- Đông và Tây

18 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 9028)



Đông và Tây

 


 Một ngày đầu xuân trong những ngày tháng mới đến Nhật, tôi đi thăm Hakone và núi Phú Sĩ, một danh lam thắng cảnh nổi tiếng, biểu tượng của nước Nhật, mà hầu như ai cũng phải đi thăm ít nhất một lần. Khí trời mùa đông vẫn còn vương vất, Hakone trông ảm đạm với hàng cây khô héo úa, mặt hồ lạnh ngắt băng giá. Cùng với phái đoàn sinh viên Việt Nam tại Nhật, tôi lần đầu tiên đi rubway leo lên đỉnh núi. Tuyết phủ trắng xóa một vùng, đẹp thơ mộng, siêu thực như cảnh thần tiên. Lên đến đỉnh núi, cơn gió buốt vũ bão thổi ào ạt, chúng tôi phải nắm vào nhau mà đi, sợ bị gió thổi bay tấm thân èo uột vừa đến từ xứ nghèo nhiệt đới. Trời mưa tuyết mịt mù, không thể thấy được gì ngoài một màn trắng xám bao phủ chung quanh. Chúng tôi đành phải xuống núi sau khi ở đó một lúc. Nghe nói, người nào không có duyên với đất Nhật, khi đến đó sẽ không được thấy núi Phú Sĩ.


 Vô duyên đối diện bất tương phùng.



 Có lẽ tôi vô duyên với đất Nhật, nên lần đến thăm núi Phú Sĩ lúc đó đã không thấy được phong cảnh khi lên đỉnh núi, và sau lần ấy, tôi cũng chẳng có dịp nào đi thăm lại núi Phú Sĩ nữa, suốt trong thời gian ở Nhật.


 Ngạn ngữ Việt Nam thường có câu: “Đứng núi này trông núi nọ”. Chắc có lẽ vì bản tính con người luôn luôn muốn thay đổi, không bao giờ biết hài lòng với những gì mình đang có. Tôi đã dệt bao nhiêu mộng để một ngày nào đặt chân lên đất Nhật, sống cuộc sống của người dân Nhật, nhưng khi đến núi Phú Sĩ, tôi lại không biết thưởng thức cái đẹp của núi Phú Sĩ. Nói một cách khác, tôi ở núi Phú Sĩ, nhưng lại hướng về một núi nào khác, cách xa hàng vạn dậm bên kia bờ đại dương.


 Lúc xưa khi tôi còn nhỏ, ở Việt Nam có hai hệ thống giáo dục, mà chắc mọi người ai cũng biết. Một hệ thống trường Pháp, và một hệ thống trướng Việt. Hệ thống trường Pháp dạy bằng tiếng Pháp, thầy trò nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp như gió. Hệ thống trường Việt, dĩ nhiên là nói với nhau bằng tiếng Việt. Hai thế giới, hai khác biệt giữa những người trẻ cùng thời với nhau. Tôi bắt đầu đi học theo trường Pháp, nhưng rồi sau đó chuyển qua trường Việt. Đối với tôi lúc ấy còn quá nhỏ, nên cũng thích hợp được rất nhanh, có thể nói là tôi đã qua một sự “đổi lốt” mà bản thân tôi và gia đình cũng không nhận biết nữa. Tuy nhiên, tự trong thâm tâm tôi vẫn có một cái gì hướng đến nền văn minh Aâu Tây, tôi cảm thấy thích hợp với họ trong cách suy nghĩ hợp lý, trong cách sống cởi mở phóng khoáng. Nền văn minh của họ tượng trưng cho cả một thế giới hiện đại, khai phóng, tiến bộ, không có cà rịch cà tàng, đầy những kiểu cách lề mề như xã hội Việt Nam mà tôi đang sống. Aâm nhạc của họ cũng quyến rũ đối với tôi hơn, sinh động, trẻ trung, với những thần tượng hấp dẫn của một thời xã hội chuyển mình với phong trào “đợt sóng mới” (nouvelle vague), với “những cô gái đi trong gió” (les filles dans le vent)... Có lẽ nếu tôi không chuyển qua trường Việt, tôi đã trở thành một “tây đầm con” và mở miệng ra là xổ tiếng Tây, hành động như một tây đầm chính cống. Nhưng số mệnh đã khiến cho mẹ tôi đổi ý cho tôi qua trường Việt chỉ vì một câu nói yêu nước của ông anh lúc ấy cũng chưa quá tuổi “teen-ager”: “Nước nhà độc lập rồi, tại sao me cứ phải cho nó đi học trường tây?” Chỉ một câu nói đã làm chuyển hướng cuộc đời của tôi, thay đổi một góc 180 độ, chắc ông anh tôi không bao giờ biết là ông đã nói một câu quan trọng đến thế trong cuộc đời em út của ông.


 Cuộc đời cứ vần xoay, tôi sống trong xã hội Việt Nam, theo học trường Việt Nam, hòa đồng với những người bạn thuần túy Việt Nam, nhưng trong lòng lại say mê âm nhạc và văn chương Tây phương. Ở đó tôi tìm thấy cả một thế giới mới lạ đầy mầu sắc sinh động. Cái chìm lắng của nền văn hóa cổ truyền đông phương có vẻ như ngộp thở đối với tôi. Nhưng cùng lúc đó, cái đối nghịch của một nền văn hóa vừa cổ truyền, vừa tân tiến của Nhật Bản lại có một hấp lực mạnh mẽ, khiến một ngày, tôi đã lên đường qua Nhật.


 Từ đông sang đông, tôi không cảm thấy có gì khác biệt lắm giữa hai nền văn hóa của Nhật Bản và Việt Nam, vì cả hai đều chịu ảnh hưởng sâu xa của nền văn hóa Trung Hoa. Nhưng cái lễ nghi kiểu cách của người Nhật khiến tôi cảm thấy hơi gò bó và không thoải mái, đôi khi ngượng ngùng vì không biết hành xử thế nào cho đúng. Tôi thấy thích hợp với đám thanh niên thiếu nữ Nhật cởi mở hơn, chịu ảnh hưởng của Aâu Mỹ nhiều hơn. Tâm hồn son trẻ nông cạn của tôi lúc bấy giờ chỉ ham thích những gì mới lạ văn minh hơn là tìm hiểu nền văn hóa thâm trầm của Nhật Bản. Những buổi trà đàm trang trọng, những buổi trình diễn kịch “Noh” mà những người bạn Nhật dẫn đi không làm tôi thích thú lắm, vì cảm thấy chúng hơi cứng nhắc, nặng nề, xa vời với cuộc sống hàng ngày mà tôi phải đương đầu. Một mặt, tôi rất thích thái độ lịch sự nhã nhặn của người Nhật, nhưng mặt khác, tôi cũng cảm thấy khó chịu trước sự tự ti của họ đối với người Tây phương, mà lại tự tôn đối với các dân tộc Á châu khác. Nhưng có lẽ một trong những yếu tố khiến tôi thêm “hướng ngoại” (tây phương) là, môn học về kinh tế mà tôi theo ở Nhật, phần lớn đều nhập cảng từ nền giáo dục ở Mỹ, vì môn học này chủ yếu là từ Mỹ truyền sang, và chính các thầy cũng đã từng đi du học hay tu nghiệp tại Mỹ. Trong lớp học, chữ “America” thường hay được nhắc đến, có lẽ cũng nhiều không kém gì chữ “Nihon” vậy. Mới hay, kinh tế Nhật phụ thuộc vào Mỹ rất nhiều, chính nhờ chính sách xuất cảng qua Mỹ mà nước Nhật đã gây dựng nên nền kinh tế vững mạnh như vậy.


 Trong đời sống, có những lúc người ta nghĩ đến quá khứ và thầm ước mong nếu có thể trở về lại , sẽ làm những điều khác hơn hồi xưa. Điều tôi muốn làm lại, có lẽ là sẽ học hỏi và tìm hiểu sâu xa hơn cuộc sống tinh thần phong phú của người Nhật, nền văn hóa đậm nhiều nét Thiền trong mọi hoạt động có tính cách nghệ thuật. Nhưng có lẽ con người ta “không thể nào tắm hai lần trong một giòng nước”. Cuộc sống qua đi như một giòng sông, và tâm con người cũng thay đổi như nước trôi qua không bao giờ trở lại. Nếu trở lại thời xưa, đã chắc gì tôi sẽ là tôi của ngày nay, và những phản ứng theo hoàn cảnh lúc ấy sẽ lại xẩy ra, như những định mệnh an bài. Ngay cả trong giây phút hiện tại, những tư tưởng cũng thay đổi từng giây từng phút, và những cảm xúc vui buồn cũng đến và đi như những áng mây mùa thu. Vì vậy, mới biết rằng “Tâm quá khứ không thể có được, tâm hiện tại không thể có được, tâm vị lai không thể có được” (kinh Kim Cương: quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc.)


 Một câu chuyện nho nhỏ nhưng làm tôi nhớ mãi, có lẽ vì tính cách tiên tri của nó, khi ở Nhật trong một ngân hàng, lúc ấy tôi đang đứng cùng quầy chờ đổi tiền với vài người du khách Mỹ. Bỗng một cô bé Mỹ quay sang tôi hỏi: “Are you American?” Dĩ nhiên là lúc đó, tôi không bao giờ có ý nghĩ một ngày nào sẽ qua Mỹ và làm công dân Mỹ cả, và tôi cũng không hiểu tại sao cô bé lại hỏi tôi như vậy, vì trông tôi chẳng có vẻ gì là người Mỹ cả. Nhưng bây giờ, tôi đã mang quốc tịch Mỹ, đã là một dân Mỹ chính cống, tuy là một thứ Mỹ “giả cầy” nói theo tiếng của bà chị họ tôi.


 Trở lại vấn đề Đông và Tây, tâm hồn hướng ngoại (Tây phương) của tôi đã được thỏa mãn một phần nào khi qua định cư ở một xứ tây phương. Nhưng cũng như khi đứng ở núi Phú Sĩ, từ đỉnh Grand Canyon tôi lại hướng về một ngọn núi xa xưa nào ở bên kia bờ Thái Bình Dương, không biết là núi Trường Sơn, núi Phú Sĩ, hay Hi Mã Lạp Sơn gì đó. Trải qua một nửa cuộc đời, tôi đi đúng một vòng và trở về nguồn gốc đông phương của mình. Cuộc sống tiện nghi vật chất chưa chắc đi đôi với hạnh phúc tinh thần, sự tôn trọng tự do cá nhân quá đáng cũng có những hậu quả không tốt của nó, đưa đến những căn bệnh trầm kha trong xã hội. Những cảm xúc bộc lộ quá dễ dàng cũng hời hợt như những bong bóng nước, chợt nổi, chợt tan. Đời sống vội vã quay cuồng theo nhịp kim đồng hồ, để rồi một ngày nào đó thấy mệt mỏi, trống rỗng. Những lúc ấy, mới cảm nhận được cái hay của vài câu thơ cổ, mới thấm thía cái hương vị dịu dàng của chén trà thơm uống trong tĩnh lặng, nhàn nhã.


 Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc?

 Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn?


 (Nguyễn Công Trứ)

 

 Dịch:


 Biết đủ, là thấy đủ, đợi đủ, bao giờ mới đủ?

 Biết nhàn, là thấy nhàn, đợi nhàn, bao giờ mới nhàn?

 


 Người đông phương sống chủ về nội tâm, cách bầy tỏ cũng nhẹ nhàng, kín đáo, nặng về tình cảm, ân nghĩa, nên ít khi có cảnh “bạo phát bạo tàn”. Có mấy ai giải thích được rõ ràng thế nào là “nói mà không nói, nhìn mà không nhìn”? Điều ấy chỉ đương sự mới biết được. Người tây phương trái lại, sôi nổi, thuần lý, thích những ấn tượng mạnh mẽ của giác quan, có quan niệm rất rõ ràng mạch lạc về phải và trái, có và không. Tinh thần khoa học của người tây phương khiến họ thường chỉ công nhận những gì mắt thấy, tai nghe, có thể kiểm chứng được, và con người được coi như một cá thể độc lập, tách rời với những hiện tượng trong vũ trụ. Quan niệm của đông phương xem vũ trụ bao gồm trong con người, và con người cũng là một phần tử liên hệ mật thiết với vũ trụ. Những yếu tố có trong vũ trụ cũng là những yếu tố cấu tạo nên con người, cho nên “Đạo”, tức chân lý của mọi hiện tượng trong vũ trụ, là có ngay trong con người, và biết sống nương vào những định luật của thiên nhiên là sống hợp với lẽ Đạo, mới có sự quân bình nơi thân và tâm. Người hiểu Đạo biết sống tùy duyên, tùy thời, hoàn cảnh tới đâu thì ứng phó tới đó, không ôm ấp quá khứ, cũng không lo sợ tương lai, nên có thể tự tại, vững chãi vượt qua được mọi thăng trầm của kiếp phù sinh.


 Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

 Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao

 Rượu đến gốc cây ta sẽ nhấp

 Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao


 (Nguyễn Bỉnh Khiêm)


 Đông vẫn là đông, và Tây vẫn là tây, đông tây có bao giờ gặp nhau không? Dù thấm nhuần văn hóa tây phương đến mấy, bản chất con người Việt Nam vẫn còn đó, và những khuynh hướng, tình cảm trong tim không chỉ bẩm sinh từ huyết thống cha mẹ, mà còn mang nặng 4000 năm truyền thống lịch sử văn hóa. Con người không thể nào chối bỏ nguồn gốc của mình, vì chỉ ở đó, chúng ta mới tìm thấy sự thoải mái và an bình. Đông và Tây như âm với dương, như tịnh với động, âm không thể là dương, và dương không thể là âm, nhưng âm dương đều từ một nguồn gốc mà ra (nhất nguyên), và có thể hòa hợp, hỗ trợ cho nhau để có sự quân bình, tiến hóa trong đời sống. Dù Đông và Tây có khác nhau, nhưng trên phương diện nhân bản, con người vẫn là con người, với những bản năng và khuynh hướng tình cảm như nhau. Nếu đến với nhau như những con người, và không chú trọng nhiều đến sự khác nhau bề ngoài, con người sẽ dễ cảm thông được với nhau hơn. Lúc bấy giờ, dù là núi Phú Sĩ, hay Hi Mã Lạp Sơn, dù ở đỉnh Mont Blanc hay núi Big Bear, núi nào cũng vẫn là núi, sông nào cũng vẫn là sông, và chúng ta sẽ biết tận hưởng phong cảnh của ngọn núi chúng ta đang ở trên.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng