- Vài suy nghĩ về Giới Hạnh

20 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 9311)

 

Vài suy nghĩ về Giới Hạnh


 Nhân đọc một bài viết nói về câu chuyện của một vị ni sư suốt đời sống đạm bạc, đến khi gần trút hơi thở cuối cùng chỉ ước được ăn có một bát cơm với nước mắm, mà thân nhân còn lo mải tranh luận phải trái nên đến lúc chết vẫn không được thỏa mãn ước muốn cuối cùng ấy, tôi không khỏi có đôi điều suy nghĩ, ngậm ngùi cho thân phận của một vị tu sĩ đã bỏ cả một đời để đi trên một con đường hướng thượng, nhưng lại không thấy được cứu cánh, để rồi chung cuộc không cưỡng lại được cái ước muốn tầm thường nhất của một thân phàm tục. Rất mỉa mai, nhưng cũng rất thực. Bởi vì chỉ có những người ở trong hoàn cảnh mới hiểu được những tình huống đó.


 

 Chúng ta cũng biết, xuất gia hay không, con người vẫn còn là con người, và khi còn mang thân tứ đại này, thì còn bị chi phối bởi thân ấm, với những cảm giác rất thực của sáu căn gập sáu trần. Vì vậy, người tu phải chiến đấu không ngừng để điều ngự sáu căn thức, ngăn không cho chúng biến thành sáu tên lục tặc đưa người vào mê lộ. Hiện nay, vấn đề phạm giới của các vị tu sĩ trong nhiều tôn giáo càng ngày càng được nói đến nhiều, khiến các tín đồ không khỏi chán ngán và mất lòng tin nơi những người được giao cho nhiệm vụ chăn dắt đó. Dưới con mắt những tín đồ bình thường của Phật giáo, người tu sĩ khi đã xuất gia phải có đủ Bi, Trí, Dũng để đi ngược lại dòng nước của thế gian, cho nên việc giữ gìn giới luật là một lẽ đương nhiên, và mới được sự kính trọng của tín đồ. Nhưng cũng có những quan niệm cởi mở cho rằng nên cải tổ lại những điều ngăn cấm cho hợp với thời đại hơn, như cho phép các vị tu sĩ có quyền có gia đình giống các mục sư của đạo Tin Lành, nếu họ không muốn sống độc thân. Hiện tượng “tân tăng” có gia đình đã xuất hiện trong những nước như Nhật Bản, Đại Hàn từ nhiều năm nay.


 Thực sự ra , nếu xét quá trình của Phật giáo , việc các nhà sư có gia đình không phải là chuyện lạ. Có những vùng quê ở Việt Nam người ta còn kiếm vợ cho vị sư để ông ta yên tâm lo việc lễ bái, cúng tế cho xóm làng. Vì vậy mới có câu: “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Dưới các triều đại xưa kia ở nước ta, tăng sĩ tham gia việc triều chánh, có những kỳ thi để tuyển các “tăng quan”, và có những trường hợp trong gia đình có đến mấy đời làm tăng quan. Đối với người đang tìm hiểu về Phật pháp, không khỏi tự hỏi như vậy có đi ngược lại với chủ trương của Đức Phật không. Câu hỏi này cho tới nay cũng khó có câu trả lời thỏa đáng, vì tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu mà có những việc trái với nguyên tắc nhưng vẫn được chấp nhận. Hiện nay, xã hội văn minh vật chất với những nhu cầu và cám dỗ càng ngày càng nhiều khiến ít có người nào muốn từ bỏ tất cả để sống một đời khổ hạnh, thiếu thốn mọi thứ để đi theo một con đường lý tưởng cao siêu tưởng như ngoài tầm tay với của con người. Đạo Phật với tính cách phóng khoáng của nó đã có những sự thay đổi âm thầm trong một số nước. Ở Nhật Bản và Đại Hàn, những tăng sĩ có thể lựa chọn hoặc xem việc đi tu như một nghề nghiệp tôn quý, có thể có gia đình mà vẫn hành đạo, hướng dẫn tâm linh cho mọi người, hoặc sống đời thanh tịnh theo con đường truyền thống của một Tăng sĩ xuất gia. Ngay cả một nước sùng mộ đạo Phật như Tây tạng cũng chấp nhận cho Tăng sĩ được có gia đình và ăn thịt, chỉ vì nhu cầu và hoàn cảnh đòi hỏi như vậy. Nhưng nói cho cùng, giác ngộ tính bản lai không phải do tu giới hạnh mà thành được, mà chỉ là nhận ra cái đã sẵn có nơi mình. Cho nên dù cư sĩ hay tu sĩ, ai cũng có thể giác ngộ; vị cư sĩ nổi tiếng nhất mà ta được biết là Duy Ma Cật, người có trí tuệ sánh ngang Văn Thù Bồ Tát, và đáng là bậc thầy của các đại đệ tử của Phật như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên v.v.. Ở Việt Nam, chúng ta có Tuệ Trung Thượng Sĩ đời nhà Trần, và ở Trung Quốc gia đình cư sĩ Bàng Long Uẩn đã là những tấm gương sáng chói lưu truyền hậu thế.


 

 Tuy nhiên, giác ngộ chỉ là bước đầu tiên, sự thông hiểu nghĩa lý của đạo (Lý) phải đi đôi với sự ứng dụng thực hành trong hoàn cảnh thực tế (Sự). Tu chính là tự chuyển hóa thân tâm để khế hợp cái học với cái hành. Và theo luật nhân quả, tu quả nào thì được quả đó, cho nên những vị tu sĩ vừa sống đời thế gian và xuất thế gian sẽ có đạo quả khác với những vị hoàn toàn dâng hiến đời mình cho mục tiêu giải thoát sinh tử. Theo giáo lý của đạo Phật, nguyên do chính khiến con người phải tái sanh nhiều lần trong những kiếp luân hồi là ở nơi nhữngï ràng buộc nghiệp quả của lòng ái dục mà ra, và khi nào chưa đoạn hết duyên trần, con người vẫn còn phải lẩn quẩn trong cái vòng vay trả trả vay đó. 


 Xét về vấn đề giới luật mà Đức Phật đã đề ra, ngài đã rất chu đáo và tỉ mỉ nghĩ ra tất cả những gì có thể được để bảo vệ các đệ tử khỏi rơi vào sự lầm lạc, nhưng hoàn cảnh sống hiện nay đã khác xa thời ngài còn tại thế, nên có những điều nên sửa đổi cho thích hợp với thời đại. Tuy nhiên, những giới luật căn bản, như ngũ giới của phật tử quy y, hoặc thập giới của giới xuất gia, là không nên thay đổi, vì đó là nền tảng để đưa người vào chánh đạo. Những giới luật căn bản không đặt ra để phán xét hay thưởng phạt, mà dựa trên quy luật nhân quả; vì chúng sinh si mê lầm lạc nên Đức Phật đã phải đưa ra những cái rào cản để hướng chúng ta từ chỗ tối tăm theo về con đường sáng, ra khỏi mạng lưới bủa vây của ác nghiệp để từ từ tiến tới chỗ giải thoát luân hồi sinh tử. Một đệ tử chân chính của Phật khi đã phát nguyện đi theo bước chân ngài, phải đi đúng con đường của ngài đã chỉ ra thì mới tới nơi tới chốn được. Tuy nhiên, nếu cho giới luật tức là Đạo thì chẳng khác nào chỉ nhìn thấy ngón tay mà không thấy mặt trăng. Giới luật chỉ cần thiết khi nào tâm con người còn si mê, còn không thấy rõ nhân quả mà phạm vào lỗi lầm. Nhưng khi tâm đã sáng tỏ, thanh tịnh rồi thì đâu cần phải nhờ vào giới luật mớiø giữ mình được. “Thời thái bình cửa thường bỏ ngỏ”, nếu không có tâm tham thì đâu cần phải răn giới trộm cắp.. Cho nên các vị chân tu đạt đạo rồi thì không cần chấp vào giới mà vẫn không phạm giới, đối cảnh không khởi niệm phân biệt thì làm gì có nghiệp khởi.


 Có một câu chuyện thiền của Nhật Bản kể lại chuyện hai vị sư , một sư huynh đã lớn tuổi, và một sư đệ còn trẻ, đi đến một giòng sông nước chẩy xiết. Muốn qua bờ bên kia, chỉ có cách lội sông mà thôi. Lúc ấy có một cô gái trẻ đẹp cũng đứng bên bờ, muốn qua mà sợ hãi không biết làm sao qua được. Vị sư huynh lớn thản nhiên cõng cô gái lên và lội nước đi qua. Sang đến bờ bên kia rồi, sư huynh thả cô gái xuống và lại tiếp tục đi. Sư đệ trong lòng rất khó chịu, thầm nghĩ tại sao sư huynh mình lại phạm giới như vậy. Về đến chùa, sư đệ không dằn được, hỏi rằng:


- Tại sao sư huynh lại làm như vậy, chẳng phải là phạm sắc giới sao?


Sư huynh đáp:


- Ta đã bỏ cô gái đó lại bên bờ sông rồi, sao đệ còn đem cô ấy về đây?


 

 Câu chuyện này cho thấy sự phóng khoáng của vị sư huynh, chứng tỏ ông đã thấu tỏ được bản chất tánh Không trong mọi sắc tướng, thấy rõ sự vô ngã của mình và người nên tuy “hành” mà vẫn là không “hành”, thấy việc cần làm lúc nào thì làm màø không vướng mắc nơi bất cứ điều gì.


 Như thế, mục tiêu trước hết của Phật đạo phải là giác ngộ, và khi giác ngộ rồi thì phương tiện chỉ là phương tiện, là cái bè qua sông mà thôi. Đạo Phật giải quyết những vấn đề cơ bản của con người, vấn đề sinh, lão, bệnh, tử; đối tượng nghiên cứu của đạo Phật là Tâm con người, mà Tâm con người xưa nay vẫn thường bị chi phối bởi những cái yêu, ghét, tham, sân, si, mê, ngộ v..v.. căn bản như nhau, không vì thời gian và không gian mà thay đổi tính chất. Vì vậy, tuy có thể theo hoàn cảnh xã hội, theo căn cơ của đối tượng mà tùy duyên thuyết pháp, nhưng những nguyên tắc căn bản của đạo Phật như Từ Bi, Vô Ngã v.v.. vẫn là bất biến. Vai trò của một tu sĩ hướng dẫn người khác tu tập là quan trọng vô cùng, vì nếu người đó đi sai lạc sẽ khiến vô số nguời có tâm đi tìm Đạo bị mất hướng theo.

 


 Nhìn vào hầu hết các tôn giáo, ta thấy đó thường là một sự đấu tranh vô tận giữa cái “thiện” và cái “ác”. Nhưng quan niệm Thiện và Aùc thường là phiến diện và chủ quan, nên đôi khi người ta nhân danh cái “thiện” mà hành động không khác gì “ác” để diệt “ác”. Đạo Phật dựa trên quy luật nhân quả cho những hành vi của con người, và vượt lên trên sự đối đãi phân biệt của “thiện” và “ác” để đi thẳng vào gốc rễ của chúng là xuất xứ từ “Không” mà ra. Do đó các vị Phật và bồ tát xưa nay không hay “diệt” mà chỉ hay “độ”. “Độ” không chỉ có nghĩa là độ cho người, mà còn bao hàm sự “tự độ” với chính mình. Con đường Phật đạo có vô số quả vị, nào là Bích Chi Phật, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ tát, A La Hán v.v…chẳng phải vì Đức Phật đặt ra, mà do nơi tâm của người ấy tri và hành được tới đâu mà có sai biệt. Công đức của một vị tu sĩ không thể đo lường được, nhưng có thể nhận thấy qua sự đạt lý và sự viên dung tới đâu trong cách sống và lối hành xử. Nếu giảng pháp thao thao bất tuyệt, nghe rất là hợp tình hợp lý, mà trong tâm còn đầy tham sân si, còn chấp tướng, chấp ngã, không coi ai trên đời bằng mình, thì sẽ được quả vị gì?


 

 Đạo Phật tồn tại nhờ tam bảo Phật, Pháp, Tăng. Phật là cứu cánh, Pháp là con đường để đi đến cứu cánh, và Tăng là người chỉ đường. Hiểu theo nghĩa hẹp, người chỉ đường (Tăng) là người đã tự nguyện rời bỏ hết mọi ràng buộc của đời sống thế tục để chuyên tâm vào một mục đích giải thoát duy nhất, tự độ, độ tha, tự giác, giác tha. Vì vậy các vị tăng sĩ thường thường được các tín đồ kính trọng, đặt vào địa vị cao quý. Nhưng hiểu theo một nghĩa rộng lớn hơn, Tăng là người hiểu rõ được Phật, Pháp và thực hiện được tri hành hợp nhất. Thực sự ra, Phật Pháp Tăng đều có sẵn ở nơi mỗi người chúng ta, nhưng khi chưa tỏ ngộ thì còn phải nhờ đến Tăng ở ngoài để khai ngộ cho Tăng ở trong. Ngày xưa người ta phải trèo non vượt biển, trải qua biết bao nhiêu gian khổ để đi tìm thầy học đạo. Nhưng bây giờ phương tiện thông tin tân tiến, các ấn bản kinh sách, băng giảng được phổ biến rộng rãi, không kể mạng lưới internet trải rộng khắp nơi trên thế giới, khiến cho bất cứ một vị Thầy nào cũng có thể truyền bá những bài giảng của mình. Nhưng vị Thầy chân chính nhất có lẽ là một vị thầy đưa người ta tìm về được vị Thầy riêng của chính mình, đó là Trí Vô Sư đã có sẵn ở ngay noi mình chứ không đâu khác.


 

 Thế giới hiện nay có lẽ đang ở trong thời tận mạt pháp, bởi vì chưa bao giờ những tội ác vượt ngoài sức tưởng tượng của con người lại xẩy ra nhan nhản như vậy. Ma vương lộng hành khắp nơi, trong gia đình cũng như ngoài xã hội, nơi học đường, thậm chí cả trong những nơi tôn nghiêm như các cơ sở tôn giáo. Nhưng chính trong sự bất an và đau khổ của ác nghiệp trùng trùng, mà con người bắt đầu thức tỉnh và muốn đi tìm sự bình an thực sự cho tâm hồn. Con người thời nay rất khoa học và thực tiễn, mang nhiều hoài nghi đối với những gì huyền bí và hoang đường, nhưng cũng rất nhậy cảm với những vấn đề tâm linh. Họ không sẵn sàng chấp nhận những giáo lý khi chưa thấy sự hợp tình hợp lý trong những giáo lý đó, thích hợp với tinh thần “văn, tư, tu” của đạo Phật. Tuy nhiên, trong thời buổi chánh tà lẫn lộn này, người ta cũng dễ bị những kẻ không chân chính đưa vào mê lộ. Một giáo lý nhân bản như của đạo Phật với tinh thần “vô ngã” và chủ trương “đoạn phiền não” bằng cách đi thẳng vào gốc của phiền não là một con đường chính đáng thích hợp với mọi thời đại. Hiện nay trong xã hội của các nước Âu Mỹ, đạo Phật đã được nhìn với con mắt kính nể và ngưỡng mộ nhiều hơn trước, đặc biệt là trong giới trí thức. Hơn bao giờ hết các cơ sở Phật giáo phải tùy theo điều kiện và nhu cầu của nơi ở mà hoằng dương chánh pháp theo tinh thần “tùy duyên bất biến”, nhất là với những người đã có tâm tìm đến. Ngưỡng mong quý vị tăng ni và thiện tri thức của Phật giáo Việt Nam luôn luôn thường tinh tấn, y giáo y pháp theo con đường Đức Thế Tôn đã chỉ dạy để dẫn dắt mọi người đến nơi an lạc, tỉnh giác.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng