Giừa hai miệng hùm

11 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 8445)



Giữa hai miệng hùm

 


 

 Phía sau của khuôn viên thiền viện có một nghĩa trang nằm ẩn khuất, trong đó có những chùa nhỏ, những mộ bia bao phủ đầy rêu. Trên những ngôi mộ cổ hàng bao nhiêu thế kỷ này, có khắc những giòng chữ ngoằn ngoèo viết bằng chữ Hán. Một ngày nọ tôi đến đó quét lá, thu vén lại thành từng đống để dẹp đem đi chỗ khác. Vị sư trưởng đã ra lệnh cho tôi phải "dọn sạch" chỗ đó, một việc làm vô vọng, vì nghĩa địa bỏ hoang từ lâu nay và cỏ dại mọc tràn đầy. Tôi chỉ làm những gì có thể được thôi và làm một cách nhàn nhã, yên chí rằng, trong một giờ đồng hồ nữa, nhà bếp sẽ gióng chuông gọi về uống trà xanh và ăn bánh bích quy. Sáng hôm đó một bà cụ đã đem đến chùa cúng dường một hộp bánh bích quy lớn. Ngày nào cũng có người đem quà đến chùa, lúc thì bánh ngọt, kẹo, lúc thì gạo, hay một nồi mì hấp còn nóng hổi bốc khói, bầy biện đẹp đẽ trên một cái mâm gỗ. Những món quà này được đem đến không phải để làm vui cho các vị sư, mà có một ý nghĩa sâu xa hơn: họ cúng dường để tỏ lòng tin tưởng nơi tam bảo, và tuy cũng muốn bước theo con đường giải thoát, nhưng vì hoàn cảnh chưa cho phép hay vì trạng thái tâm linh chưa sẵn sàng nên họ chưa có thể làm được điều đó. Bằng sự phát tâm từ bi trong hiện tại, họ hi vọng sẽ được nhiều thiện duyên hơn kiếp sau, để trở thành một tăng sĩ hay một cư sĩ học đạo với một vị thầy.



 Ngày hôm đó tôi tìm thấy một con mèo con trong nghĩa địa, một con vật nhỏ bé gầy gò với một cái nơ sặc sỡ cột nơi cổ. Tôi bế nó lên, cho nó uống nước và uống sữa rồi đặt nó lên một chỗ sáng có nhiều ánh mặt trời. Ít phút sau con chó của chùa đi tới, con chó này rất hung hăng, thường hay nằm rình tôi rồi nhẩy xổ ra, nhe răng gầm gừ. Không một chút lưỡng lự, con chó nhào đến táp lấy cổ con mèo con, lắc nó cho đến chết.



 Những người dân ở khu chung quanh chùa thường đem mèo con đến bỏ ở khuôn viên. Họ không muốn giết chúng vì sợ phạm vào tín ngưỡng của mình. Đức Phật đã dậy phải có lòng từ bi và không được sát sinh. Đem bỏ những con vật đó vào chùa, họ coi như đã phó thác linh hồn chúng cho Phật và tăng chúng. Trong khi đó thì những vị sư bị mắc kẹt với lũ mèo bất hạnh kia và những tiếng kêu thảm thiết của chúng. Thường thường con chó sẽ giải quyết gọn gàng những vụ này, nhưng khi nó không có ở đó, các chú tiểu phải đem chúng đi trấn nước trong ao vào ban đêm. Vô tình, tôi đánh rơi cái chổi xuống đất và tựa người vào một ngôi mộ. Tôi đang khóc. Và từ bao nhiêu năm nay tôi chưa bao giờ khóc như vậy. 


 Một chiếc xe quảng cáo đi ngang, phóng thanh một điệu nhạc quân hành ồn ào. Điệu nhạc đó bị cắt ngang, rồi một giọng nói vui vẻ khỏe mạnh vang lên nói với tôi về những hiệu quả giảm đau kỳ diệu của một loại thuốc aspirin nào đó.


 Tôi đã ở Nhật khá lâu để hiểu được một ít tiếng Nhật. Cái mới mẻ hấp dẫn của một miền Viễn Đông xa lạ, huyền bí không còn nữa. Có lẽ là người ở đây chỉ trông khác với tôi thôi và đôi khi họ mặc những bộ đồ đã lỗi thời, và thực tế hiện tại là tôi đang ở một trong 8000 ngôi chùa có một thế giới cao siêu của tâm linh, và cũng thực tế, dĩ nhiên, là tôi đang hàng ngày được gập một vị thiền sư thông tuệ, một người có thể đã đạt được giác ngộ viên mãn rồi. Nhưng tôi không thể gạt bỏ được cái cảm giác rõ ràng và đau đớn rằng không có gì đã thay đổi đối với tôi cả.



 Tôi không ngạc nhiên rằng tôi đã khóc. Tôi chỉ lấy làm lạ rằng tôi đã không rơi vào tình trạng tuyệt vọng này sớm hơn. Đã không có những ý tưởng tương tự như là "tại sao tôi phải đâm đầu làm những chuyện này?" hoặc "mọi sự rồi sẽ chẳng đi đến đâu". Tôi chỉ buồn, một nỗi buồn mông lung không thể định nghĩa. Chiều hôm đó, trong khi ngồi thiền tôi đã quán xét lại và nghĩ rằng tôi đã gập khó khăn trong vấn đề hội nhập, rằng tôi cảm thấy mình như một con gà phải sống giữa một bầy vịt, và tôi không thể thông đạt, không thể giao cảm được với ai. Sự giải thích này không làm tôi hài lòng lắm. Thực tế chắc còn tệ hơn thế nữa, bởi vì trước đây tôi cũng đã từng ở trong những môi trường xa lạ rồi. Cảm giác của tôi, không phải là bị cô lập, mà là một sự tuyệt vọng. Tôi không thấy có đường nào để thoát ra cả. Đây là chốn tận cùng của thế giới rồi -- tôi không thể nào đi đâu xa hơn nữa. Tôi không muốn trở về nên đành phải ở lại. Trong tôi không có một sự nổi loạn nào cả -- tôi không chống đối bất cứ một điều gì trong lúc này. Nhưng tôi cảm thấy thật trớ trêu: rằng tôi, đã từng là một tay đua xe gắn máy bạt mạng, một kẻ phong lưu chuyên quyến rũ những cô gái hiền lành ngây thơ, một người đọc những sách thật trí thức cao siêu, một kẻ tham gia những hoạt động đấu tranh du kích chống những cơ quan chánh quyền, giờ đây, giây phút này, đang đứng khóc bên một ngôi mộ trong một nghĩa địa hoang vu nơi thiền viện.



 Peter đã nói với tôi rằng con người ta thường đóng nhiều vai trò một lúc, và không có vai trò nào là thật cả. Mỗi vai trò là một mặt nạ khác nhau, được hình thành một cách vô thức qua môi trường sống và sự thích nghi của mình. Con người cũng giống như một củ hành tây. Khi hắn ta quay trở về với chính mình, bằng sự thiền tập hay các phương pháp khác, bằng sự khắc kỷ, sự phấn đấu với cái ngã của mình, những lớp hành đó tróc ra từng miếng một cho đến khi miếng cuối cùng biến đi và không còn lại gì cả. Tôi không thích sự giải thích về cái kết cuộc đó: không còn gì thì có được gì đâu. Tại sao phải mất nhiều công phu như vậy để trở thành không còn gì, để tan rã vào trong khoảng không? Tôi phản đối: "Nhưng như vậy thì, con người ta không còn có đấy nữa. Và nếu không còn ai ở đấy thì lấy gì mà thưởng thức được cái trí tuệ rộng lớn, cái tự do vô lượng vô biên."



 "Nhìn thầy xem," Peter nói. "Thấy ông ta không?" Lúc ấy vị thầy đang đi ngang qua và chúng tôi nhìn ông đi vào trong cổng chùa. Peter cười, không phải một cái cười khoái trá, bí hiểm, mà là một cái cười vui vẻ , thích thú, "ha ha".



 "Phải," tôi nói. Nhưng tôi không hiểu gì cả. Tuy vậy tôi biết là tôi vẫn hiểu. Tôi cảm thấy là anh ta nói đúng. Tôi cũng biết rằng một ngày kia tôi cũng sẽ biết được rõ ràng và không nghi ngờ rằng, anh ta vừa nói lên một sự thật lớn lao. Rằng tất cả đều phải bị tiêu diệt, mọi tự ái, mọi niềm ganh tị, mọi an toàn, mọi cái mốc, cái chốt cho bản ngã bám víu vào phải bị buông bỏ.



 Một bà người Mỹ đã có lần đến nói với vị thầy rằng bà cảm thấy, tự sâu kín trong tâm hồn hay linh hồn của bà, có một hạt giống mà bà có thể tìm thấy sự an bình nơi đó, rằng hạt giống đó luôn luôn ở với bà, đôi khi khó thấy nhưng lúc nào cũng vẫn luôn luôn hiện diện .


 "Phải, " vị thầy nói, "đó là điều đã gây cho bà thật nhiều phiền nhiễu, cái hạt giống đó, nó là chướng ngại đấy. Buông bỏ nó đi, buông bỏ tất cả những Ỷ nghĩ gì bà có về nó đi. Dẹp nó đi!"



 Tôi nghĩ, qua phản ứng của bà, chắc bà cũng cảm thấy được phần nào ý nghĩa của lời nói đó, nhưng cảm thấy không giống như hiểu và hành được. Bà đã rời khỏi tu viện với hạt giống còn nguyên si trong bà, cũng như tôi đã tựa mình vào một ngôi mộ, với nỗi buồn còn nguyên si trong tôi.


 

 Trong thời gian đó tôi được nghe một câu chuyện nổi tiếng về một người ngã xuống vực. Anh ta treo lơ lửng trên một vực sâu, bám vào một nhánh cây nhỏ bé mọc ra từ khe đá. Nếu cố sức, anh có thể đu người lên được, nhưng ở trên miệng vực có một con hổ thật dữ dằn đang đứng đó, nhe răng há miệng chờ đợi. Nếu anh buông tay thì sẽ rơi xuống vực vào trong móng vuốt của một con hổ khác ở dưới đáy. Và trong khi anh đang lo lắng như vậy, thì có hai con chuột, một con mầu trắng, một con mầu đen, đang đến gậm nhấm vào nhánh cây của anh, điểm an toàn độc nhất của anh lúc đó. Ai đã từng học thiền cũng sẽ có một lúc nào đó ở trong một tình trạng tương tự như vậy. Anh ta chắc chắn rằng sẽ phải làm một cái gì đó, phải buông bỏ một cái gì đó. Anh không thể từ chối không làm gì được, vì tình thế lúc đó thật là khốc liệt vô cùng. Nhưng dù anh có làm gì đi nữa thì mọi sự cũng không khá gì hơn. Và trong khi anh đang lưỡng lự và âu lo như vậy, thì con chuột của cái "có" và "không", "cái này" và "cái kia", "tốt" và "xấu" vẫn gậm mòn dần nhánh cây của anh.


 Câu chuyện đó không phải là dở, nhưng đối với những câu chuyện người ta cũng phải cẩn thận. Có những người chuyên môn đi sưu tầm những câu chuyện. Tôi đã gập một người như vậy, một nhà văn, đi lượm lặt một cách tham lam những câu chuyện, những giai thoại, những mẩu tin sốt dẻo. Làm như vậy rồi quyển sách viết ra chỉ gồm toàn những câu chuyện tiếu lâm trong đó.



 Trong thiền viện, ít khi có những câu chuyện. Sự tu tập nhấn mạnh đến thiền quán và sự quan trọng của công án. Vị thầy luôn luôn hỏi một câu duy nhất: Câu trả lời là gì? Ông đã cho tôi công án, và tôi phải tìm ra câu trả lời cho công án đó. Mỗi buổi sáng khi tôi vào gập, ông đều chờ đợi câu trả lời -- trông ông có vẻ như hoàn toàn tin tưởng rằng tôi sẽ cho ông câu trả lời, ngay trong buổi sáng đó, ngay trong giây phút đó. Câu trả lời đó chắc sẽ phải phun ra từ đâu đó trong tôi.



 Vị thầy không hề có một chút gợi ý nào cho tôi hay một ám chỉ gì để hướng dẫn. Công án đầu tiên là quan trọng, đó là công án vô môn quan, cánh cổng không có cổng, cái chổ mở nhưng cũng là đóng mà qua đó hành giả phải phấn đấu để tìm đường vào (hay đường ra). Và sự phấn đấu đó là thiền quán, là sự khắc kỷ mỗi ngày, sự thay đổi lối nhìn vào sự vật, vào chính bản thân mình.Vị thầy chỉ cho những chỉ dẫn về thiền tập, làm sao để tập trung tư tưởng. "Hãy hòa nhập vào với công án của mình, quên mình đi, quên tất cả những gì dính dáng đến mình. Khi ta ngồi, hãy giữ thật yên lặng, thật thăng bằng, hơi thở nhẹ nhàng, xả bỏ tất cả những gì đang ở trong tâm trí và thầm lập đi lập lại công án, suy đi nghĩ lại công án, làm như đời mình là tuỳ thuộc vào công án đó vậy. Đừng có hấp tấp, đừng có bị kích thích, mà hãy giữ cho được an định và thản nhiên, thản nhiên đối với tất cả những gì làm cho ta lo lắng, những gì có vẻ quan trọng, hay hấp dẫn đối với ta."



 "Nhưng như vậy khó quá," tôi sẽ nói vậy.


 "Dĩ nhiên là khó," vị thầy nói. "Bộ anh nghĩ là không khó đối với tôi sao? Tôi thường đến gập sư phụ của tôi mỗi ngày, như anh bây giờ vậy, và tôi hồi đó chậm chạp lắm. Trong hai năm liền tôi cứ loanh quanh mãi với công án của mình mà chả đi đến đâu, và rồi tôi phải bị động viên qua Trung quốc."


 "Vậy sao?" tôi ngạc nhiên. "Nhưng thầy là một Phật tử mà? Phật tử đâu có được sát sinh, phải không?"


 "Có chứ", vị thầy nói. "Vì bị bắt buộc phải như vậy. Nếu không tuân lệnh tôi sẽ bị giết. Nhưng ở trong quân đội, ở Mãn Châu, tôi thiền nhiều lắm.Tôi thường phải canh gác, và những người lính khác thích tôi lắm, vì tôi còn gác thế cho họ nữa. Xem đây này."


 Vị thầy đứng dậy, trên đài của ông, một ông già nhỏ bé trong áo tràng, thẳng người lên cho đến khi ông đứng cứng ngắc, trong tư thế nghiêm chào. "Đây là cây súng của tôi, tôi phải đưa cánh tay ra như vậy đó. Và rồi tôi tập trung tư tưởng vào công án của thầy tôi giao cho tôi, hết giờ này qua giờ khác. Ta có thể thiền được trong lúc đứng -- không dễ dàng như khi ngồi thiền trong thế kiết già, nhưng vẫn có thể làm được. Dĩ nhiên ta phải cẩn thận để khỏi ngã khuỵu xuống, nhưng tôi có cây súng để chống đỡ rồi."


 "Thầy có giải được công án đó không?"


 "Lúc đó thì không," ông nói. "Nhưng sau này, khi trở về Nhật và xuất gia trở lại, tôi mới bắt đầu hiểu và rồi cũng không cảm thấy hứng thú gì muốn chứng tỏ sự hiểu biết của mình với sư phụ. Tôi lại đến gập ông ta mỗi sáng và một buổi sáng nọ ông ta gật đầu. Rồi ông lập tức đưa cho tôi công án kế tiếp, dễ hơn."


 "Thầy không nói gì với sư phụ của thầy sao?"


 "Không, việc gì tôi phải nói? Tôi chỉ quỳ gối im lặng, như tôi đã hằng im lặng từ lâu nay."


 "Thế thì không có tiếng cười, không có tiếng quát, không có ai đánh ai à?"


 "Anh đọc sách nhiều quá", vị thầy nói. "Tôi đã bảo là anh không nên đọc nhiều như vậy. Anh tự đồng hóa mình với đủ loại nhân vật trong sách, từ người hùng cho đến người ngu, và cố nuốt trôi những kinh nghiệm của họ. Đọc sách không phải là sai, nhưng đừng để cho mình thành mơ mộng, sống qua cuộc đời của người khác."


 Nói chuyện với vị thầy cũng là cả một sự khó nhọc. Ông cố tìm những chữ nào ông nghĩ là tôi có thể hiểu được để nói. Đôi khi tôi trở về phòng lẩm bẩm, cố nhớ lại những chữ không hiểu để tra trong tự điển. Phần lớn thời gian chúng tôi ít nói chuyện với nhau. Tôi đi vào, đọc công án của mình rồi nhìn ông. Ông sẽ chờ đợi một vài giây rồi cầm cái chuông nhỏ lên lắc. Đó là dấu hiệu để tôi phải đi ra. Tôi biết tôi có thể chụp lấy cái chuông đó và như vậy ông sẽ không đuổi tôi ra được trừ khi tôi trả lại cho ông cái chuông. Nếu một người đệ tử nghĩ rằng người thầy không lưu tâm đủ đến anh ta, anh có thể bắt buộc ông phải giải quyết vấn đề đó bằng phương cách này. Tôi không bao giờ dùng đến nó. Tôi không nghĩ rằng tôi có thể ép buộc vị thầy phải chia xẻ tri thức của ông với mình được.



 Trong truyền thống thiền không ai được tiết lộ công án của mình, đó là một vấn đề bí mật giữa thầy và trò: truyền thống đó không được vững mạnh lắm, vì tôi khám phá ra rằng thảo luận về công án là một cách tiêu khiển rất phổ thông giữa các vị sư. Họ còn đem đó ra làm một trò chơi để xếp hạng. "Bạn có công án nào? Tôi đã đến được công án này rồi..." Người ta có thể nghĩ rằng, sự phô trương một cách trẻ con như vậy hoàn toàn không có vẻ có trí tuệ tí nào. Nhưng tôi không chắc như vậy. Phần lớn những chú tiểu ở đây là do cha mẹ họ gởi tới. Họ phải ở thiền viện ba năm rồi sẽ được phong làm đại đức và được gởi đi trụ trì một ngôi chùa nào đó. Tổ chức ở đây cũng tương tự như giáo hội của đạo Thiên chúa. Vị sư có chùa để trụ trì sẽ được tự do, không còn phải làm một thứ nô lệ cho thiền sư hay vị sư trưởng nữa. Ông ta có thể áp dụng những điều đã tu học và làm những công tác xã hội, lo những dịch vụ của chùa, lắng nghe những tâm sự phiền não của đại chúng. Ông có thể giúp phương tiện cho những người nào muốn tìm kiếm sự an bình, an định trong tâm, vì chùa và khuôn viên của chùa là nơi đem lại những ảnh hưởng xoa dịu cho chúng sanh. Ông có thể dậy thiền và tổ chức những nhóm tu tập. Ông cũng có thể lấy vợ nữa. Nhưng cái địa vị và sự thoải mái chờ đợi ở cuối đường đó không đủ để giữ vững tinh thần cho một người trong ba năm huân tu ở thiền viện. Phải có thêm những cái khác để khích lệ. Thiền sư không thể để cho một người loay hoay mãi với một công án quá lâu, nên khi anh ta tỏ dấu hiệu có một chút hiểu biết gì, dù cho là rất ít đi nữa, cũng sẵn sàng cho qua luôn. Nhưng những vị sư đến do tự nguyện hoặc những cư sĩ thì lại khác, họ phải học khó hơn. Một vị sư đã ra khỏi thiền viện, có chùa và rồi khi trở lại ở đó sẽ thấy thầy của mình đối với mình khác hơn hồi xưa.



 Nhưng dù cho bị bắt buộc hay tự nguyện, lịch trình của thiền viện vẫn giống nhau. Mỗi đệ tử sẽ bắt đầu với một công án "lớn". Anh ta có thể được giao cho công án "Không", bắt nguồn từ câu chuyện một vị sư hỏi thầy của mình rằng con chó đang ở gần đó có phật tính hay không: một câu hỏi có vẻ ngớ ngẩn đối với một người phật tử, vì Đức Phật đã nói là tất cả đều có phật tính như nhau, như vậy con chó đâu thể là một ngoại lệ. Vị thầy trả lời bằng chữ "Không". Không có nghĩa là không, không có gì, khoảng không, sự chối bỏ tất cả. Vị sư kia không hiểu gì cả nên được bảo là phải quán về chữ "Không". Từ đó bắt đầu sự tu tập với công án. Một công án "lớn" khác là: ai cũng biết tiếng vỗ của hai bàn tay như thế nào. Nhưng thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay? Một công án thứ ba là: hãy cho tôi thấy bộ mặt của anh từ trước khi được cha mẹ sinh ra như thế nào. Hãy chỉ cho tôi thấy bộ mặt bản lai của anh.



 Tất cả những công án đều không hợp lý và đi vượt ra ngoài sự suy luận của trí óc. Thiền sinh cũng phải cố để đưa ra một câu trả lời nghe xuôi tai một chút, nhưng dù có hay không cũng vậy: vị thầy cũng sẽ cầm chuông lắc và người đệ tử phải bước ra ngoài.




 Câu trả lời, sau biết bao nhiêu công phu, biết bao lần tuyệt vọng và điên đảo tâm trí, sẽ có thể được chấp nhận, nhưng không giống nhau. Có thể là người đệ tử đó sẽ nói một điều gì vô nghĩa , hoặc có thể là ông ta cười lớn lên, hay nhìn vị thiền sư một cách kỳ lạ, hay làm một cử chỉ gì như là gõ tay vào sàn nhà hoặc vẫy tay chẳng hạn.. Nếu thiền sư gật đầu, công án kế tiếp sẽ được tiếp tục, để cho tri kiến của người đệ tử thêm thâm sâu. Có từng loạt công án nối tiếp nhau, và vị sư nào giải được hết các công án đó phải ra khỏi thiền viện để ra ngoài hoằng pháp độ sanh, hoặc như một vị thầy, hoặc như một người bình thường. Có rất ít đệ tử đã đi được đến hết con đường, nhưng điều đó không quan trọng, vì thiền viện không có chủ ý chỉ đào tạo ra những vị đạo sư. Mặc dầu vậy, tất cả thiền sinh đều phải làm hết sức những gì có thể làm được, và vị thầy sẽ giúp một cách thầm lặng, thường là thụ động, nhưng đôi khi cũng dùng đến sức mạnh. Nếu có làm gì, phải nên làm cho tốt. Đừng lo lắng đến kết quả. Nhưng bạn nói kết quả mới là quan trọng ư? Thôi đi, đừng có nói vớ vẩn.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng