- Bay theo gió nghiệp

20 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 9339)



Bay theo gió nghiệp

 


 Con mèo có Phật tính hay không?

 


 Con mèo nằm trong tay Ngọc, đôi mắt xanh tròn xoe mở to ngước lên nhìn Ngọc. Ngọc cúi xuống nhìn nó. Bốn mắt nhìn nhau, không nói nên lời. Thân hình bé nhỏ của nó như run rẩy, có tiếng gù gù như người bị hen xuyễn. Nó sợ chăng? Chắc nó cũng có linh cảm thấy Ngọc không ưa gì nó, và đang có một âm mưu đen tối gì đó. Đúng thực là Ngọc đang có một âm mưu đối với nó. Ngọc đang định đem nó đi bỏ ở Animal Shelter hay bất cứ ở một nơi nào ngoài đường, trong công viên gì đó. Trời tối và lạnh, mưa bụi lất phất bay, Ngọc ôm con mèo đi lang thang trên lề đường. Bên ngoài xe cộ vun vút qua lại, ánh đèn lấp loáng nhập nhòe, ai nấy đều mang trong lòng một nỗi niềm riêng. Nỗi niềm của Ngọc, nỗi niềm của con mèo, ai buồn hơn ai?

 


 Mấy tuần nay nhà Ngọc bỗng xáo động vì sự xuất hiện của một con mèo con. Nó là một “di dân bất hợp pháp” vì không hề có giấy phép nhập cảnh (entry visa) được vào ở trong nhà. Chủ trương của Ngọc, từ trước tới nay, là “No pet allowed” , tuyệt đối không nuôi thú vật trong nhà, vì không phải như bên Việt Nam, nuôi thú vật ở đây đòi hỏi nhiều điều kiện phiền toái đem lại nhiều căng thẳng cho cuộc sống đã vốn sẵn bận rộn. Thế mà nó đã được đứa con gái Ngọc “nhập lậu” vào một cách tỉnh bơ, không kèn không trống. Ngọc vốn không ưa giống mèo, trông chúng có một vẻ gì đen tối, gian xảo, sẵn sàng dương móng vuốt ra bất cứ lúc nào. Đó là không kể mùi ngai ngái rất khó chịu tỏa ra. Hồi xưa ở Việt Nam, nhà Ngọc thường nuôi chó, chẳng bao giờ nuôi mèo. Nhưng có một dạo bỗng nhiên nhà có chuột tung hoành ngang dọc, mấy con chó có vẻ bất lực, chẳng được tích sự gì, nên mẹ Ngọc đem về một con mèo. Từ ngày có con mèo, lũ chuột có vẻ bớt lộng hành, nhưng suốt ngày lại có những tiếng la chói lói nổi lên với sự ăn vụng của con mèo. Mâm cơm để trong lồng bàn, đã chận một chiếc cối đá thật to lên, mà quay qua quay lại đã bị hất tung, đồ ăn vung vãi hết. Mấy con chó gầm gừ, suốt ngày cắn lộn, tiếng mèo chó cãi nhau chí chóe thành một điệu nhạc giao hưởng chói tai giữa trưa hè nắng chang chang của Saigon.

 


 Xưa kia lúc còn bé, Ngọc thường hay thắc mắc trước khi sinh ra mình ở đâu. Nhưng chẳng bao giờ tự hỏi tại sao mình lại được cha mẹ sinh ra trong gia đình này, chứ không phải gia đình khác. Có lẽ chúng ta ai cũng chấp nhận con người hiện tại của mình, coi đó là một điều đương nhiên, ít khi nào nghĩ rằng mình có thể là một con người khác. Ai cũng nghĩ mình là độc nhất vô nhị trên cõi đời này; nếu chẳng may có lúc nào gặp một người giống hệt như mình, chắc sẽ cảm thấy hãi hùng vô cùng. Nhưng trái đất này có biết bao tỉ người, mà chẳng ai giống ai; mỗi người là một thế giới riêng, với hình dạng, tính tình, tư tưởng, hoàn cảnh và số phận riêng. Cái gì đã đưa đến sự khác biệt giữa con người như vậy?

 

 


 Vì Nghiệp Thức che đậy...

 


 Nghiệp được đem ra để giải thích cho số phận con người, cho những khuynh hướng và cách hành xử cá biệt của mỗi người. “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác”; Nghiệp gắn liền với nhân quả, là một cái lý để răn đe con người phải sống cho có đạo đức. Nghiệp nào đã đưa con mèo sinh làm kiếp mèo, nghiệp nào đã đưa Ngọc như ngày nay? Làm sao giải thích được chữ Nghiệp? Chúng ta theo nghiệp sanh ra, rồi lại tạo nghiệp và bị nghiệp chi phối, như một con nhện giăng tơ và tự nhốt mình trong mạng lưới giăng mắc đó. Tất cả những gì chung quanh ta, từ những người thân trong gia đình cho đến những người có tương quan như bạn bè, quyến thuộc, bạn đồng nghiệp v.v... đều có một liên hệ nghiệp quả với ta. Nói đến bạn đồng nghiệp, trong một nghĩa nào đó đúng là những người cùng “nghiệp” với ta. Những con người xa lạ, hoàn toàn khác biệt từ hình dáng cho đến tính tình, chủng tộc, văn hóa, gia cảnh v..v... bỗng dưng đến với nhau mỗi ngày, từ sáng sớm cho đến chiều tối, cùng giao tiếp, cùng lo một vấn đề như nhau. Trong sở làm là cả một thế giới riêng mà ta phải đối đầu mỗi ngày, cho ta những lúc vui, lúc buồn, lúc phấn khởi, lúc chán chường ... Mỗi con người có biết bao nhiêu bộ mặt trong ngày, bao nhiêu vai trò trong ngày, chẳng biết đâu là con người thực sự của mình. Có lẽ chỉ có lúc một mình ngồi đối diện với mình, không còn một vướng mắc gì trong tâm, mới có thể trở về với con người thực sự.

 

 Quy y trọn một niệm

 Dứt sạch nghiệp ba kỳ

 


 Nhưng chúng ta sống trong nghiệp thức, như những con thiêu thân luôn chạy theo tiếng gọi của sắc thanh hương vị xúc pháp, đi tìm một phút huy hoàng mong manh nào đó mà quên đi chính mình. Cuộc đời con người như chiếc thuyền nan trôi theo giòng nước, chẳng biết mình từ đâu tới, rồi sẽ đi về đâu. Nghiệp lực nào đã đưa chúng ta đến những lối suy nghĩ, những cách hành xử, đối đãi, nói năng mà chúng ta không tự chủ, không điều khiển được. Chúng ta sống trong nghiệp mà ít khi biết mình đang ở trong nghiệp, tạo nghiệp mà không biết mình tạo nghiệp, sướng mà không biết tại sao sướng, khổ mà không biết tại sao khổ. Cuộc đời cứ thế qua đi như trong cơn mê... Đôi khi sực tỉnh một chút trước những phiền não của cuộc đời, cũng có những ý tưởng ước sao được tự do như chim trời, như mây bay...

 

 Kiếp sau xin chớ làm người

 Làm cây thông đứng giữa trời mà reo

 


 Văn phòng của Animal Shelter đã đóng cửa, Ngọc đi vòng ra phía sau, nơi có bãi đậu xe còn lác đác vài chiếc xe. Màn đêm hắt hiu, sương xuống ướt lạnh, ánh đèn vàng vọt tỏa sáng một góc sân từ khu nhốt thú vật với những chuồng thấp có mái bằng. Qua hàng rào lưới sắt, tiếng chó sủa vang rân không dứt. Nhân viên trực cho biết muốn đem mèo đến đây phải đóng $52, và họ sẽ giữ con vật trong 4 ngày trong khi chờ đợi có người đến xin nuôi. Nhưng hiện nay đã có đến 200 con mèo chưa có ai nhận, nên triển vọng kiếm người nuôi rất mong manh. Số phận của những con vật vào đây có lẽ cũng hẩm hiu như những người tù đi vào cõi chết, mười phần không biết có thoát được một không.


 Ngọc lại lủi thủi ôm con mèo đi. Đặt nó xuống đất, con mèo tung tăng chạy đi, Ngọc cố ý bước nhanh để nó đừng đi theo. Đã tính ra về, lại thấy không yên, Ngọc quay lại tìm nó. Nó đang ngồi yên một chỗ, chiếc bóng bé nhỏ cô đơn in trên nền trời đêm, giữa khu đất trống rỗng bao la không một bóng người. Ngọc bỗng chạnh lòng, nghĩ đến số kiếp phong ba đang chờ đợi nó, nghĩ đến đứa con gái; trong lòng thấy bứt rứt, phải chăng đây là Ngọc đang tạo nghiệp?

 


 Tác động nhân quả của nghiệp là hai chiều, có ảnh hưởng trực tiếp và trước hết đến chính người đang tạo nghiệp. Cho nên ngay khi nghiệp vừa tạo, dù quả chưa tới, người ấy cũng có những cảm giác hoặc khó chịu, hoặc bất an, hoặc vui sướng, nhẹ nhàng trong tâm. Như thế, chính chúng ta chủ động tạo ra phiền não hay an lạc cho mình, qua mạng lưới nghiệp mà ta làm chủ, sở hữu và kế thừa.

 


 Đi không rồi lại về không, con mèo đâu lại hoàn đó; nhưng tối hôm ấy Ngọc ngủ nhẹ nhàng hơn những ngày trước. Đã bao ngày nay tâm Ngọc xao động với hoàn cảnh trước mắt, với những điều muốn và không muốn, những gì làm được và không làm được. Rốt cuộc Ngọc đã chọn giải pháp võ đoán, đem vất bỏ con mèo, vì nó ở đây trái ngược với ý muốn của Ngọc. Nhưng khi thực hiện mới thấy một sinh vật không phải như một món đồ phế thải mà dễ vất bỏ đi được. Trong đời sống có những lúc thật khó khăn khi tâm bị dằng co giữa cái “thiện” và “ác”, giữa cái “lý” và “sự”, giữa những điều mong muốn và hoàn cảnh thực tế. Đem con mèo về nhà lại, vấn đề của Ngọc vẫn chưa giải quyết xong, nhưng hôm đó Ngọc đã nhận ra được một điều: không thể chọn một giải pháp nhẫn tâm, khi Ngọc còn thấy con mèo cũng có một linh giác nào đó. Điều quan trọng hơn nữa là, Ngọc nhận ra một vấn đề đến với chúng ta như thế nào là được đánh giá hoàn toàn trên cảm quan của chúng ta đối với vấn đề đó, và những cảm quan là vô thường, biến đổi như tất cả những gì vô thường, biến đổi. Những cơn gió nghiệp thổi tới làm chơi vơi, chao đảo con thuyền nan lênh đênh trên biển ái hà, nhưng những cơn gió nghiệp ấy tự nó không phải là phiền não, mà chính thái độ của con người đối trước vấn đề mới đem lại phiền não. Một hoàn cảnh giống nhau có thể đến với nhiều người, nhưng tùy theo cái nhìn của mỗi người mà mức độ phiền não được cảm nhận khác nhau.


 Làm sao dứt được phiền não? Chỉ khi nào thấm thía được thật sự tính huyễn hóa trong sự hiện hữu của chính mình cũng như của mọi hiện tượng mới thấy được phiền não vốn bản chất cũng là không.

 

 Phiền não nhân tâm nên có

 Tâm không phiền não ở đâu?

 


 Trong khoảnh khắc không lặng của một tâm dừng niệm khởi, những ý tưởng phiền não bỗng tiêu tan không để lại một dấu tích. Tất cả chỉ còn lại một khoảng không êm đềm, bao la trong đó không thấy có cái ta và những hệ lụy của nó. Trong phút chốc phiền não đã biến đi và chuyển thành bồ đề...

 

 Tâm không phiền não tức bồ đề.


 

 Chúng ta đều biết mọi chúng sanh vốn đều có tánh Phật. Nhưng một ngày kia có một vị tăng bỗng hỏi đại sư Triệu Châu một câu cắc cớ mà câu trả lời của ngài thật thâm sâu đến hàng ngàn năm sau chúng ta vẫn còn phải suy ngẫm đến ý nghĩa của nó.

 


 Tăng hỏi Triệu Châu:


Con chó có tánh Phật không?


 Triệu Châu trả lời:


Không!


 Tăng không hiểu, hỏi:

 

- Phật nói mọi chúng sanh đều có tánh Phật, sao ngài lại bảo là không?


Vì nghiệp thức che đậy...

 


 Hãy quán cho rõ nghĩa chữ Không. Đó là công án đầu tiên của mọi công án.

 


 Trong màn sương mờ của nghiệp thức, trong cơn gió lốc của nghiệp lực, sự thấy biết sáng tỏ không còn nữa, thế giới chỉ xoay quanh trong sắc thân và những cảm tính trước mắt. Con người, và chỉ có con người, mới có đủ điều kiện để phát triển tính giác ngộ của Phật tánh, nhưng khi đã mang thân thú rồi thì tính giác ấy chỉ còn là cái thấy biết của bản năng, chỉ còn những cảm xúc của sự sinh tồn, tánh giác ngộ chiếu sáng với trí tuệ đã bị che lấp, chôn vùi qua bao nhiêu lớp vỏ dầy đặc của nghiệp thức. 


 Nhưng cái Không của Triệu Châu không phải là cái Không đối đãi của có và không, mà là cái Không rốt ráo, bao trùm lên cả có và không, cái Không không thể đặt tên, không thể định lượng và nghĩ bàn vì nó đã có từ vô lượng kiếp, từ vô thủy vô chung, trước khi có những nhân duyên kết hợp thành các hiện tượng khởi lên, và cũng vẫn còn đó khi các duyên đã tan rã. Tánh Không này mãi mãi ở nơi ta, mênh mang bàng bạc khắp nơi, không có biên giới trong ngoài. Chúng ta đến từ hư không, và rồi lại trở về hư không. Trong cõi hư không vô cùng vô tận đó, còn có thấy gì tướng người, tướng vật, tướng chúng sinh?


 

 Tất cả pháp hữu vi

 Đều như huyễn, như bọt bóng

 Như điện chớp, như sương sa

  Hãy thường quán như thế

 


 Những gì đến rồi cũng qua đi. Lần cuối cùng, Ngọc nhìn thấy con mèo khi nó nằm gọn lỏn ở trong lồng, trên đường đi đến một phương trời khác. Nó nằm im lặng, đôi mắt mở to ngơ ngác, ngoan ngoãn như chịu nhận một số phận vô định nào đó. Ngọc bùi ngùi đưa tay vuốt mũi nó. Duyên nào đưa nó đến với Ngọc, rồi cũng chấm dứt bất chợt như lúc khởi đầu.


 Từ hư vô con mèo đã đến, và rồi lại trở về với hư vô.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng