- Lời mở đầu

18 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 9259)

Lời nói đầu

 

 Ở đời có những chuyện không ngờ xẩy ra, nhưng đến thật tự nhiên, như việc “viết văn” của tôi chẳng hạn. Thực ra tôi cũng không nghĩ là mình viết văn, mà chỉ là sắp xếp và ghi lại những ý tưởng trong đầu, vì xưa nay tôi vốn không phải là người “văn hay chữ tốt”. Hồi nhỏ, mỗi lần làm luận tôi phải nghĩ đến nát óc mới nặn ra được vài giòng là hết ý. Cho nên giờ Việt văn không phải là giờ hứng khởi gì lắm đối với tôi. Sau này, lên trung học, phải học các loại văn chương cổ điển cũng như cận đại, phần lớn là thơ, văn vần, tôi cũng không tha thiết gì lắm, vì chẳng có tâm hồn biết thưởng thức thơ. Nhưng từ nhỏ tôi đã rất thích đọc sách, đọc truyện, gặp được một quyển sách hay là đọc ngấu nghiến, từ truyện cổ tích cho đến những tiểu thuyết tình cảm, xã hội, trinh thám v.v... bằng tiếng Việt cũng như bằng tiếng ngoại ngữ. Nhờ vậy mà tôi có được một số vốn kha khá về ngoại ngữ. Đó có lẽ cũng là một điểm thuận lợi cho việc viết lách của tôi sau này, bởi vì một người viết văn thường trước hết phải là người đọc văn rất nhiều, cũng như muốn nói một ngoại ngữ trước hết phải tập nghe ngoại ngữ ấy rồi mới nói được.

 

 Nhân duyên đưa đến việc viết lách của tôi có lẽ là đạo Phật. Vào khoảng đầu thập niên 1990, tôi đang rất hứng thú đọc những sách dịch về Đạo giáo của Nguyên Phong, và cảm thấy muốn tìm đọc thêm những sách về tâm linh. Một ngày nọ, đang lang thang trong một tiệm sách cũ, tôi bắt gặp quyển “Sayings of Buddha” bìa đã sờn hết. Kể cũng lạ kỳ, đôi khi dường như mình có một cái duyên nào đó với những vật vô tri vô giác. Duyên nào đưa đến khiến tôi mua quyển “Sayings of Buddha” về nghiền ngẫm để rồi sau đó có cảm hứng muốn dịch lại cho riêng mình để được rõ nghĩa hơn, và từ đó bắt đầu thấy hé mở con đường đi đúng cho mình. Những lúc rảnh rỗi trong sở, hay ở nhà, tôi miệt mài lục tìm trong trí óc những từ ngữ nào thích hợp để dịch cho sát nghĩa, mà không làm câu văn gò bó. Sau đó là quyển “The Tibetan Book of Living and Dying” của Sogyal Rinpoche, tôi cũng say mê dịch suốt mấy tháng trường được hơn nửa quyển rồi bỏ cuộc, khi thấy ni sư Trí Hải đã dịch quyển này và bán ra thị trường. Sau này, một duyên khác đưa đến khiến tôi cầm mãi trong tay quyển sách mầu đỏ “The Zen Teaching of Bodhidharma” ở tiệm sách Barnes & Noble, và khi mua về đọc rồi cũng có cảm hứng muốn dịch lại thẳng từ bản Hán văn trong quyển này sang Việt văn, lấy tựa đề là “Tâm truyền tâm ấn”. Có thể nói, nhờ nghiền ngẫm suốt hai tháng để dịch quyển này, trong sự ngưỡng mộ tột cùng bậc thánh tăng Bồ Đề Đạt Ma, tôi đã được sáng tỏ thêm rất nhiều về lý Đạo, lý Thiền, không chỉ qua ý nghĩa ngôn từ mà còn qua những kinh nghiệm tâm linh.

 

 Cũng trong thời gian này, những cựu sinh viên Việt Nam du học Nhật Bản đã họp lại lập thành một hội, trong đó một tờ báo định kỳ được biên tập vài lần trong năm. Thấy bài vở có vẻ ít ỏi nghèo nàn, tôi cũng nể tình anh hội trưởng cố viết vài bài gởi đăng. Cũng chỉ là những câu chuyện lục lại trong ký ức mịt mù của thời xa xưa đi học, giờ đây cũng nhạt nhòa như những bức ảnh đã đổi mầu. Nhưng đó cũng là một duyên khiến tôi bắt đầu tập sáng tác, và cải thiện hơn bút pháp của mình trong những bài sau này, khi dịch những tác phẩm cũng như khi viết bài, phần lớn là có liên quan về đạo Phật.

 

 Đã hơn mười năm nay kể từ ngày bắt đầu viết, những bài viết đã khá nhiều nhưng còn để tứ tán, đôi khi cũng thất lạc. Cũng có nhiều gợi ý cho tôi về việc ra sách, nhưng tôi vẫn còn ngần ngại khá lâu. Tuy nhiên, để khỏi thất lạc những bài đã viết, tôi quyết định góp lại thành một tuyển tập.

 

 Những bài viết tuyển lựa trong tập này gồm một số bài có tính cách hồi ký, xen lẫn với những bài viết thiên về Đạo. Tất cả chỉ là những góp nhặt cát đá của những chặng đường đã đi qua, ghi lại cho riêng mình như một lưu niệm. Lưu niệm ấy có thể chỉ có giá trị cho riêng tôi, một thành viên nhỏ nhoi trong đám đông vô danh thầm lặng, nhưng nếu có người đọc tới, có thể cũng sẽ được một vài sự đồng cảm nào đó, bởi vì tất cả đều đang trải qua những kinh nghiệm nhân sinh trên vòng quay vô tận của Sinh và Tử.

 

 Cám ơn tình thương và công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, cám ơn những người Thầy và các bậc tiền bối đã khai thị cho tôi trên đường học đạo, những người thân và bạn hữu đã đi cùng với tôi những đoạn đường ngắn hay dài trong cuộc hành trình một kiếp, và cám ơn những duyên tri ngộ đã làm cho bức tranh đời thêm muôn mầu muôn vẻ. 


 

 Ngọc Bảo 

 

Nam Cali, mùa hè năm 2007   

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng