- Có phải là Bồ Tát

20 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 9195)



Có phải là Bồ Tát

 

 

 Vào khoảng cuối thế kỷ thứ 9 ở Trung Quốc, tột đỉnh huy hoàng nhất của Thiền môn dưới thời Lục Tổ Huệ Năng đã qua đi, nhưng những dư âm vẫn còn vang vọng. Người ta vẫn muốn tìm đến cửa Thiền để mong cầu sự tu hành chứng đắc. Ở gần núi Hằng Thiên, có một ngôi thiền viện nguy nga, do vị hòa thượng có pháp danh Thườøng Quang trụ trì. Sư phụ Thườøng Quang là một vị chân tu đạt đạo, tướng mạo đoan nghiêm, pháp khí rạng ngời, khiến người đối diện không khỏi lấy làm ngưỡng mộ nể phục. Ngôi thiền viện có hàng mấy trăm tăng chúng, được quản lý với thanh quy chặt chẽ, tu hành nghiêm mật. Có thể nói, sự tu tập ở Hằøng Thiên thật là khắc nghiệt, đòi hỏi một ý chí kiên cường mới qua nổi được. Mùa đông ở đó trời lạnh như cắt, gió thổi buốt da, mùa hè ánh nắng chói chang tỏa sức nóng như thiêu đốt. Ngoài những giờ hành thiền miên mật, chúng tăng phải vất vả lao tác trong khuôn viên chùa. Mỗi đêm, họ chỉ được ngủ có ba tiếng đồng hồ, trong khi mỗi ngày chỉ được ăn có một bữa. Mặc dù vậy, tất cảï đều tỏ ý chí chân thành muốn tu học, tinh tấn nỗ lực tự kỷ bản thân không dám chểnh mảng hay giải đãi. Thế nhưng vẫn có điều gì dường như không ổn. Sư phụ Thường Quang vẫn không tìm được một người nào trong bọn họ có đủ bản lãnh để truyền thừa chánh pháp. Ngài bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng, sợ sẽ không đền đáp được công ơn Thầy Tổ nếu không có được lấy một người để nối tiếp tông môn.


 

 Chẳng phải là những vị tăng này có điều gì đáng chê trách. Họ đều có nhiệt tâm và ý chí học đạo, nhưng không ít thì nhiều còn bị vướng mắc nơi chính sự tu của mình. Họ hãnh diện vì đã vượt qua được nếp sống khổ hạnh trong tu tập, họ tự hào với những tri kiến đã đạt được. Tu càng cao thì ngã mạn càng nhiều, sở học càng tăng thì càng thêm chướng ngại. Cho nên người xưa nói học đạo bén nhậy nhất là lúc còn sơ tâm, khi tâm còn như tờ giấy mới trắng tinh thì những điều hay mới dễ được hấp thụ. Còn lúc có tri kiến rồi thì như ly nước đã đầy, nếu không đổ bớt đi thì chẳng thể rót thêm nước vào được. Cái khó của một vị thầy là làm sao phá vỡ được những kiến chấp sâu dầy nơi đệ tử của mình. Cho nên trong những lúc một mình một bóng, ngồi nói chuyện với ánh trăng, sư phụ Thườøng Quang thường trăn trở khi nghĩ đến các đệ tử, không biết làm sao cho họ thấy được cánh cửa Vô Môn để thâm nhập chánh pháp. Trong khi đó thì các đệ tử của ngài ngày ngày vẫn tranh luận phải trái đúng sai, phân biệt xếp hạng người cao người thấp. Ai cũng nghĩ là mình giỏi và cần phải được công nhận, một mặt, lại thích phê bình chỉ trích người khác. Mới hay, nói lỗi người khác mà không biết xét lỗi mình là một bệnh chung của con người, khó lòng dứt bỏ được. Bên trên mái chùa thanh tịnh, những đám mây đố kỵ vẫn lảng vảng, đe dọa vùi lấp những tâm hồn chân thật và thông tuệ nhất vào lớp sương mù của vọng tưởng.


 

 Một hôm, sư phụ Thườøng Quang nhận được một lá thư từ xa gởi đến:

 

 “Kính gởi Hòa Thượng Thường Quang, người bạn thiết của tôi,


 Tôi viết thư này trong lúc đang nằm trên giường bệnh, thân thể già nua và bệnh hoạn. Có lẽ đây là việc cuối cùng tôi làm trong đời. Khi ông nhận được thư này, chắc hẳn tôi cũng đã từ giã cõi thế này rồi.


 Tuy rằng chúng ta đã không gặp nhau từ bao nhiêu năm nay kể từ khi cùng học chung dưới một mái chùa của Thầy Tổ, tôi vẫn thường nhớ đến ông, người đệ tử xứng đáng nhất của Thầy. Tăng chúng từ khắp nơi trong nước vẫn thường đồn đại rằng ông đúng là một sư tử ngụ trong tòa nhà Phật Pháp, người có con mắt sáng như sao sa, có bàn tay nắm lấy được thiên lôi, có giọng nói vang rền như sấm. Mỗi việc làm của ông đều có thể khiến cho đất trời rung chuyển, khiến cho những con voi, con rồng dữ của vọng tưởng đều phải tản mác tan hàng. Tôi nghe nói tu viện của ông nổi tiếng có kỷ luật nghiêm khắc không đâu sánh bằng, và dưới sự hướng dẫn của ông hàng mấy trăm tăng chúng đều tu học thật hăng hái và đầy nghị lực. Tuy nhiên, tôi cũng nghe nói ông chưa được may mắn lắm trong việc kiếm tìm một đệ tử thông tuệ đủ để nối giáo truyền tông. Đây cũng chính là điều khiến tôi phải viết thư này.


 Tôi sẽ nhờ một người đưa bức thư này đến cho ông. Tên nó là Ngộ Minh, xin ông hãy để ý đến nó. Chắc hẳn khi ông thấy nó đứng trước mặt, vừa cười ngây ngô vừa thồn vào đầy miệng những quả dưa leo muối, ông sẽ tự hỏi, không biết người này có thật sự ngu đần đúng với bộ dạng ngớ ngẩn của nó không, và nếu thật như vậy thì sao tôi lại gởi nó đến cho ông làm gì. Điều thắc mắc thứ nhất, tôi xin trả lời ông là Ngộ Minh đúng là một đứa khờ khạo hoàn toàn, có lẽ còn ngu hơn cả bề ngoài của nó nữa. Còn điều thắc mắc thứ hai, tôi chỉ có thể nói là tuy nó ngu đần như vậy, nhưng không hiểu vì một cơ duyên nào đó, hay cũng chính là vì sự ngu ngơ của nó không chừng, mà Ngộ Minh đã vô hình trung làm được những việc mà chỉ một vị Bồ Tát mới là được. Có lẽ nó sẽ giúp được nhiều cho ông đó.


 Ông chỉ cần cho Ngộ Minh ngủ mười sáu tiếng mỗi ngày và cho nó ăn thật nhiều dưa leo muối thì lúc nào nó cũng vui vẻ cả. Đừng mong chờ gì ở nó, rồi ông cũng sẽ thấy vui.


 Kính thư,

 Thường Quán”

 

 

 Lá thư này đã được chuyển tới tay của sư phụ Thường Quang sau khi hòa thượng Thường Quán viên tịch, và những đệ tử của ngài đã thu xếp cho Ngộ Minh lên đường đem thư về thiền viện Hằng Thiên, nơi ngài Thườøng Quang trụ trì. Một vị tăng đã tìm thấy một anh chàng lôi thôi lếch thếch đứng ngẩn ngơ trước cổng chùa, trên áo có gắn một tấm giấy đề tên hòa thượng trụ trì, và đã dẫn vào yết kiến hòa thượng.


 Thủ tục thông thường khi một vị tăng mới đến yết kiến hòa thượng viện trưởng trụ trì là phải quỳ xuống lậy ba lậy và kính cẩn xin được thu nhận vào dưới trướng của ngài. Thế nhưng khi Ngộ Minh đến, hòa thượng Thường Quang phải một phen ngạc nhiên khi thấy anh ta đi thẳng vào trong phòng, vừa bốc một quả dưa leo muối từ cái keo cầm trên tay cho vào miệng nhai, vừa hớn hở cười một cách ngây dại, để lộ một hàm răng hở sún gần hết. Nụ cười ngây ngô đó sau này sẽ trở thành nổi tiếng như huyền thoại. Thản nhiên liếc nhìn quanh phòng, anh chặc lưỡi thật to rồi hỏi, “Trưa nay ăn cái gì?”


 Sau khi đọc thư của sư huynh, hòa thượng Thường Quang gọi vị sư trưởng trong chùa đến, truyền hướng dẫn người mới đến về nơi cư trú. Ngồi ngẫm nghĩ lại những lời trong thư, hòa thượng Thường Quang không khỏi thầm cảm kích sư huynh đã biết được vấn đề nan giải tế nhị mà ngài đang đương đầu, và cầu mong rằng Ngộ Minh, vị “Bồ Tát” bất đắc dĩ này sẽ đem đến những thay đổi cần thiết cho ngôi chùa.

 


 Ngộ Minh nhập vào chùa Hằng Thiên như cá vào nước, hoàn toàn thích ứng với nếp sống trong chùa, khiến hòa thượng Thường Quang không khỏi kinh ngạc và thích thú. Anh ta được giao việc phụ giúp trong bếp làm muối dưa muối cải. Ngộ Minh làm việc không ngưng nghỉ, lúc nào cũng tươi cười hớn hở ngâm, ướp rau cải, khuân vác nặng nhọc, gánh nước chẻ củi, và dĩ nhiên, tha hồ nếm tự do những miếng dưa cải mới làm. Công việc này có vẻ đánh trúng vào sở thích của anh chàng ưa ăn dưa muối này!


 Trong những giờ ngồi thiền, các vị tăng bao giờ cũng thấy Ngộ Minh ngồi một góc trong thiền đường, hoàn toàn yên lặng, trông như đang ở trong cơn định thật sâu. Ai mà biết được rằng, điều sâu xa duy nhất của Ngộ Minh là có thể ngồi trong thế thiền định thật vững chắc, với đôi chân xếp lại trong thế kiết già, lưng lúc nào cũng thẳng và cân đối, mà vẫn ngủ được một giấc thật say sưa ngon lành! 


 Ngày qua ngày, tháng qua tháng, trong khi các vị tăng phải phấn đấu nỗ lực để vượt qua những đòi hỏi khắt khe cả về vật chất lẫn tinh thần trong đời sống thiền viện, thì Ngộ Minh với bộ mặt lúc nào cũng hồn nhiên hớn hở lướt qua mọi sự nhẹ nhàng như chơi. Nếu nói đúng sự thật thì bên trong Ngộ Minh là rỗng tuếch, chẳng có chút công đức gì cả, nhưng bề ngoài thì trông có vẻ như rất nhiều nghị lực và khả năng, hoàn toàn có tinh thần tự kỷ bản thân. Dĩ nhiên, chỉ một mình hòa thượng Thường Quang là biết được điều đó, nhưng ngài cũng chẳng muốn đánh tan những ngộ nhận, vì bắt đầu thấy có những dấu hiệu hứa hẹn ở trong chùa kể từ khi con người kỳ lạ của Ngộ Minh bắt đầu xuất hiện. Nói ra thì khó tin, nhưng chính con người rồ dại của Ngộ Minh lại là một phương tiện thiện xảo có một không hai nhất từ trước tới nay!


 Từ trước tới giờ, tăng chúng trong chùa thường hướng đến một hình tượng lý tưởng với đầy đủ những tiêu chuẩn tài giỏi uyên bác, ứng đối hùng biện v.v.., để rồi phán xét người theo mẫu mực đó. Nay có một anh chàng không có một tiêu chuẩn nào xâm nhập vào, lại hoàn thành được dễ dàng những việc mà họ phải phấn đấu vất vả mới làm được. Đây đúng là một sự đảo lộn nghịch lý, khiến họ phải đặt lại phương hướng, trở về với con người thực sự của mình. Sự tức tối, ganh ghét và hoang mang lúc đầu dần dần chuyển thành sự thán phục và niềm cảm hứng. Quả thật, khó ai có thể làm được những việc nặng nhọc trong chùa mà lúc nào cũng hớn hở tươi cười, ngồi thiền hết giờ này qua giờ khác mà vẫn kiên cố bất động như không. Những lời nói ra nói vào, những thái độ thù nghịch hay thân thiện đối với Ngộ Minh chẳng có ảnh hưởng gì, vì thật ra tâm hồn chân chất của anh ta nào có thể hiểu được những lắt léo mưu toan của con người! Cho nên có nói gì thì nói, Ngộ Minh cũng chỉ như “vịt nghe sấm”, luôn luôn đáp trả bằng một nụ cười thật ngây ngô! Con người Ngộ Minh là cả một sự đơn giản thuần túy, hoàn toàn chân phương đến nỗi những tâm hồn vọng động không thể nào nhận ra, mà còn cho anh ta là một người bí hiểm và sâu sắc nữa! 


 Và như thế, sự hiện diện lạ lùng của Ngộ Minh đã có một ảnh hưởng thật lớn, nhưng cũng thật tế nhị, trên cuộc đời của tăng chúng trong chùa, rõ rệt nhất là những thói quen phán xét biện luận dường như đã giảm đi rất nhiều. Lúc nào cũng vô tư, bình thản , anh như cành lá sen không thấm ướt, vượt ra ngoài những bon chen, những màn kịch giả tạo của thế nhân. Nụ cười ngây ngô của anh trở nên bất hủ, bỗng nhiên được coi như một thanh kiếm Trí Tuệ chặt đứt những vọng niệm! Ngộ Minh đã trở thành một câu đố bí ẩn, một công án mà những vị tăng trong chùa tìm đến, để một cách nào đó, tìm kiếm câu trả lời cho những vấn đề thắc mắc trăn trở trong tâm từ xưa nay. Quan trọng nhất, và cũng lạ kỳ nhất, anh đã khơi dậy trong lòng họ một ý chí quyết tâm muốn thấu hiểu được thế nào là “Chí đạo vô nan” , mà theo như họ cảm nhận, đã thể hiện nơi chính con người Ngộ Minh. Càng nói nhiều lại càng thêm rối ... “Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt” ... chẳng phải là Đạo, tức chân lý, đến mức tột cùng thì tuyệt hết mọi lời, bặt hết mọi ý đó sao?


 

 Trong cuộc đời ngài, hòa thượng Thường Quang đã từng tiếp xúc và chứng kiến nhiều vị cao tăng truyền pháp, nhưng chưa bao giờ thấy ai đánh thức được Phật tánh của người khác thật thiện xảo và kỳ diệu hơn anh chàng Ngộ Minh rồ dại này! Một cách lạ kỳ, những câu nói vớ vẩn vô nghĩa của anh chàng đã có tác dụng như những đốm lửa khơi dậy ánh sáng trí tuệ trong tâm những người tìm đến tiếp xúc.



 Có lần một vị tăng tìm đến Ngộ Minh, hăng hái hỏi anh:


 -Trong vũ trụ này, điều gì kỳ diệu nhất?


 Không chút do dự, Ngộ Minh cầm ngay quả dưa leo đưa vào mặt vị tăng, nói lớn:


 - Kỳ diệu nhất là quả dưa leo này!


 Bỗng nhiên, vị tăng chợt bùng vỡ đại ngộ trong một trạng thái không đối đãi của chủ thể và đối tượng, mừng rỡ kêu to:


 - A ha! Vũ trụ này là quả dưa leo, quả dưa leo cũng chính là vũ trụ!


 Ngộ Minh chỉ cười khúc khích nói:


 - Ông này chỉ nói vớ vẩn. Dưa leo là dưa leo, vũ trụ là vũ trụ. Rõ ràng vậy còn gì nữa!


 Nghe vậy, vị tăng lại thêm một lần bùng vỡ, ngộ nhập được chân lý thể hiện trong khắp pháp giới, vỗ tay cười lớn:


 - Trong suốt pháp giới vô biên này, cái gì cũng có vị chua ngon quá!


 

 Một lần khác, có vị tăng đến hỏi Ngộ Minh: 


 - Tam Tổ nói: “Chí đạo vô nan, duy hiềm giản trạch”. Đạo cả không khó, chỉ vì tâm yêu ghét phân biệt mà thấy khó. Vậy sao thầy lại thích ăn dưa leo, mà nhất định không chịu ăn cà-rốt?


 Ngộ Minh trả lời:


 - Tôi thích ăn dưa leo, tôi ghét ăn cà-rốt, có thế thôi!


 Vị tăng bỗng nhiên hụt hẫng, lảo đảo trong cơn bùng vỡ ập đến như sét đánh. Vừa cười, vừa khóc, ông ta nhẩy dựng lên, la lớn:


 - Thích dưa leo, ghét cà-rốt là chuyện nhỏ! Phải bỏ cái tâm yêu Đạo ghét Đời, mong cầu chứng đắc Đạo! Bất trừ vọng tưởng, bất cầu chân!!


 

 Ba năm thấm thoát trôi qua, những câu chuyện đồn đại về vị “Bồ Tát” trong chùa Hằng Thiên đã lan truyền khắp các nơi trong nước. Một ngày nọ, sứ giả của triều đình đem đến chùa lệnh của Hoàng đế triệu tập Ngộ Minh phải đến chầu Thiên Tử ngay lập tức.


 Biết rõ sự nổi danh của Ngộ Minh, sư phụ Thường Quang không lấy làm ngạc nhiên. Nhưng ngài không khỏi lo ngại khi biết ý định của Hoàng đế kỳ này là muốn triệu tập một cuộc tranh luận giữa ba đạo giáo lớn là Phật, Khổng và Lão. Đạo giáo nào được chấm là cao siêu nhất sẽ được phong là quốc giáo, và sẽ được giảng dạy truyền bá khắp trong các lãnh thổ của Hoàng đế. Tam giáo vốn đồng nguyên, nay lại có những âm mưu chia rẽ, đặt để một đạo giáo lên địa vị độc tôn thì thật là nguy hiểm. Nếu một đạo giáo nào không phải đạo Phật thắng thế thì pháp nạn có thể xẩy ra, Phật giáo sẽ bị đàn áp, cấm đoán thẳng tay. Nhưng lệnh vua không thể cưỡng lại, nên ngày hôm sau hòa thượng Thường Quang cùng Ngộ Minh phải tức tốc lên đường về kinh đô.



 Trong Hoàng cung diễm lệ nguy nga, một pháp hội lớn đang được tổ chức quy mô. Hàng trăm tăng sĩ, đạo sĩ, nho sĩ từ khắp nơi trong nước đều tụ hội về đây để tranh luận những lý thuyết đạo giáo cao siêu, xem ai là người có tài hùng biện, có khả năng thuyết phục nhất. Các vị vương gia, đại thần cùng vô số những quân sư cũng có mặt dưới sự chủ tọa của Thiên Tử. Chiêng trống nổi lên, tiếng chuông khánh vang rền, rồi khói hương trầm lan tỏa khắp không gian. Thiên Tử bệ vệ bước vào, hai bên là cận thần bao quanh, rước ngài lên ngai vàng. Sau khi những nghi lễ khởi đầu đã hoàn tất, nhà vua ra hiệu cho cuộc tranh luận bắt đầu.



 Mấy tiếng đồng hồ trôi qua, những tu sĩ và nho sĩ lần lượt ra trước khán giả trình bầy những lý thuyết của họ và trả lời những câu hỏi chất vấn. Suốt buổi lễ, Ngộ Minh ngồi yên thưởng thức món dưa leo khoái khẩu một cách vô tư lự, không để ý gì đến chung quanh. Ăn hết rồi, anh ta xếp chân lại, thẳng lưng ngồi nhắm mắt bắt đầu ngủ một giấc. Nhưng bầu không khí chung quanh quá sôi động và ồn ào khiến anh ta không ngủ được, nên cảm thấy khó chịu, càng lúc càng trở nên bứt rứt. Trong khi sư phụ Thường Quang đang lấy tay bấu vào lưng anh cố tìm cách trấn an, thì Hoàng đế ra hiệu cho Ngộ Minh phải ra yết kiến trước ngai vàng.


 Khi Ngộ Minh đã đến trước mặt, Hoàng đế nói,

 - Khắp các nơi trong nước đều khen ngợi thầy là một vị Bồ Tát có trí tuệ vô biên như Chân Không vậy , nhưng từ nẫy giờ trẫm chẵng nghe thầy nói một câu nào cho pháp hội này. Vậy bây giờ trẫm ra lệnh cho thầy hãy dạy cho trẫm biết thế nào là Chân Đạo, để tất cả chúng sinh dưới trần gian này đều nghe theo.

 Ngộ Minh im lặng chẳng nói gì. Sau một vài phút, Hoàng đế nóng ruột nói lại:


 - Chắc thầy không nghe rõ trẫm nói gì à? Để trẫm nói lại, hãy dạy cho trẫm thế nào là Đạo chân chính để những chúng sinh dưới trần gian này được học theo!

 


 Ngộ Minh vẫn chẳng nói gì. Một màn im lặng căng thẳng lan ra trong không gian, tất cả mọi người trong đám đông đều nín thở, nghển cổ chăm chú chứng kiến cảnh một vị tăng dám có hành động táo bạo như thế trước mặt Thiên tử.



 Thật ra Ngộ Minh chẳng nghe Hoàng đế nói gì cả, cũng chẳng để ý gì đến không khi căng thẳng tràn ngập trong triều đình. Lúc này, anh ta chỉ muốn làm sao kiếm được một chỗ yên tịnh để ngủ cho đã giấc, không có ai đến làm phiền. Hoàng đế lại nói, giọng run lên vì giận dữ:


 -Trẫm đã triệu thầy đến đây để thuyết pháp về Phật đạo cho mọi người biết. Thế mà thầy tỏ ra bất kính đối với trẫm, thật không thể tha thứ được. Trẫm ra lệnh một lần nữa, nếu không trả lời thì hậu quả sẽ rất là nghiêm trọng đó. Hãy nói cho trẫm biết, thế nào là Chân Đạo để tất cả mọi người dưới trần gian này có thể tu theo xem nào!



 Không nói một lời, Ngộ Minh quay lưng lại, và trong lúc tất cả mọi người đều sững sờ nhìn theo, anh ta bỏ đi ra một nước. Không gian như ngưng đọng trong sự kinh ngạc tột cùng, sự im lặng nặng nề kéo dài trong ít phút, rồi đám đông ùøa lên như chợ vỡ, bàn tán, cãi nhau ỏm tỏi. Người thì tỏ ý thán phục, cho Ngộ Minh đúng là một vị cao tăng, đã biểu diễn một màn thuyết pháp thật thâm diệu, chứng tỏ một trí tuệ cao siêu tuyệt vời. Người thì giận dữ hoa chân múa tay, chửi rủa thậm tệ. Hoàng đế bối rối, không biết phải xử trí thế nào, khen ngợi hay ra lệnh xử trảm? Hội ý các quân sư, họ cũng chẳng dám có ý kiến gì. Cuối cùng, trước cảnh tượng hỗn loạn của cuộc tranh luận trước mắt, Hoàng đế chợt nghĩ ra rằng, không cần biết ý định của Ngộ Minh thực hư như thế nào, hiện giờ chỉ còn một cách duy nhất để cứu cho cuộc tranh luận này không trở thành một màn kịch khôi hài làm mất thể diện của triều đình. Thiên tử bèn phán:


 - Vị cao tăng của thiền viện Hằng Thiên đã dùng phương tiện thiện xảo cho chúng ta thấy rằng Đại Đạo không thể dùng lý thuyết suông mà nói, không thể lấy ngôn ngữ giới hạn để diễn giải, tốt nhất là truyền cho Đạo ứng dụng vào đời qua cách sống hài hòa xứng hợp với lẽ Đạo. Chúng ta hãy tán thán công đức của ngài đã từ bi chia xẻ bài học này, và tận dụng lợi ích rút tỉa từ đó, để nỗ lực tu tập sống thuận với Trời Đất, hợp với Đạo. 


 Nói xong, Thiên tử tuyên bố bế mạc buổi tranh luận.


 Hòa thượng Thường Quang lập tức chạy đi tìm Ngộ Minh, nhưng anh ta đã biến mất trong đám đông của đường phố kinh đô.



 Mười năm trôi qua, hòa thượng Thường Quang cho người đi tìm Ngộ Minh khắp mọi nơi, nhưng chẳng thấy được tông tích gì. Đôi khi có một vài du tăng ghé chùa cho ít chút tin tức. Người ta nói mười năm nay Ngộ Minh vẫn lang thang trong chốn thôn quê, cố tìm đường trở về nhà mà không được. Nhưng bởi vì anh ta đã nổi tiếng, nên đi đâu cũng được người ta đón tiếp và chăm sóc tận tình, và lạ thay, chính những người đã tử tế giúp đỡ anh thường lại nhận ra rằng họ cũng được đền bù ích lợi rất nhiều .



 Một tăng trẻ kể lại, có lần gặp bất ngờ, Ngộ Minh hỏi: “ Anh có biết nhà tôi ở đâu không?” Vị tăng hoang mang, không biết câu hỏi này thực sự có ý nghĩa như thế nào, bèn hỏi lại:


 - Ý thầy muốn nói đến ngôi nhà vật chất trong thế giới hiện tượng tương đối của không gian và thời gian, hay là cái nhà nguyên thủy, quê hương Phật tánh của chúng ta?


 Câu truyện đến đây là hết. Ngộ Minh có phải là Bồ Tát không? Chẳng ai biết được điều đó, nhưng điều ai cũng nhận thấy là, những gì xuất xứ từ Ngộ Minh đều có tác động đưa đến những hiệu quả thật diệu kỳ. Một sự việc xẩy ra, dù bất cứ do một nguyên nhân hay động cơ nào, thường được đánh giá trên hiệu quả của nó, vì đó là những gì sống thực nhất không ai chối cãi được. Nói cho cùng, Bồ Tát chỉ là tên đặt ra cho một người làm được những việc rất khó làm của thế gian để đem lại lợi ích cho người khác, trong một tinh thần vô ngã hoàn toàn. Bồ Tát chẳng bao giờ nghĩ mình là Bồ Tát. Bởi vì nếu tự xem mình là Bồ Tát, thì đó đã chẳng phải là Bồ Tát!

 


(Truyện phóng tác)


Tháng mười một, mùa thu 2007
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng