Đời là bể khổ

11 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 9674)




Đời là bể khổ


 Chuyến tầu chở tôi đến Nhật bản đem theo rất ít hành khách. Trên tầu có đủ chỗ cho cả trăm hành khách hạng nhì nhưng chúng tôi chỉ có 3 người, và 2 người bạn đồng hành của tôi lại là 2 người lính Đan mạch lầm lì chỉ biết nói tiếng Đan mạch. Họ đã lỡ chuyến tầu của họ ở Durban vì say rượu, nên phải bỏ tiền túi ra để bắt kịp theo con tầu đó ở vùng Viễn Đông. Hai người họ ít khi nào nói chuyện với nhau, mà chỉ suốt ngày đứng bên lan can tầu một cách chán chường. Đôi khi họ uống bia say sưa và hát những bài hát buồn nản với nhiều âm "o" và "flo".


 Tôi không ngại phải trải qua 5 tuần liền trên biển, vì như thế tôi sẽ có 5 tuần nghỉ ngơi trước khi vào tu viện, và có thì giờ để đọc sách. Tôi nghĩ có thêm một chút kiến thức về Phật học sẽ có ích lợi sau này, nên đọc sách một cách nghiêm túc, vẽ những sơ đồ trên những tờ giấy lớn, với những mũi tên và đường kẻ ngang dọc nối với nhau một cách gọn gàng. Làm như thế tôi đã học được một ít những lời dậy của Đức Phật. Chân lý đầu tiên của Phật pháp là khổ đế, tức là đời là bể khổ. Đời = Khổ.



 Theo truyền thuyết những vị thiên nhân đang mong muốn được Đức Phật chỉ dậy cho con đường chân lý tốt đẹp đã tìm cách để hướng dẫn cho ngài ngộ được chân lý đầu tiên. Đức Phật đã từng là một vị hoàng tử được nuông chiều sống trong cung điện xa hoa lộng lẫy. Vua cha ngài trị vì trên một vương quốc nhỏ bé, đã nghe một nhà tiên tri đến nói rằng đứa trẻ mới sinh ra đó có một nhân cách phi thường và sẽ trở thành một vị lãnh đạo thế giới, nếu không sẽ là một đấng giác ngộ giải đáp được mọi câu hỏi của vũ trụ, làm bậc giáo chủ cho cõi trời người. Nhà vua quyết định hướng con trai thuần túy theo con đường của thế gian. Ngài muốn con trai ngài phải có ấn tượng rằng những giá trị vật chất như của cải, sự thành công, quyền lực ... là những lý tưởng thường tồn và có thực chất. Những người già, người bệnh, người nghèo khó, chán đời, bất cứ người nào có sự buồn khổ gì cũng bị cấm không cho bén mảng đến cung điện và vị hoàng tử chỉ còn thấy những cung nữ trẻ đẹp, những chàng trai vui vẻ yêu đời. Ngài chơi nhạc, chơi thể thao, dự những buổi tiệc tùng truy hoan trong cung đình. Một hôm vị hoàng tử tò mò muốn biết đời sống bên ngoài cung điện, xin phép vua cha ra ngoài dạo chơi. Nhà vua muốn chắc chắn rằng hoàng tử sẽ không thấy những gì không tốt đẹp nên dàn xếp một chương trình hướng dẫn, dặn dò người đánh xe và những người ở gần đó phải làm gì, nói gì, và đuổi những kẻ khốn cùng đi nơi khác. Nhưng những vị thiên nhân đã hóa ra một kẻ ăn mày, một người bệnh, một người thật già yếu, mù loà và gầy đét như que củi đang còng lưng trên chiếc gậy, một xác chết bên đường, và một vị sư áo vàng đang đi trên đường phố. Người đánh xe bị hoàng tử hỏi về những người ấy, đã phải công nhận rằng thế giới này cũng có rất nhiều khổ đau, rất nhiều sự khốn cùng.


 Vị hoàng tử hỏi về vị sư áo vàng đang đi trên đường phố là thế nào.


 "Khải bẩm hoàng tử, đó là một người đã từ bỏ đời sống phù phiếm vật chất này và đi tìm chân lý bằng sự khắc kỷ và thiền quán."


 "Vậy ngươi nghĩ rằng có một chân lý nào thật hơn những gì ta đang thấy, nghe, ngửi, nếm, cảm xúc và tưởng tượng được chăng?"


 "Khải bẩm hoàng tử, chắc là có."


 "Ngươi có biết chân lý ấy không?"


 Người đánh xe không biết nói gì. Anh ta cũng tin tưởng rằng có một chân lý nào đó cao siêu, nhưng không thể nói là anh biết được chân lý đó. Người đánh xe là một người Hindu thành tâm tin tưởng rằng cái bề ngoài đầy đau khổ bất công của thế gian này là huyễn hoặc và đàng sau, đàng trước, hay bên cạnh sự huyễn hoặc đó, hoặc có lẽ chính ở đâu đó ngay trong sự huyễn hoặc đó, có tồn tại một chân lý có thể giải thích được tất cả mọi điều.


 "Đời là bể khổ", Đức Phật đã đi đến kết luận đó. Lúc đó ngài chưa thành Phật mà còn là Gautama Siddharta, một hoàng tử Ấn độ. Những lúc hạnh phúc, lúc vui, lúc sướng cũng là một hình thức đau khổ, bởi vì những cảm giác này ngắn ngủi và sẽ qua đi. Thực chất của hạnh phúc chính là đau khổ bởi vì tự thâm tâm chúng ta biết rằng những gì đem lại hạnh phúc đó, dù là một điều gì, một người, hay một ý tưởng nào cũng chỉ là tạm bợ và rồi mọi sự sẽ phải chấm dứt. Người thương gia thành công và năng động bỗng nhiên bị động tim, cặp vợ chồng đang âu yếm bỗng ra tòa xin ly dị, đứa trẻ đang tương lai đầy hứa hẹn bỗng xa lánh bố mẹ và bỏ nhà ra đi, những cánh đồng lúa phì nhiêu bỗng nước lụt tràn vào, con tầu đang đi bỗng bị chìm hay bị vỡ ra, con chó yêu quý tự nhiên bị xe cán chết... Tất cả chỉ là giả tạm, rồi sẽ hết, rồi sẽ không tồn tại. Đứa bé mới đẻ đang bập bẹ trong nôi đó rồi sẽ chết, không sớm thì muộn, cũng sẽ có ngày phải chết.


 Những gì vị hoàng tử Ấn độ suy ra lúc đó, đã được tất cả mọi người nghĩ đến rồi. Tất cả những ai biết suy nghĩ, biết quán sát, đều biết rằng đời là khổ. Nhưng có lẽ người ta không thích nói đến điều đó và chỉ muốn xua đuổi cái ý tưởng đó đi, bởi vì họ biết rằng sống là đi trên một con đường đầy khó khăn, một con đường đầy những gánh nặng chĩu trên vai và sẽ tiếp tục mãi cho đến khi chết. Cái ý tưởng đó đã bị đè nén bằng cách uống rượu, bằng sự làm việc, sự giải trí, nhưng nó vẫn luôn luôn trở lại. Người ta có thể tìm quên bằng cách đọc sách, nói chuyện với bạn bè, nhưng sau một thời gian đọc sách mãi cũng chán và bạn bè cũng chẳng có câu trả lời nào thỏa đáng. Cho nên sự nghi hoặc cứ lẩn quẩn trở lại. Nếu đời sống là đau khổ, nếu mỗi ngày cái chết mỗi đến gần hơn, vậy chúng ta sống để làm gì? Nếu đạo Phật đã không đi xa hơn từ cái chân lý đầu tiên này, rằng đời sống đồng nghĩa với sự đau khổ, thì Phật giáo sẽ là một tôn giáo thật là tiêu cực. Nhưng còn có ba chân lý khác, như Đức Phật đã nói:



  Sự đau khổ gây ra bởi dục vọng muốn có, muốn được là gì đó.

 Dục vọng muốn có, muốn được là gì đó có thể được giải trừ.

 Con đường bát chánh đạo là cách để giải trừ dục vọng.


 Cuộc hành trình trên biển mỗi ngày đều đều, tẻ nhạt. Không có gì xẩy ra cả. Một ngày ba bữa ăn, cà phê buổi sáng, trà buổi chiều. Mặt biển gần như bằng phẳng, xanh biếc mênh mông đến tận bốn phía chân trời. Tôi bắt đầu ước thầm giá có một cơn lốc mạnh nào thổi đến hay con tầu va vào đâu đó cho đỡ chán, nhưng những cuộc phiêu lưu duy nhất mà tôi có được là ở trong những quyển sách Phật xếp ngăn nắp trên kệ của cabin, mà có một quyển tôi luôn luôn đem theo mỗi khi lên boong tầu ngồi hóng mát.


 Tôi nghĩ là tôi có thể hiểu được lý thuyết của đạo Phật. Đời là khổ. Dĩ nhiên. Có những cái khổ thuần túy, cái khổ hoàn toàn của thân xác mà tôi còn nhớ từ những năm chiến tranh. Và cũng có những cơn buồn phiền, chán nản mà tôi từng kinh nghiệm ở những ngày còn trong học đường.


 Và cũng có những lúc vui vẻ, nhưng lại bị phá hỏng bằng ý thức rằng cuộc vui có thể tàn đi bất cứ lúc nào. Và hạnh phúc là cái gì mong manh đến nỗi trước khi tâm hồn chúng ta kịp cảm nhận được điều đó thì nó đã bay đi mất rồi. Đối với một người lớn lên trong khung cảnh no đủ, bơ sữa của Hòa lan, nói đến đau khổ là một điều ghê gớm, nhưng thật sự nó cũng có thể được phát hiện ra trong những xe điện thành phố, tuy đã được ngụy trang với một bề ngoài đẹp đẽ, nhưng vẫn có hiện diện ở đó.


 Và cái khổ đã ám ảnh tôi, khiến cho tôi phải lên đường đi trên chuyến tầu này. Tôi đã nghĩ, và vẫn tiếp tục nghĩ rằng, có thể có cách giải thích cái khổ được, và một khi đã được giải thích, thì có thể chấp nhận được. Nhưng đạo Phật còn đi xa hơn thế nữa , khi không chỉ "giải thích" mà còn tìm cách để "giải quyết' chấm dứt cái khổ. Tôi muốn giải trừ được hoàn toàn cái khổ. Tôi đã cố tìm phương tiện bằng cách đi nhà thờ, đọc những sách nói về đạo Thiên chúa, nhưng những giáo điều của đạo Thiên chúa đối với tôi dường như không thể chấp nhận được --- tin vào một điều gì chỉ là vì bị bắt buộc phải như vậy.


 Chỉ khi tôi đọc những mẩu đối thoại của Socrates tôi mới bắt đầu thấy một chút ánh sáng. Đoạn Plato diễn tả về cái chết của Socrates thực sự làm tôi thấy hứng khởi. Làm sao một con người, trước cái chết bức tử như vậy, lại có thể thản nhiên bất động, vui vẻ được như thường? Tôi muốn biết mình phải làm gì để có được một tâm tự tại như vậy. Nói đời là khổ là một lý thuyết dễ dàng được chấp nhận và bảo vệ. Nhưng rồi mắc kẹt trong một lý thuyết thì thật là bực bội, khó chịu. Phải rồi, đời là khổ. Nhưng rồi sao? Làm sao chận đứng được cái khổ? Nếu ta cứ tiếp tục suy nghĩ trong chiều hướng này thì sẽ chỉ đi vòng vòng, mà chẳng thấy kết quả gì.


 Ouspensky và Gurdjieff dường như có chỉ ra một con đường nhưng khi tôi đọc những tác phẩm của họ thì họ đã chết hết rồi. Tôi tìm ra được khá nhiều điều ích lợi trong một quyển sách của một vị đạo sĩ Ấn độ. Nhưng tôi muốn tìm kiếm một điều gì tôi có thể làm được, bây giờ và ở đây. Không phải là một cánh cửa tâm linh cao siêu nào, mà là một cánh cửa thật, bằng gỗ, và sau cánh cửa đó là một người có thể nói những điều tôi nghe được. Ở bên Nhật có nhiều tu viện Phật giáo. Nhật bản là một xứ người tây phương có thể đi đến dễ dàng. Nhật Bản có những vị thầy có trí tuệ siêu việt, và những vị thầy ấy có thu nhận đệ tử. Tôi có thể đi đến Ấn độ hoặc Tích lan, nhưng tôi đã nghe nhiều chuyện kể về những chàng trai đầy lý tưởng đã phiêu bạt đến nơi xa xôi đó và rồi rốt cuộc là đã chết vì bệnh kiết lỵ. Nếu ở Nhật tôi có ngã bệnh thì cũng có thể tìm được bác sĩ chữa trị. Cũng có những người Nhật có thể nói tiếng Anh được. Tôi sẽ không hoàn toàn bị lạc lõng nếu có điều gì không hay xẩy ra.


 Trên tầu tôi đọc lại quyển "Con đường thứ tư" của Ouspensky. Ông ta nói có 4 con đường đi tìm chân lý tối thượng, tìm sự tự do hoàn toàn. Con đường của một đạo sĩ (fakir) Ấn độ là khuất phục thân xác, một con đường dài, đầy khó khăn và bất trắc, đã được Đức Phật thí nghiệm và bác bỏ. Con đường của một tu sĩ, ngắn hơn và chắc chắn hơn, được đặt trên niềm tin, một niềm tin triệt để trước khi có thể thấy hoặc kinh nghiệm được điều gì. Con đường của một hành giả yogi là một con đường trí thức hơn, con đường của tư duy và ý thức, được đạt đến qua một số thực tập. Và con đường cuối cùng là con đường của một người "khôn ngoan", người không có một niềm tin cố định nào nhưng muốn kinh nghiệm, muốn kiểm chứng tất cả.


 Ouspensky sau đó chỉ dẫn phương pháp thường dùng của con người 'khôn ngoan" này. Hắn ta luôn luôn sống như một người thường, không mặc áo dòng hay áo tràng của tu sĩ, nhưng là thành viên của một nhóm tu tập và có những hoạt động đều đặn được quy định, dưới sự hướng dẫn của một vị thầy.


 Nếu tôi đang sống ở Nhật chắc tôi đã là đệ tử của một vị thầy nào đó mà không phải vào trong tu viện. Những thiền sư thường hay nhận những đệ tử tại gia hàng ngày đến tham vấn, luôn luôn là vào buổi sáng, và họ vẫn tiếp tục sống đời thế gian tuy thường xuyên lui tới tập thiền với các vị sư và tham gia vào những hoạt động của chùa. Nhưng tôi lúc này vừa mới được hưởng gia tài và một thân một mình không có trách nhiệm gì cả, nên có cơ hội để dành một thời gian xả hết mình làm một việc gì. Lúc ấy ở trên tầu, khi nghĩ đến điều đó, tôi tưởng là mình có được sự tự do lựa chọn. Nhưng bây giờ, khi ngồi viết những giòng chữ này, tôi thấy là mình không có tự do lựa chọn gì cả, mà chỉ tiến hành những cái quả của một số nhân duyên đã tiềm ẩn từ một quá khứ xa xôi nào đó. Cái "tự do" của một người thật giới hạn. Ngay khi người đó nghĩ là hắn lựa chọn một điều gì cái kết quả đã được định sẵn rồi. Một người chỉ có thể làm được những quyết định nhỏ nhặt, như là quyết định dậy sớm mỗi sáng và nếu cứ cố làm như vậy thì sẽ thành công. Hắn có thể quyết định sẽ tuân hành theo luật lệ lưu thông và cũng có thể thành công nếu cứ tiếp tục quyết định như vậy mười lần trong ngày. Mọi thay đổi trong những thói quen hàng ngày thật là khó khăn, nhưng may thay, không phải là không thể làm được. Ta có tự do trong những điều nhỏ nhặt của đời sống hàng ngày, và sự thực tập tâm linh có thể làm được khi ta biết xử dụng sự tự do ấy. Nhưng một quyết định lớn lao, quyết định đi hay không đi đến Nhật bản, không phải là một quyết định tự do.


 Chiếc tầu ghé bến Bombay. Tôi lên bờ và không thể nào bước đi đâu được với những người ăn mày vây quanh. Một thành phố đói nghèo. Từng đám đông trẻ con bao chặt lấy tôi xin tiền, xin đồ ăn khiến cho tôi không cựa quậy gì được. Cái đói chúng tôi đã từng biết trong mùa đông 1944 của thời chiến tranh dường như là một hiện tượng phổ thông và thường trực ở đây. Một thủy thủ trên tầu kể cho tôi nghe anh ta đã vào một ổ điếm trong đó những người đàn bà bị nhốt trong những chiếc lồng, và với một vài đồng florins khách chơi có thể ở trong đó vài phút, trong khi bên ngoài những người khác đang chờ đợi một cách sốt ruột đàng sau một bức màn kết bằng những cái túi. Người thủy thủ đó đã không bước vào trong cái lồng đó, nhưng ném tiền vào qua những thanh sắt. Theo anh ta, ở bên Trung quốc tình hình có vẻ khá hơn: mọi người đều mặc đồng phục lao động mầu xanh, đội mũ, xếp hàng đi tay vung vẩy cờ và Mao quyển, nhưng không thấy cái đói tràn lan và không có những người đàn bà bị nhốt trong lồng. Tôi tự hỏi nếu tôi đến Nhật bản và được ngộ đạo thì thân phận những người đàn bà trong lồng ấy, và những người ăn mày què quặt ghẻ lở kia có khá gì hơn không. Sự khốn khổ vẫn tồn tại như thường. Cuộc đời có thêm được một người khôn ngoan, che dấu trí tuệ của mình sau nụ cười bí ẩn, nhưng cái đói, bệnh tật và sự bóc lột vẫn tiếp tục khắp nơi. Sự khốn khổ có lẽ không nhất thiết là một cái gì bị cột chặt vào với quả đất này, nhưng là một hiện tượng vũ trụ, được sắp xếp trong một quy mô lớn lao đến nỗi diệt trừ cái khổ là một việc làm vô vọng.


 Trên tầu tôi cũng đọc những lý thuyết về nghiệp quả và sự đầu thai. Nghiệp là cái quy luật của nhân và quả, đầu thai là quy luật của sự tái sinh. Nếu trong đời này tôi làm điều gì xấu kiếp sau tôi sẽ thành một kẻ tàn tật, và điều đó đến không phải như một hình phạt, mà là một bài tập, một bài tập làm thêm (làm như cuộc đời của một người mạnh khỏe chưa đủ những khó khăn có sẵn) để cho tôi cuối cùng sẽ được thức tỉnh hoàn toàn. Linh hồn con người cần phải được thanh lọc, và sự thanh lọc đến qua sự đau khổ. Một kiếp không đủ để thanh lọc cho linh hồn, nên phải có nhiều kiếp để sống, 500 hay 600 kiếp -- cho đến khi giác ngộ rồi sẽ được sống trong một cảnh giới khác vui tươi hơn, ít đau khổ hơn. Và cũng có một thời kỳ chuyển tiếp giữa lúc chết và tái sinh, thời kỳ đó như một thời gian nghỉ mát cho những người đã sống một cách tốt đẹp và cũng là địa ngục cho những người đã làm nhiều điều xấu. Khi tôi đọc những lý thuyết này và rồi suy nghĩ về chúng, tôi không thấy chúng đưa ra được một giải đáp nào.


 Có thể những người đàn bà trong lồng, và những kẻ ăn mày ở Bombay đang phải trả cái nghiệp quả của họ; điều đó sẽ giải thích được cái khổ của họ, nhưng không giải thích được nguyên nhân của sự khổ. Tại sao con người sinh ra và có cơ hội làm những điều xấu để rồi phải trả bằng những bài tập khó khăn (như phải sống một đời tàn tật) sau này? Lý thuyết của người Ấn độ (Bà la môn) tương đối dễ chịu và quảng đại hơn so với giáo lý của đạo Thiên chúa trong những giáo điều của nhà thờ một ít năm trước đây. Phương pháp của Đức Phật đưa ra, cuối cùng đối với tôi có lẽ tốt nhất: không cần phải thắc mắc về nguyên nhân của mọi sự, không cần lẩn quẩn với những nghi hoặc về những cố gắng cứu rỗi sự đau khổ của thế giới này, mà với một tinh thần tự giác tiến bước trên con đường mà trước đây đã có một người đi qua và đạt đến mục tiêu tối hậu, con đường đó cũng đã được nhiều người khác đi theo bước chân tiên phong của ngài. Một con đường khả dĩ làm được, không phải chỉ là một lý thuyết mơ hồ. Con đường đó cho tới nay vẫn có những người chỉ đạo sống thực, đó là các bậc thầy Phật giáo. Tôi biết tôi sẽ phải chấp nhận cái ý tưởng rằng không có gì chắc chắn sẽ đến với tôi, dù là một niềm tin kiên cố nơi các vị thầy. Con đường đó sẽ có những thí nghiệm và sai lầm, những nỗ lực băn khoăn, và qua quá trình công phu đó có thể sẽ có được một chút thành công nào đó, le lói được một tia sáng trí tuệ nào đó, và dần dần tri kiến có được sẽ một ngày một thâm sâu hơn.


 Con tầu đưa tôi đến Singapore và Hong kong , mỗi nơi dừng lại một vài ngày để rỡ hàng ra và chất hàng lên. Trong mỗi cảng tôi đều lên bờ và đi thăm các nơi. Trong những khu ổ chuột tôi thấy người ta nằm ngủ la liệt ngoài đường, và tôi phải cẩn thận nhìn xuống để khỏi dẫm lên họ. Cũng lại có những người ăn mày, những trẻ em tội nghiệp và những cô gái điếm, nhưng không đâu có thể so sánh được với những nỗi thống khổ sống sượng như ở Bombay. Đau khổ, vì sao vậy? Vì do những dục vọng vô bờ trong chúng ta gây ra. Chúng ta muốn có và muốn tăng thêm những sở hữu mãi mãi không ngừng nghỉ. Chúng ta muốn được là gì đó, rồi muốn được hơn thế nữa, và muốn tiếp tục như thế mãi mãi dù có chết rồi chăng nữa, qua con cháu chúng ta, qua danh hiệu của những công ty ta đã thành lập. Chúng ta muốn có một cái danh, một nhân cách càng ngày càng quan trọng hơn. Những dục vọng đó chính ra ỡ trong tiềm thức và chúng giật dây cho những hành động của chúng ta. Chúng ta làm việc, chúng ta khoe khoang, tự quảng cáo mình, và khi nhìn một tấm ảnh việc đầu tiên chúng ta làm là xem hình bóng của mình trong đó có đẹp không. Chúng ta không bao giờ ngờ rằng cái thân của chúng ta chỉ là một cái vỏ trống rỗng một ngày nào đó sẽ bị vứt vào sọt rác của một nghĩa trang hay lò thiêu nào đó. Cái bản ngã, cái tôi mà chúng ta luôn luôn mang theo và đánh bóng đó chỉ như một đám mây thay đổi hình dạng không ngừng, và rồi tất cả còn lại chỉ là những bức hình chụp từ lúc còn bé cho đến già. Những gì chúng ta quan tâm đến năm ngoái bây giờ không còn quan trọng với chúng ta nữa, và những gì chúng ta quan tâm bây giờ sẽ bị quên lãng và thành vô nghĩa năm sau. Nhưng dù chúng ta có nhận ra được những điều này dục vọng cũng vẫn còn đó và chúng ta cũng vẫn loanh quanh luẩn quẩn trong bóng tối bao trùm.


 Phật giáo không phải là đen tối, chỉ có chân lý đầu tiên là có vẻ có một chút đen tối. Niềm khát khao ấy cho cuộc đời, đông lực đã đưa đẩy chúng ta và khiến chúng ta đi xa chân lý có thể được phá vỡ. Chúng ta không ở trong một tình trạng tuyệt vọng. Sự tiêu diệt của bản ngã, theo như Đức Phật nói, không phải là một sự tự tử.


 Đoạn đường cuối của cuộc hành trình, từ Hong kong đến Kobe, là đoạn đường khó khăn nhất, như tôi đã chờ đợi. Tôi chỉ còn lại một mình, những người lính Đan mạch đã bắt kịp con tầu của họ ở Hong kong. Tôi không còn có thể tiếp tục được cái thời khóa biểu đầy kỷ luật, đọc và viết giữa những bữa ăn hàng ngày, được nữa. Tôi bắt đầu đi lang thang khắp trên tầu và vào thăm viếng quầy rượu thường xuyên. Viễn ảnh tu viện càng ngày càng đến gần hơn. Lâu nay nó chỉ là một cái bóng mờ nhạt cuối chân trời nhưng bây giờ càng ngày nó càng hiện ra rõ nét hơn.


 Tôi nhìn thấy trước những khó khăn thực sự cũng như tưởng tượng. Trong tâm tư tôi cũng chưa chắc chắn rằng tôi muốn phá vỡ cái bản ngã của mình và từ bỏ tất cả những gì cho đến nay đã có một giá trị nào đó đối với tôi.


 Có một câu chuyện của Ouspensky làm tôi thích thú vô cùng. Chuyện này đã được Gurdjieff, người thầy bí hiểm của ông ta, kể lại. Gurdjieff, một người Armenian xuất thân từ một trường phái bí truyền ở Tây tạng, đã ví người không có một giải đáp nào, không biết đến một giải pháp nào cho cuộc đời, như một người tù sống không mục đích trong ngục.


 Có những người tù nói rằng nhà tù là nơi chốn duy nhất họ có thể sống được và ngoài nơi đó ra chẳng có gì khác hơn. Loại tù nhân này, theo Gurdjieff, không nên nói tới họ. Họ là những người mê muội, không muốn làm gì cả, và khi nào họ còn có tâm trạng như vậy thì sẽ không thể giúp gì cho họ được.


 Nhưng cũng có những tù nhân muốn thoát ngục, họ không hài lòng với khung cảnh sống của họ và họ ngờ rằng bên ngoài ngục thất còn có một thế giới tốt đẹp hơn nhiều. Họ không thể biết rõ được, vì họ sinh ra ở trong tù, hoặc cái ký ức của một đời sống tự do thời xa xưa nào đã bị tẩy xóa đi trong trí óc họ. Nhưng họ tin tưởng rằng họ có thể vượt thoát khỏi ngục được, và tin rằng nỗ lực để làm việc đó là một điều hợp lý.


 Nhưng ngục thất được canh gác rất kỹ càng, có những tháp cao với đèn pha rọi sáng, có những người gác tinh nhuệ đi tuần chung quanh với những khí giới tối tân nhất; và chung quanh nhà tù là một cái hào thật sâu đầy cá mập và cá sấu đói. Tường bao bọc thì cao, dầy chắc và trơn láng. Chỉ nghĩ đến chuyện thoát ngục không cũng đã thấy vô vọng rồi. Nhưng điều đó vẫn có thể làm được. Có những tù nhân đã được giải thoát, từng nhóm một; họ đã được chuẩn bị kỹ càng và được hướng dẫn một cách xuất sắc bỡi các đại sư. Các đại sư biết rõ những khu vực ở ngoài ngục thất và họ có thể sống được ở cả trong lẫn ngoài nhà tù. Nhưng họ không thể đem ai ra ngoài được, mà điều duy nhất họ có thể làm được là chỉ đường và chỉ bầy phương tiện vượt thoát.


 Tầu đến bến Kobe vào sáng sớm. Tôi đã dậy sớm từ bình minh để không bỏ sót một điều gì. Trên boong tầu không một bóng người, biển chung quanh cũng vắng lạnh trống trải. Chỉ có một ghe đánh cá nhỏ ngoài xa. Một lão ngư phủ Nhật bản đang bận rộn kéo lưới lên ghe. Ông ta nhìn thấy tôi, và tôi dơ tay lên vẫy chào. Ông vẫy chào lại. Có lẽ đây là một điềm lành: ít nhất, tôi cũng được đón chào một cách thân thiện


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng