- Bài học cuối cùng

20 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 9161)



Bài học cuối cùng

 


 Con đường vào nghĩa trang El Camino xanh ngắt một mầu tĩnh mịch, trông như một công viên với hàng thông vươn cành bình thản nhìn xuống mặt hồ bằng phẳng phía dưới. Con đường ngoằn ngoèo dẫn lên ngọn đồi thoai thoải, cỏ mọc xanh rì điểm những bó hoa muôn mầu bên những ngôi mộ bằng phẳng, con đường đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng của thầy me.


 Còn nhớ cách đây không lâu, me cũng vừa đến đây thăm mộ thầy. Năm nào đến Tết, bất kể là ngày trong tuần hay cuối tuần, sau khi con cháu đã tụ họp đông đủ và làm xong thủ tục chúc Tết, mừng tuổi đầu năm, thế nào me cũng đến nghĩa trang thăm mộ thầy. Tết năm nay nhằm ngày thứ tư, con cháu không được đầy đủ lắm, một cái Tết có vẻ ảm đạm hơn mọi năm vì me bị đau chân với căn bệnh nghẽn mạch máu, me ngồi co ro trên ghế salon trong bộ đồ nhung mầu nâu thoải mái, không mặc áo dài trịnh trọng như những năm trước. Thế mà me cũng ráng đi thăm mộ thầy, con đường dẫn đến mộ dốc và trơn trợt, cỏ non ướt đẫm nhưng không ngăn nổi những bước chân yếu đuối, những bước chân đi không vững nhưng mối tình già vẫn bền vững khôn nguôi. Ngày đó cơn đau đớn đã làm me mệt ngất, thở dài than có lẽ đây là lần cuối cùng me đứng trên mộ thầy. Quả nhiên chỉ vài tháng sau me không còn đứng trên mộ nữa, mà đã nằm xuống bên cạnh đó.

 

 Where have all the flowers gone

 Long time passing

 Where have all the flowers gone

 Long time ago...

 


 Bản nhạc folk của Peter, Paul and Mary hát ngày nào thấm thía làm sao, khi nhìn những đóa hoa rải rác bên mộ, nhớ đến những người nằm đó, nghĩ đến mình đang ở đây, rồi sẽ đi về đâu. Cát bụi rồi sẽ trở về với cát bụi, từ hư không lại trở về hư không, trăm năm của một đời người có khác gì một giấc mộng thoáng qua.



 Trong cơn đại mộng của một kiếp người, có những giấc mơ lớn nhỏ, những giấc mơ làm mục tiêu cho những nỗ lực đầy chông gai, như tiền tài danh vọng, cũng có những giấc mơ giản dị, cho một hạnh phúc giản dị. Sinh ra hồi đầu thế kỷ, thân phận của me, một nữ nhi trong gia đình nho giáo nề nếp, chắc cũng không dám có những ước vọng cao xa. Được đi học vừa đủ để có một kiến thức vừa đủ, số phận dành sẵn cho người con gái thời ấy chỉ là một đời sống nội trợ gắn liền với sự nghiệp của chồng con. Trong cái cộng nghiệp của một nước Việt Nam đầy sóng gió chiến tranh, cuộc đời của thầy me thời son trẻ cũng bị cuốn theo giòng lịch sử thăng trầm, có những lúc thoải mái an vui trên vùng cao nguyên Lạng Sơn, lúc gian khổ thiếu thốn những ngày tản cư tránh chiến tranh, và lúc sợ hãi hồi hộp khi tìm đường trốn thoát khỏi vùng Việt Bắc. Và rồi đất nước chia đôi, chút gia tài bé nhỏ thầy me gom góp được lại tan thành mây khói, để một lần nữa bỏ cửa bỏ nhà di cư vào Nam trong chuyến tầu “Ville de Hải Phòng”, đàn con dại lếch thếch trên tay, gây dựng sự nghiệp lại từ đầu. Vùng Đà Nẵng nắng cháy không đủ để cầm chân gia đình mình trong những ngày đầu lưu lạc, chỉ trong vòng một tháng thầy me và bầy con lại khăn gói ra đi lần nữa để về định cư tại Nhatrang, thành phố hiền hòa, quê hương của miền cát trắng biển xanh.



 Ở thành phố nắng gió biển mặn này, thầy me đã sống những chuỗi ngày êm đềm nhất của cuộc đời, nhìn đàn con lớn lên theo năm tháng, và có lẽ me đã thực hiện được những giấc mơ nho nhỏ của một hạnh phúc giản dị, với căn nhà gần biển, ngôi biệt thự hai tầng nằm trên một miếng đất vuông vức, được vẽ kiểu để mỗi phòng đều có cửa sổ mở rộng đón gió trong lành. Nhà dưới phòng khách rộng thênh thang, với hàng hiên vây bọc xung quanh, nhìn ra vườn cây lá xum xê. Đất cát thích hợp cho các loại cây ăn trái như sabotier, cây na dai, ổi xá lỵ, đu đủ v.v... và một giàn nho xanh mướt. Lối đi trải sỏi dẫn ra cánh cổng đầy hoa vàng ngập nắng, hoa ngọc lan, hoa nhài, hoa sứ v.v... hoa dạ lý tỏa mùi hương thơm ngát khi tối đến, thoang thoảng trong giấc ngủ về đêm, chập chờn quyện lẫn với tiếng sóng bể rạt rào. Sáng sáng khi mặt trời còn chưa lên, thầy khoác tấm khăn lông đi ra biển bơi một vòng rồi trở về ăn sáng, sửa soạn làm việc. Thân hình thầy vạm vỡ rắn chắc, thầy thích hoạt động thể thao, tập võ, bơi lội, đánh tennis... giải trí bằng cách chơi mạt chược, tuần nào cũng mấy lần “xoa” đều đặn với mấy ông bạn thâm niên như ông Tr., ông “Thiên Văn” v.v... Tính thầy nóng nẩy nhưng xuề xòa, cương trực và giản dị, kết hợp hài hòa với tính me ôn nhu, thâm trầm, khép kín và bảo thủ. Những buổi chiều nóng nực, thầy thường đưa cả nhà lên xe đi một “tour” thành phố, qua đường Độc Lập ngắm phố phường, rồi vòng ra suốt dọc biển, có khi lên tận Cầu Đá, thưởng thức không khí trong lành và làn gió biển mát rượi trước khi về nhà ăn bữa tối. Biển Nhatrang xanh thẫm một mầu, thơ mộng với hàng dừa nghiêng bóng suốt dọc bờ cát trắng phau, với dẫy núi biếc trước mặt và những hòn đảo nhỏ rải rác ngoài khơi. Những đêm rằm, trăng mọc từ từ sau rặng núi, tỏa chiếu ánh sáng huyền ảo mầu sữa lên mặt biển gợn sóng lăn tăn. Những đêm tối trời, các thuyền câu ở ngoài khơi chiếu ánh đèn lấp lánh như sao sa, trông như một thành phố đầy ánh sáng trên biển.



 Thuở ấy, đời sống thật bình dị, như tâm hồn con người bình dị. Không có những căng thẳng của một cuộc sống bon chen theo vật chất, chạy đua với thời gian. Me thích đi du lịch xem phong cảnh, đi thăm bà con họ hàng, nên mỗi mùa hè, thầy me thường cho các con đi chơi các tỉnh lân cận miền Trung, đi Đại Lãnh, Cam Ranh, hoặc lên Đà Lạt, vào Sàigòn chơi cả tháng. Chắc thầy me cũng không bao giờ nghĩ tới ngày nào sẽ lại rời bỏ chốn này ra đi để đến một phương trời khác. Nhưng đàn con dần dần lớn, ngày một đi xa, lên Saigon, đi ngoại quốc du học. Cho đến khi chỉ còn lại đứa con gái út, lúc đó đang học đệ nhị, thì ngôi biệt thự lớn thênh thang trở nên trống trải lạ thường. Nhớ các con, me thường hay đi Saigon, có khi đến mấy tháng mới về. Lúc ấy, chiến sự đang hồi khốc liệt, tuy chưa làm thay đổi hẳn không khí an bình của thành phố biển này, nhưng cũng có những ảnh hưởng lan tràn với sự có mặt của quân đội Mỹ, những “snack bar” mọc lên như nấm, các kiosques dọc bờ biển biến thành nơi lui tới của những người lính Mỹ xa quê tìm nơi giải trí. Vật giá ngày một tăng cao, ngôi biệt thự lớn trống vắng, căn nhà mơ ước của me đành để cho thuê, và thầy me và đứa con gái út dọn về một căn nhà thuê ở đường Trần Cao Vân, gần phòng mạch và nhà hộ sinh của thầy. Không bao lâu, đứa con gái út cũng ra đi nốt, vào Saigon học lớp đệ nhất trường Gia Long. Thế là thầy me chỉ còn một mình trơ trọi. Không muốn bỏ đi, nhưng cũng chỉ nấn ná thêm một năm nữa, thầy me đành bỏ Nhatrang, vào Saigon ở với các con.



 Lúc đầu mới vào Saigon, thầy cũng buồn một thời gian, vì phải bỏ cơ nghiệp từ bao nhiêu năm nay, rời xa những người bạn “xoa” quen thuộc, nhưng dần dần khi đã quen, nhất là khi vào làm việc cho hãng thuốc lá MIC, cuộc sống bắt đầu thoải mái, an vui hơn. Saigon phồn hoa đô hội, Saigon đèn xanh đèn đỏ, Saigon náo nhiệt đầy sức sống. Không còn làn gió biển mơn man, không còn tiếng sóng vỗ về giấc ngủ, chỉ có tiếng máy xe chạy rầm rập suốt ngày đêm. Nhưng Saigon có cái hấp dẫn đặc biệt của Sàigon, cái hấp dẫn nơi sinh khí tràn trề của người dân miền Nam, nơi những quán cóc bên đường, những gánh hàng rong nhan nhản khắp nơi nơi. Và Saigon thanh lịch với đường phố Tự Do, Nguyễn Huệ, Saigon cửa ngõ của văn minh, đón nhận những điều mới lạ đến cho đất nước nghèo nàn tụt hậu vì chiến tranh này. Họ hàng, thân thuộc hầu như đều tụ tập ở đây, nên me cũng vui nhiều hơn, nhất là bao nhiêu năm nay mới lại được ở gần chị D và chị Nh, hai người con gái lớn nhất đã sớm sống xa gia đình từ khi di cư, và được ở gần với các cháu ngoại. Căn nhà me đã mua từ mấy năm trước cho các con ở nằm trong một khu phố yên tĩnh, với khoảnh vườn nhỏ đàng trước, không đủ để trồng cây nhiều, nhưng cũng có một chút xanh cho dịu bớt cơn nắng Saigon. Xế trước cửa nhà là một trường tiểu học, với hàng cây cao bóng mát, và chỉ đi một chút là đến nơi thị tứ tấp nập, ngay gần trung tâm chợ Tân Định, rất tiện lợi. Đi bộ một chút, qua khỏi nhà thờ Tân Định là đến đường Hiền Vương, ở đó có gia đình chị D, người con gái trưởng của thầy me. Đi quá đường Hiền Vương, về phía Đa Kao, là nơi cư ngụ của bác Gi và bác H, hai người chị thân thiết của me. Và nếu đi bộ về phía Phú Nhuận, qua khỏi cầu Kiệu và chợ Phú Nhuận, là đến cửa tiệm may của hai cô Th, M, hai người em gái thân thương nhất của me. Sống quây quần như vậy, Nhatrang đã dần chìm vào dĩ vãng, như một kỷ niệm đẹp êm đềm, nhớ đến với một chút ngậm ngùi, nhưng không luyến tiếc.



 Tình hình chiến sự ngày một thêm nóng bỏng, biến cố Mậu Thân, rồi mùa hè đỏ lửa 1972, hàng hàng lớp lớp thanh niên ra đi không hẹn ngày về cho một cuộc chiến không lối thoát. Rồi hiệp định Paris ký kết mở đầu cho một thỏa thuận ngấm ngầm, để rồi đến tháng tư 1975, miền Nam sụp đổ trước sự tiến công ào ạt của quân đội Bắc Việt. Điều không ai tưởng tượng xẩy ra được đã xẩy ra. Dân Saigon hốt hoảng, dân Saigon tháo chạy khắp nơi, một thành phố tơi bời hoang loạn. Gia đình chị D may mắn đã thoát ra nước ngoài trên một chiếc tầu ở bến Bạch Đằng. Chiến tranh chấm dứt trong cái chết tức tưởi của Việt Nam Cộng Hòa, để bắt đầu một cuộc đổi đời với bao nhiêu gia đình, bao nhiêu hạng người trong xã hội. Trong cơn bão lốc quay cuồng đó, thầy me là điểm tựa, là nơi trú ẩn an toàn cho các con cháu còn kẹt lại. Căn nhà kín cổng cao tường hơn bao giờ hết lại càng muốn khép kín với thế giới bên ngoài đảo điên và bất trắc. Thầy vững chắc như cột trụ, thản nhiên tiếp tục “xoa” cố giữ nếp sống bình thường, me chắt chiu tằn tiện lo nuôi sống gia đình và mua đồ tiếp tế cho các con đi lưu đầy ở xa. Tuổi già của thầy me đến trong nỗi buồn chia ly mất mát, trong sự xót xa trước nỗi vất vả của con cháu. Tuổi già của thầy me đến trong những giọt nước mắt âm thầm thương cho con trai bị bắt tù tội nơi xa.



 Thời gian qua, tình hình cũng dần dần biến đổi. Sau cuộc chiến tranh ngắn ngủi Hoa-Việt, nhà nước cộng sản có chính sách đưổi người Hoa ra khỏi nước, cán bộ cộng sản được lệnh vơ vét vàng tổ chức những chuyến vượt biển bán công khai trên những chiếc ghe mỏng manh chật ních. Gia đình chị Nh, gia đình chị Ch nhờ đó đã đi thoát được. Anh H, anh T cũng lần lượt được thả về. Thầy me bắt đầu sống thoải mái hơn, vui vầy xum họp với gia đình anh H anh T, với các cháu nội mới ra đời, và còn có một chút hi vọng có ngày được đi đoàn tụï với các con ở ngoại quốc. Không bao lâu sau, ngày đó đã đến.



 Sau ba năm nộp đơn xin xuất cảnh, thầy me đã được giấy tờ đi gấp rút vào năm 1983. Căn nhà của gia đình đã bán trước đó cho một cán bộ cao cấp với số tiền khiêm nhường. Chia tay với hai con trai và con gái út còn ở lại, thầy me và chị H lên đường qua Mỹ, về ở với chị Ch tại San Diego. Cuộc đời lưu vong bắt đầu từ đây, với nỗi buồn xa xứ, xa hai con trai, quanh quẩn trong ngôi nhà chật hẹp nơi xứ lạ quê người, khác ngôn ngữ, khác văn hóa, mọi thứ đều phải lệ thuộc vào con cháu. Khoảng cách giữa thế hệ mới và thế hệ cũ càng thêm sâu rộng với những đứa cháu đã có phần Mỹ hóa. Nhưng vốn bản tính tích cực, thầy không để lộ sự buồn chán, mà tìm vui nơi những hoạt động cộng đồng, kết một số bạn mới, tiếp tục “xoa” khi có cơ hội, và giải trí với những cuốn phim bộ truyện chưởng của Kim Dung. Thầy bao giờ cũng là một cột trụ vững chắc cho me nương tựa những lúc bi quan, buồn tủi.



 Trong thời gian này, sức khỏe của thầy suy yếu đi nhiều, với căn bệnh tiểu đường, bệnh tim và glaucoma. Sau khi mổ mắt với kết quả không được khả quan, thầy bắt đầu xuống tinh thần và đột ngột qua đời sau cái Tết năm 1986. Mất thầy, me không còn người bạn để tâm sự, càng thêm khép kín với những nỗi đau trong lòng. Nhưng rồi tháng ngày qua, nỗi nhớ thương cũng phôi pha dần, các con cũng để ý săn sóc đến me hơn, và me luôn luôn ở đó như một cột trụ tinh thần, chia xẻ những vui buồn của con cháu, kết hợp các con lại với nhau, để nhắc nhở đến tình gia tộc, đến một nếp sống văn hóa cố giữ không quên. Năm 1990, sau khi anh H, anh T hai con trai của me đã qua được bến bờ tự do, các con cháu đã họp nhau lại làm lễ thượng thọ cho me. Ngày ấy, me cảm động bùi ngùi nhớ đến thầy, ước chi thầy còn sống để thấy gia đình đoàn tụ.



 Thấm thoát, mười mấy năm trôi qua như chớp mắt. Me đã già đi nhiều, sức khỏe càng ngày càng yếu với căn bệnh tim và cao huyết áp. Me không còn đi du lịch xa được, mà chỉ lâu lâu lên Orange County chơi với các con, đi dạo loanh quanh khu phố Bolsa. Những người thân tuy đã qua được hết nhưng sống rải rác khắp nơi, chỉ có bác G là ở ngay San Diego, nhưng hai cụ cũng không mấy khi được gặp nhau. Chỉ có những lần giỗ Tết là me được gặp họ hàng tương đối đông đủ, nhất là khi hai cô Th, M từ Chicago về thăm là những lúc me vui mừng và cảm thấy an ủi rất nhiều. Đầu xuân năm 2000, me bị ngã gẫy xương đùi, phải nằm nhà thương cả tháng. Về nhà, me lo sợ bị liệt giường, phải làm phiền đến các con, nên quyết tâm tập đi, mặc dù bị đau đớn rất nhiều. Chỉ trong vòng vài tháng, me đã đi lại bình thường được với một cây gậy. Mới biết, tuy bề ngoài yếu đuối bệnh hoạn với tuổi già, me vẫn có một ý chí, một tinh thần tự lập mạnh mẽ vô cùng.



 Tháng 9, sinh nhật me được tổ chức giản dị tại nhà B, con gái út của thầy me ở Tustin. Các con đã tính sẽ làm lễ thượng thọ cho me lần nữa vào năm sau, lúc me được đúng 90 tuổi. Nhưng không ngờ, đây là lễ sinh nhật cuối cùng của me. Sau đó không lâu, me bắt đầu bị đau chân, mới đầu là mấy ngón chân, rồi lan dần đến hết bàn chân. Ngỡ là chỉ bị làm độc khi cắt móng chân, nhưng thực sự nguyên nhân chính là bệnh tiểu đường và mạch máu bị nghẽn, nên máu không lưu thông đến chân được, đe dọa căn bệnh gangrene. Me hốc hác, suy yếu đi nhiều với những đêm mất ngủ vì đau. Me lo sợ không muốn đi mổ thông mạch máu, nhưng trước viễn tượng phải cưa chân, me đành phải vào nhà thương Grossmont mổ sau khi ăn Tết xong. Và đúng như me đã lo sợ, cuộc giải phẫu đã có những hậu quả quá sức chịu đựng của me, chỉ một ngày sau, me bị hai cơn chấn động tim, bị liệt một bên và mê man trong giường bệnh. Tin dữ lan truyền, các con ở xa, hai cô Th, M từ Chicago cấp tốc về túc trực bên cạnh. Thấy có người thân ở gần bên, me tỉnh táo được đôi chút, nhưng chỉ một tuần sau, những biến chứng đột ngột khiến me đã ra đi theo thầy, cũng trong một ngày cuối tháng một âm lịch, mười lăm năm sau.



 Lễ Vu Lan năm nay, lễ Vu Lan đầu tiên vắng bóng me. Bông hồng mầu đỏ đã đổi thành bông hồng mầu trắng. Hoa trắng nay đã thành hoa cố nhân. Trong kinh Phật có câu rằng:


 “Mâu thuẫn thay, có một con đường đi và đã được đi qua, nhưng không có người nào đi cả. Có những hành động đã được làm nhưng không có ai ở sau những hành động đó. Có một luồng khí đã chuyển vận trong không trung, nhưng không có ngọn gió nào thổi khí ấy. Mọi ý nghĩ về một bản ngã là sai lầm và tất cả sự hiện hữu đều giả tạm, rỗng tuếch như những bong bóng nước.”



 Những nhân duyên đã kết hợp nên con người của thầy me đã tan rã, từ cái Không bao la thầy me đã hiện hữu, rồi lại trở về cái Không bao la. Chỉ còn lại những kỷ niệm, những di hậu của những điều thầy me làm, qua sự hiện diện của các con. Còn nhớ hồi nhỏ, con thường hay thắc mắc hỏi, không biết trước khi sinh ra con ở đâu? Me thường hay trả lời: “Ở nước nam nứ!” Nhưng nước nam nứ ở đâu? Có lẽ không đâu khác ngoài chính hiện thân này; trong hiện thân này đã có tàng chứa tiền thân, và cũng có mầm mống của hậu thân nữa. Con đến với thầy me không phải do sự ngẫu nhiên, mà vì một ràng buộc nào đó trong quá khứ. Sợi dây ràng buộc đó, có lẽ là một duyên lành, không phải chỉ vì cuộc sống ấm no, đầy đủ tiện nghi mà thầy me đã chu toàn cho các con, mà còn vì đời sống của thầy me đã là một bài học quý giá để noi theo. Tính rộng rãi của thầy, nhân hậu của me, luôn luôn giúp đỡ những người cần giúp đỡ mà không bao giờ nghĩ đã làm phước và cần sự biết ơn của ai, là hạnh bố thí ba la mật. Cuộc sống giản dị, không mầu mè, không giả dối và mưu toan, luôn luôn làm những việc lương chính, là chánh nghiệp trên con đường Bát Chánh Đạo. Nhưng bài học lớn nhất mà con đã học được ở thầy me, đó là bài học về Sinh Lão Bệnh Tử, qua cuộc đời mà thầy me đã trải qua.



 Sinh là Khổ, nhưng sinh cũng là hi vọng. Sinh là sự sống tiếp nối, trong đó có những ước nguyện cần được thực hiện. Nhưng sống cũng là luân chuyển không ngừng trong giòng đời biến đổi. Cuộc đời của thầy me là một bài học vô thường của những cái không rồi có, có rồi không. Biết quy luật vô thường nên chấp nhận sống trong vô thường, và còn có hi vọng nơi sự thay đổi sẽ đến nữa. Cành cây mùa đông trụi lá khô cằn nhưng chính trong đó đã có sẵn mầm của những nụ hoa mai sẽ nỡ rực rỡ khi xuân đến.



 Lão là Khổ, nhưng lão cũng là buông xả. Cái khổ của tuổi già đến thật rõ ràng, với răng long tóc bạc, mắt mờ chân yếu, mọi thứ như chiếc xe cũ bắt đầu rã rời, tơi tả. Nhìn tuổi già đến với me, con thấy trước mắt tuổi già sẽ đến với con như thế nào. Me thường hay than thở: “Già chán lắm con ơi!” Nhưng đó là quy luật của tạo hóa, quy luật thành, trụ, hoại, không. Còn có sinh là còn có lão tử. Biết thân là mong manh giả tạm để buông đi những ảo vọng, không còn chấp vào cái ngã, bởi vì “Tất cả pháp hữu vi đều như mộng, như huyễn, như bọt nước, như sương sa, như ánh chớp” (kinh Kim Cương).



 Bệnh là Khổ, nhưng bệnh cũng là nhẫn nhục. Khi mang bệnh mọi người đều bình đẳng như nhau. Và lúc đó mới ý thức được sự hữu hạn của mình, để bớt kiêu ngạo mà thấy mình không phải là một thực thể kiên cố mà là một tập hợp do nhiều yếu tố kết hợp thành. Những yếu tố vật chất trong con người như đất, nước, gió, lửa cũng là những yếu tố trong thiên nhiên, và khi có sự bất quân bình thì thường gây ra bệnh. Bệnh là một quá trình của Nhân Quả. Ngoài ra những yếu tố tinh thần cũng đóng một vai trò quan trọng không kém gì vật chất, đôi khi là yếu tố chủ động. Tâm và thân liên hệ hỗ tương với nhau, tâm sanh sắc, và sắc sanh tâm. Sự quyết tâm của me muốn lành bệnh năm ngoái, khi bị ngã gẫy xương vào nhà thương, đã là một cái gương để con tự nhắc nhở và noi theo.



 Nhưng bài học lớn nhất, và cũng là bài học cuối cùng mà con đã học được ở me, chính là bài học của sự Chết. Chết là Khổ, nhưng Chết cũng là cơ hội để giải thoát. Đã từ lâu, me là người có tâm đạo, nên cũng thích đi chùa, tụng kinh niệm Phật, đọc kinh sách, nghe băng thuyết pháp. Me thường có tâm niệm A Di Đà, mong được về cõi Tịnh Độ khi mãn kiếp Ta Bà. Mỗi ngày, me đều dành một ít thì giờ ngồi lần chuỗi tràng, gieo nhân thanh tịnh nơi tâm. Vì thế, me đã dặn trước rằng, khi me chết không nên khóc lóc, mà chỉ nên cho nghe cuộn băng niệm Phật A Di Đà. Chỉ cầu mong sao me có được một cái chết an lành, thoải mái như bà Nh, bạn cố tri của me, đã đi trong giấc ngủ. Nhưng nghiệp của me còn nặng, nên đã phải chịu đựng những chuỗi ngày đau khổ, trước và sau khi mổ. Mặc dù vậy, me đã rất can đảm và kiên nhẫn trong giường bệnh. Và rồi những biến chứng đột ngột khiến me lìa đời một mình trong bệnh viện, một đêm về sáng. Khi chúng con đến, me nằm đó, sắc diện xanh xao vàng vọt trong vẻ mặt đau đớn. Cố nuốt trôi những giọt nước mắt, con lần chuỗi niệm Phật, tập trung hết tư tưởng mong truyền đến cho me sự thanh tịnh yên ổn. Cuộn băng niệm Phật A Di Đà được vặn lên, chúng con đứng quây quần chung quanh giường nhất tâm hộ niệm. Tấm khăn phủ người me trắng xóa lạnh lùng, bỗng nhiên phập phồng như me đang có hơi thở nơi bụng, như có làn hơi đang bay lên. Bây giờ con mới biết, đó chính là sinh khí tồn đọng đang thoát ra. Mặc dù me đã tắt hơi thở, nhưng sinh khí vẫn còn tụ nơi bụng. Bụng chính là cái nôi của sinh tử, là Thổ của trung ương đất mẹ, nơi phát xuất và dung chứa mọi sự, là Địa Tạng Vương của chúng ta. Huyệt đan điền, nơi tích lũy chân khí, là ở dưới bụng. Các thiền sư Nhật Bản thường nhấn mạnh đến sự quán sát nơi bụng, điều hòa hơi thở nơi đó, vì đó mới là trung tâm thực sự của tâm và thân. Xác me bắt đầu lạnh giá, con sờ lên đỉnh đầu vẫn còn hơi ấm, càng thêm nhất tâm niệm Phật, cầu cho me ngộ nhập được ánh sáng A Di Đà. Giây phút này là giây phút thiêng liêng trọng đại nhất của một đời người, con kính cẩn cúi lậy me trong khi rút lui chờ đợi nhà quàn đến đem xác đi. Mấy chục phút sau, khi chúng con quay lại, lạ thay, sắc diện me đã hoàn toàn thay đổi. Trông me thư thái, an bình như đang trong giấc ngủ. Sắc diện không còn xanh xao vàng vọt mà trắng trẻo, sáng sủa, miệng đã tự khép lại, trông tươi tắn như ẩn chứa nụ cười. Không còn nghi ngờ gì nữa, sự nhất tâm niệm Phật, phối hợp với nhân lành me đã gieo từ trước đã có kết quả trước mắt. Cái chết của me đã là một khẳng định đối với con, rằng có những giao cảm tâm linh thật nhiệm mầu, và trong khi còn sống và mạnh khỏe phải biết hướng về chính mình, an trú nơi gốc Tâm chân thực thường hằng giữa những cái vô thường biến đổi. Trang nghiêm Tịnh Độ không ở đâu khác hơn là trang nghiêm thanh tịnh bản thân và tâm mình, bởi vì Phật không ở ngoài tâm, bởi vì tâm chính là Phật.



 Trên nấm mộ me cỏ đã phủ xanh một mầu. Khói nhang bay tỏa tan lẫn vào không gian bao la. Nhang tàn, như một kiếp người qua đi, không còn gì có thể nhóm lại ngọn lửa cũ được nữa. Những gì có hình tướng đều là hư vọng. Cố bám víu vào một hình ảnh đã qua là hư vọng. Thầy me chắc không ở trong mộ, cũng không ở nơi những tấm ảnh bàn thờ. Thầy me chỉ còn ở trong tâm tưởng của các con. Thầy me đã hiện hữu nhưng cũng không phải là hiện hữu, đã ra đi nhưng cũng không phải là đã ra đi. Vì tinh anh của thầy me không có hình tướng, không có tên tuổi, không có sống chết. Nghĩ đến thầy me hiện giờ, chỉ còn một câu niệm:


 

 NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.

 

 (Mùa Vu Lan 2001) 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng