Mọi vật trên thế gian do vô số nhân và vô số duyên hợp thành, việc ra đời tác phẩm Đồ Nhiên Thảo (tsurezuregusa) bằng tiếng Việt khởi đầu do nhân duyên lưu học tại Nhật bản và từ đó biết đến danh tác này. Đồ Nhiên Thảo được xếp vào một trong những tác phẩm văn học cổ nổi tiếng Nhật Bản. Dù rằng biết đến tác phẩm này đã lâu, ý định chuyển ngữ bắt tay vào làm công việc phiên dịch biến thành hiện thực và hoàn tất nó cũng trong khoảng thời gian vài năm trở lại. Tác phẩm đã được chuyển sang nhiều thứ tiếng và hiện nay được dùng như tài liệu giáo khoa nghiên cứu về văn học Đông Phương ở đại học Hoa Kỳ. Đây có thể xem như ấn bản tiếng Việt đầu tiên.
Tác giả tác phẩm này nhà sư Kenko (Kiêm
Hiếu), cũng là thi nhân nổi tiếng đương thời, xuất thân trong gia đình
dòng họ đời đời làm tăng quan (Jingi kan) Thần Đạo trong triều đình,
là người con trai thứ ba trong gia đình, lớn lên và sinh sống tại vùng
Yoshida phía đông thành phố Kyoto. Vì thế mọi người còn gọi ông là
Yoshida Kenko và ngoài ra ông còn có tên khác là Urabe no Kaneyoshi (Bốc
Bộ Hoài Nhân). Ngày sinh và ngày mất không có ký lục và tư liệu
rõ ràng, nhưng dựa vào dữ kiện có được các học giả tin chắc rằng
Kenko sinh năm 1283 tức Hoàng An năm thứ sáu và mất năm 1352 tức
Quang Ứng năm
thứ ba, tác phẩm được viết vào năm ông khoảng 48 – 49 tuổi.
Toàn thể tác phẩm gồm 243 đoạn văn, nếu tính thêm đoạn mở đầu có tất cả 244 đoạn, viết dưới dạng thể văn tùy bút, không theo chủ đề nhất định, có những đoạn chỉ đôi ba dòng, có đoạn dài vài trang giấy.
Xuyên qua tác phẩm độc giả sẽ tìm thấy một
nhân sinh quan, cách sống, cách xử thế, mỹ thuật, nghệ thuật, âm
nhạc, thi văn, tình yêu thiên nhiên, tình yêu trai gái bằng lối văn
châm biếm trào phúng tế nhị. Bối cảnh xã hội Nhật Bản thời trung
cổ cùng với nguồn tư tưởng chủ đạo lúc bấy giờ Kenko không thể
không nhận ảnh hưởng sâu sắc triết lý Đông Phương Phật giáo, Nho
giáo, Lão giáo, hơn nữa tác giả lại là một nhà sư cho nên độc giả
sẽ thấy tư tưởng vô thường, luân hồi, sinh lão bệnh tử nổi bật lên
trên tất cả. Từ đó tác giả có
những lời khuyên bảo con người đừng quá ham mê danh lợi, cái chết
nó sẽ đến bất cứ lúc nào, bất cứ mọi hoàn cảnh không chờ đợi
một ai, vì kiếp người quá mỏng manh nó đến và đi như giọt sương trong
buổi ban mai. Qua tác phẩm tác giả cho thấy để hiểu rõ “Phật Đạo”
cần phải có “Đạo Tâm”, trước hết phải tự truy cầu tìm hiểu thấu
đáo về bản ngã, chính mình, và chỉ khi nào đã hiểu rốt ráo về mình
rồi khi ấy có tự do tự tại. Hơn nữa có
điểm đặc biệt cho dù tác giả là người xuất gia tu hành tất phải
tránh xa thế gian, nhưng ngược lại qua những bài viết cho thấy người
viết sống thực, sống hòa đồng với mọi giai tầng trong xã hội.
Quyển sách ra đời nói lên tấm lòng tri ơn
song thân đã dạy dỗ, tích cực khuyến khích trong mọi hoàn cảnh, và
thân phụ đã bỏ thời gian đọc toàn bộ tác phẩm để viết cho lời
giới thiệu. Cám ơn các em Cảnh Châu, Quang Đán, Kim Hoàn đã đóng góp
không nhỏ để cuốn sách hoàn thành tốt đẹp.
Ngoài ra thành thật cám ơn anh Nguyễn Thanh
Quang bậc đàn anh, sang Nhật vào đầu thập niên 60, tốt nghiệp đại
học Waseda, mặc dù chỉ biết anh trong khoảng vài năm gần đây, cùng
làm việc với anh qua tờ báo xuân. Nhưng anh hết sức nhiệt tình, sốt
sắng đóng góp nhiều ý tưởng phụ giúp kỹ thuật trang trí để hoàn
thành quyển sách.
Hơn nữa thành thật tri ân nữ sĩ Ngọc Bảo, Hội Trưởng Cựu Sinh Viên Việt Nam Lưu Học Nhật Bản Nam California đã tận tình giúp đỡ, trình bày để tác phẩm thành hình tốt đẹp.
Đồ Nhiên Thảo ra đời trong niềm hy vọng qua tác phẩm này độc giả có thể có
cái nhìn, hiểu rõ hơn về văn hóa Nhật Bản, tìm thấy trong đó hương vị
đặc biệt về người Nhật, và cũng đồng thời phảng phất cái gì gần
gũi, không xa lạ cho lắm với truyền thống văn hóa Việt.
Thu 2002
Tùng Sơn
__________________________________
ĐÔI LỜI GIỚI THIỆU
Một buổi chiều êm ả về tháng tư năm Nhâm Ngọ (2002), nhận được điện thoại của người thân từ Nữu Ước gọi về cho hay tin mừng đã hoàn tất việc đánh máy với sự phụ lực cũng của người thân, bản phiên dịch tác phẩm văn học Đồ Nhiên Thảo của Nhật Bản do Tu Sĩ Kenko viết vào thế kỷ 13. Dịch giả ngỏ ý được vài lời giới thiệu. Mặc dầu bộn bề công việc nhưng muốn khích lệ giới trẻ trong công việc sáng tác, dịch thuật, kẻ viết bèn gác mọi chuyện, bắt đầu đọc ngay dịch phẩm, ghi lại đôi dòng cảm nghĩ.
Tác phẩm gồm 243 đoạn tu sĩ Kenko chân thực kể lại những điều suy nghĩ trong lúc ngồi trước nghiên mực, không có việc gì làm. Từ đoạn đầu nói về vấn đề sinh ra trên cõi đời tới đoạn chót trở về lúc lên tám tuổi, tác giả đều thiết tha nhắc nhở ta về thực tướng của cuộc đời khổ, không, vô thường, vô ngã, thống thiết khuyên nhủ ta nên làm ngay công việc quan trọng nhất, cấp thiết nhất là tu tập, học đạo lý, chớ nên uổng phí thời gian hết sức quý báu chạy theo nhu cầu vật chất giả tạo để mà hối tiếc, sầu đau. Bằng lời lẽ thẳng thắn, mạnh mẽ, tác giả quả quyết khẳng định:
“Thật là trân quý được sinh ra làm người từ bỏ thế gian ô trọc, chuyên tu để thoát cảnh sinh tử luân hồi.”
“Những người ngu muội chạy theo danh lợi thế gian, quên lãng việc tu học Phật đạo để giác ngộ thì không khác gì loài súc sinh.”
Qua những nhân vật, địa điểm, thời gian có thực trong lịch sử, tác giả thấm nhuần tư tưởng Nho, Lão, Phật đã dẫn chứng cụ thể bằng những luận cứ đanh thép thuyết phục ta muốn sống an lạc, phải tin ở lý nhân quả, phải tin ở những điều vô cùng tốt đẹp mà những đức khiêm tốn, thành thực, kiên trì, bất tranh, cần kiệm, từ bi, khoan dung đem lại. Có nhiều điều nhà trị nước cần lưu tâm nhất là đối với người nghèo phạm pháp. Chống mọi hình thức mê tín, dị đoan nhưng không châm biếm, tác giả xác định tốt xấu, thiện ác tất cả đều do con người chứ không phải ngày tốt hay ngày xấu.
Những bí quyết để tránh lỗi lầm dưới đây vừa đầy đủ vừa thực dụng:
“Để tránh phạm lỗi lầm, không có gì tốt hơn để ý lời nói, thành thực trong việc làm, kính trọng mọi người không phân biệt thành phần tuổi tác trong xã hội. Bất cứ mọi người, già hay trẻ, nam hay nữ, nên có lời nói đúng đắn, cẩn trọng. Đặc biệt đối với người trẻ dung mạo thanh tú lại thốt ra những lời đẹp đẽ có sức kêu gọi, tạo ấn tượng khó quên đến mọi người.”
“Thường thường lỗi lầm xẩy ra là do tính tự kiêu, coi thường người khác, làm ra vẻ ta đây, và kèm theo hành động tự cho mình đã giỏi, lão luyện rồi.”
Đời người tu Phật không khô khan mà dạt dào tình cảm nhất là đối với thiên nhiên. Nói về trăng mùa thu, tác giả tâm sự:
“Không thể lấy vật gì để so sánh với cái đẹp của trăng về mùa thu. Người mà nói rằng mặt trăng lúc nào cũng vậy, không phân biệt được bốn mùa, như thế không thấy sự khác biệt hình ảnh của trăng về mùa thu quả là con người hết sức vô tình.”
Tác giả đồng cảm với nữ sĩ Suo xúc động thấy chiếc lá vàng rơi, nhớ đến người xưa, cảm tác:
“Vài chiếc lá rải rác đó đây
Không biết ngỏ cùng ai
Những chiếc lá vàng đơn côi
Cây thục quỳ bên mành cửa
Người xưa đâu còn nữa.”
Con người ở không gian, thời gian nào tâm trạng cũng như nhau. Tuy trên bảy trăm năm đã qua, tư tưởng của tu sĩ Kenko vẫn có sức mạnh tâm linh thuyết phục và cảm hóa, trang bị cho người đời nay một vũ khí đương đầu lại sự khống chế của tiện nghi vật chất, để sống cuộc đời thật sự tự do, an lạc.
Xin có lời khen và cám ơn dịch giả sau mấy thập niên du học và nghiên cứu hoàn tất tốt đẹp các ngành Hóa học, Văn học và Phật học tại Nhật Bản đã không quên trau giồi tiếng mẹ đẻ, chọn lựa danh tác của văn học Nhật Bản, góp phần tô điểm thêm tươi thắm vườn hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại.
Lời ước nguyện của lớp người đi trước, mong sao dịch giả Tùng Sơn cùng tất cả lớp người trẻ ưu tú du học thành tài khắp năm châu bốn biển hãy cùng nhau tận lực góp sức phiên dịch những danh tác, tinh hoa của văn hóa nhân loại trên mọi địa hạt tự nhiên cũng như xã hội, chuẩn bị xây dựng một nước Việt Nam hoàn toàn đổi mới, không còn đấu tranh giai cấp hận thù, biết đặt tình nghĩa lên trên của cải thế gian, thành tâm hợp sức với các dân tộc cùng xây dựng cõi Nhân gian Tịnh Độ.
Viết tại Houston ngày 1 tháng 6 năm 2002
Hiếu Nguyên Nguyễn Cao Thanh