- Vũ điệu đêm hè

20 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 9618)



Vũ điệu đêm hè

 


 Mùa hè Nhật Bản, tháng 7 Vu Lan...


 Khi những tia nắng gay gắt cuối cùng đã dịu đi, và cái nóng hầm hập đã nhường bước cho không khí mát mẻ về đêm, bắt đầu tiếng nhạc, tiếng trống bập bùng nổi lên cho mùa lễ hội Bon Odori, hay điệu múa O Bon (Vu Lan Bồn) mà đã trở thành một thông lệ mùa hè của đảo quốc này.


Ngày rằm tháng bẩy, lễ xá tội vong nhân...


Cũng là ngày tưởng nhớ đến công đức sinh thành của các bậc cha mẹ, tổ tiên. Và cũng trong ngày này, hương linh của những người thân trong gia đình cũng như các vong hồn vất vưởng được dịp về thăm lại cõi trần thế. Lễ Vu Lan được gọi là O Bon (Bồn) , do sự tin tưởng trong dân gian Nhật Bản rằng ngày đó, cái chảo sắt nóng bỏng của cõi địa ngục sẽ được mở ra cho các vong linh được tự do đi ra.


Điệu múa Bon Odori khởi nguồn từ sự tích của Tôn giả Mục Kiền Liên, một đại đệ tử của đức Phật, khi ngài dùng thần thông tìm kiếm người mẹ đã quá cố là Thanh Đề thấy bà đang chịu sự đau khổ của cảnh giới địa ngục ngạ quỷ, nên đã thiết lễ cúng dường mười phương chư tăng về kiết hạ để nương nơi thần lực cao siêu độ cho bà thoát ra được cảnh giới ấy. Cùng lúc bà Thanh Đề chuyển được tâm độc tham sân si thành tâm trong sáng thanh tịnh và ra khỏi cõi ngạ quỷ, Mục Kiền Liên cũng nhận ra được vô số việc thiện bà đã làm trước kia cũng như những hi sinh to tát của một người mẹ đối với con, nên ngài đã cảm động hoan hỉ nhẩy múa tỏ lòng biết ơn.


Cũng có một câu chuyện được kể trong lễ O Bon về cảnh giới thiên đường và địa ngục ngạ quỷ. Một đệ tử cầu đức Phật chỉ cho thấy cõi thiên đàng và địa ngục. Đức Phật cho vị đệ tử ấy thấy cõi địa ngục của ngạ quỷ trước, trong đó có một phòng ăn và mọi người đều phải ăn với đôi đũa dài tới ba feet, dĩ nhiên với đôi đũa dài như vậy, dù làm cách nào cũng không thể nào cho thức ăn vào miệng được. Sau đó đức Phật cho vị đệ tử qua cõi thiên đường, ở đó cũng có phòng ăn như vậy, với những thực khách cũng đang dùng đôi đũa dài ba feet. Nhưng thay vì cố dùng đũa để gắp thức ăn cho mình, họ gắp thức ăn cho nhau, và như vậy tất cả đều ăn được. Đó là bài học cho thấy thiên đường và địa ngục không phải là nơi xa xôi nào để đi đến sau khi lìa đời, mà pháp giới đều bình đẳng, với những điều kiện như nhau – chỉ vì tâm chúng sanh ích kỷ hay vị tha mà đã tự tạo ra những cảnh giới thiên đường hay địa ngục cho chính mình trong cuộc sống. Và vì tâm con người thường không hoàn toàn là thuần vị kỷ hay vị tha, nên ngay trong hiện tại chúng ta cũng đã ra vào cả hai cảnh giới của thiên đường và địa ngục.


Để hướng dẫn các vong linh tổ tiên về đúng nơi đúng chốn, nhà nhà đều thắp đèn lồng trước cửa. Có nhiều đèn lồng được làm rất cầu kỳ, riêng để cho kỳ lễ này. Nhưng quan trọng nhất là lễ cầu siêu, cúng vật thực cho các vong linh. Những đồ cúng đặc biệt thường là cơm, bánh dầy đậu, rau quả, bánh kẹo v.v... Trong các nghĩa trang, những ngôi mộ được dọn dẹp sạch sẽ, các đồ cúng được bầy lên, cùng với hương đèn. Đây cũng là dịp để thực hành bố thí cho người sống cũng như người chết.


Trong sân chùa, một cái đài cao được dựng lên, trên đó để bộ trống lớn (taiko). Buổi lễ múa Bon Odori được bắt đầu bằng những màn trống ngoạn mục, với cách xử dụng dùi trống lẹ làng như múa, những thế đứng, thế ngồi nhiều kiểu khác nhau. Rồi tiếng nhạc dân ca trổi lên với nhiều nhịp điệu thay đổi, lanh lảnh âm vang cả một góc trời. Đại chúng xếp hàng đi thành một vòng chung quanh, vừa đi vừa múa nhịp nhàng theo điệu nhạc, đôi bàn tay uyển chuyển dơ lên dơ xuống, chân lúc bước tới lúc bước lui, cây quạt dắt sẵn trên áo, sẵn sàng lấy ra để xử dụng múa, cùng với những dụng cụ khác như gậy ngắn, dùi đánh nhịp, giải khăn vải bông v.v... Phần lớn mọi người đều mặc yuukata, một loại kimono bằng vải nhẹ mùa hè, hay áo kimono bán thân (hapi), đi guốc hay dép cổ truyền Nhật Bản. Tiếng trống, tiếng nhạc trong khung cảnh mờ ảo của ánh đèn lồng lung linh quyện lẫn bóng đêm khiến cảnh tượng như có vẻ huyền hoặc, người múa bị cuốn hút , như say hồn, tưởng chừng đang ở một thế giới trong đó không còn ranh giới phân biệt rõ ràng giữa âm và dương. Trong không khí say sưa ấy, dường như đâu đây cũng có những linh hồn đang ngả nghiêng theo điệu nhạc. Nhưng ngày nay, với những áp lực vật chất đè nặng của cuộc sống hiện đại, điệu múa Bon Odori không còn mấy tính cách tâm linh, mà người ta tìm đến đó để có một vài giây phút thoải mái, quên đi trong chốc lát những phiền não của cuộc đời.


Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn, có hợp rồi lại tan, người âm được dịp về thăm lại dương thế trong chốc lát rồi lại phải trở về với thế giới riêng của họ. Lễ Vu Lan Bồn của Nhật Bản kết thúc với những cuộc đốt lửa (bonfire) để tiễn đưa linh hồn người âm, và đẹp nhất là lễ thả đèn trên sông. Những chiếc bè nhỏ trên đó có nến và hoa được thả bềnh bồng trên sông hay biển, và theo giòng nước chẩy trôi đi mãi, như những chiếc thuyền đưa hồn người đi.


Nhưng đôi khi có những âm hồn còn luyến tiếc ở lại cõi trần thế. Cứ đến mùa hè, ở Nhật Bản lại tràn ngập những mẩu truyện ma, và những chương trình truyền hình cũng đều chiếu những phim ma mỗi ngày. Aûnh hưởng của Thần đạo (Shinto) phối hợp với Phật giáo khiến người Nhật có ý thức tâm linh mạnh mẽ, tin tưởng ở sự hiện hữu của các đấng thần linh ngay nơi thế giới chúng ta đang sống. Những thần linh này có cả thiện lẫn ác, như các vị Bồ Tát cứu độ chúng sanh, hay các quỷ thần ác ma, hiện diện ở khắp nơi, trong đủ loại hình dạng, hiện ra và cảm ứng với những người có cơ duyên. Vong linh của tổ tiên, của những người thân đã quá vãng, cũng được thờ cúng trang nghiêm, trong niềm tin nơi sự phù hộ, bảo trì của họ đối với gia đình. Những người có năng lực mạnh mẽ khi còn sống, hay có một cái chết bất ngờ tàn bạo, cũng được coi như có khả năng biến thành quỷ thần, có thể tác yêu tác quái hay giúp đỡ được cho người sống. Vì thế, ở những địa điểm có những cái chết tàn khốc như tai nạn, thường dựng lên những miếu thờ. Và để bảo vệ con người trước những lực đen tối, các đền thờ, và ngay cả các chùa cũng phát hành những lá bùa hộ mệnh cho đại chúng đến thỉnh về.


Trong các câu truyện ma nổi tiếng được truyền tụng và quay thành phim ở Nhật, điển hình nhất là câu truyện của nàng Oiwasan.



Mấy trăm năm trước, ở thành Edo, trong khu vực hiện giờ là Yotsuya của thành phố Đông Kinh, có nàng Oiwasan xinh đẹp sống hạnh phúc bên cạnh người chồng hiệp sĩ đẹp trai tuấn tú. Tuy nhiên, dù có sắc đẹp khả ái và nết na hiền hậu, nhưng nàng xuất thân từ một gia đình thanh bần, không đem lại được một đời sống sung túc cho chồng nàng. Thuở ấy, các hiệp sĩ samurai tuy trung thành và hi sinh thân mạng cho chủ của mình là giai cấp tướng quân, nhưng họ chỉ nhận được rất ít lương bổng. Chẳng mấy chốc, người chồng đã gặp một cô gái đẹp khác thuộc gia đình giầu có. Họ yêu nhau và dự tính kết hôn, một cuộc hôn nhân sẽ đem lại cho chàng đời sống sang trọng như mong muốn. Trở ngại lớn nhất là Oiwasan, người vợ đương thời của chàng. Một đêm, chàng bỏ một loại thuốc kịch độc vào thức ăn cho nàng. Loại thuốc kịch độc ấy đã khiến nàng phải chịu một cái chết đau đớn và dữ dội, không những thế, chất độc lại tàn phá một bên mặt phải của nàng thành dị dạng khủng khiếp. Người chồng vội vã thanh toán xác vợ, có lẽ là chôn nơi giếng sâu, và ngay sau đó cưới người con gái kia về làm vợ. Được ít lâu, hồn ma oan trái của Oiwasan bắt đầu xuất hiện, đêm đêm về hú lên kêu gào thảm thiết ở vườn sau. Tình trạng này cứ tiếp diễn mãi cho đến một hôm, không còn chịu đựng nổi nữa, lòng tràn đầy giận dữ và hoảng sợ, người chồng đã ôm lấy thanh kiếm chạy ra ngoài vườn. Dưới bóng trăng mờ ảo, hồn ma người vợ cũ của chàng đang đứng sừng sững, để lộ một bên mặt méo mó đầy quái dị. Chàng hét lên, vung kiếm đâm thẳng vào bóng ma. Người đàn bà ngã xuống, nằm chết ngay dưới chân chàng. Khi lật người lên xem, bỗng chàng thét lên một tiếng kinh hãi, người nằm đó đẫm máu dưới ngọn kiếm của chàng không phải ai khác hơn là người vợ vừa mới cưới! Bóng ma Oiwasan sau đó không còn hiện ra với người chồng nữa, có lẽ mối hận đã được trả xong, tuy nhiên, vong hồn nàng vẫn không siêu thoát nổi. Người dân Tokyo thường kể lại có một người đàn bà áo trắng đi lang thang về đêm, mái tóc dài tha thướt che khuất một bên mặt, nhưng khi vừa đến gần, bỗng nàng vén tóc lên, để lộ một bên mặt nhăn nhúm khủng khiếp, rồi biến mất trước tiếng hét hãi hùng của người thấy.


Câu truyện Oiwasan đã được quay nhiều lần thành phim, và trong khi quay phim nhiều hiện tượng quái dị, cũng như những tai nạn đã xẩy ra, khiến các chuyên viên và tài tử phải đến lễ ở ngôi miếu thờ nàng mới được vô sự.


Một câu truyện ma khác nổi tiếng ở Nhật, trong đó thể hiện sự phẫn uất của một linh hồn bị thất bại nhưng không chịu khuất phục, mà dân chúng tin rằng vong linh đó sau này đã trở thành một vị thần. Đó là truyện của Taira no Masakado, một vị tướng quân đầy quyền lực vào khoảng năm 940 . Ông đã cầm đầu một đạo quân nổi loạn, cố tiến chiếm ngôi vua ở miền Đông nước Nhật. Nhưng than ôi, ông bị một vị tướng quân tài danh khác là Fujiwara no Hidesato đánh bại, và bị xử tử ngay tại một khu vực thuộc phía Bắc Tokyo hiện nay. Phần thân của ông được chôn cất ở khu vực thuộc Marunouchi bây giờ, trong khi đầu được đem về Kyoto để bêu rếu trước công chúng. Sau đó chiếc đầu cũng được đem về Tokyo chôn cất ở khu vực thuộc Marunouchi. Nhưng phần thân của ông sau đó đã bị đánh cắp và đem đi mai táng tại một nơi khác gần ngôi đền Kanda Myojin.


Cái chết tàn khốc cũng như lòng thương tiếc không nguôi của bộ hạ và những người theo phe ông đã khiến cho vong linh vị tướng quân không thể nào an nghỉ được. Người ta tin rằng vị tướng quân này đã được phong thần và làm nhiều chuyện lạ xẩy ra ở Tokyo. Nhưng đối với con cháu của Hidesato, họ đã phải chịu một lời nguyền ghê gớm, nhất là những người của dòng họ Sano. Linh thần Masakado sau đó cũng được thờ ở đền Kanda Myojin, ngay trung tâm của Tokyo. Ngôi đền này tuyệt đối cấm tất cả những người thuộc dòng họ Sano không được bén mảng đến, dù chỉ đi ngang qua, và trong những ngày ngôi đền này có lễ, những người họ Sano cư ngụ gần đó phải ở trong nhà đóng chặt tất cả cửa lại.


Ơû khu vực Marunouchi, nơi đầu của Masakado được chôn cất, cũng có nhiều điều kỳ bí xẩy ra, khi người ta tìm cách di chuyển ngôi mộ để mở mang thêm khu vực này. Mỗi khi có một công trình xây dựng nào bắt đầu, lại có một số tai nạn xẩy ra, kể cả những cái chết bất ngờ. Đã bốn lần như vậy, và người ta tin rằng vong linh của Masakado đã hiện về ám hại những công nhân, có những cần trục trên cao bỗng nhiên rớt xuống, những tảng đá di động, những dây cáp bị đứt v..v... Từ đó tới nay, không còn ai dám đụng đến ngôi mộ đó nữa.


Một câu truyện ma khác cũng rất được phổ biến tại Nhật, đó là câu truyện của Okiku. Dưới thời đại Shoho (khoảng năm 1644-48), trong nhà hiệp sĩ kia có một đồ gia bảo thật quý giá, đó là bộ mười chiếc đĩa sứ thật đẹp. Vợ của vị hiệp sĩ này là một người đàn bà có tính tình nhỏ nhen, độc ác, đã đối xử thật tàn tệ với người tớ gái trong nhà, vì ganh tị trước sắc đẹp và tuổi trẻ của nàng. Một hôm, người vợ lỡ tay đánh vỡ một trong bộ đĩa quý giá kia. Lo sợ người chồng sẽ nổi cơn lôi đình, bà đã quăng hết số đĩa còn lại xuống dưới giếng và vu cáo cho người tớ gái ăn cắp. Trong cơn thịnh nộ, hiệp sĩ đã đánh đập cô gái tàn nhẫn và đuổi đi. Tuyệt vọng, nghe nói nàng đã treo cổ , hoặc nhẩy xuống giếng tự tử.


Sau đó ít lâu, hồn ma cô gái bắt đầu hiện về gần nơi cái giếng. Đêm đêm, người hiệp sĩ và bà vợ tội lỗi đều bị đánh thức bởi tiếng đếm “Một đĩa, hai đĩa, ba đĩa, bốn đĩa...” cho đến sau đĩa thứ chín thì cất tiếng khóc than thảm thiết. Rồi mọi sự lắng xuống và tiếng đếm lại bắt đầu, cứ như vậy tiếp diễn cho đến sáng. Việc này được lan truyền ra cho đến khi tất cả hiệp sĩ trong vùng đều biết chuyện. Thấy đôi vợ chồng hiệp sĩ nọ gần muốn phát điên, một người bạn tên là Ono đã đồng ý đến xem có giúp đỡ gì được không. Đêm ấy, Ono núp sau cái giếng, và khi bóng ma của Okiku xuất hiện, ông đã sẵn sàng. Khi tiếng đếm bắt đầu, ông bò đến gần hơn và khi nghe nàng đã đếm đến “chín đĩa” và sắp sửa lên tiếng khóc thì ông hét to: “Mười đĩa!” Hồn ma hoảng sợ biến mất, và không còn xuất hiện nữa. Câu chuyện này có vẻ như hoang đường, nhưng thực sự đã có nhiều chứng cớ ghi lại và ngôi mộ của nàng cũng được đánh dấu rõ ràng ở một nghĩa trang trong Kichioji, một ngôi chùa Phật giáo lớn ở Tokyo.


Những câu chuyện trên cho thấy khi cái chết đến trong sự đau khổ cùng cực, tâm thức con người có thể bị giam hãm trong khoảnh khắc vô tận của cảm xúc, và vẫn ở nguyên trong tình trạng đó dù bao năm tháng đã qua đi, cho đến cả hàng thế kỷ. Những vọng tưởng điên đảo quay cuồng trong mộng ước tiền, tình, danh vọng đã đưa con người vào mê lộ, một cuộc sống đau khổ mà khi chết vẫn không ra khỏi được. Thời gian trôi qua, vật đổi sao dời, bao hình hài của người xưa đã trở về cát bụi từ lâu, nhưng những tâm thức lang thang vẫn còn si mê lạc lối, không thấy đường ra. Chỉ có Phật đạo chỉ thẳng vào sự thật mới cho được một chánh kiến, thấy rõ gốc rễ của khổ đau để từ đó tự tìm ra con đường giải thoát. Chỉ có lòng từ bi vô lượng của Quán Thế Aâm mới cảm hóa và thức tỉnh được những tâm hồn quằn quại, luẩn quẩn trong những ngục tù của tự thân. Và một ngày nào đó, khi những bóng ma cô đơn cổ xưa nhận ra được Ngũ Uẩn đều là Không, thấm thía được sự huyễn ảo của mọi sự trên đời, như trong câu kệ của kinh Kim Cang, chắc lúc ấy mới tìm được sự an nghỉ cuối cùng.

 

Tất cả pháp hữu vi

Đều như mộng huyễn, như bọt nổi

Như điện chớp, như sương sa

Hãy thường nên quán như vậy. 

 


Mùa hè 2004

(nhân dịp dự lễ Bon-Odori tại chùa Nhật ở Vista) 

 

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng