- Phần Ba

28 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 8205)



Đoạn thứ 40: Ở vùng Inaba

 


Người ta đồn rằng tại vùng Inaba có một cô con gái là người con một nhà sư thệ phát đi tu sau khi đã lập gia đình. Cô này có dung mạo rất đẹp nên có nhiều người đến xin dạm hỏi làm vợ. Nhưng cô này có tật chỉ ăn hạt dẻ và không ăn gì khác. Vì thế người cha không dám nhận lời cầu hôn và nói rằng :”Con người đặc biệt như thế này sẽ không thể làm dâu nhà nào được cả”.

 

 

 

Đoạn thứ 41: ngày 5 tháng 5


 

Nhân vào ngày 5 tháng 5 chúng tôi có dịp đi dự xem cuộc đua ngựa ở lễ hội Kamo(1). Có một đám đông người thiếu tế nhị đứng ngay trước xe ngựa làm che khuất không thể thấy được cuộc đua. Chúng tôi đành phải bước xuống xe để đi về phía trước, nhưng khổ nỗi người quá đông cũng không có cách nào xen vào để bước lên trên để xem. Vừa khi ấy chợt thấy một vị Pháp Sư đang ngồi ngất ngưởng trên xà ngang bắt tréo giữa các cột trụ của tòa nhà về phía đối diện đằng trước mặt. Ông ta vừa xem vừa ngủ gà ngủ ngật, mỗi lần ông ta mở mắt ra là thấy như ông ta sắp sửa ngã xuống đất.


Mọi người nhìn cảnh tượng này ai nấy đều châm biếm trêu trọc ông:” Quả là đồ ngu! Thử tưởng tượng có ai leo lên chỗ nguy hiểm như thế mà ngồi ngủ”.


Chợt trong đầu nảy ra ý tưởng và bật miệng nói: “Thật là mình quá ngu, quên đi chân lý cuộc đời, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, cứ mãi mãi chìm đắm trong cuộc sống u mê, đi tìm thú vui vô bổ ích”.


Người đứng trước mặt nghe được và nói: “Quả đúng như thế, thật là hành động điên rồ “. Họ quay lại nhường chỗ cho chúng tôi và nói: “Xin mời quý vị bước vào đây”.


Con người đâu phải gỗ đá, đến lúc nào đó những gì hợp đạo lý, tình người sẽ gây tác dụng mạnh đến sự tư duy, hành động.

 


Chú thích:

  1. Lễ hội Kamo thường tổ chức đua ngựa ở thần cung Kamo hằng năm.

 

 


Đoạn Thứ 42: Con trai quan võ Karahashi

 


Tăng Đô(1) Gyoga là con trai quan võ Karahashi(2), cũng là vị tăng đảm trách công việc giảng dạy giáo lý Chân Ngôn Tông thuộc Mật Giáo. Nhà sư này mắc chứng bệnh thỉnh thoảng chóng mặt, ngất xỉu, bệnh càng ngày càng thêm trầm trọng theo năm tháng, có lúc nghẹt mũi thở không được. Dù đã theo nhiều phương cách chữa trị, nhưng căn bệnh ông ta mỗi ngày mỗi trở nên trầm kha. Mắt, lông mày, trán sưng phùng lên đến độ ông ta không thể nhìn thấy vật xung quanh. Mới nhìn vào ai cũng tưởng ông ta đang đeo mặt nạ Ninomai(3). Quả thật trông rất ghê sợ giống như mặt ác quỷ, mắt thì lồi ra, mũi thì phình chương lên trên cả trán. Từ đó vị này sống âm thầm, lầm lũi trong chùa không gặp bất cứ ai, và một thời gian sau thì mất. Đây là con bệnh có thực.

 


Chú thích:


1.Tăng đô là hàng giáo phẩm, loại tăng giai phân chia trong hệ thống tổ chức tăng đoàn của Phật giáo Nhật Bản. Gyoza gọi theo âm hán là Hành Nhã.

2.Karahashi (Đường Kiều), quan võ tên họ là Minamoto no Misakiyo (1182 - 1230)

3.Ninomai là loại mặt nạ thường dùng để đeo vào mặt trong khi trình diễn Bugaku





 

Đoạn thứ 43: Vào ngày cuối xuân


Vào ngày cuối xuân, bầu trời vẩn đục, khí hậu nhẹ nhàng đi dạo bộ qua căn nhà trông rất đồ sộ oai nghiêm với những hàng cây cổ thụ cao lớn, trong vườn trồng đầy cây Anh-Đào bao trùm với bông hoa đào đang nở rộ khiến cho người bộ hành không thể không dừng bước chân thưởng lãm. Bước nhẹ ghé nhìn vào trong vườn, tấm mành trước cửa quay về phía nam đều hạ xuống trông có vẻ hoang vu không có người ở, nhưng xuyên qua kẽ hở tấm mành cửa bằng trúc quay về hướng đông thì thấy bóng người thanh niên dung mạo thanh tú tuổi trạc hai mươi, đang trầm tĩnh đọc cuốn sách mở ra trước mặt trên bàn. Tự hỏi thầm anh ta là ai, bèn muốn đến hỏi thăm.

 


 

Đoạn thứ 44: Từ đằng sau cánh cửa

 


Từ đằng sau cánh cửa được đan kết bằng tấm phên trúc đơn sơ, một chàng thanh niên quần áo bảnh bao bước ra, dưới ánh sáng trăng màu sắc trông không được rõ ràng, mặc quần màu tím đậm, theo sau là một tiểu đồng, đi dọc theo con đường làng dẫn xuyên qua ruộng lúa. Cho dù đẫm ướt với những hạt sương kết tụ bên nhánh lúa, thanh niên vẫn lấy làm cao hứng, vừa đi vừa thổi sáo rất hay. Vì tò mò muốn biết anh ta đi về đâu nên tôi lật đật theo sau, chứ chẳng phải vì muốn thưởng thức tiếng sáo, thật ra có ai hiểu gì đâu. Khi vừa đến chân đồi, anh ta ngừng thổi sáo và bước qua cổng chính trước khi vào bên trong dinh thự. Tại đây thấy có càng kiệu xe đã tháo gỡ ra khỏi con bò nằm trước sân, kiệu xe ở đây trông đẹp hơn ở Kinh đô.


Tôi mới hỏi anh kéo xe, tại sao để kiệu xe ở chỗ này? Anh ta trả lời:” Hoàng thái tử đang ở đây, và hiện đang có buổi lễ Phật trong tòa nhà này”.


Chư tăng đang hành lễ trước bàn thờ Phật, mùi hương trầm theo làn gió lạnh tỏa vào không gian mang đến chỗ tôi đang đứng. Những phụ nữ đứng chờ dọc theo hai bên hành lang dẫn vào chỗ để bàn thờ, họ mang theo mùi hương quyện vào quần áo khi rời chỗ hành lễ. Thật là hiếm lạ, có con người thanh nhã ở chốn núi non, đèo heo, hút gió ít người lai vãng.


Khuôn viên khu vườn giống như cánh đồng về mùa thu với bụi cỏ may mọc hoang dại, phủ ngập hơi sương nặng trĩu đến nỗi như muốn gẫy gập xuống, văng vẳng đâu đây tiếng suối kêu róc rách, tiếng côn trùng nỉ non ai oán.


Đám mây ở nơi đây dường như lững lờ di động nhanh hơn ở kinh đô, mặt trăng cũng vậy lúc mờ lúc tỏ lúc ẩn lúc hiện đằng sau ngọn núi.

 

 


Đoạn thứ 45: Người đứng hàng thứ hai

 


Kinyo Fujiwara là người đứng hàng thứ hai trong triều đình. Có người anh ruột là Tăng Thống Ryogaku (Lương Giác) cũng là một thi nhân, tính tình rất dễ nổi nóng. Ở bên cạnh chùa vị Tăng Thống đang trụ trì có cây gai lớn (cây này có lá gai). Vì thế dân chúng đặt tên cho ông ta là “Tăng Thống có gai “. Ông ta nổi nóng do vì không chịu nhận tên gọi này và ra lệnh chặt bỏ cây có gai đi. Dù chặt cây đi rồi vẫn còn phần thân cây còn sót lại nhô ra. Người ta gọi ông ta là “Tăng Thống nhô ra “. Ông ta càng thêm nổi giận ra lệnh đào phần thân cây còn dính lại và vứt nó đi. Nhưng khốn nỗi nó còn để lại một lỗ hổng thật lớn. Dân gian lại cho ông ta cái tên là “Tăng thống đào giếng “.

 



Đoạn thứ 46: Khu phố Yanagihara

 


Ở thành phố Kyoto có khu phố tên là Yanagihara, gần đấy có nhà sư dân dã người đời đặt cho ông ta cái tên là Hoin (Pháp Ấn)(1) đạo tặc (ăn trộm). Do vì ông ta hay thường gặp những tên đạo tặc ở ngoài đường.


 

Chú thích:


(1) Hoin- Pháp ấn là tước vị cao nhất trong tăng doàn Phật giáo ở Nhật Bản ngày xưa, và chính thức được công nhận bởi triều đình.

Đoạn thứ 47: Có người đi tham bái chùa Kyomizu (Thanh Thủy)

 

Ở vùng Kyoto có ngôi chùa Kyomizu (1) thuộc tông Pháp Tướng nổi tiếng với tượng Phật Quan Âm có mười một mặt và một ngàn cánh tay. Vào một hôm có người trên đường đi đến chùa tình cờ gặp vị ni sư già mồm lúc nào cũng lẩm bẩm nói “kusame, kusame”(2). Người này cảm thấy lạ mới quay sang hỏi: ”Thưa ni sư tại sao sư lại nói như thế?”.

 

Vị ni sư già không buồn trả lời câu hỏi, và cứ thế tiếp tục lẩm bẩm tụng không ngừng. Người này cũng không chịu thua tiếp tục hỏi mãi cho đến một lúc vị ni sư chịu không nổi, bực tức nói :”õCái anh này lắm chuyện, tôi phải tụng đến khi nào vị đó nhảy mũi, nếu không người đó sẽ chết. Vị ấu nhi mà tôi đang lo dạy dỗ ở chùa Enryaku (3) trên núi Hieisan là con trai ông quan lớn trong triều đình. Tôi tin chắc rằng vị ấu nhi đã nhảy mũi rồi”. Đó là lý do tôi tụng kusame.


Quả là đức tin hiếm có.

 


Chú thích:

(1) Kyomizu – Thanh Thủy Tự là ngôi chùa rất nổi tiếng ở Kyoto, không chỉ về nghệ thuật kiến trúc mà còn cho thấy nghệ thuật điêu khắc các tượng Phật.

(1) Kusame: theo nghĩa cổ điển có nghĩa cầu trời khấn phật phù hộ cho, theo nghĩa hiện đại là xỉ mũi. Nhưng đoạn văn này mang ý nghĩa “nhảy mũi”.

(2) Enryaku: Diên Lịch Tự là ngôi chùa nổi tiếng thuộc tông Thiên Thai, trên núi Tỷ Duệ.

 


 

Đoạn thứ 48: Công Tước Mitsuchika

 


Công tước Mitsuchika, cũng là một nhà chính khách lỗi lạc, có trách vụ lo việc giảng dạy kinh Kim Cương Minh Tối Thắng Vương cho hoàng tộc trong triều đình và cho cả Thiên Hoàng. Có một lần Mitsuchika được mời dùng cơm với Thiên Hoàng và hoàng tộc. Sau khi ăn xong, ông ta đẩy cái khay ra đằng sau tấm màn che, đứng dậy đi ra về. Người phụ nữ phục dịch la lên : “Đồ ở bẩn, ai mà dọn đồ thừa của ông ta”.


Nhưng Thiên hoàng thì lại tỏ ý ca ngợi:” Đó là cung cách mấy ông quan, không có chi là phải ngạc nhiên”.

 


 

Đoạn thứ 49: Cái già nó đến


 

 Không phải đợi đến khi lớn tuổi mới bắt đầu tu học Phật Pháp. Hầu hết những bia mộ trong quá khứ là thuộc về người qua đời khi còn trẻ.


Có người phải đợi đến lúc bị bệnh nặng, sắp sửa xa rời thế gian khi ấy mới hay biết những nhầm lẫn trong cuộc sống. Sai lầm lớn nhất trong cuộc đời là những điều cần phải làm ngay như tu tập căn tính thì không chịu lo, hoặc làm rất từ từ, còn những cái không nên làm hoặc không cần thiết như chạy theo nhu cầu vật chất thì vội vã hùng hục làm. Đến khi hối hận về những sai lầm ấy thì không còn thời gian nữa.


Con người phải luôn luôn ghi nhớ trong lòng một điều, cuộc đời là vô thường, có nghĩa cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Nếu hiểu được như thế tại sao chúng ta không tinh tiến nỗ lực tu trì Phật đạo, từ bỏ tà niệm, u mê, vọng chấp về thế gian.


 

Có câu chuyện về “Thập Nhân Thiền Lâm”. Có nhà sư tên là Yogan (1) tu ở chùa Zenrin, được mọi người xem như thánh. Nếu có ai đến chùa gặp ngài để hỏi việc thì đều được trả lời :”Hiện đang có việc cần gấp phải làm ngay trong ngày, hoặc ngay tối nay”. Nói xong yogan tiếp tục niệm Phật, hưởng thọ 79 tuổi, hoàn tất Phật đạo, vãng sinh về cõi tịnh độ.

 


Có một thánh nhân khác tên là Shinkai (Tâm Giới) tu trên núi Takano (Cao Dã Sơn), nhìn thấy tam giới lục đạo và sự vô thường thế gian, không bao giờ ngồi yên, thanh thản, mà luôn luôn di động trong tư thế chuẩn bị vào cõi Phật.

 


Chú thích:


(1) Yogan (Vĩnh Quán) tu ở chùa Zenrin (Thiền Lâm) ở thành phố Kyoto thuộc tông Tịnh Độ. Ngài có viết tác phẩm Ojo Juin (Vãng sanh thập nhân).

 


 

Đoạn thứ 50: Vào triều đại Ocho

 


Câu chuyện xảy ra vào triều đại Ocho (1). Dân chúng đồn đãi có người đàn ông từ vùng Ise đi về Kinh Đô dẫn theo nữ quỷ. Chỉ trong vòng hai mươi ngày tin đồn lan ra khắp nơi từ thành phố Kyoto tuốt đến Shirakawa. Ai ai cũng muốn đi xem mặt con quỷ nữ. Người ta truyền miệng nhau rằng:”ngày hôm qua quỷ nữ viếng thăm Saionji(2). Hôm nay quỷ nữ chắc đi thăm nơi Thượng Hoàng đang cư ngụ, hay là hiện nay đang ở chỗ này, hoặc chỗ kia”. Thực ra không một ai quả quyết rằng họ đã gặp quỷ nữ rồi, nhưng đồng thời không một ai phủ nhận tin đồn và bảo nó là sai. Từ quan cho đến chí dân ai ai cũng chỉ nói về một chủ đề “ûquỷ nữ”õ không gì ngoài khác.


 

Một hôm trên đường đi từ Higashiyama (Đông sơn) về phía Agui (An cư viện) thì thấy đám người chạy đổ xô từ Shijo (Tứ điều) về hướng bắc. Người ta la lên có quỷ nữ ở ngã tư đường giữa Ichijo và Muromachi. Khi đi đến gần khu Imadegawa nhìn về phía mọi người đồn, thì thấy một đám đông đứng tụ bao quanh khán đài chỗ Thượng Hoàng ngồi để dự khán lễ hội Kamo không có cách chi len vào bên trong. Thầm nhủ trong bụng như vậy câu chuyện đồn đãi không phải không có căn cứ. Mới bảo người nhà đi xem thật hư như thế nào, anh ta trở về cho hay không gặp được ai xác nhận rõ ràng đã nhìn thấy quỷ nữ. Thiên hạ cứ tiếp tục bàn tán xôn xao cho đến tối khuya. Cuối cùng đưa đến kết quả tranh cãi lẫn nhau, và một vài hình ảnh không đẹp xảy ra. Từ đó bất cứ ai ngã bệnh hay trúng gió vài ngày, người ta đều đổ lỗi bệnh hoạn gây ra từ việc đồn đãi về quỷ nữ.

 


Chú thích:


(1) Triều đại Ocho (Ứng Trường) rất ngắn từ năm 1311 đến 1312, có lẽ Kenko vào khoảng 28 tuổi.

(2) Chùa Saion (Tây Viên Tự) nằm phía bắc Kyoto, bây giờ thuộc về Kim-Các Tự.

 

 


 Đoạn thứ 51: Hồ nước ở cung Kameyama

 


Thiên Hoàng Gosaga có ý định dẫn nước từ sông Oi (Đại Vi) vào hồ nước trong thần cung Kameyama(1), ra chỉ thị dân làng Oi làm máy quay bánh xe dẫn nước, trả lương cho họ rất hậu hỹ. Vì thế dân làng Oi nỗ lực nhiều ngày hoàn tất nó. Nhưng khi đem máy ra xử dụng thì bánh xe không chạy, dân làng tìm đủ mọi phương cách điều chỉnh, nó vẫn khăng khăng không chịu quay. Cuối cùng Thái Thượng Hoàng đành phải thỉnh cầu dân làng Uji (Vũ Trị) đến để làm máy dẫn nước. Người dân làng này sống dọc theo ven sông, rất thành thạo trong việc dẫn nước vào đất liền. Họ ráp, phối hợp mọi bộ phận vào với nhau một cách uyển chuyển, nhẹ nhàng, và máy dẫn nước hoàn tất mỹ mãn, đưa nước vào hồ hoàn hảo.


Tất cả mọi việc, mọi nghề kiến thức chuyên môn là điều trân quý.


Chú thích:


(1) Cung Kameyama nơi cư ngụ của Thiên hoàng cha Gosaga (1220 - 1272) và Thiên Hoàng Kameyama (1249 - 1305), nó nằm phía tây thành phố Kyoto nay thuộc chùa Tenryuji.

 

 


Đoạn thứ 52: Vị Pháp sư chùa Ninaji


 

Có vị pháp sư tu ở chùa Ninaji (1) đã lớn tuổi, hay than thở thật là thiếu tình nghĩa nếu không đi tham bái Thần cung Iwashimizu (2) Một hôm vị này quyết tâm dùng đường bộ đi thăm Thần cung. Theo thông lệ người ta dùng thuyền đi đến bờ sông và từ đó dùng đường bộ leo lên núi tham bái. Nhưng vị pháp sư sau khi viếng chùa Gokuraku (Cực Lạc Tự) và Thần xã Kora (Cao Lương), tự cho rằng đó là Thần cung Iwashimizu Hachiman, và đi trở về chùa Ninna. Ông ta không hay biết rằng phần chính Thần cung Hachiman nằm ở trên đỉnh núi và hai nơi mà ông ta đã đi xem chỉ là phần phụ thuộc của Thần cung chỗ tham bái. Khi về đến chùa vị này mới kể cho chúng tăng rằng :” Sau bao nhiêu năm ước nguyện tôi đã đạt được sở nguyện, điều mong muốn đến tham bái Thần cung. Nó thật uy nghiêm hơn điều tôi thường tưởng. Có điều lạ không hiểu tại sao người đi hành hương đều leo lên núi. Nó có cái gì ở trên đó? Vì bản nguyện của tôi là muốn tham bái Thần cung, không có ý định tìm hiểu núi non, thắng cảnh”.


Mới thấy, ngay việc nhỏ nhặt cũng nên có người hướng dẫn.

 

 

Chú thích:


(1) Chùa Ninaji (Nhân Hòa Tự) thuộc Chân Ngôn Tông, phái Ngự Thất được thành hình vào năm 888, năm Nhân hòa thứ 4, tọa lạc phía Tây Bắc Kyoto.

(2) Thần cung Iwashimizu Hachiman nằm trên núi Otokoyama, được tạo dựng vào năm 859, nằm giữa Osaka và Kyoto.

 


Đoạn thứ 53: Lại câu chuyện về Pháp sư chùa Ninnaji

 


Lại trở về câu chuyện vị Pháp sư ở chùa Ninnaji. Trong buổi tiệc đãi khách và chúc mừng chú tiểu nay chính thức lên thành tăng lữ trong chùa, khách khứa ai nấy đều lấy làm thích thú khi thấy nhà sư say rượu cao hứng lấy ấm nước ba chân chụp lên đầu, nhưng nó bị mắc cản bởi lỗ mũi, ông ta cố ấn ấm nước đi xuống che kín cả mặt, và cứ như thế mà nhảy múa khiến ai ai cũng đều phá lên cười.


Nhà sư ngừng nhảy múa trong giây lát và cố thử tháo gỡ ấm nước ra khỏi đầu nhưng không được. Buổi tiệc cũng vừa chấm dứt, mọi người tụ lại bàn tán băn khoăn không biết phải xử trí ra làm sao? Tìm hết cách này rồi sang cách khác để kéo nó ra cũng không xong, chỉ tổ làm cho rách da, chảy máu, rồi cái cổ nó sưng to ra khiến vị tăng càng thêm khó thở. Có người nẩy ra ý kiến thử đập vỡ ấm nước. Nhưng ấm nước không những không vỡ mà nghịch lại âm hưởng dội vào trong đầu khiến người đội nó không thể chịu nổi.


Sau khi tất cả mọi phương án đưa ra đều thất bại, mọi người đành lấy tấm khăn một đầu cột vào chân ấm nước lồi ra ngoài như cái sừng, và đưa cho nhà sư cái gậy, còn đầu kia kéo dẫn ông ta đi đến gặp vị y sĩ ở trong vùng Kyoto. Nhìn cảnh tượng này trên đường phố ai nấy đều lấy làm kinh ngạc. Khi vị pháp sư đến gặp y-sĩ ngồi đối diện với ông ta đưa ra một hình ảnh hết sức kỳ quái. Trong khi ông y-sĩ nói thì nghe như thì thào tiếng được tiếng không vào tai vị pháp sư như là :


”Tôi chưa hề thấy trường hợp nào kỳ lạ như thế này trong sách y khoa”.


Hay là “Tôi cũng không hề thấy trong y học dân gian truyền khẩu”.


 

Không biết làm sao hơn, vị pháp sư đội ấm nước ba chân được dẫn trở về lại chùa Ninnaji. Ở đây bạn bè tụ tập lại, người mẹ già ngồi bên cạnh giường khóc than. Dù vậy ngay chính pháp sư có lẽ cũng không nghe biết người xung quanh họ đang nói cái gì.

 


Cuối cùng có người đưa đề nghị:” Cho dù mất mũi và tai nhưng cứu được mạng người vẫn hơn, bằng cách tất cả hết sức kéo thật mạnh ấm nước ra”. Họ quấn rơm rạ xung quanh cổ rồi hè nhau lôi ấm nước ra khỏi đầu vị pháp sư. Kết cục ấm nước được lấy ra khỏi đầu để trơ ra hai lỗ tai và lỗ mũi. Mạng sống pháp sư đã được cứu nhưng hình hài, khuôn mặt không còn được như xưa, và ông ta ngã bệnh nặng vài năm sau đó.

 

 

 

Đoạn thứ 54: Câu chuyện về chú tiểu dễ thương ở Omuro

 


Có chú tiểu nổi tiếng dễ thương ở Omuro(1). Chúng tăng trong chùa mới bày kế tìm cách để dụ chú tiểu này đi ra ngoài chùa chơi, nào là có các asobihoshi(2) trình diễn. Đồng thời họ cũng đã chuẩn bị cẩn thận với cái bình bằng gỗ nhét vừa khít trong cái hộp rất đẹp được chôn dấu không xa vùng Narabigaoka(3) bao nhiêu. Chúng tăng sau khi phủ lấp lên trên chỗ dấu bằng những chiếc lá vàng để không ai biết nó nằm ở đâu, trở về lại Omuro và dẫn chú tiểu đi dạo cảnh. 


Chúng tăng trong bụng lấy làm vui thích về kế hoạch của mình cùng chú tiểu đi dạo khi vừa đến gần nơi mọc rêu xanh chỗ chôn dấu cái hộp họ đều ngồi xuống, có người nói:


“ Mệt quá! không biết có ai đốt lá vàng để hâm rượu không nhỉ!”(4).


Có người khác lại nói:


“Sao không dùng đức tin để cầu nguyện xem thế nào?”.


 

Chúng tăng tay xoa chuỗi hạt, bắt ấn, miệng đọc chân ngôn, mắt hướng về gốc cây nơi chôn dấu bảo vật, sau đó chậm rãi đẩy hết lá vàng sang một bên, nhưng không thấy cái hộp đâu cả. Nghĩ rằng tìm không đúng chỗ, chúng tăng quay sang lục lạo khắp mọi nơi, không thấy cái hộp đâu cả. Như vậy có người nào đó đã thừa lúc họ đi về lại Omuro ăn cắp mất rồi. Chúng tăng trách cứ lẫn nhau, trở về chùa trong sự hậm hực bực tức.


Bất cứ âm mưu nào không tốt, đều nhận hậu quả không hay.

 


Chú thích:


(1) Omuro (Ngự thất): còn có tên là chùa Ninnaji (Nhân Hòa), nơi đây bao thế hệ đời đời trong Hoàng tộc như Hoàng Thái Tử đi tu đều sống ở đây.

(2) Asobihoshi: ngày xưa thường dùng để nói về Pháp sư chuyên hát cổ nhạc, múa giúp vui trong dịp lễ hội. Nhưng cũng có nghĩa tài tử mặc tăng phục nhưng không phải là tăng.

(3) Narabigaoka thành phố nằm phía tây Kyoto có 3 ngọn đồi hình thù giống nhau.

(4) Câu này lấy ý từ câu thơ Hán sau:


“Lâm gian hồng điệp thiêu hoán tửu,

 Thạch thượng lục đài tảo đề thơ”.


 Tạm dịch:


  Đốt lá trong rừng hâm ấm rượu,

 Vạch rêu trên đá thảo vần thơ.




Đoạn thứ 55: Dựng nhà


 

Dựng nhà nên làm vào mùa hè, mùa đông sống ở chỗ nào cũng được, nhưng thật khó ở căn nhà tồi tệ vào lúc nóng bức mùa hè.


Dòng nước của con sông cạn gây cho cảm giác mát mẻ hơn dòng sông sâu. Nhìn một cách chi tiết thì thấy căn phòng với cánh cửa kéo mở sang hai bên trông thanh tao nhẹ nhàng hơn căn phòng đóng mở bằng then chốt. Căn nhà có trần cao thì lạnh về mùa đông và lúc nào cũng trông tối tăm, thiếu ánh sáng.


Mọi người đều đồng ý là căn nhà có nhiều phòng tất có nhiều quyến rũ, chắc chắn nó được tạo cho mục đích nào đó.

 


 

Đoạn thứ 56: Gặp lại người bạn sau bao nhiêu năm tháng xa cách

 


Thật là nhàm chán biết bao khi gặp lại người bạn sau bao nhiêu năm xa cách, anh ta nói liên miên về chuyện của anh ta từ lúc đó đến nay không ngừng. Cho dù người đó là người bạn cực kỳ thân thiết đi chăng nữa, không gặp lại sau thời gian quá lâu, chẳng lẽ người đó không thấy lưu tâm đến điều gì khác sao? Cho dù người đó thuộc thành phần hạ cấp, thiếu giáo dục, câu chuyện có thể đôi khi đi ra ngoài lề, chẳng lẽ không có lúc nào ngừng nói những chuyện chỉ liên quan đến chính mình.

 


Người có giáo dục, có nhân cách dù có nói về chính họ đi nữa mọi người tự nhiên đều muốn lắng nghe. Còn người thiếu giáo dục khi mở mồm ra cho dù không đề cập đến ai cả cũng làm cho người ta phá lên cười. Có thể xem là đủ để bình giá phẩm cách, trình độ học vấn của một người qua thái độ điềm nhiên khi kể câu chuyện vui hay những câu chuyện vu vơ không đâu vào đâu khiến mọi người cười chăng.


Cảm thấy khó chịu khi nghe một người bình phẩm người khác về dung mạo đẹp xấu, học vấn cao thấp qua sự so sánh với chính họ.

 


 

Đoạn thứ 57: Người nói về thi ca


 

Cảm thấy thất vọng, ngỡ ngàng khi người bàn luận về thi văn mà không biết gì về thơ ca. Làm sao có người với một ít kiến thức về thi ca có thể bình luận như một thi bá.

Vì thế người ngoài cuộc cảm thấy lúng túng khó chịu khi nghe người nào đó thảo luận về vấn đề không thuộc phạm vi chuyên môn của mình.


 

 

Đoạn thứ 58: Nếu có đạo tâm

 


Có người nói :” Người có lòng thành tầm đạo thì sống bất cứ chỗ nào, tại gia, ngoài đời, hay trong chùa đều có thể vượt qua trở ngại để tái sinh vào cõi Niết Bàn Tịnh Độ”. Người nói câu này chắc hẳn hoàn toàn không biết gì về kiếp con người. Quả đúng như vậy khi người ta nhận thấy kiếp người ngắn ngủi và muốn thoát cảnh sinh tử luân hồi, họ sẽ không còn muốn nghĩ ngợi chuyện gia đình, lo lắng phục vụ cho các tướng quân sáng tối, không phí phạm thời giờ lo hưởng lạc. Tâm con người luôn luôn bị chi phối bởi ngoại cảnh xung quanh. Trừ khi có được nếp sống thanh tịnh, sẽ có nhiều khó khăn thực hành con đường Phật đạo.


Lại càng không thể so sánh người hôm nay với khả năng người xưa. Ngày xưa các cụ có thể vào trong núi sống trong cái am đơn sơ, cực kỳ thiếu thốn, chống cự với bão tố, sẵn sàng chịu cực chịu khổ. Sống trong hoàn cảnh như thế làm sao có thể nẩy sinh lòng ham danh lợi?


Vì vậy cũng chẳng nên kết luận rằng:”Người có khả năng chịu đựng được như thế tại sao lại từ bỏ thế gian để đi tu”. Khi người đó xuất gia thụ giới, tu hành phật đạo, từ bỏ thế gian ô trọc, phải mang trong lòng một ước nguyện, và những ước nguyện này không thể đem so với sự ham muốn của lòng tham thế tục. Hành trang người tu sĩ gồm có: quần áo ngủ bện bằng giấy, bình bát để đi khất thực, pháp y làm bằng vải sô, áo cà sa. Những thứ vật dụng này tốn phí bao nhiêu cho xã hội? Nhu cầu hằng ngày thì đơn sơ, nhưng lúc nào cũng thấy đầy đủ. Hơn nữa quần áo tăng phục nhà sư có tác dụng tránh khơi dậy những dục vọng thế gian, để lìa xa ba cõi dữ, và chuyên tâm vào việc hành trì Phật đạo.


 

Thật là trân quý được sinh ra làm người và biết từ bỏ thế gian ô trọc, chuyên tu để thoát cảnh sinh tử luân hồi.


Những người ngu muội chạy theo danh lợi thế gian, không hề biết tu học phật đạo để giác ngộ thật si mê chẳng hơn gì loài súc sinh.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng