- Phần Hai

28 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 8202)



Đoạn thứ 20 Tu tiên

 


Có vị đạo sĩ nói rằng :” Trên cõi đời này từ bỏ hết tất cả mọi vật trần tục và ngay chính thân xác này không đáng luyến tiếc bằng từ bỏ cái đẹp của bầu trời”. Quả đúng là điều đáng suy ngẫm.

 

 

 

Đoạn thứ 21 Ngắm trăng

 


Cho dù ở khoảng không gian, trạng huống nào, ngắm trăng luôn luôn là nguồn thưởng thức sảng khoái nhất. Có người nào đó nói :”không có gì bằng ngắm trăng”. Nhưng lại có người khác nói rằng :”Hạt sương làm tôi rung cảm mạnh hơn”. Cả hai cái nhìn trên đều gợi cho chúng ta cảm xúc tuyệt diệu trong khoảnh khắc nào đó.


Trăng soi, hoa nở, gió thổi, tất cả là những nguồn tác động gây cảm hứng trong lòng người. Quả vậy bất luận thời gian, không gian, ngày lẫn đêm, xuân hạ thu đông, dòng nước trong vắt liên tục tuôn chảy len qua những khe đá là hình ảnh tuyệt đẹp vô ngần. Nó gợi lên phong cảnh được mô tả trong bài thơ bên Trung Quốc đời Đường:


 Nguyên Tương nhật dạ đông lưu khứ

 Sầu nhân vi bất chỉ thiếu thời (1)

 


Phỏng dịch:


 Sông Nguyên Tương tuôn mãi về đâu

 Không ngừng chia xẻ nỗi sầu nơi đây.

 


Hay bài thơ của Kê Khang


 Sơn trạch du như điểu

 Quán tâm kỳ chi lạc (2)


Phỏng dịch:


 Cá chim vùng vẫy với nước non

 Lòng vui vô tận với sông hồ

 


Tâm hồn thật sảng khoái khi lang thang tiêu dao nơi chốn cỏ xanh, nước trong không bóng người.


 

Chú thích:

 

(1) Đây là hai câu kết trong bài thơ tựa “Tương Nam Tức Sự” do thi nhân Tai Shu Lun (Đái Thức Luân) đời nhà Đường sáng tác. Sông Nguyên, Sông Tương là hai dòng sông nổi tiếng ở Hàng Châu.

(2) Chi Kang (223- 262) tên là Kê Khang tự Tịch Dạ người nước Ngụy thời Tam Quốc, một trong Trúc Lâm Thất Hiền.

 

 


Đoạn thứ 22: Hoài cổ

 


Trong tất cả mọi vật, lòng luyến tiếc ngày xa xưa lúc nào cũng có. Hiện nay càng ngày càng xuất hiện những vật dụng tân thời. Ngay chính những đồ vật thật đẹp làm ra bởi ông thợ mộc nổi danh cũng không thể so sánh với đồ vật cổ ngày xưa. Văn phong trong những bức thư ngày xưa tiết ra phẩm chất khác với bây giờ. Ngôn ngữ xử dụng hằng ngày cũng trở nên thô kệch, thiếu văn vẻ. Người xưa thường nói :” Hãy nâng càng xe lên rồi mới móc vào con bò” hoặc “ Hãy nhúm lửa cho sáng hơn”.


Người thời nay chỉ nói :”Nâng lên” hay “ Nhúm lửa đi”.


Ngày nay họ ra lệnh cho người phục dịch trong hoàng cung “Đốt đèn lên” thay vì nói “Quý vị hãy đứng dậy đi đốt đèn lên”. Tương tự thay vì gọi Cung Thanh Lương(1) nơi chuyên để giảng dạy Kinh Kim Cương Minh Tối Thắng Vương cho Thiên Hoàng là “Tòa Ngự Giảng”, họ gọi ngắn lại là “Tòa Giảng” khiến cho các bô lão phải than trời.

 


Chú thích:


 (1)Hằng năm có thông lệ vào trung tuần tháng 5, liên tục trong vòng năm ngày, danh tăng từ bốn ngôi chùa lớn ở Kyoto Đông Đại Tự, Hưng Phúc Tự, Duyên Lịch Tự, Viên Thành Tự được mời vào Hoàng Cung trước để giảng nghĩa Kinh Kim Cương Minh Tối Thắng Vương, sau là làm lễ cầu cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình.

 

 


Đoạn thứ 23: Lúc Suy Vi

 


 Người ta thường nói về sự suy vi, ngày cuối cùng của thế gian. Đáng mừng thay đằng sau bức tường thành Hoàng Cung còn giữ được không khí uy nghi trang trọng không bị ô nhiễm bởi thế tục.


Hành lang chạy dọc theo giữa Cung Shishin (Tử Thần) và Cung Jiju( Nhân Thọ), rồi Cung Seiryo (Thanh Lương) nơi Thiên Hoàng dùng cơm và tất cả cung điện khác nữa đều toát ra vẻ uy nghiêm. Cho ngay cả đến những vật tầm thường ở chỗ rất khiêm tốn như tấm màn che khung cửa sổ, những bậc thềm từ ngoài vườn đi vào trong cung, cánh cửa cao lớn mở rộng sang hai bên đều được dùng với danh từ rất trân trọng.


Có một ấn tượng thật mạnh khi nghe tiếng lệnh từ phòng lo về nghi lễ trong Hoàng Cung vang ra :”Tất cả chuẩn bị cho buổi tối”. Trong Cung Thanh Lượng có phòng ngủ Thiên Hoàng bốn góc đều đặt bốn ngọn đèn dầu. Họ đều lấy làm vui mừng “Thắp sáng đèn” trong phòng Thiên Hoàng. Cả một niềm thích thú khi thấy khuôn mặt tràn đầy tự mãn của những người chấp hành công việc cao quý giao phó từ Công Tước có toàn quyền trách nhiệm.


Thật là vui thú trong một đêm thật lạnh giá được chứng kiến tận mắt sinh hoạt mọi người trong Hoàng Cung. Có lần Quan tể tướng Tokudaiji ca ngợi :”Tiếng chuông reo của nữ quan trong Cung Naishidokoro(1) tạo âm thanh thật dịu dàng, quý phái”


Chú thích:


(1) Naishidokoro còn được gọi là Kashikodokoro, nơi bảo trì Thần Gương, một trong ba bảo vật của Hoàng Gia.

 


 

Đoạn thứ 24: Cung Dã

 

Có lẽ hình ảnh dễ mến và gây cảm xúc nhiều nhất là Dã Cung (1) nơi Công chúa (2) cư ngụ. Thật buồn cười nhiều người tránh dùng tiếng trong nhà Phật để gọi về “Phật” hay “Kinh điển” thay vào đó họ gọi là “Nakago(đấng bên trong) (3) và “giấy màu”.


Thần Cung luôn luôn là nơi đầy quyến rũ không thể nào không ngừng lại khi đi qua, không thể nào quên được phong cảnh khu rừng cổ kính, ngôi điện được bao xung quanh bằng hàng rào sơn đỏ, với hàng cây Sasaki(4) hiếm quý lúc nào cũng xanh tươi.


Những Thần Cung nổi tiếng phải kể là Kamo, Kasuga, Hirano, Sumiyoshi, Miwa, Kibune, Yoshida, Oharano, Matsuno và Umenomiya.


Chú thích:


(1) Cung Dã : Nonomiya là Thần Cung nằm ở thành phố Sago phía tây Kyoto, có một giai thoại nổi tiếng trong truyện Genji Monogatari.

(2) Ngày xưa Nhật Bản có tục lệ, khi Thiên Hoàng lên ngôi công chúa được đưa vào Cung Dã và ở đây không kết hôn cho đến khi Thiên Hoàng mất. Hiện nay chế độ này không còn nữa.

(3) Nakago: có nghĩa Phật ở bên trong điện, trong cung, nơi chỗ tôn nghiêm.

(4) Sasaki: loại cây thuộc giống Camellia, luôn luôn xanh, còn được gọi cây bụi thường xanh, giống như cây Tùng, rất được quý trọng trong Shinto(Thần Đạo).

 

 


 Đoạn thứ 25: Dòng sông Asuka

 


Vô thường của thế gian giống như những đổi thay nơi dòng sông Asuka (Phi Điểu Xuyên). Dòng thời gian liên tục trôi, vạn vật luôn luôn biến chuyển, cái vui cái buồn đến rồi lại đi, nơi thành đô hoa lệ năm xưa nay trở thành chỗ hoang dã không người tới lui. Căn nhà vẫn còn đó người xưa nay đã đâu rồi. Cây đào, cây lê trong vườn mãi mãi lầm lũi im lặng với thời gian, không biết cùng ai kể lại câu chuyện ngày xa xưa. Lòng cảm xúc về sự vô thường càng thêm thấm thía khi nhìn dấu vết cung điện thủa nào còn để lại.


Cứ mỗi lần đi qua nhìn di tích chùa Hojoji(1) Cung Kyogoku(2) còn sót lại sau bao nhiêu tháng năm vật đổi sao dời gợi lòng nhớ đến người xưa(3) dù cảnh vật đã hoàn toàn thay đổi. Khi Fujiwara Michinaga xây cất Điện A-Di-Đà trong chùa Hojo, cũng còn được gọi là Cung Kyogoku đã nhận được sự đóng góp của rất nhiều người, với niềm cầu mong con cháu ông hết lòng phụng sự Thiên Hoàng mãi mãi về sau. Ông ta không tưởng tượng ra rằng chẳng bao lâu ngôi chùa, cung điện đã trở thành hoang phế. Đại môn và chánh điện còn đứng vững cho đến gần đây, chẳng bao lâu Đại môn bị đốt cháy vào triều đại Showa, và tiếp đến Chánh Điện cũng bị phá hủy sau đó. Dấu vết còn đó không thấy có dự án trùng tu lại. Riêng điện Vô Lượng Thọ với tượng Phật A Di Đà có 9 dạng khác nhau, cao gần 6 thước vẫn còn đó gợi cho mọi người hình ảnh oai nghiêm một thời huy hoàng của ngôi chùa.


Phải lấy làm cảm phục nét chữ viết trên bức hoành của ngài Koze, nét khắc trên tấm bảng treo ở cửa ra vào của ngài Kaneyuki. Điện Pháp Hoa(4) và một vài ngôi điện khác còn đó nhưng không biết nó còn có thể trường tồn được bao lâu?


Một vài ngôi điện khác chỉ còn lại cái nền với những viên gạch, không ai đoán được trước kia được dùng làm gì. Quả thật là khó mà dự định những chương trình trong tương lai vì không biết rồi chúng sẽ như thế nào.


 

Chú thích:

(1) Hojoji :Pháp Thành Tự nơi Fujiwara sống sau khi từ quan vào chùa đi tu.

(2) Cung Kyogoku: Cung Kinh Cực là tư dinh đại chính khách Fujiwara no Michinaga cư ngụ (966-1027)

(3) Chùa được cất lên với lời nguyện để tạo một nơi cho chúng tăng tu học, bảo trì đất nước.

(4) Điện Pháp Hoa là nơi chuyên tu thực hành Pháp Hoa Tam Muội, quán lý Trung Đạo thực tướng của Thiên Thai Tông.

 


 

 Đoạn thứ 26: Gió không ngừng thổi


 

Hồi tưởng lại năm tháng với bè bạn thân thương nay mỗi người mỗi ngả giống như bông hoa đào tan tác trước những cơn gió không ngừng thổi. Không thể nào quên được giọng nói thân yêu nay ở tận phương trời xa thẳm nào đó, buồn da diết, buồn hơn cảnh chia tay với người ra đi vĩnh viễn. Nó từa tựa như cảnh tả nỗi buồn của người giờ thấy con đường nay đã chia đôi, hay tâm trạng người nhìn sợi chỉ màu mà luyến tiếc cho màu trắng trinh nguyên không còn nữa. (1)


Trong số một trăm bài thơ của Thiên Hoàng Horikawa có bài thơ sau:


 

Mukashi mishi Nhìn lại

imo ga kakine wa Hàng rào căn nhà xưa

arenikeri của người yêu cũ

tsubaba majiti no nay hoang vắng điêu tàn

sumire no mi shite còn lại cỏ hoang với màu tím


 

Một bức tranh đẹp cô đơn, bài thơ đã mô tả tâm trạng nhớ thương ngày xa xưa đó.

 


Chú thích:

(1) Thời xưa bên Trung Quốc có câu chuyện kể: Dương Tử khóc buồn vì con đường ngày xưa nay chia thành hai hướng Bắc Nam, Mặc Tử cũng rầu rĩ vì tấm lụa màu trắng trinh nguyên đã bị nhuộm thành màu vàng.

 



Đoạn thứ 27: Lễ Hộ Quốc


 

Thật là niềm cảm xúc vô vàn giây phút Tân Thiên Hoàng nhận ba báu vật của Hoàng Gia trong ngày lễ Đăng Quang, đó là : Thanh kiếm, viên ngọc có hình bát giác và tấm gương.


Trong ngày lễ truyền ngôi vào năm 1318, Hanazono Thiên Hoàng thoái vị đã cảm khái ngâm bài thơ sau:

 


Tono mori no Hỡi người bạn giúp việc

Tomo no miyako người bạn chốn kinh thành

Yoso ni shite xem tôi thành xa lạ

harawanu niwa ni như căn vườn bỏ hoang

hana zo chirishiku như hoa đào tan tác


 

Bài thơ bộc lộ tâm tình cô đơn, quay về nếp sống cô tịch không người vãng lai, để lại đàng sau cuộc sống kinh thành với những bận rộn đa đoan.

 

 


Đoạn thứ 28: Để tang

 


Không có cảnh gì buồn hơn cảnh vào năm hoàng gia để tang. Hình ảnh mọi sinh hoạt trong ”cung chịu tang”(1) tạm thời đình chỉ. Nền bằng gỗ không cao hơn mặt đất là bao được dựng lên, bao quanh bởi tấm vải màu đen xám, người tùy tùng mặc quần áo, đeo gươm với bao gươm bằng màu chịu tang. Cả một bầu không khí thê lương ảm đạm.


 

Chú thích: (1) Khi Thiên Hoàng có Phụ Hoàng hay mẫu Hoàng mất phải tạm di chuyển sang một nơi khác gọi là “cung chịu tang”.

 


 

Đoạn thứ 29: Tĩnh tâm suy nghiệm

 


Mỗi khi ngồi thiền định thì muôn điều nhớ thương luyến tiếc trong quá khứ lại hiện về. Vào một buổi tối mùa thu khi mọi người an giấc, đem những kỷ vật ngày xưa ra thu xếp, định xé bỏ đi những bức thư cũ ngày nào vì thấy không cần giữ lại, thì những hình ảnh vui nhộn thời xa xưa, nét chữ người bạn đã qua đời nay lại sừng sững hiện ra. Rồi những bức thư với giòng chữ từ những người bạn năm xưa còn sống đã lâu không gặp lại khơi dậy muôn vàn kỷ niệm.


Buồn thay! khi ai đó nói rằng kỷ vật thân thương không liên hệ đến sự ra đi của con người. Thật ra nó vẫn tiếp tục mãi mãi còn đó cho dù người đó mất đi rồi.

 

 


Đoạn thứ 30: Sau khi người thân mất

 


Không có gì buồn hơn nói về chuyện xảy ra sau khi người thân mất. Theo Phật giáo trong khoảng 49 ngày (1) để tang, thân nhân họ hàng người mất đi vào chùa trong núi, không thư từ, tụ tập nơi chật hẹp đọc kinh, niệm phật, sao kinh, tạo tượng Phật, cầu nguyện cho người mất tái sinh vào kiếp sau tốt lành hơn. Thời gian trôi qua rất nhanh, ngày thứ 49 tức là ngày cuối cùng không khí trịnh trọng, trang nghiêm biến đi đâu mất, không ai nói với nhau một lời, tự lo thu xếp hành lý và công việc phải làm, lặng lẽ mỗi người mỗi ngã. Riêng thân nhân gia đình người mất trở về nhà, những kỷ niệm nhớ thương lại sống lại trong lòng.


Có người mê tín dị đoan nói rằng :”Có kiêng có lành đừng nên nói điều này điều kia, không nên làm cái này cái kia, nó không tốt không may mắn”. Họ quả thật vô tình thiếu thông cảm với người đang sống trong tâm trạng đau buồn, không tỉnh táo làm sao có thể phân biệt, để ý những chuyện không đâu.


Năm tháng trôi qua mau, không phải họ đã quên đi người đã mất. Nhưng cổ nhân có nói :”người đã ra đi càng ngày càng cách xa”. Niềm nhớ thương không còn mạnh mẽ như lúc người thân mới mất, nụ cười và những câu chuyện vui đùa lại trở về trong cuộc sống.


Hài cốt người mất được mai táng ở vùng đất xa xôi ít người lui tới. Vì thế thân nhân chỉ viếng mộ một năm đôi ba lần trong dịp lễ Vu-Lan hay ngày giỗ. Tấm bia mộ nay phủ ngập lá cây và rêu xanh. Nay đêm trăng và những cơn bão tố trở thành bạn đồng hành tâm sự với người mất.


Người còn sống nhớ thương người đã khuất là một chuyện. Con cháu của họ sau này chỉ được nghe kể lại và chỉ được biết có thế thôi, khó có được sự thâm cảm, niềm nhớ thương sâu sắc. Vì thế những thế hệ sau không còn nhớ, biết đến ngay cả tên người đã mất trong những buổi cầu siêu. Chỉ những người còn có tình có lý trạnh lòng bùi ngùi khi nhìn đám cỏ dại um tùm mọc quanh nấm mộ người xưa vào mùa xuân.


Nói cho cùng ngay cả cây Tùng, cây Bách trơ gan cùng tuế nguyệt cả ngàn năm rồi cũng có khi bị trận cuồng phong làm đổ ngã, bị cắt cưa ra thành từng khúc củi, và những nấm mộ nay thành ruộng đồng. Buồn thay ngay cả hài cốt người xưa nay cũng không còn nữa.


Chú thích:


(1) Trong khoảng thời gian 49 ngày, người Nhật gọi là Chuin (Trung ấm), là khoảng thời gian người mất sẽ đầu thai vào kiếp sống khác, thân nhân cầu nguyện để người mất tái sinh vào đời sống có nhiều quả phước hơn.

 

 


Đoạn thứ 31: Ngày tuyết rơi

 


Sau khi khoan khoái thưởng thức tuyết rơi vào buổi sáng, viết lá thư gửi cho một người quen trong công việc. Nhưng quên không đề cập đến cảnh tuyết rơi. Khi nhận được thư hồi âm với dòng chữ :”Anh tưởng rằng tôi ưa thích người quá vô tình, không có một dòng hay vài câu hỏi đến những cảm xúc về cảnh tuyết rơi hay sao”. Thật là tuyệt.


Người viết thư nay đã qua đời, mẫu chuyện nhỏ nhưng khó quên.

 

 


Đoạn thứ 32: Vào khoảng ngày 20 tháng 9

 


Vào khoảng ngày 20 tháng 9, nhận lời người bạn quý mời đến để cùng nhau thưởng thức ngắm trăng. Anh bạn đã gợi lên kỷ niệm về căn nhà mà chúng tôi đã có giây phút cùng nhau ghé qua. Mảnh vườn đầy cỏ hoang, phủ ngập màn sương dường như không người chăm sóc, rồi bất chợt ngửi thấy mùi hương trầm tỏa ra, thoang thoảng đâu đây, nghe văng vẳng tiếng người cho cảm giác rất mạnh là có hình ảnh người phụ nữ duyên dáng ở trong căn nhà này.


Vừa lúc ấy người bạn xuất hiện, còn đang đứng ngẩn ngơ trước thềm, chợt thấy có bóng người đang đẩy hé cửa rõ ràng là để ngắm trăng. Thật là thất vọng vô cùng nếu cô ta đóng và khóa cửa lại ngay sau khi người bạn đi mất. Làm sao cô ta có thể biết được rằng tuy người không còn đó cũng vẫn có thể nhìn theo phía sau? Thật khó hiểu, có lẽ đây cũng là một linh tính bẩm sinh.


Không bao lâu sau đó được biết người phụ nữ đã qua đời.

 



Đoạn thứ 33: Xây cất Hoàng Cung mới


 

Khi công việc xây cất Hoàng Cung (1) hoàn thành, được tay thợ lành nghề kiểm tra, cho hay tất cả đều đúng kích thước không có gì sai lầm. Gần đến ngày Thiên Hoàng dọn vào Hoàng Cung mới cất xong, mẹ Thiên Hoàng Genki Monin (Huyền Quang Môn Viện) đến xem xét và phán rằng:” Cửa sổ hình quả chuông ở cung Kanin là hình tròn, không có khung”. Phải cảm phục trí nhớ của bà. Những cửa sổ đều có viền gỗ bao quanh. Về sau sự nhầm lẫn này được điều chỉnh lại.

 


Chú thích:

 

(1) Hoàng cung được hoàn tất vào năm 1317, dưới thời Thiên Hoàng Hanazono bị đốt cháy vào năm 1336.

 

 

 

Đoạn thứ 34: Kaiko

 


Kaiko(Giáp hương) là một loại sò (horagai) có miệng hẹp, dài. Loại sò này thường ở vùng eo biển Kanezawa huyện Musashi, nay thuộc thành phố Yokohama. Người ta thường gọi chỗ này là Henatari.

 

 

 

 Đoạn thứ 35: Viết chữ xấu

 

Người viết chữ xấu không nên e ngại về chữ viết của mình. Thật không ổn cho những người vì thấy chữ viết không đẹp nên nhờ người khác viết thay.

 

 


Đoạn thứ 36: Đã lâu không đến thăm


 

Có câu chuyện sau được kể lại :”Đã lâu nay sao lãng không có dịp thăm hỏi người bạn gái. Thử tưởng tượng xem cô ta đang giận dỗi như thế nào. Tôi nghĩ chỉ có cách ngỏ lời xin lỗi. Bất ngờ nhận được lời cô ta nhắn là :”Anh có cần người phụ việc, sai bảo gì không?”. Cách bầy tỏ này làm tôi thán phục tâm tính cô ấy”.

Quả là lời nói đầy tình và ý.

 

 


Đoạn thứ 37: Người quá quen thuộc


 

Có những người gặp gỡ thường ngày quá quen thuộc, nhưng bỗng nhiên họ thay đổi thái độ trong cách cư xử với người xung quanh. Không khỏi khiến có người thắc mắc :”Tại sao họ làm như vậy? Sao từ lâu nay không làm như thế?”. Nhưng chính thực điều này đã biểu lộ tính chất cư xử của con người thành thật và có văn hóa.


Mặt khác, bày tỏ thái độ bộc trực, thẳng thắn, không kiểu cách đối với người xa lạ càng làm cho tôi cảm thấy quý mến hơn.

 

 


Đoạn thứ 38: Chạy theo danh lợi


 

Thật là điên dại cho những người khổ cực cả đời không có giây phút nhàn hạ chỉ vì chạy theo danh lợi. Không chắc gì sự giàu có của cải, vật chất có thể đảm bảo cuộc sống an toàn. Thực ra nó lại là nguồn gốc mang đến nhiều tai họa và bất hạnh. Cho dù sau khi qua đời để lại di sản núi vàng, núi bạc cao ngất đến sao Bắc Đẩu(1) đi nữa, nó cũng chỉ gây tai họa cho người còn sống mà thôi. Bởi ngu dốt, niềm vui sướng trống rỗng của họ là vàng bạc, châu báu, ngựa xe. Nhưng nó hoàn toàn không có ý nghĩa gì với người hiểu biết đạo lý. Tốt hơn hết là nên quẳng vàng bạc vào trong núi thẳm, liệng kim cương, châu ngọc xuống suối sâu. Vì chúng là nguồn lợi tràn đầy quyến rũ cho những con người cực kỳ ngu xuẩn.


Ai ai cũng mong muốn rằng sau khi chết cho dù xác thịt không còn nữa, nhưng tiếng tăm mãi mãi để lại cho muôn đời sau. Nhưng những người có danh, địa vị cao trong xã hội có chắc hẳn là con người trác tuyệt chăng? Có những kẻ ngu dốt bất tài được sinh ra trong gia đình tiếng tăm giàu có, gặp vận may có chức tước bổng lộc và sống cực kỳ xa hoa phung phí. Có nhiều bậc thánh nhân, hiền nhân tự chọn cuộc sống an bần lạc đạo, khiêm tốn, hòa đồng với cỏ cây sông núi, không có tài sản để lại cho đến ngày ra đi. Loại người ngu tối thứ hai là kẻ điên cuồng cầu mong có chức tước để được giàu sang vật chất. Cũng có người mong muốn để lại danh tiếng cho đời sau qua tài nghệ tuyệt vời, đức độ cao vọng. Dù thế nào đi nữa, nghĩ cho cùng sự ham muốn yêu thích danh vọng phát khởi, nằm sâu trong đáy lòng do bởi niềm thích thú khi nghe thiên hạ ca ngợi về chính mình. Nhưng cuối cùng cả người khen lẫn người chê đều phải từ giã cõi đời này, và ngay cả người nghe lời phẩm bình về người khác cũng phải ra đi. Vì thế người muốn để lại danh tiếng lừng lẫy sẽ phải chịu lời xỉ vả, chê bai từ ai, và ai là người nhận những lời ca tụng. Ca ngợi cũng lại là căn nguyên cho tính nói xấu sau lưng người khác. Người xưa có nói: “Cái danh để lại không bằng chén rượu ngay bây giờ”. Đây cũng là một loại người ngu ham danh.


Nhân đó nên tự nói với chính mình và cho những người đang tìm mong đạt được kiến văn và trí tuệ, rằng trí thức là cái đưa đến sự dối trá(2), và tài năng là cái mang đến phiền não. Trí thức chân chính không đến từ người khác, hay cái học từ sách vở. Vậy trí thức là gì? Tất cả đều phát khởi từ chung một nguồn gốc. Do đó cái đúng và cái không đúng chỉ là hai mặt một đồng tiền. Cái gọi là điều tốt là gì? Người thực sự đã giác ngộ là người không chấp vào danh, không ham mê quyền chức, không còn lệ thuộc vào đức, không còn phân biệt nơi trí (3). Có nghĩa là người đó đã vượt lên trên cảnh giới tương đối của sự vật. Mặc cho ai biết, ai nói hay kể về người đó, về thành quả của họ, người đó cũng không cần phải làm ra vẻ ngu dốt, che dấu trí tuệ, tài đức của mình. Vì người đó đã vượt lên trên sự phân biệt đối đãi của khôn dại, lời lỗ, hơn thiệt.


 

Nếu có ai còn u mê truy tìm, chạy theo danh lợi thì kết quả mang đến như đã trình bày ở trên. Bởi vì mọi vật trên thế gian này đều không thật, không đáng để tìm kiếm, hay bàn luận đến.

 


Chú thích:


(1) Câu này mượn ý từ “Bạch Thị Vân Tập” quyển thứ 21; Nguyên văn có nghĩa “cho dù sau khi qua đời để lại núi vàng, núi bạc cao đến độ có thể chống đỡ sao Bắc Đẩu đi nữa không bằng một chén rượu khi còn sống”.

(2) Ý câu này trích từ Đạo Đức Kinh chương 18:” Huệ trí xuất hữu đại ngụy “.

(3) Câu này trích từ Nam Hoa Kinh, chương Tiêu Diêu Du của Trang Tử : “ Chí nhân vô kỷ, thần nhân vô công, thánh nhân vô danh “. Có ý nói bậc chí nhân là người đã vượt lên trên những mâu thuẫn thường tình của thế nhân như phải trái, vinh nhục, trước sau, cao thấp, lớn nhỏ, sanh tử.

 


Đoạn thứ 39: Có một người


Có một người đến hỏi ngài Honen(1) :” Đôi lúc ngủ gà ngủ gật trong khi niệm Phật trong lòng cảm thấy chểnh mảng việc tu học. Xin ngài chỉ cho cách vượt qua chướng ngại này”.


Honen Thượng Nhân mới trả lời rằng: “ Chỉ nên niệm Phật khi nào tỉnh ngủ mà thôi”.


Quả là câu trả lời đầy khích lệ cao quý. Lần khác ngài lại giảng dạy rằng: ”Khi nào tin rằng vãng sinh vào cõi cực lạc tịnh độ thì khi ấy chắc chắn sẽ vãng sinh vào cực lạc. Còn khi nào chưa tin thì chưa chắc chắn”.


Lại một lần khác ngài lại giảng:” Trong khi còn đang nghi ngờ không tin sẽ vãng sinh tịnh độ, nếu niệm Phật chắc chắn sẽ vãng sinh tịnh độ “. Thật là lời dạy cao quý.

 


Chú thích:

(1) Honen( Pháp Nhiên) húy là Nguyên Không hiệu là Pháp Nhiên xuất thân huyện Okayama, vị tổ sáng lập Tịnh Độ Tông Nhật Bản, viên tịch năm 1212, thọ được 80 tuổi.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng