- Phần Mười Lăm

05 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 8028)



Đoạn thứ 228: Nghi thức niệm danh hiệu

 


 Nghi thức niệm danh hiệu Phật Thích Ca ở chùa Zenbon (1) bắt đầu vào triều đại Bunei(2) do Thượng Nhân Nyorin (3) khởi xướng.

 


Chú Thích:


(1) Chùa Zenbon(Thiên Bản) ở vùng Kyoto dựng lên vào năm 1235, có tên là Báo Ứng Tự thuộc Thiên Thai Tông, nay thuộc về Chân Ngôn Tông, cũng còn được gọi là Thiên Bản Thích Ca Đường. Tại nơi đây khởi thủy đọc tụng danh hiệu “Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật”.

 (2) Triều đại Bunei (Văn Vĩnh) là niên hiệu Thiên Hoàng Kameyama từ năm 1264 cho đến năm 1275.

(3)Nyorin (Như Luân) thuộc dòng dõi con nhà quan nhất phẩm triều đình đi tu, làm tăng Thống đời thứ 12 của chùa Báo Úng.

 

 


Đoạn thứ 229: Người thợ điêu khắc


 

Người ta thường nói người thợ điêu khắc giỏi nên dùng con dao hơi cùn. Con dao của Myokan (1) thì lại quá cùn.


 

Chú Thích:


 (1)Myokan (Diệu quán) là nhà Sư lại kiêm nghề khắc tượng Phật, đã khắc tượng Tứ Thiên Vương, Tượng Phật Quan Thế Âm vào năm 780.

 

 

 

Đoạn thứ 230: Cung Gojo

 


 Người ta nói rằng có ma ở cung Gojo. Câu chuyện sau đây được Quan Đại Thần kể lại, vào một hôm trong khi những người trong hoàng cung đang chơi cờ vây ở Điện màu đen (Kurodo) thì có ai đó vén màn bước vào. Họ quay ra và hỏi “ai đó ? thì thấy một con chồn giống như người đang trố mắt nhìn. Mọi người la lên “con chồn”, nó sợ quá chạy biến mất. Đây chắc là con chồn thiếu kinh nghiệm (hóa trang không giỏi) chưa thể thành ma.

 


 

Đoạn thứ 231: Tu sĩ Sono


 

Tu sĩ Sono (1) vào lúc còn làm Trưởng Quan hộ vệ trong triều đình cũng là một tay đầu bếp nổi tiếng không ai sánh bằng. Một lần có người đem tặng con cá chép (koi) thật lớn, mọi người nghĩ thầm đây là cơ hội tốt để xem tài lão luyện dùng dao phay nấu ăn của Tu sĩ Sono, nhưng họ hơi lưỡng lự có nên đưa đề nghị này đến ông ta hay không. Tuy nhiên Cư sĩ Sono cũng thuộc loại người tâm đắc về việc này nên nói :


“Khoảng 100 ngày gần đây ngày nào tôi cũng đánh vảy làm cá chép tập cách nấu ăn, không thể bỏ qua dịp này được. Hãy đưa con cá đó cho tôi.”


Ông ta cắt con cá ra từng miếng trông thật ngoạn mục.


Về sau có người kể lại câu chuyện với quan Tể Tướng Kitayama, sau khi nghe câu chuyện ông ta nói :


“Tôi thấy có gì không ổn. Theo tôi ông ta nói như thế này thì hay hơn:” Nếu không có ai khác cắt cá thì tôi sẽ làm công việc này”, không biết có ai lại đi làm cá chép trong một trăm ngày?”. Người kể lại câu truyện bảo rằng đây là câu truyện tiếu lâm. Quả thật là như thế.

 


Như một quy luật, cách hay hơn hết là thái độ tự nhiên, không kiểu cách hơn là làm vui bằng cách thiếu thành thật. Cũng như đãi ăn người khách lạ bất ngờ, tốt nhất là đưa ra những món ăn ngon thường ngày hơn là làm những món đặc biệt. Tạo tình thân hữu chân thật khi đem tặng món quà và nói :Tặng anh món này” không liên hệ vào bất cứ dịp lễ lộc nào. Điều không nên khi tặng món quà trong lòng còn lưỡng lự, suy tính về người cho, cân nhắc hơn thiệt, hay lý luận rằng cho quà như là thua cuộc trong ván bài hơn thua.


 

Chú thích:


(1) Ông ta tên thật là Fujiwara no Motouji (1211-1282) 22 tuổi làm Trưởng Quan hộ vệ, 24 tuổi từ quan đi tu, mất năm 1282.

 

 


Đoạn thứ 232: Hết thảy mọi người

 


Nếu mọi người đều ra vẻ ngu dốt không có tài năng có lẽ lại hay không chừng. Một người có người con trai hình dáng bề ngoài không có gì tệ cho lắm, nhưng khi anh ta đối thoại với mọi người có thói quen trước mặt thân phụ, thì lại hay dẫn chứng điển tích trong sách sử ký, tỏ vẻ rất hiểu biết, có lẽ anh ta đừng nên làm như vậy trước mặt người lớn tuổi có địa vị trong xã hội.

 


Lần khác có người mang đàn tỳ bà (biwa) đến cho người nghệ sĩ gẩy đàn để mọi người cùng thưởng thức với thi sĩ ngâm thơ, nhưng cây đàn lại thiếu mất một sợi dây đàn. Người chủ mới hỏi:


“Có ai biết cách thay dây đàn mới hay không?”


Có người thanh niên bước ra, dáng vẻ coi rất hào hoa và nói:


“Có ai có phím đàn cũ hay không?”


Nếu quan sát bàn tay người này thì thấy để móng tay dài, chắc chắn phải là người khảy đàn tỳ bà. Tuy nhiên ông thầy gảy đàn tỳ bà mù thì không có gì là phải cầu kỳ đa nhiêu phiền toái cả. Nhưng người này hỏi về phím đàn, là cố ý cho mọi người biết kiến thức nghệ thuật của mình, tuy vậy lại làm người xung quanh thêm thắc mắc. Bởi vì phím đàn không phù hợp với dây đàn tỳ bà được làm bằng loại gỗ cây đặc biệt.


Ấn tượng mà người trẻ tạo ra, tốt hay xấu tùy thuộc ngay cả những việc nho nhỏ.

 

 


Đoạn thứ 233: Để tránh lỗi lầm


 

Để tránh phạm lỗi lầm không có gì tốt hơn là để ý lời nói, thành thực trong việc làm, kính trọng mọi người không phân biệt thành phần tuổi tác trong xã hội. Bất cứ mọi người, già hay trẻ, nam hay nữ nên có lời nói đúng đắn, cẩn trọng. Đặc biệt đối với người trẻ dung mạo thanh tú mà lại thốt ra những lời đẹp đẽ sẽ có sức kêu gọi tạo ấn tượng khó quên đến mọi người.


Thường thường lỗi lầm xẩy ra là do tính tự kiêu, coi thường người khác làm ra vẻ ta đây, và kèm theo hành động tự cho mình đã giỏi, lão luyện rồi.




Đoạn thứ 234: Khi có người đến hỏi chuyện


 

Nếu có người đến hỏi han một việc nào đó, đừng làm cho họ thêm lúng túng bằng cách trả lời một cách mập mờ muốn hiểu sao thì hiểu, và rồi tự nhủ thầm:


“Không ngờ họ chẳng biết gì cả như vậy, nếu mình nói thẳng ra chắc họ sẽ cho là mình điên.”


Có thể là người hỏi đã biết một ít rồi, nhưng muốn tìm hiểu thêm cho tường tận. Cũng có thể người hỏi hoàn toàn không biết một tí gì cả. Nhưng làm thế nào để biết chắc người hỏi không biết gì cả? Vì thế nếu bạn không ngần ngại việc giải thích mọi sự rõ ràng, sẽ gây ấn tượng tốt đối với họ.


Đôi khi có người cố làm cho người khác cảm thấy bất ổn bằng cách hỏi về một việc mà người kia chưa hề hay biết và nói:


“Trời ơi việc động trời như thế mà không biết sao?”


Hay cố tình bắt người nghe phải trả lời bằng cách hỏi lại:


“ Chuyện gì xẩy ra vậy?”


Hoặc có những chuyện đã xẩy ra lâu rồi, nhưng vẫn có người không hay biết gì đến. Để tránh bị chê trách, hãy tìm cách thông tin cho họ bằng những lời nói mập mờ có ngụ ý.


Những điều nói trên là tiêu biểu cho những con người còn vụng về chưa được trưởng thành.


 

 

Đoạn thứ 235: Căn nhà có chủ

 


Người không có liên hệ, dây mơ rễ má gì không thể tuỳ tiện theo ý mình đột nhập vào một căn nhà đang có chủ. Còn đối với một căn nhà vô chủ, người du khách đường xa có thể tự do đi vào, ngay cả động vật như chồn, ó cũng không bị phiền nhiễu bởi sự hiện diện của con người, chúng sẽ thỏa mãn dành một chỗ riêng cho chính mình, và ngay cả cây cỏ cũng tỏa ra một cái gì linh thiêng thần bí bao quanh chúng.


 

Ngoài ra, có thể ví như tấm gương, chính vì không có màu sắc hình thù nào cả cho nên phản ảnh lại tất cả những hình tượng. Còn nếu như tấm gương đã sẵn có những màu sắc hình tượng riêng của nó thì sẽ không thể còn phản ảnh được gì khác. Không gian là khoảng trống vô hạn có đặc tính bao trùm mọi vật. Nếu bảo rằng tâm không có thực thể vậy thì tất cả mọi ý tưởng tự dưng đều có thể xâm nhập vào được hay sao?

 


Do đó tâm con người giống như căn nhà có chủ, chắc không thể để cho mọi suy tưởng tự do len lỏi vào được.

 


 

Đoạn thứ 236: Có nơi gọi là Izumo


 

Ở Vùng Tamba (Đan-ba) có nơi gọi là Izumo (xuất vân) tại đây một Thần Xã thật đồ sộ đã được tạo dựng theo mô hình Thần Xã Izumo thật vĩ đại ở vùng biển Nhật Bản. Vùng đất này được Shida cai quản (1), cứ vào mùa thu người Xã Trưởng mời Thượng Nhân Shokai và rất nhiều quan khách đến rồi nói:


“Xin mời quý vị đến đây cùng đi tham bái Thần Xã Izumo, rồi chúng ta sẽ dùng bánh.”

Sau đó ông dẫn tất cả mọi người đi đến Thần Xã, mọi người đều cung kính cầu khẩn, gợi lòng tín ngưỡng nơi những người tham dự. Trước điện có tượng con sư tử và con chó bằng đá (2) ở trong vị thế quay lưng về phía sau và quay mặt đi hướng khác. Cảnh tượng này khiến Thượng Nhân không khỏi kinh ngạc, ông vừa la lên mà nước mắt tuôn tròng:


“Quả là kỳ diệu! Vị thế của tượng con sư tử thật lạ thường chắc phải báùo điềm gì đặc biệt rồi đây”.


Rồi quay sang những người đang thăm viếng thần xã và nói :


“Các Ngài có nhìn thấy hiện tượng lạ thường này hay chăng? Thật có một không hai!”

 

Mọi người theo đó cũng tỏ vẻ kinh ngạc phụ họa vào và nói:


“Thật chưa từng thấy hiện tượng này trong đời, chắc khi về kinh đô phải kể lại với mọi người.”


Thượng Nhân và mọi người mới gọi vị Thần quan trông nom Thần Xã, khá lớn tuổi, tỏ vẻ có hiểu biết ra và hỏi:


“Xin Ngài giải thích cho lý do đặt vị trí tượng con sư tử như thế này?”


Vị Thần quan này mới trả lời:


“Chẳng qua lũ trẻ con tinh nghịch phá phách nó đặt tượng như vậy đó, thật là quỷ quái”.


Nói xong ông ta quay tượng con sư tử trở lại vị trí bình thường và đi trở về. Nước mắt cảm động của Ngài Thượng Nhân không mang ý nghĩa gì.


 

Chú Thích:


(1) Shida có lẽ tên dòng họ sống và cai quản vùng này qua 3 đời.

(2) Tượng con sư tử và con chó ở Thần Xã hiện nay bằng đá nhưng có lẽ vào thời Kenko làm bằng gỗ thì trẻ con mới có thể di động được.




Đoạn thứ 237: Kệ sách bằng gỗ cây liễu

 


Không hiểu vật dụng đặt để trong kệ sách làm bằng gỗ cây liễu (1) xếp theo chiều dọc hay chiều ngang. Quan Hữu Đại Thần Sanjo cho rằng:


“Quyển sách thì xếp liền nhau theo chiều dọc, đặt song song với tấm gỗ cây liễu, được cột lại với nhau và ngăn cách bằng những tấm vải bằng giấy, còn nghiên mực thì xếp theo chiều dọc cũng để cho bút lông không lăn xuống”.

 


Thế mà những nhà thư đạo nổi danh thuộc trường phái Kadenokoji thì lại không bao giờ xếp nghiên mực theo chiều dọc, họ luôn luôn đặt bên cạnh kệ sách.

 


Chú thích:


(1) Ngày xưa còn được gọi là Yanagibako tức những cái hộp, hay rương làm bằng thân cây liễu dùng để sách vở, bút nghiên, hay áo, mão.

 

 

 

 Đoạn 238 Người cận vệ Thiên Hoàng

 


Chikatomo(1) người cận vệ cho Thiên Hoàng có viết một bài gồm có 7 điều được gọi là “ Tự khen”, gồm những điều lặt vặt hoàn toàn liên hệ đến nghệ thuật cỡi ngựa. Bắt chước ông ta tôi có bẩy điều “tự khen“ được kể ra như sau:

 

1.- Có một lần trong khi cùng đám đông tản bộ đi xem hoa anh đào, khi đến gần chùa Saishoko (Tối Thắng Quang) thì thấy một anh đang thúc ngựa chạy. Tôi mới nói:


“Nếu cái đà anh ta thúc ngựa chạy kiểu này, ngựa sẽ quỵ xuống và anh ta cũng phải té lăn xuống. Hãy chờ xem kết quả có đúng như thế không.”


Đang trong lúc còn đang đứng đó thì thấy anh ta tiếp tục cho ngựa chạy đua lần nữa. Khi anh ta kéo dây cương để giữ con ngựa lại, thì cả người cỡi ngựa lẫn ngựa ngã lăn đùng xuống bùn. Mọi người lấy làm cảm phục sự chính xác của tôi.


 

2.- Thiên Hoàng hiện tại, trong lúc còn làm Thái Tử sống và làm việc ở cung Madenokoji, có lần tôi ghé thăm thì gặp quan Đại nạp Ngôn Hosikawa đang trong phòng khách, trước mặt ông ta có bốn năm, sáu quyển sách Luận Ngữ được mở ra, ông ta giải thích:


“Thái Tử đang muốn tham khảo ý kiến về đoạn viết rằng, “không thích việc xem trọng màu đỏ tía mà coi nhẹ màu đỏ (2)”, Ngài đọc sách nhưng không tìm ra đoạn ghi về việc này nên yêu cầu tôi tìm đọc xem nó nằm ở đâu và tôi đang tìm kiếm đoạn văn đó.”


Tôi mới nói:


“Đoạn văn đó mằm ở quyển thứ chín.”


Ông ta mới nói:


“Quả là tuyệt diệu”, và mang quyển sách lại cho Thái Tử xem.


 

Trình độ hiểu biết như trên là chuyện thường, không có gì đặc sắc, đối ngay với cả trẻ con, nhưng người xưa lại tự ca ngợi mình về những thành quả nhỏ nhặt như thế.


 

Có lần Thiên Hoàng Go-Toba hỏi quan Teika:


“Trong một bài thơ có hai chữ Sode và Tamoto đề cập về ống tay áo như thế có gì không đúng quy luật?”.


Quan Teika trả lời:


“Có bài thơ viết: cánh đồng cỏ mùa thu với bông hoa Suzuki nở rộ phải chăng đó là tamoto của áo kimono. Khuôn mặt hiện lên nét nhớ thương người yêu phải chăng đó là Sode của nét duyên thầm (3)”.


“Nếu hiểu như thế tất hai chữ trên phải mang ý nghĩa khác nhau chăng?.”

 

Ông Quan teika tiếp tục khoa trương:


“ Chắc phải có vị Thần của đạo ca phù hộ, cho nên tôi đã có thể nhớ được một số bài thơ hay thời đó, thật là may mắn.”


 

Riêng quan Tể Tướng Kujo liệt kê những công lao, thành quả mọi việc của mình thành bản tấu trình lên Thiên Hoàng để kể công.


 

3.- Những nét chữ khắc trên chuông chùa Jozaiko (Thường Tại Quang) là do bản thảo đầu tiên của quan Arikane. Sau đó được viết lại bởi Yukifura No Ason, và trước khi chuông được đúc người chấp hành việc đúc chuông đã đưa cho tôi xem bản thảo. Đó là bài thơ viết:


“Hoa nở báo đêm về, tiếng chuông vang văng vẳng. (Hoa ngoại tống tịch, Thanh vấn Bách Lý)”.

Nếu theo như âm luật thơ Đường thì hai âm ”Bách Lý” không thuận.


Tôi nói tiếp:


“Rất mừng được cho xem bản thảo, tôi cũng được thơm lây”.


Nhưng khi được hỏi về âm luật bài thơ tác giả, quan Arikane trả lời:


“Có vài điểm sai lầm, nên thay “Bách lý” thành “Số hành”.


 Trong lòng tự nhủ “Số hành mang ý nghĩa gì?” có phải là nhiều bước hay chăng? không được rõ nghĩa cho lắm, vì tiếng chuông chỉ có thể nghe được cách đó vài bước hay sao? ở đây có nghĩa là nghe được từ xa.

 


4.- Có lần cùng với một số tín đồ đi hành hương Tam Bảo Tháp (4) ở chùa Enryakuji, khám phá tấm bia rất cổ xưa ở điện Jogyo (5), bên trong bảo tháp Yokawa khắc chữ Ryuge-in (Long Hoa Viện). Theo lời giải thích của nhà sư trong chùa:


“Hiện nay các nhà học giả chưa có quyết định ai là người đã viết lên trên tấm bản này, ông Sari hay ông Kozei (6).


Tôi mới nói:


“Nếu ông Sari viết thì không để tên mình, nếu ông Kozei viết tất có ghi lại tên họ đằng sau tấm bảng.”


Đằng sau tấm bảng bụi bậm bám dầy đặc với những côn trùng làm tổ trông thật là bẩn, nhưng sau khi được chùi sạch thì rõ ràng hiện ra tính danh tước vị của Kozei và ngày đã viết xuống.

Mọi người ai nấy đều thán phục.


5.- Có lần Thánh Nhân Dogen (7) đang giảng dạy giáo lý ở chùa Naranda (A-lan-đà) thì quên mất tám tai họa (8) của người tu thiền. Ngài mới hỏi:


“Có ai còn nhớ về tám điều này không?”

.

Chúng đệ tử không có ai nhớ. Từ trong góc phòng tôi đứng lên nói:


“Có phải gồm tất cả những điều này phải không thưa Ngài”.


Mọi người ai nấy đều tấm tắc lấy làm kinh ngạc.


 

6.- Có lần được đồng hành với Tăng Thống Kenjo, tự thân tham dự buổi lễ gia trì hương thủy (9), buổi lễ chưa xong nhưng Tăng Thống đã lén ra ngoài, ngay cả đến chúng tăng tháp tùng ở vòng ngoài cũng không biết ông ta đi đâu. Mọi người đôn đáo chạy đi tìm kiếm khắp nơi trong chùa và khi trở về đều nói:


“Có quá nhiều người quần áo đều giống nhau không thấy Tăng Thống đâu cả”.


Sau đó vị khác nói với tôi:


“Tăng Thống đi đã lâu, anh thử đi tìm xem sao?”


Tôi đi vào bên trong và lập tức đi ra với người mà mọi người mong đợi.


 

7.- Theo Âm lịch, vào ngày 15 tháng 2, đêm trăng tròn đi dự lễ chùa Senbon (Thiên Bản), vì đến trễ để nghe buổi giảng phải đi vào cổng sau một mình không ai biết, khi đó có phụ nữ dung mạo rất duyên dáng, khác mọi người len qua hàng người đang dự nghe giảng, ngồi xuống bên cạnh dựa vào đùi tôi quá gần đến nỗi tưởng chừng mùi nước hoa của cô ta có thể lan sang áo thầy tu đang mặc. Thật coi không được, vội lách người nhẹ sang bên cạnh, chỉ để cho cô ta có thể dựa vào người mà thôi. Cuối cùng tôi đứng dậy. Về sau này có người mệnh phụ phu nhân lớn tuổiø phục dịch trong triều đình kể lại cho tôi về những đồn đãi không đâu vào đâu:


“Có người rất oán hận ông vì sự lạnh lùng vô tình, có vài điều ông cư xử quá tệ làm tôi xem thường.”


Tôi mới trả lời:


“Tôi hoàn toàn không hiểu một chút gì những điều bà vừa nói, thôi hãy bỏ qua chuyện này đi”.


Về sau này được nghe kể lại rằng, trong buổi lễ đêm hôm đó có người ngồi ở chỗ dành riêng cho thành phần quý phái biết về tôi mới bảo người đàn bà đóng bộ làm thật đẹp đi về phía tôi ngồi,” Hãy thử làm quen với ông ta xem thái độ phản ứng như thế nào rồi kể lại cho biết, chắc là lý thú lắm”.



Đây cũng là một mánh khóe muốn phá tôi chơi.


 

Chú Thích:


(1) Nakahara Chikamoto là tay kỵ mã nổi danh, đồng thời cũng là vũ sư cho Thần nhạc dưới thời Thiên Hoàng Horikawa.

 (2) Câu này trích từ trong Luận Ngữ đoạn 17-18 Tử viết “Ố tử chi đoạt chân dã”, có nghĩa “ta không thích màu tím nổi bật hơn màu đỏ đậm”

(3)Bài thơ này trích từ Kokinshu, quyển 4, tác giả là Arikawa no Muneyama.

(4)Trong chùa Enryakuji ở núi Tỷ Duệ có ba bảo tháp gọi là Đông Tháp, Tây Tháp và Hoành xuyên (Yokawa).

(5)Điện Jogyo (Thường hành) nơi để tu chứng pháp môn Tam muội liên tục niệm Phật hành đạo trong 90 ngày.

(6) Sari (Tả Lý) người viết chữ rất giỏi thời Heian, Kosei( Hành Thành) con người đa tài đa nghệ làm quan đến Tể Tướng.

(7) Dogen (Đạo Nhãn) xem chú thích ở đoạn thứ 179.

(8) Tám tai họa đó là: Ưu, Hỷ,Khổ, Lạc, Tầm (tìm kiếm), Tứ (dò xét) Xuất tức, Nhập Tức cần phải tránh khi tu thiền định.

(9)Gia Trì Hương Thủy ((Kaji Kozui ) là một nghi thức tu hành theo Mật Giáo hòa hương với nước trở thành tịnh thủy rồi tưới lên người để những vọng chấp mất đi, nhanh chóng đạt được diệu quả.



Đoạn thứ 239: Ngày 15 tháng 8

 


Ngày 15 tháng 8 và ngày 13 tháng 9 là ngày của sao lâu (1). Ngôi sao này thật là sáng, vào những đêm của những ngày này ngắm trăng thật là vô cùng tuyệt diệu.


 

Chú Thích:


(1) Theo Thiên Văn Học Trung Quốc, Giải Ngân Hà (Hoàng Đạo) có 28 vị tinh tú, mỗi ngôi sao đều có vị trí và ngày tháng của nó, riêng sao Lâu thường xuất hiện vào ngày 15 tháng 8 và ngày 13 tháng 9 Âm lịch.

 


 

Đoạn thứ 240: Shinobu nơi hẹn hò

 


Tình yêu thường nồng thắm của đôi cặp tình nhân trẻ được biểu lộ qua câu thơ:


Bãi biển Shinobu chỗ hẹn hò,

Thẹn thùng đây đó bóng người ngư dân.

Núi kurabu vẫn mãi mãi đón chờ em,

Đêm tối mập mờ người đó đây.(1)

 


Với tâm tình đó chắc chắn để lại nơi người con gái vô vàn kỷ niệm không bao giờ quên được. Nhưng nếu cha mẹ anh em trong gia đình chấp nhận cuộc hẹn hò, và đồng ý để người thanh niên đó cưới về làm vợ, thì biết đâu đời người con gái sau đó sẽ phải ôm một niềm thất vọng lớn lao.


Trong đời có những người đàn bà thân phận bèo bọt (2) nổi trôi tuyên bố rằng bất cứ người đàn ông nào có tiền muốn lấy cô ta làm vợ,ï dù người đó là ông pháp sư già có số tuổi gấp đôi, hay một anh nông dân quê mùa mới ra tỉnh, đều có thể chấp thuận. Chẳng bao lâu sau có người mai mối đến, tán dương một cuộc kết hôn thật là xứng đôi vừa lứa. Nhưng thực ra khi chú rể đón cô dâu về nhà hai người dường như hoàn toàn xa lạ. Không hiểu những cặp vợ chồng như thế sẽ nói chuyện gì với nhau.


Chắc là qua bao nhiêu năm tháng cơm không lành canh không ngọt chung sống với nhau, sẽ có vô số những câu chuyện khó quên được đem ra nhắc lại, để rồi sau cùng sẽ có tình yêu đến giữa hai người.


Tất cả mọi cuộc hôn nhân không do chính đương sự lựa chọn mà do người ngoài xếp đặt thường hay có nhiều điều không hợp với nhau. Giả tỷ một người đàn bà đẹp bị ghép duyên với một ông thuộc thành phần thấp hơn trong xã hội, mặt mày xấu xí, lại già, ông này sẽ đánh giá cô này thấp đi và tự nhủ:


“Không hiểu sao người đàn bà này lại điên dại lấy thằng khố rách áo ôm như ta đây.”


Khi đối diện với người đàn bà nhìn lại hình dáng không mấy đẹp của mình chắc sẽ làm không khí trở nên khó thở hơn không chừng.


Người đàn ông mà chưa bao giờ thơ thẩn dưới ánh trăng mờ trong đêm khuya giữa rừng mai ngào ngạt hương thơm để tìm người yêu, hoặc không hề mang một chút kỷ niệm nào về những ngày lúc trời còn tờ mờ sáng đi len qua hàng rào khu vườn còn ngập hơi sương trong căn nhà người yêu để trở về nhà thì có lẽ người đó không hề biết tình yêu là gì.

 


Chú Thích:


 (1)Đây là câu thơ trích từ Shin Kokinshu (Tân Cổ Kim Tập).

 (2)Tạm dịch từ câu “ Sason mizu araba”, trích từ bài thơ nổi tiếng của Ono no Komachi trong Kokinshu quyển thứ 18.

 (3)Ý nói người tu tại gia.

 

 


Đoạn thứ 241: Trăng tròn


 

Khoảng thời gian mặt trăng thật sự tròn trịa viên mãn chẳng kéo dài được bao lâu; nó lập tức khuyết dần đi. Người nào không biết để ý đến những điều này có lẽ sẽ chẳng bao giờ nhận thấy sự đổi thay hình dạng bên ngoài trong một đêm. Cũng như có cơn bệnh nặng liên tục không ngừng nghỉ trong giây phút, chẳng bao lâu tiến đến con đường đi đến giờ phút cuối cùng.


Cho dù mắc bệnh nhưng chưa trầm trọng đến độ đe dọa đến mạng sống, người ta thường cũng quen với lối nghĩ cho rằng cuộc đời sẽ tiếp tục êm ả trôi mãi mãi. Vì vậy hay có lối suy nghĩ, để hoàn tất một số việc trong cuộc đời rồi khi nào nhàn hạ có thì giờ rảnh rỗi thì mới tu tập Phật Pháp cũng chẳng sao. Nhưng đến khi đột nhiên ngã bệnh và tử thần đang ngóng chờ ngoài cửa thì khi ấy mới thấy rằng mình chưa hoàn tất bất cứ một việc gì. Lúc bấy giờ mới hối tiếc đã sao lãng thời giờ, năm tháng một cách vô ích, nguyện rằng nếu được lành bệnh ngay lúc này sẽ dốc sức toàn tâm toàn lực không ngừng ngày đêm để làm xong việc này, hay việc kia. Nhưng cơn bệnh ngày càng thêm nguy kịch, dần dần trở thành hôn mê bất tỉnh và đến giây phút phải tạm biệt thế gian.


 

Chẳng lẽ thế gian toàn những người như thế hay sao?


Mọi người nên nhớ ngay điều này trong lòng.


Con người thường hay nghĩ rằng một khi đã hoàn tất sở nguyện rồi khi ấy tu học Phật Đạo cũng không muộn, nhưng thực tế thường chứng minh rằng điều tưởng tượng này không bao giờ đạt được. Ở trong cái hư ảo lại xem là thực thì có gì đáng để theo đuổi chăng? Tất cả những gì gọi là sở nguyện hay sự nghiệp đều là do vọng tưởng nơi tâm mà thành. Vì tất cả tham vọng là do tâm tạo thành, mà với tâm mê loạn thì chỉ đưa đến những ảo tưởng và như vậy không có một chút gì đáng để hoàn tất. Do đó ngay bây giờ đừng chần chừ nên buông bỏ mọi thứ, chuyên tâm tu học Phật Pháp như vậy tâm thân sẽ không còn dao động, không còn chướng ngại, mãi mãi hưởng được sự bình an.

 


 

Đoạn thứ 242: Muôn đời mãi mãi

 


Con người muôn đời mãi mãi bị chi phối bởi nghịch cảnh và thuận cảnh, chẳng qua là để đi tìm cái sướng và từ bỏ cái khổ. Cái gọi là sướng chẳng qua đó là lòng yêu thích và con người luôn luôn đi tìm kiếm điều này. Một trong đối tượng của sự ước muốn là danh vọng. Có hai loại danh vọng:


-Một là về đức tính, phẩm cách,

-Hai là về tài năng,nghệ thuật.


 

Cái sung sướng thứ hai là về nhục dục, thân xác, và cái thứ ba là về ăn uống.


Dục vọng, ước vọng của mỗi con người về ba loại đòi hỏi nêu trên, không ai giống ai. Tất cả đều do vọng tưởng điên đảo nẩy sinh và đó cũng là nguồn gốc gây nên vô số phiền muộn. Đừng nên tìm kiếm nó là tốt hơn cả.

 


 

Đoạn thứ 243: Khi lên tám tuổi

 


Khi lên tám tuổi tôi có lần hỏi người cha:


“Thưa Phật là một đấng như thế nào?”


Cha tôi trả lời:


“Phật là do từ người mà thành “.


Tôi lại hỏi tiếp:


“Làm thế nào để con người có thể thành Phật?”


Cha tôi lại trả lời:


“Làm theo đúng lời dạy của Phật”.


Tôi lại hỏi:


“Vậêy thì ai đã dạy cho Phật giáo lý?”.


Cha tôi lại trả lời:


“Phật đã theo lời dạy của những vị Phật đi trước.”


Tôi lại thắc mắc hỏi tiếp :


“Vậy vị Phật đầu tiên đã truyền dạy giáo lý là vị Phật như thế nào?”


Lúc này cha tôi cười và trả lời:


“Có lẽ Ngài từ trên trời đi xuống hay từ lòng đất hiện ra”.



Sau đó cha tôi kể với mọi người một cách thích thú:


“Nó hỏi những câu hỏi mà không biết phải trả lời như thế nào cho đúng”.

 


Hết


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng