- Coi bói đầu xuân

19 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 10688)


Coi bói đầu xuân

 

 

 Năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến...



 Những ngày đầu xuân, người ta hay chúc nhau những điều tốt đẹp cho năm mới, ai nấy đều mong mỏi một năm mới đến sẽ đem lại một vận hội mới may mắn hơn. Thế rồi không biết tự lúc nào biến thành thông lệ, Tết đến người ta thường hay đi coi bói quẻ đầu xuân, xem vận số mình năm nay ra sao. Những đền chùa đông nghẹt những người, vừa cầu Phật, Thánh gia hộ , vừa xin xâm, xin quẻ để đoán biết tương lai. Đó cũng là một phong tục dễ thương của người dân Việt Nam chúng ta.


 Nếu trong những ngày đầu của tháng giêng âm lịch mà đi đến các vị thầy bói ở Việt Nam, sẽ thấy phòng khách của họ la liệt người ngồi đợi, chẳng khác gì một phòng mạch bác sĩ vậy. Khác với những dịch vụ ở Mỹ, tuy họ không quảng cáo gì cả, nhưng vẫn có khách đến thường xuyên, và nhiều khi còn có những khách hàng trung thành lui tới nhiều lần. Nhất là những năm sau 1975, tuy bị chính quyền dẹp bỏ về cái tội “mê tín dị đoan” nhưng phong trào coi bói lại có vẻ lên mạnh, có lẽ vì càng ở trong một hoàn cảnh bất trắc, người ta càng muốn tìm đến một điều gì có thể đem lại niềm tin. Đôi khi người ta quá tin tưởng ở số mệnh đến nỗi xem quý vị thầy bói như những “quân sư” và đặt mọi quyết định trên những lời đoán của các vị này.


 

 Nếu muốn tự mình tìm hiểu khoa bói toán, cũng có rất nhiều sách vở để nghiên cứu. Nào là “Số mệnh trong lòng bàn tay” để dậy coi chỉ tay, hay những sách dậy bói bài, bói Tarot... Xem tử vi thì có “Tử vi đẩu số”, “Tử vi hàm số”, xem tướng thì “Nhân tướng học”, “Ma Y Thần tướng”... và học đoán quẻ thì có Kinh Dịch v.v...


 Xem tử vi tưởng như là dễ, nhưng lại khó vô cùng, vì chỉ theo đồ biểu mà ai cũng có thể vẽ ra một lá số tử vi được, nhưng cách giải những sao, với vị trí, âm dương ngũ hành và ảnh hưởng của sao nọ lên sao kia, phải có nhiều kiến thức và kinh nghiệm cần học hỏi nơi những người thông thạo, như tất cả các môn học đều phải có thầy chỉ dẫn. Và cũng như tất cả các môn học, muốn quán triệt môn nào cũng phải có một năng khiếu nào đó, một sự thích hợp của riêng mình mới được. Nói chung, lý thuyết là một chuyện, nhưng khi thực hành thì phải có sự lượng định, nhận xét uyển chuyển của riêng mình. Tuy nhiên, vì tử vi là một khoa học, nên dựa trên những yếu tố thuần lý để đoán biết vận số của con người, mà cuộc đời con người không chỉ dựa trên những gì có thể kiểm chứng được mà còn chịu sự chi phối bởi những yếu tố không thể đo lường được, trong đó cái hiển nhiên nhất là luật nhân quả. Cung phúc đức của mỗi người không chỉ dựa trên phúc đức được hưởng từ cha mẹ, mà còn ở nơi phúc đức của mình tự tạo ra, hay nói đúng hơn là tùy theo “nghiệp” của mỗi người, nên không thể nào là một yếu tố bất biến được. Do đó, dù có tính khoa học như tử vi, hay do sự sắp xếp của quẻ mà lý đoán như bói bài, bói dịch, sự giải đoán cũng chỉ là tương đối. Một lá số hay một quẻ số thường chỉ đưa ra một cái khung, một chỉ dấu để nương vào đó mà giải đoán, có thể áp dụng cho bất cứ ai cũng được. Nhưng số mệnh của mỗi người không ai giống ai, và nét đặc thù của riêng mỗi người chỉ có thể thấy được nơi đường chỉ tay và tướng mạo.


 

 Trong sách tướng, có một câu thật thâm thuý khiến ta phải suy nghĩ, cũng là cốt yếu của thuật coi tướng, đó là câu: “Tướng tùy tâm sinh, tướng tùy tâm diệt.” Tâm con người không chỉ ẩn tàng, mà còn luôn luôn hiển hiện ra nơi hình tướng bên ngoài. Thật vậy, trên thế giới này có bao nhiêu tỉ người, nhưng không có ai giống ai cả, kể cả những người song sinh cũng không thể hoàn toàn giống nhau được. Cái gì đã khiến cho con người khác biệt nhau như vậy? Chính là bởi vì tâm con người không có ai giống ai. Từ lúc sinh ra cho đến lúc chết, mỗi người đều có những kinh nghiệm của riêng mình, mà dù có thân thương đến đâu cũng không ai có thể chia xẻ hoàn toàn được. Như người uống nước nóng lạnh tự biết nóng lạnh, kinh nghiệm của mỗi người với những tâm tư tình cảm cá nhân chỉ riêng người ấy cảm nhận được thôi. Những huân tập cá nhân ấy được vẽ lên nơi tâm của mỗi người và hiển lộ nơi thân của chúng ta. Từ cái Không hình tướng mà sinh ra cái Có hình tướng, và cái Có hình tướng ấy lại biểu hiện cho cái Không hình tướng. Sắc chính là Không, và Không cũng chính là Sắc. Coi tướng không phải chỉ là coi bề ngoài của cái có hình tướng, mà còn phải thấy được cái không lộ ra hình tướng. Tất cả những cái lộ và không lộ ra tướng ấy đều biểu hiện Tâm của con người. Có những điều không thể vẽ ra được nhưng có thể nhận thấy được qua phong thái, cung cách, ánh mắt hay giọng nói, qua nét mặt, cử chỉ mà người tây phương còn gọi là “body language” hay là ngôn ngữ của thân. Chính trong ngôn ngữ không lời ấy mà người ta biểu lộ tính khí thực sự của mình. Vì vậy, coi tướng đúng nghĩa là dựa vào những gì bên ngoài mà nhìn thấy được cái bên trong của người khác và qua đó mà đoán được vận mệnh của người ấy, bởi vì vận mệnh con người không ở đâu khác hơn là do tâm tạo ra. Vận mệnh khi đến thời thường biểu hiện qua sắc khí trên mặt, tựa như quả đến lúc chín thì đổi mầu vậy. Sắc khí thường hiển hiện rõ ràng nhất khi con người có sự thay đổi về sức khỏe, còn những sắc khí khác báo hiệu sự thay đổi trong công danh, tài lộc hay tai ách thì tế nhị hơn, phải có con mắt chuyên môn mới thấy được. Bộ mặt con người được coi như một lá số tử vi sinh động, trên đó có những vùng ứng vào các cung khác nhau, như cung Mệnh ứng vào khu vực ấn đường ở giữa hai lông mày, cung Tài bạch ứng vào mũi, cũng là cung Phu của nữ giới v.v... Nhưng cũng như tất cả những gì vô thường, vận mệnh cũng biến đổi khi tâm biến đổi và do đó những nhân duyên thay đổi theo. Từ thiện qua ác, từ ác qua thiện, chủng tử từ đó huân tập và gập đủ nhân duyên sẽ kết thành những cơn gió nghiệp. Gió nghiệp không chỉ tác động lên một cá nhân mà còn có ảnh hưởng dây chuyền đến những người liên hệ. Con người không ai là hiện hữu một mình và biệt lập. Trong tương quan chằng chịt giữa cá nhân và cá nhân, vận mệnh của những người chung quanh đều ảnh hưởng lên chúng ta, và ngược lại, vận mệnh của cá nhân ta cũng ảnh hưởng lên họ. Từ ảnh hưởng trực tiếp của gia đình, chúng ta chịu ảnh hưởng vận mệnh của xã hội, của quốc gia đang sinh sống. Thế giới Hoa Nghiêm của mọi sự phản chiếu trong nhau không hiện hữu ở nơi xa xôi nào, mà chính ngay ở đây, trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Điều đó cũng được khoa Tử vi trình bầy rõ ràng trong sự tương quan mật thiết của các cung và sao đối chiếu lẫn nhau.

 


 Có một số người có khả năng đặc biệt có thể tiên tri được những điều đã qua hay sắp tới. Cái đó thường được gọi là “giác quan thứ sáu” hay trực giác. Thực sự ra tất cả mọi người đều có khả năng đó, nhưng ít khi khai triển được, vì thông thường chúng ta hay bị chi phối bởi năm giác quan của vật chất là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và phần tinh thần của ý theo như lục căn của đạo Phật. Chỉ khi nào sáu căn này trở nên vắng lặng, trong sáng, không bị những hiện tượng bên ngoài thu hút, làm cho nhiễu loạn, còn gọi là trạng thái của “lục thông” thì trực giác được khai mở, phát sinh trí huệ. Những vị chân tu đạt đạo thường có trí tuệ thông suốt, còn được gọi là “thần thông”, có thể thấy được quá khứ vị lai của người khác, kể cả những kiếp trước như thế nào. Đó là bởi vì họ đã thấy được tâm người khác và do đó biết được nghiệp của người ấy ra sao.


 

 Xưa kia những bậc học giả thâm nho, có kiến thức uyên bác về Dịch Lý thường có thể tiên đoán được vận mệnh của con người, hơn thế nữa còn biết cả thiên cơ, vận mệnh của một quốc gia. Dịch lý, còn được gọi là Đạo Dịch, là cả một triết lý thâm sâu đưa ra những nguyên lý giải thích những hiện tượng vận hành của vũ trụ và con người. Con người sinh ra từ vũ trụ, kết tinh từ khí thiêng của trời đất, của âm dương ngũ hành mà hợp thành, nên những gì có trong vũ trụ cũng có trong con người. Nói cách khác, con người là cả một vũ trụ nho nhỏ. Từ vô thủy tới nay, vũ trụ vận hành trong những chu kỳ vô tận, và con người cũng vận hành như vậy. Trong những sự vận hành ấy, mọi sự đều đổi mới, biến dịch liên tục, không có cái gì là đứng nguyên một chỗ. Từ cái gốc chung Nhất Nguyên (Thái Cực) phân ra hai phản lực Nhị Nguyên, gọi là Lưỡng Nghi hay Aâm Dương. Thái Cực sinh Lưỡng Nghi, được biểu thị bằng một vạch ngang, gọi là hào, vạch liền tượng trưng cho Dương, vạch đứt tượng trưng cho Aâm. Lưỡng Nghi hay Aâm Dương lại sinh ra Tứ Tượng với hai hào (Thái Aâm, Thiếu Aâm, Thái Dương, Thiếu Dương), và Tứ Tượng sinh ra Bát Quái với ba hào (Càn, Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn). Bát quái này kết hợp với nhau mà sinh ra 64 trùng quái (2 quái chồng lên nhau) với sáu hào, chỉ cho những trạng thái vận hành trong vũ trụ ứng vào thời thế cũng như trong đời người. Căn bản sinh ra các quái này, tức là mọi hiện tượng, vẫn là hai gốc Aâm và Dương. Aâm Dương hợp nhau lại mới sinh hóa được, cho nên có câu “Nhất Aâm Nhất Dương chi vị Đạo.” Nhưng khi đi ngược trở về gốc của Aâm Dương, sẽ thấy hai gốc này tuy đối lập với nhau nhưng lại đồng một tính với nhau, vì đều do một bản chất Nhất Nguyên mà ra. Trong cái Aâm đã hàm sẵn cái Dương, và trong cái Dương đã hàm sẵn cái Aâm. Trong Tịnh đã có gốc Động, và trong Động đã có gốc của Tịnh. Dù có trải qua bao nhiêu cuộc sinh hóa, bản chất của gốc Nhất Nguyên vẫn tiềm tàng ở đó không thay đổi. Cái Không sinh diệt nằm ngay nơi cái Có sinh diệt. Và khi hết vòng sinh diệt thì lại trở về với cái không sinh diệt. Đi ngược lại trở về gốc Nhất Nguyên cũng là hoàn thành cái vòng của Đạo Dịch. Biểu tượng của Dịch là một vòng tròn không có khởi đầu, không có chấm dứt, trong đó có hai phần âm dương với gốc âm trong dương, và gốc dương trong âm, tuy chia hai mà vẫn là một. Cái vòng Đại Hóa Lưu Hành ấy theo Dịch gọi là Thành, Thịnh, Suy, Hủy, tương đương với Thành, Trụ, Hoại, Không của đạo Phật. Dịch lý chính là nguyên tắc của sự vô thường. Một quẻ Dịch vẽ ra một trạng thái, một tình huống khởi đầu từ một trạng thái trước đó và sẽ biến hóa thành một trạng thái khác kế tiếp. Cái nhân sinh ra cái quả và trong quả đã hàm sẵn cái nhân. Con người thường hay mong được Phúc và sợ phải bị Họa, nhưng Phúc và Họa đều vô thường, và trong cái Phúc thường đã ẩn sẵn mầm Họa và trong cái Họa lại ẩn sẵn mầm của Phúc. Mọi hiện tượng khi lên đến cực điểm của nó đều sẽ đi xuống. Người Tây phương có câu: “What goes up must come down”; Đông phương cũng có câu :”Phước bất trùng lai, Họa vô đơn chí”, và trong Dịch nói: “Cùng tắc biến, biến tắc thông.” Tất cả đều qua một quá trình của nhân quả trùng trùng kế tiếp nhau. Cho nên người xưa hiểu đạo thì chấp nhận nhân quả và sống tùy duyên, Họa Phúc đều coi như bóng chim qua mặt hồ, dù ở trong hoàn cảnh nào, hạnh phúc hay đau khổ, cũng vẫn tự tại như thường. Khi đã biết bản chất của mọi hiện tượng thì không còn bị hiện tượng mê hoặc nữa.


 

 Khoa bói toán nếu chỉ nghiên cứu một số lý thuyết mà không biết nương vào đó tu tâm sẽ không thể nắm được tinh hoa của nó, mà còn có thể đi vào mê lộ. Thế giới này tuy muôn mầu muôn vẻ, con người thiên hình vạn trạng nhưng bản chất đều từ một nguồn gốc Nhất Nguyên mà ra, nên muốn hiểu được tâm người, trước hết phải hiểu được tâm mình. Các vị tướng số tài ba khi hiểu được vận mình, vận người thì thường không ngã mạn, mà còn kính sợ những lực vận hành thiêng liêng của trời đất. Đối với những người bình thường chúng ta, hoàn cảnh trước mắt là rất thật, nên thường có tâm trạng hoặc muốn bám víu, hoặc muốn thoát ra. Coi bói để tìm cách trấn an những ước vọng thầm kín của mình chỉ là sự giải trí không hơn không kém. Nhưng nếu nhờ coi bói mà tự kiểm điểm và quán xét lại bản thân, rút tỉa ra những bài học từ kinh nghiệm quá khứ để làm nền tảng cho sự cải thiện tương lai, thì điều đó sẽ đem lại lợi ích. Một năm mới với vận hội mới sẽ đến cho người biết buông bỏ và chấp nhận sự thay đổi, hơn là cho người chỉ chấp chặt lấy những gì đã qua.


 

(Mùa đông năm 2002)  

 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng