- Phần Bốn

28 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 8206)



Đoạn thứ 59: Người với đại nguyện

 


Người với đại nguyện tu học Phật đạo để chuyển mê sang ngộ cần phải buông bỏ những vấn đề chưa giải quyết xong hãy còn vướng mắc trong lòng.


Có người nói rằng:


” Xin đợi một thời gian để tôi hoàn tất công việc này” hoặc


“Tôi cần phải làm xong công việc này trước đã nếu không sẽ bị chê trách nói ra nói vào ”.


hay là


 “Tôi cần phải đợi cho việc này hoàn tất xong, vì đã lo toan một thời gian khá dài rồi, không có chi phải vội vàng cả”. 


Nếu bạn có cùng ý nghĩ như những câu vừa nói thì ngày quyết tâm tu tập Phật đạo sẽ không bao giờ đến. Vì những vấn đề cần phải giải quyết sẽ tiếp tục đến và sẽ không bao giờ có đủ thời gian để thu xếp mọi việc, vì công việc không bao giờ chấm dứt để bạn có thời giờ tu học.


Nói chung, xét thấy những người dẫn viện lý do trên thường thường hầu hết đều dư dả thời giờ, và họ tiếp tục cuộc sống như thế cho dù trong lòng có ý muốn tu học Phật đạo. Chẳng hạn ngọn lửa đang đốt cháy nhà hàng xóm để chạy thoát thân, bạn có thể nào nói:”Lửa ơi! chờ cho tôi một chút” được không. Tất nhiên khi đó để cứu thoát mạng sống là phải vứt bỏ tất cả tài sản, không còn nề hà gì đến thể diện danh dự nữa. 


 

Dòng sống không chờ đợi chúng ta cũng như cái chết nó đến nhanh hơn lửa và nước. Điều này chắc chắn không ai có thể tránh thoát được. Khi cái chết đến bạn có thể nào nói không thể bỏ được vì cha mẹ già, con nhỏ, ân nghĩa với mọi người chăng.

 


Đoạn thứ 60: Tăng chánh Joshin

 


Tăng chánh Joshin(1) trụ trì chùa Shinjoin (Chân Thừa Viện) nơi dành riêng cho giới trong hoàng tộc xuất gia tu học, nổi tiếng về học vấn uyên thâm cũng như cách lý giải giáo lý nhà Phật, rất thích ăn khoai. Ông ta ăn nhiều đến độ có biệt danh là Imogashira (Đầu củ khoai). Thích khoai đến độ ngay trong lúc giảng dạy kinh điển Phật giáo ông ta để bên cạnh một bình bát đầy khoai vừa ăn vừa giảng đọc giáo lý. Khi ông ta ngã bệnh thì đóng cửa ở trong phòng liên tục một hay hai tuần và tuyên bố để chữa bệnh cần phải đặc biệt ăn nhiều khoai hơn bao giờ hết. Đây là cách trị bệnh tật của ông ta. Khi ăn thì ăn một mình không bao giờ cho ai ăn khoai chung cả.


 

Tăng chánh Joshin rất nghèo, sư phụ của ông mất đi để lại cho Joshin 200 quan tiền và một căn phòng. Joshin bán căn phòng được 100 quan tiền, tổng cộng có tất cả 300 quan tương đương vào khoảng 30,000 hiki(xu). Vào thời đó mỗi một quan tiền có giá trị 100 hiki. Ông ta dùng tất cả tiền sư phụ cho để mua khoai. Ông ta gửi tiền một người ở kinh đô và người này có nhiệm vụ chuyển giao khoai đến cho Joshin mỗi lần trị giá 10 quan tiền. Như thế ông ta được dịp ăn khoai theo như ý muốn, và không mua sắm gì khác. Chẳng bao lâu hết sạch bách tiền.


Dân gian mới nói :” Cách tiêu dùng 300 quan tiền của người nghèo quả thật là người có đạo tâm hiếm có”

 


Có một lần Tăng chánh Joshin gặp một Pháp sư gọi ông ta là Shiroururi. Có người hỏi nghĩa Shiroururi là gì?


Tăng chánh trả lời :


”Tôi cũng không biết nó là cái giống gì. Nếu có vật nào đó thì mặt ông ta giống như vật đó”.


Vị Tăng chánh này tướng mạo phương phi, hộ pháp, ăn rất khỏe và giỏi hơn tất cả chúng tăng trong chùa về Thư Đạo, tài biện bác cũng như về giáo học. Ông ta được xem như nhân tài, nhân vật cột trụ trong tông môn, nhưng có tật khác người là bất cần thiên hạ, làm theo ý mình không theo ý người khác. Vào dịp trai đàn khi làm lễ đọc kinh xong, tăng chánh không bao giờ đợi các chúng tăng ra để cùng ăn, tự động ăn lấy một mình khi thức ăn được mang ra. Rồi khi ông ta muốn về là tự động đứng dậy rời bàn ra về. Tăng chánh cũng không tuân theo giới luật nhà chùa quy định giờ ăn và giờ không ăn. Ông ta ăn khi nào muốn ăn, có khi nửa đêm hoặc có khi trời rạng đông, khi muốn ngủ là đóng cửa phòng lại ngủ mặc dù đang giữa ban ngày, dù có chuyện gì quan trọng đi nữa cũng không muốn nghe và không muốn dậy, khi thức dậy có thể không ngủ liên tục trong nhiều đêm, và để tránh tạp niệm chi phối giữ cho tâm thanh tịnh có thói quen vừa đi vừa ngâm thơ.


Cho dù cách cư xử thật bất thường không giống một ai trên thế gian, không ai ghét ông ta cả, và để Tăng chánh muốn làm gì thì làm. Có lẽ nhân đức của Tăng chánh ít ai có thể sánh bằng.

 

 

 

Đoạn thứ 61: Lúc đập chum

 


Tục lệ ném gạo nếp từ trên mái Hoàng cung vào dịp Hoàng tộc đản sinh hài nhi là điều bất thường. Tục lệ này không xảy ra, trừ khi giờ phút đập chum kéo dài quá lâu, và mong cho có phép lạ. Lệ này khởi đầu từ thành phần hạ lưu trong xã hội, không ai biết lịch sử khởi nguồn ra nó. Gạo nếp được mang đến từ làng Ohara. Bức tranh vẽ người trong gia đình hạ lưu ném gạo nếp từ trên nóc nhà trong khi người mẹ hạ sinh đứa bé được xem như bảo vật quốc gia.

 

 


Đoạn thứ 62: Công chúa Ensei

 


Khi công chúa Ensei(1) còn bé bảo người hầu cận mang bài thơ của mình làm ra đưa đến Phụ Hoàng tức người cha của Thiên hoàng hiện thời. Bài thơ như sau:

 

Futatsu moji Chữ có hai nét

Ushi no tsuno moji chữ giống như sừng bò

sugu no moji chữ thì thẳng

yugamu moji tozo chữ thì cong

kimi wa oboyuru tất cả kết thành lòng nhớ thương

 


Bài thơ có ý nói nhớ đến người cha tức phụ hoàng.

 


Chú thích:


(1) Công chúa Esshi (Duyệt Tử 1229-1332) là người con gái thứ hai của Thiên Hoàng Gosaga. Ensei (Diên Chính) là Pháp danh. Bài thơ này viết về cách viết chữ koi có nghĩa là tình thương.

 


 

Đoạn thứ 63: Tuần thứ 2 trong năm

 


Theo tục lệ hằng năm liên tục trong 7 ngày từ ngày mùng 8 tết tức tuần lễ thứ hai trong năm, vị A-Xá-Lợi, Sư trụ trì chùa Shingonin hành lễ cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Có một số vũ gia quy tụ lại có nhiệm vụ gìn giữ cuộc lễ được diễn ra tốt đẹp và cũng để tránh cướp bóc, vì những vụ này đã xảy ra trong quá khứ.


 

Thật thấy không ổn chút nào, khi dùng võ sĩ canh gác chùa trong thời gian hành lễ. Vì hình tướng trong ngày đầu năm cho thấy báo hiệu điềm tốt hay điềm xấu trong suốt cả năm.


 

 

Đoạn thứ 64: Xe với ngũ trướng


 

Có ông quan cho rằng :” Việc kết ngũ trướng xung quanh xe ngựa dùng cho các quan chức, thành phần quý tộc là điều không cần thiết. Vì chỉ những ai làm đến nhất phẩm triều đình hay thuộc dòng dõi quý tộc mới có thể dùng loại xe ngựa này”.

 


 

Đoạn thứ 65: Mũ cánh chuồn vào lúc gần đây

 


Vào lúc gần đây mũ cánh chuồn (mũ đội các quan) càng ngày càng trở nên dài ra so với những mũ ngày xưa. Những người còn có mũ cũ chắc phải độn thêm một khúc vải thì mới hợp với mũ hiện đại.

 

 

 

Đoạn thứ 66: Tướng Quốc Đại Thần Okamoto

 


Có một lần Tướng Quốc Đại Thần tước hiệu Okamoto(1) cai quản vùng Kuwanbaku mang theo một đôi chim én và cành cây Mai với đầy hoa hồng mai đến gặp người chuyên về chim chóc tên là Shimotsuke no Takekatsu yêu cầu ông ta làm cách ghép chim vào cành mai. 


Ông này trả lời rằng:


” Tôi không biết cách ghép chim vào với nhánh cây đầy hoa nở, cũng như ghép một hay hai nhánh cây lại với nhau”.

 

Quan Tướng quốc đành lui về nhà hỏi thuộc hạ và gia nhân xem biết có ai khác rành về nghệ thuật ghép vật hay không. Sau cùng ông ta lại phải trở lại gặp Takekatsu và thỉnh cầu lần nữa rằng:


” Hình như không ai biết cách ghép vật như thế này cả, ông cứ làm theo cách ông xem là tốt nhất”

 


Takekatsu mới ghép một con chim lên cành cây mai không có hoa xong rồi đưa cho quan Tướng Quốc và giải thích như sau:” Chim én có thể ghép lên bất cứ nhánh cây hay cành cây mai nào với nụ hoa nhưng không bao giờ ghép vào cành mai có hoa nở. Chim én cũng có thể ghép vào cành cây tùng loại cây tùng có lá gồm năm cây kim, chiều dài cành cây khoảng 2 thước, khi cắt nhánh cây một phía thật sâu và nghiêng nghiêng, phía mặt bên kia cắt ngắn khoảng nửa phân. Tùy theo hình thể cành cây chim én có thể ghép ở đầu hay ở cuối cành cây. Con chim có thể cột vào hai nơi đầu chim ghép vào cành cây, còn chân chim thì kết làm sao có vẻ như đang đạp lên trên nhánh cây. Phía đầu cành cây nên có hai nhánh cây tỉa ra như sừng bò và nên cắt làm sao bằng chiều dài cánh chim nhỏ nằm dưới cánh chim lớn.” 


“Theo đúng nghi lễ và thông lệ cành cây được dâng tặng Hoàng Cung vào ngày tuyết rơi đầu tiên, được vác lên vai đi qua Đại môn. Người đưa tin cẩn thận bước lên trên những viên đá ở dưới mái hiên, và tránh để lại dấu chân trên mặt tuyết. Anh ta nhặt những lông chim rồi rải tung khắp nơi, rồi sau đó dựng cành cây dọc theo hành lang trong hoàng thành. Nếu có lộc Thiên Hoàng cho nhặt lấy bỏ lên vai cúi đầu cảm tạ và ra về.”


 

“ Ngay cho dù ngày hôm đó là ngày tuyết rơi đầu tiên trong năm đi nữa, nhưng nếu tuyết rơi chưa đủ ngập đến bàn chân thì đừng nên mang tặng chim én. Lông chim rơi rải rác đó đây chỉ dấu chim ưng đã bắt được chim én, vì chim ưng thường dùng hai chân để kẹp trên lưng đối thủ khi tấn công”.


 

Riêng tôi cũng tự hỏi tại sao không ghép chim én với cành cây có hoa nở. Có một đoạn trong Ise Monogatari(Y Thế Vật Ngữ) loại tập thơ tình sáng tác vào thế kỷ thứ 9 kể câu chuyện một người vào đầu mùa thu cột vào chân con chim én nhánh cây mai nhân tạo kèm theo với bài thơ :

 

 “ Xin bẻ nhánh hoa này

 dù là hoa trái mùa

 gửi theo đây đến em

 mối tình chung thủy nơi anh”


 

Không hiểu đóa hoa nhân tạo có phù hợp vào trường hợp này hay không. 

 


Chú thích:


(1) Fujiwara no Iehira (1282 – 1324) đạm nhậm Tướng Quốc Đại Thần (Kampaku) từ 1313 đến 1315. Okamoto là địa danh thuộc vùng đông bắc Kyoto.

 

 

 

Đoạn thứ 67: Điện Iwamoto và Hashimoto ở Kamo


 

Tương truyền bên trong Thần Cung Kamo có hai điện gọi là Iwamoto và Hashimoto để tưởng niệm hai thi nhân nổi danh là Narihira(1) người thuộc vào thời kỳ ban đầu triều đại Heian, và Sanekata (2) người thuộc giai đoạn giữa của triều đại Heian. Dân chúng thường hay lầm lẫn về hai nhà thơ này. Có một năm nhân dịp đi tham bái Thần cung, nhân thấy lão tăng đi ngang qua, bèn bước đến hỏi han về hai nhân vật này. Lão tăng giải thích rằng:” Những người đến tham bái điện Narihira đến rửa tay ở dòng sông đằng trước điện đều thấy thi nhân này linh hiện, và ngài Hashimoto thì ở đâu đó gần dòng sông linh thiêng đó. Hòa Thượng Yoshimizu(3) cũng là thi nhân ở chùa Jien (Từ Viên) thuộc Tông Thiên Thai có làm bài thơ về điện Iwamoto như sau:

 

Tsuki wo mede Thưởng thức ánh trăng

hana wo nagameshi ngắm hoa đào nở

inishie no từ ngày xa xưa

yasashiki hito wa có người hào hoa

koko ni aiwara hiển hiện nơi đây – Ariwara


Tôi đoán chắc ông có thể biết rành hơn tôi”

 


Cung cách trả lời rất trân trọng của vị lão tăng để lại trong lòng tôi ấn tượng sâu sắc.


Nữ quan Konoe người hầu cận mẫu hoàng Imadegawa, con gái quan phụ chánh Takatsuka cũng là thi nhân để lại một số tác phẩm như “Tục Cổ Kim Tập”, “Tục Hiện Diệp Tập” bao gồm những bài thơ do bà sáng tác khi còn trẻ, được viết bằng mực hòa với nước dòng sông chảy trước hai ngôi điện, tất cả lên đến cả trăm bài thơ, còn được gọi là Thanh Thư, đều được dâng cúng cho Thần Cung. Thơ văn của bà đã đi vào lòng dân gian, được mọi người hết sức ca ngợi và đọc tụng. Ngoài ra bà cũng rất giỏi về viết văn và làm thơ Hán.


Chú Thích:


(1) Narihira (Tai Nguyên Nghiệp Bình 825 – 880) là thi nhân sáng tác thơ trữ tình vào thế kỷ thứ 9, tác phẩm của ông là “Nghiệp Bình Tập”.

(2) Fujiwara Sanekata (Đằng Nguyên Thực Phương) cũng là nhà thơ vì tranh cãi với Fujiwara Yukinari, Thiên Hoàng đày về phía bắc, chết trên đường đi.

(3) Yoshimizu (Cát Thủy) còn có danh hiệu là Jien (Từ Viên 1155 – 1225), cao tăng trong Tông Thiên Thai viết về Lịch sử phật giáo trong quyển Gukansho.

 

 


Đoạn thứ 68: Ông quan huyện Tsukushi


 

Có một ông quan huyện Tsukushi(1) có trách vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong vùng. Ông ta mỗi ngày hai lần đều ăn củ cải luộc cứ như thế liên tục trong nhiều năm. Bởi vì ông ta tin rằng nó là thần dược có thể chữa được các bệnh. Đột nhiên một hôm lực lượng thù địch tấn công bao vây thành ông quan đang cai quản, thừa dịp không ai để ý có hai người lính lẻn ra ngoài thành đột kích chiến đấu với phe bên kia không hề tiếc thân mạng cho đến khi đuổi được chúng đi. 


Ông quan lấy làm kinh ngạc và hỏi han hai võ sĩ :


” Các anh là ai vậy? tôi chưa hề thấy mặt bao giờ, chiến đấu thật dũng cảm”. 


Hai võ sĩ trả lời :


” Chúng tôi chính là những củ cải mà ông ăn thường ngày trong bao nhiêu năm”. Nói xong họ biến mất.


 

Đây là thí dụ cho thấy đức tin mãnh liệt có thể mang lại lợi ich không thể tưởng tượng được.

 

Chú thích: (1) Tsukushi là tên cũ vùng Kyushu (Cửu Châu).

 

 


Đoạn thứ 69: Thượng nhân Shosha


 

Có một cao tăng tên là Shoku Shonin(1) tu ở chùa Enkyo (Viên Giáo) trên Shosha (Thư Tả), chuyên tâm tu, đọc tụng kinh Pháp Hoa, công đức cao dầy, lục căn thanh tịnh. Trong chuyến đi du hành xa giữa đường ghé trọ lại lữ quán qua tiếng kêu tí tách trên ngọn lửa đang nướng những hạt dẻ, nhà sư nghe được tiếng kêu than của những hạt dẻ này như sau:” Các ông thật tàn ác, có quen biết với nhau từ lâu, tại sao nỡ hành hạ chúng tôi như thế này”. Khi vỏ những hạt dẻ vỡ đôi ra tạo thành âm thanh, Thượng nhân cũng đáp lại :” Các anh nghĩ tôi thích hành hạ các anh lắm sao. Lòng chúng tôi cũng đau đớn lắm, nhưng không biết làm sao hơn. Đừng giận chúng tôi nhé”


 

Chú Thích: (1) Shoku Shonin (Tính không thượng nhân 928 -1007) tu sống trên núi Shosha ở huyện Harima.

 



Đoạn thứ 70: Buổi hòa nhạc ở cung Seisho vào thời Gen O

 


Ngay sau buổi hòa nhạc trình diễn ở cung Seisho vào thời Gen O(1), cây đàn tì bà Genjo(2) nổi tiếng bị mất cắp. Thuộc sở hữu của Quan Đại Thần Kikutei (Cúc Đình) một danh thủ về đàn tỳ bà cầm Bokuba(Mục mã), cây đàn này được xem như vật quốc bảo thời đó. Khi ngồi xuống việc trước hết ông ta điều chỉnh dây đàn cho đúng chỗ, nếu dây đàn có tuột ra ông ta lấy hồ keo làm bằng gạo để trong túi áo dán nó lại. Hồ dán cũng khô ngay và buổi hòa nhạc diễn ra tốt đẹp không có chuyện gì xảy ra. Một nữ khán giả mặc áo có khăn che mặt có lẽ mang nỗi hận với người nghệ sĩ, tiến lại gần cây đàn tỳ bà thò tay kéo mạnh sợi dây đàn, rồi để lại vào chỗ cũ, vì thế không ai thấy được sự thay đổi.

 


Chú thích:


(1) Thời đại Gen O (Nguyên Ứng) kéo dài từ năm 1319 cho đến 1321. Việc mất cắp xảy ra vào khoảng năm 1316.

(2) Cây đàn tỳ bà tìm lại được vào năm 1318.

 

 


Đoạn thứ 71: Khi nghe đến tên


 

 Khi nghe nhắc đến tên ai thì trong tâm trí ta thường hình dung ra khuôn mặt người ấy. Nhưng khi gặp mặt thì hầu như không bao giờ giống như đã tưởng tượng. Khi nghe kể lại câu chuyện ngày xưa thường nghĩ ngay đến khung cảnh ngôi nhà thời đó chắc có những điều tương tự thế nào với căn nhà người ta đang sống bây giờ và con người trong câu chuyện có giống với con người thời nay thế nào. Đôi khi bất chợt một dịp nào đó nghe hoặc thấy một điều gì lại có cảm giác như điều ấy đã diễn ra đâu đó trước đây vào lúc nào không nhớ rõ. Không biết có phải chỉ riêng mình tôi có cảm giác này chăng?

 


 

Đoạn thứ 72: Vật tầm thường trên thế gian


 

Vật tầm thường trên thế gian ở xung quanh mình, là những vật dụng thường ngày nằm ngổn ngang đây đó, quá nhiều bút lông bên cạnh nghiên mực, quá nhiều tượng Phật trên bàn thờ, ngoài vườn đá gạch nằm bừa bãi, cây, cỏ mọc không thứ tự, trẻ con đầy nhà, những câu chào hỏi lập đi lập lại thừa thãi, quá nhiều điều cầu xin trong khi bố thí, làm phước, xây chùa, tạo tượng, ấn tống kinh sách. Có vật mà nhìn nhiều lần không thấy chán là những xe chứa sách hay đống rác.

 

 


Đoạn thứ 73: Kể lại mẫu chuyện trên cõi đời 

 


“Sự thật mất lòng” những mẩu chuyện thật đem ra kể lại thì nhàm chán, không hấp dẫn và không ai muốn nghe. Vì thế người ta phải nói dối. Con người thường hay phóng đại thêm mắm thêm muối vào câu chuyện cho nó văn vẻ, tình tiết dù cho chính mắt họ chứng kiến khác. Rồi năm tháng trôi đi, đường đi thì xa xôi ngăn sông cách núi, những điều kể ra được viết xuống theo thời gian trôi qua, nó hiển nhiên trở thành sự thật. Điều này thường thấy với các nghệ nhân thật giỏi, danh thủ bộ môn nghệ thuật.


Người ngu dốt không biết tí gì về nghệ thuật thường hay tán dương ông thầy một cách vô lối và xem họ như thần thánh. Nhưng đối với người có hiểu biết rành mạch không bao giờ tin những câu chuyện như thế cả. Vì những điều nghe đồn đãi luôn luôn khác với những gì nhìn thấy tận mắt.

 

Có người nói một cách bừa bãi, nói không suy nghĩ, và người nghe sẽ nhận ra ngay là người đó nói không thật. Cũng có người không tin chuyện đó có thật nhưng thấy nó phù hợp với lợi ích cá nhân của mình bèn lập lại đúng như người ta kể và như vậy người kể lại không nói điêu ngoa. Thật đáng sợ khi có kẻ cố tình lừa bịp người khác bằng cách tạo dựng câu chuyện dường như có thật, làm bộ quên đi hay bỏ qua những chi tiết về thời gian, nơi chốn xảy ra, và rất cẩn thận để không gây nghi ngờ.


Không có ai đi cải chính hoặc phủ nhận lời đồn đại có thể nâng cao uy tín cho chính họ.

 

Nếu như trong khi mọi người đang thích thú lắng nghe câu chuyện đồn đãi, có người thấy nó không đúng sự thật thỉnh thoảng nói chêm vào :” Làm gì có chuyện như thế”, rồi lại tiếp tục yên lặng ngồi nghe, mặc nhiên người này đã trở thành nhân chứng cho câu chuyện là có thật.


Biết làm sao hơn, thế gian này không thể tránh được những chuyện bịa đặt đầy rẫy. Cách hay nhất khi nghe những mẩu chuyện như thế thì nên chấp nhận nó như chuyện bình thường và đừng quan tâm hay để ý đến.


Có rất nhiều chuyện nghe mà giật mình về thành phần thấp hèn trong xã hội. Người quân tử có học không nói điều hoang đường loạn ngôn. Nói như thế không có nghĩa là bảo mọi người đừng tin vào phép lạ do đức tin mang lại, như việc chư Phật, Bồ Tát, Thánh Thần hóa thân dưới dạng con người để cứu độ chúng sinh. Về mặt này có kẻ ngu si miệng thì nói “làm gì có chuyện như thế” trong bụng hết lòng tin vào chuyện có tính mê tín dị đoan. Tóm lại cách cư xử tốt nhất là thành thật lắng nghe mẩu chuyện được kể nhưng đừng tin, đừng nghi ngờ hay châm biếm.

 


 

Đoạn thứ 74: Tụ lại như đàn kiến


 

Con người tụ lại lũ lượt với nhau như đàn kiến, đi vội vã về phía đông phía tây, chạy về phía bắc phía nam. Bao gồm người giàu, người nghèo, người sang, người hèn, người già người trẻ. Có chỗ đi đến tất phải có nơi để về. Đêm đi ngủ, sáng thức dậy. Những sinh hoạt đó để làm cho cái gì? Không ngừng cầu mong lợi lộc, ham muốn sống trường thọ. Con người mong muốn gì trong việc bồi dưỡng thể xác. Chờ đợi cho cái già cái chết từ từ đi đến chăng? Nó đến rất nhanh từng niệm từng giây từng khắc, trong khi chờ đợi giờ phút cuối cùng đó đến có niềm vui gì để sống cho cuộc đời không?

 

Những con người còn mê muội, lặn ngụp trong cuộc đua danh lợi, vật chất thế gian, họ không còn biết sợ hãi về cái già cái chết nó đang sừng sững đón chờ đằng trước mặt. Những con người chưa giác ngộ thường hay khóc than, đau buồn vì họ nghĩ rằng mọi vật lúc nào cũng tồn tại hằng thường, một phần vì họ không biết lý vô thường đổi thay của vạn vật.

 


 

Đoạn thứ 75: Người không có việc gì làm


 

Với những người ngồi buồn không có việc gì làm, không biết họ mang tâm tư như thế nào? Riêng tôi thật là hạnh phúc khi ở hoàn toàn một mình yên lặng không có ngoại cảnh làm tâm hồn lay động.


Khi con người sống theo dòng đời trong xã hội, tâm hồn sẽ bị ngoại vật chi phối làm ô nhiễm đánh mất tính trung thực của chính họ. Vì khi tiếp xúc giao lưu với mọi người phải giữ gìn lời nói, phải lắng nghe người khác nói, do đó không còn sống chân thật với chính mình nữa. Diễu cợt khi tranh chấp cãi cọ với người khác lúc thì vui, lúc thì hận, tâm hồn không bao giờ được thanh thản ổn định. Do vì hoàn cảnh chi phối khiến tâm không bao giờ định, luôn luôn phải tính toán hơn thiệt, lời lỗ, lợi hại. Càng ngày càng say sưa trong sự ngu muội, rồi mơ màng trong niềm say sưa đó. Con người ai ai cũng giống nhau ”sống chạy vội vã để rồi quên mất con người thật chính họ.


 

Do đó cho dù có người chưa tìm ra con đường tu học để giác ngộ đi nữa, nhưng người đó biết tránh xa những cám dỗ ngoại cảnh, sống một cuộc sống thanh tịnh, duy trì được sự bình an trong tâm hồn, có thể nói người đó đã có được hạnh phúc an vui trong hiện tại.


Trong tác phẩm “Maha Chỉ Quán”(1) giáo lý Đại Thừa Thiên Thai Tông có viết :” hãy đoạn tuyệt với việc mưu sinh hằng ngày, giao tế thế gian, thắng thua, học vấn, nghệ thuật”.


 

Chú thích:


(1) Giáo điển căn bản của Thiên Thai Tông do Trí Giả Đại Sư hiệu Trí Khải (538-597) đời nhà Tùy bên Trung Quốc diễn giảng ở Ngọc Tuyền Tự thuộc Hàng Châu được ghi chép lại bởi người đệ tử Chương An Tôn Giả (561-632). 

 


 

Đoạn thứ 76: Tụ họp nơi nhà quyền quý


 

Khi có nhiều người tụ họp nơi nhà quyền quý vào dịp vui hay dịp buồn, thật đáng tiếc là lẫn trong đám xếp hàng ngoài cổng chờ đợi đi vào đó lại có hàng tăng sĩ khất thực (Hijiri-boshi) tu khổ hạnh. Cho dù ở bất cứ hoàn cảnh hay trường hợp lý do nào đi nữa, nhà Pháp sư không nên quá chung đụng với quần chúng. 

 

 


Đoạn thứ 77: Trên cõi đời này

 


Trên cõi đời này, con ngườiï thường hay đàm tiếu đi sâu vào chi tiết đời tư người khác những điều không liên hệ gì đến họ, đó là điều không thể chấp nhận được. Đôi khi ở thôn quê có những tăng sĩ khất thực đi đem chuyện thiên hạ ra nói một cách bừa bãi xem như chuyện của chính ông ta. Không biết làm thế nào ông ta biết được nhiều chi tiết về những mẫu chuyện như vậy.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng