Ưu tiên thứ bậc và quả trứng bồ câu

11 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 8662)




Ưu tiên thứ bậc và quả trứng bồ câu


 

 

 Thiền là tự do. Nhưng tu thiền không phải là tự do. Trong thiền tập người ta luôn bị ràng buộc với thời gian và không gian, bị cột vào những tập tục và truyền thống xưa nay.



 Chủ nhật là một ngày đặc biệt nơi thiền viện. Đó là ngày dân chúng kéo nhau đi chùa, ăn mặc chỉnh tề, người cha đi trước, rồi đến bà mẹ, và các con theo sau. Đến cổng chùa họ được một vị sư đứng cúi đầu đón chào. Lần đầu tiên khi thấy cảnh tượng đó, tôi nhớ lại thời thơ ấu của tôi mỗi lần đến Nhà thờ Tự do Cải cách Hòa lan ở Rotterdam, với những bộ mặt sùng kính chung quanh. Ngày thường thì bê bối lôi thôi, nhưng đến hôm đó người ta đóng bộ trong lễ phục chủ nhật, đi vào nhà thờ ngồi trên những hàng ghế gọn ghẽ, bộ mặt nghiêm trang đúng cách. Lịch sử tới đây lại tái diễn, không thể nào tránh được.


 Tuy nhiên, cũng có sự khác biệt ở đây. Cuộc lễ được mở đầu với một hồi trống. Trên hành lang của chánh điện có một bộ trống to như thùng rượu, đứng tựa trên những cái giá bằng gỗ. Mỗi sáng chủ nhật vào khoảng 9 giờ, nếu thiền viện không đóng cửa nhập thất , Gi-san, tay trống của chùa, sẽ đánh một hồi trống ngắn. Hồi trống vang dội trong khuôn viên , khiến tôi phải đứng lại lắng nghe, không muốn bỏ lỡ một cơ hội thưởng thức. Trong không khí thật im lặng lúc đó của thiền viện và khu chung quanh, tiếng trống nổi lên đột ngột, rõ ràng và xuyên thủng, như thấm qua được cột sống lưng ở tôi. Tiếng trống dừng lại mười hay mười lăm giây rồi lại tiếp tục, với một nhịp điệu từ khoan đến nhặt thật dũng mãnh, tiếng trống đánh trong sự thoải mái của Gi-san, vì ông có rất nhiều thì giờ-- tiếng trống đơn đó kéo dài ít nhất mười phút. Ông không chỉ đánh trên mặt trống mà còn đập vào hai bên hông và quay những cây dùi trên mặt trống, làm thành những âm thanh rào rào. Tôi tưởng chỉ có Gi-san là một tay trống lão luyện, nhưng có một chủ nhật khi ông đi vắng, một vị sư khác tình cờ được chọn lên thay thế cũng đánh trống hay không kém.



 Trong lúc tiếng trống đơn đánh lên, các vị sư lần lượt đi vào chánh điện; trong đó vị thầy đã ngồi sẵn trên một chiếc ghế to, cái ghế có lưng tựa mà ít khi ông dùng đến vì ông luôn luôn ngồi trong thế kiết già, lưng lúc nào cũng thẳng nên không cần phải tựa vào đâu cả. Trong những dịp lễ như thế này vị thầy mặc một áo cà sa bằng gấm thêu lộng lẫy. Vị sư trưởng ngồi trên mặt đất bên phía tay trái của ông, nhỏ bé và khiêm nhường, trên tay cầm một cái chuông nhỏ, và Ke-san, cao và rất gầy, một vị sư trước đây nhiều năm đã bỏ chùa trụ trì, bỏ đời sống dễ chịu bên ngoài để trở về lại làm đệ tử của vị thầy, ngồi trong một pháo đài nhỏ với ba cái chuông trước mặt : một cái chuông nhỏ, một cái chuông trung, và một cái chuông to khổng lồ sáng chói. 


 Sau khi Gi-san đánh tiếng trống cuối cùng, Ke-san thỉnh một tiếng chuông trong chùa, và lúc đó các vị sư bắt đầu tụng một hồi kinh trong âm điệu nhịp nhàng và đều đều , thỉnh thoảng xen lẫn vào tiếng chuông và tiếng mõ.



 Tôi ngồi một cách không thoải mái bên cạnh những vị sư. Giá tôi có thể tụng kinh theo được thì có lẽ đỡ hơn nhưng tôi không thể nào tụng được, và dù cho tôi có lên xuống giọng được như vậy tôi cũng không thể nhớ được những âm và chữ trong kinh. Sự kiện là tôi không thể đọc được chữ Hán cũng không làm tôi thấy dễ chịu hơn. Tôi cảm thấy, như đâm vào trong tôi, những tia nhìn tò mò của đám người ngồi phía bên kia của chánh điện rộng lớn. Thân hình to lớn cồng kềnh và mái tóc nâu dợn sóng của tôi có lẽ tương phản một cách kỳ lạ với những vị sư bé nhỏ và trọc đầu đồng loạt chung quanh tôi.



 Thời tụng kinh kéo dài thật lâu, khoảng nửa tiếng, và sau đó vị thầy sẽ thuyết pháp: môt bài thuyết giảng chính thức theo truyền thống thiền của Nhật. Ông sẽ kể lại những câu chuyện của các vị tổ thời trước, hay một câu chuyện trong cuộc đời của Đức Phật. Giọng ông đều đều, nhạt nhẽo, và các vị sư sẽ ngủ theo. Khi ngồi ngủ trong thế kiết già, thân mình sẽ từ từ nghiêng về phía trước, rồi ngả về phía sau. Bởi vì tôi chưa thể ngồi trong thế thăng bằng, nên tôi không thể nào ngủ gục được. Bởi vì nếu ngủ, tôi sẽ ngã lăn ra, và có một lần tôi đã bị như vậy, khiến cho đám thiện nam tín nữ bên kia được một dịp vui cười thoả thích. Sau lần đó tôi tìm đủ mọi cách để giữ cho tỉnh táo. Sau thời thuyết pháp vị sư trưởng đánh một tiếng chuông, các vị sư giật mình tỉnh dậy, tiếng chuông chùa vang dội khắp nơi, và ở ngoài tiếng trống của Gi-san lại bắt đầu trỗi lên.


 Sau đó bữa tiệc chay được bầy ra và chúng tôi phải chạy đôn chạy đáo bưng những mâm bát sơn mài mầu đỏ đựng đầy cơm và canh rau. Những dịp đó tôi phải vào phụ trong bếp, bao nhiêu nồi niêu được đem ra xử dụng hết, và vị đầu bếp cùng toàn ban phụ bếp mồ hôi nhễ nhại, tất bật lo đồ ăn cho cả trăm người. Ăn xong tất cả sư trong chùa đều xúm nhau lại rửa chén, kể cả vị thầy cũng phụ một tay, sau khi ông đã thay vào bộ đồ làm việc cũ kỹ, với một giải khăn buộc ngang đầu để giữ cho mồ hôi khỏi chẩy xuống mắt.


 Vị sư trưởng kể cho tôi nghe rằng mười lăm năm trước đây, sau khi chiến tranh vừa chấm dứt, vị thầy đã đến tu viện này và sống một mình ở đó trong hai năm. Ông sống yên lặng và mãn nguyện, chỉ xử dụng một phần nhỏ của trang thiền viện. Trong khu vườn rau ông chỉ trồng có hai luống, và mỗi buổi sáng ông đi quét lối vào chánh điện. Trong gian thiền đường rộng lớn đầy bụi bậm ông ngồi thiền một mình, và khi những vị sư đầu tiên đến ông không tỏ vẻ gì là mừng rỡ, cũng như khi chỉ có một mình cô đơn ông đã không thấy buồn.


 Thiền viện bây giờ đã đầy chặt người và chúng tôi còn có thêm một người mới đến nữa, một thi sĩ Mỹ trẻ với hàm râu và đôi lông mày rậm rạp: đó là Gerald, một anh chàng beatnik chuyên nghiệp đến từ miền tây nước Mỹ. Tôi cảm thấy bực bội khi khám phá ra là anh chàng Gerald này nói tiếng Nhật thông thạo và biết hết mọi thông lệ trong thiền viện. Tôi đã tưởng tôi sẽ được dịp dẫn anh ta đi khắp nơi và giảng giải cho anh ta, được lên mặt làm đàn anh như là một đệ tử đến trước. Nhưng sự thật trái ngược lại và Gerald đối với tôi có vẻ hơi kẻ cả. Đây là lần thứ hai anh đến thiền viện này. Trước đây anh đã từng ở trong thiền viện một năm và bây giờ trở lại sau khi đi thăm một vòng vùng Viễn Đông. Anh vừa mua một chiếc xe gắn máy Nhật hạng nặng mới tinh đẹp tuyệt hảo, thuê phòng ở phía bắc của thành phố, gần hồ Biwa. Mỗi buổi sáng anh đều đến tham vấn với vị thầy, buổi tối anh thiền chung với chúng tôi. Khi chúng tôi có khóa sesshin (nhập thất) anh ở cùng với chúng tôi trong thiền viện. Lúc đó cổng chùa sẽ đóng lại trong một tuần, đường dây điện thoại bị cúp và thơ từ bị giữ lại. Mỗi năm thiền viện có ít nhất sáu lần sesshin, mỗi lần lâu khoảng 7 ngày. Lúc ấy mọi việc làm sẽ nghiêm ngặt hơn bình thường, bao nhiêu luật lệ đều được đem ra áp dụng hết và vị thầy gập các đệ tử từ 3 đến 5 lần mỗi ngày. Trong kỳ sesshin tới Gerald vào ở trong căn phòng kế bên tôi. 


 Sự có mặt của Gerald ở chùa tạo ra một vấn đề lạ thường. Khi vị thầy tiếp các đệ tử chúng tôi không đi trực tiếp từ thiền viện qua gian nhà của ông, mà quỳ theo hàng dài trên một hành lang của chánh điện. Tuy có mái che trên đầu , nhưng nơi đó không thoải mái gì, vì gió thổi bốn bề, và nhất là mùa đông thì thật là khó chịu. Chúng tôi quỳ trên mặt sàn gỗ cứng, và khi vị thầy rung chuông người đầu tiên trong hàng sẽ đứng dậy, vái chào về hướng gian nhà của ông, rồi đi đến đó qua một dẫy hành lang khác, băng ngang một lối đi ngoài vườn có mái che hẹp ở phía trên. Trong khi đó thì hàng người chờ đợi được nhích lên một chỗ. Có tất cả 15 vị sư và 4 đệ tử cư sĩ, trong đó có một bà Nhật, một ông thợ sơn Nhật sống trong khuôn viên, Gerald và tôi. Peter là một người khách không thường trực. Tôi chắc anh ta đã đi gần đến cuối đường rồi và không cần phải theo những luật lệ thông thường nữa. Thật sự ra tôi cũng không biết rõ lắm những gì xẩy ra chung quanh vì tuy tôi có thể hỏi bao nhiêu cũng được, nhưng vị thầy, vị sư trưởng và Peter, những người có thẩm quyền duy nhất mà tôi được tiấp xúc, chỉ cho tôi biết những điều gì họ muốn và những điều đó chẳng có là bao.


 Vì tôi là người đến mới nhất nên tôi xếp hạng chót trên hành lang, và đôi khi tôi phải ở đó cả giờ đồng hồ hay hơn nữa, quỳ trên sàn gỗ cứng với đôi đầu gối nóng bỏng. Mỗi lần hàng ấy chuyển động tôi mới cựa quậy được đôi chân một chút, nhưng trong khi vị sư kế tiếp vào gập vị thầy tôi lại mắc kẹt ở đó, hai chân tê dại với những cái nhói đau như kim châm. Cách duy nhất tôi làm được để đối trị lại là tập hít đất để chân tôi nhấc lên khỏi sàn được nhưng môn tập này cũng khá mệt mỏi và làm cho cánh tay và bả vai tôi bị đau.


 Ngày Gerald về thiền viện anh ta đến nói với tôi rằng anh sẽ ngồi vào chỗ tôi trong hàng chờ đợi đó. Anh nói, điều đó cũng hợp lý thôi, vì anh đã là đệ tử của vị thầy từ trước, khi còn chưa có ai biết đến tôi cả. Các vị sư dĩ nhiên là cao cấp hơn chúng tôi, nên họ được đi trước, nhưng trong những đệ tử tại gia anh là người lâu năm hơn tôi và có vai vế quan trọng hơn.


 "Được rồi," tôi nói. Đối với tôi, ngồi đợi trên hành lang hay phía bên trong thiền đường sau khi đi tham vấn về cũng đều đau chân như nhau cả, nên không có gì quan trọng. Dù sao, tôi cũng không để ý gì đến "thứ bậc"; vấn đề đó chỉ đặt nặng cho những người trong quân đội hoặc những quan chức, không cho người đi tìm đạo.


 Mỗi nhân vật lại có một nét đặc biệt khác nhau. Gerald chắc chắn là một người tốt và có ý chí rất mạnh. Tinh thần tự kỷ của anh thật đáng khâm phục: dù đang bị cảm và nóng sốt đến đâu anh cũng vẫn đến chùa buổi sáng, hoặc ban đêm , đậu xe gắn máy gần cổng chùa và vào thăm vị thầy, run rẩy trong cơn nóng lạnh của căn bệnh. Ban ngày anh làm việc thông dịch cho một hãng quảng cáo lớn, thường là phải làm nhiều tiếng mỗi ngày. Anh có một tinh thần khôi hài, và trong linh hồn anh, hay tâm trí anh, hay bất cứ cái gì đó tương đương, dường như luôn luôn thấm nhuần một tinh thần hiểu biết về sự tương đối của vạn pháp. "Không có gì quan trọng đến nỗi phải phiền não;" "Một người biết tổ chức bao giờ cũng được thoải mái, dù cho có đang ở trong địa ngục cũng vậy," "Tất cả những gì gây bực bội cho ta rồi cũng sẽ qua đi,"-- tôi thường nghe anh ta rêu rao những chân lý này của đông phương, và trong hành vi hàng ngày của anh cũng có nhiều biểu lộ cho thấy sự thoải mái tự tại này. Tuy nhiên, trong buổi sáng đầu tiên, khi vị sư trưởng bảo anh phải ngồi sau chót anh đã không thể chấp nhận được, và khi thấy Gerald không nghe lời, ông đã nắm lấy vai anh và dẫn anh đến chỗ ngồi chỉ định. Tôi đã nghe anh lầu bầu chửi rủa thầm, và cả một năm sau đó anh cũng vẫn còn phản đối về việc đó. Lúc đó anh đã đau vì cảm thấy bị mất mặt.



 Và tôi cũng cảm thấy đau, nhưng với một lý do khác. Cơn đau ở đâu đến quấy rầy tôi càng lúc càng tăng dần, nhất là khi tôi đi vệ sinh; một cảm giác sưng tấy nóng rát. Tôi dè dặt sờ vào chỗ đau và thấy một cục u lên bằng quả trứng chim bồ câu. Hôm đó không có Gerald ở thiền viện và tôi lại không đủ chữ Nhật để diễn tả cho vị sư trưởng biết đến tình cảnh của tôi. Tôi phải xin phép dùng điện thoại, cái điện thoại cũ kỹ kiểu cổ nằm trong một góc tối nơi hành lang trong chùa. Peter lúc ấy có nhà, và tôi nói cho anh biết cái khám phá đau đớn của tôi.


 "Một quả trứng chim bồ câu à?" Peter hỏi.


 Tôi tả tình tả cảnh cho anh rõ chi tiết hơn và anh cười phá lên.


 "Trứng chim bồ câu hả, ha ha. Thật là một liên tưởng lạ thường! Đó là bệnh trĩ, ông ạ. Ông mắc bệnh đó vì ngồi thiền nhiều quá và mỗi lần đi nhà cầu là vội vội vàng vàng cho mau vì sợ ruồi nhặng và mùi hôi; do đó những đường gân ở chung quanh hậu môn mới chẩy máu ra và sưng lên."


 "Phải rồi," tôi bực tức nói. "Nhưng bây giờ phải làm gì đây?"


 "Chẳng làm gì cả." Peter nói. "Đợi tôi đến , tôi sẽ đem thuốc và kem thoa cho, nhưng nếu nó không lặn đi thì anh phải đi bác sĩ. Có thể nếu nặng anh sẽ cần giải phẫu, và như vậy thì đau lắm, nhưng chắc không đến nỗi như vậy đâu. Các vị sư ở đây hầu hết cũng bị bệnh này, mà không ai phải đi nhà thương cả. Trứng chim bồ câu hả! Ha ha! Ý tưởng lạ thật!"


 Peter thấy ý tưởng của tôi ngộ ngĩnh đến nỗi anh đi nói cho tất cả mọi người biết. Các vị sư mỗi lần thấy tôi lại mỉm cười và dơ hai ngón tay cái và tay trỏ lên làm một trứng chim bồ câu tưởng tượng, một trò đùa họ không bao giờ biết chán. Vị sư trưởng đập vào lưng tôi và phá lên cười thích thú, và vị thầy nhìn tôi mỉm cười tinh nghịch khi ông thấy tôi đang bận rộn trong vườn. Tôi đến gập bức tượng gỗ của vị tổ thiền viện trong chánh điện và than phiền.


 "Tại sao con lại bị cái chứng bệnh đáng ghét, ngu xuẩn này trong khi đang đi tìm chân lý? Tại sao tổ không giúp con mà lại để mấy đường gân dãn nở này quấy rầy con như vậy? Con đang trên đường đi tìm kiếm sự bí mật tối hậu, cái mục đích cao đẹp và huy hoàng nhất mà một người có thể nhắm đến, sao lại phải nhận lãnh cái căn bệnh trĩ quái ác này?"



Tượng của tổ không nói gì nhưng mơ hồ trong đó tôi thấy bóng dáng một người, một người cũng như tôi, đã từng có lần đi tìm kiếm chân lý. Có lẽ ngài cũng đã từng bị mụn nhọt hay ngứa ngáy khi sống dưới chân cầu, giữa những người ăn mày. Tôi cảm thấy an ủi hơn. Ít nhất tượng gỗ đã không cười chế diễu tôi.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng