-- Ánh Sáng Cuối Đường - Phần hai

19 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 9875)




Tối hôm ấy, sau khi tụng kinh và ngồi thiền xong, sư cô Diệu Thường lên giường mà không khỏi trằn trọc. Tuy từ lâu rồi tâm đã lặng như mặt hồ không dậy sóng, hôm nay bỗng nhiên một cơn gió từ quá khứ xa xôi bỗng thổi đến, làm khuấy động một chút lăn tăn. Chút duyên xưa tưởng chừng đã chấm dứt từ lâu, bỗng nhiên trở về như bóng ma chập chờn. Diệu Thường nhớ lại những chuỗi ngày đau buồn vô tận của một thời quá vãng.


Từ khi Điệp đi học xa, Lan ngày ngày qua nhà chàng, thăm hỏi chăm nom mẹ chàng. Giữa hai người đã có tình thương yêu khắng khít như mẹ con. Lan vốn mất mẹ sớm nên mặc nhiên nhìn thấy trong mẹ của Điệp hình bóng của một người mẹ hiền mà nàng hằng ao ước. Ngược lại, Điệp cũng kính mến cha nàng như người cha chàng đã mất từ khi còn thơ. Thấm thoát thời gian qua, Điệp đi đã gần một năm, chàng vẫn thơ từ về đều đều, kể chuyện học hành và đời sống trên thành thị. Chàng thỉnh thoảng cũng có nhắc đến Mai Trang, con gái ông Toàn, người con gái đẹp nhí nhảnh, có cuộc sống mới văn minh hiện đại, nhưng Lan không để ý lắm, vì tin tưởng nơi tình yêu chân thật của hai người. Lan hi vọng mùa xuân sắp đến, Điệp sẽ về quê ăn Tết và nàng sẽ được gập lại chàng. Thời gian cách xa nhau cũng làm mòn mỏi con người, Lan chỉ biết sống với những mơ ước và kỳ vọng ở một tương lai xa vời.


Một ngày nọ, Lan qua nhà bà Thành, bỗng thấy có một bà khách lạ. Nàng kín đáo ra về, với một chút thắc mắc trong tâm. Chiều tối hôm đó, Lan qua nhà bà Thành lại, giúp bà nấu cơm chiều như mọi hôm, thì thấy bà ngồi ủ rũ trong buồng, sắc mặt âu sầu ảo não. Lan lo lắng hỏi thăm, chỉ thấy bà nhìn mình mà rưng rưng nước mắt. Bà hỏi:


“Ba con có nhà không?”


“Thưa bác có. Bác muốn gập ba con?”


“Ừ, con qua nhà mời ba con qua đây được không. Bác có chuyện cần muốn nói với ông.”


Tối hôm đó, ông Nhân về nhà đã lựa lời nói cho Lan nghe câu chuyện ghê gớm mà nàng không thể tưởng tượng đã xẩy ra. Lan như người ở trong mơ, nàng nhất định muốn chối bỏ, không muốn tin điều đó là sự thực. Nàng muốn gặp mặt Điệp để kiểm chứng sự thực. Ông Nhân biết ý định của nàng, không ngăn cản mà còn hứa sẽ đưa nàng lên Saigon tìm Điệp.


Đợi ngày cuối tuần, hai người dậy từ sớm, đáp chiếc xe đò cũ kỹø đi lên Saigon. Đến nơi đã xế chiều, họ phải mất một lúc lâu đi tìm địa chỉ nhà ông Toàn, nơi Điệp ở. Đó là một biệt thự nguy nga nằm trong một khu yên tĩnh của thành phố, hai bên đường có hàng cây to tỏa bóng mát, làm dịu đi cái nắng chói chang Saigon. Đến nơi, Lan bỗng thấy ngại ngùng, bủn rủn chân tay. Nàng chỉ dám đứng bên kia đường nhìn sang, không đủ can đảm để bước đến cổng bấm chuông. Ông Nhân cũng cùng tâm trạng với con, hai người cứ đứng lóng ngóng bên kia đường, chưa biết phải làm gì. Một lúc sau, Lan thu hết can đảm, quyết định liều một phen, nàng đang dợm bước qua đường thì cánh cổng chợt mở. Điệp bước ra, Lan mừng rỡ tính gọi to, bỗng thấy một cô gái bước theo sau. Cô gái thật tươi trẻ trong bộ đồ đầm cắt khéo làm nổi bật thân hình cân đối, với đôi chân thon dài bước đi những bước chân uyển chuyển. Nàng ôm lấy tay Điệp, nói cười tự nhiên vui vẻ. Một chiếc xe bóng loáng với tài xế lái từ đâu chạy tới, Điệp lịch sự đỡ cô gái lên xe, và chiếc xe từ từ chạy đi mất hút. Lan và ông Nhân đứng đó sững sờ, ý định muốn gập Điệp tận nơi kiểm chứng bỗng tan biến như mây khói.


Trở về nhà, Lan như người mộng du. Càng tin tưởng Điệp bao nhiêu, Lan càng hụt hẫng bấy nhiêu. Khung cảnh quen thuộc hàng ngày, vườn cây trái nơi hai người từng đùa dỡn với nhau thời thơ ấu, những con đường mòn hò hẹn gần bờ sông lặng lờ trôi, tất cả đều gợi nhớ đến hình bóng của Điệp, như những gai nhọn đâm thấu tim nàng. Ông Nhân ái ngại nhìn con mình sống như cái xác không hồn, ông cố tìm việc để Lan làm, gợi chuyện để nói, nhưng chỉ thấy hai con mắt nàng ngơ ngác như đang ở một cõi xa xăm nào đó. Một ngày kia, Lan đi đâu mãi không về, ông Nhân sốt ruột, đi khắp nơi tìm con gái nhưng chẳng thấy đâu. Ông và bà Thành hai người ngồi thở vắn than dài, chỉ còn biết ngậm ngùi thương và lo cho cô gái có số phận hẩm hiu. Chập tối, Lan về, ông Nhân mừng rỡ chạy ra đón con, nhưng không nỡ la mắng, chỉ hỏi nhẹ nhàng:


“Con đi đâu vậy, làm ba và bác Thành lo quá, đi tìm kiếm khắp nơi.”


“Xin lỗi ba. Con đi lên chùa Từ Vân, ở trên đó không khí yên tĩnh thoải mái quá, nên con quên cả giờ về.”


Hôm sau, ông Nhân nhận thấy con mình có một vẻ gì khác lạ. Trông Lan không ủ rũ như mọi khi, mà nét mặt dường như có một vẻ gì cương quyết, như đang toan tính chuyện gì. Quả nhiên, trong bữa trưa hôm ấy, Lan tỏ ý định muốn lên chùa Từ Vân ở một thời gian, nếu ông cho phép.


Chùa Từ Vân là một ngôi chùa khá cổ, ở trên đồi cao nhìn xuống giòng sông, trước kia tổ khai sơn là một vị thiền sư, sau mấy đời truyền giáo nay đã biến thành một ngôi chùa sư nữ. Khi Lan còn nhỏ, ông Nhân thường đưa nàng đi chùa lễ Phật, cầu siêu cho mẹ nàng, ở chơi trên chùa làm những việc công quả. Cuộc sống của một người đàn ông góa bụa có những phút cô đơn không ngờ, nhiều lần ông cũng muốn tục huyền nhưng khi nghĩ đến con còn nhỏ dại, nghĩ đến cảnh mẹ ghẻ con chồng, ông lại bỏ ý định đó, và những lúc ấy lên chùa, trầm mình trong câu kinh tiếng kệ, ông thấy lòng thanh thản và phấn chấn trở lại.


Ông Nhân hỏi:


“Con đã suy nghĩ kỹ chưa, từ lâu nay sống với ba, nay bỗng dưng đòi đi ở chỗ khác, con không thấy buồn sao?”


“Thưa ba, con đã suy nghĩ kỹ rồi. Anh Điệp lấy vợ, thế nào cũng có ngày đem vợ về nhà mẹ. Thử hỏi lúc ấy con sẽ làm sao khi chứng kiến cảnh ấy. Chi bằng con đi nơi khác, ở một nơi xa lạ con sẽ dễ quên được những gì đã qua, và con thấy không có chỗ nào hơn ở chùa, không gần quá mà cũng không xa với nhà, để còn qua lại thăm ba được.”


“Con đã được sư bà chấp nhận cho ở chưa?”


“Con chưa hỏi, vì con muốn có sự đồng ý của ba trước.”


“Để ba nghĩ lại, rồi sẽ trả lời cho con sau.”



 Sau một đêm dài trăn trở, hôm sau ông Nhân đồng ý cho Lan lên chùa ở một thời gian. Cuộc đời Lan từ đây bước vào một ngõ rẽ mới.


 

Chùa Từ Vân ở trong một vùng đất cẩm tú, phong cảnh tươi mát thanh tịnh, trên ngọn đồi xanh rì nhìn xuống giòng sông chẩy là đà phía dưới. Trước chùa là một cây bồ đề cổ thụ tỏa tàng lá rộng, trong khuôn viên trồng những cây hoa như hoa sứ, hoa ngọc lan v.v.. tỏa mùi hương thoang thoảng, những chậu kiểng cắt tỉa kỹ càng thành những hình thù đẹp mắt. Trên đường đi lên chùa, hai bên trồng những cây ăn trái xum xê, những bụi tre trúc xanh ngắt, vừa làm cho phong cảnh thêm hữu tình, vừa có lợi ích thực dụng.


Ngày Lan vào chùa, nàng không nghĩ gì hơn là chỉ muốn đi thật xa khỏi nhà để quên hết chuyện quá khứ. Sư bà hiểu tâm sự nàng, khuyên rằng:


“Con muốn đến chùa ở, cũng là một cái nhân duyên. Cửa chùa luôn luôn rộng mở, nhưng đời sống tu hành không phải dễ dàng gì, mà rất kham khổ và bó buộc, với những giới luật và lao tác hàng ngày. Nếu đến chùa để tìm quên những điều bất toại ý trong đời sống, hoặc mang một ảo tưởng nào đó, sẽ dễ nản lòng và bỏ cuộc. Cho nên cứ ở đây một thời gian, làm công quả, sinh hoạt với ni chúng trong chùa, nếu thấy thích hợp với đời sống trong chùa, có muốn xuất gia cũng được, bằng không muốn trở về nhà lại cũng được.”


Đời sống ở chùa, quả nhiên, chẳng phải nhàn hạ gì. Tờ mờ sáng từ 4 giờ, khi trời còn tối đen và gà còn chưa gáy sáng, Lan đã thức dậy, lục đục thu dọn giường chiếu rồi ra tham dự khóa tụng kinh buổi sáng và ngồi thiền. Sau đó đi ra canh tác vườn tược, quét dọn lau chùi, phụ giúp trong nhà bếp, dự thời kinh buổi chiều và thời thiền buổi tối, một ngày xoay quanh với những công việc lao động qua thật là mau. Nhờ vậy, Lan cũng không còn thì giờ mà ngồi nghĩ vẩn vơ, buồn cho thân phận. Một hôm, Lan đang ở ngoài vườn, bỗng thấy một bóng người thật quen thuộc đang lấp ló ở ngoài, dáo dác tìm kiếm. Tim Lan bỗng đập mạnh, nàng không khỏi chới với, đứng dựa vào gốc cây cho vững. Chưa kịp phản ứng, bỗng Điệp đã đến ngay bên cạnh, cầm lấy tay nàng:


“Lan em, anh đi tìm em khắp nơi, mãi mới biết được em ở đây. Sao em không trả lời thư, bao nhiêu thư anh gởi đều trả về hết? Anh muốn gập em, xin em tha thứ cho anh. Tất cả những gì xẩy ra là hoàn toàn ngoài ý muốn của anh, hoàn cảnh đã xui khiến anh đến chỗ không thể làm gì được. Anh biết em giận anh lắm, anh đáng tội vô cùng, nhưng anh xin em cố chờ đợi đi, rồi anh sẽ tìm cách trở lại với em. Sau một thời gian, anh hứa là anh sẽ về với em. Em cứ tin anh đi, trên đời này đối với anh, ngoài em ra không thể còn có ai khác nữa.”


Lan rút tay lại, cố làm ra vẻ nghiêm khắc, nhưng giọng vẫn run lên:


“Tôi đã xuất gia đầu Phật, xin anh đừng đến gập tôi nữa. Chuyện giữa chúng mình đã hết rồi, không còn gì để mà nói. Xin đừng đến đây làm phiền, hãy trở về với vợ con anh đi. Đừng nói đến chuyện bỏ người ta, lại tạo thêm nghiệp tội. Vĩnh biệt anh.”


Nói xong, Lan vụt bỏ chạy vào trong chùa, đóng sập cửa lại. Điệp chạy theo, đập cửa kêu gào, khóc lóc van xin năn nỉ. Lan đứng phía trong, nước mắt đầm đìa, hay tay bưng lấy tai nhưng vẫn không khỏi nghe những lời nói như xoáy vào tim. Hồi lâu, nghe tiếng ồn ào, sư bà đi ra quở trách, yêu cầu Điệp đi về để khỏi gây quấy rối cho chùa.


Tối hôm ấy, sư bà triệu Lan vào, hỏi ý nàng:


“Cho ta biết, con ở đây bấy lâu nay thấy thế nào? Có cảm thấy ích lợi gì không, hay nhớ nhà muốn về?”


Lan lo sợ thưa:


“Bạch thầy, con đến đây như người đang bị bệnh trầm kha, bỗng chốc gập được thuốc hay, tuy chưa khỏi hẳn bệnh, nhưng đã đỡ nhiều rồi. Đời sống ở chùa tuy có những giới luật bó buộc, nhưng con đã học được nhiều trong cách sống lục hòa với người khác, và nhìn mọi việc một cách đúng thực hơn. Nhớ lại những chuyện cũ con thấy như một cơn ác mộng mà con không muốn phải trải qua nữa. Xin thầy cho con xuất gia, gần cận bên thầy học hỏi chân lý giáo pháp, tu hành cho có được sự an lạc như thầy và các huynh đệ ở đây.”


Sư bà nói:


“Được, nếu con muốn xuất gia, hãy báo cho cha con biết để ông lên đây dự lễ thế phát. Kể từ nay, đã sinh vào cửa Phật, tên con sẽ được gọi là Diệu Thường.”


Kể từ ngày đó, Diệu Thường nhất quyết dứt khoát với quá khứ, dốc tâm vào đời sống tu hành thanh tịnh, đọc kinh sách, ngồi thiền quán tâm, làm những công việc đòi hỏi trong chùa, lặt vặt cũng như nặng nhọc. Tuy chẳng bao giờ đi đâu rời xa khỏi cảnh chùa, nhưng Diệu Thường thấy tâm mình như được mở rộng hơn trước. Nghĩ lại cuộc sống xưa, Diệu Thường thấy như vừa ra khỏi cảnh tù, sự tù hãm của những tình cảm vương vấn trói buộc, quay cuồng trong những cảm xúc buồn vui sướng khổ, với những hi vọng và thất vọng nối tiếp nhau, giăng mắc như cái lưới bao trùm khắp mọi nơi.


Lần đầu tiên, Diệu Thường đã nhìn thẳng vào nỗi khổ trong tâm mình một cách khách quan, để thấy rõ sự thật trong đó:


Con người sinh ra là lãnh cái khổ vào thân, từ đói khát, nóng lạnh, rồi những cảnh của già, bệnh và chết, lại thêm những cái khổ của tâm với lòng ham muốn, lòng ái dục, muốn sở hữu, muốn ràng buộc với những gì mình ưa thích và tránh xa những gì ghét bỏ. Nhưng mấy khi con người được thỏa mãn những điều mong muốn, mà phần lớn chỉ là những điều bất toại ý, nên cuộc đời đầy dẫy những phiền não và thất vọng, bất mãn. Trong tình yêu người ta thường nuôi quá nhiều ước mơ, xây nhiều mộng đẹp đẽ, nhưng khi những mộng đẹp ấy xụp đổ như lâu đài trên cát thì cảm thấy đau khổ, tuyệt vọng tận cùng. Một trong những nỗi khổ của tình yêu là yêu mà không được ở gần người mình yêu mến, không được trực tiếp bầy tỏ tình cảm của mình. Bản năng con người sinh ra khao khát sự yêu thương và muốn ràng buộc trong sự yêu thương đó. Có lẽ đó cũng là một trong những bản năng để sinh tồn, nhưng cũng từ đó mà ý thức về một cái ngã riêng biệt càng ngày càng ăn sâu, làm động cơ cho tất cả những toan tính, hành động. Những tình cảm đem lại sự đau khổ thường là những tình cảm xoay quanh và bồi đắp cho cái ngã của mình. Có biết đâu rằng cái ngã ấy chỉ là một ảo tưởng, mong manh và giả tạo như bong bóng nước, có đó rồi cũng mất đó. Chỉ khi nào một tình yêu thương được thánh hóa, vượt ra ngoài sự ích kỷ của bản ngã và biến thành một tình cảm vị tha, tình yêu ấy mới vững bền lâu dài. Diệu Thường nhớ lại chỉ mới cách đây không lâu, sự thất vọng và cay đắng tràn ngập khi giấc mộng ái tình tan vỡ đã khiến nàng có ý tưởng muốn quyên sinh, rời bỏ thân xác này, tưởng chừng như thân này mất đi thì mọi vấn đề cũng mất theo. Nhưng thực sự ra thân xác này chỉ là một cái vỏ, là tay sai cho cái tâm đầy khúc mắc và phức tạp, chạy đuổi theo những vọng tưởng mê lầm. Cho dù thân có mất, cái tâm si mê vẫn còn đó, gốc của vấn đề cũng vẫn còn, làm sao giải thoát ra khỏi sự đau khổ ấy được. Diệu Thường như người ra khỏi cơn mê, thầm cảm ơn những nhân duyên lành đã đưa mình đến nương vào cửa Phật, nhờ vậy mới biết con đường giải thoát khỏi sự đau khổ. Sự giải thoát đúng nghĩa, theo Diệu Thường cảm nhận, là giải thoát khỏi những tư tưởng bị trói buộc trong những cảm xúc buồn vui, sướng khổ, lo lắng, giận dữ ... Khi không còn cái tâm trăn trở, cái tâm đầy xao động ấy nữa, tất cả chỉ còn sự rỗng lặng thênh thang, không vương vấn ràng buộc, thì đó là Niết Bàn, là Tịnh Độ rồi, đâu cần phải đợi đến chết mới tới được cõi ấy. Mỗi khi có những cảm xúc đen tối dâng trào lên, Diệu Thường thường niệm thầm bài kinh Bát Nhã: “Bồ Tát Quán Tự Tại khi dùng trí tuệ Bát Nhã soi chiếu thâm sâu ngũ uẩn thấy đều là không, bèn vượt qua hết mọi khổ ách. Sắc chính là Không, Không chính là Sắc; Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng đều như thế... “ Thật kỳ diệu thay cho những câu niệm Phật, khi buông hết tất cả để nhiếp tâm vào lời kinh, tiếng kệ, mọi sự trở nên vắng lặng, bình yên; Diệu Thường cảm nhận một niềm an lạc, thư thái lạ thường.


Kể từ nay, đã biết con đường để đi tới, Diệu Thường quyết tâm vững chí, không nề hà gian khổ, tự nhắc nhở mình với lời nguyện:

 

Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành


 

Thời gian thấm thoát trôi qua, cơn bão lốc của mối tình oan trái đã tan đi, Điệp sau khi trở lại vài lần không được gặp Diệu Thường mà chỉ gặp Sư Bà khuyên giải đã không trở lại nữa; những tưởng cuộc đời tu hành từ đây sẽ êm trôi như giòng sông lặng lờ chẩy dưới ngôi chùa tỏa tàng cây bóng mát, làm êm dịu cho cái nóng hừng hực của đất trời cũng như trong tâm hồn si mê con người. Nhưng cơn bão lớn của thế sự đã thổi đến, cuốn hút những mảnh đời nhân gian vào cơn xoáy lốc vô thường, phá vỡ nếp sống êm đềm thân thuộc và không khỏi trào dâng lên ngôi chùa vốn vẫn bình lặng xưa nay. Mái chùa xưa với tàng cây bóng mát không còn đủ sức để che chở cho hồn dân tộc, mà còn phải chống chọi với cuồng phong bão tố cho sự sống còn của chính mình.


Bà Thành, mẹ của Điệp, từ khi chàng đi rồi thường lui tới với chùa làm công quả, không bao lâu sau đã mất trong một cơn bạo bệnh. Ông Nhân, cha của Diệu Thường, tuy đã yếu đi nhiều, nhưng vẫn còn vẻ vững chãi giữa những xáo động biến đổi của cuộc đời, có lẽ vì ông đã thấm nhuần đạo giải thoát, nên biết tùy duyên ứng phó với hoàn cảnh đang đến. Vài năm sau đó, cuộc thế đẩy đưa đem đến một cơ duyên bất ngờ đã khiến Diệu Thường vượt biên và rồi được qua Mỹ định cư.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng