- Trở về mái nhà xưa

20 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 9234)

Trở về mái nhà xưa

 


Một mình lang thang đi trên đường lữ thứ sống kiếp tha hương, đôi khi ta không khỏi nhớ về quê hương yêu dấu xa xưa.

 

Hito wa dare mo tada hitori tabi ni dete

Hito wa dare mo furusato o furikaeru...

 


 Thuở đó, sống đời du học sinh xa nhà, thấy thấm thía làm sao những lời buồn man mác của bài hát Kaze (Gió) này. Nhưng tuổi trẻ chóng buồn mà cũng chóng quên, tất cả rồi cũng cuốn hút đi với cuộc sống quay cuồng theo dòng thời gian.


 Nhưng có lẽ càng sống lâu, lại càng có khuynh hướng nhớ về thời trẻ tuổi thơ ngây khi còn ở với cha mẹ và không có một suy tư vướng bận nào trong tâm hồn.



 Mùa hè qua tôi mua một cây hoa vàng, loại hoa có hình như cái chuông, có mầu vàng tươi rực nắng. Hoa vàng gợi nhớ đến căn nhà gần biển ngày xưa tôi ở với cha mẹ, có dàn hoa chuông mầu vàng tươi rực nắng. Những căn nhà tôi đã từng sống trong thời thơ ấu và thiếu niên bao giờ cũng hiện về mỗi khi nhớ lại những kỷ niệm xưa, đôi khi mơ hồ nhưng cũng thật thắm thiết, như một phần trong con người của tôi không thể tách rời.


 Mỗi căn nhà là kỷ niệm của một giai đoạn trong cuộc đời. Căn nhà đầu tiên ghi nhớ trong ký ức xa vời nhất là căn nhà cha mẹ tôi thuê khi vừa chân ướt chân ráo đến từ miền Bắc. Nằm ngay góc Ngã Sáu, đối diện với Nhà Thờ chính ở Nha Trang, căn nhà có vườn rộng vuông vức, đặc biệt là có một cây dâu khá lớn, một loại hơi giống như raspberry, quả mầu tím nhạt, vị hơi chua. Thuở ấy tôi mới bắt đầu vào sơ cấp, được cha mẹ cho học ngay ở một trường sơ gần nhà, chỉ đi bộ qua đường là tới. Bên này đường là trường “Sơ Trắng”, vì các vị nữ tu mặc áo trắng, chương trình học bằng tiếng Pháp, có vẻ “quý phái” hơn; bên kia đường là trường “Sơ Đen” (trường Thánh Tâm), vì các bà Sơ mặc áo đen, dạy bằng tiếng Việt, nên “bình dân” hơn. Đầu tiên tôi học “Sơ Trắng”, tuy nhỏ nhất nhưng lúc nào cũng đứng đầu lớp, được phần thưởng danh dự với con búp bê biết “mắt nhắm mắt mở” to gần bằng tôi, nhưng một năm sau mẹ tôi cho chuyển qua trường “Sơ Đen”, không hiểu sao lại học dốt hẳn đi. Thế mới biết trường học quan trọng đối với trẻ con như thế nào, đôi khi đổi trường có thể gây một ảnh hưởng lớn tác dụng đến việc học. Học trường Thiên chúa giáo nên hồi đó tôi cũng rất say mê đạo Thiên Chúa, nhất là ở gần ngay nhà thờ. Mẹ tôi tuy theo đạo Phật nhưng đôi lúc cũng chiều tôi đưa đi nhà thờ, kiên nhẫn ngồi nhìn tôi quỳ gối đọc kinh. Nhà thờ Nha Trang ở trên một quả đồi, trông thật tráng lệ uy nghiêm. Đi lên từ con dốc thoai thoải, ở phía tay phải trước cửa nhà thờ là một hang động thật lớn, thường được treo đèn kết hoa, trang hoàng rực rỡ tượng chúa Jesus, Đức Mẹ và các thiên thần trong những ngày lễ. Tiếng chuông nhà thờ ngân vang mỗi ngày, cho một cảm giác đầm ấm, yên bình. Những đêm Noel dân chúng đi dự lễ tấp nập, tiếng nhạc Noel vang lừng rộn rã: “Đêm đông lạnh lẽo chúa sinh ra đời, chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa”...


 Nhưng không hiểu sao, kỷ niệm tôi nhớ nhất trong căn nhà đó (ngoại trừ những lúc hái dâu ăn và qua nhà hàng xóm hái trộm trứng cá) lại là những khi bị phạt nhốt trong một gian nhà tách biệt khỏi khu nhà ở, bước qua cửa là một lối đi hẹp, một bên là phòng kho với đủ thứ tồn trữ, sách vở cũ v.v… và cuối lối đi là phòng vệ sinh. Gian nhà tăm tối, chật chội nên bình thường tôi chẳng bao giờ vào, nhưng khi phải ở trong đó, tôi thường hay lục lọi đống sách cũ trong buồng kho, say mê đọc tất cả những gì tìm thấy, đôi khi quên cả giờ ra. Quyển sách mà tôi nhớ nhất là “Aùnh đạo vàng” nói về cuộc đời Đức Phật, và cũng có vài quyển sách khác nói về đạo Phật, mà chẳng hiểu vì một nguyên do gì, đầu óc non nớt của tôi hồi đó vẫn tiếp thụ được dễ dàng những ý niệm về “Sắc Sắc, Không Không” v,v… Phải chăng đó là một chủng tử đã gieo sẵn từ khi nào trước đây? 


 Được mấy năm, chúng tôi dọn đến một nhà khác, thuê lại từ bà cô họ vừa đổi vào Saigon. Căn nhà này ở gần trung tâm thành phố, đi đến đầu đường là ra đường Độc Lập, con phố chính của tỉnh, nên tiện cho cha tôi mở phòng mạch. Xế bên kia đường là rạp hát Văn Quang (sau đổi thành Minh Châu), nên ngày nào chúng tôi cũng nghe tiếng máy hát phóng thanh những bản hát trước giờ chiếu phim mỗi ngày. Tuy ồn ào nhưng cũng có một cảm giác rộn rã lạ kỳ khi nghe những âm thanh chát chúa của những bài hát nhai đi nhai lại, nổi bật nhất là giọng hát của Ngọc Cẩm-Nguyễn Hữu Thiết trong những bài như “Gạo trắng trăng thanh” v.v… Có lẽ đó là thời gian thanh bình nhất của Việt Nam, một thời kỳ êm ả trong đó con người giao tiếp với nhau trong chân tình mộc mạc, tự nhiên. Gần rạp hát nên trước nhà tôi la liệt những gánh hàng rong, bán đủ thứ quà vặt như me xoài, cóc ổi, tầm ruột v.v.. Chiều chiều , tôi thường hay xin tiền mẹ mua khoai lang, loại khoai mật sánh dẻo, vàng óng, có vị ngọt lịm; ăn củ khoai mật, ngồi trên ghế đu ôm quyển truyện “Bá tước Kích Tôn Sơn” (dịch từ “Le Compte de Monte Cristo” của Alexandre Dumas, câu truyện ly kỳ đầy hấp dẫn của một anh chàng vượt ngục về trả thù bằng những cách thật ngoạn mục), thật không có thú nào bằng! 


 Từ cổng vào là sân đi thẳng vào garage, bên trái nhà được xây lên cao, có lan can phía trước để cây cảnh, hai bên có mấy bực thang dẫn vào nhà. Nhà trên vuông vức, hai bên là phòng ngủ, giữa là phòng khách. Từ nhà trên đi xuống có một chái sân có mái che ở trên, ở giữa để một sạp gụ dầy bóng loáng, thường là nơi chúng tôi ngồi lên quây quần ăn cơm. Bên mé phải là một dẫy phòng, dùng để làm bếp, phòng người làm và phòng học (hay phòng chơi) cho chúng tôi. Cuối dẫy là phòng tắm và phòng vệ sinh. Sân sau rộng lớn, gần cuối vườn, cạnh giếng là một cây doi (mận) thật cao, tàng cây vươn rộng che bóng cả một khoảnh vườn. Tôi thường run sợ tưởng tượng đủ thứ ban đêm khi phải đi ra ngoài vườn vào buổi tối. Những câu chuyện ma trên các cây cổ thụ không ngớt ám ảnh, nhất là không hiểu sao trên thân cây lại đóng một cái đinh thật to. Nhưng ban ngày, chúng tôi lại thường chơi ở đây nhiều nhất. Vốn nhát nên tôi chẳng bao giờ dám leo cây, chỉ đứng ở dưới hứng những quả doi chín đỏ ngọt ngào mà chị tôi leo lên đã ném xuống. Một buổi trưa hè, chị thọc phải một tổ ong vò vẽ, đàn ong vỡ tổ túa ra tấn công tới tấp khiến chị ngã từ trên cây xuống đất, may mà không gẫy xương, nhưng phải sốt mê man suốt một tháng trời vì nọc độc của ong. 


 Bên kia vườn, cách một hàng rào với cánh cửa mỏng manh thông qua là sân sau của trường Kim Yến, nhà của Minh Nhật, bạn láng giềng, sau này là bạn đồng học với tôi. Thỉnh thoảng tôi “vượt biên” qua nhà bên ấy, đi thám hiểm những lớp học, và lên lầu chơi với Minh Nhật, lê la trên sàn nhà đá hoa mát lạnh lau sạch bóng.



 Vì ở gần rạp hát, nên gần như tuần nào tôi cũng đi coi ciné. Thuở ấy, mỗi phim chỉ được trình chiếu khoảng một tuần, chỉ phim nào nổi tiếng lắm mới kéo được đến một tháng. Thế nên, nguồn phim cung cấp phần nhiều cũng bao gồm các phim thần thoại của Aán độ, Nhật Bản mà trẻ con rất thích. Đôi khi, có những gánh hát cải lương từ miền Nam ra, ở lại trình diễn cả tuần, hoặc những đại nhạc hội có kịch sống của đoàn kịch Dân Nam với Túy Hoa, Túy Phượng và Vân Hùng. Những lúc ấy, bầu không khí tỉnh nhỏ náo động, khởi sắc hẳn lên, hấp dẫn những tâm hồn non trẻ của chúng tôi. Mỗi lần đại nhạc hội, tôi thường được cha mẹ cho đi xem cùng, nhưng cải lương thì họa hoằn lắm, chỉ khi nào có những gánh hát lớn với những vở tuồng nổi tiếng như đoàn Kim Chung, Việt Hùng hoặc Thanh Minh-Thanh Nga mới được đi xem. Vì thế tụi nhỏ chúng tôi thường hay la cà trước rạp hát, hi vọng sẽ bắt gặp được một vài khuôn mặt nghệ sĩ danh tiếng để chóa mắt trước sắc đẹp lộng lẫy của họ.



 Thời gian này, khuynh hướng tôn giáo của tôi quay ngược hẳn một chiều. Từ khi dọn về đây, tôi không theo học trường Thánh Tâm nữa mà chuyển về trường Nữ Tiểu Học Nhatrang, nên sự ngưỡng mộ Thiên Chúa cũng phai nhòa dần, mặc dù vẫn tự coi mình như một con chiên “vô thừa nhận”. Bỗng một ngày đẹp trời, tôi đi xem phim “Quan Âm Thị Kính” do Kim Lan, Kim Cúc đóng, một phim có vẻ bình dân với nét kịch tính cải lương, nhưng không hiểu sao lại đánh động một cái gì tiềm ẩn trong tâm, khiến tôi xúc động sâu xa. Chỉ trong một thoáng chốc, tôi quyết định “buông... đạo Thiên Chúa (chứ không phải buông dao), lập địa... nguyện thành Phật!” Thấy tôi ngỏ ý muốn đi chùa vào sinh hoạt Phật tử, mẹ tôi ngạc nhiên mừng rỡ (tôi không dám thú nhận mình đã thay đổi niềm tin nhanh chóng như thế chỉ vì... một cuốn phim!), liền tiến hành ngay lập tức lời yêu cầu, chỉ sợ tôi thay đổi ý kiến bất tử! Thế là, bỗng chốc tôi biến thành một con chim Oanh Vũ, đi chùa học tụng kinh, niệm Phật, hát bài “Sen trắng” và “Trầm hương đốt” mỗi sáng chủ nhật. Nhưng chẳng bao lâu, con chim Oanh Vũ này lại chán cảnh chùa chiền tĩnh mịch và muốn bay trở lại không khí náo nhiệt của rạp hát ciné mỗi cuối tuần. Ngày Phật đản, mẹ tôi đang ngồi uống trà cùng mấy bà bạn trong chùa, vừa hãnh diện khoe con mình là một con chim non trong đoàn Phật tử, thì bỗng nhiên, con chim non ở đâu chạy ùa vào cùng mấy đứa bạn, quần áo lôi thôi lếch thếch, trông chẳng thấy bóng dáng Phật tử đâu cả, khiến mẹ tôi phải một phen sượng sùng. Nhưng người cũng không nỡ trách mắng gì nhiều, vì biết con tim lãng tử vẫn còn bị lôi cuốn bởi những tiếng gọi trần gian. Bốn mươi năm sau, tôi đứng cạnh người bên lâm sàng, nhìn tấm hình hài héo úa tôi cố nuốt trôi nước mắt, lần chuỗi tràng niệm Phật cho đến khi xác thân người đã lạnh giá.


 Khi tôi bắt đầu vào trung học, cha mẹ tôi vừa mua được một miếng đất gần biển, và cho xây cất một ngôi nhà “dream house”, một villa hai tầng có phòng riêng cho mỗi người trong nhà, mỗi phòng đều sơn một mầu khác nhau theo ý chúng tôi muốn. Ở dưới nhà là phòng khách rộng mênh mông, về phía cầu thang một bên cũng có thêm phòng tắm, và hai phòng riêng, một cho khách, một phòng làm việc cho cha tôi. Trên lầu những phòng ngủ đều có cửa sổ thông ra ngoài, đón nhận làn gió biển mát rượi thổi về. Cha mẹ tôi chọn kiểu rất kỹ lưỡng, những song cửa sổ bằng sắt uốn theo hình hoa lá cành nghệ thuật, cũng như những viên đá hoa đặc biệt hợp với mầu sắc tường sơn ở trên. Từ lầu hai, còn có bậc thang đi lên gác thượng, những đêm hè nóng nực, tôi trải chiếu nằm trên thượng tầng ngắm nhìn trăng sao, mơ ngày viễn du một phương trời xa lạ, rồi thiu thiu ngủ trong tiếng sóng biển rì rào.



 Trong vườn, mẹ tôi trồng đủ các thứ cây ăn trái thích hợp cho đất cát như ổi xá lị, sabotier, na dai v.v... và một dàn nho xanh mướt ở khoảng sân trong nối liền nhà trên với dẫy nhà dưới cho bếp, phòng kho, phòng người làm và garage. Đất mới nên chưa có cây cao bóng mát, thay vào đó là một khoảng sân cỏ với những cây hoa đủ kiểu, rải rác chung quanh là những cây có mùi hương ngọt ngào như hoa sứ, hoa ngọc lan, và dàn dạ lý hương gần hàng rào, dưới cửa sổ của chúng tôi. Nơi cổng trước, có dàn hoa leo hình chuông mầu vàng ngập nắng, dẫn vào lối đi trải sỏi đến nhà.



 Tuổi mới lớn của tôi bồng bềnh trôi theo những tiếng nhạc trữ tình của Francoise Hardy, Sylvie Vartan v.v... Không còn nữa những trò chơi đùa nghịch chạy nhẩy tung tăng của trẻ con, mà bây giờ là bắt đầu những chú ý nhiều hơn đến quần áo, tóc tai, những suy tư, mơ mộng vẩn vơ...


 Quand je me tourne vers mes souvenirs

 Je revois la maison où j ’ai grandi

 Il me revient des tas de choses

 Je vois des roses dans le jardin


 (Francoise Hardy : La maison où j’ai grandi)

 

 (Khi hồi tưởng lại những kỷ niệm qua

 Tôi thấy ngày xưa lớn lên trong ngôi nhà

 Thấy bao điều trăm nhớ ngàn thương

 Thấy vườn hoa thắm những đóa hồng)

 


 Nhưng bên cạnh những giòng nhạc vui tươi, lãng mạn của Pháp là những lời lẽ thương đau, nức nở trong nhạc Việt Nam của một thời ly loạn, với những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt, những chiều hành quân qua thôn xưa, nhớ người em gái sầu mộng ngồi bên khung cửa, để rồi một ngày kia người con gái ngỡ ngàng trong tiếng khóc: “không, anh không chết đâu anh!” Tương lai của cả một thế hệ thanh niên đã bị cướp đi trong tiếng súng sa trường nghiệt ngã, tâm thức tuổi trẻ chỉ là những suy tư đen tối trong sự hoang mang, vô định của quãng đời trước mặt. 


 Dù vậy, thành phố hiền hòa vẫn ngủ quên trong tiếng ru êm đềm của biển. Ngày ngày trong tà áo trắng học trò, nghiêng nghiêng vành nón bài thơ, tôi đi bộ đến trường vui cùng bạn, với thầy cô... Đôi khi, cũng có những bóng dáng lẽo đẽo theo sau, khiến bước chân hơi bối rối hồi hộp, nhưng rồi tất cả cũng “chỉ là một thoáng mơ qua!”


 Năm đệ nhất, tôi vào Saigon theo học trường Gia Long. Giã từ tuổi thần tiên, giã từ những ngày mộng mơ nằm nghe sóng biển thì thầm.

 


  Mais tout doit finir pourtant dans la vie

 Et j’ai du partir, les larmes aux yeux...

 

 Quand j’ai quitté ce coin de mon enfance

 Je savais déjà que j ’y laissais mon coeur.

 


 (Nhưng rồi tất cả đều chấm dứt trong cuộc đời

 Và tôi phải ra đi, lệ tràn trên mi...

 

 Khi xa rời nơi chốn ấy của tuổi thơ

 Tôi đã biết rằng, lòng tôi không phai mờ)

 


Saigon với xe cộ chạy rầm rập suốt ngày đêm, lúc nào cũng rộn ràng như tràn đầy sức sống. Căn nhà chúng tôi ở nằm ngay trung tâm thị tứ của Tân Định, nhưng ở trong một con đường nhỏ khá yên tĩnh. Cánh cổng sắt nặng nề với hàng tường cao ngăn cách bên trong nhà với bên ngoài, cho một chút không khí riêng tư. Khu vườn nhỏ phía trước chỉ đủ cho một chút cỏ xanh, dưới một gốc cây sung đã có sẵn từ trước. Dọc nền sân lót gạch, mẹ tôi để vài chậu kiểng trồng hoa lan đất, hoa sứ Thái Lan. Căn nhà tựa như nhà phố, chung tường hai bên, dài mà hẹp, hơi tù túng, nhưng phòng ốc khá rộng rãi, cũng đầy đủ tiện nghi. Dưới nhà là phòng khách dài, rồi qua ngưỡng cửa sau kế cầu thang đến phòng ăn có cửa đi ra sân nhỏ, nơi có một bể chứa nước khá lớn, và thông vào với bếp. Trên lầu chia ra hai khu riêng biệt trước và sau, cách nhau một vài bực thang. Lầu trước có hành lang nhỏ phía ngoài, dẫn ra một ban công rộng mở hai bên, có bao lưới chung quanh. Chúng tôi thường ngồi ở ban công đọc sách đọc báo, vừa ngắm nhìn ra phong cảnh ở ngoài.



Căn nhà này đã chứng kiến những thời kỳ huy hoàng cũng như đen tối nhất của gia đình chúng tôi. Cha tôi về Saigon ít lâu đã về hưu, nhưng đi làm thêm ở một công ty lớn được trả lương hậu hĩnh, và căn nhà “dream house” của cha mẹ tôi ở Nhatrang để cho thuê cũng cung cấp lợi tức đủ để có cuộc sống dư dả và có tiền cho tôi đi du học. Khi tôi từ Nhật trở về, tất cả mọi người trong gia đình đều đã có sự nghiệp riêng thoải mái, cuộc đời êm trôi tưởng như sẽ tiến tới một tương lai hi vọng nào đó.



Nhưng biến cố của đất nước đã đem lại biến cố cho gia đình. Chỉ sau Tết Ất Mão năm 1975 ít lâu, miền Nam Việt Nam bỗng sụp đổ như một căn nhà bằng giấy. Saigon từ bấy lâu như ở trong một lớp vỏ tách rời khỏi cuộc chiến sôi sục đẫm máu, nay bỗng phải đương đầu với những hệ luỵ trực tiếp của chiến tranh. Nào cửa nát nhà tan, nào sinh ly tử biệt, biết bao nhiêu thảm cảnh đã đến cho nhiều gia đình. Căn nhà ở Tân Định lúc ấy cũng chia xẻ những nỗi buồn chia xa, những khốn khó tiện tặn mà gia đình tôi phải chịu. Những đồ quý giá trong nhà dần dần cũng lần lượt ra đi theo các tay buôn Chợ Trời, cánh cửa sắt ngày xưa tách biệt thế giới bên ngoài với thế giới bên trong nhà, nay mở luôn soành soạch để bán nước đá cục, bán kem chuối ép đông lạnh. Cảnh tù đầy tưởng như không thể xẩy ra trước kia, nay là một thực trạng phải mặc nhiên chấp nhận. Nhưng đó cũng là một thực trạng chung, một cộng nghiệp cho tất cả người dân ở miền Nam. Điều gì đã đem đến một nghiệp báo ghê gớm như vậy cho cả một dân tộc, phải chăng cũng từø do gốc Tham, Sân, Si của một số người lãnh đạo?



Thời gian qua, cha mẹ tôi cũng từ giã căn nhà ở Tân Định để đi định cư tại Mỹ. Cả một đời làm việc, xây dựng sự nghiệp, cuối cùng cũng chỉ còn là mây khói. 


 

Đã bao lâu rồi, khi nhớ lại căn nhà ở Tân Định, tôi thường có một cảm giác bồi hồi, xót xa, thương cho căn nhà, thương cho cuộc đời truân chuyên dạo ấy. Căn nhà ấy, về tay những người lạ sau này, nghe nói đã được sửa lại toàn diện, chẳng còn một chút gì dấu vết ngày xưa. Căn nhà ấy đã chết đi, theo thời gian, theo sự ra đi của chúng tôi, để biến thể thành một căn nhà khác không còn chút dính líu liên hệ.

 


La temps a passé et me revoilà

Cherchant en vain la maison que j ’aimais…

Là où vivaient des arbres, maintenant la ville est là,

Et la maison, où est-elle, la maison où j’ai grandi?

 


(Thời gian qua, tôi lại về chốn cũ

Tìm ngôi nhà xưa yêu dấu, nhưng chẳng thấy đâu

Nơi có vườn cây xanh trước kia, nay chỉ là đường phố

Ôi còn đâu? căn nhà xưa tôi đã lớn lên!)

 


Ba mươi năm sau, nghe lại bài hát Kaze, tôi bỗng nhận ra ý nghĩa trong bài hát này không chỉ áp dụng trong một thời điểm nào của cuộc đời mà còn tiếp tục mãi mãi, không bao giờ dứt.


Hito wa dare mo koi o shita setsunasa ni

Hito wa dare mo taekirezu furikaeru

Hito wa dare mo jinsei ni tsumazuite

Hito wa dare mo yume yabure furikaeru

 

Nani ka o motomete, furikaete mo

Soto ni wa tada kaze ga fuite iru dake

 


 Phải, chúng ta sinh ra là đã bắt đầu một cuộc hành trình, một cuộc viễn du vô tận, mà khi mệt mỏi không biết đâu là nhà để trở về. Trong cuộc hành trình ấy, có những lúc vui mừng phấn khởi, có những lúc thất vọng cay đắng, có lúc yêu thương, có lúc giận hờn, nhưng tất cả rồi cũng qua đi, và từ đầu đến cuối chúng ta chỉ là một bóng hình cô đơn, có mãi mãi quay trở lại kiếm tìm cũng chỉ nghe tiếng gió mà thôi.


Ngôi nhà cho chúng ta trở về, chẳng phải là ngôi nhà xây bằng gạch, bằng ngói, chẳng phải là ngôi nhà chúng ta đã chắt chiu dành dụm để mua cho bằng được, rồi sửa sang, làm đẹp cho thêm hãnh diện với đời; ngôi nhà vật chất ấy chỉ là chỗ trú tạm thời cho chúng ta trong một giai đoạn của cuộc đời, rồi cũng theo vô thường mà trở về với vô thường. Ngôi nhà thực sự là nơi cho chúng ta an trú dù bất cứ ở đâu, trong hoàn cảnh nào, mà khi trở về đó ta cũng đều được sự an bình, tự tại. Ngôi nhà ấy vẫn ở trong chúng ta, nhưng ít khi ta nhận ra được điều đó. Chỉ khi nào lắng dịu hết tâm tư, như mặt hồ yên lặng trong suốt nhìn thấy đáy, và cảm nhận sự an lạc trong trạng thái tĩnh lặng ấy, chắc ta mới nhận ra được đâu là nhà thực sự của mình, và mới có tâm trạng của người vừa được trở về.


Phải chăng lúc đó ta mới có thể tự nói với chính mình: “Welcome home!” 


 

(Mùa thu, tháng 10- 2004



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng