Hỏi mây có thuộc về trời?

12 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 8612)




Hỏi mây có thuộc về trời?

 

 

 Kể từ đó tới nay tôi đã ở Nhật được một năm rưỡi rồi. Leo Marks thường giới thiệu tôi với bạn bè của ông là "anh bạn Phật tử của tôi." Nhưng tôi chưa bao giờ quy y thành một phật tử. Khi tôi trả số tiền hàng tháng 2000 yen (khoảng 2 bảng Anh) cho vị sư trưởng , tôi nói với ông rằng tôi muốn trở thành một phật tử, muốn nhập đạo một cách chính thức.


 Vị sư trưởng cất tiền vào ngăn kéo, lấy sổ sách ra viết vài chữ bay bướm trên đó và chú thích trên một mảnh giấy: "Jan-san, 2000 yen" với ngày tháng. Mảnh giấy được dán lên cuối cùng trên bức tường hành lang, ở đó đã có cả ngàn những mảnh giấy chi chít khác xếp thành hàng. Khi nào hành lang đầy chật rồi ông sẽ dứt bỏ chúng đi và lại tiếp tục dán lên cái mới.


 Ông nói, "Được thôi, dĩ nhiên. Nhưng cũng phải tùy thuộc vào thầy. Thầy là người cao trọng ở đây và sẽ quyết định vấn đề quan trọng như thế này. Tôi sẽ thông báo cho thầy biết yêu cầu của anh và chúng tôi sẽ cho anh biết tin sau."


 Khoảng một tuần sau Han-san đến cho tôi biết vị thầy muốn gập tôi. Khi tôi đến ông đang dùng bữa tối, và tôi ngồi quỳ gối trên chiếu đợi cho đến khi ông ăn xong. Ông không bao giờ dùng bữa chung với chúng tôi mà có người đem cơm đến ba lần một ngày, bưng một cái khay với những chén đậy nắp: một chén cơm, một chén rau và một chén canh; và một bình trà xanh. Từ nhà bếp đi đến gian nhà nhỏ của vị thầy cũng phải đến một phần tư dậm, và đồ ăn của ông, nhất là vào mùa đông, khi đến nơi chắc đã lạnh tanh. Tôi thấy tội nghiệp ông; nếu ông ăn cùng với chúng tôi chắc sẽ đỡ hơn. Chúng tôi lúc nào cũng có thể ăn thêm lần nhì bằng cách gập tay lại và nhìn vị đầu bếp trong lúc ông đang dọn đồ ăn ra -- chúng tôi không được phép dơ tay chỉ nhưng có thể cho biết muốn ăn món gì bằng cách nhìn vào món đó và lắc đầu khi ông đem lại món khác. Trong khi vị thầy không được đòi hỏi gì, mà chỉ ăn những gì người ta đem lại.


 Trong lúc chờ đợi tôi cố tưởng tượng đời sống của ông như thế nào. Mỗi buổi sáng ông thức dậy lúc ba giờ, rồi tiếp khoảng chừng hai mươi đệ tử, mỗi người một trình độ, một thế giới khác nhau, hầu hết đang có những công án khác nhau và những lối quán chiếu riêng biệt, với bao nhiêu những vấn đề và trở ngại , cũng như những suy nghĩ và những ý tưởng sai lầm đủ loại. Tiếp theo đó có lẽ ông đi ngủ. Rồi đến bữa điểm tâm, ra vườn làm việc, hay làm gì đó trong chánh điện. Ông là một chức sắc cao cấp trong hệ thống các chùa của Thiền tông và có trách nhiệm giám sát tổng quát. Ông phải biết những vị sư trụ trì các chùa đang làm những gì và hướng dẫn họ khi cần thiết. Một ngôi chùa ở gần đây được làm nơi tá túc cho những người cao niên và hai vị sư trẻ được giao cho nhiệm vụ quản lý và chăm sóc. Nhưng tai tiếng đã nổ ra khi một trong hai vị sư đó đi đánh bạc và làm mất một số lớn tiền quỹ của chùa. Vị thầy phải đứng ra giải quyết cơn khủng hoảng này và vị sư kia đã được gởi đi hành hương nơi xa. Vị thầy đã mất nhiều thì giờ với vị sư đó, cố tìm cách để ông ta rút ra được điều gì lợi ích từ sự kiện này. Có lẽ rằng ông đã cho vị sư kia một công án mới để quán, hoặc có lẽ rằng ông đòi vị sư kia phải giải cho được công án cuối cùng trong ba năm huấn luyện nơi thiền viện.


 Lâu lâu vị thầy cũng đi thuyết pháp ở nhiều nơi, đi viếng những thành phố lớn, giảng dậy về Thiền cho những ai muốn tìm hiểu, thường thường hay du hành trong những tháng thiền viện nới lỏng kỷ luật. Và sau khi trở về từ những chuyến đi đó, ông lại phải đối phó với chúng tôi. Tôi biết ông có hai cách để giải trí: ông thường xem dã cầu trên truyền hình và khi đang có một trận đấu quan trọng nào ông sẽ khóa cửa lại, không cho ai vào thăm. Đôi khi ông cũng đi xem chiếu bóng, nhưng chỉ những phim nào có liên hệ gì đến Phi châu; ông thích dã thú và những rừng già xanh tươi nhiệt đới. Có lần tôi còn chứng kiến cả một sự bất đồng ý kiến giữa vị thầy và vị sư trưởng. Vị thầy muốn đi xem chiếu bóng và hỏi xin tiền của vị sư trưởng. Vị thầy không bao giờ có đồng nào, bởi vì quỹ của chùa đều do vị sư trưởng quản lý. Vị sư trưởng từ chối.


 "Thầy đang bệnh mà. Thầy phải ở nhà dưỡng sức và ngủ buổi chiều. Tim thầy đang yếu mà."


 "Có lẽ vậy," vị thầy nói. "Nhưng thầy muốn đi xem chiếu bóng ngay bây giờ. Hôm nay là ngày chót chiếu phim này, thầy đã xem trong báo thấy như vậy. Ai biết được chừng nào phim này mới chiếu lại hay không. Thầy muốn coi cảnh đi săn voi trong đó."


 Cuối cùng vị sư trưởng nhượng bộ, với điều kiện là vị thầy phải đi taxi và có Han-san đi theo để đỡ đần, trong trường hợp ông không thấy khỏe.


 Thầy chúng tôi nói đúng ra là một người dễ tính với những thói quen giản dị. Tôi biết có một vài vị tăng cao cấp trong môn phái thích được dẫn đầu những cuộc diễn hành, mặc những bộ áo vàng rực rỡ, với hai người hầu hai bên cầm lọng. Họ đòi phải được gọi bằng danh xưng chính thức và nếu bạn dùng trà với họ trong phòng bạn phải đi giật lùi ra ngoài. Nhưng có một vị cao tăng trong số đó, cũng là một thiền sư, đã làm đại chúng chấn động khi tham gia đoàn diễn hành trong chiếc áo bình thường rẻ tiền, chân đi đôi dép nhựa. Sau này ông lại rời khỏi ngôi chùa sang trọng của ông mà đi đến Ấn độ như một người khách hạng ba trong tầu, vừa đi vừa khất thực theo như luật lệ. Ông chỉ đem theo thêm một áo kimono, vài bộ đồ lót và đồ dùng vệ sinh, một cây gậy và một bình bát. Ông đi xa như vậy trong hai năm. Khi ông trở về, các vị thầy khác cảm thấy khó chịu. Họ muốn ông phải đi du hành thật kiểu cách; dù sao, ông cũng là một vị tăng cao cấp, có thể so sánh được với một vị hồng y. Ông có thể mua vé hạng nhất và đem theo một phái đoàn tăng thân theo hầu. Giáo hội Phật giáo không còn giầu có gì -- năm 1946 hầu hết tài sản giáo hội đã bị lấy đi -- nhưng vẫn còn có tiền để chi cho những việc này.


 Vị thầy đã ăn xong và nhìn tôi.


 "Tôi nghe nói anh muốn trở thành một Phật tử."


 "Phải," tôi nói. "Tôi đã là đệ tử của thầy khá lâu rồi, nhưng chưa bao giờ nhập đạo, hay nhập giáo hội gì đó. Tôi muốn bây giờ làm điều đó."


 "Dễ thôi," vị thầy nói. "Chúng tôi sẽ thiết một lễ riêng biệt cho việc này. Lễ đó cũng trang trọng lắm. Tất cả những vị sư, cũng như những đại đức trụ trì trong các chùa của thiền viện sẽ đến dự. Họ sẽ mặc lễ phục, còn tôi sẽ mặc áo mà anh đã thấy trong những dịp lễ trước đó, như Tết chẳng hạn; áo đó mặc không được thoải mái lắm vì thêu nhiều nặng quá, nhưng trông đẹp lắm. Sẽ có tụng kinh và rồi anh phải đi ra trước quỳ ở đó, và tôi sẽ hỏi anh vài câu trong đó anh phải trả lời là "có". Anh sẽ phải nói rằng anh xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Anh cũng phải phát nguyện theo hạnh bồ tát, chỉ nhập Niết bàn khi nào đã độ được mọi chúng sanh trong cõi ta bà này.


 Sau đó tôi sẽ vẩy cây chổi làm phép và thời tụng kinh lại bắt đầu, rồi Gi-san sẽ đánh trống lên, sư trưởng và Ke-san sẽ thỉnh chuông, và sẽ có tiệc đãi cho tất cả chư tăng cùng đại chúng. Cuộc lễ sẽ được tổ chức như vậy đó. Tôi sẽ bảo sư trưởng xem ngày nào tốt để hành lễ."


 Ông nhìn tôi. Tôi không biết nói gì hơn. Mọi sự nghe có vẻ cũng thuận lý. Nhưng hình như ông đang chờ đợi một điều gì nơi tôi.


 "Được rồi," cuối cùng tôi nói. "Xin cám ơn thầy nhiều."


 Ông gật đầu. Tôi nghĩ buổi nói chuyện đến đây đã chấm dứt, nên đứng dậy cúi chào. Khi tôi ra gần đến cửa vị thầy gọi giật lại.


 "Có một điều tôi muốn hỏi anh. Tại sao anh muốn làm lễ này? Anh nghĩ là nó có thể làm được gì cho anh sao?"


 Tôi phải thú nhận rằng tôi không nghĩ vậy.


 "Anh có nghĩ rằng, chính thức trở thành một Phật tử anh sẽ dễ dàng giải công án hơn không?"



 Không, tôi không nghĩ vậy.


 "Hừm", vị thầy nói, quay đi. Buổi nói chuyện đã thật sự chấm dứt và tôi đi ra khỏi phòng.


 Trong khuôn viên tôi đi tìm Han-san và thấy anh đang chất dưa chuột vào trong một cái xe đẩy.


 "Anh có phải là phật tử không?" tôi hỏi.


 Han-san có thể là một thanh niên chất phác quê mùa, nhưng anh rất bén nhậy trong vấn đề này.


 "Tôi à?" anh hỏi, làm bộ ngây thơ. "Tôi học pháp môn thiền của đạo Phật."


 "Phải," tôi nóng nẩy nói. "Tôi biết vậy. Nhưng anh có phải là một Phật tử không?"


 "Anh cũng biết," Han-san nói, "là "tôi" không có hiện hữu. Tôi là vô thường, lúc nào cũng có thể thay đổi. Mỗi một lúc tôi lại đổi khác đi. Tôi hiện hữu như một đám mây trên trời. Đám mây cũng là phật tử vậy. Anh gọi tôi là "Han-san" và giả dụ như là tôi của ngày hôm qua sẽ là tôi của ngày hôm nay. Nhưng đó là việc của anh. Thật tế ra không có Han-san nào cả. Và làm sao một Han-san không có thực lại có thể là một Phật tử được?"


 "Đừng rắc rối như vậy," tôi nói. "Tôi chỉ cần hỏi là anh có phải là một phần tử của tăng đoàn Phật giáo hay không."


 "Mây có phải là phần tử của bầu trời không?" Han-san hỏi.


 Tôi bỏ cuộc. Buổi lễ không bao giờ được nhắc tới nữa.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng