- Phần Tám

04 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 8362)



Đoạn thứ 120: Vật dụng đời Đường


 

Những vật dụng du nhập từ Trung Quốc cho dù bị lấy mất đi nữa không sao nhưng đừng để mất thuốc men. Sách vở từ Trung Quốc có khắp nước ai muốn sao chép đều có thể làm được. Thật là quá điên rồ cho rằng những thương thuyền từ Trung Quốc sau khi vượt qua bao nguy hiểm nơi biển cả mang đến đây toàn đồ không hữu ích.


Trong sách vở xưa có viết :” Người quân tử đừng quá coi trọng vật từ xa”(1) hay là “Không nên quý trọng những vật lạ” (2)


 

Chú thích:


(1) Câu này dẫn ý từ câu “Viễn bảo vật tức viễn nhân cách” trong Kinh thư.

(2) Câu này trích từ Đạo Đức Kinh chương III của Lão Tử “Bất quý nan đắc chi hóa, sử dân bất vi đạo”

 


 

Đoạn thứ 121: Nuôi dưỡng gia súc

 


Gia súc sống và làm việc chung với con người gồm có ngựa, bò. Thật là đáng thương! chúng ta phải cột trói làm chúng đau đớn, không thể làm sao hơn, vì chúng không thể tách rời sinh hoạt con người. Nên nuôi chó chúng biết giữ nhà đề phòng trộm cắp vào nhà. Hầu như nhà nào cũng có gia súc không cần phải đi tìm kiếm đâu xa để có và nuôi chúng.

 


Những loài chim muông cầm thú khác hầu hết vô dụng. Thú vật hay chạy thì bị nhốt trong chuồng hay bị cột trói bằng xiềng xích, chim muông thích bay nhảy thì bị cắt cánh, hay bị nhốt trong lồng, không ngừng mong nhớ được tung cánh trong bầu trời, không ngừng nhớ thương núi rừng hoang dã. Khi nghĩ như thế, khó tưởng tượng ra được tình cảnh làm sao con người có thể nhẫn tâm vui thú bắt giữ chúng. Vui sướng trước sự đau khổ các sinh vật không khác gì vua Kiệt, vua Trụ(1). Vương Tử Do(2) yêu thích chim muông thưởng thức nhìn chúng bay nhảy trong rừng, tiêu dao làm bạn với chim chóc, không hề bắt hay hành hạ chúng.


Trong kinh sách xưa có viết:”Đừng nuôi dưỡng loại chim quý, thú vật lạ”(3)

 


Chú thích:


(1) Vua Kiệt đời nhà Hạ, vua Trụ đời nhà Ân nổi tiếng là tàn ác.

(2) Vương Tử Do (Wang Tzu Yu) nhà thư đạo nổi tiếng bên Trung Quốc đời nhà Tấn, rất yêu thích chim muông, cây cỏ.

(3) Câu này trích dẫn từ Kinh Thư :”Bất dục trân cầm kỳ thú quốc”

 


 

Đoạn thứ 122: Tài năng con người

 


Điều trước tiên tài năng người nào đó được bình giá trên tri thức hiểu biết tinh tường kinh văn, lời giảng dạy thánh hiền trong tứ thư ngũ kinh. Tiếp đến phải có chữ tốt tức thư đạo, dù không phải ngành chuyên môn đi nữa, cần phải luyện tập, vì nó hữu ích cho việc học vấn. Tiếp đến học về y-học, vì y-học rất cần thiết cho việc bảo trì sức khỏe bản thân, giúp tha nhân, hoàn tất trách vụ chữ hiếu với cha mẹ, chữ trung với đất nước (Thiên Hoàng). Tiếp đến phải biết xử dụng cung tên, cưỡi ngựa và sáu bộ môn nghệ thuật (1). Kiến thức về văn chương, vũ thuật, y-học cần phải có không thể thiếu và không thể bảo người học các ngành này là không hữu dụng.


Tiếp đến người biết cách chế biến thực phẩm làm thức ăn là nguồn vốn lớn, vì thức ăn là nguồn nuôi dưỡng sự sống có giá trị tương đương như thượng đế.


Tiếp đến khéo léo công việc chân tay rất cần thiết trong mọi ngành.


Mặt khác có nhiều tài năng có thể làm giảm đức người quân tử (2). Tài giỏi xuất chúng về bộ môn nghệ thuật thi ca, âm nhạc nâng cao đức tính thâm trầm sâu sắc cao quý người quân tử, nhưng ngày hôm nay người ta đã coi nhẹ quên đi rằng đó là phương tiện trong việc trị nước. Không có vật gì có giá trị bằng vàng, nhưng so với mặt hữu dụng đa diện thì không gì hơn sắt.

 


Chú thích:


(1) Sáu bộ môn nghệ thuật là : lễ pháp, âm nhạc, cung đạo, kỵ mã, thư đạo, toán học.

(2) Câu này trích ý từ Luận Ngữ quyển 9, chương 6 :Ngô thiếu tiện cố đa năng; Bỉ sự quân tử đa hô tai bất đa dã” Dịch:” Người quân tử cần nhiều tài năng không? Đa tài làm giảm đức độ người quân tử”

 

 


Đoạn thứ 123: Làm điều vô ích

 


Những người phí phạm thời gian làm điều vô ích nên gọi họ là gì? Đồ ngu hay người xấu sống xa rời đạo lý. Có nhiều việc phải làm không thể tránh né được như vì đất nước, vì chủ tướng, vì thế chẳng còn bao nhiêu thì giờ cho chính mình. Thử nghĩ xem, để duy trì đời sống con người không có lựa chọn, trước hết phải lao động để có thức ăn, quần áo và nhà để ở. Nhu cầu tối cần thiết cho con người không vượt qua ba điều trên, và chỉ có thể sống yên vui hạnh phúc khi không còn đói, lạnh, không còn bị mưa bão hành hạ. Nhưng mọi người ai ai cũng có thể bị ốm đau bệnh tật, và khi nhuốm bệnh thì tất đau đớn vô cùng, không dễ gì chịu đựng; Không nên quên cách trị liệu. Cộng thêm y dược vào tất cả có bốn điều căn bản cần thiết trong cuộc sống, người không có đủ bốn yếu tố này là người nghèo, người không thiếu bốn điều này là người dư dả. Làm việc để có những vật ở ngoài bốn yếu tố căn bản trên là xa xỉ. Những người sống tiết kiệm với bốn nhu cầu căn bản trên, ai có thể bảo họ không đầy đủ chăng?



Đoạn thứ 124: Pháp Sư Zeho

 


Pháp sư Zeho (1) đứng hàng thứ hai trong Tịnh Độ Tông đằng sau tông tổ Honen Thượng Nhân, nổi danh về học vấn, nhưng không khoe tài học của mình, ngày đêm niệm Phật sống cuộc sống thanh tĩnh, thật là con người lý tưởng.


Chú thích: (1) Zeho: Thị Pháp Pháp Sư cùng thời với Kenko, cũng vừa là thi nhân thọ được 80 tuổi.

 

 


Đoạn thứ 125: Lễ tiễn đưa

 


Sau khi người thân mất được 49 ngày buổi lễ cầu siêu được tổ chức, gia đình người quá cố mời chư tăng tài đức đến giảng pháp, bài pháp quá hay khiến mọi người nghe phải rơi lệ. Sau khi vị đạo sư ra về, người nghe bài giảng mới đưa ra cảm tưởng của họ như sau:” Bài pháp lần này đặc biệt hay hơn mọi khi”. Có người khác đáp lại :”Dù nói thế nào đi nữa, chẳng có chi ngạc nhiên, vì ông ta không khác gì chó Trung Quốc là bao(1)”. Câu nói này tạo không khí loãng ra khiến mọi người phải bật cười, có ai lại khen vị đạo sư bằng lời nói như thế bao giờ?


 

Cũng có lần nghe người ta nói:” Khi mời người nào uống rượu, tự mình phải uống trước sau mới ép người khác được, nó giống như tình cảnh giết người bằng thanh kiếm hai lưỡi. Vì lưỡi kiếm có thể chém hai bên, khi đưa nó lên cắt cổ mình trước khi cắt cổ người kia. Nếu tự chính mình ngã lăn ra vì say rượu chắc là không ai muốn uống nữa”.


Tự hỏi về mặt lý thuyết thì nói như thế, không biết trên thực tế có ai đã thử giết người bằng thanh kiếm hai lưỡi chưa.


 

Chú thích:


(1) Cách diễn tả ở đây không được rõ nghĩa, có thể có ý nói nhà sư giảng pháp không khác gì Phật giáo Trung Quốc chăng.

 


 

Đoạn thứ 126: Cờ bạc

 


Có người nói rằng:”Khi người thua đậm trong ván bài và đến lúc anh ta tuyên bố sẽ thử thời vận lần cuối với tất cả tiền bạc còn lại, bạn đừng nên chơi, vì đã đến lúc vận may đến lại với anh ta, và có thể thắng lại. Người đánh bạc giỏi là người biết thời vận.


 

Đoạn thứ 127: Thay đổi không có lợi ích


 

Thay đổi mà không mang lại ích lợi thì đừng nên thay đổi.

 


 

Đoạn thứ 128: Quan Đại Nạp Ngôn Masafusa


 

Quan Đại Nạp Ngôn Masafusa là người đức hạnh có học vấn. Phụ thân Thiên Hoàng dự định sẽ đề cử ông vào chức Đại Tướng Tổng Cận Vệ lo việc an ninh trong nội thành. Bỗng có người hầu cận đến báo cáo với Phụ hoàng rằng:


” Thưa ngài tôi vừa thấy hình ảnh rất ghê rợn”.


Phụ hoàng mới hỏi:” chuyện gì vậy?”

Người hầu cận trả lời:


”Xuyên qua khe hở giữa nhà tôi và quan Đại Nạp Ngôn Masafusa, tôi thấy ông ta chặt chân con chó đem cho chim diều hâu ăn”.


Khi nghe câu chuyện kể lại Phụ hoàng đổi ý, và xem Masafusa là con người đê tiện, tàn ác không đáng được thăng chức. Một nhân vật như thế mà lại nuôi chim Diều hâu thì quả thực vượt quá sức tưởng tượng, tuy nhiên không có chứng cớ gì về chuyện chân con chó. Đây là câu chuyện hoàn toàn bịa đặt. Người đáng thương hại là Masafusa, nhưng điểm muốn nói ở đây là đức tính cao quý của Thiên Hoàng đã phản ứng mạnh mẽ khi nghe câu chuyện trên.


Như quy luật chung, những con người sung sướng vui thích trong khi hành hạ, giết các sinh vật, hay khi xem chúng giết lẫn nhau thì chính họ không khác gì loài cầm thú. Nếu chịu khó quan sát đời sống vạn vật như chim chóc, thú vật, ngay cả loài côn trùng bé nhỏ, thì thấy rằng chúng biết yêu thương con cái, mong muốn ở gần cha mẹ, vợ chồng muốn sống gần với nhau, và cũng vì ngu si chúng ghen tị, giận dữ, tham lam, lo bảo tồn sinh mạng với mức độ hùng hổ hơn con người. Vì vậy làm sao chúng ta không cảm thấy động tâm khi gây cho chúng sự đau đớn hay giết chúng.


Con người không có lòng từ bi khi nhìn tất cả sinh vật thì không phải là con người.

 


 

Đoạn thứ 129: Nhan Hồi

 


Nhan Hồi(1) nói rằng ước nguyện của ông ta là không gây đau khổ cho người khác. Đúng vậy, hiển nhiên là không nên tạo khổ sở, hành hạ, ngược đãi hoặc cưỡng đoạt ước vọng người dân nghèo khổ, thấp cổ bé miệng(2). Có người vui thích trong những trò lừa dối dọa nạt hay hành hạ trẻ em thơ ngây vô tội. Đối với người lớn tuổi điều đó có thể là không quan trọng, nhưng đối với các trẻ em tâm hồn còn non dại, những cảm xúc sợ hãi, xấu hổ, tủi nhục tác động rất lớn đến tâm tính các em. Những người vui thích trong hành động gây khủng hoảng bất an đến các em đều không có lòng nhân ái.

 


Vui, giận, buồn hay sung sướng, những cảm xúc mà người ta kinh nghiệm được tất cả đều là ảo tưởng trống rỗng, có ai là người không chấp trước vào cái không thực lại tưởng rằng nó là thực không? Cái gọi là thực thể do vọng tưởng nẩy sinh ra, nó gây tổn hại đến đời sống tâm linh hơn là thể xác, bệnh tật cũng vậy thường thường do tâm sinh ra hơn là do từ bên ngoài mang đến. Có trường hợp người uống thuốc mong đổ mồ hôi, nhưng không có hiệu quả, thế mà khi sợ hãi, âu lo thì mồ hôi tuôn ra, phải chăng là do tâm, do sự suy tư tác động gây ra. Không có thí dụ nào rõ ràng hơn câu chuyện ngày xưa ở bên Trung Quốc có người chữ viết rất giỏi(3), thế mà sau khi leo lên đỉnh tháp đài Lăng Vân để khắc chữ lên trên tấm bảng hiệu, lúc xuống dưới đất tóc đã bạc phơ.


 

Chú thích:


(1) Yen Hui: Nhan Hồi là một trong những môn sinh giỏi của Khổng Tử mất năm khoảng 32 tuổi, chủ trương vui sống theo mệnh trời.

(2) Câu này trích dẫn từ Luận Ngữ quyển thứ 9, chương 25 “Tất đoạt tam quân sư; bất đoạt thất phu chí” nghĩa : cho dù có thể chiến thắng ba quân đoạt vị Nguyên Soái đi nữa, không thể tước đoạt ý muốn người dân bình thường.

(3) Vi Đản một thư gia nổi danh ở nước Ngụy thời Tam Quốc, theo lệnh vua Minh phải vào trong rọ đưa lên đỉnh đài Lăng Vân để khắc chữ, vì quá sợ viết xong đi xuống mặt đất tóc trắng hết.

 

 


Đoạn thứ 130: Không tranh luận với người


 

Để tránh việc tranh luận với người cách hay nhất là nên để ý kiến mình sang một bên, thuận theo ý kiến người, đưa việc người ra đàng trước, vịêc mình ra đằng sau.


Con người hay thích tranh thắng thua trong mọi cuộc chơi vì ai ai cũng muốn thắng. Họ vui mừng khi thấy tài nghệ của họ cao hơn những người khác, và chắc chắn cảm thấy khó chịu khi thua. Nếu tự chính mình nhận thua để cho người khác vui vì được thắng cuộc thì trò chơi không còn hứng thú nữa, hoặc là đi nghịch với đạo lý là làm tất cả mọi cách sao cho mình vui sướng không đếm xỉa đến đau khổ người khác.


Ngay trong khi trò chuyện giễu cợt vui chơi với bạn bè thân thiết đi nữa cũng dùng mưu mẹo thủ thuật để tỏ ra rằng họ tài trí hơn người khác, hành động này không hợp với cung cách cư xử. Nhiều trường hợp trong buổi yến tiệc khởi đầu bằng những lời vui đùa và kết thúc bằng lời hằn học tức giận. Đây là kết quả không tốt mang đến do lòng ham thích sự thắng thua.


Nếu muốn vượt trội lên trên người khác phải nghĩ rằng chỉ xuyên qua học vấn, tài trí làm cho thiên hạ cảm phục, chỉ qua con đường học vấn sẽ giúp con người hiểu rõ hơn giữa niềm hãnh diện về trí tuệ và việc tránh tranh đua với bè bạn, và cũng chỉ với sức mạnh tinh thần đến từ tri thức sẽ làm con người không bám trụ vào chức tước, từ bỏ lợi ích vật chất.

 

 

 

 Đoạn thứ 131: Người nghèo


 

Người nghèo nghĩ rằng đem quà vật để tặng được xem như hình thức tạ lễ, người già cho rằng dùng sức lao động được xem như hình thức tạ ơn. Người khôn là người biết sức mình và lập tức ngừng ngay khi nó vượt quá khả năng. Người ta không cho phép bạn nghĩ là họ có lỗi. Tự chính mình không biết mình, tận lực một cách không hợp lý, đó là lỗi tại bản thân.


Người nghèo không biết mình dễ sinh ra ăn trộm, ăn cắp, người không biết sức mình đã yếu dễ sinh bệnh tật.

 


 

Đoạn thứ 132: Con đường Toba

 


Con đường Toba(1) có tên là Toba không phải là do sau khi hoàn thành cung Toba. Thật ra tên đường đã có từ lâu, theo nhật ký Hoàng Tử Riho(2) ghi lại giọng nói Hoàng Tử Motoyoshi (3) chúc mừng Thiên Hoàng, các quan trong triều trong buổi sáng ngày đầu năm thật hùng hồn vang ra tận lễ đường và có thể nghe được từ đại lộ Toba.

 


Chú thích:


(1) Toba: Điểu Vũ con đường này được làm thành vào năm 1086 dưới triều Thiên Hoàng Shirakawa, nằm phía nam Kyoto.

(2) Riho (Lý Bộ 906-954): tên thật là Shigeaki, con trai Thiên Hoàng Daigo.

(3) Motoyoshi(Nguyên Lương 890 - 943) :con trai lớn nhất của Thiên Hoàng Yozei 

 


 

Đoạn thứ 133: Phòng ngủ Thiên Hoàng


 

Gối trong phòng ngủ Thiên hoàng quay về hướng đông, Nó giống như quy luật vì để gối quay về hướng đông sẽ nhận được khí dương, ngay chính Khổng Tử đặt đầu về phía đông khi ngủ. Do đó giường ngủ Thiên Hoàng thường đặt vào vị trí như thế hoặc đôi khi để gối quay về hướng Nam.


Phụ Hoàng Shirakawa(Bạch Hà) khi ngủ quay đầu về hướng bắc (1), có người bảo:” nên tránh quay đầu về phía bắc, lý do Cung điện Ise nằm về phía Nam. Thử hỏi có đúng lễ nghi khi Thiên hoàng ngủ đưa chân hướng về nơi cúng thờ chư vị thánh thần”. Dù vậy khi Thiên Hoàng làm lễ cầu nguyện trong dịp tuần bái Thần cung thì lại hướng về phía Đông nam chứ không phải hướng Nam.


Chú thích:


(1) Khi Đức Phật nhập niết bàn đầu quay về phía bắc, nằm nghiêng về phía tay phải.

 

 


Đoạn thứ 134: Nhà sư Samadhi (Tam muội)

 

Có nhà sư chuyên tu theo giới luật còn gọi là tăng Tam Muội(1) tu ở điện Pháp Hoa nằm bên trong Thần cung Takakura (2) , có hôm nhà sư lấy tấm gương ra soi mặt, thấy mặt mình quá xấu xí, ghê tởm đến độ cảm thấy kinh sợ ngay cho đến cả tấm gương. Từ đó trở đi về sau nhà sư không dám đụng đến tấm gương, từ bỏ mọi giao tiếp với mọi người, và chỉ ra mặt khi tu chứng Pháp Hoa Tam Muội ở điện Pháp Hoa mà thôi, còn không đóng kín cửa một mình trong phòng. Câu chuyện này thật là đáng ghi nhớ.



Có những người dường như sáng suốt trong sự phán đoán về người xung quanh, nhưng lại rất ấu trĩ hầu như không biết gì về chính mình. Thật là một điều vô lý vì chỉ biết về tha nhân mà lại lờ mờ về chính bản thân.


Do đó người nào hiểu về chính mình mới thực sự là nhà thông thái, hiểu thấu mọi vật.


Cho dù có thể có người không hay biết gì về hình dạng xấu xí, tâm hồn ngu dại, không có tí mảy may nghệ thuật, không biết gì về chính mình, không có cảm nhận về cảnh giới già, bệnh tật, chết, không có ý thức tu tập để giác ngộ, ngu si không biết đến những thất bại chính họ gây ra, và cũng không hề hay biết gì đến những lời chỉ trích phê bình của người khác đi nữa, nhưng chắc chắn là người đó phải biết soi gương, biết đếm số năm để tính tuổi, và như vậy không thể bảo rằng người đó không biết tý gì về chính họ. Có người lý luận rằng trừ khi người ấy phải làm một điều gì đó, còn không anh ta vẫn vậy, vẫn không biết gì về mình.


 

Nói như thế không có nghĩa họ phải sửa sang lại mặt mũi cho trẻ ra, điều muốn nói ở đây là nếu biết rằng mình không còn tài sức tại sao không từ chức? nếu biết rằng đã già yếu tại sao không rút lui về hưởng nhàn chăm sóc bản thân? Nếu tự biết mình chưa hết lòng trong việc tu hành tại sao không nỗ lực chuyên tu thêm?


Thật là điều xấu hổ, có người thích tụ tập, giao du với những người không ưa thích gì họ. Mặc dù mặt mày xấu xí, chậm hiểu nhưng lại muốn tham gia công việc quốc sự; mặc dù thiếu học vấn nhưng lại muốn giao lưu với bậc tài trí; mặc dù không có năng khiếu nghệ thuật nhưng lại thích ngồi chung với tài tử giai nhân; mặc dù tóc đã bạc phơ nhưng lại thích đứng chung với giới trẻ đang đi lên; cũng có nghĩa họ mong đợi những điều không thể đạt được, than vãn ưu tư muốn những việc quá tầm tay, ngồi mong đợi chuyện không bao giờ đến; sợ hãi, nịnh bợ tha nhân tạo điều sỉ nhục không do người ngoài gây ra mà do chính bản thân của mình tham lam mà ra. Lòng tham không bao giờ hết vì ngay chính việc trọng đại là cái chết đang đến trước mặt mà cũng không hay.

 


Chú thích:


(1) Samadhi: Tu Tam Muội, theo đó phải đọc tụng Kinh Pháp Hoa liên tục trong 21 ngày, quán tưởng lý thực tướng Trung đạo, không còn bị tạp niệm chi phối.

(2) Takakura (Cao Khố) : Vị Thiên Hoàng này lên ngôi năm 1168 nhường ngôi lại cho con vào năm 1180, hài cốt để trong chùa Seikanji (Thanh Nhàn Tự) nằøm ở phía đông Kyoto. 

 

 


Đoạn thứ 135: Tu sĩ kiêm quan Đại Nạp Ngôn Sukesue 

 


Quan Đại Nạp Ngôn Sukesue(1) kiêm tu sĩ nổi danh nhiều người biết tiếng, một hôm trong cuộc gặp gỡ với Tomouji (2) quan cận vệ và nói:


” Chú có câu hỏi nào muốn tôi giải đáp cho không?”.


Tomouji trả lời:


”Chà! điều này không có gì đảm bảo đâu nhé”


Susuke nói tiếp :


” Cứ thử hỏi đi xem sao” “Vì từ trước đến nay tôi chưa bao giờ chính thức đến trường theo đuổi học vấn, cho nên chả bao giờ đặt câu hỏi, nhân đây muốn hỏi chú trong những việc không đâu vào đâu có điều chi không rõ ràng chăng?” “ Hơn nữa tôi muốn làm sáng tỏ những việc nhỏ nhặt trong đời sống hằng ngày”


Người hầu cận, nữ quan phục dịch trong Hoàng cung nghe được câu chuyện đối thoại đưa ra ý kiến:


”Cuộc tranh luận có vẻ lý thú đấy! Nếu hai bên tương sức tại sao không tranh cãi trước mặt Thiên Hoàng? Người thua sẽ phải đãi tiệc người thắng cuộc” 


Cả hai đồng ý ra tranh luận trước mặt Thiên hoàng. Tomouji đặt câu hỏi:


” Lúc còn bé thường hay nghe người ta nói mà tôi không hiểu nghĩa nó là gì, câu đó là,’uma no kitsuyo, kitsuni no oka, naka kubore iri kurendo?(3)’ câu này có nghĩa gì xin cho biết?”


Sukesue cứng họng không biết trả lời làm sao đành nói trớ :


”Câu này vô ý nghĩa, không có gì để giải thích cả”


Tomouji trả lời:


”Ngay từ đầu tôi đã nói tôi không biết gì về những vấn đề khó hiểu, và chúng ta đã đồng ý sẽ hỏi về những chuyện không có ý nghĩa”.


Tu sĩ kiêm quan Đại Nạp Ngôn đành chịu thua về cuộc tranh cãi, theo người ta nói lại ông ta giữ đúng lời hứa, đã đãi bữa tiệc thật lớn.


 

Chú thích:


(1) Fujisawa no Sukesue (1207 – 1289) làm quan đến Tể Tướng năm 53 tuổi, xuất gia đi tu năm 62 tuổi, cũng là thi nhân để lại nhiều sáng tác.

(2) Minamoto no Tomouji (1269-1275) giai thoại xảy ra lúc ông ta làm quan trong triều, trẻ hơn Sukesue khoảng 25 tuổi.

(3) Nhiều người tranh luận về câu đố này “ Nếu đó là cái này thì là cái gì” trong nhiều thế kỷ vẫn chưa có giải đáp thỏa đáng.

 

 


Đoạn thứ 136: Y sĩ Atsushige

 

Y sĩ Atsushige đến dự bữa ăn tối Thiên Hoàng có sự hiện diện Phụ Hoàng nay đã mất, ông ta nói:” Nếu ngài bảo tôi viết xuống tên, chức năng từng món ăn hiện đang có trước mặt ngài, xin được trả lời bằng ký ức và mong ngài đối chiếu những gì tôi nói với sách chuyên về khoa học thiên nhiên(1). Tôi tin không sai một điều”. Vừa ngay lúc ấy Arifusa quan nội chính đại thần đã mất bước vào và nói:” Đây cơ hội tốt để học hỏi”.

 

Ông ta nói tiếp :”Trước hết, chữ Shio (muối) thuộc về bộ chữ nào”(2).


Atsushige trả lời :” viết với bộ thổ”.

 

Arifusa nói:” Điều này đủ cho thấy tài học của ông, không còn gì để hỏi nữa”. Mọi người ở đấy phá lên cười và Atsushige rút lui ra về.

 


Chú thích:


(1) Tập sách gọi là “Bản Thảo Học” chuyên sưu tập viết về thực vật dùng làm thuốc, và cũng viết về động vật, khoáng vật.

(2) Ngày xưa ở bên Trung Hoa chữ “muối” âm hán là “Diêm” được viết theo bộ Thần, sau này đổi cách viết theo bộ Thổ. đơn giản hơn.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng