Phần đầu

10 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 8266)




Nỗi đau của thiền


(Phần đầu)


 Cách. Một tiếng động khô khan. Ai đó vừa đập hai miếng gỗ vào nhau, tôi nghĩ. Tôi kéo cái dây đèn, bật sáng ngọn đèn yếu ớt. Ba giờ sáng. Ai mà ba giờ sáng đi đập hai thanh gỗ vào nhau làm gì? A, tôi nhớ ra rồi, tôi đang ở trong một thiền viện. Tôi đã hứa sẽ thức dậy ba giờ sáng mỗi ngày, trong thời gian 8 tháng. Những ý nghĩ hỗn độn và bực bội xâm lấn trí óc tôi trong khi tôi vội vã mặc quần áo, đầu đập vào cái đà nhà thấp. Trời đêm còn lạnh, hai mắt tôi díu lại mở không ra vì cơn ngái ngủ. Tôi lại đập đầu lần nữa và rồi lần bước ra ngoài, run rẩy lắng nghe những tiếng động mới lạ. Vị sư đã đánh thức tôi hồi nẫy đang đi về khu gần đó khoảng mấy trăm thước đập mõ đánh thức, gọi tên những người khác. Trong chùa có tiếng chuông ngân vang. Tôi rửa mặt rửa tay trong sân và chải lại đầu trong đêm tối; không đèn, không gương, và không có thì giờ để cạo râu. Tôi đã biết rằng tôi chỉ có 3 phút, từ lúc thức dậy, để đi đến tập họp nơi thiền đường. Đêm hôm trước, Peter đã nói cho tôi biết một chút về công việc hàng ngày ở chùa. Mọi việc phải làm thật nhanh chóng, không có thì giờ để mà lưỡng lự, không có thì giờ quay lại nằm nướng thêm một chút. Thức dậy, thay quần áo, rừa ráy, rồi đi đến thiền đường.



 Thiền đường rộng lớn nằm ở phía bên kia khuôn viên. Đó là một sảnh đường trống với những cái bệ rộng ở hai bên. Trên mỗi bệ đều trải chiếu và gối ngồi cho mỗi vị sư. Ở giữa sảnh đường là một bàn thờ lớn với bức tượng của Đức Văn thù Sư lợi, vị bồ tát của trí tuệ, tay cầm một cây kiếm xuyên thủng qua những vọng tưởng. Mùi trầm hương tỏa khắp. Khi bước vào ta phải đảnh lễ Đức Văn thù và rồi đảnh lễ vị sư trưởng đang ngồi gần cửa ra vào, trong vị trí nhìn bao quát khắp thiền đường. Sau đó đi vào chỗ ngồi của mình và lại đảnh lễ lần nữa. Những chiếc gối thiền được coi là thiêng liêng vì đôi khi ở trên những chiếc gối đó người ta có thể đạt được sự giác ngộ, được tự do, giải thoát khỏi những vấn đề ưu tư.


 Sau đó ta ngồi xuống thật nhanh, đan chéo hai chân lại với nhau và thẳng lưng lên. Mắt mở rộng nhìn thẳng phía trước, và khi vị sư trưởng đánh tiếng chuông thì bắt đầu nhập thiền. Hai mươi lăm phút sau vị sư trưởng lại đánh tiếng chuông nữa. Nếu mọi việc êm xuôi thì trong 25 phút đó ta đã lắng tâm xuống, hơi thở nhẹ nhàng và tư tưởng hoàn toàn tập trung.



 Khi tiếng chuông giải thiền vừa đánh lên ta có thể ra ngoài một chút nhưng phải trở lại ngay trong vòng 5 phút . Sau đó lại bắt đầu một thời khóa thiền khác trong 25 phút. Sau hai thời khóa đó từng người một sẽ vào tham vấn với vị thầy và rồi bữa điểm tâm được dọn ra, thường là cháo nóng và củ cải muối, với nước trà tầu . Peter, khi giải thích những điều này với tôi, đã bắt tôi tập ngồi trên gối thiền khi chúng tôi vào trong thiền đường. Anh nói: "Đặt bàn chân phải lên trên đùi trái." Tôi làm không được. "Thôi hãy xếp bằng đi vậy." Tôi cố gắng xoay xở thành một thế ngồi thật là vụng về. "Ráng tập lại đi." Peter nói, nhưng tôi không thể nào làm được, các bắp thịt đùi của tôi có vẻ như quá ngắn và quá cứng nhắc. Peter gật gù rầu rĩ: "Thế nào cũng bị đau , nhưng rồi anh cũng phải học thôi."



 "Tôi có thiền trên ghế được không?"


 "Tại sao?" Anh ta khinh bỉ nói. "Bộ anh là một ông già hả? Hay một người tàn phế? Vô lý. Anh còn trẻ, còn uốn thân mình được, các bắp thịt của anh rồi sẽ dãn ra thôi. Khi anh xếp chân lại với nhau bắp đùi của anh sẽ trệ xuống dưới sức nặng của chúng và rồi dần dần các bắp thịt sẽ dài ra. Nếu mỗi ngày mỗi tập một chút sau vài tháng anh sẽ có thể ngồi được trong thế bán kiết già, và sau vài năm thì ngồi thế kiết già được. Hồi trước tôi cũng bị vấn đề như anh vậy. Và hồi đó, tôi còn cứng nhắc hơn anh nữa kìa."


 "Nhưng tại sao lại phải quan trọng hóa thế ngồi kiết già như vậy?"


 "Để dễ dàng tập trung tư tưởng tâm của anh cần phải được quân bình, mà để cho tâm quân bình thân cũng phải quân bình mới được. Thế ngồi kiết già là một thế ngồi hoàn toàn, thực sự quân bình. Khi anh ngồi trong thế kiết già như vậy, bắt buộc là anh sẽ tĩnh tâm vì lúc đó không gì xẩy ra có thể làm lay động được. Tim của anh sẽ đập nhẹ hơn, hơi thở lắng xuống, tư tưởng không chạy lung tung nữa. Khi anh ngồi thẳng lưng, thẳng đầu như vậy tất cả những dây thần kinh trong cơ thể sẽ ở đúng vị trí của chúng. Nếu anh không thích thế ngồi kiết già, nếu anh không chịu cố gắng tập ngồi như vậy, anh sẽ tự gây cho mình biết bao nhiêu khó khăn vô lối, mà cứ tưởng là đang làm cho mọi việc dễ dãi và thích thú hơn."


 "Nhưng thiền trên ghế không thể được sao?"


 "Thiền trong bất cứ vị thế nào cũng được, nhưng chỉ có một vị thế tốt nhất, và đó là điều chúng tôi sẽ dậy anh trong 8 tháng này. Anh sẽ ở đây 8 tháng và chúng tôi sẽ dậy anh đủ thứ. Hãy ngoan ngoãn nghe lời đi, và đừng có nói nhiều lời. Càng nói nhiều, càng cố biện minh, là càng phí phạm thì giờ. Có lẽ anh có nhiều thì giờ để phung phí nhưng chúng tôi ở đây rất bận rộn, không có rảnh như vậy đâu."


 "Vậy mà nói thiền là tự do tự tại", tôi nghĩ. "Tự do không phải lo lắng gì, buông xả, thảnh thơi. Tự do hả, dễ dàng hả, chao ôi!"



 Peter là ai, sau này tôi mới được biết. Trước đó anh đã đến Nhật lúc còn ở trong quân đội, khi Mỹ qua chiếm đóng xứ này sau khi Nhật bại trận. Tại đây, tình cờ anh gập được vị thiền sư này trong đường phố. Cuộc gập gỡ đã để lại một ấn tượng sâu đậm trong tâm tư anh nên sau đó anh đã trở lại xứ này. Cũng như tôi, anh đã có lần bước qua cánh cửa thiền viện này, nhưng khác một điều là anh biết vị thiền sư từ trước. Anh đã sống trong thiền viện hơn một năm, và rồi ra ngoài ở nhà riêng. Kiếm sống bằng nghề đàn dương cầm cho những buổi hòa nhạc và dậy hát, nhưng mỗi buổi sáng hay mỗi đêm (đối với tôi 3 giờ sáng vẫn còn là giữa đêm khuya) anh đều đến tham vấn với vị thầy, và hầu như mỗi tối anh đều đến chùa ngồi thiền. Khi tôi gập anh thì anh đã là đệ tử của vị thiền sư này được 10 năm rồi. Một con người đã tiến nhiều trên bước đường tâm linh.


 Mới đầu tôi tưởng thiền viện sẽ giao tôi cho Peter huấn luyện, rằng tôi sẽ liên hệ ít nhiều gì với anh, nhưng trong suốt năm đầu tiên tôi ít khi nào gập được anh. Mỗi khi anh đến chùa là đi thẳng đến thiền đường và sau khi thiền xong là đi thẳng về nhà. Anh thường gập vị thầy rất nhiều, nhưng tôi lại không được phép đến gian nhà của vị thầy. Ông chỉ tiếp tôi vào buổi sáng sau khóa thiền sớm, và những buổi gập gỡ này đầy nghi lễ; vị thầy ngồi trên một cái đài thấp, đệ tử phải quỳ một cách cung kính. Hầu như không có liên hệ thân mật nào giữa thầy và trò. Nhật Bản là một nước của lễ nghi, với những phép tắc nghiêm ngặt trong cách đối xử hành động. Đôi khi tôi bắt gập vị thầy trong vườn và lúc ấy tôi có thể hỏi ông một vài câu, nhưng tôi không thể tự động bước vào phòng ông như Peter, hay như vị sư trưởng ở đây.



 Vì tôi sẽ chỉ tiếp xúc với người Nhật nên tôi phải học tiếng Nhật. Một bà lớn tuổi trong xóm nhận dậy cho tôi mỗi ngày, nên mỗi buổi chiều tôi đến đó học một tiếng, và rồi trở về phòng làm bài tập một hay hai tiếng nữa. Từ từ tôi bắt đầu hiểu được một ít ngôn ngữ này, nhưng cũng phải mất một thời gian dài, ít nhất là nửa năm, tôi mới lõm bõm nói được. Nhưng tôi không bao giờ nói tiếng Nhật một cách thành thạo được.



 Kinh nghiệm buổi thiền đầu tiên mãi mãi in sâu vào ký ức tôi. Sau khi ngồi được một vài phút tôi bắt đầu thấy đau. Hai bắp đùi tôi run lên như những phím đàn violon, hai chân tôi giống như hai khúc gỗ nóng bỏng. Lưng tôi cố giữ cho thẳng đứng có vẻ như muốn gẫy sụm xuống và rung lên không ngừng. Thời gian qua chậm như bất tận. Tôi không thể nào tập trung tư tưởng được, và cũng không được nói cho biết phải quán tưởng về cái gì, nên chỉ ngồi đợi tiếng chuông giải thiền, tiếng chuông sẽ giải thoát tôi khỏi sự thống khổ ấy.



 Sau này khi đã quen tôi có dịp quan sát những người mới tập thiền như tôi, tây phương cũng như Nhật. Tôi không thấy ai cứng nhắc như tôi trong những bước đầu. Phần lớn họ đều có cách để ngồi được một cách thăng bằng nhưng tôi thì phải mất 3 tháng trường ngồi như trên ổ kiến lửa mới có thể hết ngả nghiêng và đặt một chân lên đùi kia được. Nhưng tới đó tôi vẫn chưa phải là đã hết khổ, mà còn có nhiều nỗi khổ khác nữa.



 Tôi tin rằng tập thiền đối với đại chúng thật là khó. Bản tính con người thường hay bắt chúng ta phải hoạt động, đi lên đi xuống, hoa chân múa tay, nói năng kể chuyện, cười đùa, để chứng tỏ sự hiện hữu của mình với chính mình và với mọi người, rằng con người của chúng ta là quan trọng.



 Chúng ta sợ sự im lặng, sợ chính tư tưởng của mình. Chúng ta muốn phải có âm nhạc bên tai hay một cuốn phim để xem. Chúng ta thích được giải trí. Chúng ta muốn làm một cái gì, châm điếu thuốc, uống một thứ nước gì, nhìn ngắm ra ngoài cửa sổ. Tất cả những việc đó đều tiêu tan khi ta ngồi thiền.


 Trong thiền tập có một hoạt động gọi là kinhin (kinh hành). Các vị sư, sau khi ngồi yên bất động trong vài tiếng đồng hồ, đứng dậy bước đi thành một vòng liên tục trong khi vẫn tiếp tục tập trung tư tưởng. Chỉ có vị sư trưởng, người chủ chốt trong hoạt động này, là theo dõi giờ giấc và định phương hướng để đi, những người khác chỉ có đi theo.



 Lần đầu tiên khi đi kinh hành tôi đã thoát khỏi cái vòng ấy và lẻn ra phía ngoài thiền đường. Tôi tựa mình vào một gốc cây , cười sặc sụa cho đến khi nước mắt ràn rụa chẩy xuống má. Tôi, một tên lãng tử, một thằng beatnik (hồi đó chưa có hippies), một tâm hồn tự do phóng khoáng, bây giờ là một phần tử trong hàng người kia và bị gò bó với thời khắc quy định sao?



 Thiền là một cách thực tập để làm cho con người buông xả, nới lỏng những ràng buộc. Tôi đã bị vướng mắc nơi chính ý tưởng là tôi không có ràng buộc với gì cả. Một vị bác sĩ Nhật thường hay đến chùa thiền buổi tối, nói với tôi rằng ông thường gập khó khăn khi cố ngồi yên và tập trung tư tưởng. Ngồi tĩnh tọa là một cách để dựng lên khoảng cách, để tự cô lập mình, tự tách rời không những từ những gì đang xẩy ra chung quanh mà còn cả những gì đang xẩy ra ngay trong chính mình. Sau này, khi được giao cho công án để tập trung quán tưởng, tôi mới nhận thấy rằng có những điều thật nhỏ nhặt nhất cũng đủ làm tư tưởng bị phân tán. Ký ức về một món soup ngon bao nhiêu năm về trước ở đâu đó, cũng đủ làm một đề tài suy nghĩ lan man mất mười phút những chuyện không đâu vào đâu. Tọa thiền là ngồi yên trong một thế đúng cách, tập trung tư tưởng và quán về bất cứ một điều gì, như Phật, Chúa Jesus, một hòn sỏi, hư không hay chân không, bầu trời xanh, Thượng đế, tình yêu, v.v.. Trong thiền tập sự tập trung được đặt vào một công án (ko-an), một đề mục mà vị thầy giao cho đệ tử để suy ngẫm. Hành giả cố hòa nhập vào công án đó, tìm cách phá vỡ khoảng cách giữa mình và công án , chìm đắm trong công án, cho đến khi mọi sự đều phai mờ để chỉ còn công án đó ngập tràn khắp vũ trụ hư không. Và nếu tới được mức đó sự giác ngộ, sự thức tỉnh sẽ đến. Nghe thì rất giản dị, nhưng thực ra là gần như không thể làm được, nhưng nếu nói là không làm được thì những sự tu tập sẽ chẳng có được ích lợi gì. Tuy nhiên sự thần bí tâm linh vẫn có từ xưa như trái đất, nào là "thánh linh", "hiền giả", "chân nhân", "nhà tiên tri", các bậc "thánh", bậc "a-la-hán", "bồ tát", "phật" v.v.. đã xuất phát từ biết bao nhiêu trường phái tu tập. Và trong mỗi sự tu tập ấy cái tôi, cái "ngã" đều bị tiêu diệt và phá vỡ.


 Đối với người sơ cơ, gần như không thể nào tập thiền một mình được. Nhưng nếu ở trong một nhóm, đã được quy định giờ giấc , thì việc hành thiền sẽ dễ dàng hơn. Đó là bởi vì tự ái, hay sự xấu hổ, sẽ ngăn ta không cho bỏ cuộc trước khi mãn giờ. Nếu người khác làm được, ta phải làm được. Tự ái không phải là lúc nào cũng xấu-- đôi khi nó cũng hữu ích để giúp ta đạt được một mục tiêu nào đó. Những người khác không ngồi ngả nghiêng, tôi cũng không được ngồi ngả nghiêng. Tôi quá tự ái để mà rên rỉ kêu đau. Tôi quá tự ái để lấy tay gãi sau ót. Tôi sẽ ngồi yên, như tất cả mọi người. Nhưng như vậy không phải là tôi không ngả nghiêng hay rên rỉ nhiều, bởi vì tự ái cũng có cái giới hạn của nó. Cơn đau đớn đôi khi tệ hại đến nỗi tôi có cảm tưởng tôi đang ngồi trên một đống củi nóng bỏng, răng tôi đánh vào nhau lập cập và tôi nức nở không kiềm chế được. Thường thường khi thấy tôi như vậy vị sư trưởng sẽ cho tôi ra ngoài xả hơi trong 25 phút. Lúc đó tôi sẽ phải đi đi lại lại, trong khi vẫn tiếp tục tập trung tư tưởng, ở một góc vườn trong tầm nhìn của vị sư trưởng từ thiền đường ngó ra.


 Ngày đầu tiên trong thiền viện trôi qua lặng lẽ. Sau buổi thiền sớm tôi chưa được vào tham vấn với vị thầy, mà đi về phòng. Sau đó tôi được gọi ra dùng điểm tâm. Bên những dẫy bàn thấp, chúng tôi ngồi xếp bằng trên sàn nhà, trong thế liên hoa, dĩ nhiên, nhưng tôi thì được đặc cách ngồi theo kiểu quỳ gối. Ngồi như vậy dễ chịu hơn nhưng rồi một lúc sau cũng vẫn đau , bởi vì sàn nhà bằng gỗ cứng. Trước khi ăn các vị sư tụng một bài kinh, một trong những bài pháp của Đức Phật, bằng phiên âm tiếng Hán, trong khi người bếp gõ mõ nhịp theo. Tiếng tụng kinh như mê hoặc với âm thanh lên bổng xuống trầm, các vị sư đọc từng chữ một ngắn gọn kéo trong âm điệu và rồi chấm dứt một cách sắc bén, đột ngột. Sau đó chúng tôi được đưa cho những bát cháo trắng nóng và một chén rau muối mùi vị không đến nỗi tệ. Chúng tôi cũng được ăn takuan, một loại củ cải muối mầu cam sắc mỏng . Tôi cho một ít lát củ cải vào miệng nhưng vị hăng làm tôi nhăn mặt lại muốn sặc. Tôi nhìn quanh tuyệt vọng, mồ hôi rịn ra ướt chân tóc. Theo luật không ai được nói năng gì trong khi ăn nhưng thấy phản ứng của tôi như vậy mọi người đều bật cười, kể cả vị sư trưởng nghiêm nghị. Sau này, khi đã quen rồi, tôi lại thích ăn takuan và mỗi khi đi ngang bếp thường hay lén lấy một ít ăn vụng.



 Sau bữa điểm tâm chúng tôi phải đi làm việc. Tôi được đưa cho một cây lau nhà và đến một hành lang thật dài. Lau hành lang đó xong lại nối tiếp những hành lang khác. Khi có tiếng chuông gióng lên, chúng tôi được một giờ nghỉ. Tôi về phòng nằm ngủ một giấc, lúc ấy mới 6 giờ sáng, cũng còn rất sớm.


 Đến 7 giờ, tôi theo những người khác ra vườn rau hái dưa chuột. Các vị sư mặc đồ làm vườn, họ cười đùa, xô đẩy nhau. Phần lớn họ là những chú tiểu trẻ, tuổi từ mười bẩy đến hai mươi mốt, cũng có một số lớn tuổi hơn, nhưng tôi chỉ biết đến những người trẻ, vì những vị sư lớn tuổi thường giữ vẻ xa cách .


 Vị sư trưởng sống riêng biệt. Bởi vì ông là người thực sự điều khiển thiền viện và cũng là một vị thượng tọa, có địa vị cao cấp hơn tất cả, nên ông được mọi người kính nể. Ông tiếp khách, lo việc quản lý ngôi chùa, trả hóa đơn, nhận vật phẩm cúng dường, viết thơ từ. Tiền tôi phải trả hàng tháng được sắp xếp với ông-- khoảng độ 2 bảng Anh cho một tháng trọ, số tiền rẻ nhất trong đời tôi từ trước đến nay.



 Một vị sư khác làm việc đầu bếp. Thực đơn hàng ngày thật là giản dị: rau, cơm, cháo , không một chút thịt nào, đôi khi có mì xào hay một món giống như tả pí lù của Tầu, một món rau hầm được nấu rất ngon . Thỉnh thoảng chúng tôi cũng được ăn một bữa tiệc và vị đầu bếp có ba, bốn người đến phụ làm những món ăn cầu kỳ. Nhưng phần lớn thức ăn hàng ngày rất giản dị và không bổ dường gì lắm, không giúp ích gì cho sức khỏe của tôi. Trong vòng vài tuần lễ tôi bắt đầu thấy yếu và ngã bệnh. Một vị bác sĩ Nhật đến chẩn bệnh đã cho tôi được ăn uống tẩm bổ hơn, nên tôi được phép ra ngoài ăn mỗi ngày một lần (nếu có thể, vì có khi chùa đóng cửa nhập thất đến cả tuần). Tôi tìm được một tiệm ăn nhỏ ở gần ngay đó, có cơm chiên và gỏi thịt.


  Buổi chiều khóa thiền lại tiếp tục với 4 thời, gồm 2 tiếng tất cả. Bữa ăn tối được dọn ra sớm, vào lúc 4 giờ chiều, và đó là bữa ăn cuối trong ngày. Buổi tối chúng tôi lại thiền từ 7 giờ đến 10 giờ. Giờ giấc thiền được định khác nhau tùy theo mùa, mùa đông thiền nhiều hơn mùa hè, nhưng đối với tôi 6 giờ thiền mỗi ngày trong mùa hè như thế này cũng đã quá sức chịu đựng rồi. Tuy nhiên, tôi vẫn qua được, bắt buộc phải qua, bởi vì tự ái của tôi không cho phép bỏ cuộc.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng