-- Ánh Sáng Cuối Đường - Phần Ba

19 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 9955)



Màn đêm đã buông xuống khi người khách cuối cùng vừa ra về và bác sĩ Điệp bước ra ngoài bãi đậu xe. Bầu trời tối xẫm chung quanh với những ánh đèn lấp loáng, nhập nhòe gợi trong lòng chàøng một nỗi niềm cô quạnh không tên. Suốt một ngày xoay vần trong những công việc trước mắt khiến chàng sống trọn vẹn với vai trò lương y của mình và không còn nhớ đến gì khác, nhưng khi mọi hoạt động đột ngột chấm dứt, nỗi trống vắng xâm nhập tâm hồn chàng như căn nhà hoang lạnh tràn đầy gió lùa. Đời người có những lúc lỡ bước trong một thoáng chốc để rồi không bao giờ còn quay trở lại được, tất cả chỉ còn là một niềm ân hận và nuối tiếc khôn nguôi. Giòng đời trôi qua như giòng nước chẩy xuôi, mọi sự đến rồi qua đi mãi mãi, không có gì đứng lại, không có gì đi ngược lại chỗ cũ. Bác sĩ Điệp nhớ lại câu thơ hồi trung học :


Quân bất kiến, Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai, đôn lưu đáo hải bất phục hồi


 (Bạn thấy chăng, nước sông Hoàng Hà từ trời đưa xuống, chẩy tuôn ra biển không bao giờ còn trở lại.)


Thời gian sau này, cuộc đời bác sĩ Điệp đã qua một khúc rẽ mới, thêm một chút hương vị mầu sắc cho những ngày dài tẻ nhạt. Định mệnh đưa đẩy chăng, hay vì tâm hồn khắc khoải đang tìm kiếm một lối thoát, chàng cũng chẳng biết, chỉ biết rằng bóng hình của một người con gái bỗng chốc đã xâm nhập đời sống của chàng, đem lại một chút ý nghĩa nào đó cho cuộc sống.

 


Hạnh từ Việt Nam theo gia đình qua Mỹ định cư không bao lâu thì cha mất, để lại hai mẹ con Hạnh bơ vơ lạc lõng nơi xứ lạ quê người. Mẹ Hạnh với công việc may thuê không đủ chi dùng cho đời sống chật vật, Hạnh vừa đi học phải vừa kiếm việc làm thêm phụ giúp gia đình. Không bao lâu mẹ Hạnh cũng ngã bệnh, tình cảnh thật hết sức khốn đốn. Hạnh đưa mẹ đến phòng mạch của bác sĩ Điệp; thấy tình cảnh thương tâm, chàng đã hết lòng chạy chữa cho mẹ Hạnh không lấy tiền. Chịu ơn ấy, Hạnh tình nguyện làm việc cho văn phòng bác sĩ Điệp không lương khi ông cần đến. Vốn thông minh và biết xử dụng kiến thức đã học được, Hạnh đã giúp đỡ đắc lực cho văn phòng của chàng. Khi Điệp mở thêm phòng mạch mới, chàng đã mời nàng cộng tác thường trực luôn. So số tuổi, Hạnh trẻ hơn Điệp rất nhiều, nhưng không như những cô gái đồng lứa, Hạnh có vẻ nghiêm trang và chăm chỉ, không thích se sua ăn diện, chỉ lúc nào cũng để tâm lo lắng săn sóc cho mẹ và gia đình. Hai mẹ con Hạnh vốn kính nể và chịu ơn bác sĩ Điệp nên nàng làm việc rất siêng năng, ân cần tế nhị săn sóc đến những thứ chàng cần. Buổi trưa với những món ăn ngon lành được mẹ con Hạnh đích thân nấu đem đến, khiến cho những giờ làm việc cũng bớt phần nào tẻ nhạt. Dần dần, không biết tự lúc nào, Hạnh như cơn gió mát đến trong đời Điệp, khiến chàng cảm thấy được một chút hương vị nào đó trong cuộc sống từ trước đến nay như một sa mạc băng giá. Qua Hạnh, chàng cảm nhận được mùi vị của quê hương, một quê hương mù khơi với những kỷ niệm xa xôi vời vợi. Tuổi trung niên một lúc nào đó đôi khi thấy trống rỗng khi nhìn lại thời gian qua mau như gió cuốn, cảm thấy như muốn níu kéo chút thanh xuân còn lại qua một biến chuyển nào đó. Cuộc hôn nhân gượng ép với Mai Trang đã để lại trong lòng Điệp một vết thương khó hàn gắn trong sự nuối tiếc mối tình đầu đã lỡ. Nhưng Điệp cũng không thể tàn nhẫn mà đối xử phũ phàng với Mai Trang, và cứ thế cuộc đời chàng trôi qua trong sự chán chường, buông xuôi. Mai Trang vốn quen với đời sống nhàn hạ, chẳng bao giờ chịu góp tay giúp đỡ chàng trong công việc, nên gần như không có gì chia xẻ với nhau được. Hai người là hai thế giới, hai đường song song đi với nhau, nhưng chẳng bao giờ gặp nhau. Từ khi có Hạnh, những tình cảm ấm áp đến với Điệp, gợi nhớ đến một thời yêu thương của tuổi thanh niên sôi nổi, say sưa. Cảm tình Hạnh dành cho chàng cũng rất trân trọng và chân thành. Chiếc bình xưa của Điệp với Mai Trang đã rạn nứt, sự đổ vỡ chỉ còn là vấn đề thời gian. Mai Trang cũng cảm nhận được điều ấy nhưng nàng nhất quyết không chấp nhận, không chịu buông bỏ hi vọng một ngày nào đó Điệp sẽ hồi tâm trở về, nên tình trạng hai người đi vào chỗ bế tắc không lối thoát. Tuy chưa từng thực sự yêu Mai Trang, nhưng Điệp cũng cảm thấy bất nhẫn trước sự đau khổ của nàng, chưa đủ can đảm để dứt khoát.



Hôm nay, sau một ngày làm việc mệt nhọc, Điệp muốn rủ Hạnh đi ăn tối, nhưng nàng bận lớp học, nên đành về nhà sớm. Căn nhà rộng lớn nằm trên ngọn đồi thoai thoải gần bờ biển, hai bên đường cây cối xanh um, đầy vẻ tĩnh mịch, tươi mát quanh năm. Khi lái xe về đến nơi, Điệp thấy đèn trong nhà đã bật sáng. Thấy Điệp về sớm, Mai Trang tỏ vẻ ngạc nhiên và vui mừng. Biết chàng chưa ăn cơm, nàng lăng xăng dọn đồ ăn ra. Lâu lắm hai người mới có một bữa ngồi ăn chung thoải mái như thế này. Mai Trang nói:


“Hai tuần nữa là đến giỗ mẹ anh, em đã xin một lễ cầu siêu ở chùa Giác Viên, anh nhớ thu xếp đến chùa nhé.”



Điệp ngạc nhiên, từ xưa đến giờ chưa thấy Mai Trang xin lễ ở chùa cho mẹ chàng, nay sao bỗng nhiên lại làm việc ấy. Chàng càu nhàu:


“Chùa Giác Viên ở đâu? Mẹ đã mất lâu rồi, sao bầy vẽ ra làm gì vậy?”


“Chùa Giác Viên ở cách đây khá xa, nhưng sư cô trụ trì rất đáng kính mến, nếu anh gặp thế nào cũng thích cô. Mẹ tuy mất đã lâu, nhưng lúc nào mình cầu cho mẹ chẳng được, công đức ấy có mất đi đâu đâu.”


Điệp hỏi cho có chuyện:


”Sư cô ấy là ai? Sao bỗng dưng em lại đi chùa xa xôi như vậy?”


“Sư cô ấy tên Diệu Thường, tu hành đã lâu nên thông hiểu đạo lý lắm. Mấy lúc này em thường lên chùa ấy, nhờ sư cô chỉ dạy tu tập nên cũng được phần nào an lạc hơn trước. Em thấy anh cũng nên tìm hiểu Phật pháp và thực hành theo, giúp mình rất nhiều trong cuộc đời đó.”


Nghe Mai Trang nói, Điệp lấy làm lạ, chú ý nhìn nàng hơn. Quả thật Mai Trang lúc này có vẻ đổi khác nhiều, trông dung nhan nàng giản dị, mộc mạc, không còn nét son phấn trang điểm rực rỡ, nhưng có vẻ tươi mát, thoải mái hơn trước. Thái độ của Mai Trang lúc sau này cũng thay đổi hẳn, nàng có vẻ mềm mỏng hơn, không hay gây sự hay ghen tuông, mà cư xử bình thường với chàng, xem như không có chuyện gì trầm trọng xẩy ra. Điều đó gây cho Điệp một nỗi thắc mắc, đôi khi chàng cũng tự hỏi không biết có biến chuyển gì đã xẩy đến với Mai Trang. Nghĩ đến một bóng hình nào khác có thể đến trong cuộc đời nàng, tuy Điệp không ghen tức nhưng cũng cảm thấy hơi khó chịu. Dù sao, hai người đã trải qua những năm tháng dài của thời son trẻ với nhau, không thể một sớm một chiều mà buông bỏ đi được. Điệp tò mò hỏi:


“Em thấy Phật pháp giúp cho em những gì?”


“Giúp em hiểu biết rộng hơn về cuộc sống, có cái nhìn sáng suốt hơn về chính bản thân mình và những sự việc đến trước mắt. Nhờ nương tựa vào đó mà mình có thể vượt qua được những sóng gió trong cuộc đời.”


Nhìn thẳng vào Điệp, Mai Trang nói thêm:


”Trước đây em sống mà không suy nghĩ gì nhiều, cứ việc làm những gì mình muốn thôi, không nghĩ đến hậu quả. Giờ đây em mới thấy thấm thía những gì mình phải chịu ngày nay đều là quả của những việc mình đã gieo ngày trước. Nếu mình cứ lẩn quẩn trong cái vòng gieo nhân, hái quả ấy thì không bao giờ dứt được phiền não. Cho nên bây giờ em không còn chấp chặt lấy những điều mong ước trong tâm nữa, việc gì đến thì đến, em sẽ tùy cơ mà ứng phó thôi, không muốn làm gì để tạo thêm sự đau khổ. Em thấy trước nay mình cũng đã làm nhiều điều xằng bậy, giờ đây là lúc phải sám hối. Bây giờ tụi mình cũng lớn tuổi cả rồi, em mong anh làm điều gì cũng nên suy xét kỹ đến hậu quả, để sau này không phải vướng mắc gì trong lương tâm.” 


 

Nói xong, Mai Trang tươi cười hỏi thăm Điệp những việc trong ngày. Thái độ của Mai Trang tuy nhu hòa, nhưng lại có ấn tượng mạnh nơi Điệp. Lần đầu tiên chàng đã nhìn Mai Trang với một con mắt khác, lạ lùng và kính nể hơn. Trước kia, sự cau có, hờn giận của Mai Trang khiến Điệp chán ngán, khó chịu như bị giam hãm trong ngục tù của những cảm xúc đớn đau phiền não. Điệp vừa muốn thoát ra khỏi ngục tù ấy, vừa có mặc cảm tội lỗi vì mình đã là nguyên nhân phần nào tạo ra địa ngục ấy và lại muốn thoát thân một mình. Nay bỗng dưng không khí đổi khác, không còn những áp lực đè nặng, khiến Điệp như chới với trong khoảng không. Chàng như có một linh tính gì đánh thức, trong tâm chợt thắc mắc tự hỏi không biết vị sư cô đã chuyển hóa được Mai Trang là người như thế nào. Trong lòng Điệp bỗng rộn rã, mong mỏi muốn gập được con người đặc biệt ấy.


Ngày giỗ mẹ đến, Điệp và Mai Trang cùng sánh đôi lên xe thẳng tiến về chùa Giác Viên. Mùa đông ở vùng này vẫn có những ngày nắng vàng rực rỡ, bầu trời trong xanh phản chiếu lên mặt biển sáng long lanh. Lâu lắm hai người mới có dịp đi chơi xa thoải mái với nhau, hôm nay, ngoài sự thay đổi không khí khỏi nhịp điệu đều đều của một ngày bình thường, trong lòng hai người cũng canh cánh những nỗi niềm riêng khó hiểu.


Phong cảnh chùa Giác Viên tuy nhỏ bé nhưng thanh tịnh, u nhã, khiến lòng khách thập phương không khỏi lâng lâng, lắng xuống mọi phiền não trong tâm. Điệp gợi nhớ đến một ngôi chùa khác xa xưa ở quê hương, nơi đã mang những dấu vết đau thương khó phai mờ trong lòng chàng. Kể từ ngày đó Điệp đã đặc biệt tránh xa những chùa chiền, sợ những hình ảnh khơi dậy một vết thương còn đau đớn chưa nguôi. Thời gian qua, Điệp đã có những thay đổi mới trong đời, vết thương cũng dần dà nhạt phai, lần đầu tiên Điệp đi chùa lại mà thấy lòng bâng khuâng khó tả.


Hôm nay sư cô Diệu Thường đặc biệt thiết lễ cầu siêu cho mẹ Điệp, tuy rằng chỉ có hai người, không mời thêm những khách nào khác. Sư cô đích thân nấu những món ăn chay đặc biệt bầy biện thật mỹ thuật, đặt trên bàn thờ hương hoa thật trang nghiêm. Xe đến cổng chùa, Mai Trang bước xuống đi vào, rộn rã tự nhiên như về đến nhà. Sư cô Diệu Thường bước ra chắp tay đón chào. Khuôn mặt thanh tao trắng hồng như bừng sáng trong ánh nắng chan hòa, nổi bật lên giữa nền tre trúc xanh ngát phía sau. Điệp chới với như người trong mơ, không tin ở mắt mình, nửa muốn quay gót chạy trốn, nửa quyến luyến chôn chân tại chỗ. Chàng cúi chào sư cô mà lặng người không nói được tiếng nào, trong lòng xáo trộn những cảm xúc dâng trào. Như người không hồn, Điệp bước theo Mai Trang và Diệu Thường vào chùa, bên tai lùng bùng những tiếng nói ríu rít của hai người.


Tiếng chuông chùa trầm bổng vang lên, đánh thức Điệp khỏi cơn mộng du. Bàn thờ Phật hiện ra trước mắt Điệp trang nghiêm, huy hoàng, khiến Điệp cảm thấy mình nhỏ bé, mong manh. Lần đầu tiên, Điệp nhìn lên tượng Phật mà lòng cảm thấy một nỗi xúc cảm khó tả. Chàng nghĩ đến bao nhiêu biến đổi đã qua trong cuộc đời, bao nhiêu điều đã đến rồi đi như một giấc mộng, nhưng Phật vẫn còn đó, mãi mãi an bình, tự tại, không nhuốm chút phiền não của bụi trần. Aûnh của mẹ Điệp được trưng bầy trang trọng ở bàn thờ phía bên, hình ảnh người mẹ thân thương nhìn Điệp như trìu mến khiến chàng rưng rưng nước mắt. Từ bao lâu nay, Diệu Thường vẫn làm giỗ cho mẹ chàng đều đặn mỗi năm, nhưng năm nay là lần đầu tiên giỗ mẹ với sự có mặt của hai vợ chồng Điệp. Tiếng tụng kinh, hoà lẫn với tiếng chuông mõ ngân nga thoát tục, giọng sư cô Diệu Thường trầm bổng, thánh thót, từng chữ từng chữ vang lên trong tâm thức Điệp, truyền đến một rung cảm sâu xa.


Đệ tử chúng con từ vô thủy

Gây bao nghiệp chướng bởi lầm mê

Vào sanh ra tử biết bao lần

Nay đến trước đài vô thượng giác

Biển trần khổ lâu đời trôi dạt

Hôm nay trông thấy Đạo huy hoàng

Con hướng về theo ánh từ quang

Lậy Phật tổ soi đường dẫn bước

 


Lễ xong, ba người đi ra ngoài cỗ bàn đã dọn sẵn. Điệp lần đầu tiên thưởng thức những món ăn chay tịnh thật ngon miệng, hương vị nhẹ nhàng nhưng không kém phần đậm đà, khiến chàng tự hỏi sao trước nay chưa biết đến những món ăn lành mạnh như thế này. Nhắc đến mẹ chàng, sư cô Diệu Thường kể lại những ngày tháng gian khổ cuối cùng trong đời bà, khiến Điệp không cầm được nước mắt. Những ngày tháng đó, Diệu Thường đã luôn luôn sát cánh bên bà, chăm lo săn sóc như mẹ ruột. Điệp ở nơi xa xôi, tin tức biệt tăm, bà chỉ còn nơi nương tựa là cửa Phật. Điệp xót xa, trong lòng càng thêm biết ơn và kính nể người bạn xưa mà hình ảnh vẫn ngự trị trong tâm tư của chàng cho tới nay. Cơm nước xong, Mai Trang lăng xăng ra ngoài lo dọn dẹp, chỉ còn lại hai người với nhau. Thái độ tự nhiên, bình thản của Diệu Thường khiến Điệp không còn thấy ngượng ngập, chàng kể lại những biến cố đã qua, những đoạn đường đã đi trong đời từ trước tới nay. Nhìn lại, Điệp thấy cái ngã rẽ mà Diệu Thường đã đi vào ấy lại là một con đường trong sáng, an lành, trong khi con đường chàng đi qua đã trải qua biết bao nhiêu dằn vặt, đớn đau. Trước mặt Điệp, lạ thay, chàng không còn thấy một Lan xưa đã gợi lên những tình cảm xao xuyến, rạt rào, mà chỉ cảm thấy một sự thân thiết đầm ấm, lẫn trong niềm kính trọng đối với một con người cao quý. Sự thanh cao tỏa ra từ Diệu Thường làm lắng đọng những tâm tư phiền não; đôi mắt trong vắt nhìn thẳng vào lòng người như thông cảm những nỗi niềm trăn trở và mang lại một sự khích lệ nào đó. Điệp bỗng nhận ra, từ trước đến nay, Diệu Thường là người duy nhất chàng có thể tin cậy, trút ra những tâm sự, những khắc khoải ôm ấp trong lòng. Những lời nói của Diệu Thường giảng giải nghĩa lý như những giọt nước cam lồ, làm dịu mát tâm hồn khô cằn sa mạc của Điệp. Mối tình say sưa, cuồng nhiệt đối với Lan ngày xưa bây giờ biến thể thành một thứ tình cảm ngưỡng mộ trong sáng và trân trọng. Điệp bỗng nhiên nhận ra sự vô thường của tình yêu, không có một mối tình nào giữ nguyên được mãi như thuở ban đầu, mà biến thái, thay đổi như tâm thức con người luân lưu, thay đổi không ngừng. Hạnh phúc nhân gian trông đẹp đẽ như hạt kim cương, nhưng thực ra có thể tan vỡ bất cứ lúc nào, như giọt nước phản chiếu long lanh. Chỉ khi nào con người trở về với nguồn an lạc tâm linh của chính mình, mới cảm nhận được hạnh phúc lâu bền mãi mãi. Hình bóng Hạnh bỗng chập chờn trước mắt Điệp, nhưng sao chàng cảm thấy xa xôi, như giấc mộng đã qua dường như phai nhòa, phải chăng những gì ngỡ là tình yêu chỉ là những vọng tưởng, đến từ hư không rồi lại trở về với hư không.


 

Ngày tháng trôi qua tan loãng vào giòng thời gian vô tận, nhưng những mảnh đời nhân thế là những trang sách mới mở ra không ngừng; có khi nhìn lại người ta không còn nhận diện được chính mình nữa.


Kể từ sau ngày hạnh ngộ ấy, cuộc đời Điệp như bước vào một giai đoạn mới. Lần đầu tiên, Điệp đã nhìn lại cuộc đời của mình, như nhìn lại một cuốn phim, để rồi nhận ra từ trước tới nay chàng đã chỉ sống với một hình ảnh lý tưởng ôm ấp trong tâm và rồi bất mãn với thực tại đầy những điều bất xứng ý toại lòng. Nhưng thực ra hình ảnh ấy đã bỏ chàng đi xa tự lúc nào, chỉ vì chàng cố nắm giữ lấy nó mà đã tự chôn chặt mình vào hố sâu của phiền não. Con người ít khi nào được hạnh phúc, phải chăng vì lúc nào cũng chỉ đi tìm hạnh phúc ở những yếu tố bên ngoài, những yếu tố biến thiên, vô thường, ở ngoài tầm kiểm soát. Hạnh phúc như cánh chim trời, chỉ được cảm nhận trong những thoáng chốc nào đó, cánh chim ấy chỉ nên được trân quý trong giây phút ấy, và rồi được tung bay theo gió, không thể cầm giữ , cột chặt lấy được. Điệp bỗng hối hận, thấy mình đã có lỗi với những người đàn bà thân thiết trong đời, mà trên hết là người mẹ hiền yêu dấu, đã suốt một đời khổ vì con. Chàng không muốn làm gì để gây thêm sự đau khổ , đối với Hạnh, Điệp bỗng lâm vào một tình trạng khó xử, chàng muốn đền bù cho nàng bằng cách tự nguyện giúp đỡ tất cả những gì nàng cần để tự xây dựng một đời sống tốt đẹp hơn. Vốn tinh tế, Hạnh cũng đã thầm nhận biết sự biến chuyển trong tâm hồn Điệp. Con tim phức tạp thường đưa đến những cảnh ngộ trớ trêu; khi xưa Hạnh vô tư bao nhiêu, từ khi vướng vào vòng tình cảm với Điệp, Hạnh trở nên trầm mặc, héo úa bấy nhiêu. Trái cấm bao giờ trông cũng đẹp đẽ và quyến rũ, nhưng khi ăn vào mới biết mùi vị của khổ đau. Tình yêu đối với một người đàn ông đã có gia đình, lại chênh lệch nhiều phương diện với nhau, trước sau gì cũng đem lại đắng cay. Sau nhiều ngày suy nghĩ về một viễn ảnh không hứa hẹn gì với Điệp, Hạnh đã quyết định thôi việc và trở lại trường học toàn thời gian, lo cho một tương lai tươi sáng hơn.


Thời gian này, Điệp lâm bệnh nặng, phải vào nhà thương giải phẫu. Những ngày nằm cô đơn một mình nơi giường bệnh, Điệp càng thấm thía sự mong manh của kiếp nhân sinh hơn bao giờ hết. Nhưng chính trong sự bừng tỉnh của cơn mê, một niềm hi vọng mới đã đến, đem lại một ý nghĩa mới cho đời sống.


 

Từ đây, ngôi chùa Giác Viên bé nhỏ đã là nơi nương tựa cho Điệp và Mai Trang, hai tâm hồn lạc lối, nay đã tìm thấy hướng về.




Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng