Trích đoạn từ “Cái khó trong việc đền đáp ơn sâu Phật, Tổ”
Phật
có nghĩa là “người đã thức tỉnh”. Một khi đã thức tỉnh rồi, tự tâm
mình chính là Phật. Nếu đi tìm kiếm ở ngoài mình một vị Phật có hình tướng nào đó, thì bạn
đã tự biến mình thành một kẻ điên rồ, lầm lạc. Cũng tựa như một người muốn bắt một
con cá, đầu tiên là người ấy phải nhìn vào trong nước, bởi vì cá ở
trong nước và không sống xa rời nước được. Nếu người nào muốn đi tìm Phật, người ấy phải nhìn
vào tâm của mình, bởi vì Phật là ở ngay đó, và không có chỗ nào
khác.
Hỏi: “ Nếu vậy, tôi phải làm gì để giác ngộ được tâm mình?”
Cái khiến cho hỏi đó là cái gì? Có phải là tâm của bạn không? Có phải là tự tính nguyên thủy không? Có phải là một loại linh hồn hay quỷ sứ gì không? Nó ở trong? Hay ở ngoài? Hay là ở giữa? Có mầu xanh, mầu vàng, mầu đỏ, hay mầu trắng?
Đó là điều mà bạn phải tìm hiểu
và xác định cho chính mình. Bạn phải tìm hiểu nó dù là đang đứng hay
đang ngồi, đang nói hay đang im lặng, đang ăn cơm hay đang uống trà. Bạn
phải tự mình liên tục tìm hiểu vấn đề đó như vậy với tất cả thành
tâm thành ý. Nhưng dù có làm gì chăng nữa, cũng không bao giờ nên tìm
kiếm sự giải đáp trong kinh sách hay những lời luận bàn về pháp, hay
trong những lời nói của một vị thầy.
Khi đã dùng hết nỗ lực và đi
đến nơi chốn tận cùng hoàn toàn không còn lối thoát, bạn giống như một con mèo đứng trước
hang chuột, một con gà mái đang ấp trứng, đột nhiên mọi sự sẽ bùng
vỡ và bạn sẽ được giải thoát. Con chim phượng sẽ vượt qua được
mạng lưới vàng. Con chim hạc sẽ bay thoát khỏi chiếc lồng đang nhốt.
Nhưng dù cho không có sự bùng vỡ nào xẩy ra suốt đời bạn cho đến lúc chết, và bạn tiêu mất hai mươi, ba mươi năm cuộc đời một cách vô ích, không thấy được tánh chân thật của mình, tôi cũng muốn bạn phải nghiêm túc hứa rằng bạn sẽ không bao giờ tìm sự nâng đỡ tâm linh bằng những câu chuyện vớ vẩn truyền tụng khắp nơi của mấy ông bà già hiện nay. Nếu bạn làm vậy, những cái vớ vẩn đó sẽ bám dính vào da bạn, sẽ bám chặt vào tới xương tủy của bạn, bạn sẽ không bao giờ thoát được chúng. Còn về những cơ hội bạn có được với những công án khó khăn, càng ít nói đến càng tốt hơn, bởi vì chúng hoàn toàn ở ngoài tầm tay của bạn.
Khi xưa có một vị sư là Kao-feng Yuan-miao nói rằng, “Một người muốn đi theo con đường tu thiền phải có ba thứ trang bị thiết yếu. Đó là: một tín căn lớn, một khối nghi vấn lớn, và một chí nguyện lớn. Thiếu một trong ba thứ ấy sẽ giống như một cái cột ba chân chỉ còn có hai chân.”
“Một đại tín căn” có nghĩa là
mang niềm tin trong lòng rằng tất cả mọi người ai cũng đều có tánh
Phật và đều có khả năng ngộ nhập được Phật tánh của mình. Nhưng dù
cho có niềm tin lớn đó, bạn cũng vẫn không thể đả thông mà đạt
đến liễu ngộ được nếu không có những nghi vấn lập nên do những
công án khó hội nhập. Và cho dù những nghi vấn này có chất chồng
lên và kết tinh lại, để rồi chính con người bạn trở thành một “khối
nghi lớn”, bạn cũng vẫn không thể phá vỡ được khối nghi đó trừ khi
bạn liên tục nghiền ngẫm những công án đó với một quyết tâm thật
mãnh liệt và lớn lao.
Vì vậy có câu nói rằng những
chúng sanh nào giải đãi và không chuyên tâm thì phải mất tới ba a
tăng tì kiếp mới đạt được Niết Bàn, trong khi đối với những người
đầy dũng khí và có tinh thần vô úy, chỉ cần trong một niệm là có
thể thành Phật. Điều bạn phải làm là tập trung nhất quán đem hết
tiềm năng của mình ra dụng công. Trong khi lấy gỗ chà sát vào đá,
điều cơ bản nhất là phải nỗ lực liên tục và toàn diện. Nếu bạn
ngừng lại khi vừa thấy một chút khói bốc lên, bạn sẽ chẳng bao giờ
làm ra được một tóe lửa nào, dù bạn có tiếp tục chà sát tới hai
hay ba a tăng tì kiếp cũng vậy.
Cách đây chỉ vài trăm thước là
tới bờ biển. Giả sử như có người nào cảm thấy phiền vì chưa bao giờ
biết tới mùi vị của nước biển và quyết định muốn thử xem sao. Anh ta
bèn đi về hướng của bờ biển, nhưng trước khi anh đi được vài trăm
bước thì đã dừng lại rồi quay trở về. Xong rồi anh ta lại đi nữa,
nhưng lần này mới được có mười bước đã lại quay về. Cứ như thế thì
anh ta sẽ không bao giờ biết được mùi vị của biển, phải không? Nhưng
nếu anh ta cứ tiếp tục đi thẳng về phía trước không bao giờ quay lại,
thì dù cho anh có sống ở những nơi xa trong lục địa như Shinano, Kai,
Hida, hay Mino, anh sẽ có ngày đến bờ biển được. Có nhúng tay vào
nước biển và nếm được vị của nó, anh cũng sẽ biết ngay lập tức mùi
vị của nước biển trong khắp thế giới, bởi vì biển ở đâu cũng giống
như nhau, dù là ở Ấn độ hay Trung Hoa, dù là biển bắc hay biển nam.
Những hành giả đi tìm hiểu bề
sâu kín bí mật của tâm cũng như vậy. Họ đi thẳng về phía trước, quán
sát vào tâm của họ với nỗ lực không ngừng, không bao giờ thoái chí
hay bỏ cuộc. Rồi đột nhiên có sự đả thông, và họ thấu hiểu được
bản tính của họ, cũng như bản tính của người khác, của chúng sanh,
bản tính của si mê và của giác ngộ, bản tính của Phật, của Bồ Tát,
của Thiên nhân, của chúng sanh hữu tình và vô tình, của ngạ quỷ, a
tu la, hay súc sinh --- tất cả đều được thấy rõ chỉ trong khoảnh khắc
của một niệm. Vấn đề đại sự trong
công việc cầu đạo của họ đã được hoàn toàn giải quyết. Không còn
có gì vương lại nữa. Họ đã được giải thoát khỏi vòng quay của sinh
tử. Giây phút ấy thật vui sướng biết bao!
Với tâm niệm thành kính tôi xin tất cả các người cầu đạo thượng căn đang tìm hiểu bề sâu bí mật của chính mình hãy quán sát chính mình thật hăng hái nhiệt tình như là đang dập tắt lửa trên đỉnh đầu vậy; hãy tỉ mỉ quán sát lại khối nghi vấn của mình như là đang kiếm tìm một bảo vật vô giá bị mất; hãy ghét bỏ những lời dạy của các bậc Tổ sư để lại như ghét bỏ một kẻ thù vừa mới giết hết cả hai bố mẹ mình. Bất cứ những ai trong Thiền tông mà không thực hành sự quán sát và lập nghi vấn với những công án sẽ bị coi như thuộc hạng yếu kém tồi tệ nhất, một người muốn vứt bỏ đi gia tài lớn lao nhất của mình. Vì vậy, Kao-feng đã nói rằng, “Ở gốc rễ tận cùng của khối nghi lớn là sự giác ngộ .... một liều lượng nghi vấn tròn đầy sẽ đưa đến một sự giác ngộ tròn đầy.”
Đừng nghĩ là những bổn phận và
trách nhiệm hàng ngày của đời sống thế gian khiến bạn không có
được chút thì giờ nào để lập một khối nghi vấn. Đừng nghĩ là tâm
bạn có quá nhiều ý nghĩ lộn xộn nên không thể nào nhiếp phục được
mà chuyên chú tọa Thiền. Giả sử như có một người ở nơi chợ náo
nhiệt, đang len lỏi qua đám đông dầy đặc trong một con đường chật
hẹp, thì bỗng có mấy đồng tiền vàng trong túi rơi xuống đất. Bạn có
nghĩ là người đó sẽ để mặc như vậy mà quên đi, cứ tiếp tục đi trên
đường được không? Bạn có nghĩ là có người nào có thể bỏ đi mấy
đồng tiền vàng chỉ vì đang ở trong một chỗ đông đúc, hay vì mấy đồng
vàng đó đã bị lấm đất bẩn không? Dĩ nhiên là không. Người đó sẽ ở
lại đó, chen lấn xô đẩy hết sức mình, cuống quít lật hết tất cả
mọi thứ ra tìm, nước mắt đầm đìa trên mi. Người ấy sẽ không chịu ở
yên cho tới khi nào tìm lại được số vàng đó. Nhưng ít vàng đó có
nghĩa lý gì nếu so với số bảo vật vô giá trên vương miện của các vị
vua, dụ cho pháp bảo chân tâm có giá trị quý báu không thể nghĩ
lường đã có sẵn nơi chúng ta? Có thể nào một bảo vật quý giá như
vậy lại lấy được dễ dàng, không mất chút công phu khó nhọc gì
chăng?
Ngày xưa trong các cư dân ở biển
Đông có một con cá chép tên là Kim Ngư, bẩm sinh có một chí khí thật
can cường và một bản tính ngay thẳng. Kim Ngư có uy thế rất lớn trong đám cá bạn của nó. Nhưng nó lúc
nào cũng than thở cho số phận của những con cá bạn. “Dưới đáy đại
dương bao la sâu thẳm này có biết bao nhiêu triệu con cá sống kiêu
hùng ở đó. Chúng vùng vẫy lên xuống trong những đợt sóng bạc vô
tận, chơi đùa với đám rong rêu dưới biển. Nhưng có biết bao nhiêu con
đã bị trúng mồi và sa vào lưới cá. Cuộc đời chúng bế mạc trên
những tấm thớt, chúng bị phanh thây, xẻ thịt đem nấu nướng để cho vào
dạ dầy của những kẻ trong thế giới loài người. Xương chúng bị vứt
đi, trộn lẫn trong đám rác và đất. Đầu chúng bị ném cho những con
chó lang thang. Một số bị phơi khô, ướp muối để bán cho những chợ
trong nội địa. Bị phơi bầy ra trong những quầy, những cửa tiệm để tất
cả mọi người đều trông thấy. Không có một con nào sống hết kiếp
của mình được. Thật buồn thay cho cuộc đời của một con cá!”
Nhưng khi than thở buồn bã như vậy, trong tâm của Kim Ngư bỗng bừng lên một ý chí phấn chấn mạnh mẽ. Nó lập một lời thệ nguyện trang nghiêm rằng: “Ta sẽ bơi vượt qua cửa Long Môn. Ta sẽ đương đầu với những luồng lửa sấm sét đầy hiểm nguy. Ta sẽ thoát được lốt cá tầm thường và có được một địa vị trong giới rồng thiêng. Ta sẽ chấm dứt được mãi mãi sự đau khổ kinh khủng mà giống loài của ta phải chịu đựng, xóa bỏ đi từng dấu vết của sự nhục nhằn tủi hổ.”
Đợi tới ngày mùng ba tháng ba,
khi những nụ hoa đào đã bắt đầu chớm nở và mực nước sông dâng cao,
nó tìm đường đi đến lối vào của ranh giới Yu. Rồi, với một cái quẫy
đuôi, Kim Ngư bơi về phía trước.
Mọi người chắc chưa bao giờ thấy
cảnh thác nước thật hùng vĩ chảy qua cửa Long Môn. Thác nước đó bắt
nguồn từ tận đỉnh núi Côn Luân xa xôi, đổ xuống với một sức mạnh
thật khủng khiếp. Có những đợt sóng điên cuồng, cao tới cả ngàn bộ
chảy xiết xuống qua những khe núi cao ngất sừng sững ở hai bên, cuốn
cả sườn núi theo giòng nước. Những tia sấm sét giận dữ nổ rền vang
dội tới điếc tai. Những cơn gió lốc rên rỉ xoáy những màn sương độc
và những cột hơi hắc ám lên, bắn ra những lằn sét tóe lửa. Quỷ
thần trong núi đều bị chấn động tới mức tê dại; quỷ thần trong sông
đều lịm người đi vì sợ hãi. Chỉ một giọt nước này rơi xuống cũng đủ
làm vỡ mai một con rùa khổng lồ, làm gẫy xương một con cá voi vĩ
đại.
Trong cơn lốc xoáy kinh khủng đó Kim Ngư dương hết bộ vây vàng óng rực rỡ lên, hàm răng thép đập vào nhau như trống dồn, phóng mình tới sẵn sàng ứng chiến. Ôi Kim Ngư! Kim Ngư ơi! Mi có thể bằng lòng sống một cuộc đời bình thường như những con cá khác nơi biển cả bao la, không sợ bị chết đói ở đó. Thế thì tại sao? Cái gì làm cho mi lao đầu vào cuộc chiến đấu gian hiểm muôn vàn đắng cay này? Cái gì sẽ chờ đợi mi ở bên kia ranh giới đó?
Trong phút chốc, toàn thân nó bị
thiêu đốt với những tia sét nổ bùng cả núi đá, bị vùi dập với
những tiếng sấm long trời lở đất, lớp vẩy áo giáp ngoài của nó bị
bốc lửa từ đầu đến đuôi, cặp vây trên mình nó cũng cháy rụi. Kim Ngư đã đi vào một cái Chết Toàn Diện,
để rồi từ trong cái chết đó xuất hiện một con rồng thiêng huy
hoàng, trang nghiêm --- một chúa tể muôn loài trong biển cả. Bây giờ, nó chuyển mình bay xa, bay
rộng, phía trên đầu nó là thần
sấm, phía sau là thần lửa, hai bên sườn là thần mưa và thần gió,
một bên tay nó là những vầng mây, một bên là sương mù tỏa xuống,
đem sự sống mới tươi mát cho những mầm cây non yếu ớt đang héo úa
từ lâu trong những khoảng đất khô cằn sa mạc, giúp bảo hộ Chánh
Pháp trong thế giới đọa lạc đầy si mê lầm lạc này.
Nếu nó cứ mãn nguyện với cuộc
đời giống một con rùa mù lù đù, chỉ biết kiếm ăn bằng cây cỏ leo
hay những con tép nhỏ xíu, thì cho dù Long Vương, Thiên sứ có bỏ hết
công sức ra tế độ cho nó cũng chẳng giúp ích gì được. Nó sẽ chẳng
bao giờ có được sự thành công rực rỡ như thế.
“Rùa mù” có nghĩa là gì? Ý tôi muốn nói là lớp tăng sĩ vô trách nhiệm, có mắt như mù, xem công án như điều không cần thiết, và xem sự tham thiền (sanzen) như những phương tiện chỉ có lợi cho vị thầy thôi. Cho dù những người đó có không phải là hoàn toàn thiếu hiểu biết chăng nữa, họ cũng chỉ đứng được ở ngoài cổng, chỉ có thể ghé mắt nhìn thoáng vào trong, rồi nói những câu như là. “Tự tánh vốn thanh tịnh tự nhiên, nguồn tâm vốn sâu xa như đại dương. Ta bà chẳng cần dứt, Niết Bàn chẳng cần cầu. Đó là sự yên tĩnh thuần nhất, sâu xa, là hư không bao la trong suốt vô biên vô tận. Đó là nơi chứa đựng kho báu lớn lao vốn có sẵn trong tất cả mọi người. Làm sao còn có gì khiếm khuyết được?”
A, nói vậy nghe có vẻ hay lắm! Nghe hoàn toàn hợp lý lắm. Nhưng khốn nỗi, những lời nói đó chẳng có một chút sức mạnh nào khi áp dụng trong thực tế. Những người đó giống như những con sên vậy, lúc nào thấy có gì đến gần là lập tức rút vòi đứng yên lại. Họ cũng như những con rùa lù đù, rút chân, rút đầu, rút đuôi vào khi có một chút xíu gì đụng vào, vội vàng dấu mình trốn trong vỏ của chúng. Một thái độ như vậy làm sao có thể tạo ra một sức mạnh tâm linh được? Nếu họ có ngẫu nhiên gặp được một vị tăng chân chính và bị đặt trước mũi dùi tấn công của vị đó, họ sẽ phản ứng như con ngựa cưng của thầy Yang, lúc nào cần phải biểu diễn thì không nhúc nhích được cả đến cái cần cổ. Họ chẳng khác gì những con cá nằm bất lực trên thớt, chịu đến mười ngàn cái chết trong một kiếp sống, số phận của chúng—dù cho là bị thái thành từng lát thịt tươi ăn sống, hay cắt thành những miếng thăn nướng trên lò than nóng đỏ—hoàn toàn là ở trong tay người khác. Và trong suốt thời gian cực hình đó chúng không có cả sức mạnh để kêu lên nữa. Những loại người này có thể nào là hậu duệ chân chính của vị Tổ vĩ đại Bồ Đề Đạt Ma được không? Họ ra sức trấn an là không có cái gì là “khiếm khuyết” cả. Nhưng họ có thực sự được an lạc không? Tâm họ có hoàn toàn xa lìa được ưu tư phiền não không?
Những vị tăng chân chính đã đạt
Đạo trong quá khứ đều xả thân, xả tất cả những gì có được để lao
đầu vào những lò luyện kim nóng bỏng của thầy họ mà không hề nghĩ
gì đến đời sống riêng tư hay lợi ích tiện nghi của chính mình. Khi tâm họ đã nhất quyết hướng về Đạo
rồi thì cũng như con cá chép Kim Ngư, họ tập trung hết sức lực,
dũng mãnh phấn đấu tới khi vượt băng được qua cửa Long Môn. Từ đó
về sau, dù bất kỳ trong hoàn cảnh nào, trong bất cứ trạng huống
nào, họ cũng làm mọi việc trong sự tự tại, tự do hoàn toàn. Hẳn là họ đã vui mừng và mãn nguyện
xiết bao. Chính những người như thế là
gương cho chúng ta noi theo, không phải là con ngựa cưng nuôi trong nhà.
Không phải là những con rùa, con sên.
Và cái gì là “những con rồng thiêng”? Đó là những vị tổ đầy nghị lực của thời quá khứ, hoàn toàn chân chính, chân thực, nhất tâm dâng hiến đời mình cho sự tu tập đạo Thiền. Thế nào, bạn có phải là một con người không? Nếu bạn để mình thua một con cá, thì bạn sống cũng như chết rồi!
Cũng còn có một loại chướng ma khác mà bạn thường gặp phải, những người thường dạy đệ tử của mình rằng:
“Nếu muốn chứng được đạo quả, đầu tiên là phải làm cho tâm rỗng không, không còn có sanh tử trong đó. Ta Bà và Niết Bàn hiện hữu là do tâm khởi lên như vậy. Thiên Đường và Địa Ngục cũng vậy, không có cái gì hiện hữu, chỉ có ở trong tâm thôi. Vì thế, chỉ cần làm một điều thôi: là làm sao cho tâm hoàn toàn không lặng.”
Nghe theo lời dạy, những đệ tử ra
sức làm cho tâm họ được trống không, cho nó hoàn toàn không có gì
hết. Nhưng phiền một điều là, mặc dù họ làm thử tất cả những điều
đã biết để cho tâm trống không, bằng cách này hay cách khác, trải
qua hàng bao nhiêu tháng trời, có khi hàng bao nhiêu năm trời, nhưng
rồi họ chỉ thấy mình giống như đang cố dùng gậy thọc để quét sương
mù, hoặc cố dang hai cánh tay ra để ngăn giòng nước sông đang chẩy vậy.
Giả tỷ như có một người giầu có đi thuê lầm một tên đạo tặc đầy thủ đoạn và mánh lới đến làm bảo vệ cho nhà ông ta. Sau khi thấy những tài sản, châu báu và của cải trong nhà càng ngày càng giảm đi, ông ra lệnh cho tên đạo tặc đó bắt một vài đứa gia nhân khả nghi rồi hỏi cung chúng suốt ngày cho tới khi chúng phải nhận tội. Những người trong gia đình đều lo lắng tới thất thần, liên hệ chồng vợ cũng trở nên căng thẳng trầm trọng. Thế nhưng gia tài nhà đó vẫn mất đi một cách bí mật. Tất cả xẩy ra chỉ vì người này đã sai lầm ngay từ đầu khi muớn một tên đạo tặc vào làm việc và tin tưởng nó hết mình.
Từ câu chuyện này, ta có thể
rút ra bài học là, chính những mong cầu đoạn diệt sinh tử trong tâm
lại càng tỏ cho thấy sinh tử vẫn tiếp tục diễn tiến không đoạn
diệt được.
Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm Đức Phật nói, “Từ vô thủy tới nay ông lầm lạc nhận đạo tặc làm con, cho nên đã bị cướp mất đi kho tàng gia bảo chân thật nguyên thủy bất biến của mình. Chúng sanh cũng chính vì thế mà bị ràng buộc, luân chuyển không ngừng trong luân hồi sinh tử.” Điều này có thể được giải thích như sau:
Đạo
tặc (giặc) là ý nói đến cách con người ta đã bị làm cho mất đi
nguồn chân tâm quý báu đầy đủ công đức vô lượng. Vì vô minh che
lấp, bị cuốn hút trong cảm quan theo sắc trần, chúng sanh nhận cái
huyễn vọng làm thật, tưởng nó là bất biến mà đem giao phó những gì
quý giá nhất cho nó. Nhưng ngờ đâu chính đó lại đem đến sự đọa lạc
của chính mình, sự bần cùng khốn khổ nơi tâm vì phải xa lìa mãi mãi
với kho tàng Pháp bảo.
Nếu thực muốn tâm không rỗng xa lìa sanh tử, điều phải làm là cố giải những công án hoàn toàn khó khăn và bế tắc. Khi tới lúc bạn đột nhiên thể nhập được gốc rễ căn bản của đời sống và mọi sự dường như không còn hiện hữu, bạn sẽ lần đầu tiên biết được ý nghĩa sâu xa hàm chứa trong câu nói của ngài Huyền Giác: “Bất trừ vọng tưởng, bất cầu chân”.
Thiền sư Đại Huệ nói rằng, “Hiện nay, trong thời Mạt Pháp này Ma vương có ảnh hưởng thật mạnh mẽ. Đại đa số hành giả xem việc “trở về với tâm không lặng và sống trong đó” là sự đạt ngộ viên mãn.” Ngài còn nói:
“Một lớp người tu thiền giả dối đã xuất hiện trong những năm gần đây, tưởng rằng chỉ ngồi thiền với mắt, miệng khép kín, mặc cho những tư tưởng huyễn vọng trôi qua trong tâm trí họ là đã đạt được một trạng thái siêu việt tuyệt vời vượt ra ngoài sự hiểu biết của con người. Họ coi như vậy là đã vào được cõi giới của Phật tánh nguyên thủy “hiện hữu từ vô thủy phi thời gian”. Và nếu có mở miệng nói một chữ nào, họ sẽ lập tức nói rằng họ vừa mới xuất ra từ cõi giới tuyệt diệu đó. Họ tin tưởng rằng đạt tới trạng thái đó là điều căn bản nhất có thể làm được. Chứng ngộ (satori) chỉ là vấn đề phụ – là “lá cành” thôi. Những người như vậy đã hoàn toàn sai lầm từ những bước đầu tiên trên con đường Đạo.”
Những kẻ làm bạn với ma ngày nay cũng nhiều vô số kể. Tôi muốn nói với họ rằng, “Không cần biết bây giờ những gì gọi là vấn đề phụ thuộc không thiết yếu. Chỉ cần nói cho tôi nghe cái gì là thiết yếu căn bản, cái gì mà bạn hăng say dấu diếm như kho tàng vậy. Nó như thế nào? Có phải là một khoảng trống rỗng dầy đặc đóng chặt trên mặt đất ở đâu đó – như là cái cọc để cột ngựa với lừa hay không? Hay đó là một cái hố sâu tràn đầy sự im lặng đen tối tột cùng? Bất kỳ nó là cái gì, cũng làm cho tôi phát ớn lạnh.”
Đó cũng là một tỷ dụ hay để nói đến sự rơi vào định kiến của con người. Nó đã lường gạt biết bao nhiêu kẻ si mê và điên cuồng trên thế giới này. Đó chính là nơi ẩn trú xưa nay của ác ma, là ổ của những con hồ ly, là cái bẫy sập chôn sống con người. Dù bạn có trân quý và bảo vệ nó tới cùng, nó cũng sẽ chỉ là một mảnh vụn của chiếc quan tài xưa cũ. Nó cũng được gọi là “hang sâu đen tối của thức thứ tám A Lại Da.” Người xưa đã phải chịu trăm ngàn cực khổ trên con đường lang thang tầm đạo. Tất cả chỉ vì mục đích duy nhất là làm sao thoát được những cái tổ cũ kỹ hôi thối như thế này thôi.
Nếu người nào một khi đã nhất
tâm nhất trí tu luyện và đập vỡ được cái tổ cũ kỹ A Lại Da thức
xưa nay vẫn hằng ngự trị, lập tức Đại Viên Cảnh Trí sẽ xuất hiện, đồng
thời ba Đại Trí cũng sẽ khai triển (Thành Sở Tác Trí, Diệu Quan Sát
Trí, Bình Đẳng Tánh Trí) , và Ngũ Nhãn thông suốt bao trùm sẽ mở
rộng.