- Phần Chín

04 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 8119)



Đoạn thứ 137: Hoa Đào nở rộ


 

Bạn có bao giờ thưởng thức bông hoa đào nở rộ dưới ánh trăng với bầu trời trong vắt không gợn mây chăng? Vào những ngày trời mưa lòng nhớ nhung ánh trăng sáng, cuộn mình lại trong phòng để không biết đến mùa xuân đang trôi qua đi, hoa đào đang tan tác, tất cả len lén đi vào tâm tư khơi dậy niềm cảm xúc vô vàn. Nhìn đây đó những búp non trổ ngọn trên đầu cành cây, cánh hoa đào nằm rải rác khắp sân. Rồi thì những bài thơ với tựa đề “Ngắm hoa chỉ thấy hoa rơi” hoặc là “ngăn cách trong buổi xem hoa” dường như không hay hơn bài thơ với tựa “Ngắm hoa” chăng? Một cái gì tự nhiên phát xuất nơi lòng con người luyến tiếc nhìn cảnh hoa rơi, trăng khuất bóng; Nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ với người không có cảm xúc về vẻ đẹp thiên nhiên, họ thường nói :”Cành cây này, nhánh cây kia không còn hoa nữa chẳng có gì để ngắm”.


Tất cả mọi vật đều có lúc khởi đầu và lúc cuối cùng của nó. Chuyện tình yêu trai gái chẳng lẽ chỉ nói về cuộc gặp gỡ hẹn hò lúc buổi ban đầu hay sao? Người con trai thương nhớ cuộc hẹn hò buồn bã cho lời hẹn ước không thành, một mình đơn côi trong đêm thu dài lê thê, tưởng nhớ người yêu nơi chốn xa xôi, để tâm hồn trôi nổi theo mây gió, hồi tưởng lại hình ảnh cùng người yêu hẹn hò nơi căn nhà, mảnh vườn, bụi cây năm xưa nay không còn nữa. Đây có phải chăng tâm tình người con trai đang yêu.

 


Sau đêm dài chờ đợi ánh sáng rạng đông vừng lên, ánh trăng phai nhạt dần đi gây cảm xúc sâu đậm trong lòng người hơn là buổi ngắm trăng tròn dưới bầu trời trong vắt không gợn mây cách xa hàng ngàn dậm, cũng không gì có thể so sánh với cái vẻ đẹp ánh trăng xanh tỏa ra khi nhìn xuyên qua đầu rặng cây tuyết tùng(1) trong rừng già, hay bóng trăng sau những thân cây, hay khi nó ẩn giấu mình đằng sau đám mây sau cơn mưa bất ngờ! Giọt nước mưa còn đọng lại trên lá cây hồ đào (2), lá cây sồi trắng (3) lấp lánh phản chiếu ánh sáng trăng gợi mạnh trong lòng niềm nhớ cố đô, nhớ đến người bạn năm xưa mong cùng chia xẻ tâm tình ngay trong giây phút này.


 

Có bao giờ bạn ngắm hoa đào dưới trăng một thân một mình chưa nhỉ? Thật là nguồn cảm hứng vô tận khi mơ tưởng đến mùa xuân, với hoa đào nở vào một đêm trăng thu dù còn thu mình ở trong phòng!


 

Người có học thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên một cách nhẹ nhàng thanh cao, còn người sống ở nông thôn biểu lộ cách thô kệch, họ luồn lách qua đám đông để đến gần dưới gốc cây anh đào, rồi trố mắt nhìn những bông hoa đào nở một cách trơ trẽn, rồi uống rượu, ngâm thơ ca hát; và cuối cùng chọn nhánh cây anh đào lớn nhất bẻ gẫy mang nó đi không tiếc thương. Mùa xuân thì nhúng chân tay vào dòng suối, mùa đông thì nhẩy lên trên mặt tuyết cố để lại vết chân, họ không bao giờ đứng ra xa ngắm nhìn sự vật với hình dạng tự nhiên của nó.


 

Người xuất thân nông thôn có đặc tính đặc biệt khi đi xem lễ hội Kamo, họ hay nói :”Đoàn rước kiệu đến quá muộn” “Đứng đây chờ xem cũng vô ích mà thôi” rồi họ bước ra khỏi khán đài đi vào những quán dựng dọc theo phía đằng sau, ở đây họ la cà ăn uống hoặc chơi cờ vây (Go) hay cờ Song-lục, khi người đứng trên khán đài la lên:” Đoàn diễn hành đang đi đến” thế là họ ào chạy ra cuống cuồng tranh giành xô đẩy nhau để trở về vị trí đầu tiên. Họ lấn đẩy nhau để mong có chỗ tốt, nhìn thấy rõ ràng, không bỏ qua bất cứ vật gì đi qua, bình phẩm mọi điều xem thấy, nào la lên:”Nhìn cái này!” “Xem cái kia!”. Khi đoàn rước kiệu đã đi qua hết, họ ồ ạt kéo nhau đi xuống và nói:”Chúng ta trở lại lễ hội năm tới” Có phải mục đích chính của họ là để chỉ xem đoàn diễn hành hay không?


Người từ kinh đô đến tham dự phong cách đàng hoàng, không tỏ vẻ ngái ngủ trong buổi diễn hành, những người trẻ đi theo phục dịch các quan chức rất nề nếp, ngồi phía đằng sau không bao giờ duỗi chân ra phía trước, và họ cũng không tỏ vẻ phải xem đoàn rước kiệu bằng mọi giá.


 

Vào ngày lễ hội Kamo trước khi trời hừng sáng những chùm lá cây Thục quỳ (4) được nối kết lại với nhau tung rải khắp mọi nơi gây cảm giác đẹp thanh nhã, rồi những đoàn kiệu xe bò lặng lẽ nối đuôi nhau trên đường phố khiến mọi người tự đoán về chủ nhân các kiệu xe cho đến khi thấy người kéo xe hay người gia nhân thì mới xác quyết được người chủ. Riêng tôi không thấy mệt mỏi khi nhìn đủ loại kiệu xe trang trí màu sắc rực rỡ lộng lẫy đi qua. Khi trời vừa sập tối tự hỏi không hiểu những đoàn kiệu xe, đám đông khán giả biến đi đâu mất, không một chút dư âm gì để lại, ngay cả cái hỗn tạp vội vã trở về của đoàn kiệu cũng không còn nữa, những tấm màn, tấm chiếu trên khán đài được cuốn xếp lại dọn đi diễn ra trước mặt cảnh tượng tiêu điều. Nếu bạn đã nhìn lễ hội trên đường phố, thì hình ảnh bây giờ giống như niềm đau cuộc đời.

 


Đột nhiên tôi nhận thấy một điều trong đám đông người đi qua đi lại trước khán đài, người quen biết trên cuộc đời không có là bao, cuối cùng những người này sẽ phải ra đi, và ngay chính thể xác mình chắc chắn đến lúc nào đó không lâu sẽ phải mất đi. Nó giống như thùng nước thật lớn có lỗ thủng nhỏ dưới đáy và nhỏ những giọt nước liên tục không ngừng cho đến lúc làm cạn thùng nước. Ngay như ở chính Kinh thành đầy những người, chắc chắn không có ngày nào là không có người chết, và mỗi ngày chỉ có một hoặc hai người ra đi thôi sao? Tất nhiên có ngày nhiều người đã được đưa đi an nghỉ giấc ngàn thu ở các nghĩa địa Toribeno, Funaoka hay ở các núi đồi hoang vắng, và không có ngày nào là không có người được đưa vào đây. Vì thế người bán cỗ quan tài không bao giờ có dư áo quan, cái chết nó đến thật bất ngờ không phân biệt già trẻ, mạnh yếu. Do đó ngay trong giây phút hiện tại ngày hôm nay còn sống là cả một sự kỳ diệu lạ thường, nghĩ như thế chúng ta có thể an tâm sống tà tà vì cuộc đời còn dài chăng?

 


Cuộc đời có những cái giống như bàn cờ Tục Lập Tử (5) và cờ Song-Lục, vì không ai có thể tiên đoán về những hòn gạch bày trên bàn cờ rằng hòn gạch nào sẽ bị lấy đi trước tiên. Khởi đầu khi phía bên này ra quân đếm trúng đến con số nào đó thì hòn gạch phía bên kia bị lấy đi, phía bên này tưởng là sẽ thoát khỏi cảnh bị lấy mất đi những hòn gạch thuộc phía mình. Nhưng đến phiên bên kia bắt đầu ra quân đếm nghịch lại thì những hòn gạch phía bên kia nay cũng từ từ bị cuỗm đi, và không có gì còn lại, nghĩa là cả hai phía không có cách gì thoát khỏi. Cái chết nó cũng tương tự như vậy. Người chiến sĩ khi ra chiến trường biết rằng cái chết gần kề phải quên gia đình vợ con và ngay cả chính bản thân. Người tránh xa thế gian sống yên lặng trong thảo am vui thú với nước non cỏ cây cho rằng sẽ không phải lo lắng về cái chết. Họ đã nhầm to, vì họ tưởng rằng nếu sống nhàn hạ trong núi rừng thì kẻ thù gọi là vô thường tức cái chết sẽ không bao giờ lai vãng. Khi đối diện với cái chết nó giống như người chiến sĩ ra trận có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu.


 

Chú thích:


(1) Tiếng Nhật gọi là cây Sugi, âm Hán viết là Sam, còn gọi là cây tuyết tùng, cây thì cao có lá xanh hình nón, gỗ thân cây màu đỏ tỏa mùi thơm dịu, dùng làm hộp, vật dụng.

(2)Tiếng Nhật gọi là Shii, âm hán là Cây chùy, tiếng Việt gọi là cây Hồ đào, một giống thực vật thuộc loại chinquapin quanh năm lá xanh tươi, sống gần vùng biển, lá hình thoi, vào khoảng tháng năm hay tháng sáu ra hoa với hương thơm, đến mùa thu ra trái.

(3) Một loại cây sồi Nhật Bản, tiếng Nhật gọi là Shirakashi, thuộc loại cây oak, lá xanh quanh năm, ra hoa mầu vàng đậm, có quả vào tháng mười, gỗ cây thường dùng vào việc đóng bàn ghế.

(4) Tiếng Nhật gọi là cây Aoi, tiếng Việt gọi là cây Thục Quỳ, loại cây vườn có hoa màu đỏ tươi.

(5) Tiếng Nhật gọi là Mamagodate, loại cờ ứng dụng toán học trong cách tính điểm, mỗi bên có 15 hòn gạch hoặc đen hay trắng, phía có hòn gạch màu đen được đi trước, di động hòn gạch đếm theo đến số thứ mười thì nhặt hòn gạch màu trắng ra, cứ như thế đến cuối thì còn lại một hòn gạch trắng và 15 hòn gạch đen. Đến phiên bên có gạch trắng theo đúng phương pháp phía bên kia di động nhưng đếm nghịch lại, và cuối cùng phe bên kia cũng chỉ còn lại một hòn gạch đen.

 

 


Đoạn thứ 138: Mùa lễ hội đi qua


 

“Mùa lễ hội đã qua những lá cây Thục quỳ không còn dùng nữa” ý nói nên gỡ những chiếc lá treo trên màn cửa, người nói câu này cho thấy thiếu sự rung động về cảnh vật, nhưng vì ông ta là người có văn hóa chắc phải mang hậu ý nào khác. Nữ sĩ Suo(1) có làm bài thơ sau:

 


Kakuredomo Vài chiếc lá rải rác đó đây

kai naki monowa Không biết ngỏ cùng ai 

monotomo ni Những chiếc lá vàng đơn côi

misu no aoi no Aoi bên mành cửa 

Kareba narikeri(2) Người xưa đâu còn nữa 


 

 Bài thơ trích dẫn từ tuyển tập thơ của nữ sĩ mô tả cảnh những chiếc lá cây Thục quỳ khô héo còn treo lơ lửng trên tấm màn tre trong phòng nơi hoàng cung (3). Lời tựa những bài thơ ngày xưa thường mở đầu bằng câu:” gửi kèm theo đây vài chiếc lá aoi khô”. Trong tác phẩm Makura no soshi(Chẩm ThảoTự)  có đoạn viết ”chiếc lá aoi khô khơi dậy niềm thương nhớ” đã gợi trong lòng chúng ta cái gì thân thương gần gũi. Trong tác phẩm Shiki no monogatari (Tứ quý vật ngữ) tác giả Kamo no chomei(4) có đoạn viết :”lễ hội đã trôi đi lá aoi còn vương vấn đâu đây”. Phải chăng người lấy đi những chiếc lá ï đã làm chính họ khô cằn?


 

Túi vải nhung đựng hương trầm treo xung quanh đài cao che bởi tấm trướng trong phòng ngủ nhà quý phái được thay vào bằng hoa cúc vào ngày 9 tháng 9, cũng có nghĩa hoa shobu cần phải giữ lại cho đến mùa có hoa cúc. Sau khi hoàng hậu Bihano qua đời, Benno Menoto(5) tìm ra đằng sau tấm trướng trong phòng ngủ những túi đựng những hoa Shobu khô cảm xúc mới làm vần thơ:


 Treo cánh hoa lỡ mùa

 Nấc nghẹn rơi hàng lệ   

 


Đáp lại Gojiju(6) vịnh lại câu thơ sau:

 

 Hoa ayame vẫn còn nơi đây

 Phòng the vắng bóng người


Chú thích:


(1) Suo (chân phương) là thi nhân con gái tri huyện Suo taira no tsugunaka.

(2) Bài thơ dùng kỹ thuật đồng âm khác nghĩa chẳng hạn chữ misu: tấm mành; mizu: không gặp; aoi:lá aoi; au hi::gặp gỡ; kare: chia tay; kareba: lá khô;

(3) Lá thục quỳ (aoi) có đặc điểm là mặt trước của lá màu xanh nhạt, mặt sau màu tím nhạt, được dùng như huy hiệu cho Thần xã Kamo.

(4) Kamei no chomei là một thi nhân thời Kamakura, sáng tác một số tác phẩm nổi tiếng, về sau xuất gia đi tu.

(5) Benno Menoto; bà là con gái quan Fujiwara no Masatoki, cũng là thi nhân, câu thơ trên trích từ Senzaishu.

(6) Gojiju là con gái nhà văn học bác sĩ Oe Masahira, người mẹ cũng là thi nhân, câu thơ được trích dẫn từ Senzaishu.

(7) Hoa shobu (Xương bồ) thuộc loại thảo mộc xanh quanh năm, sống ven bờ sông, hồ, có lá hình lưỡi kiếm, khi trời vào hè ra hoa màu vàng trộn lẫn với màu xanh tỏa hương thơm, rễ cây được dùng làm thuốc.

 

 

 

 Đoạn thứ 139: Cây trong vườn

 


Vườn trong nhà nên trồng những loại cây như cây tùng, cây hoa anh đào, loại cây tùng có lá cây giống như năm cây kim gộp lại, còn có tên ngũ diệp tùng là loại tốt nhất. Trong những loại cây hoa anh đào, hoa anh đào đơn thì đẹp hơn hết, riêng hoa anh đào kép (1) trước kia chỉ vùng Nara có nay nghe thấy đâu đâu cũng có. Hoa anh đào thuộc vùng núi Yoshino, và cây anh đào trồng ở dinh quan Tả Cận Vệ thuộc dạng ngoại lệ, nó thiếu vẻ đẹp tự nhiên, có vẻ làm dáng, không trồng nó trong vườn cũng không sao. Những bông hoa đào nở muộn mất đi sức quyến rũ vì nó bị những con côn trùng tụ lại xung quanh.

 


Hoa mai có hai loại, hoa mai trắng và hoa mai hồng, mai trắng thường ra hoa sớm hơn mai hồng, cả hai đều tỏa ra hương thơm thanh thoát. Có cây mai ra hoa muộn cùng lúc tranh đua với hoa anh đào, tất nhiên hoa đào chiếm ưu thế hơn. Nhìn cảnh bông hoa mai tan tác mà trong lòng thấy xốn xang.


 

Nhà tu sĩ kiêm quan Trung nạp Ngôn Kyogoku có trồng cây mai gần bờ tường trong vườn, đưa ý kiến về cái đẹp hoa mai “ để có sức quyến rũ mai phải nở và rụng trước khi các loại hoa khác nở”, hiện giờ vẫn còn hai cây mai ở về phía nam nhà ông ta vùng Kyogoku.


Cây liễu cũng có nét thướt tha yêu kiều, lá cây phong vừa trổ ra vào khoảng đầu tháng tư duyên dáng hơn bất cứ loại hoa hay lá vàng vào mùa thu. Thân cây tachibana(2) và cây katsura(3) khi lớn lên già đi lớp vỏ bọc thân cây trông rất đẹp.


Trong những loại cỏ hoa được mọi người biết đến nhiều nhất là yamabuki(4), fuji(5), kakitsubata(6), nadeshiko(7). Loại cây sinh sống trong nước hồ, ao nổi tiếng là hachisu(8), loại cỏ tôi ưa thích nhất vào mùa thu gồm có hagi(9), suzuki(10),kikyo (11), ogi(12), tsuta(13), kuzu(14), asagao(15), ominaheshi(16), fujibakama(17), shion (18), waremoto(19), karukaya(20), ryutan(21) và hoa cúc vàng. Tất cả đều có nét mỹ thuật khi được vun trồng bên cạnh bờ rào, hơn nữa loại cỏ này không lên cao lắm và cũng không um tùm, và cũng khó có được tình cảm thân thương đến những loài thảo mộc xa lạ, hiếm thấy với những loại hoa mang tên Trung Quốc không quen thuộc như mẫu đơn, ba tiêu, hoa lan v.v.


Theo tôi chỉ những người thiếu văn hóa mới thích đồ vật lạ, hiếm. Cách hay nhất là đừng có nó.

 


Chú thích:


(1) Yae: âm Hán là bát trọng, gọi nôm na là hoa đào kép vì nó có nhiều tầng kết lại.

(2) Tachibana: thuộc giống cây loại cây cam với trái nhỏ giống như quít.

(3) Katsura: loại thực vật gọi là cây quế nở ra hoa mùa vàng.

(4) Yamabuki: một loại hoa hồng Nhật Bản, màu vàng ra hoa về mùa xuân.

(5) Fuji: loại wistaria Nhật Bản, ra hoa màu tím vào mùa mưa tháng 5 hoặc tháng 6.

(6) Kakitsubata(Đỗ Nhược): thảo mộc thuộc loại iris, ra hoa đủ màu trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 9, rễ cây được điều chế làm dược phẩm.

(7) Nadeshiko(Phủ tử): loại cây trồng trong vườn ra hoa màu hồng nhạt.

(8) Hachisu: Hoa sen.

(9) Hagi: loại thảo mộc có chiều cao khoảng 1 thước 50 centimetre, ra hoa vào mùa thu.

(10) Suzuki: loại thảo mộc có chiều cao khoảng 2 thước, lá hình tuyến trạng, ra những hạt nụ vào mùa thu, được dùng trong văn học biểu tượng cho sự thanh khiết.

(11) Kikyo cũng là một trong bẩy loại cỏ về mùa thu, theo âm Hán gọi là cỏ kết cánh, dùng làm thuốc, tiếng Anh gọi là bellflower.

(12) Ogi: một trong bẩy loại thảo mộc nổi tiếng trong mùa thu, thân có chiều cao khoảng 1 thước 50 centemetre, sinh trưởng tại vùng thảo nguyên.

(13) Tsuta: loại thảo mộc này thuộc giống cây leo, ra hoa màu vàng lục, thường thấy ở Nhật bản và Trung Quốc.

(14) Kuzu(Cát): loại thảo mộc sinh trưởng vùng núi non, tiếng Việt gọi là cỏ đay, một trong 7 loại cỏ về mùa thu.

(15) Asagao: Loại thảo mộc ra hoa pha trộn màu trắng, tím, hồng vào tháng 9.

(16) Ominaeshi: loại thảo mộc ra hoa màu vàng về mùa thu, thường ở vùng bắc bán cầu.

(17) Fujibakama: Loại cỏ sinh trưởng vùng thảo nguyên, ra hoa màu tím hay màu trắng, lá cỏ thường dùng điều chế thuốc, tác dụng làm giảm nhiệt trong người.

(18) Shion: tiếng Việt gọi là hoa cúc tây, cánh hoa màu trắng hay hồng tím, ở giữa điểm màu vàng, tiếng Anh gọi là Aster, âm Hán gọi là Từ uyển.

(19) Waremoto:Loại thảo mộc sinh trưởng miền thôn dã, lá hình lông chim, ra hoa màu hồng đậm vào mùa thu.

(20) Karukaya: loại thảo mộc sinh trưởng vùng đồng ruộng, thân cao khoảng thước rưỡi, lá cây rất dài có nhiều tua ở phía ngọn.

(21) Ryutan(long đảm): Loại thảo mộc có chiều cao khoảng 90 phân, ra hoa màu xanh vào mùa thu, rễ cây thường được dùng làm thuốc. 

 

 


Đoạn thứ 140: Để lại tài sản


 

Người có học thức, trí tuệ không nên để lại tài sản sau khi chết, nếu còn để lại vật quý giá, bảo vật sẽ khíến thiên hạ nghĩ rằng người này còn nhiều luyến tiếc đến vật chất. Để lại vô số đồ trang sức, vật quý giá chỉ làm tăng thêm lòng tranh giành, ta thán giữa người còn sống, tất nhiên đưa đến cuộc tranh cãi về tài sản lẫn nhau không ra thể thống gì, có người nói:”Tôi muốn lấy cái này, cái kia”. Nếu muốn cho ai di sản gì thì nên cho khi còn sống. Nên giữ lại những vật dụng cần thiết hằng ngày cho cuộc sống còn những vật khác đừng nên giữ lại là tốt nhất.

 

 

 

 Đoạn thứ 141: Thượng nhân Gyoren ở chùa Hiden-in


 

Thượng nhân Gyoren tu ở chùa Hiden-in(1) tên tục là Miura, trước kia đã từng là võ sĩ nổi danh không có ai là đối thủ. Một lần có người xuất thân cùng quê quán đến thăm, trong buổi đàm thoại có nói:


“Người vùng Kanto khi nói thì có thể tin được, chứ người vùng Kyoto thì giỏi về biết cách nghe, nhận lời và hứa hẹn suông không thể tin được”.


Thượng nhân nghe xong trả lời:


“Tôi có thể hiểu được tại sao ông nói như thế, bản thân tôi đã có sống thời gian dài ở Kyoto, có quen biết một số người, họ không đến nỗi tồi tệ như ông nói. Họ rất dễ thương, giầu tình cảm cho nên đôi khi không thể từ chối thẳng vào mặt người hỏi, không dám nói hết điều họ suy tư, chỉ biết lắng nghe, thu nhận lời yêu cầu mà không giúp đỡ gì được. Đó không phải hành động cố tình lừa bịp người khác, vả lại thường thường họ thuộc thành phần nghèo khổ, không thể làm những điều mà họ mong muốn. Riêng về người Kanto tôi cũng giống như họ, thiếu tình cảm, không có sự thông cảm với tha nhân, nhưng bộc trực ngay thẳng, được hay không được nói ngay từ đầu, sự giàu có của họ cũng dễ tạo mọi người lòng tin tưởng. 


Qua giọng nói khá nặng tiếng địa phương vị Thượng Nhân đã trình bày với lời như trên. Không biết ngài có hiểu thấu đáo giáo lý nhà Phật hay không? Nhưng với lời nói gây cho tôi ấn tượng sâu sắc, có lẽ Thượng Nhân được lựa chọn trách vụ trụ trì trong số nhiều các tăng sĩ khác là do đức tính ôn hòa, mềm dẻo.


 

Chú thích:


(1) Lai lịch Gyoren không được biết rõ, nhưng Hiden-in (Từ Điền Viện) là ngôi chùa tọa lạc phía bắc Kyoto, ngày xưa chùa được dùng để trị liệu và cấp thuốc cho người ốm đau bệnh tật, nuôi dưỡng trẻ em cô nhi.

 

 


Đoạn thứ 142: Người có vẻ lạnh lùng

 


Ngay cả người có vẻ vô tình đôi khi nói những câu rất chí lý, có lần người võ sĩ dáng vẻ hung bạo hỏi người bạn đồng hành:” Anh có cháu bé nào không?”


Người kia trả lời:” Tôi không có đứa nào cả”


Người võ sĩ nói tiếp:” Tôi không biết bạn có mang tình thương sâu xa trong đáy lòng hay không, nếu không có một chút tình thương trong bạn, ý nghĩ này làm tôi kinh hãi. Dù gì đi nữa đứa con sẽ tự nhiên khơi dậy tình cảm đẹp trong con người và sự sống”


Người võ sĩ nói phải, làm sao có thể nói con người có tâm từ bi, nhân ái nếu không có tình phụ tử cha con, ngay cả người không có lòng hiếu dưỡng đối với cha mẹ đi nữa, khi có con sẽ hiểu được lòng cha mẹ. 


Quả là sai lầm đối với người xuất gia đi tu từ bỏ mọi ràng buộc thế gian có thái độ khinh bỉ khi nhìn người có quá nhiều hệ lụy, ham muốn cho gia đình. Nếu tự đặt mình vào vị trí họ sẽ hiểu sâu sắc hơn vì do tình yêu cha con, vợ chồng mà họ quên đi sỉ nhục, và có thể phạm vào việc ăn trộm, ăn cắp. Vì vậy cách trị nước hay nhất thay vì bỏ tù người ăn trộm, trừng trị tội phạm do lỗi lầm là phải làm sao để không còn ai bị đói rét nữa. Người không có tài sản, không công ăn việc làm thì không bao giờ ổn định, bần cùng sinh đạo tặc(1), nếu quốc gia không được điều hành đúng đắn, dân chúng còn khổ sở vì đói, lạnh thì không bao giờ hết tội phạm. Thật là đáng thương cho người quá cùng khổ, đẩy đưa họ đến hành động phạm pháp rồi đem họ ra trừng trị.


Làm thế nào để giúp tất cả mọi người? những người giàu có dư dả nên từ bỏ cách sống phung phí xa hoa, thương đám người nghèo khổ, khuyến khích nông nghiệp, chắc chắn thành phần bần cùng sẽ nhận được nhiều lợi ích. Những kẻ phạm tội thực sự là những kẻ đã có quá đầy đủ cái ăn cái mặc mà hành động phi pháp.


 

Chú thích


(1) Câu này trích dẫn từ “Khổng Tử Gia Ngữ”: “mã quẫn tức trác; nhân quẫn tức trá; mã quẫn tức dật”; Trong Luận Ngữ quyển 15 chương Thiên Linh Công có viết:”Quân tử cố quẫn, tiễu nhân quẫn tư lạm” ý nói người quân tử trong lúc khốn quẫn biết chế ngự lòng ham muốn, còn kẻ tiểu nhân khi túng thiếu thì không còn phép tắc, kỷ cương.

 

 


Đoạn 143: Tình cảnh người lúc lâm chung

 


Khi nghe câu chuyện người ta kể lại giờ phút lâm chung ông ấy thật là trang trọng, trong lòng luôn luôn thầm nghĩ phải chăng đó là giây phút yên lành nhất, không còn ẩn chứa bất cứ hằn học trong tâm tư con người. Nhưng những kẻ ngu dốt thường hay thêm thắt câu chuyện với những chi tiết lạ đời bất thường có ý khen sao cho phù hợp với cách họ suy nghĩ, thực ra những dữ kiện đó không phù hợp với cách cư xử thường nhật của người đã mất.


Trong giờ phút trọng đại cuối cùng đời người, ngay chính hóa thân chư phật, chư thánh cũng không thể phán định, và ngay chính các bậc học vấn uyên thâm cũng không thể định lượng được. Vào giờ phút lâm chung nếu không có trạng thái phi thường với lời nguyện hằng ngày của người ra đi thì không một ai có thể dựa vào kiến văn riêng của mình để bảo rằng tốt hay xấu.

 

 


Đoạn thứ 144: Thượng nhân Togano


 

Thượng nhân Togano(1) có một lần trong chuyến du hành trên đường đi bỗng nghe thấy người đang tắm cho con ngựa bên cạnh dòng sông và nói:”Ashi, ashi”(2). Thượng nhân thấy lạ vội dừng lại cảm động kêu lên:”Quý hóa quá! người này kiếp trước đã tạo thiện căn, có công đức nay nhận được quả tốt, giác ngộ trong kiếp này! Quá cảm động, ông ta liên tục xướng danh Aji, Aji(3)” và hỏi:” con ngựa của ai vậy? Thật là quý hóa vô cùng!”

Người đàn ông đang tắm ngựa trả lời:


” Thưa ngài, con ngựa này là của quan cận vệ Fusho”. 


 

Khi nghe thấy thế Thượng Nhân vô cùng cảm động vừa chùi nước mắt vừa nói:”Thật là huyền diệu! đây đúng là Aji hon fusho(4), một nhân duyên lớn khai ngộ Phật đạo”


 

Chú thích:


(1) Togano là cao tăng thuộc tông Hoa Nghiêm tu ở Kozanji trong núi Toga vùng Kyoto.

(2) Ashi: có nghĩa là chân, ở đây có ý chân con ngựa.

(3) Aji: theo nghĩa đen là chữ “A”, “A” còn là âm đầu tiên trong tiếng phạm, khởi đầu cho mọi ngôn ngữ, theo giáo lý tông Chân ngôn mật giáo, chữ “A” còn là biểu tượng chủng tử khởi nguồn cho mọi vật trong vũ trụ.

(4) Aji hon fusho: A tự bản bất sinh là triết lý tôn giáo khi con người hiểu thấu đáo chữ A là căn nguồn của tất cả các pháp (hiện tượng) tất sẽ giác ngộ lý bất sinh bất diệt trong Phật pháp.

 


 

Đoạn thứ 145: Người cận vệ


 

Người võ sĩ cận vệ Hata no Shigemi cho Thiên Hoàng đã có lần nói về Shingan tục danh Hoàng Tử Shimotsuke tu tại gia như sau:” Ông này có tướng ngã ngựa, nên cẩn thận”. Chẳng ai buồn để ý đến lời ông ta nói, bẳng đi sau đó một thời gian, Shingan ngã ngựa và chết thật. Khi đó mọi người mới tin vào lời nói người chuyên môn không khác gì thông điệp các thánh thần, họ mới hỏi Shigemi:” Ông dựa vào dấu hiệu gì mà có thể tiên đoán đúng vậy”.


Shigemi mới trả lời:”Kỹ thuật cỡi ngựa còn non kém, ngồi không yên trên lưng ngựa mà lại thích loại ngựa chạy nhanh, đó là những chỉ dấu cho thấy về ông ta, tôi chưa hề nói sai về việc này bao giờ”

 


 

Đoạn thứ 146: Sư trụ trì

 


Sư trụ trì Myun(1) chùa Enryakuji(2) có lần hỏi thầy chuyên về xem tướng số:


” Ông thử đoán xem tôi có nạn về binh đao hay không?”


Thầy xem tướng số mới trả lời:


”Quả thực ông có điềm đó hiện ra trên mặt”.


Myun hỏi tiếp:”Điềm đó như thế nào?”


Thầy tướng số đáp:”Người như ông không có gì phải lo sợ chết về chiến tranh cả, chính vì ông lo nghĩ như thế và hỏi tôi, đó là điềm chỉ tai nạn về binh đao của ông đó”


Quả đúng như lời tiên đoán, sau đó nhà sư trụ trì chết vì bị mũi tên bay lạc vào người. 

 


Chú thích:


(1) Myun (Minh Vân) thứ nam quan tể tướng Kugano, năm 53 tuổi được lên làm Tọa Chủ chùa Enryakuji, chức này dùng để gọi bậc cao tăng trụ trì những chùa thực lớn ở Nhật Bản, còn là tổng bản sơn các tông phái Phật giáo.

(2) Enryakuji(Duyên Lịch Tự) ngôi chùa rất lớn ở Kyoto, cũng là Tổng Bản sơn của Tông Thiên Thai nằm trên núi Hieizan.

 

 


Đoạn thứ 147: Cách đốt lá ngải chữa bệnh


 

Trong thời gian gần đây người ta nói rằng người có nhiều vết sẹo do phương pháp đốt lá ngải chữa bệnh(1) không được thanh khiết sẽ làm ô uế chỗ linh thiêng khi hành lễ. Điều này không thấy ghi trong các phép tắc hành lễ thời xưa.


Chú thích:


(1) Phương pháp đốt lá ngải tiếng Nhật gọi là kyuji(moxa), dùng lá thuốc hâm nóng rồi chêm vào các yếu huyệt để chữa bệnh.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng