Những ngày còn thơ

19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 8954)

Những ngày còn thơ

 (1685-1699)


 

 Bạch Ẩn Tuệ Hạc tên thật là Nagasawa Iwajiro, sinh ngày 25 tháng chạp (19 tháng 1 Tây lịch) năm 1685 tại Hara, một làng nhỏ gần núi Phú Sĩ. Hara là một làng chuyên làm ruộng và đánh cá, vừa là một trạm giao dịch trên con đường xuyên tỉnh Tokaido nối liền thủ đô Kyoto và thành phố Edo lúc ấy đang phát triển nhanh chóng thành một trung tâm quản trị cao cấp.


 Bạch Ẩn là con út trong một gia đình có năm con, ba người con trai và hai người con gái. Cha của Bạch Ẩn xuất thân từ một gia đình samurai (hiệp sĩ) tên là Sugiyama. Ông lấy họ vợ – Nagasawa- sau khi lập gia đình. Sau này, khi trở thành trưởng tộc của giòng họ Nagasawa, ông cũng được thừa hưởng tên Genzaemon và làm nhiệm vụ trưởng trạm đưa thư của Hara. Trong họ mẹ của Bạch Ẩn , có người ông bác là một thiền tăng tên là Daizini, đã sắp xếp cho cha của Bạch Ẩn được gia nhập giòng họ Nagasawa, và cũng là người đã trùng tu chùa Tùng Âm (Shoin-ji), một thiền tự ở Hara, nơi mà cha của Bạch Ẩn được dự trù đến đó tu học khi còn trẻ. Chính ở chùa Tùng Âm này mà Bạch Ẩn đã xuất gia vào lứa tuổi 15, và sau năm ba mươi tuổi đã trở về đó trụ trì trong suốt 50 năm, biến đổi ngôi chùa này thành một trung tâm tu học Phật giáo danh tiếng toàn quốc.


 Giòng họ ngoại Nagasawa của Bạch Ẩn theo môn phái Nichiren (Nhật Liên) rất sùng kính. Họ xuất thân từ làng Nagasawa ở Minobu thuộc lãnh địa Kai, một thánh tích thiêng liêng, nơi vị tổ của môn phái này là Nichiren Shonin đã cư ngụ những năm cuối cùng của cuộc đời. Từ nhỏ, Bạch Ẩn đã rất thân cận với mẹ. Bà được mô tả là người giản dị, nhân từ… luôn luôn vui vẻ làm những việc giúp đỡ người khác một cách tự nhiên. Bà thường hay dẫn Bạch Ẩn đi nghe pháp ở những chùa thuộc hệ Nichiren, và dĩ nhiên, Bạch Ẩn cũng đã chịu ảnh hưởng rất nhiều từ tính tình và khuynh hướng tôn giáo của mẹ.


 Bạch Ẩn đã hồi tưởng như sau về cuộc đời thơ ấu của mình:

 

 “Nhiều năm trước đây, khi tôi còn là một đứa trẻ, mẹ tôi vỗ đầu bảo: “Này con, con phải nhớ lúc nào cũng phải tôn kính vị thần của đền Kitano. Ngày sinh của con là ngày 25, tháng 12 của năm thứ hai Jokyo, tính năm tháng, ngày giờ, tất cả đều thuộc Sửu hết. Ai cũng biết rằng, ngày 25 là ngày đặc biệt để thờ thần Sửu đấy.”


 Thế là, tôi dường như đã có một liên hệ nào đó với Kitano.


 Trong những ngày thơ ấy, có một cao tăng thuộc phái Nichiren tên là Nichigon Shonin rất nổi tiếng về tài hùng biện đã đến giảng pháp tại chùa Shogenkyo, một ngôi chùa Nichiren địa phương ở Hara. Ông thường đem ngữ lục của tổ Nichiren Shonin ra giảng. Cả làng lúc ấy đều đi nghe, đông như hội. Tôi cũng đi với mẹ, và nghe ông diễn tả thật chi tiết những khổ hình rùng rợn trong Tám Tầng Địa Ngục. Nghe ông nói, ai nấy đều sợ hãi, ruột gan như muốn thắt lại. Tôi tuy còn nhỏ, mà cũng không khỏi rúng động. Cả người tôi run rẩy trong cơn kinh hoàng.


 Hôm ấy, khi vào giường ngủ, tuy nằm trong vòng tay êm ấm của mẹ, mà tâm trí tôi vẫn xao động khủng khiếp. Tôi nằm thao thức, khổ sở khóc thổn thức suốt đêm, mắt xưng lên đầm đìa nước mắt.


 Nhớ lại có một hôm mẹ tôi dẫn tôi đi tắm. Bà thường thích đun nước nóng bỏng, và sẽ không hài lòng nếu người hầu gái không liên tục cho củi mới vào châm thêm lửa cho đến khi lò lửa cháy bùng lên. Những vệt lửa nhẩy múa qua lại như điên cuồng, bắn ra như những đợt sóng giận dữ. Nước trong bồn âm ỉ quay cuồng, phát ra những tiếng kêu rền vang như sấm, làm cho tôi kinh hoàng sợ hãi. Tôi hét lớn lên, thật to đến nỗi những quai tre của mấy thùng nước thiếu điều muốn đứt ra. Mọi người hốt hoảng chạy ùa vào, sợ tôi gặp phải điều gì kinh khủng lắm.


 “Con bị bỏng đó à? Hay là bị đau bụng gì đấy?” mọi người nhao nhao lên hỏi. Tôi chỉ biết khóc nức nở.


 Trong đám, chỉ có một người là biết đối phó với tình hình lúc ấy, đó là anh rể tôi, một người có sức mạnh lực lưỡng. Anh nhấc bổng tôi lên, quát vào tai: “Có khóc thì cũng phải cho mọi người biết nguyên nhân, cứ ngồi đó lè nhè như vậy thì em còn tệ hơn một đứa con gái nhỏ nữa. Đâu nào, nói cho anh nghe chuyện gì vậy.”


 “Em chỉ nói với mẹ thôi, không ai khác đâu.” Tôi lúng búng. “Cho mấy người này đi hết đi.”


 Khi tất cả đi ra hết rồi, tôi quỳ xuống trước mặt mẹ. Hai tay khoanh lại trước ngực, tôi ngượng ngùng kể lại cho bà nghe những tiếng động trong bồn tắm đã làm tôi sợ hãi như thế nào.


 “Mẹ chẳng thấy có gì đáng sợ với mấy tiếng kêu réo của nước như vậy cả,” bà nói.


 “Mẹ không hiểu đâu. Con không thể nào đi vào trong bồn tắm mà không sợ run lên được, khi nghĩ đến lúc con phải vào trong hoả ngục bị đốt cháy trong đó. Con phải làm sao bây giờ? Có cách nào tránh được điều đó không? Hay con cứ ngồi đó điềm nhiên mà đợi cho tới lúc cái chết đến? Mẹ có biết gì thì chỉ cho con với. Con muốn biết là con phải làm gì đây. Mẹ thương con, cứu con với. Ngày đêm khổ như thế này, con chịu không nổi nữa.”


 Mẹ tôi nói: “Chuyện này không bàn được ở trong phòng tắm nhem nhếch này đâu, thôi để mai mình kiếm một chỗ nào sạch sẽ hơn, rồi mẹ hứa sẽ nói cho con biết hết về vấn đề này.”


 Tôi mừng rỡ, đến nỗi chịu chui vào bồn tắm trở lại. Mấy người đàn bà đi vào, vẫn tò mò muốn biết chuyện gì đã làm tôi khóc lóc như thế.


 “Không có chuyện gì đâu,” mẹ tôi bảo họ, “cậu này đang suy nghĩ một điều gì cực kỳ quan trọng đó thôi.”


 “Xem mặt cậu ta kìa!” Họ cười lớn. “Làm như chẳng có gì xẩy ra vậy... thế mà hồi nẫy ầm ĩ cả lên!” Rồi, không để ý đến nữa, họ lại đi ra tiếp tục làm công chuyện.


 Đêm đó, tôi ngủ thật ngon lành một mạch cho đến quá 8 giờ sáng hôm sau mới dậy. Bình thường tôi dậy sớm hơn thế nhiều. Tôi thức dậy giữa tiếng la ó của đám trẻ con trong khu vườn của đền Tenjin sau nhà. Một lũ trẻ –bạn hàng xóm của tôi—vừa tìm thấy mấy con chim quạ con, và chúng nó đang nhao nhao chạy đuổi theo chúng, cố tranh đua xem đứa nào đánh mạnh được nhất vào mấy con chim non này. Tôi chạy ra, tính nhập bọn với chúng, nhưng đứng dừng lại, vì chợt nhớ hôm nay mẹ sẽ nói điều bí mật ra cho mình. Thế là tôi quay gót vội vã chạy vào trong nhà.


 Mẹ tôi đang ngồi đàm đạo với một bác sĩ già tên là Ichikawa Gendo. Tôi ngồi xuống sau tấm cửa kéo ngang, đợi họ nói nốt câu chuyện. Một lúc sau, Gendo bước ra, chào từ giã mẹ tôi, rồi ra về.


 

 Tôi bước đến gần mẹ, làm bộ mặt nhăn nhó, gãi đầu gãi tai. “Mẹ, tóc con ngứa quá, khó chịu lắm. Con xin lỗi làm phiền mẹ, nhưng mẹ gỡ dùm tóc con ra rồi quấn lại được không?”


 “Ô kìa!” Mẹ tôi la lên, “Con làm sao vậy?”


 Tất cả mọi người đang ở gần đó nghe vậy bèn thò đầu vào, hỏi chuyện gì xẩy ra. “Nó bảo là nó ngứa đầu, thấy khó chịu, nên muốn tôi chữa cho nó.” Bà nói.


 “Cứ cái điệu này,” họ nói, “có ngày rồi mặt trời sẽ mọc ở phương Tây cho mà xem!”


 Mẹ tôi sai người hầu gái lấy hộp lược, rồi dẫn tôi ra cái phòng ở gần hàng hiên. Tôi bảo cô hầu gái đi ra rồi mới nói chuyện được. Cô chần chừ bước ra khỏi phòng, tò mò quay đầu liếc nhìn lại.


 Khi chúng tôi chỉ còn một mình, tôi kính cẩn quỳ gối trước mặt mẹ, nói, “Chắc chắn là không có ai tội lỗi nhiều như con. Mẹ nhớ lời hứa hôm qua không, là nếu mẹ biết cách nào tránh được những ngọn lửa địa ngục, thì mẹ nói cho con nghe để cứu con không?”


 “Con à,” bà nói, “con biết là mẹ không dấu con gì hết mà. Nhưng hãy để mẹ làm tóc cho con trước đã. Chuyện kia mình nói sau cũng được.”


 “Không, mẹ phải nói cho con trước đã,” Tôi phản đối. “Rồi sau đó mẹ làm gì tóc con cũng được. Mẹ nói với con trước đi.”


 “Không,” bà nói, “làm tóc trước.”


 Chúng tôi cãi qua cãi lại, rồi, khi nhìn thẳng vào mắt mẹ, tôi chợt có ý tưởng: “Mẹ không thực lòng muốn giúp mình. Đêm qua, khi thấy mình khóc lóc thảm thương, mẹ chỉ nói vậy để làm cho mình nín đi thôi. Đã vậy, nếu mẹ muốn gạt mình , mình sẽ làm ầm lên cho coi.”


 Tôi nhẩy lùi lại, bạnh cầm lên sẵn sàng tranh đấu, nhưng ngay lúc đó, mẹ ngăn tôi lại. “Khoan đã, để mẹ nói cho nghe. Như thế này: lúc nào con cũng phải thờ phụng vị thần của đền Kitano.”


 Nghe vậy, tôi vui mừng, dơ đầu ra cho mẹ chải tóc. Xong xuôi, tôi đến phòng thờ quét dọn sạch sẽ, rồi treo lên một bức tranh vẽ Tenjin, chưng vài đóa hoa trên bàn thờ. Rồi tôi thắp nhang lên, bắt đầu niệm tên Tenjin liên tiếp không ngừng. Ngay đêm đó, tôi đã thuộc lòng cuốn kinh Tenjin; và sau đó, cứ mỗi buổi sáng vào giờ Sửu (khoảng 2g sáng) tôi lại thức dậy, thắp nén hương cúi lậy thần Tenjin, cầu xin được giải thoát khỏi địa ngục cháy bỏng đang chờ đợi tôi sau này.


 Những sự việc này khiến cha tôi lấy làm tức giận . “Thằng nhãi ranh, đêm nào cũng thức dậy, làm phí bao nhiêu dầu thắp đèn. Một thằng lỏi như mày mà ngồi đọc kinh, có ích lợi gì hả?”


 “Ông này!” mẹ tôi ngắt lời. “Ông đã chẳng lo tu gì cả, lại còn bảo người khác không tu như mình. Con ông muốn tụng kinh là điều đáng mừng chứ sao. Đừng có cản trở nó.”


 Lúc bấy giờ, phong trào chơi bắn cung với những cây cung và mũi tên nhỏ đang thịnh hành cho cả trẻ con lẫn người lớn. Tôi muốn bí mật tập luyện trò chơi này, để không ai biết được. Những cánh cửa kéo ngang trong nhà tôi làm bằng giấy in theo kiểu hoa cúc trông thật là mục tiêu hấp dẫn. Quyết định sẽ cố bắn trúng cho bằng được vào một bông hoa đó, tôi mải mê tập dợt, quên hết tất cả.


 Trong nhà tôi có một bức tranh của người anh lớn của tôi vẽ hình thi sĩ Tây Hành (Saigyo) đang đứng dưới một cây liễu. Bức tranh này do Ryui, một nghệ sĩ, đã vẽ lại. Anh tôi quý bức tranh này lắm, treo ngay ở nơi tokonoma (bệ trang hoàng trong góc tường). Không biết làm sao, một mũi tên tôi bắn ra đã trượt khỏi mục tiêu và đâm ngay một lỗ hổng vào mắt trái của Saigyo.


 Khi thấy như vậy, cả thân hình tôi bắt đầu run lên sợ hãi. Tôi vội vàng chắp hai tay lại, cầu khẩn thần Tenjin đến cứu: “Lậy thần Kitano , con xin nương nhờ nơi ngài. Cầu xin ngài nhủ lòng từ bi và dùng năng lực vô biên của lời nguyện để bảo vệ cho con. Cầu xin ngài phù hộ cho việc con làm vừa rồi đừng có ai biết đến.”


 Trong khi tôi đang vã mồ hôi, co rúm người lo sợ, anh tôi đã yên lặng về nhà từ lúc nào không biết. Anh tìm thấy bức tranh bị hủy hoại, liền dựt nó khỏi bức tường, rồi vội vã chạy vào phòng mẹ tôi. Anh để nó trước mặt bà, phùng mang trợn mắt giận dữ: “Mẹ xem kìa, thằng lỏi con vô tích sự của mẹ nó phá như thế này đây!” Rồi, lấy lại chút bình tĩnh, anh nện bước ra khỏi phòng, đập cửa cái rầm rồi đi mất.


 Mẹ tôi trừng mắt nhìn tôi, nhưng không trách mắng gì. Tôi lại bắt đầu nói chuyện lung tung; nhưng thực ra bên trong cảm thấy rúng động. “A, thần Tenjin ơi,” tôi nghĩ, “ngài là một vị thần hơi khó tin đó. Chuyện tương đối nhỏ như vậy mà ngài còn chẳng che dấu cho con được, thế thì làm sao con có thể trông cậy ngài cứu thoát khỏi lửa địa ngục được?”


 Đêm đó, tôi lại thức dậy vào giờ sửu và đi ra bàn thờ thắp hương cúng như thường lệ. Tôi nhắm chặt mắt lại, chắp hai tay vào nhau, van vái: “Lậy ngài Kitano vĩ đại, con hoàn toàn đem thân mạng nương nhờ nơi ngài. Nếu ngài có năng lực cứu thoát con từ lửa thiêu địa ngục, xin hãy cho làn khói hương này đi thẳng lên một đường. Nếu ngài không giúp con được, hãy cho khói tản mác mọi nơi.”


 Tôi nhắm mắt lại ngồi tĩnh tọa một lúc, hai tay vẫn chắp trước ngực. Rồi tôi mở mắt ra. Khói từ cây nhang đang bay thẳng lên—thành một đường như sợi dây! A! Tôi lại nhắm mắt, ngồi ngẫm nghĩ đến phước báu của mình. Nhưng lần sau, khi tôi mở mắt ra, tim tôi muốn chùng xuống. Làn khói đang uốn vòng và tản mác ra khắp mọi nơi mọi hướng! Lòng tin của tôi vào năng lực của thần Tenjin đã bị tổn thương nặng nề. Chưa bao giờ , tôi cảm thấy buồn lòng hơn.


 Tôi đã nghe nói rằng khi có người nào khẩn thiết cần sự cứu rỗi tâm linh như tôi, không có vị thần thánh nào của đạo Phật hay Thần đạo có thể sánh kịp với năng lực vô biên của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Thế là tôi lập tức tụng bài kinh Quán Âm (kinh Phổ Môn) và chỉ trong một vài ngày sau đã thuộc lòng trên môi. Tôi tụng bài kinh đó cùng với bài kinh Tenjin, sớm tối không hề ngưng nghỉ.


 Nhưng dần dà, tôi bắt đầu suy nghĩ: “Mình đã bỏ biết bao nhiêu thì giờ và công sức ra tụng mấy bài kinh này, mà có vẻ như chẳng thấy hiệu lực gì cả. Mình vẫn còn thấy sợ hãi mỗi khi bị một vết bỏng trên da.”


 Lúc ấy, có một nhóm kịch múa rối đang đến địa phương này trình diễn ở một nơi gọi là Suwa. Họ diễn một vở kịch có nhan đề “Cái mũ sắt của Nisshin Shonin.” Trong vở kịch đó, lãnh chúa Tokimune, trấn nhậm khu vực Kamakura, đã hỏi một vị tăng thuộc phái Nichiren tên là Nisshin: “Một người đang thọ trì kinh Pháp Hoa có cảm thấy cái nóng của lửa cháy không?”


 Nisshin đáp, “Nếu hành trì đúng, người ta có thể vào trong lửa cháy bừng mà không bị tổn hại. Cũng có thể vào trong nước mà không bị chết chìm.”


 Lãnh chúa Tokimune bèn thử thách vị sư này, bằng cách cho đốt một lưỡi cầy rồi xiết chặt vào người của Nisshin. Ở trên đầu, ông cho đội một chảo gang nóng đỏ. Nisshin đã chịu đựng tất cả những khổ hình này một cách hoàn toàn an nhiên tự tại. Ông còn cố mỉm một nụ cười nữa.


 Khán giả xem vở kịch này đều có ấn tượng mãnh liệt. Đến cuối vở kịch, mọi người đều nhất loạt hô to danh hiệu thiêng liêng của kinh Pháp Hoa – “Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh….”


 Câu chuyện này khiến tôi lại suy nghĩ, “Nếu được là một vị tăng có bản lãnh như Nisshin, chắc sẽ có thể tránh không rơi vào lửa của địa ngục. Tôi sẽ trở thành một tăng sĩ Phật giáo. Tôi sẽ trở thành một vị tăng y như ông ấy vậy.”


 Tôi bầy tỏ cho mẹ tôi biết ước nguyện muốn xuất gia càng sớm càng tốt.


 “Kể cũng là một điều tuyệt vời, là con lúc nào cũng quan tâm đến việc có phải xuống địa ngục hay không.” Bà nói, “thôi thì, chẳng chóng thì chầy, chắc ta cũng phải chiều theo ý muốn của con thôi.”


  Từ đó, tôi để hết thì giờ trong ngày vào việc học kinh Phật. Tôi cũng đọc thông qua một bộ tuyển tập những câu thơ kệ Thiền. Tôi làm việc đó trong hai tháng, bắt đầu từ ngày 25 tháng 9, năm Genroku thứ 11 (1698), và chấm dứt vào ngày 25 tháng 11. Một lần nữa, cái duyên sẵn có của tôi với Kitano lại được chứng tỏ. “


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng