Phần hai

10 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 8045)



Nỗi đau của thiền


(Phần hai)



Tôi đã từng đọc những cảnh cáo rằng thiền có thể nguy hiểm và chỉ nên thực hành dưới sự hướng dẫn riêng của một vị thầy. Tôi không tin như vậy. Nếu có một nhóm người muốn ngồi tĩnh tọa chung với nhau trong một vài tiếng đồng hồ, mọi sự sẽ hoàn toàn tốt đẹp. Tuy nhiên, nếu có một người trong nhóm có ý tưởng muốn được thấy những ánh sáng lạ lùng, những cảnh giới với những thánh thể trong hào quang chan hòa, lúc đó không khí trong thiền đường sẽ có một cái gì bất an, có thể tạo nên những hậu quả khó chịu tạm thời. Đạo Phật là để cho một con người bình thường, một con người trung bình trong chúng ta. Đó là phương pháp dùng sự tu tập tâm linh để chuyển hóa đời sống hàng ngày, những cái đến và đi, những hoạt động bình thường trong cuộc đời con người.. Đạo Phật không phải là nơi chốn cho phù phép ảo thuật. Pháp Phật không dùng để tiên đoán tương lai, cũng không được dùng để khám phá ra xem ta có phải là vua Louis thứ 14 trong một tiền kiếp nào không. Và pháp Phật cũng không nên được dùng để khai triển con mắt thứ ba để xem thấy mầu sắc hào quang của những người chung quanh.

 


 Ngày xưa ở bên Tầu có một vị thiền sư cùng các đệ tử du hành đến kinh đô và dừng chân cắm trại ở gần bờ sông. Một tăng sĩ thuộc tông phái khác đến hỏi một người đệ tử xem vị thiền sư này có biết phép thần thông không. Vị tăng sĩ ấy khoe là sư phụ của ông ta rất tài giỏi, đã khai triển được những khả năng phi thường. Nếu ông đứng ở bên này sông, và một người khác đứng bên kia sông, và nếu đưa cho ông một cây viết và người kia một tờ giấy, ông có thể viết trên không khí mà chữ sẽ hiện lên trên giấy ở trong tay người bên kia. Đệ tử của vị thiền sư trả lời rằng sư phụ của ông cũng rất tài giỏi và có khả năng phi thường, bởi vì ông cũng có thể làm được những việc khó khăn nhất. Ví dụ như, khi ông ngủ, là ông ngủ, và khi ông ăn, là ông ăn.

 


 Ở Tây tạng, đặc biệt là có những môn phái phát triển bắt nguồn từ sự pha trộn phật pháp và các phương pháp khác. Những người theo các môn phái này tuyên bố là họ có nhiều năng lực thần thông: họ có thể bay được, có thể hóa thân ở nhiều nơi trong cùng một lúc, có thể làm những đồ vật biến đi và hiện ra ở một nơi khác. Rất có thể những lời nói này là đúng, nhưng tôi tự hỏi những biểu hiện siêu nhiên như vậy thực sự có giá trị gì không. Các vị thiền sư cũng thường bầy tỏ quan điểm của họ về những điều như vậy. Những năng lực thần thông chỉ là chướng ngại trên con đường đi đến giác ngộ, con đường đạt tới trí tuệ viên mãn. Đức Phật không bao giờ khoe khoang về năng lực thần thông của ngài, mà chỉ dậy cho chúng ta con đường bát chánh đạo, theo đó chính ngài là một gương sáng để soi đường chỉ lối cho chúng ta.


 Khi ở thiền viện lúc nào tôi cũng được nhắc nhở phải để tâm đến những việc làm hàng ngày, trong đời sống đơn giản hàng ngày. Nếu tôi muốn thuyết về một lý luận nào thật hay ho tôi sẽ bị phớt lờ đi hoặc bị chế nhạo và bị bảo một cách cụt ngủn rằng đừng có nói chuyện vớ vẩn. Điều quan trọng là "bây giờ và ở đây", bất cứ khi nào đang làm gì, dù đang gọt vỏ khoai trong bếp, đang vo gạo, nhổ cỏ dại, đang học tiếng Nhật, uống trà, hay đang ngồi thiền. Tôi còn phải giải công án , đề mục thiền quán của tôi, và tôi không được nói lung tung.



 Thật là khó chịu, bực mình khi phải luôn luôn ngậm miệng lại, không thể nói chuyện, không thể thốt lên rằng, "Tôi đây, tôi đang kinh nghiệm điều này, tôi đang nghĩ đến cái này, tôi tin rằng tôi biết điều này, tôi hiểu cái này, làm ơn nghe tôi đi." Cái làm tôi bực bội nhất là, không ai muốn nghe tôi khi tôi khám phá ra rằng thiền, ngay cả thiền kiểu lạng quạng như tôi, đã cho tôi một cái nhìn mới mẻ đối với những hình sắc. Tôi nhận thấy khi đi bộ trong khuôn viên của chùa, nhìn thấy những tảng rêu trên đá, hay con cá vàng đang bơi chậm rãi trong ao, hoặc những cọng cỏ lau lắc lư theo gió, cũng đều làm tôi thích thú vô cùng.



 Khi bén nhậy với những hình sắc như vậy tôi thấy mình như tách rời mọi sự, một kinh nghiệm có vẻ tương tự như khi tôi dùng một loại cỏ ma túy ở Phi Châu. Cảm giác ấy đến không phải chỉ do sự quán sát, sự thấy biết những cái gì "đẹp đẽ" như con cá vàng hay một tảng rêu, nhưng những thứ như một thùng rác đầy cũng đem lại một cảm tưởng như vậy. Và tình trạng 'lâng lâng" này khiến tôi thỏa mãn rất nhiều hơn kinh nghiệm của cỏ ma tuý, bởi vì bây giờ tôi cảm thấy vui sướng , an tịnh và đôi khi hơi căng thẳng một cách thú vị, trong khi nếu dùng ma tuý tôi không bao giờ biết được mình sẽ ra sao-- có lúc thấy khoái lạc nhưng cũng có khi rất khó chịu và sợ hãi. Cỏ ma tuý cũng cho những ảo giác lộn xộn và đen tối, ví dụ như thấy những con đường dài vô tận trong một thứ ánh sáng kỳ lạ, không thực, trong khi bây giờ tôi không bị những ảo giác nào nữa. Tôi chỉ là thực sự thấy biết những gì tôi nhìn đến. Tôi cố tìm một giải thích cho điều này và kết luận rằng bình thường chúng ta vì quá căng thẳng và bận rộn với đời sống hàng ngày nên không thể nào có được sự tỉnh thức hoàn toàn được. Những giác quan vì vậy cũng không được dùng hết khả năng của chúng, và chúng ta thường hay vừa làm vừa nghĩ ngợi lung tung nhiều quá, nên rốt cuộc là chẳng có cái gì kiện toàn được. Rượu, ma tuý, hay một hoạt động nguy hiểm như cỡi xe gắn máy, là cơ hội duy nhất để chúng ta tập trung tư tưởng về một hướng. Một cái cây chẳng hạn, là một mẫu hình đẹp đẽ biết bao nhiêu, nhưng ai có thì giờ mà quán sát một cái cây?



 Vá bây giờ thật đột nhiên, bất ngờ, và không có chủ ý, tôi có thể quan sát và thực sự thấy biết được mọi vật chung quanh; tôi nghĩ đây là một biến cố có tầm quan trọng để mà được những người có thẩm quyền biết đến và công nhận. Nhưng vị thầy không tỏ ra hứng thú chút nào; ông không có cả một cái gật đầu khen thưởng nữa. Đối với ông, rêu trên tảng đá hay một thùng rác đầy trông đều hay cả-- và đó là một sự thật hiển nhiên, đâu có gì đáng nói. Đời sống trong thiền viện thật là khắc nghiệt thay!


 Mặc dù vậy, thỉnh thoảng tôi cũng được khen ngợi, lâu lâu còn được vị sư trưởng mời về phòng uống chén trà đắng và ăn bánh ngọt, mà không hề biết là mình đã làm điều gì đúng. Có lần tôi phải làm "vị tăng" châm trà cho thiền đường trong vài tuần lễ (ở đó tôi không bao giờ mặc đồ tăng sĩ, mà chỉ lúc nào cũng bộ quần jean và cái áo thun đen, mùa đông thêm cái áo khoác mặc ngoài). Sau thời thiền thứ ba tôi phải lẻn ra ngoài, chạy vào trong bếp, pha trà trong một cái ấm lớn, và rồi quay trở lại thật nhanh. Khi tôi về đến thiền đường vị sư trưởng sẽ đánh một tiếng chuông và tôi phải đảnh lễ trước bàn thờ. Sau đó tôi châm trà cho mọi người, không phải lo gì đến tách uống trà vì trước đó một vị sư khác đã làm việc đó rồi. Nhưng có một lần sự việc không xẩy ra như vậy. Tôi đứng đó với ấm trà trên tay và không ai có tách để uống trà cả. Tôi ngớ người ra, và hiểu rằng tôi không thể đứng mãi như vậy, vội vã đặt ấm trà xuống, vái chào bàn thờ rồi chạy về bếp để kiếm tách. Mọi việc trong một thiền viện đều theo một quy trình có sẵn, ngay cả những hoạt động nhỏ nhặt nhất cũng là một phần của lễ nghi truyền thống, nhưng không có một truyền thống nào mà uống trà không có tách cả. Cho nên tôi đã ứng biến thành một nghi lễ mới, trở lại với một khay đầy tách chén tôi đã tìm được ở bếp (chúng không phải là những tách đúng nhưng tôi không có thì giờ để tìm kiếm), đảnh lễ bàn thờ và Bồ tát với khay ôm trong tay, phát cho mọi người tách uống trà, và rồi châm trà. Có vẻ như đó là một cách đối phó có thể chấp nhận được trong tình thế bất ngờ như vậy. Các thầy của tôi, vị thiền sư, vị sư trưởng, và sau này Peter, đều nghĩ đây là một sự việc quan trọng. Tôi đã được nói cho biết đến 3 lần rằng, tôi là một người học trò tốt. Tu thiền là để tập có sự tỉnh thức: người tu thiền sẽ tập trung được trong những gì họ làm, cố gắng làm mọi việc thật tinh tấn và ý thức được những hoàn cảnh của mình cũng như vai trò của mình trong hoàn cảnh đó. Nếu có một tình thế bất ngờ xẩy ra, người ấy sẽ biết cách đối phó, và bằng cách giải quyết để tự cứu lấy mình, họ sẽ cứu được những người khác. Vị sư quên tách trà hôm đó đã không bị mắng -- dù sao, mọi người cũng đã được uống trà rồi.



 Các thiền sư là những diễn viên đại tài. Những lời khen ngợi của vị sư trưởng nói với tôi khi ông mời tôi vào phòng, của vị thầy khi ông gập tôi ngoài vườn, và của Peter khi anh vỗ vai tôi trong bếp, tự nó không có gì quan trọng. Có tách uống trà hay không, việc ấy cũng chẳng có gì đáng nói. Mới đầu tôi cũng thấy hãnh diện, nhưng khi thấy họ có vẻ hơi làm quá , tôi hiểu rằng họ muốn ám chỉ đến một điều gì về sự tỉnh thức.



 Trong khi đó, một ngày như mọi ngày, các thời thiền tập vẫn tiếp nối đều đặn. Đôi khi là 6 giờ một ngày, đôi khi 8, có khi tới 12 tiếng. Tuần đầu tiên trong tháng thiền viện đóng cửa nhập thất, các vị sư không được nhận thơ và đường dây điện thoại bị cắt. Vị thầy gập các đệ tử không phải chỉ một lần, mà ba lần trong ngày. Sau một tháng tôi được vào tham vấn lần đầu tiên với vị thầy. Nhưng trước đó tôi đã phải tập sẵn cái "nghi lễ tham vấn" này với vị sư trưởng, khi vị thầy không có ở đó. Vị sư trưởng ngồi trên đài, nhìn tôi bằng cặp mắt soi mói. Tôi phải đi từ từ vào, tay khoanh lại, cúi lậy ba lần trên mặt đất, và rồi quỳ gối ở đó. Sau khi tham vấn xong tôi phải làm như vậy lần nữa, theo thứ tự đảo ngược, và đi dật lùi ra ngoài. Tôi phải tập đi tập lại mấy lần trước khi vị sư trưởng thấy hài lòng, và ông dặn tôi phải cố đi nhẹ hơn, vì chiều cao và sức nặng của tôi khiến sàn nhà hơi rung chuyển, có thể làm rộn đến vị thầy.


 Tuy tôi đã bắt đầu thấy say mê thiền, tôi nghĩ thủ tục này có vẻ quá đáng, cũng như thủ tục dàn chào và đứng nghiêm trong quân đội mà tôi vẫn thấy là lố bịch và vô nghĩa. Tôi cố gạt cái tư tưởng nổi loạn ấy đi bằng cách nghĩ rằng thiền sư là một người tự tại, không chấp trước, và đây chỉ là một phép tắc để tỏ lòng biết tôn ti trật tự và kính trọng đối với ông.


 Vị sư trưởng đã bảo tôi không được đọc sách trong thiền viện, nhưng tôi không để ý đến lời nói đó và vẫn đọc một quyển sách nói về cuộc đời của Milarepa, một thi sĩ thánh nhân nổi tiếng nhất ở Tây tạng. Milarepa cũng không có một khởi đầu dễ dàng gì trên bước đường đạo. Khi ông gập sư phụ của ông là Marpa, Milarepa là một thầy phù thủy đang sám hối và nhận thức được lỗi lầm của mình trong quá khứ. Marpa bắt Milarepa phải làm những việc nặng nhọc để giải những nghiệp ác ông đã gây ra. Ông phải xây nhà, và mỗi lần xây xong một căn nhà Marpa lại bảo rằng đã xây lầm vị trí, cái nhà phải ở chỗ kia, chứ không phải chỗ này. Thế là Milarepa phải dỡ nhà đó ra và bê từng viên gạch một đi lên đến đỉnh đồi để xây một nhà khác, để rồi sau khi xây xong lại bị nói phải xây lại. Đối với tôi, hình phạt này không đến nỗi tệ quá. Tôi thà muốn xây một căn nhà, dù là xây xong phải dỡ ra xây lại, còn hơn ngồi thiền trong sự thống khổ triền miên. Đọc xa hơn trong cuốn sách tôi thấy có chỗ tả Milarepa ngồi thiền, nhưng không đâu nói ông có gập khó khăn gì trong khi thiền cả. Không thấy nói gì đến những đau đớn ở chân, ở lưng, sự phấn đấu với cơn buồn ngủ, với những tư tưởng lộn xộn miên man không ngừng.



 Từ trước đến nay, tôi chưa từng có vấn đề khó khăn gì với việc ngủ nghê, nhưng bây giờ tôi phải đối đầu kịch liệt với nó mỗi ngày. Tôi ngủ 4 tiếng một đêm và một tiếng nữa trong ngày, nếu đừng có ai gióng chuông hay đánh kiểng báo hiệu phải ra làm một điều gì đó. Tôi đã tập hiểu được ý nghĩa của những hiệu lệnh khác nhau. Hàng ngày đều có tụng kinh trong chánh điện và tôi cũng phải có mặt ở đó. Tôi không thể tụng theo được, vì quá xa lạ với cách tụng kinh và tôi cũng không thể đọc được những chữ trong đó, nên đành phải quỳ ở đó mà nghe các vị sư tụng kinh; đôi khi tôi thiếu điều ngã lăn ra vì buồn ngủ. Bởi vì tôi chưa thể ngồi thế kiết già được nên tôi không có được sự thăng bằng, trong khi những vị sư đã quen với thế ngồi kiết già có thể ngủ trong lúc thiền được vì họ không sợ bị ngã chúi xuống thành một cảnh tượng khôi hài. Có những ngày tôi thấy chán chường tuyệt vọng đến nỗi tôi phải lấy hết can đảm mới dậy được buổi sáng. Khi nhìn về tương lai trước mắt tôi như thấy toàn những khó khăn và ràng buộc. Đôi khi tôi không dậy, giả vờ như bị nhức đầu, đau cổ nhưng tôi không thể làm như thế mãi được. Tôi đến tu viện đâu phải để cố tránh khỏi sự tu tập trong tu viện.


 Tôi nhớ những người bạn cũ của tôi. Các vị sư ở đây có nói đùa nhưng họ không nói đùa giống như những bạn của tôi. Tôi ước ao có được một người bạn ở đây, để chúng tôi có thể cười với nhau về những sự tình có vẻ trái khoáy hay vô lý. Tôi nhớ cái xe gắn máy của tôi, và tôi cảm thấy phiền hà vì không được nghe nhạc jazz, tuy rằng âm điệu của ngôi chùa, giọng đọc kinh trầm bổng của các vị sư, những tiếng mõ, tiếng chuông, tiếng khánh, tiếng kiểng đều thu hút tôi. Thỉnh thoảng tôi cũng muốn uống một ly cà phê thay vì chỉ có nước trà tầu. Và nhất là, tôi thèm được ngồi trong một phòng tắm kiểu tây phương, với một tách cà phê, một điếu thuốc, và một quyển sách, chứ không phải như bây giờ ngồi xổm trên một cái hố đầy ruồi nhặng ở dưới.


 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng