- Phần Bẩy

04 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 8043)



Đoạn thứ 106: Shoku Thượng Nhân ở núi Koya


 

Có một lần Shoku (Chứng Không) Thượng nhân cao tăng tu ở núi Koya là tổng bản sơn của trường phái Chân Ngôn Tông trên đường đi lên kinh đô khi đến khúc đường quanh co nhỏ hẹp thì con ngựa Thượng nhân đụng phải xe ngựa có người đàn bà đang ngồi, người đàn ông đi chung không kịp kềm cương ngựa lại. Kết cục Thượng nhân và ngựa bị đẩy ngã lăn xuống hào bên cạnh đường.

Thượng nhân đùng đùng nổi giận la mắng:

 

” Thật là đồ vô lễ, bất kính! Trong bốn hạng đệ tử nhà Phật Tỳ Khưu Ni thấp hơn Tỳ Khưu, Ưu bà tắc thấp hơn Tỳ Khưu Ni và Ưu Bà Di thấp hơn Ưu Bà Tắc. Bây giờ Ưu Bà Di đã đẩy Tỳ Khưu xuống hố thì quả thật là hành vi ác chưa bao giờ có trên thế gian”.

 

Người đàn ông mới trả lời:


” Thưa ngài, ngài nói điều gì? Tôi không được hiểu rõ”.


 

Thượng nhân càng nổi giận và la lên:


” Anh nói cái gì! Anh là đồ không học không tu!”. 


 

Có lẽ Thượng nhân nhận thấy đã quá lời vì nóng giận, lặng lẽ dẫn con ngựa đi về hướng đi đến và mất dạng. Có vẻ như cuộc tranh cãi của người trí thức.

 



Đoạn thứ 107: Câu hỏi tinh quái từ người đàn bà

 


Người ta thường hay nói “Ít người đàn ông có thể trả lời ngay một cách nhậy bén những câu hỏi tinh nghịch từ giới phụ nữ “. Vào thời Thiên Hoàng Kameya còn tại vị có một số đàn bà con gái cao ngạo coi trời bằng vung xem như ta đây tài giỏi thiếu lễ nghi bằng cách đưa ra câu hỏi những nam giới đến thăm viếng Hoàng Cung như là:

 

” Anh có bao giờ nghe chim Đỗ Quyên hót chưa?”. 

 

Có ông quan phụ chánh trả lời:


“Tôi thuộc hạng không có được đặc quyền đó”


Riêng Quan Nội Chánh Đại Thần Horikawa đáp rằng :


” Hình như tôi có nghe được một lần ở sơn trang Iwakura”.



Đám phụ nữ mới bình luận :”Đây là câu trả lời hoàn toàn hay” còn quan phụ chánh tự cho mình không có đặc quyền là điều không phải”. Hãy ngẫm nghĩ về lời bình phẩm của họ.


Nam giới cần phải được giáo dục, dậy dỗ để không bị nữ giới chế nhạo. Có lần tôi nghe dân chúng đồn rằng ông viện trưởng ở Jodoji (Tịnh Độ Tự) ăn nói lời lẽ rất lễ phép vì khi còn bé ông ta được chăm lo dưỡng dục từ Hoàng Hậu Anki cũng là chị em kết nghĩa với tổ mẫu viện trưởng. Quan Tả Chánh Đại Thần Yamashina có lần nói :” Tôi cảm thấy lúng túng ngượng ngập khi bị các cô người hầu nhìn”. Ở trong thế gian này nếu không có người phụ nữ chắc chẳng ai quan tâm để ý đến vấn đề cân đai, áo mão, lễ phục sao cho đúng.

 

Người ta tự hỏi phải chăng bản tính không biết e thẹn thiếu kiềm chế của phụ nữ làm đàn ông e ngại. Thực ra người phụ nữ nói chung đều có tính ngoan cố. Họ là biểu tượng các đặc tính tự kỷ xem mình cao nhất, cực đoan, dễ dao động bởi thế giới vật chất bên ngoài, dễ đi vào con đường mê tín dị đoan, thiếu sự hợp lý trong suy nghĩ, khéo léo trong ngôn từ nhưng không nặn ra ngay được một chữ cho đúng khi bị hỏi.


 Có thể do bản tính lo xa, cẩn thận cho dù không ai hỏi đi nữa cũng nói ra. Có lẽ thông minh hơn đàn ông ở điểm bới sâu, thêu dệt câu chuyện, và họ cũng không bao giờ nhận ra tính chất này được bộc lộ ra ngay sau khi chấm dứt câu chuyện. Họ không chỉ không ngay thẳng mà còn ngu dốt. Thật đáng thương hại cho những người bị bắt buộc phải cung dưỡng những điều họ đòi hỏi và để làm vui lòng họ. Những người đàn bà như thế có đáng để tôn trọng không? Cho ngay đến những người đàn bà được xem đảm đang, tài giỏi đi nữa, nếu vẫn có những tính trên thì có gì đáng để ý hay quen biết. 


Chỉ những người đàn ông ngu muội mới chạy theo nhan sắc bề ngoài người đàn bà.


 

Chú thích:


(1) Chim Đỗ Quyên còn được gọi là chim Cuốc Cuốc, tiếng Nhật gọi là Hototogisu.




Đoạn thứ 108: Không có người nuối tiếc từng khoảnh khắc


 

Chắc không có mấy người biết hối tiếc là đã bỏ qua đi từng khoảnh khắc thời gian ngắn ngủi. Chẳng biết có ai đã hiểu tường tận để hối tiếc từng giây phút trôi đi một cách vô ích chăng, hay là quá si mê không hiểu gì cả. Nếu như tôi nói với người ngu và lười thì tôi sẽ nói rằng một xu không có giá trị là bao, nhưng nếu tích tụ nhiều xu lại thì nó sẽ làm cho người nghèo thành người giàu. Điều đó giải thích tại sao những thương nhân coi trọng việc tiết kiệm, không phí phạm từng xu nào. Những người không biết coi trọng từng giây phút, để nó trôi đi một cách phí phạm, thì đến lúc nào đó cuộc đời báo hiệu chấm dứt không hay. Chính vì thế người tu học Phật Đạo không bao giờ hối tiếc đoạn đường thời gian sắp đến mà tiếc nuối ngay trong giây phút hiện tại vì đã để nó trôi qua trong sự trống vắng.

 


Giả dụ nếu có người đến gặp bạn và thông báo rằng cuộc đời bạn sẽ chấm dứt vào ngày mai. Bạn sẽ làm gì ngay lúc này, bạn sẽ kỳ vọng, mong đợi gì cho giờ phút cuối cùng sẽ đến? Cái ngày chúng ta hiện đang sống bây giờ có khác gì với ngày cuối cùng không? Chúng ta dùng quá nhiều thời gian hằng ngày vào việc ăn, uống, vệ sinh, ngủ, nói chuyện, đi lại. Dù rằng không có nhiều thời gian rảnh rỗi bao nhiêu, chúng ta lại làm việc vô ích, nói những điều vô ích, không những chỉ để thời gian trôi qua suy nghĩ về những việc vô ích mà còn tiêu hao phí phạm ngày, tháng rồi cả cuộc đời. Thật là điều ngu xuẩn nhất.


Nhà thơ Tạ Vân Vận(1) trong lúc đang biên khảo phiên phiên dịch Kinh Pháp Hoa, trong lòng lúc nào cũng mơ tưởng đến dịp để tiến thân ra làm quan với triều đình. Vì vậy ngài Huệ Viễn(2) không chấp nhận cho gia nhập Bạch Liên Xã(3)


Người mà không nhận biết rằng mỗi khoảnh khắc là thời gian quý báu trong cuộc đời thì không khác gì người đã chết rồi. Người biết quý trọng thời gian từng giây từng phút, trong lòng không bao giờ suy nghĩ chuyện kia, chuyện nọ, không bận tâm nhiều về chuyện thế gian. Nếu người đó muốn nghỉ ngơi thì nghỉ ngơi, nếu muốn theo con đường Phật đạo thì nỗ lực chuyên tu.

 


Chú Thích:


(1) Tạ Vân Vận: Hsieh Ling Yun (385-433) thi nhân nổi tiếng bên Trung Quốc thời đại lục triều, có giai đoạn làm quan, sau bị kết tội mưu phản và bị kết án tử hình thọ 49 tuổi.

(2) Huệ Viễn: Hui Yuan (336-416) vị tổ khai sáng Tịnh Độ Tông Trung Quốc, học giáo lý nhà Phật từ ngài Đạo An, tinh thông Phật Giáo đại thừa.

(3) Bạch Liên Xã do ngài Huệ Viễn sáng lập, với tôn chỉ niệm phật sẽ vãng sinh vào Tịnh Độ.

 

 


Đoạn thứ 109: Người leo cây nổi danh


 

Có người nổi tiếng về tài leo cây, và hướng dẫn người ta cách leo những loại cây cao. Có lần ông ta bảo một người leo lên chặt nhánh cây ở trên cao nhất, khi anh ta đang ở tình trạng rất nguy hiểm thì ông ta im lặng không nói gì hết, khi anh ta leo xuống ở khoảng cách cao gần bằng nóc nhà thì ông thầy mới la lên :” Hãy coi chừng!. Để ý khi leo xuống”. Tôi mới hỏi :” Tại sao khi người leo cây ở chỗ nguy hiểm dễ bị rớt xuống thì ông không nói gì cả?”.


Ông ta mới trả lời :” Đó là điều quan trọng” “ Vì khi anh ta đang ở độ cao nhánh cây có thể gẫy bất cứ lúc nào, mắt dễ bị hoa lên, chính bản thân anh ta có sự lo sợ, tôi không nói gì hết. Lỗi lầm thường hay xảy ra ở chỗ con người ít khi nghĩ đến vì tưởng nó quá dễ”.


Người này thuộc thành phần hạ cấp trong xã hội, nhưng lời nói không khác gì bậc Thánh nhân. Tương tự như những người chơi trò đá cầu, làm sao để giữ trái cầu đừng rơi xuống đất, lúc nó sắp rớt xuống thì tập trung tinh thần để đá nó lên, khi ấy tưởng là an toàn là lúc mất trái cầu.

 

 


Đoạn thứ 110: Người chơi cờ song lục nổi danh


 

Có lần hỏi một nhà vô địch về cờ song lục (1) bí quyết của thành công. Anh ta trả lời :


” Đừng bao giờ chơi để thắng, và cũng đừng để thua. Nên tránh cách chơi để thắng thật nhanh, nên chọn cách đi con cờ làm sao thắng từ từ”.

 


Đây là lời dạy của nhà chuyên nghiệp. Nó cũng đúng cho người cần học hỏi để tu thân và cho nhà chính trị lo việc quốc sự.

 


Chú thích:

 

(1) Song-lục: cờ backgammon, loại cờ người Nhật hay chơi, mỗi bên có 6 viên đá hoặc trắng hay đen. Người chơi đặt hai hòn lúc lắc vào trong hộp rồi lắc nó với con số hiện ra, và di động viên đá theo đó trên bàn cờ. 



Đoạn thứ 111: Mê say chơi cờ


 

Có tu sĩ nào đó nói :”Ông ta xem người say mê suốt ngày đêm chơi cờ vây (Go) và cờ Song-lục không khác gì người phạm vào giới ngũ nghịch (1) hay phạm tội tứ trọng(2). Lời nói đó còn văng vẳng đâu đây bên tai tôi.


 

Chú thích:


(1) Ngũ nghịch giới: năm giới cấm gồm có giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, phá hòa hợp chư tăng, phá hoại Phật Pháp.

(2) Tứ trọng tội gồm có bốn giới dâm giới, tặc giới, sát nhân giới, và vọng ngữ giới.

 


 

Đoạn thứ 112: Ngày mai đi viễn xứ


 

Không biết có người nào đến gặp hay hỏi han tâm trạng người được biết ngày hôm sau phải lên đường đi một nơi xa xôi để làm việc chưa nhỉ? Họ sẽ nhận ra một điều, người này không còn tâm trí để vào tai niềm vui nỗi buồn của tha nhân và cùng chia xẻ cảm xúc nỗi đau khổ người khác. Vì người này có nhiều việc anh ta cho quan trọng hơn cần phải giải quyết ngay trong lúc này. Tình cảnh này tương tự như những người già tuổi yếu đuối, người bệnh hoạn và cho cả người xuất gia đi tu từ bỏ thế gian trần tục.

 

Có thủ tục xã giao nào trong đời sống thường nhật mà con người có thể tránh né dễ dàng được không? Do vì không thể coi thường những tập tục trong xã hội, phải làm đúng theo lễ nghi tập quán mà tâm không có nhàn hạ, thân thì mệt nhọc, chẳng bao giờ có thời giờ, cuối cùng cả cuộc đời phải giải quyết những chuyện không đâu vào đâu, vô số trách vụ ơn nghĩa trói buộc , cả là cuộc sống vô ý nghĩa.


“Ngày trôi qua đường dài mù mịt; Hành trình cuộc đời đầy khúc khuỷu quanh co”(1). Đã đến lúc con người nên từ bỏ ràng buộc trong cuộc sống. Đừng nên có những hứa hẹn suông hoặc những hình thức xã giao bề ngoài. Hãy để cho những người không thể hiểu được tâm hồn tự do của tôi gọi tôi là thằng điên, bất bình thường, thiếu tình người. Những lời chửi rủa ấy không làm tôi nhức nhối, những lời khen cũng không nhập vào tâm.


 

Chú thích:


(1) Câu này trích từ bài thơ của Bạch Cư Dị 

 


 

Đoạn thứ 113: Người quá 40 tuổi

 


Thường thường đàn ông quá 40 tuổi đều có chuyện tình lăng nhăng, và nếu quả thật như vậy thì phải xử trí làm sao? Nếu anh ta đem việc này ra đàm tiếu công khai để diễu cợt về quan hệ của chính anh ta với người đàn bà, hoặc chuyện riêng tư của người khác, thì đó là điều không phải, không phù hợp với tuổi tác.


Nói chung, không có gì khó chịu hơn khi nghe hay nhìn cảnh người đàn ông trung niên đứng tuổi giao du với nhóm người trẻ diễu cợt những chuyện như thế; hoặc người không có văn hóa nói về người có danh vọng dường như có quen biết; hoặc như người nghèo thích tiệc tùng, đi tới nơi xa hoa tiếp đãi khách khứa.

 


 

Đoạn thứ 114: Cung điện ở Imadegawa  


 

Có một lần Hoàng Thái Tử từ cung điện Imadegawa trên đường đi đến Saga, vừa đến gần vùng Arisugawa thì đúng lúc nước từ sông đổ vào tràn ngập lên trên đường phố, Saiomaru(1) mới kéo con bò mang kiệu Hoàng Tử quá nhanh và mạnh khiến nước bắn tung lên tấm mành che. Tamanori người đi theo hầu ở đằng sau xe mới la lên:” Đồ ngu! sao lại dẫn xe của ngài vào chỗ như vậy?”.


Hoàng Thái Tử nổi giận vì câu nói đó, mắng rằng:”Bọn bay không thể nào kéo xe giỏi hơn Saiomaru được. Chính bọn bay mới là đồ ngu”. Nói xong ông ta đập đầu anh ta vào kiệu xe.


Người ta đồn rằng Saiomaru nổi danh là vì ông ta chăm lo kiệu xe cho Thiên Hoàng và quan đại thần Uzumasa. Sau đây là tên bốn bà hầu hạ quan đại thần Uzumasa: Hizasachi, Kototsuchi, Hobara và Otoushi (2)

 


Chú thích:


(1) Saiomaru nổi danh lo việc chăm lo nhưng con bò mang kiệu thời đó.

(2) Bốn tên trên là tên bốn con bò, nhân cách hóa thành bốn bà phục dịch các quan.

 


 

Đoạn thứ 115: Nơi gọi là Shukugawara 

 


Có một số đông tăng sĩ khất thực (nửa tăng nửa tục) sống cuộc sống nay đây mai đó, tụ họp tại nơi gọi là Shukugawara(1) trong khi đang đọc tụng danh hiệu Phật A-Di-Đà đến phẩm thứ chín, có một tăng sĩ cùng nhóm đến muộn từ ngoài đi vào và hỏi :


” Xin lỗi, có tăng sĩ nào tên là Iroshi ở trong đó không?”


Một người trong nhóm trả lời:


”Tôi là Iroshi đây. Ông hỏi có việc chi? ông là ai vậy?


Người đó trả lời:


”Tôi tên là Shirabonji, người ta cho tôi hay tăng sĩ Iroshi ở vùng phía Đông đã giết chết thầy tôi, một bậc quân tử, hôm nay đến gặp người đó để trả thù. Đó là lý do tại sao tôi hỏi”


Iroshi đáp lại:


”Quả đúng như vậy. Anh mang một sứ mệnh cao cả đấy. Nhưng giao đấu tại đây sẽ làm ô uế chốn tu hành. Chúng ta hãy đi ra phía bờ sông và giao đấu ở đó. Tôi cũng yêu cầu chúng tăng đây không được trợ giúp bất cứ ai trong mọi trường hợp. Tranh luận chỗ này làm phiền hà nhiều người, gây trở ngại cho việc hành lễ nơi đây”.


 

Hai người đồng ý điều kiện đưa ra, và cùng ra bờ sông tận lực giao đấu đến hơi thở cuối cùng rồi cả hai cùng ngã đè lên nhau mà chết. 


Từ ngày xửa ngày xưa hình như có loại người được gọi là Boroboro – Tăng khất thực, mới gần đây nẩy sinh những từ như Boronji, Bonji, Kanji(2) để gọi những người này. Về cách phục sức thì họ giống những tăng sĩ xuất gia tầm đạo nhưng ngã chấp của họ còn quá nặng, họ dường như đi tìm sự giác ngộ trên con đường Phật đạo nhưng lại thích khẩu luận, đấu tranh, hành vi của họ có thể nói không theo nguyên tắc nào, thô bạo, bù lại họ lại coi nhẹ cái chết, chấp nhận một cách tự nhiên, không tỏ vẻ ham sống. Tất cả đây là những điều được nghe kể lại từ người xung quanh.


 

Chú thích:


(1) Shukugawara: Túc Hà Nguyên vùng này nằm trong huyện Kanagawa.

(2) Boronji, Bonji, Kanji: theo âm hán là Phạm Luận sư (người đi tìm giáo lý, lờøi dạy của đấng Phạm Thiên), Phạm sĩ (Người ngoại đạo đi theo Phật giáo), Hán Tự (không rõ nghĩa trong từ này)ï 

 


 

Đoạn thứ 116: Tên các chùa viện


Người ngày xưa hầu như không phải mệt trí khi đặt tên cho các chùa, viện và cho tất cả mọi vật, đối với họ việc cho tên quá dễ dàng như một thông lệ. Gần đây cho thấy người ta cố công khổ nhọc suy nghĩ để chứng tỏ thông minh tài trí của người đặt tên. Đây là điều không phải, thật là điên rồ khi đặt tên cho đứa bé với những từ không thường dùng.


Tất cả mọi việc trên đời, tìm tòi chuyện huyễn hoặc, thích những ý tưởng kỳ quái đều cho thấy kiến thức nông cạn.

 

 


Đoạn thứ 117: Người không nên làm bạn


 

Bẩy hạng người không nên làm bạn: Thứ nhất người kiêu ngạo; thứ hai, người trẻ tuổi; thứ ba người không biết đau ốm là gì; thứ tư người thích uống rượu; thứ năm võ sĩ hùng hổ mạnh bạo; thứ sáu người nói dối; cuối cùng người tham lam.


Ba loại người nên làm bạn: Thứ nhất người cho tặng vật; thứ hai thầy thuốc; thứ ba người có trí tuệ. 

 


 

Đoạn thứ 118: Ngày ăn canh với cá chép

 


Người ta nói rằng ngày mà ăn canh với cá chép (cá koi) thì tóc mai sẽ không mọc dựng đứng. Hơn nữa cá chép có tiết ra chất nhờn được dùng chế tạo chất keo.


Cá chép là loại cá quý và chỉ có loại cá này người ta mới được làm trước mặt Thiên Hoàng, không có loại chim nào sánh bằng chim trĩ (kiji). Không ai phản đối việc để chim trĩ, nấm matsutake ở nhà bếp trong hoàng cung. Những loại thức ăn khác khó mà được coi trọng như thế.


 

Nhà sư Kitayama (1) nhân dịp ghé thăm Hoàng hậu thấy con ngỗng nằm trên ngăn tủ màu đen ở nhà bếp trong hoàng cung, khi về chùa có gửi lá thư đến hoàng hậu có đoạn như sau:”Thực là ngạc nhiên vì từ trước đến giờ chưa bao giờ thấy con ngỗng còn nguyên lông, cánh ở trong nhà bếp, như thể Hoàng hậu không có người hiểu biết chăm sóc vậy”. 

 


Chú thích:


(1) Tên tục là Saionji Sanekara (1249 – 1322) phụ thân Hoàng hậu, làm quan đến Tể tướng, sau đó xuất gia đi tu ở vùng Kitayama nằm phía tây bắc Kyoto.

 


 

Đoạn thứ 119: Vùng biển Kamakura


 

Vùng biển Kamakura có loại cá được xem như ưu hạng trong các loại thu hoạch được gọi là Katsuo, rất được mọi người ưa thích. Một vị cao niên ở vùng này kể lại:’ Vào thời tôi còn trẻ loại cá này không bao giờ đem ra mời khách quý, ngay cả thành phần nghèo khổ họ cũng cắt đầu cá này và vứt đi”.


Đây là hình ảnh cụ thể về sự suy đồi thời đại, ngày nay thành phần thượng lưu trong xã hội cũng phải ăn loại cá này.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng