Ly nước tương lớn và con rắn độc

11 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 8519)




Ly nước tương lớn và con rắn độc

 

 


 Một người từ lúc sáng thức dậy cho đến khi đi ngủ không học được gì cả và vẫn ngu như lúc ban đầu, là một người coi như chết rồi. Tôi đã đọc được những lời nói khôn này trong một quyển sách dậy về kinh doanh của Mỹ. Chủ ý của lời giáo huấn này là chúng ta phải luôn luôn tỉnh thức, vì như vậy ta mới có cơ hội kiếm được nhiều tiền.

 

 Tôi không thích quyển sách đó. Tại sao phải coi sự thành công, kiếm được lợi lộc nhiều là quan trọng như vậy? Không phải là những thành công và lợi lộc vật chất chỉ là những ảo tưởng không thật sao? Cái gì bắt đầu rồi cũng sẽ chấm dứt.


 Trong thời gian này bỗng có một lối suy nghĩ thật tiêu cực và phá hoại , một phần nào dấy lên từ cá tính của tôi, len lỏi vào với tôi trong lối sống của thiền viện. Kết quả là tôi không được thức tỉnh lắm, không để ý gì lắm đến những gì xẩy ra quanh mình, và tôi không biết rằng tôi đang lơ đãng và mơ mộng thật nhiều.


 Vị sư trưởng diễn tả trạng thái tinh thần này của tôi một cách chính xác hơn. "Anh đang ngủ quên," ông nói, "đang ngáy đó."


 Chúng tôi đang ở trong bếp. Tôi đang rửa rau một cách hơi cẩu thả. Vị sư trưởng bảo tôi đừng có loay hoay nữa và đi theo ông. Ông dẫn tôi vào căn phòng dành cho khách đến thăm. Trong phòng có một cái bàn thấp với bình trà, một hộp trà xanh bột và một khúc tre cắt thành hình một cây chổi để khuấy. Ông bảo tôi đem ấm nước sôi lại và tôi đổ nước lên bột trà xanh. Ông dùng cây chổi tre khuấy cho đến khi nước trà sủi bọt lên. Chúng tôi quỳ gối cùng uống trà và rồi ông nhìn tôi.


 "Đức Phật", ông nói, "phải đi một con đường dài lắm trước khi ngài được giác ngộ. Sau đó ngài đã cho những người khác biết về đoạn đường ngài đã đi để cho họ cũng có thể theo được. Đức Phật nói rất nhiều về chánh niệm. Anh có biết đó là gì không?"


 Tôi cựa quậy thân mình, vì chân tôi đã bắt đầu thấy đau. Tôi trả lời, "Là biết nhìn chỗ nào mình đang đi tới."


 "Phải," vị sư trưởng nói, "nhưng anh không thể làm như thế khi anh đang ngủ. Khi anh ngủ bất cứ cái gì xẩy ra anh cũng không thể biết được. Cái chùa này có thể phát hỏa và tới khi nó đã cháy tới cái túi ngủ của anh thì anh mới thức dậy, thì đã quá muộn rồi. Nhưng đừng hiểu theo một nghĩa hời hợt. Sự tu tập trong thiền viện này là cốt để thức tỉnh chúng ta, lúc nào đến giờ ngủ thì ngủ, nhưng khi không ngủ thì phải thức. Khi anh rửa rau, là anh phải rửa rau thực sự. Cách rửa rau là lựa những miếng rau nào còn tốt cho vào trong chậu, và vứt bỏ những miếng hư hỏng vào trong thùng rác, chứ không phải là làm ngược lại. Bất cứ lúc nào đang làm gì, hãy làm cho thật tốt, và phải biết mình đang làm gì. Đừng có làm hai thứ trong một lúc, như là vừa đánh răng vừa đi tiểu. Tôi đã thấy anh làm như vậy. Có lẽ anh nghĩ làm như vậy là để tiết kiệm thì giờ, nhưng kết quả chỉ là làm tùm lum trong nhà cầu và tùm lum trong miệng anh thôi."


 "Nhưng tỉnh thức thì được cái gì?"


 Vị sư trưởng nhún vai, nhắm mắt lại.


 "Tôi không cần biết anh được cái gì. Tôi chỉ khuyên anh phải giữ cho được thức tỉnh luôn luôn thôi. Chúng tôi ở đây, từ thầy cho tới các đệ tử khác của thầy, đều không thể giúp anh gì được nhiều. Giữ cho tỉnh thức là phải tự kỷ luật mình. Một cách nào đó, chúng tôi có thể bắt anh phải hành thiền, nhưng không thể làm cho anh tập trung tư tưởng vào công án của anh được. Anh có toàn quyền tự do khi ngồi trên gối thiền, hoặc là lo tìm cách giải vấn đề của mình, hoặc là mơ mộng và lãng quên đi."


 "Phải rồi," tôi nói. 'tôi sẽ cố, tôi sẽ ráng để giữ tỉnh thức."


 "Ráng", vị sư trưởng nói, "anh dùng chữ đó không được. Anh không được ráng, mà anh phải làm như vậy."



 Các thiền sư thường hay không thích nói chuyện dông dài nên tôi đứng dậy.



 "Khoan đã," vị sư trưởng nói, "Tôi muốn cảnh cáo anh điều này. Nếu anh có thành công mà thức tỉnh được một chút, thì hãy cẩn thận đừng để mình vướng mắc vào đó. Trước đây có một vị sư lúc nào cũng giữ cho mình thật là tỉnh thức. Sau ba năm, ông ta trở thành một đại đức và được gởi đi trụ trì tại một ngôi chùa ở miền Bắc. Một thời gian sau đó có một thanh niên đến tu cùng với ông. Thanh niên này muốn vào thiền viện nhưng muốn thử sống ở chùa ngoài trước đã, vì cách sống ở chùa ngoài khác với ở đây. Tăng chúng ở chùa ngoài không dậy sớm như chúng ta ở đây, họ thiền ít hơn và có khi không thiền gì cả, và họ cũng không có một vị thầy chỉ đạo. Vị sư này cố dậy thanh niên kia thật nhiều, và dùng những việc hàng ngày ra để làm thí dụ.

 

 Một ngày kia có một cơn động đất, một cơn động đất thật mạnh và một phần của ngôi chùa bị sụp đổ. Khi cơn động đất ngưng lại vị sư nói: 'Đấy, bây giờ con đã thấy một người tu thiền hành xử như thế nào trong những lúc căng thẳng như vậy. Con thấy rằng thầy đây đâu có hốt hoảng đâu. Thầy biết rõ ràng những gì đang xẩy ra. Thầy nắm lấy cánh tay con và mình đi vào trong bếp, bởi vì chỗ đó là chỗ vững chắc nhất trong chùa. Mà quả thật như vậy vì nhà bếp vẫn còn đứng nguyên và chúng ta đã qua khỏi cơn động đất này -- mà không hề bị thương gì cả. Nhưng có lẽ con cũng nhận thấy rằng, mặc dù vẫn luôn luôn tự chủ và tỉnh thức trong mọi lúc, thầy cũng hơi bị dao động, nên đã uống một ly nước lớn, vì lúc thường có bao giờ thầy làm như vậy đâu."


 Thanh niên kia không nói gì, chỉ cười.


 "Có cái gì mà cười?" vị sư hỏi.


 "Nhưng bạch thầy, đó không phải là nước, " thanh niên nói. "Mà đó chính là một ly nước tương lớn đó."


 

 Ngày hôm đó, ngày vị sư trưởng gọi tôi vào giáo huấn, tôi bị đau bụng tháo dạ. Có lẽ vì loại rong biển chúng tôi đã ăn bữa chiều, một món ăn ngon của Nhật mà mỗi người chúng tôi đã ăn một bát đầy.



 Tôi phải bỏ một lúc thiền buổi tối vì không thể ngồi yên một chỗ trong 25 phút được. Tôi phải đứng dậy giữa chừng, vái chào vị sư trưởng, thì thầm giải thích tình trạng của tôi, rồi chạy vội ra ngoài mà quên cả vái chào tượng đức Văn thù sư lợi, vị bồ tát uy nghi chuyên môn đánh kiếm. Trong những trường hợp khẩn cấp , có tu thiền cũng phải được cho ngoại lệ .


 Đêm hôm đó, vào khoảng 2 giờ sáng, tôi thức dậy đi nhà cầu tới lần thứ mười. Ánh trăng chiếu sáng khoảnh sân tôi đi qua và ngay trước dẫy nhà cầu tôi thấy một con rắn, một con rắn to mập đang cuộn tròn lại, dài khoảng 12 bộ. Đầu nó hướng về phía tôi và cái lưỡi nhọn chẻ đôi của nó lè ra thụt vào một cách hung ác, lạnh lùng. Tôi hét lên và chạy về phía chánh điện. Trên đường đi tôi vấp phải một vật gì và ngã xuống. Cái ngã ấy làm tôi tỉnh lại được đôi chút, và tôi tự nhủ mình không nên hốt hoảng như vậy, vì con rắn đâu có đi theo . Tôi ngừng lại nhưng rồi lại chạy vội đi. Vị sư trưởng nhìn tôi, lấy tay che miệng. Ông thuộc hạng người Nhật bản quý phái, có thân hình cân đối và mảnh khảnh, cái mũi mỏng cong cong trông thật đẹp và đôi mắt to xếch trông thật bình thản. Hàm răng đều, trắng bóng của ông đã khiến tôi lấy làm lạ, vì hầu hết các vị sư ở đây có hàm răng khấp khểnh, vô trật tự , vàng khè và trám đầy kim loại. Hàm răng trắng bóng kia bây giờ đang nằm trong một ly nước trên bàn và tôi nhìn đi chỗ khác khi ông đeo nó vào.



 Tôi hổn hển nói, "Con rắn! Có một con rắn độc thật to ngoài kia! Nó đang ở gần nhà cầu đó. Mau lên, nếu mình ra ngay thì có thể bắt giết nó được!"


 Vị sư trưởng nhìn tôi cười một cách ngượng ngùng khi ông gắn chặt hàm răng giả vào miệng. "Không sao đâu," ông nói. "mặc kệ con rắn. Con rắn đó đã ở đây bao nhiêu năm nay rồi. Nó bắt chuột và chỉ ở ngoài sân thôi mà. Đáng lẽ tôi phải nên báo trước với anh mới phải. Chỉ đi vòng qua nó là được mà, nó không có hại gì đâu."



 Con rắn đó còn có cả một cái tên mà bây giờ tôi quên mất là gì. Một cái tên với chữ "chan" đàng sau. "San" có nghĩa là "ông" hay "bà", để gọi những người lớn. Trẻ con và thú vật nuôi trong nhà được gọi tên với chữ "chan" đàng sau. Trở về phòng, tôi thấy tự giận mình. Chẳng có gì quan trọng để phải mất bình tĩnh như vậy cả. Tôi phải biết như vậy chứ. Tôi không cần phải đến thiền viện tu mới biết được cái chân lý căn bản đó. Không có gì, không có một cái gì cả. Trong những ngày cũ tôi đã không mất bình tĩnh khi bị nổ lốp xe gắn máy cơ mà? Hoặc nếu tôi đánh mất một quyển sách tôi thích nhất cũng vậy? Vậy thì tại sao tôi lại phải hốt hoảng khi thấy một con rắn giữa đường? Và tại sao tôi lại phải bực mình về chuyện tôi bực mình như vậy? Thay vì buông xả được, sự tu tập này khiến tôi đâm ra nóng nẩy, bứt rứt . "Đồ ngu!" "Thật là điên rồ không tưởng được!" Tôi tự mắng mình ngày này qua ngày khác, đôi khi lớn tiếng, kể cả lúc ở trong thiền đường. Vị sư trưởng phải quát lớn với tôi: "Giữ chánh niệm!"



 Trong những ngày đó tôi đã tìm được cách để làm cho cuộc sống dễ thở hơn. Chúng tôi đang ở trong một thời kỳ "xả hơi", có nghĩa là chúng tôi dậy 4 giờ sáng mỗi ngày thay vì 3 giờ sáng, buổi thiền chiều được bãi miễn , một số tăng đi nghỉ phép về quê thăm cha mẹ, và vị thầy đã đi lên Tokyo để diễn thuyết. Trong ba vị sư quản lý ngôi chùa, hai vị đi vắng xa nên vị sư trưởng rất bận rộn và chúng tôi ít khi nào thấy mặt ông được. Buổi sáng ông cho chỉ thị về việc phải làm cho ngày hôm đó và rồi ông biến mất. Tôi phụ đi cắt cây và đào hố trong vườn, buổi chiều tôi học tiếng Nhật và chỉ có buổi tối tôi mới thiền chung với những người khác, do một vị sư trẻ lãnh đạo, thường rút ngắn thời gian thiền lại và làm lơ như không thấy những người ngồi ngả nghiêng, cựa nhộn và ngủ gục. Lúc mới đầu đến chùa tôi phải tự giặt quần áo, một việc làm tôi không thích thú gì mấy, và bây giờ tôi mua thêm được 2 cái quần jean và một lô áo lót và áo sơ mi. Các tiệm ở đây không có kích thước của tôi nên tôi phải đặt, và sau một vài ngày một gói hàng gọn ghẽ được gởi đến tận nơi, với giá giảm bớt mười phần trăm. Bây giờ có thêm quần áo rồi, tôi có thể để dành mỗi tuần một lần đem đồ đi một tiệm giặt ủi ở góc phố gần đó. Tôi cũng tìm được một tiệm ăn khác, tiệm đầu tiên tôi tới ăn khi được bác sĩ cho toa không có nhiều món lắm. Nhưng khám phá quan trọng nhất của tôi là nhà tắm công cộng. Ở thiền viện các vị sư chỉ được phép tắm 9 ngày một lần; họ có thể tắm hoa sen lúc nào cũng được, nhưng tắm hoa sen không có nước nóng. Nhà tắm của thiền viện nhỏ , với một bồn tắm bằng sắt, hâm nóng từ một ngọn lửa nhỏ nấu bằng những cành và lá cây. Ở bên Nhật có ít rừng cây nên củi là một thứ xa xỉ phẩm. Một vị sư phải mất cả ngày mới hâm nóng được cái bồn tắm đó và cuối cùng khi ông ta đun tới được đúng nhiệt độ , vị thầy sẽ được vào đầu tiên , và rồi các vị sư khác theo thứ tự cấp bậc. Tôi luôn luôn là người vào sau cùng, bởi vì tôi là người mới nhất trong thiền viện. Điều đó không có nghĩa là tôi phải tắm nước bẩn, vì người Nhật thường tắm rửa sạch sẽ trước khi họ vào ngâm trong bồn, họ đã sát rất nhiều lá thơm và xà bông và rồi sau cùng mới vào ngâm mình trong bồn nước nóng, thư dãn thân xác mệt mỏi của họ cho đến khi người sau đang chờ đợi ở ngoài tỏ thái độ sốt ruột ra mặt.



 Nhà tắm công cộng lớn hơn, sang trọng hơn phòng tắm ở thiền viện nhiều. Tôi phải mất mấy phút đi bộ qua những dẫy phố chật hẹp, qua những tiệm nhỏ và những quầy hàng ngoài đường, và tất cả mọi người đều chào hỏi tôi. Tất cả mọi người đều biết tôi: cả thành phố Kyoto lúc đó chỉ có 29 người ngoại quốc, trong khi dân số người Nhật tới hơn 1 triệu người. Tôi sẽ phải trả mười xu cho bà thâu ngân, và cởi quần áo trong một cái phòng ngay hành lang cạnh đó, ở đó không những bà thâu ngân có thể thấy được toàn bộ mà cả những người đi vào hoặc đi ra nhà tắm cũng có thể nhìn vào được. Mấy bà có vẻ rất thích thú khi thấy tôi. Một người đàn ông da trắng, rõ ràng là một sự thay đổi không khí đáng mừng , và tuy rằng khi coi ciné họ cũng thấy nhiều chi tiết rồi, nhưng màn biểu diễn sống thực như thế này vẫn hấp dẫn hơn. Hình ảnh ba chiều bao giờ cũng hay hơn hai chiều.


 Tôi thường đến đó sớm vào buổi chiều và ngồi ngâm thật lâu trong cái bể tắm lớn như hồ bơi, với hàng đá men thật đẹp viền quanh. Trước đây người Nhật tắm chung với nhau, nhưng từ khi người Mỹ đến đóng quân đã có những ý tưởng mới du nhập vào làm ảnh hưởng đến lối hành xử của dân chúng và người ta đã chia rẽ đàn ông với đàn bà ra tắm riêng. Ít lâu sau tôi đã quen những người khác thường trực ở đấy và bắt đầu chào hỏi bằng tên những ông già thường đến đấy mỗi chiều. "Chào Jan-san," họ sẽ nói với tôi, và tôi cũng "Chào Tanaka-san, chào Kobori-san, chào Sasaki-san. Hôm nay nước tốt quá." Và rồi chúng tôi rên lên với nhau một cách hài lòng. Tôi giao tiếp với mấy ông già nhiều hơn mấy vị sư trong chùa. Họ hỏi tôi mỗi tối phải thiền bao nhiêu lâu. "Ba tiếng đồng hồ," tôi hãnh diện nói. "Và ít ngày nữa, khi thầy về, sẽ phải thiền 2 tiếng buổi chiều. Và một tiếng nữa buổi sáng." Họ lắc đầu tỏ vẻ thương cảm và nhìn nhau gật gù thán phục. Họ đang có một người bạn mới kỳ quặc.


 "Thế chân anh có đau không?"


 "Chắc chắn rồi," tôi chỉ cho họ thấy tất cả những chỗ đau.


 Thiền viện không phản đối gì, tuy rằng vị sư trưởng chắc đã biết hết tôi đang làm gì ở ngoài.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng