- - Lời mở đầu
- - Đông và Tây
- - Mùi hương lan
- - Coi bói đầu xuân
- - Ánh sáng cuối đường
- - Vọng tưởng mùa thu
- - Bay theo gió nghiệp
- - Trở về mái nhà xưa
- - Căn nhà có chủ
- - Tiếng vọng từ Không
- - Cóc và Thiền
- - Vũ điệu đêm hè
- - Vài suy nghĩ về Giới Hạnh
- - Có phải là Bồ Tát
- - Mưa không ướt áo
- - Bài học cuối cùng
- - Lão và Phật
- - Ghi chút nỗi niềm - Mật Nghiêm
- - Đôi dòng lưu niệm ... - Phùng Quân
Ghi chút nỗi niềm
( Bài phát biểu của Mật Nghiêm Đặng Nguyên Phả nhân ngày ra mắt sách MÙI HƯƠNG LAN của Ngọc Bảo ngày 10 tháng 1- 2009 tại chùa Bảo Quang)
Kính bạch Chư Tôn Đức
Kính thưa toàn thể quý vị
I- NHÂN DUYÊN CHẰNG CHỊT
Hôm nay chúng tôi lên đây để phát biểu về cảm nghĩ của mình khi đọc qua tác phẩm “Mùi Hương Lan của nhà văn Ngọc Bảo là do nhiều nhân duyên lôi kéo:
- Trước hết là chùa Bảo Quang, nơi có những sinh hoạt văn hóa đầy phẩm chất Việt Nam, đồng thời thầy trụ trì là nhà thơ Thanh Trí Cao, người đã quy y cho cô Ngọc Bảo.
- Thứ hai là
sự tế nhị lôi kéo của người bạn đạo Tâm Zen muốn tôi nói một chút gì về công trình
của tác giả khi đã đọc qua để ủng hộ một nhà văn nữ.
- Thứ ba là chính tác giả mà tôi đã được quen biết trong sinh hoạt Phật giáo gần chục năm nay. Cô đã nhiều lần đến phát biểu và tham dự các buổi pháp thoại tại Đạo tràng Hoa Nghiêm chùa Liên Hoa trước đây do tôi hướng dẫn. Rồi tiếp theo được đọc các bài của cô trên báo Trúc Lâm và nghe tiếng cô nói trên chương trình phát thanh Tiếng Từ Bi của chùa Liên Hoa, và đặc biệt học hỏi vài tác phẩm mà cô dịch chung với Ni sư Thuần Bạch khiến tôi rất là thán phục và lòng đã bảo lòng là cô này thuộc loại “Đàn Bà Dễ Có Mấy Tay” đây.
Đó là ba lý do khiến hôm nay tôi có mặt ở hội trường này để nói vài lời tâm sự.
II- NHÌN THEO CHỈ QUÁN
Tôi nhận được tác phẩm “Mùi Hương
Lan” ba ngày trước lễ Giáng Sinh, sau khi tác giả điện thoại mời tham dự buổi
ra mắt sách, hỏi thăm sức khỏe và nếu được thì yêu cầu phát biểu vài lời, rồi lấy
địa chỉ của tôi để gởi sách biếu. Trước thịnh tình đó khiến tôi dù đang dưỡng bịnh
sau khi mổ nhiếp hộ tuyến cũng không nỡ
lòng từ chối sự yêu cầu.
Khi có tác phẩm trên tay, tôi lật
ngay mục lục để xem bố cục, nội dung và đọc ngay “Lời giới thiệu” của thầy Quảng
Thanh, lời mở đầu của Tác giả, sau mới vào vườn xem hoa. Tôi không đọc theo thứ
tự của cuốn sách do người viết sắp đặt, mà coi trước nhưng bài nào đầu đề hấp dẫn
đối với tôi, để tìm ý qua lời và tìm tác giả qua tư duy diễn đạt.
Tôi thấy tuyển tập này ghi lại những
nét tư duy, những niềm tâm sự của tác giả vào mỗi độ thời gian, mỗi khoảng không
gian trong cuộc sống, có những hoài niệm, những ý tưởng chợt đến, những quán
chiếu về sự tình, nhưng vượt lên trên tất cả là “nhìn đời qua đạo” của một hành giả đi vào đời.
III- THẤY MỘNG GIẢI MÊ
Bài đầu tiên mà tôi tìm đọc là “Phật Pháp ở đâu?” trang 113 ghi lại cảm nghĩ của tác giả khi xem một cuốn phim tài liệu của một khoa học gia người Nhật nói về đời sống các sinh vật, kể cả con người. Mở đầu từ một shopping mall của Mỹ, rồi đi khắp năm châu bốn bể, theo lời tác giả. Đặc biệt là trong cảnh thương xá lớn đó, đầy sự náo nhiệt và bận rộn của những người mua sắm, lại có cảnh các vị Lạt Ma Tây Tạng đang bình thản thiết lập một Mandala bằng cát nhiều mầu về thế giới Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà. Đây là một sự xen kẽ giữa Đời và Đạo, giữa thế tục và tâm linh. Sau khi đưa người xem đi khắp cả với những phân tích khoa học về đời sống để nói lên cái hiện tượng tương quan của sự sinh tồn, biến dịch và hoại diệt, rồi sau cùng lại trở về thương xá ồn ào, náo nhiệt để thấy các vị sư Tây Tạng xóa Mandala biểu tượng của cảnh giới A Di Đà. Ai là người tìm hiểu về Mật Tông mới thấu được ý nghĩa của vũ trụ và nhân sinh, tâm và vật, hiện tượng và bản chất cuộc đời thế tục và cảnh giới tâm linh, cuối cùng vẫn là “giải mê trong mộng” qua Mandala nhiệm mầu.
Tác giả đã dùng phần sau của bài này để
nói về Pháp, về Tánh Không, về tâm và pháp
với những kiến thức cần biết để thực hành, để
nhập pháp và thấy Phật. Bài viết như tải Đạo, như hé mở con đường, nhưng mỗi
hành giả đi đến đâu thì tự biết.
Bài kế tiếp tôi đọc là “Tự Tại trong Bát Nhã”, đó là bài tác giả viết cho Đạo tràng Hoa Nghiêm để trình bầy cùng thính chúng, trong đó có tôi. Chỉ xin ghi lại bài thơ của Ryusai mà tác giả dịch như sau:
Không là tên của Tánh Không
Là tên gọi cái không thể nắm bắt
Tên của đất trời và của núi sông
Cũng còn được gọi là Thực Tướng
Trong mầu xanh của những hàng thông
Những bụi cây um tùm quấn quít
Chẳng có gì đến, không gì đi
Trong mầu đỏ thắm của sắc hoa
Và mầu trắng tinh của bông tuyết
Chẳng có gì sinh, không gì diệt.
Đó là những lời sâu sắc nhất để tả về Bát Nhã.
IV - TÂM SỰ MANG MANG
Tôi ngưng đọc những bài về Phật pháp và quay qua tìm xem những hoài niệm và tâm tư của tác giả trong bài “Trở Về Mái Nhà Xưa” trang 100. Tôi thích nhất hai đoạn thơ phổ nhạc do Francoise Hardy hát, trang trải tình cảm mà tác giả ghi lại, giúp tôi ôn mớ tiếng Pháp đã cùn, như sau:
Quand je me tourne vers mes souvenirs
Je revois la maison où j’ai grandi
Il me revient des tas des choses
Je vois des roses dans le jardin
Tác giả đã dịch như sau :
Khi hồi tưởng những kỷ niệm qua
Tôi thấy ngày xưa lớn lên trong ngôi nhà
Thấy bao điều trăm nhớ ngàn thương
Thấy vườn hoa thắm những đóa hồng
Và tiếp theo :
Mais tout doit finir pourtant dans la vie
Et j’ai du partir, les larmes aux yeux…
Quand j’ai quitté ce coin de mon enfance
Je savais déjà que j’y laissais mon cœur
Tác giả dich :
Nhưng rồi tất cả đều chấm dứt trong cuộc đời
Và tôi phải ra đi, lệ tràn trên mi….
Khi xa rời nơi chốn ấy của tuổi thơ
Tôi đã biết rằng, lòng tôi không phai mờ
Đây là tất cả những u uất hoài niệm của tác giả về thời thơ ấu, về ngày xưa cũ, đã nói lên niềm tâm sự mang mang của tác giả khi nghĩ đến đời sống đã trải qua.
V - CON ĐƯỜNG ĐÃ MỞ
Những tâm sự đầy vơi vừa kể trên chỉ là những nét chấm phá của bức tranh đời hay là những ấn tượng trong cuộc hành trình của tác giả. Nhưng kể từ khi nương tựa Phật, quy y tại Bảo Quang thì dường như tâm thức chuyển mình, tác giả đang đi vào một con đường mới. Tôi đọc bài « Có Phải Là Bồ Tát » để thấy tinh thần dấn thân vào đời, vào cuộc sống khi « Đạo Đời là một » trong ý nghĩa « Đạo chẳng thể lìa Đời mà giác ngộ ».
Hình ảnh của chú Ngộ Minh trong truyện là một đồng tử sống rất hồn nhiên, đến để phá chấp, để làm quân bình nếp sống đóng khung của thiền viện Hằng Thiên, làm nổi lên cái « bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền » của nhà Thiền. Nhưng khi Ngộ Minh đi rồi hỏi trong thiền viện mấy người đổi thay ? Viện chủ sao vẫn cần tìm dấu tích ?
Ngộ Minh là kẻ đói thì ăn, mệt thì ngủ « không bị thanh quy trói buộc, tự nhiên như nhiên, nên khác mọi người, rồi trở thành nổi bật, trở thành hiện tượng. Khi đến trước mặt Vua cũng không thay đổi, không sợ sệt. Ngay giữa triều đình mất mạng như chơi mà dám « tuyệt đường ngôn ngữ » lẳng lặng ra đi vào chốn nhân gian cát bụi ! Đó là mở ra con đường và Ngộ Minh trở thành « Diệu Minh » « vào Đời sống Đạo » quên mình vì người, làm lợi ích chúng sinh. Khi hành giả biết sống vì mọi người thì danh xưng Bồ Tát cũng chỉ là giả danh mà thôi !
VI – HÃY CÙNG NHAU ĐI
Bài
sau cùng tôi đọc là bài « Lão và Phật » mang nhiều ấn tượng và khiến
tôi tâm đắc nhất. Tôi có cảm tưởng như cùng đi vào chốn bao la, vào thời gian vô
tận và không gian vô biên, vào chỗ vô
thường mà thấy hằng thường khi đầu
sào tiến thêm một bước.
Nói chuyện đầu sào thêm một bước khiến tôi nhớ đến bài thi kệ :
Đầu sào trăm thước đứng vững chân
Tuy ngộ nhưng chưa rõ lý chân
Đầu sào trăm thước thêm một bước
Mười phương thế giới hiện toàn thân
của Thiền sư Cảnh Sầm, mà tôi rất thích về tinh thần phóng khoáng. Tôi xin kể tinh thần khoáng đại của Ngài. Một sáng khi Ngài đi thiền hành về, thầy thủ tọa hỏi :
- Ngài đi đâu về đó ?
Đáp : - Du xuân trên đỉnh núi
Thủ toạ hỏi :
- Đến những nơi nào ?
Ngài đáp :
- Lần theo vết cỏ non đi
- Nghe tiếng hoa rơi gọi trở về
Thủ tọa cười :
- Giống mùa xuân quá.
Ngài đáp :
- Cũng giống « sương thu đọng giọt sầu ».
Câu trả lời này nói lên rằng
trong cái thế giới « trùng trùng
duyên khởi » này xuân thu chỉ là hiện tượng. Cỏ, hoa, sương đọng là những
nét đẹp tự nhiên mà thôi, xin đừng thành kiến, mà hãy sống thường nhiên, tự tại.
Bài này cũng là bài kết, đóng lại tác phẩm. Nó ghi thời điểm mới nhất, tháng 8-2008 và cũng đánh dấu mức nông sâu về tiến trình tư duy của tác giả. Tôi không muốn bàn nhiều, không phân tích, phê bình bài này. Xin để cho độc giả vào vườn xem hoa, rồi nhận định. Với tôi thì « Hương Lan » đã tỏa rồi sẽ bay xa.
VII - KẾT LUẬN
Tôi
xin dừng lại nơi đây, sau khi vừa thoáng nhìn qua, chỉ điểm 5 bài trong gần hai
chục.
Xếp sách lại rồi, tôi bắt đầu ngắm nó, nhìn bìa trước, lật bìa sau để thêm tâm cảm. Với trang bìa trước : nhìn ba bông lan đỏ cùng hai nụ trắng trong một nền đen, khiến tôi liên tưởng tới trong đêm dài sinh tử hay trong vô minh đen tối mà hoa tâm vẫn nở, tỏa ngát hương thơm. Bỗng tôi chợt hứng mà làm bốn câu thơ « Nhìn hình gợi ý » như sau :
Trong đêm vô minh dầy đặc
Có một cành lan vừa nở
Hương thơm vô tình tỏa ngát
Ô kìa … đời thật hay mơ!
Lật bìa sau, tác giả ghi lại bốn câu thơ của thi hào Lý Bạch, có sự so sánh giữa Lan và Tùng. Với Lan thì mỏng manh mà tỏa hương thơm ngát, còn Tùng thì đứng sừng sững xanh tươi giữa đất trời. Hình ảnh đẹp, thật tự nhiên. Nhưng nếu tôi là họa sĩ hay thi sĩ thì tôi sẽ thêm một con bướm đẹp đậu trên cành lan để cho sống động và thêm nhánh cây tầm gửi trên thân Tùng già để ẩn mình nghe gió, ăn sương, nói lên sự cộng tồn trong cuộc sống luôn trôi chẩy…
Để chấm dứt bài phát biểu hôm nay, chúng tôi xin thành kính cám ơn Chư Tôn Đức cùng toàn thể quý vị đã lắng nghe những lời thô thiển vừa qua. Riêng để cám ơn tác giả đã đóng góp cho văn hóa Việt Nam hải ngoại một tác phẩm hay bằng bài thơ với đầu đề là “Hỏi Ai” như sau:
Hỏi ai mở ngỏ con đường
Vượt qua sông núi đầy sương phủ mờ
Hỏi ai chưa dứt mộng mơ
Nửa đời, nửa đạo bơ vơ một mình
Hỏi ai tìm chuyện tử sinh
Loay hoay nhìn lại thấy mình ở trong
Hỏi ai nợ trả chưa xong
Vẫn còn nghiệp dẫn long đong bên trời
Hỏi bao giờ dứt cuộc chơi
Để lìa sinh tử, vào nơi an bình.
Trên đây chỉ là vài nét tâm tình “tự biên, tự diễn” của chúng tôi. Kính xin Chư Tôn Đức và quý vị thính giả bỏ qua những vụng về, thiếu sót, dù chúng tôi đã hết lòng bầy tỏ.
Câu kết luận cuối cùng của chúng tôi, sau một thoáng nhìn tuyển tập “Mùi Hương Lan” một loại sách nói “Đạo trong Đời”, tôi xin có một nhận xét rất riêng tư và đặc biệt, đó là: “Cái hay nhất của tác giả Ngọc Bảo là biết tự nói về mình, hơn là để cho những người khác nói!”
Xin thành kính cảm tạ Chư Tôn Đức, chân thành cảm ơn quý vị thính giả và xin chia xẻ niềm vui cùng tác giả.
Xin kính chào toàn thể cử tọa.
California ngày 25 tháng 12- 2008 lúc 9:00 AM
MẬT NGHIÊM