-- Ánh Sáng Cuối Đường - Phần Một

19 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 10012)

 



Lan và Điêp là một tuồng cải lương nổi tiếng ở Việt Nam, câu truyện của đôi thanh niên nam nữ yêu nhau từ nhỏ, nhưng khi chàng lên tỉnh học đã phụ nàng lấy một người con gái giầu sang. Tuyệt vọng, Lan vào chùa tu, nhưng vẫn không quên được người xưa. Trong khi đó Điệp đến chùa tìm Lan và năn nỉ nàng tha thứ, xin được kết lại mối duyên xưa. Lan rốt cuộc đã tìm giải pháp quyên sinh.


 Ta thường nghe nói, “Tu là cõi phúc, tình là dây oan” nhưng đối với câu truyện này, Lan đã có cơ duyên bước vào chùa mà không tìm được cõi phúc, lại càng rơi vào trong mê lộ, đi vào con đường không lối thoát, để rồi tìm một giải pháp si mê nhất. Từ khi học Phật, khi nghĩ đến câu truyện này tôi thường cảm thấy khó chịu, và có ý tưởng muốn viết lại câu truyện theo ý mình, để cho có một chút ý nghĩa nào đó thích hợp hơn với tinh thần giải thoát của đạo Phật.



Sau đây là câu truyện của Lan và Điệp tân biên:


 

 Con đường dẫn đến chùa Giác Viên hôm nay trông có một vẻ đẹp lạ thường với sắc mầu của mùa thu đang đến. Hai bên hàng cây phong lá nhuộm đỏ thắm, mang một nét đẹp huy hoàng tương phản với cái buồn hiu hắt của bầu trời thu. Đứng trước phong cảnh thơ mộng này, ai mà chẳng tức cảnh sinh tình và không cảm thấy một nỗi buồn không tên nào đó . “Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai...” Nhưng sư cô Diệu Thường, khi ra quét lá trước sân chùa, vẫn bình thản như mọi ngày, như không quan tâm đến sự đổi khác của cảnh vật. Giữa sự bao la tĩnh mịch mà không kém phần tráng lệ của thiên nhiên, một dáng người bé nhỏ trong chiếc áo nâu sòng trông thật mỏng manh yếu đuối, nhưng vẫn mang một vẻ gì vững chãi, an nhiên giữa cái biến đổi vô thường của vạn vật. Trông sư cô Diệu Thường, người ta không đoán được tuổi, vì trong nét mặt thanh tú, dịu dàng mà trang nghiêm ấy tỏa ra một sự an bình tự tại, như không nhuốm mầu của thời gian, phi quá khứ và phi tương lai.


 Chùa Giác Viên nằm trên một con đường tĩnh mịch, với hàng cây cao bóng mát hai bên đường, ở một thành phố nhỏ gần biển của miền Tây nước Mỹ. Chùa được thành lập cách đây vài năm, do nhu cầu của Phật tử cần có trụ sở lui tới càng ngày càng nhiều. Sư cô Diệu Thường được người ta biết đến nhờ những hoạt động âm thầm nhưng đem lại rất nhiều lợi lạc của cô, không chỉ trong cộng đồng người Việt, mà còn trong cộng đồng bản xứ. Qua Mỹ với hai bàn tay trắng, nhưng trong con người mảnh khảnh ấy là cả một bầu nhiệt huyết, một ý chí mãnh liệt muốn sống đời tự lợi, lợi tha. Không quản ngại khó khăn, ngoài việc tu thân phản tỉnh, thâm cứu Phật pháp, cô còn đi học thêm để trau dồi kiến thức, hòa nhập vào xã hội xứ người. Cô đã có bằng về Tâm lý học nên thường làm việc chung với các bệnh viện, các bác sĩ tâm thần cũng như những cơ quan từ thiện xã hội, reo rắc tình thương của Đức Quan Thế Aâm đến những chúng sinh đau khổ không phân biệt sắc tộc, tôn giáo. Từ khi về trụ trì chùa Giác Viên, sư cô cũng mở thêm những lớp thiền quán, dạy người cách tu tập, tìm sự tỉnh thức, bình an cho tâm hồn.


Quét dọn vườn tược xong, sư cô Diệu Thường lấy ít đồ ăn ra thả cho cá vàng trong hồ sen trước sân. Ngắm nhìn những con cá tung tăng bơi lội bên những cánh sen vươn cao thẳng tắp, long lanh vài giọt nước đọng ở trên, sư cô cảm thấy lòng mình thanh tịnh lạ thường. Chợt có tiếng xe đậu trước cổng chùa. Từ trong chiếc xe Mercedes mầu đen bóng loáng, một người đàn bà trang điểm kỹ lưỡng, dáng dấp sang trọng bước xuống, đi vào sân chùa với vẻ ngập ngừng. Sư cô lên tiếng trước:


 - A Di Đà Phật! Mời chị vào chùa lễ Phật.


Người đàn bà chắp tay vái chào, rồi bước theo sư cô vào chùa, phủ phục xuống trước bàn thờ Phật trong chánh điện. Tiếng chuông ngân nga quyện lẫn với mùi trầm hương thoang thoảng, gợi lên một bầu không khí thoát tục.



Lễ Phật xong, người đàn bà bước ra ngoài, đi vào phòng khách. Sư cô đang châm sẵn ấm trà, lên tiếng mời:


“Mời chị dùng trà. Hôm nay lần đầu tiên chị đến đây viếng cảnh chùa?”


“Dạ thưa vâng. Nghe tiếng sư cô đã lâu, hôm nay mới có dịp được diện kiến.”

 “Chị ở cách đây có xa không?”


 “Thưa cũng khá xa. Thật ra tôi ở tỉnh kế cận đây, cách khoảng vài chục dậm. Nay có việc muốn thỉnh ý sư cô, nên mạo muội đến đây.”


 “Có việc gì xin chị cứ nói. Diệu Thường sẽ cố gắng giúp những gì có thể được.”



 Nhìn kỹ lại người đàn bà, sư cô Diệu Thường chợt thấy có một vẻ gì quen thuộc lạ thường. Một hình ảnh nào đó từ trong ký ức mơ hồ chập chờn hiển hiện, nhưng đã từ lâu sư cô buông bỏ quá khứ nên không còn nhận ra.


 Như cảm thấy nỗi thắc mắc trong tâm sư cô Diệu Thường, người đàn bà nhìn thẳng vào mặt cô, nói rõ từng tiếng:


 “Tôi tên là Mai Trang, vợ của bác sĩ Trần Thanh Điệp.”


 Hình ảnh của một buổi chiều Saigon ngày nào bỗng bừng lên trong ký ức Diệu Thường. Người con gái trong chiếc áo đơn sơ mộc mạc đứng nép bên gốc cây vệ đường nhìn người yêu đang lịch lãm đưa một cô gái đẹp kiêu sa bước lên chiếc xe bóng loáng đầy vẻ giầu sang. Kể từ ngày ấy, người con gái tên Lan đã chết, chết theo những ngày buồn vô tận.


Trấn tĩnh lại, Diệu Thường thản nhiên hỏi.


“Mô Phật, Diệu Thường có thể làm gì được cho chị?”


Như động mối thương tâm, Mai Trang bỗng òa lên khóc nức nở. Bộ mặt đẹp son phấn nhạt nhòa trong nước mắt. Một lúc sau, điềm tĩnh lại, Mai Trang nói:


“Bạch sư cô, trước khi đến đây Mai Trang đã suy nghĩ rất nhiều, thấy mình trước kia đã đắc tội thật nhiều nhưng không còn cách nào khác, nay có lẽ chỉ còn sư cô là có thể

giúp được thôi. Chắc sư cô cũng tha thứ cho Mai Trang những gì trong quá khứ chứ?”


“Mô Phật, bần ni đã sanh vào cửa Phật, mọi duyên trần đã dứt, không còn gì để mà nhắc tới.”



Lấy lại bình tĩnh, Mai Trang bắt đầu kể:



“Điệp và Mai Trang gặp nhau khi Điệp lên Saigon trọ học ở nhà Mai Trang. Ông Thành, cha của Điệp và ông Toàn, cha của Mai Trang trước đây là đôi bạn chí thân, nhưng từ khi ông Toàn đi lên tỉnh lập nghiệp, gây dựng cơ đồ lớn lao thì hai người ít khi gặp nhau. Ít lâu sau chẳng may ông Thành mất sớm, ông Toàn thương tiếc bạn vô cùng, nhưng vì bận rộn nên cũng chỉ lâu lâu mới thăm hỏi được người vợ hiền góa bụa của bạn; ông hứa sẽ giúp đỡ Điệp khi chàng cần lên tỉnh ăn học. Khi Điệp xong trung học, ông Toàn đã sửa soạn sẵn phòng cho chàng lên ở trọ, hứa với mẹ Điệp là không phải lo gì cả trong vấn đề ăn học của Điệp. Mai Trang lúc đó tuổi cũng vừa mới lớn, tươi thắm như đóa hoa hàm tiếu đầy hương sắc. Vừøa đẹp, vừa thông minh, lại sống trong nhung lụa từ nhỏ, Mai Trang rất kiêu hãnh với những ưu điểm của mình. Nhưng với tất cả những ưu điểm đó, Mai Trang vẫn không làm động lòng được anh chàng quê mùa từ tỉnh lên là Điệp. Chàng thản nhiên đối xử với nàng như người em gái. Thật ra trong tim Điệp đã có một hình bóng khác, đó là Lan, người con gái hàng xóm ở quê nhà, từng thân thiết với chàng từ thuở nhỏ. Mẹ của Lan mất sớm, nàng sống đơn côi bên người cha ở vậy nuôi con. Hai người cùng một hoàn cảnh mồ côi như nhau nên dễ dàng thông cảm với nhau. Lan dịu hiền, chăm chỉ và đảm đang, thường qua nhà chàng giúp đỡ mẹ chàng, và ngược lại, Điệp cũng qua nhà Lan mỗi ngày, và được ông Nhân, cha của Lan xem như con ruột. Mối tình cảm trong trắng của tuổi ấu thơ đã nẩy nở dần thành tình yêu đằm thắm của đôi thanh niên nam nữ. Hai bên nhà đã ngấm ngầm chấp nhận cho họ sau này sẽ thành vợ thành chồng khi Điệp xong sự nghiệp.


Khi Điệp lên Saigon trọ học, chàng cũng thường hay nhắc đến Lan với Mai Trang, hứa sẽ giới thiệu nàng với Lan. Điều đó không đem lại sự đồng cảm nào của Mai Trang mà chỉ gợi lên lòng ghen tức. Mai Trang vốn xưa nay chưa bao giờ phải chịu thua trong tình yêu, với ưu thế của nàng, Mai Trang luôn luôn là người reo rắc đau khổ cho kẻ khác, chưa có ai đến với nàng mà không bị khuất phục trước hấp lực của nàng. Được cha mẹ nuông chiều, Mai Trang cũng sớm buông thả theo nếp sống tự do, ăn chơi những thói xa hoa của đám thanh thiếu niên giầu có như nàng. Nàng đã quen với đời sống tiện nghi vật chất, với những con người chải chuốt thanh lịch, nên Điệp là một hình ảnh hoàn toàn mới lạ đối với nàng. Tuy từ tỉnh lên, Điệp có đủ các yếu tố của một người tình lý tưởng: đẹp trai, thanh nhã, thông minh tài giỏi, lại ân cần tế nhị. Điệp càng thờ ơ với nàng, Mai Trang càng tức tối, cho đến khi điều đó trở thành một nỗi ám ảnh, một tâm lý tự kỷ đến mức Mai Trang lần đầu tiên đã cảm thấy thế nào là một tình yêu thiết tha. Ông Toàn, vốn khôn ngoan bén nhậy, đã biết ngay con gái mình có tình cảm với Điệp. Ông khấp khởi mừng thầm, vì từ bấy lâu nay ông bà đang rầu rĩ với đám bạn hoang đàng vẫn đến rủ Mai Trang đi chơi mỗi tuần, nay có Điệp, một chàng trai với tư cách đứng đắn, với một tương lai đầy hứa hẹn, lại là con người bạn thân nhất của ông, thì còn gì may mắn hơn nữa.


Từ ngày biết mình yêu Điệp, Mai Trang trở nên nhu mì hơn, bớt đi chơi nhiều như trước. Nhưng Điệp vì phải ráo riết theo học chương trình y khoa, nên cũng ít khi để ý đến nàng. Có nhiều hôm Điệp ở trong trường đến tối khuya mới về, Mai Trang ở nhà sốt ruột chờ đợi, để rồi chỉ nhận được một cái gật đầu và nụ cười thoáng trên môi khi chàng về tới. Biết Điệp ham học, ông bà Toàn cũng dặn con gái không nên quấy rầy chàng quá nhiều.


Trong đám bạn của Mai Trang, có Dũng, một thanh niên giầu có, đẹp trai nhưng hoang đàng. Dũng cảm thấy mình là người xứng đáng nhất cho Mai Trang lựa chọn, vì không có ai giầu bằng chàng. Tuy nhiên, từ khi có Điệp, Mai Trang trở nên lơ là với Dũng, khiến chàng mang một nỗi uất hận, trong tâm thầm mang ý chí muốn trả thù bằng một cách nào đó. Một ngày kia, chán nản với sự chờ đợi vô vọng của mình, Mai Trang nhận lời đi chơi với Dũng. Lâu ngày không đi ra ngoài chơi, Mai Trang cảm thấy thoải mái, vui vẻ khi trở lại mấy nơi chốn cũ. Họ đến một biệt thự sang trọng dự party ở đó, với sàn nhẩy bên hồ bơi và rượu chẩy tràn đầy. Càng nghĩ đến Điệp, Mai Trang càng cảm thấy cay đắng tràn dâng. Trong tâm trạng si mê của lòng tự ái bị tổn thương, nàng bỗng muốn liều mạng, uống say sưa thật nhiều để quên đi tất cả. Như đọc được ý nghĩ của nàng, Dũng cố ý chuốc rượu, và Mai Trang buông thả trong cuồng loạn, cũng không còn ý chí để mà kiểm soát được những gì đang xẩy ra cho mình.


Sáng hôm sau, tuy không còn nhớ rõ những gì trong đêm trước, Mai Trang cũng mang máng biết được điều gì đã xẩy ra với Dũng. Không lâu sau đó, Mai Trang bắt đầu thấy những triệu chứng bất thường nơi cơ thể, hoảng sợ, nàng thú thật với mẹ, và sau khi đi bác sĩ, đã kiểm chứng điều lo sợ nhất đối với họ.


Aâm thầm, ông bà Toàn toan tính một kế hoạch để cho Mai Trang được thành hôn với Điệp.


Một hôm vào cuối tuần, khi Điệp không có lớp học, ông bà Toàn làm một bữa ăn thịnh soạn, mời chàng ăn uống thật vui vẻ. Ông bà mới trúng một món lời lớn, nên muốn làm bữa ăn mừng, và muốn chàng chung vui với họ. Không biết uống rượu, nhưng nể lời ông Toàn, Điệp ráng uống vài ly rượu quý thơm ngon để dành bấy lâu nay. Đang dở bữa ăn thì ông bà Toàn lại có việc gọi đi, nên chỉ còn Mai Trang và Điệp. Điệp bắt đầu cảm thấy ngà ngà, chàng đang định kiếu từ vào phòng thì bỗng Mai Trang run rẩy như muốn xỉu. Nàng kêu không thở được và nhờ Điệp dìu vào phòng trong khám bệnh cho nàng. Trong cơn choáng váng của men rượu, Điệp chỉ còn thấy trước mắt chập chờn một hình bóng kiều nữ, và mọi sự đều mờ ảo như một giấc mộng.


Điệp tỉnh giấc để thấy một sự thật phũ phàng. Ông bà Toàn đang đứng trước mặt chàng, tố cáo chàng đã lợi dụng con gái họ. Tình ngay lý gian, Điệp đang ở trong phòng của Mai Trang, trên giường ngủ của nàng. Chàng cũng không nhớ rõ điều gì đã xẩy ra để có thể biện minh cho hành động của mình. Ông Toàn dùng lời lẽ vừa ôn tồn chiêu dụ, vừa có ý hăm dọa, cốt để cho Điệp phải suy nghĩ lợi hại mà kết hợp với con gái của ông. Vốn mang ơn ông Toàn, Điệp lâm vào tình trạng khó xử, một bên, chàng vẫn còn tha thiết yêu thương Lan, người thiếu nữ trong trắng dịu hiền đang chờ đợi ở quê nhà, một bên là Mai Trang lộng lẫy, nóng bỏng và gia đình nàng với sự thúc ép đầy ơn nghĩa.


Mấy tuần sau, Mai Trang tuyên bố có thai, và ông bà Toàn càng tăng thêm áp lực. Bà Toàn tìm đến tận nhà chàng ở dưới quê, kể rõ sự tình với mẹ Điệp và xin bà phân xử. Mẹ Điệp nghe tin sét đánh, bà không biết gì hơn là bắt buộc con trai mình phải kết hôn với Mai Trang để cho trọn ân tình.


Đám cưới của Điệp và Mai Trang được cử hành vội vã, trong thời gian đó mẹ Điệp vì buồn nên đau nặng, không lên dự đám cưới. Ít lâu sau, Mai Trang sanh hạ một con gái, đặt tên là Hoa Mai.


Điệp lấy vợ trong sự chẳng đặng đừng, lòng đầy buồn bã, nên chỉ biết vùi đầu vào học. Sau khi chàng ra trường, ông bà Toàn mua cho họ một biệt thự thật sang trọng, mở phòng mạch tại một địa điểm thuận lợi trong thành phố. Vốn tài giỏi, khám bệnh mát tay, phòng mạch của Điệp ngày càng đông khách, càng tăng thêm sự thịnh vượng có sẵn.


Năm 1975, trong cơn biến loạn của đất nước, gia đình Điệp đã may mắn đi ngoại quốc được và định cư ở Mỹ. Điệp học lại lấy bằng và trong mấy chục năm ở xứ người, đã gây dựng nên một tài sản đáng kể.


Lấy được Điệp rồi, Mai Trang càng ngày càng nhận thấy hai người không thích hợp với nhau. Điệp bảo thủ, trầm lặng và thích sống giản dị, trong khi Mai Trang sôi nổi, ham chơi, thích phù phiếm và xa hoa. Hơn thế nữa, Điệp đối với Mai Trang thật lạnh lùng, chàng luôn luôn có một vẻ buồn xa xăm nào đó mà Mai Trang cũng đã thầm biết rõ nguyên nhân. Lòng tự ái khiến Mai Trang nhất quyết giữ Điệp cho bằng được, mặc dù cuộc hôn nhân của hai người chỉ là một sự sống chung gượng ép, với một bề ngoài êm ấm giả tạo. Dù sao Điệp cũng đã cung cấp cho Mai Trang một đời sống sung túc mà nàng vẫn hằng quen xưa nay.


Con của Mai Trang, Hoa Mai, bây giờ đã lớn, theo giòng thác lũ của văn minh xứ người, đã bỏ nhà ra đi sống một cuộc đời phóng đãng, gây sự đau khổ không ít cho cha mẹ. Điệp vì buồn, nên tìm quên trong công việc. Từ một phòng mạch, chàng mở rộng thêm mấy nơi, suốt ngày đi đi về về như con thoi. Thời gian gần đây, bỗng Điệp thay đổi hẳn. Chàng thường hay đi sớm về trễ, ít khi về nhà ăn cơm tối, lấy cớ phải vào trong nhà thương, hoặc bận việc ở đâu đó. Có những ngày cuối tuần, Điệp cũng đi đâu mất biệt. Đầu tiên, Mai Trang không để ý, vì nàng cũng bận rộn với những chương trình của riêng mình, nhưng dần dần, khi thấy mình càng ngày càng cô đơn một mình trong căn nhà thênh thang trống trải, Mai Trang bắt đầu thắc mắc. Nàng dọ hỏi Điệp, nhưng chàng chỉ gạt đi, không cho nàng biết gì hơn. Một hôm, có nguời bảo cho nàng biết Điệp đã có người tình, và người đó không ai khác hơn là cô phụ tá ở phòng mạch. Cơn ghen tức bùng lên, Mai Trang giận dữ gây gổ với Điệp, và sững sờ nghe Điệp xác nhận chàng đã có người yêu và nếu Mai Trang làm dữ, chàng sẽ đưa luật sư làm thủ tục ly dị. Mai Trang không thể tin được điều mình vừa nghe. Tuy nàng đã lớn tuổi, nhưng nhan sắc vẫn còn mặn mà, nàng vẫn tự hào mình hơn hẳn những người bạn đồng lứa xưa nay. Có một người vợ vừa đẹp, vừa sang như nàng, Điệp còn muốn gì nữa? Nhưng Điệp đã theo một người đàn bà tầm thường, tuy trẻ hơn nàng nhiều tuổi, nhưng không thể so sánh với nàng trên mọi phương diện. Lần đầu tiên, Mai Trang đã nếm mùi đau khổ của một người bị cướp tay trên. Bỗng chốc, Mai Trang thấy mình sắp mất hết tất cả những gì nàng đã quen có xưa nay. Mai Trang hốt hoảng, tìm kiếm bạn bè trao đổi ý kiến, nhưng cũng không tìm thấy một lối thoát nào. Sự đau khổ đã khiến Mai Trang bỗng chốc nhận ra sự mong manh của hạnh phúc trên đời. Thực sự ra, từ trước tới nay, Mai Trang chưa bao giờ có hạnh phúc, mà chỉ là đuổi bắt theo cái bóng của hạnh phúc. Những cái vui giả tạo của một cuộc sống hào nhoáng như những bong bóng chợt nổi, chợt tan. Tôn giáo là một cái gì hoàn toàn xa lạ đối với Mai Trang, nhưng có một dịp bất ngờ, nàng đã đi nghe thuyết pháp với một người bạn, và từ đó muốn tìm đến những chùa chiền, hi vọng sẽ tìm được một niềm an lạc nào đó cho tâm hồn. Nghe nói nhiều đến sư cô Diệu Thường, Mai Trang đã tìm hiểu về sư cô và không ngờ, đó lại chính là người mà xưa kia Mai Trang đã từng cướp đi niềm tin yêu và hạnh phúc. Bỗng một ý tưởng lạ thường hiện đến, Mai Trang muốn đi tìm Diệu Thường và nhờ sư cô khuyên giải Điệp trở về với mình, vì nàng biết trong thâm tâm, Điệp bao giờ cũng đặt Lan vào một địa vị cao quý nhất.”



Mai Trang ngày nay đã khác Mai Trang ngày xưa rất nhiều. Tuy nét kiêu sa vẫn còn đó, nhưng cái nhìn của nàng đối với con người và cuộc đời đã biến đổi qua những đau khổ mà nàng phải trải qua. Điều đem lại sự đau khổ nhất cho con người, có lẽ là cố nắm giữ những gì không thể nắm giữ được. Sư cô Diệu Thường chép miệng, thương xót cho những tâm hồn còn đang bị giam chặt trong cái tháp ngà kiên cố của thân phận, không biết rằng tất cả chỉ là những ảo mộng.


“Diệu Thường không biết làm thế nào để có thể cho chồng chị trở về với chị được. Nếu có dịp bác sĩ Điệp đến đây, Diệu Thường sẽ cố phân giải lý lẽ cho ông nghe, nhưng không có gì là chắc chắn cả. Khuyên chị nên để ra một lúc ngồi lắng tâm quán xét lại vấn đề, phân tích xem bà kia có những ưu điểm gì khiến ông nhà say mê, mà bản thân chị không có . Nếu biết ông nhà muốn gì và chị cố gắng thay đổi để làm hợp ý ông, có lẽ tình hình sẽ cải thiện hơn. Đạo Phật khuyên chúng ta nên tập lắng nghe để hiểu biết, không chỉ là đối với người khác mà còn với chính mình. Hiểu biết mình trước, đối diện với những khuyết điểm của chính mình và tu sửa, chúng ta sẽ tự chuyển hóa và do đó sẽ chuyển hóa được người khác.


Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả. Bồ Tát biết những gì sẽ gây ra quả xấu nên tránh xa không làm, còn chúng sanh thì cứ gieo nhân bừa bãi cho thỏa thích lòng ham muốn của mình, đến chừng quả tới thì đau khổ sợ hãi, trách trời oán đất. Tất cả những gì chúng ta nhận lãnh ngày nay đều do những quả đã gieo ngày trước, nếu chúng ta không học Phật, không biết tu thân và sám hối thì cứ triền miên trong nghiệp báo, quả lại sinh nhân, nhân lại sinh quả, cứ thế nối tiếp không bao giờ dứt. Nay chị đã có duyên đến cửa Phật, cũng nên biết đến tinh thần giải thoát của đạo Phật, tìm hiểu đạo pháp và thực hành, lâu dần sẽ có trí tuệ nhận biết mọi sự rõ ràng, và tìm thấy được hạnh phúc bình an thật sự cho tâm hồn.”


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng