- Phần Mười Một

04 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 8372)



Đoạn thứ 166: Con người phấn đấu

 


Nhìn cảnh con người phấn đấu tranh đua làm việc gợi cho tôi hình ảnh những tượng ông Bụt ngồi trên tuyết dưới ánh sáng mùa xuân, trang trí với kim ngân, châu ngọc để rồi được an vị trong ngôi chùa sẽ được dựng lên. Không hiểu họ có chờ đợi được cho đến khi ngôi chùa hoàn thành để có thể an vị ông Bụt bằng tuyết hay không? Trong khi đó sinh mạng con người càng ngày càng đi gần đến cái chết như tuyết tan dần đi dưới ánh sáng mặt trời thì con người lại càng nỗ lực phấn đấu trong niềm mong mỏi cho sự thành công!

 

 


Đoạn thứ 167: Người với ngành chuyên môn

 


Cảnh tượng sau đây thường xảy ra khi có người chuyên môn về một nghệ thuật đến tham dự buổi trình diễn của bộ môn nghệ thuật khác, người đó sẽ nói:” Trời, nếu đây thuộc phạm vi chuyên môn của tôi, chắc tôi không ngồi yên để xem như thế này được!” Dù người đó nói câu ấy thành thật từ trong đáy lòng, nó cũng không gây được một ấn tượng tốt về họ. Nếu họ cảm thấy ganh tị về một bộ môn nghệ thuật không thuộc lãnh vực chuyên môn của mình thì nên nói như sau:”Ngành này hay quá! Tại sao tôi không học nó?”

 


Người muốn đem kiến thức hiểu biết của mình ra phô trương để tranh đua với người khác chẳng khác gì con thú có sừng đang chuẩn bị húc vào đối thủ, cũng như thú vật có nanh đang nhe răng ra để hù họa chờ dịp nhào tới cắn đối phương. Cái cao quý con người là không tranh giành vật chất với người khác, không tự đề cao mình, vì tự xem mình siêu việt hơn người khác là thất bại lớn.


Cho dù ai đó tự xem mình tài giỏi cao quý hơn mọi người khác do vì thuộc vào giai cấp quí phái, hoặc do tài năng phi thường, hoặc do di sản tổ tiên dòng họ để lại, hoặc do nhiều lý do khác nữa, đừng nên nói ra hãy giữ lại trong lòng, nên thận trọng trong cử chỉ lời nói, người có hiểu biết phải biết kiềm chế tính tự tôn và quên chúng đi thì hơn. Không gì ngu dốt hơn là tạo tình trạng cho mọi người phê bình chỉ trích, mang đến tai họa do tính ngạo mạn.


Người thực sự quán triệt bộ môn nghệ thuật nào đó là người hiểu tường tận yếu điểm của mình, không bao giờ thỏa mãn với hiện tại, luôn luôn nỗ lực để tiến xa hơn nữa và không bao giờ tự kiêu.

 

 


Đoạn thứ 168: Người lớn tuổi


 

Một người cao niên rất thành thục trong một bộ môn nghệ thuật được người đến hỏi rằngï:”Ngày nào đó cụ ra đi, chúng cháu sẽ hỏi ai bây giờ?”. Điều này cho thấy cụ đã sống có ích và đã thay mặt được cho những người cùng thế hệ. Mặc dù bộ môn nghệ thuật của vị này không hề suy thoái đi nữa, nhưng người đời có thể coi thườngï vì vị này dùng cả cuộc đời chỉ cho có một việc. Tôi thích được nghe vị đó trả lời :”Bây giờ tôi quên hết cả rồi”.


Như một quy luật, cho dù người nào đó hiểu biết rất tường tận về một bộ môn nghệ thuật, nhưng lại hay nói quá nhiều đến nó khiến làm người ta dễõ nghĩ rằng người đó không đủ tài năng, và từ đó đưa đến sự hiểu lầm. Người thực sự nắm vững và thấu triệt lãnh vực nghệ thuật đó thường hay nói:” Tôi không dám nói chắc chắn được”.


Tình trạng còn tệ hại hơn khi nghe người nổi tiếng nói về chủ đề mà ông ta không biết tường tận lại tỏ thái độ dương dương tự đắc hiện trên khuôn mặt.


Người nghe không thể phản bác lại được chỉ biết nhủ thầm trong bụng “không đúng như thế”.

 


 

Đoạn thứ 169: Những gì gọi là nghi lễ

 


Có vài người nói rằng :” Chưa có người nào đề cập đến những gì gọi là nghi lễ, mãi cho đến thời Thiên Hoàng Go-Saga(1) danh từ này mới trở nên quen thuộc”. Sau khi Thiên hoàng Go-Toba lên ngôi, Keireimon-in no ukyo no daibu(3) khi nói về việc phục dịch của các nữ quan trong Hoàng cung có viết như sau:”Lạ lùng! tập tục trong triều đình không thay đổi”.

 


Chú thích:


(1) Thiên Hoàng Go-saga (Hậu Tha Nga) tại vị từ năm 1242 đến năm 1246.

(2) Thiên Hoàng Go- toba (Hậu điểu vũ) lên ngôi năm 1183.

(3) Bà này là nữ quan phục dịch cho Hoàng hậu Keireimon-in, vợ của Thiên Hoàng Takakura (1168-1180)

 

 


Đoạn thứ 170: Việc không có gì quan trọng

 


Nên tránh đến thăm nhà bất cứ ai nếu không có chuyện gì quan trọng, và nên về ngay khi xong việc, chần chừ ở quá lâu chỉ làm phiền người xung quanh.


Thật phí phạm thời giờ khi hai bên ngồi nói chuyện không đâu vào đâu! Nhiều lời chỉ làm thân mệt, tâm không được yên; và để thời gian trôi qua một cách vô bổ ích. Không hay gì khi phải gượng gạo nói cho vừa lòng nhau, có vấn đề mà mình không thích, cách hay nhất là nói thẳng lý do với người đối thoại. Nhưng không phải lúc nào cũng như thế, có lúc tương đàm với người hợp với lòng mình, muốn giữ khách lại cũng phải nói:”Mong anh cứ thư thả, hôm nay chúng ta có thể cùng nhau đàm luận”. Trong tình cảnh này chắc mọi người phải bắt chước ông Nguyễn Tịch(1) giương mắt xanh ra để đón khách.


Hầu như ai ai cũng vui vẻ đón tiếp người khách ghé thăm không vì công việc, đàm thoại qua loa rồi ra về. Riêng tôi không gì lấy làm vui thích khi nhận lá thư viết rằng:” Đã quá lâu không có vài hàng thăm hỏi”.

 


Chú thích:


(1) Nguyễn Tịch: Juan Chi, âm Nhật là Genseki một trong Trúc Lâm Thất Hiền có ghi lại “Hãy đưa mắt xanh đón người mình thích, và đưa mắt trắng đón người mình không thích”.

 

 


Đoạn thứ 171: Người chơi cờ Kai-oi


 

Những người chơi cờ Kai-oi(1) như phản xạ tự nhiên ít ai để ý đến lá bài ở ngay trước mặt, họ mải lo trông chừng phía người bên kia xem họ có thủ gì trong ống tay áo hay ở dưới vạt áo, dù ngay cả trong lúc lá bài đằng trước mặt đang bị người đối diện lật ngửa ra. Người chơi cờ giỏi là người không dồn sức vào việc phải lật ngửa lá bài ở đàng xa, thay vào đó họ nên chú trọng đến những lá bài ở gần, và như thế có thể quan sát được nhiều.


Tương tự như chơi cờ vây (Go)(2), khi người bên này đặt con cờ ở góc bên này thì lập tức đưa mắt sang quan sát con cờ ở phía góc đối chiếu bên kia, làm như vậy ít khi trúng, nhưng với con cờ trong tay chăm chú nhìn thẳng vào con cờ phía đối diện ngay trước mặt thì chắc chắn sẽ dễ trúng hơn.


 

Tất cả mọi điều trên thế gian, đừng nên tìm kiếm những gì ở bên ngoài quá xa xôi, phải hành xử đúng đắn với những gì ngay trong tầm tay. Công tước Thanh Hiến (3) có nói:” Hãy làm điều tốt ngay trong lúc này, đừng hỏi nó sẽ như thế nào trong tương lai”. Câu nói này rất đúng trong việc trị nước, khi người lãnh đạo đất nước hành động một cách chểnh mảng, tùy tiện, không thận trọng những vấn đề thiết thực gần gũi, tất sẽ đưa đến sự chống đối ở vùng xa xôi. Đến khi ấy mới đi tìm mưu kế trị loạn thì tình cảnh giống như người bệnh được mô tả trong sách y-học như sau:” Chỉ có kẻ điên mới ngủ ngoài nơi sương gió, ẩm thấp để sinh bệnh, rồi mới cầu khẩn trời Phật cứu độ”. Những người trị nước với tâm trạng như thế vì họ không nhận thức được rằng nếu họ giải quyết những đau khổ người dân ngay ở trước mặt, thực thi tình nhân ái, làm đúng đạo lý, công bằng thì sức cảm hóa đạo đức chính trị sẽ được lan truyền đi xa biết bao. Vua Vũ đời nhà Hạ bên Trung Quốc đi chinh phạt ba bộ tộc người Miêu(4) uy đức và thành quả chính trị chỉ đạt được khi đại quân rút về, việc này còn được sử sách ghi lại.

 


Chú thích:


(1) Cờ Kai-oi là một trò chơi gồm có tất cả 360 lá bài, 180 lá bài phía bên trái gọi là degai ( lá bài ngửa), và 180 lá bài bên phải gọi là jigai (lá bài xấp). Về sau người ta viết câu thơ hay hình vẽ để phân biệt xấp ngửa.

(2) GO là loại cờ đặc thù của người Nhật, còn gọi là cờ vây, có hai người chơi, bàn cờ chia làm 361 ô vuông, mỗi bên di động hòn Go đen hay trắng, phía nào chiếm được nhiều diện tích thì phía đó thắng.

(3) Công Tước Thanh Hiến (Ching Hsien 1008-1084) làm quan dưới ba đời vua triều đại nhà Tống.

(4) Bộ tộc người Mèo thời đó sinh sống ở vùng Hồ Nam, Hồ Bắc bên Trung Quốc, đối với người Hán xem họ là giống man di, mọi rợ.




Đoạn thứ 172: Khi còn trẻ

 


Con người khi còn trẻ tràn đầy năng lực nhựa sống, nhiều ham muốn rất dễ bị dao động bởi sự vật xung quanh, rất dễ đưa đến hành động nguy hiểm đến tính mạng, giống như hòn ngọc lăn không có sức cản.


Họ là những người yêu thích lộng lẫy, xa hoa, quần áo đẹp, thích tiêu xài phung phí, cho đến khi vứt bỏ mọi thứ để khoác vào bộ áo nhầu nát cũ kỹ của thầy tu. Với tính hăng hái máu nóng dễ đưa đến cuộc tranh cãi và cho đến khi tự cảm thấy xấu hổ, bực tức về tính đối chọi của mình, tình trạng bất an bốc đồng thay đổi hằng ngày, rồi lại rơi vào vòng luyến ái, đôi khi xúc động bởi hành động cao thượng, cũng có lúc muốn bày tỏ tình thương với tha nhân, rồi được nghe kể lại những mẩu chuyện từ trăm năm qua về cái chết được gọi là anh hùng rơm thì lại muốn bắt chước làm y như thế không hề quan tâm đến sinh mạng cũng như sức khỏe đời sống lâu dài. Họ là loại người hình như sống trong cơn mê loạn lôi kéo bởi những khích động bên ngoài và kết quả khi chết đi trở thành câu chuyện đàm tiếu cho thế gian. Họ đã tự phí phạm thời gian của tuổi trẻ.


Còn người già tinh thần trở nên suy nhược, chậm chạp ít quan tâm đến sự vật bên ngoài, thích yên tĩnh không thích làm việc vô bổ ích, quan tâm nhiều về sức khỏe chính họ, không muốn gây phiền não người khác. Người già hơn người trẻ ở trí tuệ kinh nghiệm sống còn người trẻ hơn người già ở vóc dáng bề ngoài.


 

 

Đoạn thứ 173: Chuyện về Ono no Komachi

 


Những chuyện viết về Ono no Komachi (1) không xác tín cho lắm. Có thể tìm thấy những bài viết về hình dạng bà ta trong lúc tuổi già qua tác phẩm Tamatsukuri(2), cũng có thuyết cho rằng tác phẩm này do Kiyoyuki(3) viết, nhưng người ta lại tìm thấy trong mục lục của Kobo Daishi(4). Kobo Daishi mất vào năm đầu triều đại Jo wa(5). Có phải chăng vào lúc này bà ta sống trong giai đoạn trẻ đẹp nhất chăng? Rõ ràng không có gì chính xác.

 


Chú thích:


(1) Ono no Komachi (Tiểu dã tiểu thôn) là thi nhân nổi tiếng về tài lẫn sắc trong thời kỳ Heian.

(2) Tamatsukuri (Ngọc Tạo) đây là tác phẩm bao gồm bài viết về thi ca, viết theo Hán tự vào khoảng thế kỷ thứ 11.

(3) Kobo Daishi (Hoằng Pháp Đại Sư) pháp danh Không Hải, vị tổ tông phái Chân Ngôn của Nhật bản.

(4) Kobo Daishi mất năm thứ hai Jo Wa (Thừa Hòa) tức năm 835 theo tây lịch ở Kongobuji. 

 

 


Đoạn thứ 174: Săn thú vật


 

Khi đi săn bắn thú rừng người ta thường dùng chim ưng loại nhỏ và chó quen với những con mồi loại nhỏ, còn đối với con mồi lớn phải dùng đến con chim ưng lớn, vì trong trường hợp này con chim ưng nhỏ không còn thích hợp nữa.


Nó cũng giống như khi con người chạy theo lợi lớn tất phải bỏ đi lợi nhỏ. Chuyện con người trên thế gian cũng không khác là bao, người ta thích việc vui chơi trần tục hơn là lấy niềm vui trong việc tìm hiểu giáo lý. Đây là vấn đề quan trọng trong đời sống. Khi con người đã khai tâm dốc lòng tìm hiểu Phật đạo thì còn luyến tiếc gì nữa? Anh ta dồn hết năng lực vào việc gì khác nữa? Con người là giống linh khôn nhất trong muôn loài, vì thế cho dù có ngu dốt đi nữa chẳng lẽ lại kém cỏi hơn con chó thông minh nhất hay sao? 

 


 

Đoạn thứ 175: Trên thế gian này có nhiều cái không thể hiểu

 


Trên thế gian quả thật có nhiều điều không thể hiểu nổi. Đó là những cái chúng ta thường gặp trong cuộc sống. Trước hết không hiểu tại sao có người lấy làm thích thú mời người khác uống rượu và ép họ phải uống thật nhiều. Nhìn khuôn mặt nhăn nhó lông mày nhíu lại của người uống có cảm giác họ khổ sở vô cùng đang tìm cách chạy trốn thì bị kéo chân lại đè ra bắt uống. Kết quả là đang người đứng đắn nghiêm trang cũng trở thành như kẻ điên cuồng cư xử một cách ngu xuẩn, và ngay người khoẻ mạnh cũng trở thành như người bị bệnh nặng mất hết ý thức ngã lăn ra trước mặt mọi người. Đó phải chăng là cách vui cho một ngày lễ chúc mừng! Người say rượu tiếp tục nhức đầu mãi cho đến ngày hôm sau, nằm dài trên giường không ăn, không thể nhớ những gì đã xảy ra trong ngày hôm trước theo Phật giáo gọi là “cách sinh tử vọng” nghĩa là tái sinh kiếp sống mới quên đi tất cả kiếp trước, không những thế còn quên đi nhiệm vụ quan trọng cả việc công lẫn việc tư, cả một tai họa. Những người như thế sẽ không còn biết giữ lễ nghĩa, mất đi tính nhân ái. Hơn nữa những người rơi vào tình cảnh như trên không biết họ có cảm thấy cay đắng giận hờn đến kẻ gây ra cho họ hay không. Nếu bảo rằng đây là tập tục của nước ngoài không hề có chuyện như thế ở Nhật Bản thì kể cũng lạ.


 Ngay như người lạ nhìn cảnh cực kỳ khó coi của người say rượu cũng cảm thấy khó chịu huống chi người trong cuộc. Người được gọi là có học vấn có suy nghĩ thế mà cười la hét một cách vô lối, nói lải nhải liên miên, khăn quấn đầu thì méo mó, sợi giây cột áo thì tháo tung ra, áo kimono thì vén lên tận đầu gối, với hình tướng không có ngôn ngữ nào diễn tả đầy đủ vậy mà ngay chính người say không hề nhận biết được.


 Người đàn bà với tóc xõa dài ra bên má và đứng trước mặt cười một cách trơ trẽn không biết xấu hổ là gì, xà vào người đàn ông trong tay cầm ly rượu một tay đưa thức ăn vào miệng đàn ông còn tay kia bỏ thức ăn vào miệng mình. Cả là một hình ảnh khó coi.


 Vài người đàn ông la hét, ca hát nhảy múa theo ý mình, có người tu sĩ kiêm nghệ sĩ già được mời đến như khách danh dự cởi trần cho đến bụng đưa ra màu da vàng ệt xấu xí nhảy múa ưỡn ẹo trông muốn buồn nôn. Có người thì nói những chuyện ra vẻ ta đây làm không ai muốn nghe. Vài người khác thì say túy lúy không biết trời trăng. Người thuộc thành phần hạ cấp chửi bới văng tục cãi nhau ỏm tỏi trông thấy mà kinh hãi.

Sau những hành động kỳ quặc không biết xấu hổ là gì cuối cùng chộp lấy bừa bãi ngay những đồ vật không phải của mình, chân thấp chân cao, té lên té xuống tự mình gây lấy thương tích.

Còn những người không có xe đưa về, chân thấp chân cao đi ngã nghiêng ngã dọc theo đại lộ chính làm những hành động kỳ quặc không ai buồn để ý ở trước cột đèn hay cổng nhà thiên ha.


Lại càng coi không được hình ảnh thầy tu già vai choàng áo cà sa chân cao chân thấp tay vịn vào chú tiểu đồng miệng lẩm nhẩm những gì chả ai hiểu nổi.


Những hành động này có lợi ích cho đời nay, hay đời sau hay không thì không rõ lắm, nhưng trước mắt nó là nguồn gây rất nhiều tai họa, hủy hoại tài sản, mang đến ốm đau bệnh tật.


Có người bảo rượu là thứ thuốc tốt nhất trong hàng trăm thứ thuốc. Điều này không thấy đâu cả mà chỉ thấy nó là nguồn gốc của hàng vạn thứ bệnh. Có người bảo rượu làm quên đi hết ưu phiền, nhưng thực tế khi người say rượu lại khóc lóc nhớ đến những chuyện đã qua.


Nếu nói về đời sau, rượu lấy đi mất trí tuệ, đốt cháy quả tốt nhân lành con người giống như lửa, tăng thêm tội ác, phạm vô số giới luật, và cuối cùng rơi vào địa ngục. Theo lời Phật dạy: “Người say mê rượu và bắt người khác uống rượu sẽ luân hồi 500 kiếp tái sinh làm người không có tay” (1). Người khi mà nghiện rượu rồi rất là khó bỏ. 

Cũng thật là càng thêm thú vị có một ly rượu ấm trong buổi trà dư tửu hậu dưới ánh sáng trăng, một buổi sáng tuyết rơi hay dưới những bông hoa đào nở rộ. Ly rượu làm ấm lại tâm hồn cho những người bạn bất ngờ từ phương xa, và cho những ngày buồn chán. Cũng phải đồng ý và lấy làm vui khi được mời dùng bánh, và rượu ngon từ người không hề quen biết với dáng điệu quý phái bước ra từ đằng sau tấm màn trướng. Thật là đầy hương vị ngồi đối ẩm với người bạn thân, tâm đầu ý hợp trong căn phòng nhỏ bên lò sưởi vào mùa đông.


 Và cũng thật thú vị để có một ly rượu tại nơi tạm nghỉ trên cuộc hành trình dài, hay một chuyến đi chơi ngoài đồng ruộng ngồi trên bãi cỏ non và nói: “Ước gì có món gì nhậu với rượu Sake nhỉ?.” Thấy cũng ngộ nghĩnh khi người không thích uống rượu mà bị bắt uống một chút.


Cũng lấy làm hả dạ vui mừng khi được người trên nổi tiếng mời: “Hãy dùng rượu đi chứ, ly rượu trông vẫn còn đầy đấy!” cũng lấy làm vui mừng khi có người muốn kết giao làm bạn lại thích uống rượu, và chẳng bao lâu trở nên thân thiết.


Mặc dù điều trình bày ở trên, người uống rượu hay vui tính và không phạm tội lỗi nào cả. Không gì tiếu lâm hơn cảnh sau buổi tiệc tàn người khách vì uống quá độ đêm trước ngủ say li bì bị đánh thức dậy sáng hôm sau do ánh sáng cánh cửa kéo ra bởi người chủ nhà, với khuôn mặt còn ngái ngủ đầu tóc rối bù thò đầu ra, không kịp mặc quần áo vào, người ốm tong teo tóc dài lòng thòng vắt áo lên mà chạy.

 


Chú thích:


(1) Câu này trích từ kinh Phạm Võng (Bonmokyo) được dịch sang hán văn từ ngài Cưu la ma thập (Kumavajiva) vào năm 406.

 

 

 

Đoạn thứ 176: Cung Kurodo

 


Kurodo(1) là phòng được dùng để tự do chính Thiên Hoàng Komatsu (2) từ sau ngày lên ngôi nấu ăn, cũng để nhớ lại ngày còn là Thái Tử giống như thường dân phải tự thân đứng ra nấu ăn lấy. Người ta gọi nó là điện đen bởi vì căn phòng trở thành đen do khói đốt từ than củi tụ lại.

 


Chú thích:


(1) Điện đen (Kurodo) là một căn phòng trong hoàng cung

(2) Komatsu (831-887) là người con trai thứ ba của thiên hoàng Ninmyo, lên ngôi năm 884 lấy hiệu là KoKo (Quang Hiếu)

 

 


Đoạn thứ 177: Kamakura Trung Thư Vương


 

Có một lần trận đá cầu được tổ chức ở sân cung điện Thái tử Munetaka thuộc vùng Kamakura, trời vừa mưa xong mặt sân còn ướt, vì thế có cuộc thảo luận để đưa ý kiến giải quyết tình trạng trên. Sasaki cũng là tu sĩ từ vùng Oki đưa ra ý kiến đem xe chở bộït gỗ cưa đến rải trên sân, như thế không còn vấn đề đất bùn nữa. Ai nấy đều ca ngợi thán phục “Thật là chuẩn bị chu đáo! Chuẩn bị ngay cả cho đến việc này”

 


Khi có người đem chuyện này ra kể lại thì Yoshida nhiếp chính đại thần Trung Nạp Ngôn mới nói: “Tôi lấy làm lạ tại sao ông ta không chuẩn bị cát khô” Tôi cảm thấy xấu hổ đã trót khen ông ta trước đây, vì bộït gỗ cưa không những thiếu thẩm mỹ và cũng không đúng luật. Đúng ra theo thông lệ người tổ chức đá cầu là phải rải cát lên trên sân chơi.

 


Chú thích:


(1) Thái tử Munetaka (1243-1274) là con trai trưởng của Thiên Hoàng Gosaga, lúc lên mười một tuổi được bổ nhiệm tướng quân vùng Kamakura, năm 24 tuổi nhậm chức Trung Vụ Khanh, mất năm 33 tuổi. 

 

 


Đoạn thứ 178: Người gia nhân

 


Người gia nhân phục dịch cho gia đình quý tộc sau khi xem buổi trình diễn Kakura trong hoàng cung kể chuyện lại và họ nói: “Ông quan này ông quan nọ đều mang bảo kiếm.” Trong đám nữ quan hầu cận đang đứng ở đấy có người thì thầm: “Thiên Hoàng ngay khi đi thăm cung điện khác ở trong hoàng cung cũng đeo theo thanh kiếm.” Tôi lấy làm thích thú cho nhận xét này, đoán chắc người nữ quan hẳn phải làm việc đã lâu trong cung.


 

 

Đoạn thứ 179: Lưu học Trung Quốc


 

Dogen thượng nhân (1) một cao tăng sang Trung Quốc lưu học mang về nước bộ Đại Tạng Kinh gồm Kinh, Luật và Luận để ở chỗ gọi là Yakeno vùng Rokuhara, chú trọng giảng dạy về kinh Surangama (2), và gọi chùa nơi ngài cư ngụ là Naranda (3).


Dogen có nói:” Theo như thuyết lý luận của Oe no Masafusa (4) cho rằng cổng chính của Tu viện Naranda ở bên Ấn Độ quay về phía bắc, nhưng tôi hoàn toàn không thấy ghi điều này trong “Pháp thiền truyện” và “Đại Đường Tây Vực Ký” không hiểu tài học của Masafusa như thế nào nhưng điều này rất là không được rõ ràng. Đương nhiên chùa Hsi ming (5) ở bên Trung Quốc quay về hướng bắc.”


 

Chú thích:


(1) Dogen (âm Hán Đạo Nhãn) thượng nhân, đừng nhầm với Dogen (Đạo Nguyên) người sáng lập Tào Động Tông, là một trong nhiều vị Sa Môn sang Trung Quốc du học vào năm 1279, đời nhà Tống.

(2) Bộ kinh chú lăng nghiêm còn có tên là “Trung Ấn Độ A Nan Đà Đại Đạo Trường Kinh” chủ yếu nói về bồ đề tâm, và căn bản Thiền pháp.

(2) Một học giả thi nhân thời Heian sinh năm 1041, mất năm 1111.

(3) Chùa được cất lên thời vua Cao Tông vào năm 658 cùng để cho ngài Huyền Trang Tam Tạng tu tập dựa theo mô hình kỳ viên Tịnh xá bên Ấn Độ.

 

 


Đoạn thứ 180: Sagicho


 

Sagicho có nghĩa là lấy những con bông vụ làm bằng gỗ thường dùng cho trò chơi đầu năm đem từ Chân Ngôn Viện đến vườn Thần Tuyền để đốt. Nói đến hồ ở trong vườn Thần Tuyền là phải nói đến câu “Hồ nơi pháp thành tựu (1) được mọi người đọc tụng.

 


Chú thích:


(1) Câu truyện kể lại trong Thái Bình Ký “Taiheiki”, Hoằng Pháp Đại sư (KoBodaishi) làm lễ cầu nguyện cho mưa rơi, sau khi làm lễ xong thì trời mưa xuống; để tán thán công đức hoằng pháp mọi người đọc tụng câu này.

 

 


Đoạn thứ 181: Hãy rơi! hãy rơi! tuyết phấn


 

Ý nghĩa chữ Koyuki trong bài hát “Fure, fure, Koyuki, Tamba no Koyuki”(1) có nghĩa “tuyết phấn” được dùng diễn tả cảnh khi giã gạo bột phấn gạo bắn tung ra giống như tuyết rơi. Dòng thứ nhì đúng ra phải nói là tamane Koyuki, nay trở thành Tamba no Koyuki (2) là không đúng. Theo số người thành thạo giòng tiếp theo phải hát là: “Cành cây bên hàng dậu.”


Tôi tự nghĩ đi theo bài hát đồng dao để trở về quá khứ xa xưa. Thiên Hoàng Toba khi còn bé đã dùng chữ Koyuki để mô tả cảnh tuyết rơi, điều này được ghi lại trong nhật ký của Sanuki no Suke (3)

 


Chú thích:


(1) Có nghĩa “Hãy rơi, hãy rơi, tuyết phấn rơi, hãy bồi đắp cao tuyết phấn.”

(2) Còn Tamba no Koyuki có nghĩa tuyết phấn từ Tamba. Tamba là tên ngôi làng ở phía tây Kyoto.

(3) Sanuki no Suke (1029-1103) là con gái Fujiwara no Akitsuna. Nhật ký viết trong khoảng 1107 và 1110.

 


 

Đoạn thứ 182: Tứ điều đại nạp ngôn Takachika

 


Tứ Điều Đại Nạp Ngôn Takachika (1) mang tặng Thiên Hoàng cá Hồi khô. Có người nghe được phản đối :”õ Không có lễ nghi gì dâng tặng Thiên Hoàng thực phẩm hạ cấp như thế “.


Đại Nạp Ngôn trả lời :


“Nếu bảo Thiên Hoàng không dùng những món ăn cá Hồi (2), nhưng đây lại là cá hồi phơi khô. Tôi không nghĩ rằng Ngài không bao giờ ăn cá Namazu (3) khô cả.


 

Chú thích


(1) Fuyinara Takachika (1203-1279) năm 37 tuổi làm Quyền Đại Nạp Ngôn, đến năm 49 tuổi là Đại Nạp Ngôn.

(2) Cá hồi tiếng Nhật gọi là Sake (một loại cá thuộc giống Salmon) sống ngoài biển, đẻ trứng vào mùa Thu.

(3) Cá Namazu, cũng được gọi là cá hồi, cùng một lọai với Salmon, sống vùng nước ngọt, thịt rất ngon.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng