- Phần Một

28 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 8480)



Suốt cả ngày ngồi trước nghiên mực không có việc gì làm trong lòng nghĩ vẩn nghĩ vơ không đâu vào đâu, chợt nẩy ra ý nghĩ viết xuống những điều suy nghĩ trong đầu.

 


Đoạn thứ 1: Sinh ra trên cõi đời


 

Thôi cũng đủ rồi, con người ta sinh ra trên cõi đời này thật có quá nhiều ước muốn. Điều chắc chắn là làm Thiên Hoàng thì quá xa tầm tay. Nói xa xôi gì ngay con cháu họ hàng xa gần với Hoàng tộc cũng không phải người thường. Rồi các quan đại thần, thành phần quý tộc, người nhận bổng lộc triều đình, con cháu họ cho dù của cải không nhiều đi nữa cũng vẫn đầy vẻ phong nhã. Sau đến những thành phần thấp kém hơn trong xã hội, dù có được chút tài sản cũng cố phô trương cho thấy họ đã đạt được cái gì đó, có vẻ tự mãn, tự xem mình rất ư quan trọng trong khi thực chất chẳng có gì đáng kể.



Người ít bị ghen ghét nhất có lẽ là giới tu sĩ. Sei Shonagon (1) có viết về giới thầy tu cho rằng họ là những người bên lề cuộc đời “giống như khúc củi”.

 


Giới tăng lữ không gây tác động đến bất cứ ai, ngay cả khi họ có vẻ có một tí uy quyền và được ca tụng về vai trò quan trọng. Cũng dễ hiểu tại sao thánh Soga(2) đã nói rằng danh lợi thế gian dường như không phù hợp với người tu hành, và người đi tìm kiếm nó là đi nghịch lại giáo lý nhà Phật. Do đó người thực sự rời xa được cuộc sống thế gian là đáng được quý trọng.


 

Ước mong sao con người ta được trời sinh với khuôn mặt hình dáng tuyệt đẹp, có thể ngồi mãi mãi bên cạnh không biết chán. Người đó có nét duyên dáng, không nói nhiều, khi nói ra không làm chướng tai.

 

Thật là đáng tiếc khi người nào đó đáng lẽ phải tỏ ra nhân cách cao thượng, thì lại cho thấy sự yếu kém, không nhân cách do thiếu giáo dục. Nếu bảo rằng địa vị người đó trong xã hội là do tiền định tại sao trí tuệ người đó không ngày một trưởng thành thêm? Cũng cảm thấy xấu hổ thay cho người hình dạng không đẹp đẽ gì, tài năng cũng không có, thiếu giáo dưỡng lộ ra cách cư xử vụng về khi giao tế trong xã hội. 


Theo truyền thống giáo dục triều đình, người trí thức phải biết làm thơ bằng Hán văn, thơ Waka, biết về âm nhạc, làm gương mẫu cho mọi người. Khi viết ra lời và chữ thật tuyệt hảo, khi ngâm thơ đều có âm điệu và tỏ vẻ khiêm cung khi được hầu rượu.

 


Chú thích:

(1) Sei Shonagon (Thanh Thiếu Nạp Ngôn) sinh sống trong khoảng từ năm 965 đến năm 1010, là tác giả quyển Makura Soshi (Chẩm Thảo Tử; The Pillow book), tác phẩm gây ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng Kenko.

(2) Soga (Tăng Gia 917-1003) một cao tăng tu theo Thiên Thai Tông

 

 


Đoạn thứ 2: Lời dạy người xưa


 

Người ta thường quên đi lời dạy vàng ngọc của bậc tiên đế, mà không quan tâm đến sự khổ đau của dân chúng, hay những tổn hại đến đất nước. Họ chạy theo cuộc sống xa hoa, dục vọng không bờ bến, cho nó là huy hoàng và đầy quyền lực. Hãy nghe lời gia huấn của ngài Kujo (Cửu Điều): ”Đừng nên tìm sự xa xỉ nơi quần áo, ngựa xe, hãy dùng những gì đang có” và Thiên Hoàng Juntoku (Thuận Đức) có nói:”Quần áo nhà vua nên lấy sự đơn sơ và giản dị”.

 


 Đoạn thứ 3: Thành công về mọi thứ

 


Người đàn ông dù thành công về mọi thứ, nhưng nếu không có sức quyến rũ giới phụ nữ, anh ta sẽ cảm thấy thiếu thốn một cái gì rất lớn giống như ly rượu quý không đáy.

Nơi anh ta là hình ảnh con người quần áo đẫm ướt hơi sương, lang thang không định hướng, sợ lời khuyên bảo cha mẹ, tránh né điều đàm tiếu của thiên hạ, không bao giờ có sự bình an trong tâm hồn, nghĩ vẩn nghĩ vơ, thường ngủ một mình không an giấc.



Cuộc sống anh ta sẽ trở nên bê tha và người phụ nữ cũng không xem anh ta như một đối tượng đáng để chinh phục.

 

 


Đoạn thứ 4: Đừng quên chuyện đời sau


 

Thán phục thay cho những con người luôn luôn giữ tâm hồn bình thản, không quên kiếp sau, tiếp tục tu con đường Phật đạo.

 



Đoạn thứ 5: Chìm ngập ưu tư trong nỗi bất hạnh


 

Với những người đang đắm chìm ưu tư trong nỗi bất hạnh, hãy nên đóng cửa lại yên lặng ở trong nhà, đừng mong đợi gì cả, để mọi người không biết có mình ở trong nhà hay không, hơn là vội vàng cạo đầu đi tu. Quan Trung Nạp Ngôn Akimoto(1) đã có lần nói :”Dù không phạm tội tôi cũng ước gì được lưu đày lên trên cung trăng.” Cũng dễ tưởng tượng tại sao ông ta lại nói như thế.



 Chú Thích:

(1) Minamoto no Akimoto (1000 -1047) từ bỏ quyền cao chức trọng trong triều đình đi tu vào năm 1936, sau khi Thiên Hoàng Go-Ichijo qua đời.

 


 

Đoạn thứ 6: Thân phận


 

Dù thân phận cao sang đi nữa, người thích sống cô độc đừng nên có con. Tiền Trung Thư Vương Kane Akira, Cửu Điền Thái Chính Đại Thần Fujiwara, Hoa Viên Tả Đại Thần Minamoto tất cả đều mong muốn tuyệt tử không người nối dõi tông đường. Ngay chính Nhiễm Điện Đại Thần Fujiwara Yoshifusa trình bày ý nghĩ trong “Okagami” như sau :”Đừng nên có con cháu, bất hạnh biết bao khi chúng nó không ra gì “. Shotoku (Thánh Đức) Thái Tử khi chuẩn bị xây mộ mình trước khi mất có nói:


”Mong sao ta không có con cháu”.

 

 


Đoạn thứ 7: Giọt sương trên cánh đồng Adashi


 

Đáng thương thay! nếu con người chưa bao giờ chứng nghiệm sự vô thường như giọt sương tan biến trên cánh đồng Adashi(1) hay đám khói biến mất đằng sau ngọn núi Toribeyama(2) thì đối với họ cuộc đời này sẽ không bao giờ thay đổi. Vô thường là điều trân quý nhất trên cuộc dời này. Hãy nhìn những sinh vật, không có động vật nào sống lâu như con người. Con phù du sinh ra ban sớm và chết lúc về chiều, chờ cho màn đêm buông xuống. Con dế sống về mùa hè, không biết gì về mùa xuân, mùa thu. Thật là một cảm giác tuyệt diệu khi sống trọn nguyên năm trong sự vô tư lự. Nếu con người cảm thấy tiếc nuối về cuộc đời vì chưa tận hưởng đầy đủ, và cho dù sống đến ngàn năm mà vẫn tưởng như giấc mơ qua một đêm đi nữa, con người không thể sống mãi mãi trên cõi đời này vì thân thể trở nên già nua, xấu xí. Càng sống lâu con người càng chịu nhiều sỉ nhục. Có lẽ cách sống hay nhất, tốt đẹp nhất là sống đến khoảng bốn mươi tuổi. Vì khi sống quá tuổi này rồi con người không còn cảm thấy xấu hổ về hình dạng già nua xấu xí của mình nữa và dục vọng nẩy sinh thường do giao thiệp đụng chạm với người xung quanh.


 

Vào những ngày tháng xế chiều cuộc đời là lúc vui đùa với con cháu, cầu mong sống lâu để thấy chúng thành đạt, nhưng nếu theo đó mà lòng ham muốn danh dự thế tục càng mạnh hơn, dần dần mất đi cảm nhận về Chân, Thiện, Mỹ, thì quả là điều đáng buồn thay.

 


Chú thích:

(1) Adashino là tên nghĩa trang tọa lạc vùng tây bắc Kyoto. Chữ Adashi thường được dùng trong văn chương hay thơ hàm ý sự vô thường kiếp người.

(2) Toribeyama cũng là danh xưng của một nghĩa trang thuộc cùng Kyoto.

 



Đoạn thứ 8: Điều làm mê hoặc con người trên thế gian

 


Không có điều gì trên thế gian làm con người dễ dàng rối loạn tâm trí như sắc dục. Con người ngu thật. Dù biết rằng mùi thơm chỉ thoảng trong giây lát rồi mất đi, hay mùi hương trầm tỏa ra cũng chỉ phảng phất trên quần áo không bao lâu. Thế mà lòng chúng ta lúc nào cũng muốn nắm, bắt giữ nó mãi mãi. Giống như câu chuyện ông tiên Kume (1) mất hết thần lực sau khi nhìn bàn chân nõn nà của người con gái đang giặt dũ quần áo. Điều này có thể hiểu được vì do kích thích nhục dục xác thân.

 


Chú Thích:

(1) Kume (Cửu Mễ) là thánh nhân tu tiên ở chùa Long Môn Tự nước Đại Hòa vào thế kỷ thứ 10, có khả năng khinh không đi trên mặt nước.

 

 



Đoạn thứ 9: Mái tóc người phụ nữ

 


Trong tất cả những biểu lộ ra bên ngoài, mái tóc người phụ nữ có tác dụng rất lớn đến thị giác người đàn ông. Người ta có thể đoán được phẩm cách, tính tình qua lời nói đầu tiên cho dù người đàn bà ẩn mặt đằng sau bức mành tre. Với trạng huống nào đó do nhân duyên hoặc do tình cờ gặp gỡ người đàn bà động lòng yêu thương người đàn ông, cô ta thường thường không ngủ ngon giấc, không hề tiếc thân mình cho dù phải chịu khổ đau, mà lúc bình thường người đàn bà không thể làm được. Vì tất cả cho tình yêu.


Tình yêu thương giữa người đàn ông và người đàn bà có căn nguyên sâu xa trong con người. Đó là thú vui nhục dục phát sinh từ sáu bộ phận mắt, tai, mũi, lưỡi, thể xác và ý tưởng được kích thích từ màu sắc, âm thanh, hương, vị, cảm xúc và lời huyễn hoặc. Theo đạo Phật nên tránh xa. Những mê hoặc này đến tất cả mọi người không phân biệt già, trẻ, khôn, ngu. Vì vậy ngày xưa cổ nhân thường nói :” Sợi tóc người đàn bà có thể cột chặt cả con voi, tiếng gót chân người đàn bà có thể kêu gọi cả đàn dê chạy lại”. Vì vậy con người nên tự cảnh giác và thận trọng về những đam mê này.

 

 


Đoạn thứ 10: Nơi cư ngụ


Người ta ai ai cũng hiểu rằng căn nhà là nơi tạm trú trong cõi vô thường này. Thật thú vị biết bao khi biết tìm trong đó nguồn cảm xúc, nơi hài hòa với thiên nhiên. Như nhìn ánh trăng ngà xuyên qua khung cửa sổ gây niềm cảm hứng sâu xa hơn bất cứ nơi chốn nào. Căn nhà cho dù không trang trí kiểu cách thời trang đi nữa nhưng những hình ảnh tự nhiên như hàng rào tre, bụi cây, ngọn cỏ gợi những kỷ niệm trìu mến, nhẹ nhàng xa xưa.


Có những ngôi nhà chủ nhân phải tốn công tu sửa, bồi bổ chăm sóc cẩn thận, trưng bày đồ vật cổ quý giá đời nhà Đường bên Trung Quốc, hay thời Yamato (Đại Hòa), ngay đến bụi cây ngọn cỏ cũng được cắt tỉa cẩn thận. Nhưng sao thấy nó tù túng, không được tự nhiên. Tự hỏi làm sao người ta có thể sống lâu dài trong căn nhà đó được. Thoạt nhìn thoáng qua một căn nhà có thể đoán được điều gì xảy ra trong căn nhà đó. Như một quy luật tâm tính con người được biểu lộ qua nơi cư ngụ. Có câu chuyện kể lại, quan Đại Thần Gotokudaiji chăng dây thừng lên trên mái nhà để tránh chim quạ không đậu lại. Saigyo nhìn thấy mới hỏi :” Không hiểu những con chim quạ nó đậu lại có làm phiền hà gì ông chăng? Điều này cho thấy tính tình ông quan này”. Nghe nói từ đó Saigyo không bao giờ thăm viếng nhà ông quan này nữa. Làm nhớ lại câu chuyện tương tự xảy ra cách đây không lâu, người ta kết dây thừng trên mái điện Kosaka(1) nơi Thái Tử Ayanoki cư ngụ. Bởi vì Thái Tử thấy bất nhẫn khi những con chim quạ ở trên mái bay xà xuống bắt giết mấy con ếch ở trong hồ nước. Câu chuyện gây thấm thía trong lòng, không biết quan Gotokudaiji có cùng chung lý do trên hay không?.

 

Chú thích:

(1) Kosaka còn có tên gọi là Myoho-in (Diệu Pháp Viện) thuộc Thiên Thai tông nằm trong núi Tỷ-Duệ.

 

 


Đoạn thứ 11: Tháng Kaminazuki

 

Vào khoảng tháng mười có dịp ghé qua thôn làng Kurusuno, sau khi đi xuyên qua con đường làng phủ rêu xanh, thấy trước mặt một cái am hiu quạnh không có bóng người, không nghe tiếng động, ngoại trừ tiếng giọt nước kêu tí tách rơi lên trên những chiếc lá vàng, thật tĩnh mịch. Xa xa trên đài cúng Phật những bó hoa cúc, chiếc lá Phong đỏ, vàng bày biện một cách không ngăn nắp cho thấy dấu hiệu có người ở trong am này. Tự hỏi “Ai có thể ở chốn này?”. Nhìn vào trong vườn những nhánh cây cam nặng trĩu với quả đã được bao bọc cẩn thận để tránh sự phá hoại của chim chóc.


Chợt nảy ra ý nghĩ, nếu không có cây cam thì hay biết bao!

 

 


Đoạn thứ 12: Nói chuyện với người tâm đầu ý hợp


 

Trên cõi đời này không gì sung sướng bằng nói chuyện với người tâm đầu ý hợp, thổ lộ tâm tình, chia xẻ niềm vui, nỗi buồn về cuộc sống, về những mẫu chuyện trên thế gian. Tìm được con người như thế không phải là dễ, cho nên khi phải nói chuyện với người không hợp lòng mình, cần để ý quan điểm của mình sao cho đừng quá khác biệt với người đối thoại, nếu không thì thà nói chuyện với chính mình còn hơn. Giả như khi nghe mà có tỏ ra đồng ý với người nói chăng nữa, sự khác biệt đôi chút cũng vẫn còn đó, và trong tâm còn vẫn tự nhủ thầm “làm sao tôi đồng ý như vậy được” “điều này có thể đúng mà cũng có thể không”. Dù vậy có người để nói chuyện trong khi rỗi rảnh, buồn chán, mặc dù không hợp lòng mình, cũng vẫn là một niềm an ủi. Biết làm sao hơn khi người tâm đầu ý hợp lại ở tận phương trời xa xăm nào đó.



Đoạn thứ 13: Một mình dưới ngọn đèn

 


Cả là một niềm vui khi ngôì dưới ngọn đèn mở sách ra đọc làm quen với người thủa xa xưa mà không hề biết mặt.


Tuyển tập mà tôi thích gồm có tác phẩm của Chiếu Minh Thái Tử đời nhà Đường, thi tập của nhà thơ Bạch Lạc Thiên, Đạo Đức Kinh của Lão Tử, Nam Hoa Kinh của Trang Tử, và nhiều tác phẩm khác do các nhà học vấn uyên bác viết từ bao nhiêu năm về trước.

 

 


Đoạn thứ 14: Waka


 

Tuyệt diệu thay những vần thơ waka(1). Không có âm thanh nào hoàn mỹ hơn dòng thơ waka diễn tả công việc lao động cực nhọc người tiều phu nghèo khổ, ngay cả những con heo rừng hung bạo cũng trở thành hiền hòa dưới con mắt thi nhân “Heo rừng lim dim trên đám cỏ khô”.


 

Gần đây những bài thơ dường như chỉ có vài hàng thôi nhưng nó không toát ra nét trữ tình như những bài thơ cổ. Câu mở đầu bài thơ của Tsurayuki “Dù sợi chỉ không đan lại với nhau”(2) mặc dù không có giá trị ngang hàng với thơ văn Kokinshu đi nữa, hiện nay ai có thể có cách mô tả hay hơn được. Thơ văn biểu lộ cách kết cấu dụng từ theo từng thời đại. Không hiểu tại sao riêng bài thơ này thiếu chất thơ trong đó. Thực ra câu này trích dẫn từ Genji Monogatari dòng thứ hai. Nguyên văn là “Mono to wa nashi ni”(3). Ngay câu thứ hai bài thơ trong Shinkokinshu(4) “Chỉ còn tùng kia trên đỉnh non cao” cũng cho thấy tính chất bất thành cú không hợp lệ rồi. Thế mà khi ra tranh tuyển hai câu đầu được chấm tối ưu. Về sau còn được ngay chính Thiên Hoàng khen tặng. Việc này được ghi lại trong nhật ký của Ienaga(5).


 

Vài người cho rằng cách làm thơ vẫn y nguyên như thời cổ xưa không thay đổi, tôi không nghĩ như thế. Có thể đối tượng, điển tích và từ vẫn được sử dụng như ngày xưa nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn với thi nhân thời đó.


Thi văn người xưa gây niềm cảm xúc trữ tình sâu xa, âm điệu nhẹ nhàng, lời thơ bình dị tự nhiên. Lời bài thơ trong Ryojin Hisho, biểu lộ những tâm tình nóng bỏng. Đó là lý do giải thích tại sao ngay chỉ những câu nói chuyện tầm phào của người xưa cũng chứa đầy sức truyền cảm.


Chú thích:

(1) Waka (Hòa ca) là loại thơ Nhật được cấu trúc theo thứ tự sau 5,7,5,7, 7 có nghĩa dòng đầu 5 chữ, tiếp đến 7 chữ, rồi 5 chữ, 7 chữ và 7 chữ.

(2) Kokinshu (Cổ Kim Tập) là tập thơ được thi sĩ Kino Tsurayuki biên khảo vào năm 905. Nguyên văn câu thơ này là:

 Ito ni yoru mono nara nakuni

 Wakare michi no kokorobosoku mo omo hoyurukana

(3) Câu này đồng nghĩa với Mono nara nakani

(4) Shinkokinshu (Tân cổ kim tập) là tập thơ được biên khảo hoàn tất vào năm 1206. Tạm dịch ý hai câu thơ như sau:

 ”Đông đến lá rụng cây cùng núi đứng ngậm ngùi

 chỉ còn Tùng kia trên đỉnh non cao”

(5) Minamoto Ienaga (1170 - 1234) người có trách nhiệm trong bộ đảm trách về thi văn trong triều đình.

 


 

Đoạn thứ 15: Dù bất cứ ở đâu

 


Trong cuộc hành trình du lịch xa nhà, dù bất cứ ở đâu khi thức dậy đều muốn đi một vòng, ngắm phong cảnh nông thôn, núi rừng. Mọi vật đều có vẻ mới lạ. Buồn cười thay! lợi dụng cơ hội này người ta hay gửi thơ về thủ đô và nhắn nhủ “Đừng quên làm cái này, hay đừng quên làm cái kia”. Khi đi xa rồi người ta sẽ nhận ra một điều, mọi vật mang theo trong cuộc hành trình đều hữu ích. Những người gặp gỡ đều gây ấn tượng tốt đẹp, đều có tài năng nghệ thuật hơn người hay gặp thường nhật.


Thật khoan khoái biết bao, để vào ẩn náu trong ngôi đền hay chùa mà không ai biết đến.

 

 


Đoạn thứ 16: Thần nhạc

 


Kagura (1) thần nhạc là một loại âm nhạc thoát tục, thanh nhã, đầy thú vị để thưởng thức. Ngoài ra tôi thích tiếng sáo, tiếng địch đi kèm theo với Kagura. Thường thường tôi hay nghe điệu nhạc đàn Biwa (tì bà) và đàn Wagon (Hòa cầm)

 

Chú thích:

(1) Kagura có thể xem như buổi hòa nhạc bao gồm điệu vũ phối hợp với lời ca và những tiết tấu của nhạc khí. Thường hay trình diễn ở các thần xã.

 

 

 

Đoạn thứ 17: Vào chùa trên núi


 

Bất cứ ai vào chùa trên núi tu tập, đều cảm nhận lấy một việc là tâm hồn trở nên thanh thoát, thời gian trôi đi rất nhanh và không thấy nhàm chán.

 

 


Đoạn thứ 18: Đời sống giản dị


 

Thật tuyệt đẹp thay con người biết sống nếp sống giản dị, tránh xa hoa, không ham muốn ảo danh, vật chất thế gian, không giữ tiền bạc. Quả là một thái độ cao thượng. Từ ngày xưa bậc hiền nhân ít có người giàu có. Vào đời nhà Đường có người tên Hứa Do nổi tiếng có cuộc sống thanh liêm, ông ta không có ngay một vật gì gọi là của riêng. Một lần có người thấy ông dùng hai tay múc nước để uống, mới tặng ông trái bầu để uống nước. Có một hôm ông ta treo trái bầu trên cành cây, gió thổi kêu loảng xoảng. Ông ta ghét quá vì nó làm ồn ào nên vứt nó đi. Hứa Do tiếp tục trở lại nếp sống xưa dùng tay để múc nước mà uống. Đẹp thay một tâm hồn thoát tục.

 


Có câu chuyện khác, Tôn Thìn khi ngủ không có ngay tấm chăn để che thân vào mùa đông. Tất caû ông ta có là bó rơm dùng làm chiếu ngủ về đêm và cuộn lại vào buổi sáng.


Người Trung Hoa xem những hành động của các vị này là cao quý, họ ghi lại sách vở để lại đời sau. Người nước ta (Nhật Bản) không bao giờ viết và nói về những chuyện đó. Nếu ngay như có người nào đó đã làm việc như thế chắc chẳng có ai ghi chép lại thì phải.

 

 


Đoạn thứ 19: Đổi mùa

 


Lúc chuyển mùa là lúc gây tác động sâu sắc đến tâm tư con người. Mùa thu thường được xem là mùa gợi lên cảnh đẹp của thiên nhiên, đất trời. Có lẽ điều đó đúng, tuy nhiên phong cảnh đầu xuân mang đến cho chúng ta sự tươi mát. Đây đó tiếng chim líu lo ca hát, những bụp xanh bắt đầu nẩy mầm bên hàng giậu thưa, rồi theo dòng thời gian vẻ xuân càng đậm nét, những hạt sương sớm bao trùm khắp nơi, hoa đào cũng bắt đầu rực nở, và với những trận gió, cơn mưa làm cánh hoa tan tác bay khắp bốn phương. Tâm hồn dường như cũng cảm thấy rung động theo cảnh vật hòa nhịp với những chiếc lá xanh tươi đâm chồi.


Bông hoa Tachibana(1) khơi dậy nỗi niềm xa xưa, hương thơm hoa Mai khi nở rộ làm sống lại những kỷ niệm hình ảnh yêu thương, cũng không thể bỏ qua bông hoa Yamabuki(2) duyên dáng thanh khiết hay vẻ đẹp khêu gợi lả lơi của hoa Fuji(3).


 

Rồi tiếp theo đó lễ Phật Đản, lễ hội Kamo đến cùng khoảng thời gian, và cũng là lúc những chiếc lá non xanh tươi trở nên đậm màu, khơi dậy niềm thương, nỗi buồn nhớ bạn phương xa. Quả đúng như thế.


Sang tháng thứ năm âm lịch vào tiết đoan ngọ, những bông hoa Ayame(4) tung nở, cũng là lúc nhà nông bắt đầu gieo hạt, không biết có ai cảm thấy khó chịu vì những tiếng kêu của đàn vịt nước hay không?


 

Sang tháng sáu về đêm mầu trắng từ bông hoa yugao(5) phản chiếu qua mái nhà tranh, mùi khói nhang xua muỗi thoang thoảng lan khắp nơi, cũng là tháng tu tâm, thanh tịnh tâm hồn, xua đuổi những ô uế.


Rồi đến mùa lễ hội Tanabata (Ngưu Lang Chức Nữ) tưng bừng rực rỡ khắp đó đây. Vào tháng này cái lạnh từ từ len lỏi về đêm, kèm theo tiếng kêu những con ngỗng lạc đàn, và những chiếc lá Hagi(6) cũng từ từ chuyển sang màu vàng. Nhà nông cũng bắt đầu gặt đợt lúa đầu mùa. Đặc biệt tất cả cùng xảy ra vào mùa thu.


Làm sao quên được hình ảnh buổi sáng sau cơn bão giữa năm! Cảnh này đã được mô tả đầy đủ trong Genji Monogatari (Nguyên Thị Vật Ngữ), và Makura Soji (Chẩm Thảo Tự). Đây không phải lần đầu được viết ra, tuy vậy trong đầu có ý nghĩ, không viết ra trong lòng thấy không yên. Đặt bút viết những dòng chữ này tự thấy nó không đáng để cho người khác đọc, muốn vứt bỏ nó đi.


Thôi hay trở lại đề tài chính, phong cảnh tiêu điều mùa đông không thể đẹp bằng cảnh mùa thu. Thích thú biết bao khi nhìn những chiếc lá vàng đỏ nằm rải rác đó đây trên bãi cỏ bên cạnh hồ nước, những giọt sương ban mai đọng trên lá tụ lại tạo thành dòng nước chảy trong vườn.


Năm hết tết đến, mọi người chạy đôn chạy đáo lo công việc cho xong trước khi sang năm mới, có cái gì trống vắng, cô đơn nơi vầng trăng khuyết nằm dưới bầu trời trong vắt lành lạnh mùa đông. Vì hình như không ai màng để ý đến nó.


Hằng năm trong hoàng cung lễ hội Phật Danh được tổ chức bắt đầu từ ngày 19 tháng chạp liên tục trong ba ngày có ý nghĩa sám hối diệt tội và đọc tụng danh hiệu chư Phật. Đồng thời vào trung tuần tháng 12, các đại biểu cùng lễ vật từ những địa phương trên toàn quốc về cúng giỗ tiên hoàng rầm rập đến. Không khí chuẩn bị đón mừng năm mới thật là bận rộn, nhộn nhịp ở hoàng cung vào những ngày cuối năm.


 

Đáng ghi nhớ nhất là lễ Tsuina(7) trừ ma quỷ vào đêm trừ tịch ở hoàng cung, sáng sớm hôm sau ngày mùng một tết, Thiên Hoàng lập đàn cúng lễ bốn phương, viếng mộ tiên đế cầu nguyện cho quốc thái dân an.


Vào đêm giao thừa trời tối đen, mọi người ùa ra đường cầm đuốc vội vã chạy đến gõ cửa nhà người lạ cho đến quá nửa đêm không hiểu để làm gì? Họ vừa chạy vừa la cho đến khi mệt lả người đến độ không biết chân còn chạm mặt đất hay không, và những tiếng la hét dần dần nhỏ dần rồi mất đi, thì cũng là lúc bình minh ló dạng ở chân trời, dư âm vang dội lại cho biết năm cũ đã qua năm mới bước đến.


 

Bầu trời ngày đầu năm vẫn y nguyên như thế, không có gì thay đổi khác với ngày cuối năm. Nhưng mọi người có cảm giác cái gì mới, thay đổi. Những căn nhà nằm dọc theo đại lộ chính trang hoàng bày biện bó cây tùng, thanh nhã hoa lệ, gây ấn tượng năm mới tràn ngập.


Chú thích:

(1) Tachibana: Có quan niệm cho rằng hương của hoa Tachibana gợi nhớ kỷ niệm xưa.

(2) Yamabuki: còn được gọi là bông hồng màu vàng Nhật Bản.

(3) Fuji : còn được gọi là hoa tình yêu.

(4) Ayame : loại hoa nở vào tháng năm màu tím hay màu trắng, có lá hình giống như lưỡi kiếm.

(5) Yugao : loại hoa nở vào tháng năm về đêm, sắc trắng.

(6) Hagi : là loại lá hai màu, với cơn mưa mùa thu làm chuyển màu lá dễ gợi lên cảm xúc cho thi văn, cũng là dấu hiệu sắp sang mùa đông.

(7) Tsuina (Truy nạn) : Hằng năm nghi lễ đuổi quỷ tổ chức vào ngày cuối năm.



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng