lạ , có thể là vì tôi quá tự trọng, có thể vì tôi quá nhút nhát chăng; cho nên lần này tôi cũng không làm gì cả, mặc dù rất thích thú được thân cận với thân hình của nàng. Tôi nghĩ đến những nỗ lực tập trung tư tưởng của tôi hàng bao nhiêu tháng nay, và bỗng nẩy ra ý định muốn thử xem sao. Trước khi kịp nhận biết, tôi đã thở thật sâu và thật chậm rãi, trong tâm trí tôi dán chặt hình ảnh của nàng như tôi đã thấy từ cái nhìn thấp thoáng, Trong tâm tưởng tôi cố không nghĩ đến một cái gì khác và khi thấy mình đã đạt đến được một trình độ tập trung khá cao độ, tôi ra lệnh cho nàng ép sát người vào tôi. Và thật lạ kỳ như một phép lạ! Nàng đã nghe lời. Tôi cảm thấy được sự giao tiếp của nàng với thân mình tôi, thoạt tiên thật kín đáo nhẹ nhàng, rồi từ từ càng lúc càng vững chắc hơn, và tôi nghe hơi thở của nàng sâu và nặng nề hơn. Và trong khi cọ sát người vào mạng sườn của tôi nàng đã run lên nhè nhẹ.


 "Làm sao bây giờ?" Tôi nghĩ, vì sự tiếp xúc này làm máu tôi nóng lên. "Mình có nên nói chuyện với cô ta không? Mình có nên rủ cô ta xuống ga tới không? Mình có thể đến một khách sạn nào đó -- có đủ tiền dem theo mà. Và để chiều nay đến Kobe cũng được. Lãnh sự quán còn có đủ thì giờ mà."



 Nhưng sự hưng phấn của tôi làm tư tưởng tập trung bị cắt đứt, cô gái được giải thoát và lui ra xa một chút. Cô ngước nhìn tôi, ánh mắt lộ vẻ bối rối. Tình cờ lúc đó con tầu ngừng lại ở một sân ga và cô bước xuống tầu. Da thịt tôi nham nhám dưới lớp áo nylon, mồ hôi chẩy dài xuống ướt mặt. "Ma thuật không có đáng chút nào," Tôi nghĩ, "Mất bao nhiêu công lực mà chỉ đem lại phiền nhiễu. Giả thử như nàng chịu đi với ta, rồi sao? Một cuộc phiêu lưu ngắn ngủi, một bước hụt hẫng vào khoảng không, để rồi chỉ lưu lại một kỷ niệm làm nhiễu động những buổi thiền sau này thôi."



 Tôi không nói cho vị thầy biết. Kinh nghiệm này đã đủ rõ ràng và tôi không cần phải nghe những lời phê bình châm biếm của ông ta. Việc một người có thể luyện tư tưởng của mình để ảnh hưởng lên người khác mà không cần phải nói lời nào, không cần phải làm điều gì lộ liễu, đã được chứng minh. Những vị sư nói với tôi rằng ở Nhật có những thầy phù thủy sẵn sàng làm những ma thuật cho một số thù lao nào đó. Một kẻ tình địch phiền nhiễu có thể bị làm cho gẫy chân hay bị cảm cúm nặng, tùy theo giá cả và độ tập trung của thầy phù thủy. "Tuy nhiên," các vị sư nói, "Làm những điều đó phải thật là cẩn thận, bởi vì cái năng lực do sự tập trung tư tưởng đó vẫn còn tồn tại và rồi cuối cùng sẽ trở ngược lại hại chính người đã tạo nên nó. Những thầy phù thủy thường hay bị quả báo, và thân chủ của họ cuối cùng cũng phải trả một giá rất đắt."

 


 Tôi tự an ủi rằng tôi đã không muốn một điều gì xấu xa, chỉ một chút vui thú xác thịt thôi, và không có điều gì đáng tiếc đã xẩy ra.

 


 Ở Kobe tôi đến trước một tòa nhà tẻ nhạt, nặng nề, chiêm ngưỡng con sư tử của nước Hòa lan đang nhe răng dương oai trên một tấm bảng mạ vàng sáng chói ở ngay cửa ra vào. Ở đâu đó trong tòa nhà này người đại diện của nước Hòa lan đang ngồi sau một bàn giấy thật lớn, và quyển sổ thông hành đen trong túi tôi sẽ chứng tỏ tôi là một phần tử của họ. Họ cũng chẳng làm gì được cho tôi, ngoài việc đòi tôi trả tiền để đóng vào đó một con dấu; trong quyển sổ thông hành đã nói vậy. Tôi không thể trông chờ điều gì nơi họ, ngoài cái quyền được thừa nhận như một người đồng hương. Và đó chính là điều họ đã làm, tuy rằng có đi xa hơn một chút. Tôi được mời một tách cà phê ngon và một điếu xì-gà Hoà lan, và được ngồi trong một ghế bành thật lớn bằng da.



 "Anh đang ở trong một thiền viện Phật giáo," ông lãnh sự nói. "Chúng tôi có nghe nói về anh. Có một người ở Kobe rất muốn được giới thiệu với anh. Nếu anh bằng lòng tôi sẽ gọi ông ta; và có lẽ anh sẽ thích nếu được gập ông ta."



 Tôi bằng lòng. Tôi không có việc gì khác phải làm và tuy rằng thiền viện sẽ đóng cửa lúc 9 giờ tối như mọi đêm, tôi biết tôi vẫn có thể vào được qua một lối vào phụ có một cái then nhỏ bí mật. Vị sư trưởng đã hứa sẽ không đóng lối vào đó đêm nay. Tôi có thể ở ngoài chơi cho đến 3 giờ sáng hôm sau.



 Viên lãnh sự gọi điện thoại và chỉ mười phút sau một người đàn ông lịch sự có tên là Leo Marks bước vào tự giới thiệu và đón chào tôi niềm nở. Ông ta cám ơn viên lãnh sự rồi mời tôi đi ăn trưa. Trong chiếc xe rộng lớn hiệu Chrysler mầu đen thật mới và bóng láng của ông, tôi có dịp quan sát người đàn ông này. Dáng người cao, độ khoảng ngoài 40, với mái tóc hoa râm nơi hai bên thái dương, trông ông ta rõ ràng là một người đồng tính luyến ái. Tôi chắc chắn như vậy tuy rằng không có gì là bằng chứng cả. Cũng có nhiều người đàn ông khác đeo cà-vạt mầu hồng như vậy, và mùi nước hoa phảng phất đó có thể chỉ là để dùng sau khi cạo râu.


 "Tôi chắc anh không muốn ăn đồ ăn Nhật," ông nói. "Chắc anh cũng đã ăn quá đủ nơi thiền viện rồi. Bây giờ anh muốn ăn gì nào?"



 Thấy chiếc xe Chrysler này có vẻ sang trọng như vậy, tôi cũng không cần phải khiêm tốn gì.


 "Soup rùa thứ thiệt," tôi nói, "với vài giọt rượu sherry trong đó. Và một miếng bí-tết lớn còn sống ở trong, với salad và một món gì có kem tươi nhào lên để tráng miệng. Và cà-phê, cì-gà nữa."


 "Thật là điều đáng mừng khi một người biết mình muốn gì," ông Marks nói, trong khi đang khó khăn tìm cách đậu xe. "Chiếc xe này lớn quá nhưng tôi lại cần đến nó. Tôi làm việc cho một công ty chuyên mua bán những đồ cỡ lớn. Chúng tôi bán tầu thủy và toàn bộ đồ thiết dụng cho những hãng xưởng, và đôi khi chúng tôi cũng mua bán những sản phẩm nghệ thuật đắt tiền nữa. Trong trò chơi buôn bán này người ta luôn luôn phải gây một ấn tượng nơi người khác. Phải có một bề ngoài vững chãi, và thật nhiều tiền mặt có sẵn sau bề ngoài đó."



 Sau này tôi mới được biết, mặc dù có cái vỏ hào nhoáng như vậy, ông là một người vui tính và khiêm tốn. Ở bàn ăn, trong một tiệm Nhật bắt chước kiểu tây phương thật hoàn hảo đến nỗi còn thật hơn cả thứ thật, ông nói cho tôi nghe về sự thích thú của ông đối với thiền và nghệ thuật Nhật bản. Nhiều năm trước, ông đã bắt đầu sưu tầm những bức vẽ bằng gỗ của Nhật. Bất cứ món gì ông cho là quý giá trong bộ sưu tầm của ông đều có một tinh thần Thiền trong đó, và ông đã bắt đầu tìm hiểu về pháp môn này của đạo Phật. Ông đã sống ở Nhật một thời gian dài và nói ngôn ngữ này khá thông thạo. Ông đã viếng các chùa và thăm các thượng tọa ở đó nhưng chưa bao giờ dám đi gập một vị thiền sư.


 "Làm như vậy sẽ đi quá xa," ông nói, khi tôi đã thân với ông hơn. "Tôi không muốn tự lột trần mình ra. Tập giải công án giống như một cuộc tra tấn thực sự vậy. Không phải là tôi không thể tự tách ra khỏi những của cải hoặc với lối sống của mình, hoặc với ấn tượng sang trọng mà người khác nghĩ về tôi, nhưng tôi không muốn từ bỏ cái quan niệm tôi có về chính mình. Theo cách suy nghĩ của tôi, giải một công án tức là làm một hành động tự tử. Không phải là tự tử như cầm súng bắn vào đầu hay là cho thuốc độc vào máu hay dạ dầy, bởi vì như vậy chỉ là diệt cái thân xác mà thôi. Tất cả chúng ta đều nghĩ mình sẽ tiếp tục sống sau khi chết, trong một thể tâm linh nào hay một cái gì tương tự như vậy. Một người theo Thiên chúa sẽ đi lên thiên đàng, người theo Phật sẽ tái sinh vào kiếp khác. Ngay cả một kẻ vô thần cũng không thực tin là hắn sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn, hắn không đủ can đảm để nghĩ rằng hắn sẽ bị xóa đi một cách tuyệt đối như vậy."



 "Còn thiền thì sao?" tôi hỏi. "Ông có bao giờ nghĩ đến việc tập thiền không? Ông có bao giờ thử chưa?"


 "Không, dĩ nhiên là không. Tôi đã thử nhưng tôi không thể xếp chân lại được. Và tại sao tôi phải xếp chân lại nhỉ? Tôi là một người tây phương, chúng ta phải tìm những cách khác để tập được."


 "Như cách nào?" tôi hỏi, nhưng ông không trả lời. Tôi cũng không gặng hỏi thêm. Một người phật tử tốt, theo như tôi đọc trong sách, không phải là một người đi truyền giáo, mà biết chịu đựng những suy nghĩ, những quyết định, lối sống của người khác. Sự chịu đựng ấy sẽ đưa đến tình thân thiện. Và tình thân thiện bao giờ cũng thắng. Trong lịch sử chưa bao giờ có một cuộc chiến tranh của người theo đạo Phật.

 


 Leo Marks đã trở thành cái tổ ấm cho tôi ở Nhật. Khi đã xong các khóa sesshin và kỷ luật trong thiền viện được nới lỏng chút ít, lâu lâu tôi được phép nghỉ xả hơi cuối tuần ở Kobe, và chiếc xe Chrysler , với một người tài xế có tác phong thật đúng cách, sẽ đến đón tôi ở nhà ga và chở tôi về nhà của Leo, ở đó tôi tha hồ làm bất cứ cái gì tôi muốn. Tôi đọc sách trên ban công nhìn ra ngoài biển, nằm duỗi dài trong một chiếc ghế đan vững chắc, gác chân lên thành lan can. Tôi hút thuốc xì-gà, ngắm những con tầu đi đánh cá trong buổi bình minh, ăn những bữa ăn thuần túy Hòa lan và uống jenever. Những bạn trai Nhật được bao của ông, duyên dáng trong chiếc áo kimono, đã không làm rộn đến tôi. Ông không bao giờ giới thiệu họ với tôi và tôi mỉm cười với họ khi bất chợt gập họ trong ngôi biệt thự lớn ba tầng ấy. Tôi lựa sách đọc trong thư viện của ông, và lần đầu tiên đã đọc tác phẩm của Van Gulik, viên đại sứ Hòa lan chuyên nghiên cứu về Trung hoa và đã viết những chuyện trinh thám hồi hộp của Trung hoa cổ với vị phán quan nổi tiếng Dee. Phán quan Dee là một người suy nghĩ hoàn toàn theo những nguyên tắc của Khổng giáo, ông rất nghiêm ngặt trong vấn đề đạo đức nhưng khi phải đối mặt với những đại sư Phật và Lão giáo, những người thường hay châm biếm ông, ông vẫn kính trọng họ bởi vì bản thân Dee cũng là một thiên tài, với một tâm rất thanh liêm và chân thành, và ông có thể nhận thức được sự sâu xa trong giáo lý của họ.


 Trong một cuối tuần như vậy tôi đã dự một buổi tiệc, được tổ chức theo lề lối của một xã hội thời thượng. Lần đầu tiên tôi đã mặc quần áo dạ tiệc, mượn của Leo. Nếu tôi đừng cử động nhiều quá bộ quần áo sẽ vừa với tôi hơn. Mấy bà mấy cô trong buổi tiệc tỏ ra rất thích thú tôi. Tôi có một cảm giác lạ lùng khi thấy mình, một kẻ chuyên lau nhà và nhổ cỏ dại trong thiền viện, bỗng nhiên trở thành một người đàn ông bí hiểm trong khung cảnh này, với một vẻ gì mơ mộng, một vẻ huyền bí. Điếu xì gà trên môi, ly rượu whisky đong đưa những thỏi nước đá trên tay, cứng nhắc như một viên sĩ quan Hòa lan (nếu tôi cúi xuống cái quần mượn sẽ có nguy cơ tụt xuống, tôi phải phình bụng ra để giữ cho nó đứng vững), tôi có vẻ như từ trên một thế giới cao siêu nào giáng hạ xuống gia nhập vào thế giới của đám phụ nữ thời trang của thế gian này và chiêm ngưỡng những bộ ngực duyên dáng của họ, trong khi tiếng nhạc jazz chung quanh làm đậm đà thêm cho khung cảnh. Tôi không ngại phải đóng một vai trò như vậy, nhưng rồi sau một lúc cũng cảm thấy hơi lố lăng. Nếu vị thầy thấy tôi lúc này chắc ông sẽ phải cười. "Còn công án đến đâu rồi?" Các bà cũng muốn biết về công án nữa. "Nói cho tôi nghe đi, công án thực sự là gì vậy? Làm sao giải thích được tiếng vỗ của một bàn tay?" Một quyển sách vừa mới xuất bản trong đó có liệt kê một số công án và những giai thoại về Thiền đã được tất cả mọi người ở đây đọc tới. "Có thật là một vị thiền sư đã đóng mạnh cánh cổng làm gẫy chân một đệ tử không? Có phải người ta dùng những phương pháp dữ dội như vậy để làm cho ngộ đạo không? Có thật là một đệ tử Trung hoa đã chặt tay của mình để chứng tỏ cho thầy ông biết là ông đã thành tâm tìm đạo thế nào không?" "Tôi chắc vậy," tôi nói. Nhưng thầy của tôi không bao giờ làm gẫy chân của ai cả và ông cũng không bao giờ cho tôi có cảm tưởng là ông muốn tôi phải chặt tay đi. Nhưng có lẽ đó cũng không phải là một ý kiến dở, tôi nghĩ. Nếu tôi có thể chắc chắn được rằng chặt đi một cánh tay sẽ tự động đem lại sự giác ngộ, phương pháp đó đối với tôi có lẽ sẽ tốt hơn là sự tra tấn vô tận trên chiếc gối thiền.



 Tôi cũng được hỏi mấy lần rằng tôi có được giao cho công án nào chưa, và nếu có, đã giải được chưa. Một người đàn ông tự giới thiệu đã tốt nghiệp về Thiền của đạo Phật. Ông nói, ông đã học môn đó ở trường đại học Leiden. "Tôi biết tiếng vỗ của một bàn tay là gi," ông thì thầm vào tai tôi và nhìn tôi như thể tụi tôi đều thuộc vào một hội bí mật nào đó. "Vậy hả, tôi không biết," tôi nói. "Phải rồi, phải rồi," ông ta cười một cách láu cá, "trí huệ thực sự không bao giờ được bầy ra rõ ràng đâu."



 Đêm đó tôi đã uống quá nhiều rượu nhưng có lẽ không có ai để ý điều đó. Khi tiệc đã tàn, Leo dẫn tôi đến một nhà thổ đồng tính, trong đó toàn là con trai, một số mặc quần áo đàn bà. Vào thời đó pháp luật cấm đồng tính luyến ái hành nghề mãi dâm, nên nhà thổ để một vài cô gái làm cảnh ở quầy rượu phía ngoài. Trong những nơi chốn đó hiếm khi nào có một người thích đàn bà đến chơi, và khi mấy cô khám phá ra tôi còn biết tiếng Nhật nữa, mặc dù chẳng ra gì, họ vui mừng không kể xiết. Tôi được chiều chuộng hết cỡ và Leo nhìn tôi một cách rộng lượng, cho taxi đến đón tôi vào sáng hôm sau. Về phần ông thì đi về nhà để suy nghĩ về đạo Phật. "Dĩ nhiên tôi là một phật tử," ông nói, "và nếu tôi quán chiếu thêm một chút có lẽ tôi sẽ có đủ can đảm để tập tu." Tôi chúc ông ta có đủ sức mạnh bằng cách vẩy điếu xì-gà trên tay. "Tôi ngưỡng mộ anh," ông nói, rồi cúi mình xuống chào tôi, đứng đắn và lịch sự như bao giờ. "Những gì anh đang làm tôi cũng đã luôn luôn muốn làm như vậy. Vì thế tôi rất thích khi gập anh."



 "Phải," tôi nói, "và thử nhìn xem ông đã đưa tôi đến chỗ nào."


 "Chính anh cũng muốn đến mà," Leo nói, "và điều đó cũng có quan hệ gì đâu. Con chó nhỏ cũng có phật tính, và mấy người điếm đó cũng vậy."


 "Chúc mừng lễ Phục sinh!" tôi nói. Sự cười cợt của tôi khiến ông hơi bực mình, nhưng ngày hôm sau ông vẫn lại tử tế và thân mật như thường.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng