Chánh niệm trong mọi khúc quanh

12 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 8668)




Chánh niệm trong mọi khúc quanh

 

 

 

 Ngày tôi dọn đi, một trong những vị sư trẻ, Ko-san, bị đuổi ra khỏi thiền viện. Nếu tôi không thấy anh ta đang đi ra xe taxi chờ sẵn ở ngoài, khệ nệ kéo một cái vali lớn, trên tay một gói đồ bọc trong một tấm vải nhiều mầu, chắc tôi sẽ chẳng bao giờ để ý thấy sự vắng mặt của anh. Trong các vị sư tôi chỉ biết nhiều đến vị sư trưởng, vị đầu bếp, Ke-san cao gầy thường thay thế vị sư trưởng, và dĩ nhiên, Han-san, người bạn, người nâng đỡ tôi trong thiền viện. Những người khác tôi biết mặt biết tên, nhưng không hề có giao thiệp với họ. Họ sống trong một khu khác của thiền viện và hợp thành một khối riêng biệt vững chắc, cùng nhau chia xẻ những hoạt động mỗi ngày: như đi khất thực qua khu vực quanh chùa, làm vườn , và lau dọn, sửa chữa trong thiền viện. Một lý do khác để tôi không được biết họ nhiều là vì vị thầy và vị sư trưởng đã bảo tôi không nên tiếp xúc nhiều với họ. Vị sư trưởng nói, ba năm qua thật là nhanh, và thật khó mà huấn luyện để chuyển những chú tiểu trẻ trung và ham chơi thành những vị sư đứng đắn có tinh thần trách nhiệm, và cho họ một ý niệm về Thiền. Những chú tiểu đó muốn có một cái gì giải trí, và không có gì hay hơn là một người tây phương bỗng nhiên ở đâu lọt vào môi trường của họ, chẳng khác gì một con gấu biết làm đủ thứ trò chơi trong gánh xiệc vậy.


 

 Han-san là người thông tin của thiền viện, và tôi có thể giao thiệp với anh ít nhiều, nhưng còn những người khác tôi chỉ có thể làm việc chung với họ; và một khi tiếng chuông hoặc tiếng kiểng đánh lên công việc chung đó sẽ chấm dứt và tôi phải trở về phòng, hay rời thiền viện để đi học tiếng Nhật, hoặc đi ra ngoài xả hơi trái phép như đi nhà tắm công cộng, đến tiệm ăn, hoặc đi dạo một vòng quanh khu vực.


 Ko-san, như tôi được biết, là một vị sư ít nói, thường ngoan ngoãn phục tùng bất cứ một mệnh lệnh gì, và điều làm tôi chú ý đến nhất là sự nhanh nhẹn của anh mỗi khi trèo cây. Những cây tùng trong vườn của chùa đưôc cắt tỉa thường xuyên, và Ko-san, đi một đôi giầy đặc biệt để dùng vào việc này, có thể leo lên cây thoăn thoắt, như thể là kiếp trước anh đã từng là một con sóc và bây giờ đột nhiên được dịp nhớ lại. Tôi cũng để ý thấy anh ta hay bỏ những thời thiền, vì anh ngồi đối diện tôi trong thiền đường và nếu anh không có ở đó sẽ thấy rõ một khoảng trống trong hàng người áo đen ngồi đều đặn bên đó.


 Tôi phụ Ko-san khiêng cái va-li ra và hỏi anh đi đâu.


 Anh lúng túng nói gì như là đau bụng phải trở về nhà, nhưng trông anh có vẻ buồn rầu và chán nản quá, nên tôi hiểu rằng còn có điều gì nghiêm trọng hơn là chỉ về nhà để dưỡng bệnh.


 Han-san, như thường lệ, giải thích sự việc cho tôi.


 "Rắc rối lắm," anh nói. "Mấy cơn đau bụng đó không đến nỗi tệ vậy đâu, chúng cũng tương tự như căn bệnh đau cổ của anh khi anh không muốn dậy sớm tinh mơ vào ban đêm đó mà."


 "Nhưng tôi chỉ cần dọn ra ngoài thôi," tôi phản đối. "Còn Ko-san phải đi hẳn ra khỏi đây."


 'Phải," Han-san nói. " Sáng nay anh ta đã được triệu tập thật bất ngờ. Thầy và sư trưởng gọi anh lên, rồi thế là anh phải đi khỏi đây. Chắc anh sẽ về nói với cha anh rằng anh không đủ sức khỏe để sống cuộc đời thiền viện này, và tôi chắc rồi anh sẽ thành một nông dân, nhưng cũng có thể là sau này anh sẽ quay lại không chừng."


 Han-san không muốn nói rõ ràng hơn về câu chuyện này. Anh cũng rất bận rộn với công việc trong chùa, tên anh lại vừa được gọi lên, và trong chánh điện đang có tiếng kiểng đánh lên, báo hiệu khóa lễ sắp bắt đầu.


 Peter và Gerald nói với tôi rằng trường hợp một vị sư đột nhiên bị đuổi ra ngoài không phải là hiếm có; cũng có khi là vị sư đó đã cố gắng làm hết sức nhưng vẫn bị nhiều chướng ngại khó vượt qua được từ trong bản thân, và không thể tiến triển được chút nào. Lúc đó những người có thẩm quyền trong thiền viện sẽ tìm cách phá vỡ những trở ngại đó bằng cách tạo ra một chấn động bất ngờ, một sự thay đổi môi trường sống. Có thể rồi sau này vị sư sẽ tự mình quay lại. Cũng có thể ông sẽ đi tìm một vị thầy khác thích hợp hơn, tiếp cận với ông được nhiều hơn. Nhưng cũng có thể là vị sư tới đây sẽ bỏ cuộc, hoặc nghĩ là ông đang bỏ cuộc. "Nhưng công án sẽ vẫn tiếp tục hoạt động trong ông," Peter nói. "Mỗi công án là một quả bom nổ chậm, một quả bom rất tinh vi phức tạp. Một ngày nào đó trái bom đó sẽ nổ. Điều đó có thể xẩy ra thật nhiều năm sau đó; trong cuộc đời con người bao nhiêu nẻo đường quanh co đã đi qua, bao nhiêu chuyện đã xẩy đến, nhưng công trình của một vị thầy thì không bao giờ mất được."


 "Nhưng quả bom này sẽ nổ lúc nào? Trong kiếp hiện tại? hay kiếp sau? Và vị sư, hay vị cựu-sư đó, có phải làm gì để châm ngòi cho nó nổ hay không? Chắc hẳn nó không phải là loại bom gài máy móc tự động sẽ phát nổ sau một thời gian nào đó phải không?"


 Peter bật cười khi tôi hỏi câu đó.


 "Kiếp này, kiếp sau. Anh đọc sách nhiều quá. Anh có bao giờ nghĩ đến sự khả dĩ là thời gian không có thực hiện hữu không? Rằng chẳng có gì khác ngoài "hiện tại bây giờ"? "Hiện tại bây giờ" anh có thể làm được gì đó. "Hiện tại bây giờ" là miên viễn. Và nếu anh không làm gì "bây giờ" thì sẽ không có gì xẩy ra "bây giờ" được."


 Đó là một trong những câu trả lời mà tôi thấy thật uyên bác, vì đã rút tỉa ra từ một nguồn chân lý duy nhất, nhưng không áp dụng được với tôi bởi vì mỗi lần tôi bắt đầu quán xét câu trả lời đó, tôi lại thấy cái thông điệp của nó vượt quá ngoài tầm tay của tôi.


 Tôi dọn đi không cần phải mất nhiều thì giờ hay công sức. Tôi đến đây với một cái va-li, và cũng đi với một cái va-li. Peter chở chiếc va-li trên xe gắn máy của anh, và tôi đi đến anh bằng xe điện. Anh sống ở một nơi cách thiền viện chừng nửa giờ đi bộ, trong một căn nhà bốn phòng có vườn rộng chung quanh. Tôi được tiếp đón một cách long trọng. Peter đứng đợi tôi từ ngoài cổng. Anh dẫn tôi vào chỉ phòng cho tôi ở, một căn phòng rộng lớn với một hốc thường lệ mà người Nhật hay treo ở đó một bức tranh hay bức vẽ chữ mực tầu, và bầy một bình hoa với một cành hoa duy nhất, hay trưng những cành cây và những đóa hoa khô sắp xếp với nhau thật là mỹ thuật.


 Anh đề nghị với tôi một số tiền rất phải chăng cho mỗi tháng, rồi mời tôi về phòng anh, đưa cho tôi một cái gối ngồi (trong phòng không có ghế hay đồ đạc gì kiểu tây phương cả, anh sống hoàn toàn theo lối Nhật), và rót cà-phê. Tôi có cảm tưởng như mình đang đến thăm vị sư trưởng trong lễ nghi kiểu cách và quyết định sẽ nói càng ít càng tốt.


 "Anh đến đây," Peter nói, "vì thầy muốn như vậy. Bản thân tôi chắc không bao giờ có ý tưởng này. Tôi quen sống một mình từ lâu nay và tôi thích sống như vậy. Nhưng không sao, tôi sẽ làm hết sức để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Có lẽ rồi chúng mình cũng có thể giúp nhau được."


 Anh nhìn tôi dò hỏi và tôi gật đầu. Sự đón tiếp của anh không có gì vui vẻ lắm, nhưng có lẽ sự vui vẻ không phải là một phần của Thiền.


 "Trước hết chúng ta phải phác họa một chương trình cho anh. Tôi có giấy bút ở đây. Anh hãy viết xuống những gì tôi nói, rồi nếu không đồng ý chúng ta có thể thảo luận sau. Bây giờ xem nào. Thầy sẽ chờ đợi chúng ta ba giờ rưỡi mỗi sáng. Như vậy là chúng ta phải thiền trước nhất. Từ đây đến đó mất khoảng nửa tiếng, cho nên anh sẽ phải thức dậy từ hai giờ mười lăm đến hai giờ rưỡi mỗi ngày."


 "Hay thật là hay," tôi nghĩ. Trong thiền viện tôi phải dậy từ ba giờ sáng. Ở đây cũng không khá gì hơn.


 "Nửa giờ đi bộ chiếm quá nhiều thì giờ," Peter nói tiếp. "Anh sẽ phải có phương tiện di chuyển, bởi vì tôi sẽ không chở anh đàng sau, vì như vậy sẽ làm hại đến sự tập trung tư tưởng của tôi cũng như của anh. Tôi có một người bạn có chiếc xe gắn máy cũ , có thể để lại cho tôi không lấy tiền, và tiệm sửa xe đầu phố sẽ sửa được cho anh với giá từ hai mươi đến ba mươi bảng Anh. Như vậy anh sẽ có một cái xe tốt để đi. Và khi có xe rồi anh có thể dậy trễ hơn nửa tiếng cũng được -- dĩ nhiên chúng tôi cũng phải biết điều một chút. Và anh sẽ về nhà được nhanh hơn. Về nhà rồi chúng ta sẽ ăn sáng. Tôi làm đồ ăn, và anh rửa chén. Sau đó chúng ta lau dọn chùa cho đến khi nào anh thông thạo rồi thì anh có thể làm một mình được."


 Và đại khái mọi sự tiếp tục như thế. Một ngày được phân ra thành từng phần, với từng giây phút được quy định. Chương trình hàng ngày gồm có ít nhất ba giờ thiền, ngoài số giờ thiền tôi phải làm ở chùa mỗi buổi tối. Có giờ để làm việc trong vườn, giờ học tiếng Nhật, giờ đi chợ (cũng là một phần trong công việc phải làm), và còn có giờ để ngủ , hai lần một ngày, mỗi lần nửa giờ trong phòng.


 Sau một vài thay đổi nhỏ chúng tôi đồng ý quyết định chương trình hàng ngày, và Peter bảo tôi viết lại rõ ràng trên giấy. Khi tôi làm xong đưa cho anh xem, anh đưa tôi bốn cái kim để gài vào cánh cửa tủ bên trong của tôi.


 "Bây giờ anh hãy chú ý," Peter nói, "những gì tôi sắp nói đây có thể làm anh ngạc nhiên, bởi vì anh là con người có tâm hồn rất giản đơn. Chương trình này sẽ chẳng đi đến đâu cả. Chúng ta sẽ không có một ngày nào theo đúng như chương trình vừa được phác họa này. Và cũng hợp lý thôi, bởi vì chúng ta không để chừa chỗ cho những trường hợp bất ngờ. Có thể là chúng ta sẽ có khách đến thăm, hoặc là chúng ta đang bận rộn làm vườn và muốn tiếp tục làm thêm, và cũng có thể là anh, bởi vì không phải lúc nào tôi cũng có ở đó mà giám sát anh, sẽ làm đảo ngược hết chương trình bằng cách lén lút vào phòng ngủ thêm, hoặc đọc sách thêm một tiếng đồng hồ. Nhưng khi nào anh chợt tỉnh ra và nhớ lại chương trình hàng ngày và nhận ra rằng anh đang tham dự vào một công trình tu tập có thể đưa anh đến một bình diện nào đó, thì anh có thể mở tủ ra và chỉ việc nhìn đồng hồ, biết lúc đó là mấy giờ rồi xem giờ đó phải làm gì trong chương trình, và làm việc đó. Anh có hiểu ý tôi nói không?" Tôi hiểu ý anh. Mười năm ở Nhật đã để dấu ấn lại trong con người Peter. Xã hội Nhật thật cứng nhắc với những luật lệ thành văn và không thành văn, nhưng mỗi luật đều có những khe hở, để cho cuộc đời còn có thể sống được, và số người tự tử còn có thể giới hạn được.


 "Rồi," Peter nói. "Bây giờ xem trong chương trình anh đang phải làm gì."


 Tôi đi về phòng và trở lại với nụ cười trên môi. Bây giờ đang là giờ ngủ trưa.


 "Hay lắm," Peter nói. "Tôi cũng phải đi ngủ đây. Ngủ xong rồi anh sẽ pha trà, và uống trà xong thì chúng ta đi làm vườn."


 Tôi trải túi ngủ trên sàn nhà, sắp lại cái gối Nhật của tôi, trong đó độn rất nhiều viên sỏi nhỏ li ti nhưng khiến cho đầu được nâng lên một cách thoải mái nhất, đặt một gạt tàn thuốc trong tầm tay, để đồng hồ báo thức, rồi châm một điếu thuốc lá. Peter đi vào nói:

 

 "Này, tôi không cho phép như vậy đâu. Tôi không thích hút thuốc lá, đó là một thói quen xấu và nguy hiểm nữa. Nhà ở đây dễ cháy lắm -- toàn làm bằng gỗ, rơm và giấy, anh cũng biết đấy."


 "Nhưng bao giờ tôi cũng hút thuốc trước khi đi ngủ."


 "Thế anh chưa bao giờ làm cháy gì sao?"


 "Không bao giờ."


 "Thôi được, chắc tôi cũng phải cố hòa hợp với thói quen của anh."


 Có vẻ như bước khởi đầu khá tốt đẹp. Tôi hút xong điếu thuốc, cẩn thận dụi cho hết mẩu thuốc thừa, rồi xoay mình lại ngủ ngay lập tức. Sau nửa giờ ngủ, như tôi đã từng biết từ trong thiền viện, sức chịu đựng những căng thẳng hàng ngày sẽ tăng lên rất nhiều. Vị sư trưởng còn dậy tôi một vài bài tập vận động thân thể để tôi có thể ngủ được nhanh chóng, nhưng tôi không cần đến chúng. Tôi chỉ cần nhắm mắt lại, lầu bầu trong miệng, thở một hơi dài , là tôi đã ngủ rồi, và nếu họ muốn đánh thức tôi ngay sau đó tôi sẽ cảm thấy như mình đang bị lôi ra từ tận cùng vũ trụ. Tôi đã phải cho đi ba cái đồng hồ báo thức trước khi tôi tìm được một cái kêu đủ to để kéo tôi dậy, nhưng cũng phải để nó vào trong một cái đĩa thiếc đầy những đồng xu ở trong.


 Sau giấc ngủ tôi rửa mặt bằng nước lạnh, pha một ấm trà tầu rồi đánh thức Peter, lúc đó đang rúc vào trong túi ngủ, trông như một quả chuối khổng lồ, nằm cong queo giữa những sách nhạc và một đống quần áo vừa giặt sạch sẽ.


 Năng lực của anh lúc thức dậy làm tôi phát sợ. Anh nhẩy dựng lên, kéo xoạc túi ngủ ra khỏi người rồi nuốt chửng chén trà nóng bỏng trong vài ngụm.


 "Tới giờ làm việc rồi," anh vui vẻ nói, và một phút sau chúng tôi đã ở trong vườn rau của anh. Tôi phải đào những đường rãnh trong khi anh mang ra hết sô này đến sô khác đầy những phân người, từ trong nhà cầu của anh, và quết nó vào trong rãnh với một cái thìa gỗ lớn vĩ đại. Mặt anh rạng rỡ lên với niềm vui như thể là cái hỗn hợp bầy nhầy mầu nâu vàng kia, với những mẩu giấy toilet vụn rải rác khắp nơi, là một món ăn chơi thật ngon, một thực phẩm đặc biệt cho vườn rau của anh. Tôi cảm thấy buồn nôn quá, phải nhẩy qua một bên tránh mỗi khi anh đi ngang tôi, chỉ sợ quần áo sẽ bị dính văng mấy thứ đó vào.


 "Bộ anh thấy cái này bẩn sao?" anh hỏi, đầy vẻ ngạc nhiên.


 'Đúng," tôi nói, 'bẩn lắm."


 "A, nhưng anh phải học điều này. Phân không có bẩn chút nào -- cả một nền kinh tế của Nhật đều dựa trên cái này -- vì không có những ống cống thoát chất thải, nên mọi thứ đều được tái xử dụng. Người ta bắt buộc phải làm thế, với một trăm triệu người chen chúc trên mấy hòn đảo này."


 Anh dí vào tay tôi một cái sô và bảo tôi cũng phải trét đầy vào mấy cái rãnh. Khi những thứ trong sô của tôi bắt đầu tung tóe ra ngoài tôi không chịu nổi , phải đi ra ngoài nôn và tựa mình vào hàng rào cho vững. Sau đó cơn buồn nôn mới hạ dần.


 Trong mấy ngày đầu ở nhà Peter tôi tỏ ra thật vô tích sự. Những lần tập nấu bếp đầu tiên của tôi đã gây ra những đám khói đen cuồn cuộn với một mùi cháy khét phảng phất đến cả bao nhiêu ngày sau đó. Khi tôi lau những khung gỗ ở cửa bằng một khăn ướt, nước chẩy dòng dòng theo những thanh gỗ thấm ướt hết chiếu lót sàn, khiến lại phải mất bao nhiêu công trình khó nhọc gỡ những chiếc chiếu đó ra và đem phơi ngoài nắng. Khi tôi muốn quét bụi những cánh cửa kéo ngang (bụi bám vào những khung gỗ vuông của cánh cửa và phải được quét đi bằng những chổi phất trần), tôi làm rách giấy dán lên những chiếc khung mỏng manh đó. Và khi tôi cố sửa lại chỗ rách, tôi lại làm mấy chỗ khác rách thêm. Tôi đánh vật với một số công việc, trong sự châm biếm của Peter -- đôi khi, anh ta buồn cười quá chịu không nổi, phải nhẩy nhót nhào lộn trên sàn nhà để xả bớt ra. Anh đã lớn lên trong một nông trại ở Mỹ và không thể tưởng tượng được lại có một người vụng về đến thế. Chắc những chuyện anh kể về tôi nơi thiền viện phải ngộ nghĩnh lắm, vì khi tôi đến đó thiền buổi tối tôi nhận thấy từ nét mặt của vị thầy và vị sư trưởng rằng họ đang theo dõi sát nút quá trình tiến triển của tôi, thích thú với những báo cáo hàng ngày của Peter, trong đó có nhiều chi tiết thật hào hứng cho họ không bao giờ thấy chán.


 Một bà già đến giúp việc lau dọn bếp và phòng tắm cho Peter mỗi ngày cố tìm cách giúp đỡ tôi, nhưng nếu Peter có mặt ở nhà, bà sẽ không thể làm được việc đó. May là anh ta phải đi làm ban ngày, anh dậy ở một trường âm nhạc, và như anh đã tiên đoán trước, đôi khi tôi cũng phá lệ đi vào phòng đọc sách hay ngủ thêm, và Tokamura-san, bà già tử tế tội nghiệp, lại đi cọ hết cả nồi niêu và sửa sang lại những nơi bị phá hỏng. Peter sẽ đột nhiên chạy về nhà, nhẩy bổ xuống chúng tôi như một con chim ưng đáp xuống từ nền trời trong sáng, la mắng ầm ĩ, và tôi sẽ cố vâng lời, nhận thức được rằng những gì tôi đang làm đây có thể giúp ích được cho một mục đích nào đó.


 Việc thiền tập của tôi có vẻ khá thành công. Tôi đã ngồi khá hơn nhiều, trong một thế ngồi trông thoáng qua có vẻ như là bán kiết già. Tôi đã tìm được một chỗ ngồi thiền thoải mái trên hành lang nhà Peter, nhìn ra khu vườn đá ở ngoài. Trong lúc thiền tôi không nhìn những tảng đá, những bụi cây hài hòa với nhau một cách nghệ thuật, nhưng có một cái gì đó trong vườn như cảm ứng với tôi, khiến cho tôi thiền được dễ dàng. Tôi đuổi muỗi đi bằng cách đốt một thẻ nhang đặc biệt của Nhật, một loại nhang dầy cuộn tròn mầu xanh lá cây đậm, tỏa một thứ khói không khó chịu đối với người nhưng lại làm cho những con côn trùng phải sợ mà bỏ đi. Trong thiền đường của tu viện chúng tôi thường xịt thuốc trừ côn trùng, một giải pháp lý tưởng đối với tôi, vì tôi không muốn phải bị ngứa ngáy thêm vào cái đau đang có sẵn, nhưng một vài vị sư nghĩ rằng họ không cần dùng đến thứ thuốc xịt này. Đức Phật khi ngồi thiền trong rừng ở Ấn độ cũng đã đâu cần đến thuốc diệt côn trùng. Họ còn nói rằng nếu tập trung tư tưởng theo một cách nào đó, có thể làm cho côn trùng lánh ra xa được, nhưng tôi chưa bao giờ học làm được điều đó. Những con muỗi không làm phiền tôi mấy, tôi đã quen bị chúng đốt rồi, nhưng có một loại ruồi đen nhỏ xíu rất là đáng ghét, mà nếu bị chúng đốt sẽ nổi sưng lên và có thể bị nhiễm trùng, có khi còn làm cho bị nóng lạnh nữa.


 Trong những ngày đó có một thứ quan trọng đối với tôi, và cũng đền bù cho phần lớn những lao tác hàng ngày của tôi, là chiếc xe gắn máy mà Peter và tôi đã lôi ra được từ sau vườn của ông bạn anh, và chúng tôi chở xe đó đến tiệm sửa xe trên một chiếc xe hủ lô. Cái xe cũ kỹ, hoen rỉ đầy những vết trầy trụa sứt mẻ này , lại thuộc dạng xe lớn đặc biệt, có cái tên là "Rabbit", được sản xuất để chuyên bán sang các nước tây phương, và được trang bị với một dàn máy rất mạnh, có tiếng nổ nhắc tôi nhớ lại chiếc xe của tôi ở Capetown. Tiệm sửa xe đã hứa sẽ tái tân trang lại chiếc xe trở về hình dạng nguyên thủy của nó và sẽ đem đến tận nhà cho tôi trong vòng hai tuần. Tôi đếm từng ngày một.


 Chiếc xe gắn máy này là một nguồn vui lớn lao với tôi. Mỗi buổi sáng tôi cỡi xe đến thiền viện, đi ngang qua một thành phố đang say ngủ, và chỉ có cảnh sát, những người phụ bếp làm bánh mì, những người giao báo và những kẻ đi chơi thâu đêm là vẫn còn thức. Lần đầu tiên tôi bị hai người cảnh sát chận lại hỏi giấy tờ. Tôi không đem theo giấy tờ, nhưng khi tôi nói với họ rằng tôi là đệ tử của vị thầy họ cùng cúi đầu xuống chào tôi rất lễ phép và xin lỗi. Sau đó tôi thường gập lại họ và các đồng bạn của họ , và mỗi lần như vậy họ luôn luôn dơ tay chào kiểu nhà binh, và tôi cũng nhẹ gật đầu chào lại với họ.


 Chiếc xe gắn máy này làm vị sư trưởng khó chịu.


 "Quán về công án," ông nói, "đưa đến sự hiểu biết rằng tất cả mọi sự đều có liên hệ với nhau. Mọi chúng sinh đều liên kết với nhau bằng những sợi giây vô hình mạnh mẽ, cái nọ đưa đến cái kia. Người nào nhận thức được chân lý này sẽ rất cẩn thận, luôn luôn cố gắng thức tỉnh trong mọi việc làm. Anh không có như vậy."


 "Vậy sao?" tôi hỏi một cách lịch sự.


 "Phải, anh không có như vậy." vị sư trưởng nói, nhìn tôi một cách không hài lòng. "Hôm trước tôi thấy anh rẽ trên một khúc quanh và anh không dơ tay làm hiệu gì cả. Bởi vì anh đã cẩu thả như vậy nên một người lái xe hàng đi sau anh đã phải tông vào lề đường để tránh, làm cho một bà đang đẩy một chiếc xe chở em bé đụng vào một người làm giám đốc cho một công ty xuất nhập cảng lớn. Ông giám đốc, hôm đó vốn đang bực bội trong người, đã đuổi sở một nhân viên đáng lẽ không bị đuổi. Nhân viên đó buồn quá đã đi uống rượu say tối hôm ấy và giết chết một thanh niên đáng lẽ ra có thể đi tu trở thành một vị thầy."


 "Thôi đi," tôi nói.


  "Có lẽ tốt hơn trong tương lai anh nên đưa tay ra làm hiệu mỗi lần anh muốn rẽ một khúc quanh," vị sư trưởng nói.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng