- Phần Năm

04 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 8185)



Đoạn thứ 78: Mẩu chuyện thực hư.

 


Thật lấy làm khó chịu khi nghe lời đồn đãi về những mẩu chuyện thực hư, những điều hoang đường khó tưởng tượng. Tôi thích những người hầu như chẳng để ý gì đến những chuyện thiên hạ đồn đãi, mãi cho đến khi chúng trở thành quá xưa đối với mọi người.


Khi có người mới tới, những người cũ tụ lại nói những chuyện mà họ quen nói với nhau từ trước và chỉ có họ với nhau mới có thể hiểu nổi, rồi phá lên cười, gây ấn tượng cho người mới đến như là ngớ ngẩn. Chỉ những kẻ vô học thiếu giáo dục mới hành động như thế.

 

 


Đoạn thứ 79: Đừng tỏ vẻ hiểu biết rành rọt


 

Cách hay nhất là đừng tỏ vẻ hiểu biết quá rành rọt bất cứ một việc gì. Hãy thử hình dung cảnh tượng, một người có giáo dục, văn hóa thao thao ăn nói ra vẻ hiểu biết tường tận mọi việc với một anh chàng từ quê mới ra tỉnh, trả lời từng câu hỏi với thái độ hiểu biết kẻ cả. Kết quả là làm người hỏi tự cảm thấy hổ thẹn về kiến thức yếu kém của mình. Vì thế người gây ấn tượng sâu sắc nhất chính là người nói ít cho dù hiểu biết rất tinh tường về vấn đề đó, và chỉ nên nói khi được hỏi.

 


 

Đoạn thứ 80: Chuyện người thành ra việc ta

 


Nói chung hình như con người thích lăng xăng những chuyện không liên quan hay dính dáng đến việc làm hằng ngày của họ. Chẳng hạn nhà sư ra sức chuyên tâm học về võ thuật; Còn anh võ sĩ không biết rành về Cung Đạo lại nỗ lực làm ra vẻ rất hiểu rõ về Phật Pháp, vui thích với thi ca và âm nhạc. Cả hai loại người này đều bị quần chúng châm biếm về thành quả họ đạt được hơn là sự thất bại trong chính nghề nghiệp của họ.


 

Không chỉ nhà sư, Công Tước, Bá Tước giới quý tộc mà ngay chính cả thành phần quan chức đều ham thích cung kiếm. Cho dù trăm lần đánh trăm lần thắng đi nữa, cũng không dễ dàng có được tư chất lòng dũng cảm của người võ sĩ. Con người thường trở nên dũng cảm khi có được cơ may chiến thắng kẻ thù; nhưng người thực sự đáng được gọi là dũng cảm là khi kiếm đã gẫy, cung không còn tên, mà không chấp nhận đầu hàng kẻ địch, nhận cái chết đến một cách thản nhiên. Người võ sĩ không nên tự hào về tài năng võ thuật của chính mình, khi đang còn sống. Hơn nữa cuộc đời người võ sĩ thường xa rời cuộc sống thường nhật của con người bình thường, nó gần gũi hơn với loài thú; võ nghiệp là hoàn toàn vô dụng, chỉ trừ khi người đó trưởng thành trong gia đình đời đời theo nghiệp võ thì đành chịu thôi.

 


 

Đoạn thứ 81: Tấm bình phong


 

Khi nhìn tấm bình phong hay bức mành trướng có những hình ảnh nét chữ thô kệch, sự xấu xí của nó thường được cảm nhận ít hơn là ấn tượng về sự quê mùa thiếu thẩm mỹ của người chủ nhà. Nói chung hầu hết những đồ trang trí nói lên phong cách nghệ thuật của người gia chủ. Nhưng như thế không có nghĩa là người gia chủ bắt buộc phải có những kiệt tác trong nhà. Trưng bày những đồ vật thiếu thẩm mỹ, trông không được, hay cố tình bày ra những đồ vật quá lỗi thời để cố tạo ấn tượng là có giá trịï chỉ càng làm thêm chướng mắt mà thôi.


Vì thế đừng quá đề cao đồ vật cổ, không cần phải mắc tiền, điều cần nhất là phải có phẩm chất tốt.


 

 

Đoạn thứ 82: Giấy vải bọc sách


 

Có người nói rằng:”Loại giấy vải mỏng dùng bọc sách là không tốt vì nó dễ bị xé rách”. 


Đốn A (1) mới trả lời :”Chỉ khi nào phần đầu và phần cuối giấy vải đã sờn rách, và chỉ khi gỡ tung cái phần bọc quanh viên ngọc trai ra, thì quyển sách(2) mới trông đẹp được”. Phải cảm phục về cái nhìn khác người về thẩm mỹ.


Có người lại bảo rằng :”Những bộ sách trên kệ sách trông không đẹp vì nó không được bọc theo cùng một kiểu”. Nhưng khi nghe nhà sư Koyu (3) trả lời :” Chỉ có loại người thiếu sáng suốt mới đòi hỏi mọi thứ phải giống hệt như nhau, khác biệt mới là điều hay”. Câu nói gây cho tôi ấn tượng sâu sắc.


Trên thế gian mọi vật cho dù đó là cái gì gì đi chăng nữa, đồng loạt giống nhau là điều không nên. Vì chính cái không được viên mãn lại là điều tốt, nó tạo cho mọi người cơ hội để phát triển, thành tựu trong tương lai. Có vài người nói với tôi:”Ngay bên trong Hoàng cung người ta lúc nào cũng để ra một nơi đang xây cất, sửa chữa”. Chính vì thế các bậc tiên hiền đời trước khi viết về Nho học hay kinh Phật đều luôn luôn thất lạc một vài đoạn, hay vài chương.


Chú thích:


(1) Tona (Đôn Hà 1289-1372) thi nhân nổi tiếng, bạn thân với Kenko, cũng là tu sĩ thuộc phái Tịnh Độ.

(2) Tiếng Nhật Makimono (scroll) tạm dịch là quyển sách, vì ngày xưa chữ viết trên giấy từ trên xuống, từ trái sang phải, rồi cuộn lại thành tập.

(3) Nhà sư Koyu (Hoằng Dung) cùng thời với Kenko, tu ở chùa Ninaji.

 

 


Đoạn thứ 83: Quan Tả Đại Thần Chikurinin


 

Khi quan Tả Đại Thần Chikurinin (1) thăng chức Tể Tướng cao nhất trong triều đình không có gì trở ngại. Nhưng ông ta tuyên bố:” Chức Tể Tướng này không có gì mới lạ, chẳng khác gì công việc tôi đang làm bây giờ”. Sau đó không bao lâu ông xuất gia đi tu lúc đó 48 tuổi, lấy pháp danh là Josho (Pháp Thắng).


Quan Tả Đại Thần Toin cảm khái về lời nói của Chikurin, từ đó không bao giờ có ý muốn trở thành Tể Tướng.


 

Ngày xưa cổ nhân có câu:” Khi rồng leo lên đến cực đỉnh thì phải đi xuống”(2) “Trăng tròn lại khuyết; Vạn vật có thịnh tất phải có lúc suy”.


Đó là đạo lý chỉ đạo cho mọi vật, khi cái gì đi đến chỗ bế tắc tức là lúc suy vi đi xuống.


 

Chú thích:


(1) Saionji Kinhira (1264-1315) quan Tả Đại Thần tước hiệu Chikurinin (Trúc Lâm Viện)

(2) Câu này trích dẫn ý từ Kinh Dịch câu “Cáng Long Hữu Hối”

 

 

Đoạn thứ 84: Pháp Hiển Tam Tạng

 


Cao tăng Pháp Hiển Tam Tạng (1) khi đi sang xứ Thiên Trúc thỉnh kinh chợt thấy cái quạt làm bằng tay từ quê hương gợi lòng buồn nhớ cố hương, và khi ngài ngã bệnh muốn được ăn món ăn Trung Hoa. Có người nghe được câu chuyện trên mới nói :” Nhân vật nổi danh như thế không thể kiềm chế được tình cảm để phô bày cho người nước ngoài thấy sự yếu ớt !” Trong khi đó nhà sư Koyu lại nói :” Tam Tạng thật là con người tràn đầy tình cảm”. Không ngờ từ nhà sư lại có được lời bình phẩm cao quý như thế. 


Chú thích:


(1) Pháp Hiển Tam Tạng cao tăng đời Đường vào năm 399 sang Ấn Độ (Thiên Trúc) thỉnh kinh, sau hơn 13 năm gian nan ngài mang về Kinh, Luật, Luận và phiên dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán.

 


 

Đoạn thứ 85: Con người với tâm hồn thuần khiết


 

Con người dù có tâm hồn thuần khiết đi nữa cũng không hẳn không có tính ngụy thiện trong đó. Thật là hiếm có con người với tâm hồn chính trực hoàn toàn không có sự giả dối. Con người thường thường hay tự lừa dối chính mình, cũng lại hay ghen tị, ganh đua khi thấy người khác làm điều tốt. Đôi khi có thực trạng là những người hết sức ngu dốt thì lại hay ghen ghét khi gặp người tốt, và chửi vào mặt họ những câu như :” Người này vì muốn có lợi lớn cho nên không thèm lấy lợi nhỏ. Ông ta làm ra vẻ đạo đức để được tiếng là người đứng đắn”. Những kẻ ngu si châm biếm như thế vì đức tính người tốt không giống như anh ta. Hơn nữa người quá ngu thì không thể nào thay đổi tính nết (1), không thể nào không đem sự giả dối đối với người khác để đổi lấy ngay cái lợi nhỏ, và cũng không thể nào bắt chước cái hay, cái tốt các bậc hiền nhân.

 


Nếu bắt chước thằng điên chạy ngoài đường, anh là thằng điên. Nếu bắt chước người ác giết người, anh là người ác. Tương tự như thế loài ngựa bắt chước con ngựa thuần chủng chạy ngàn dậm một ngày, đó là con ngựa thuần chủng, con người bắt chước cư xử như vua Thuấn, tức là học trò Vua Thuấn (2). Con người dù không thành thật nhưng học hỏi điều tốt, cũng được gọi là người tốt.

 


Chú thích:


(1) Câu này trích ý từ Luận ngữ “Duy thượng tri hạ ngu bất di” có nghĩa “chỉ có người cực khôn và người cực ngu là không thay đổi

(2) Câu này trích dẫn từ quyển “Tận Tâm Thượng” của Mạnh Tử bàn về tính thiện.

 

 


Đoạn thứ 86: Ông quan Koretsugu

 


Quan Koretsugu (1) Trung Nạp Ngôn nổi tiếng người giỏi về thơ Hán trong triều đình, cả đời tinh tiến tu học Phật pháp, đọc tụng kinh Phật. Có một thời ông ta cùng tu học với Tăng Chánh Eni (2) ở chùa Miidera (Tam Tĩnh Tự). Chùa này bị trận hỏa hoạn đốt cháy vào năm Bumpo (Vân Bảo) thứ ba, Koretsugu mới nói với Tăng Chánh Eni rằng :”Tôi thường gọi ông là “sư giữ chùa”, bây giờ chùa không còn nữa tôi phải gọi ông là “sư” . Thật là cách nói tuyệt hay.

 


Chú thích:


(1) Taira no Koretsugu (1283-1343) là văn quan cũng là thi nhân vào thế kỷ thứ 14.

(2) Tăng Chánh Eni (Viên Y) cũng là một thi nhân trong triều đình, họa sĩ nổi danh.

 

 


Đoạn thứ 87: Mời gia nhân uống rượu


 

Hãy cẩn thận khi mời người giúp việc trong nhà uống rượu.


Có người sinh sống ở làng Uji (Vũ Trị) thường giao du thân mật với người anh em cột chèo cư ngụ ở thành phố Kyoto, họ xem nhau như bạn thân. Anh này tính tình hào hoa phong nhã, nay đã xuất giá đi tu tại gia có tên là Gugakubo. Một hôm người ở làng Uji cho xe ngựa đến đón nhà sư, người được đón mới nói với gia nhân :


” Đường còn xa, hãy mang cho anh lái ngựa chén rượu trước khi lên đường”.


Rượu Sake được mang ra, và anh ta cứ thế uống hết chén này tiếp sang chén khác đến độ rượu nhểu nhạo chạy dài xuống hai bên mép.


Để chuẩn bị khởi hành lên đường, anh lái ngựa vỗ vào bao kiếm đeo bên hông tạo dáng vẻ để Gugakubo được an tâm. Trên đường đi khi đến đoạn đường núi thuộc vùng Okamedata ở gần Kyoto, vừa lúc ấy các tăng lữ thuộc chùa Kofukuji (Hưng Phúc Tự), chùa Todaiji (Đông Đại Tự) ở vùng Nara cùng đoàn võ sĩ hộ vệ đi đến. Anh lái thúc ngựa tiến về phía họ miệng hùng hổ la lên :


” Bọn bay làm gì trong núi vào lúc trời tối như thế này, hãy ngừng xe lại!” trong khi đó tay rút kiếm ra khỏi vỏ.


Đoàn người phía bên kia cũng rút kiếm ra, và giương cung chực bắn. Nhà sư Gugakubo thấy thế sợ quá vội vàng chắp hai tay lại xin tạ lỗi :


”Anh ta say rượu! không biết gì cả, có lời nói thô lỗ xin quý vị tha tội cho, dù không xứng đáng”. 


 

Đoàn người lại tiếp tục đi con đường của họ, vừa la lên vừa quay lại xỉ vả vào mặt anh lái ngựa.


Anh lái ngựa giận dữ quay về phía Gugakubo nói :


”Đáng tiếc! điều ngài nói về tôi không đúng, tôi không có say rượu. Tôi rút kiếm ra là để muốn cho mọi người thấy sự dũng cảm, anh hùng của tôi. Nay ngài làm thanh kiếm này trở thành vô dụng”.


Trong sự giận dữ anh ta vung kiếm chém loạn đả vào Gugakubo và ông ta ngã lăn xuống đất.


Rồi anh ta la lên:


”Bọn cướp! bọn cướp!”


Dân làng sống xung quanh đổ xô ra khỏi nhà, anh ta cứ thế vừa chém, vừa chạy, vừa la:


”Tôi chính là bọn cướp rừng đây” và chạy đuổi theo chém dân làng. Cuối cùng dân làng hè nhau vây quanh lại đánh ngã xuống và trói anh ta lại.


Riêng con ngựa mang vết thương đẫm máu tiếp tục chạy đi xuyên qua con đường chính ở làng Uji để về chuồng của nó. Người chủ nhà kinh hoàng khi nhìn con ngựa đầy máu không người cưỡi, vội vã cho người nhà đi điều tra và tìm hiểu nguyên do. Họ tìm thấy sư Gugakubo té nằm rên rỉ bên cánh đồng vùng Kuchina, mang về nhà cấp cứu. Ông ta may mắn thoát chết, nhưng những vết chém vào lưng khiến Gugakubo trở thành người tàn tật.

 

 

 

Đoạn thứ 88: Người có quyển sách


 

Người cầm quyển sách Wakan Roeishu(1) trong tay thì nói rằng Ono No Tofu (2) viết ra nó, còn người khác thì lại bảo rằng:”Thật là lạ lùng! Phải chăng có sai lầm về thời gian ký lục, vì người sáng tác tập thơ Fujiwara no Kinto lại sinh ra đời sau khi người làm công việc ghi chép tức Ono no Tofu mất đi”.


Người chủ quyển sách trả lời:” Chính vì sự kỳ lạ khó hiểu này cần phải trân trọng gìn giữ quyển sách này” và ông ta bảo trọng nó hơn bao giờ hết.

 


Chú thích:


(1) Wakan Roeishu (Hòa Hán Lãng Vịnh Tập) là tập thơ gồm các bài thơ làm theo thơ Đường bên Trung Quốc, và bài thơ theo kiểu Nhật Bản, tổng cộng 800 bài, do Fujiwara Kinto (966 – 1041) sáng tác.

(2) Ono no Tofu (Tiêu Dã Đạo Phong 896 - 966) là nhà Thư gia nổi tiếng về chữ viết rất đẹp.

 

 

 

 Đoạn thứ 89: Có loài thú gọi là Nekomata

 


Người ta kể rằng :” Ngày xưa trong rừng sâu núi thẳm có loài ác thú chuyên ăn thịt người và gọi nó là Nekomata(1)” Cũng có người khác nói rằng:” Chẳng phải ở rừng núi đâu xa, ngay ở làng bên cạnh đây có loài mèo sau thời gian, kinh nghiệm biến thành tinh đó là Nekomata chuyên ăn thịt người”. 


Có nhà sư tu theo phái Tịnh Độ tên là Amidabutsu (2) kiêm nghề ngâm thơ, ca hát tu ở chùa Gyoganji(3) nghe được câu chuyện trên thì trong bụng nhủ thầm hãy cẩn thận coi chừng khi đi một mình. Không bao lâu sau đó một đêm, sau khi dự buổi ngâm ca vịnh thơ trên đường trở về, nhà sư đang đi một mình bên bờ sông chạy dọc theo chùa Gyoganji, chợt bất thình lình con Nekomata giống hệt như lời đồn kể lại nhẩy vọt lên chân. Nó chồm lên trên người nhà sư và định cắn vào cổ họng. Nhà sư sợ quá mất hết hồn vía không còn đủ sức để kháng cự, choạng vạng ngã lăn xuống sông và cố la lên:


“Cứu tôi với! Nekomata! Nekomata!”.


Mọi người nghe tiếng kêu cứu chạy túa ra khỏi nhà với những bó đuốc trên tay và tìm thấy, nhận ra khuôn mặt nhà sư chùa Gyoganji quen thuộc. Người thì hỏi han “chuyện gì thế thầy?” người thì lo kéo nhà sư lên trên bờ sông, người ta cũng vớt lên những vật dụng nhà sư mang theo nào là quạt, tập thơ nhạc, gói quà thưởng người ta ban tặng trong buổi lễ. Thầm cám ơn trời Phật đã cứu sống, nhà sư lếch thếch bước trở về chùa. Thật đúng ra đó là con chó nhận ra người chủ trong đêm tối đã nhẩy đến ôm chầm nhà sư.

 


Chú thích:


(1) Nekomata là loại thú kỳ lạ mắt như mắt mèo, thân thể thì như con chó.

(2) Vào thời đó những tăng lữ tu theo phái Thời tông (Jishu) thuộc Tịnh Độ Tông đều có chữ Ami đi kèm theo với pháp danh.

(3) Gyoganji: Hành Nguyện Tự do ngài Hành Viên thiết lập vào năm 1004, nằm phía bắc Kyoto.

 


 

Đoạn thứ 90: Cao tăng Pháp Ấn


 

Otozurumaru chú thiếu niên giúp việc cho quan Dainagon và cao tăng Hoin(1) có quen biết với Yasura và hay thường lui tới thăm hỏi. Một hôm sau khi ghé thăm và đi trở về nhà, cao tăng Hoin mới hỏi :” chú đi đâu về vậy?” .


Chú này trả lời :”Thưa đi gặp ông Yasura”.


Cao tăng Hoin hỏi tiếp :”Ông Yasura là cư sĩ hay là tu sĩ?”


Chú tiểu này vòng hai tay lại trịnh trọng đáp lời :


” Thưa không biết rõ lắm vì chưa bao giờ thấy cái “đầu” ông ta”(2)


Tự nhủ, lạ lùng tại sao chú này chưa hề bao giờ thấy cái “đầu” người này.

 


Chú thích:


(1) Hoin :Pháp Ấn là chức vị cao nhất trong hàng tăng lữ Phật giáo lúc bấy giờ.

(2) Ở đây có nghĩa đầu cạo trọc là nhà sư, cung cách trả lời cao ngạo của chú tiểu hàm ý châm biếm.

 

 


Đoạn thứ 91: Mẩu chuyện ngày lưỡi đỏ


 

Thuật bói toán âm dương ngũ hành tốt xấu không can dự đến việc ngày lưỡi đỏ (Shakuzetsunichi) (1). Ngày xưa người ta không để ý và cũng không tránh né ngày này. Vào lúc gần đây không biết ai khơi mào cho việc kiêng cữ vào ngày lưỡi đỏ. Người ta bắt đầu bàn tán về ngày này như là :”Công việc bắt đầu vào ngày lưỡi đỏ sẽ không được thuận buồm xuôi gió” hoặc “ Những gì nói ra trong ngày lưỡi đỏ không đạt được gì, những gì có được sẽ mất đi, những dự tính sẽ không thành”. Thật là vô ý nghĩa! Nếu như cẩn thận chọn ngày lành tháng tốt để bắt đầu công việc, mà cuối cùng rồi không đi đến đâu cả, thì đó thật cũng chẳng khác gì những công việc bắt đầu vào ngày lưỡi đỏ chăng.

 


Vì thế gian này luôn luôn biến đổi, những điều chúng ta nhìn thấy trước mắt, những hiện tượng mà chúng ta tưởng nó có thật, thực ra nó không tồn tại vĩnh viễn, và những gì chúng ta tưởng là đang bắt đầu đó không phải là không có lúc cuối cùng của nó.

 


Cho dù không đạt được những điều mong mỏi dự định đi nữa, người ta cũng chẳng bao giờ chấm dứt hy vọng. Tâm không định của con người luôn luôn bị dao động bởi hoàn cảnh bên ngoài chi phối. Vạn vật đều do ảo tưởng kết thành, vì nó không phải là thực thể, chỉ là hình tướng hiện ra trong khoảnh khắc rồi biến đi mất. Tất cả mọi vật đều có tính chất tạm thời. Do vì không hiểu rõ chân lý này nên người ta mới sợ ngày lưỡi đỏ. Người xưa mới nói :”Làm điều ác trong ngày tốt đi nữa sẽ nhận quả xấu. Làm điều thiện trong ngày xấu sẽ nhận được quả lành”. Tốt xấu, thiện ác tất cả đều do con người chứ không phải ngày tốt hay ngày xấu.

 


Chú thích:


(1) Theo thuật bói toán Đông phương, vị thần trông giữ cửa phía đông tức thần Thái Tuế (Mộc tinh) còn được gọi là Xích Khẩu Thần, vị thần có nhiệm vụ giữ cửa phía Tây gọi là Xích Thiệt Thần (Thần lưỡi đỏ). Vị thần lưỡi đỏ này dùng sáu đại quỷ luân phiên nhau trông coi cửa phía tây trong sáu ngày, đúng vào ngày quỷ cực ác còn có tên Thần La Sát có nghĩa là nổi giận có trách vụ giữ cửa vào ngày lưỡi đỏ. Trong một năm cứ 60 ngày thì luân phiên thay đổi.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng