- Mùi hương lan

19 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 9378)



Mùi hương lan

 

 Năm nay, một người bạn thân đã gởi tặng tôi một món quà sinh nhật đặc biệt, một quyển tập giấy bản thật đẹp của Tây tạng với hình bìa một chiếc lá bồ đề ép khô, trông đơn giản nhưng thật nhiều ý nghĩa. Chắc hẳn bạn tôi muốn tôi ghi lại những gì đã đến và đang đến, dù thoáng qua nhưng đã để lại dấu ấn trong tâm hồn.


 Chiều thứ bẩy trước, nhằm ngày 14 tháng 9 âm lịch, tôi trên đường đi đến tịnh xá Viên Aâm ở Garden Grove để tụng kinh sám hối hàng tháng, vì chẳng mấy khi đi được nếu không nhằm ngày cuối tuần. Thấy còn sớm tôi ghé qua tiệm lan ở đường Euclid , tiệm lan tôi đã từng nghe nhắc nhở nhiều nhưng chưa một lần ghé qua. Trời Cali vừa mới vào thu, mây xám giăng đầy, lá vàng bắt đầu rơi lả tả mang một vẻ buồn man mác nào đó. Trời đất có buồn hay không, chẳng ai biết, chỉ biết lòng người đối cảnh càng thêm nặng chĩu nỗi sầu sẵn có. Tiệm lan vắng vẻ, chỉ thấy lác đác vài người, chẳng biết khách hay chủ. Không gian ở đó thẫm mầu với hàng lưới giăng mắc ở trên , và tràn ngập khắp nơi là lan, những chậu lan đủ kiểu, đủ cỡ. Văng vẳng bên cạnh có tiếng nước chẩy róc rách từ một hồ cá thật lớn , tỏa ra một không khí mát lạnh. Thế giới của lan là đây, một sự yên tĩnh mát rượi và ẩm ướt. Tôi đi giữa hai hàng lan nhìn ngắm những hoa tươi khoe mầu khoe sắc, lòng dịu theo với sắc mầu của hoa. Đi về phía cuối tiệm, một mùi hương thoang thoảng tỏa ra từ những chậu lan bầy la liệt dưới đất. Tôi quỳ xuống chiêm ngưỡõng những cánh lan mỏng manh nhưng hương sắc nồng nàn. Tôi đã có ý định mua một chậu về chưng bàn thờ ở nhà.


 Anh bán hàng tiếp đón tôi thật ân cần, trả lời cặn kẽ những câu hỏi của tôi về lan, và anh đã chọn cho tôi một chậu lan thật đẹp, với gốc to và mạnh khỏe, tỏa rộng những nhánh lá xanh ngắt. Một cành lan dương lên cao vút, chi chít những nụ và những đóa hoa mầu nâu đậm điểm những cánh mầu hồng nhạt, mang một vẻ đẹp vừa thanh tao, vừa vững chãi. Hoa lan ở đây ít khi có mùi hương, nhưng loại hoa này có một mùi hương ngây ngất đặc biệt, mùi hương dịu ngọt tưởng như nhẹ nhàng nhưng cũng thật đằm thắm, không giống bất kỳ loại hoa nào khác.


 Cây lan đem về được để trong một chậu sứ hình vuông vẽ tranh thủy mạc với hàng thơ chữ Hán, được chưng trước bàn thờ, cạnh tấm liễn đỏ viết chữ “Phật” với bài thơ của thầy Thanh Trí Cao đề ở dưới:

 

 Phật tánh tâm ta đã hiển rồi

 Thở đều chánh niệm chỉ thế thôi

  Sắc sắc, không không đồng thể điệu

  Hương sắc nụ cười đọng trên môi

 

 

 Mỗi buổi sáng tinh mơ tôi dậy khi trời đất còn chưa chuyển mình, thắp ngọn đèn bàn thờ tôi đảnh lễ và ngồi thiền trong không gian tĩnh mịch của màn đêm về sáng. Tôi nghĩ đến lời của đại sư Sogyal Rinpoche đã nói rằng ngồi thiền lâu thành thói quen, ta sẽ quen đối diện với mình và rồi mỗi lần ngồi thiền sẽ cảm thấy vui mừng như gặp lại một người bạn thân . Một người từ vô thủy vô chung đã ở bên ta như hình với bóng trong vô lượng kiếp. Người ấy chính là ta, nhưng ta lại không là người ấy, bởi vì không có kiếp nào giống kiếp nào cả, và mặc dù “ta” đã trải qua biết bao nhiêu thăng trầm biến đổi, bị bủa vây trong những vui buồn sướng khổ tràn ngập của sanh lão bệnh tử, “người ấy” vẫn an nhiên tự tại, không hề biến thể và suy suyển một chút nào. Chỉ người ấy mới thấu tỏ được tất cả những tâm tư tình cảm, những âu lo và hi vọng, những khúc mắc trăn trở của chính ta. Trong cái vô biên vô tận của giòng thời gian, những đời người nối tiếp nhau như những vở kịch, và trong cái diễn biến đầy hỉ nộ ái ố của vở kịch đó, người ta thường tưởng mình là vai trò đó. Nhưng khi màn kịch chấm dứt, vai trò cũng chấm dứt, và chỉ còn người diễn viên sửa soạn cho một vai trò mới. Thực sự ra thì vai trò mới đã tiềm ẩn ngay từ khi vở kịch chưa chấm dứt, nhưng ít khi chúng ta nhận ra mình chỉ là những diễn viên. Những người thân thương nhất đối với chúng ta hiện nay và trong quá khứ cũng chỉ như những người đồng hành trong một chuyến tầu của một cuộc lữ thứ không ngừng, rồi tất cả sẽ tan tác mỗi người một phương, bởi vậy Đức Phật đã nói trong thế gian bao la này ai cũng có thể là người thân của mình từ vô lượng kiếp.


 Trong giây phút tĩnh lặng tôi lắng nghe hơi thở và ngắm nhìn những tư tưởng đi qua như đèn kéo quân. “Thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười” hay “Nam mô A Di Đà Phật” cũng tác dụng như nhau, một cách “chỉ” (stop) để làm ngưng chốc lát những hoạt động không ngừng của não bộ. Tôi chợt nhận ra công việc chính của ý thức não bộ, hay là thọ, tưởng, hành, thức của ngũ uẩn chỉ là “record” (ghi lại) và “react” (phản ứng). Cuộc sống là một chuỗi những “record” và “react”. Vướng mắc vào những phản ứng ấy sẽ đem lại đau khổ và phiền não. Cái Ngã của con người cũng là thành quả của những “record” và “react”, cho đến khi lộng giả thành chân, sản phẩm được dựng nên biến thành ông chủ điều khiển và chi phối hết mọi việc. Nếu không phản ứng với cái Ngã ấy nữa thì sao? Phải chăng đó là lúc “tam nghiệp thanh tịnh”, như lúc ngồi thiền hay tụng kinh, thấy lòng thơ thới hân hoan như vừa mới sinh ra đời.


 “Hồi quan phản chiếu”, xoay chiếu tâm mình, tự biết mình trước, còn mọi việc ra sao thì ra. Tâm mình là thế nào, có những ngõ ngách gì, mình ở trong tâm hay tâm ở trong mình ... đâu là thể Như Lai Bất động, đâu làø gốc của tư tưởng ... gốc của tư tưởng phải chăng cũng là gốc của Tâm... ôi cái Không mênh mang trùm khắp, tư tưởng rơi vào Không và Không rơi vào tư tưởng, quyện lẫn với nhau làm một. Nhưng tư tưởng như hàng hàng lớp lớp sóng xô vào bờ rồi tan biến, Không vẫn còn đó, vô tình, vô can như hơi thở vẫn đều đặn trong tôi. Cái không sinh diệt ở ngay nơi cái sinh diệt. Cái Không ở ngay nơi cái Có, vì Có và Không là hai mặt của một thực thể. Gốc rễ là đó, còn phải tìm kiếm nơi đâu. Lời kinh Bát Nhã vang lên trong tôi: Sắc tức thị không, không tức thị sắc, sắc bất dị không, không bất dị sắc, thọ tưởng hành thức diệc phục như thị.” Cái gì có hình tướng cũng đều là không, đều chẳng khác gì không, và Không cũng chính là hình tướng, đều không khác gì hình tướng, kể cả những cảm giác, ký ức, tư tưởng ý thức cũng đều như vậy. Còn gì rõ hơn nữa? Bản thân mình đã là Không, mọi sự rồi cũng qua như một giấc mộng, có gì đáng để trôi lăn trong phiền não? Thế nên Bồ tát Quán Tự Tại khi chiếu kiến ngũ uẩn thấy đều không, bèn vượt qua hết mọi khổ ách. Nhưng chân lý trước mắt mà ta thường vẫn không thấy được, không hành được. Cái chấp vào con người, vào thân tướng của mình vẫn rất thực, như hàng rào kiên cố khó thể vượt qua; cái tôi vẫn còn đó, hoành hành ngang dọc, ghi lại và phản ứng không ngừng. Cái trong vẫn cách biệt với cái ngoài, cái năng động vẫn đối diện với cái bị động, ý thức về một cái Ngã riêng biệt cao ngất như núi Tu Di chắn ngang vùng trời Chân Như trong sáng lồng lộng.


 Bỗng một mùi hương ngọt ngào bay tỏa vào khứu giác của tôi. Chậu lan vẫn ở bên tôi từ nẫy đến giờ, như đang lên tiếng đánh thức tôi với sự hiện diện của nó. Tôi vẫn ở bên lan mà sao không thấy lan, không ngửi thấy mùi hương của lan. Vọng tưởng đã đưa tôi đi xa khỏi những gì tôi đang có trước mắt. Tất cả mọi tư tưởng, mọi phân tích biện luận bỗng tan đi như mây khói. Tôi chỉ còn ngửi thấy mùi hương của lan, chỉ còn hít vào từng hơi thở của bầu không khí thơm mùi lan lúc đó. Còn có gì để nói, còn có gì để nghĩ? Hương lan chính là Thiền, là sự cảm biết trọn vẹn thực tại hiện tiền, là đời sống trước mắt và nơi tôi, không có biên giới trong ngoài. Những cánh lan mong manh đầy hương sắc thắm tươi nhưng trong đó đã ngầm sẵn sự héo úa tàn phai, như mọi sự rồi cũng sẽ héo úa tàn phai. Chỉ có giây phút hiện tiền mới thực là hiện hữu, vì đời sống đến rồi đi qua như giòng nước trôi đi không trở lại. Những chu kỳ sinh diệt nối tiếp nhau trong một sự vận hành vô tận. Không có gì để nắm bắt, không có gì để cầm giữ. Nhưng trong sự buông thả toàn diện đó, ta mới nhận ra được cái không thể mất . Tánh Không thể hiện cùng khắp nơi những cánh lan, nơi thân và tâm tôi, nơi thời gian không gian và tất cả. Mơ hồ, tôi nhận ra tại sao có những bài thơ kệ của các vị thiền sư không nói gì đến Đạo Pháp, mà chỉ nói đến cây lá, cỏ hoa; điển hình là bài kệ thị tịch của thiền sư Mãn Giác trong đó có hai câu thơ bất hủ như sau:


 Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

 Đình tiền tạc dạ nhất chi mai


 (Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

 Đêm qua sân trước một cành mai)

 


 Khi xưa vua Lý Thái Tông đến thăm Thiền Lão Thiền sư ở núi, ngài hỏi thiền sư hàng ngày làm gì. Thiền sư trả lời:


 Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh

 Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân


 (Trúc biếc hoa vàng chẳng cảnh ngoài

 Mây trắng trăng trong hiện toàn chân)

 


 Khi trả lời một công án hỏi ý của Tổ Đạt Ma là gì khi từ Aán Độ lặn lội qua Trung Quốc , một vị thiền tăng đã chỉ cây tùng trước sân chùa và được ấn chứng với câu trả lời đó. 


 Hương lan tan loãng , nhạt nhòa trong không gian. 

 

 

(Một ngày cuối tháng 10, 2002.)  

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng