Xuất gia, thuở sơ thời

21 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 8423)


Xuất gia, thuở sơ thời

  (1699-1708)

 

 Cha mẹ Bạch Ẩn, đầu tiên đã phản đối, không muốn mất đứa con nhỏ thương yêu cho rời xa gia đình, nhưng rồi cuối cùng cũng đành phải chấp nhận cho sư xuất gia vào năm 14 tuổi. Sư được dẫn đến yết kiến Tanrei Soden (Đan Lãng) , vị trụ trì của chùa Tùng Âm, để xin thọ ký. Bạch Ẩn sau này đã miêu tả sư Đan Lãng như một người “cởi mở và có nhiều khả năng đặc biệt”, nhưng ngài cũng hơi sượng sùng mà nhận rằng vị thầy đầu tiên của ngài thuộc về trường phái “những người dậy Thiền không hành trì”, cách tu mà ngài đã chỉ trích nặng nề và cho rằng đã làm hạ thấp những truyền thống chân chính của Thiền tông.


 Không biết vì một lý do nào đó – dường như là vì tuổi tác cao và sức khỏe yếu kém của Đan Lãng – nên Bạch Ẩn được gởi ngay đến một ngôi chùa khác là Daisho-ji, một ngôi chùa cùng hệ phái ở thành phố Numazu lân cận. Trong vòng ba, bốn năm đầu, sư ở đó làm thị giả cho vị trụ trì là Sokudo Fueki, làm đủ thứ công việc tạp dịch của một sa di mới vào, và học thêm về Hán văn cổ điển thường dùng trong các kinh Phật, một phần học rất quan trọng trong sự tu tập.


 Một trong những bản kinh sư nghiên cứu ngày ấy ở chùa Daisho là kinh Pháp Hoa – một bản kinh phổ thông và nổi tiếng nhất trong những kinh Đại thừa, và cũng là kinh chính của phái Nichiren (Nhật Liên) của mẹ ngài, nên sư cũng đã ít nhiều quen thuộc với nội dung. Tuy nhiên, sau khi đọc kỹ từ đầu đến cuối, Bạch Ẩn đã cảm thấy thất vọng, cho là “chẳng có gì ngoài những câu chuyện về nhân quả”. Quan niệm này về kinh Pháp Hoa vẫn được giữ nguyên không thay đổi, và sư cũng không đọc lại bản kinh này nữa, cho đến lần chứng ngộ cuối cùng vào một đêm gần một phần tư thế kỷ sau đó. Lúc bấy giờ, sư mới khế hội được ý nghĩa sâu xa của bản kinh, và hiểu tại sao kinh này được tiếng là “kinh vương ” – một bản kinh siêu đẳng nhất trong giáo pháp Phật truyền lại.


 

Zenso-ji: thất vọng đầu tiên


 Năm 18 tuổi, sư rời Daisho-ji đến tu tập ở Zenso-ji, một thiền viện chuyên huấn luyện các tăng sinh, ở một nơi cách Hara không xa. Sư đến đó lòng tràn trề hi vọng, chuẩn bị sẵn sàng cho một chương trình tu học thật cam go như thường nghe các vị thiền sư nổi tiếng trong quá khứ đã phải trải qua, đã khắc phục được và đạt tới giác ngộ. Nhưng chẳng mấy chốc sư cảm thấy thất vọng. Ở Zenso-ji, các tăng sinh không phải qua những thời khóa tọa thiền miên mật và kéo dài như sư đã mong đợi. Họ thiên nhiều hơn về cái học từ chương, ngữ nghĩa—lúc bấy giờ, họ đang học một tuyển tập thơ Thiền của Trung Hoa. Đây là lần tiếp xúc đầu tiên của sư với những người theo đường lối tu mà qua nhiều lần tiếp xúc sau này, sư đã khinh bỉ gọi đó là “những kẻ theo loại Thiền tĩnh lặng, không hành trì”.


 Sau đó, sư lại bị một cú chấn động nữa. Trong một bài giảng, vị sư trưởng ngẫu nhiên đề cập đến một câu thơ có bao hàm điển tích của một đại thiền sư Trung Hoa là Nham Đầu (Yen-tou). Câu nói của vị sư trưởng đánh thức sự tò mò của Bạch Ẩn, nên sư đến thư viện tìm hiểu thêm về thân thế Nham Đầu, và biết được là vị thiền sư này đã bị một bọn cướp giết chết, và khi chúng cắt đầu ngài, tiếng la hét của ngài khi chết đã vang xa đến mười dặm quanh đó. Đối với một vị tăng trẻ như Bạch Ẩn, đây là một điều khó thể tưởng được: nếu một đại sư tài giỏi như vậy mà khi còn sống không thoát khỏi bị một bọn cướp tấn công và giết chết, thì làm sao một phàm tăng như sư khi chết rồi có thể tránh được ngọn lửa mãnh liệt của địa ngục? Khám phá này làm tắt hết mọi kỳ vọng mà Bạch Ẩn đã đặt vào trong việc xuất gia theo Phật. Sư chẳng còn chút thích thú gì trong việc tu tập Thiền. Càng ngày, sư càng cảm thấy chán ghét, đến nỗi “chỉ cần nhìn thấy kinh sách, hay một hình ảnh Phật giáo là cũng đủ làm cho sư thấy ruột gan cồn cào lên.”


 Những ngày sau đó, sư sống trong tình trạng tiến thối lưỡng nan, vừa hối hận cho quyết định xuất gia của mình, xem đó là một sự vô ích, sai lầm, nhưng cũng không còn mặt mũi nào rũ áo mà quay trở về nhà. Trong mười lăm ngày trăn trở, sư như người ở trên lửa đốt, tựa như những ngọn lửa thiêu đốt của địa ngục đã luôn luôn ám ảnh sư, đến nỗi sư phải quán đến tận cùng một giải pháp, và cuối cùng, quyết định chấp nhận bất cứ số mệnh nào sẽ đến sau khi chết, và sẽ tận dụng những gì có thể làm được trong cuộc sống hiện tại. Không còn đặt sự quan trọng vào việc tu đạo, sư dồn nỗ lực học văn thơ, thư pháp Trung Hoa, làm quen với tác phẩm của các đại thi sĩ đời Đường như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Hàn Dũ, và Liễu Tôn Nông.


 Trong thời gian ở Zenso-ji, một biến cố nhỏ xẩy ra trong cuộc đời Bạch Ẩn, cho thấy phần nào một phương diện “con người trần thế” mềm mỏng hơn của sư, không chỉ là hình ảnh của một người lý tưởng đầy khắc kỷ như thường được biết đến. Lúc ấy, Bạch Ẩn đang đến bưu điện Ejiri ở gần chùa, xem một nhóm kịch lưu diễn trình bầy một vở kịch. Họ đang diễn lại câu chuyện Bốn Mươi Bẩy Lãng Nhân, một biến cố vẫn còn để dấu ấn lại trong trí nhớ mọi người, vì mới xẩy ra vào năm ngoái. Khán giả đến xem rất đông đảo. Lúc kịch diễn ra được nửa chừng, vì khán đài quá đông người, không chịu nổi sức nặng nên đã sụp xuống, gây thương tích cho rất nhiều người. Khi Bạch Ẩn thấy ghế ngồi bắt đầu sụp đổ, sư vội vàng đem thân ra đỡ cho một cô gái ở bên cạnh. Hành động nhanh trí này đã cứu cô gái khỏi bị thương tích, và đem lại lòng biết ơn sâu xa của người cha cô gái, một thương gia buôn bán kimono giầu có. Bạch Ẩn trở thành vị khách thường trực của gia đình này. Người cha ngưỡng mộ Bạch Ẩn đến nỗi, ông có ý định coi sư như một người rể tương lai. Ông còn ngỏ ý muốn đưa sư vào trong dòng họ của mình. Nhưng Bạch Ẩn vẫn còn hướng tâm chủ yếu về đạo giáo, nên đã từ chối lời đề nghị đó.


 

Zuiun-ji: duyên trở lại đạo


 Mùa xuân năm 1704, Bạch Ẩn rời chùa Zenso-ji sau một năm tu học ở đó. Sư đi cùng với nhóm mười hai tăng sĩ khác đến Zuiun-ji, một ngôi chùa ở thành phố Ogaki, thuộc vùng Mino. Sở dĩ sư muốn đến ngôi chùa đó là vì nghe tiếng vị trụ trì ở đây, có danh xưng là Mã Ông Lão Nhân (Bao Rojin), là một học giả uyên bác, và có một thư viện rất phong phú trong chùa.


 Chùa Zuiun-ji là một ngôi chùa rất thiếu thốn, nghèo khổ. Các tăng sĩ đến trú ngụ phải tự đem gạo đến, kểø cả củi nhóm bếp. Mã Ông Lão Nhân tính tình lại rất khắc nghiệt, khó chịu, đối xử thô bạo với tất cả mọi người, nên những vị tăng đi cùng với Bạch Ẩn chẳng mấy chốc đều từ giã ra đi tìm cơ hội nơi khác. Riêng Bạch Ẩn, vì cảm phục tài của Mã Ông, vẫn kiên gan ở lại cam chịu khổ nhục trong cuộc sống chung với vị sư có tiếng là “con ngựa hoang của vùng Mino” này.


 Chỉ ít lâu sau, giữa Bạch Ẩn và Mã Ông đã có một liên hệ đặc biệt và thân thiện trong ngôi chùa vắng tanh, chỉ còn hai người sớm tối có nhau. Thỉnh thoảng có Onbazan, một đệ tử duy nhất của Mã Ông, cũng là một thi sĩ khá nổi tiếng, đến chùa giúp Bạch Ẩn sáng tác thơ liên hoàn. Hai người thay phiên nhau cùng làm bài thơ một trăm câu, Onbazan bắt đầu câu đầu tiên, Bạch Ẩn nối tiếp theo câu sau. Họ làm thơ rất nhanh, chỉ qua hai lần tàn hương là đã xong.


 Sau vài tháng học làm thơ chữ Hán và chữ Nhật ở đây, bỗng một ngày nọ Bạch Ẩn nghe tin mẹ đột ngột qua đời sau một cơn bạo bệnh. Tuy sư không nhắc nhiều gì đến biến cố này, nhưng chắc chắn là sự mất mát bất ngờ ấy đã có một ảnh hưởng trầm lắng trên tâm tư đầy bức xúc của tuổi trẻ trong Bạch Ẩn, khiến sư phải suy nghĩ lại ý nghĩa của cuộc đời, và nhận thức được rằng những sở học trí thức không thể làm vơi bớt được phiền não.


 Thời gian này, thư viện ở chùa cần phải tảo thanh, dọn dẹp lại, đưa đến một cơ duyên làm thay đổi cả lịch sử của Thiền tông Nhật Bản sau này. Đó là sự trở lại con đường tu đạo Thiền của Bạch Ẩn. Sư đã kể giai đoạn này như sau:


 “Một ngày nọ đang ở một mình trong chùa, tôi nghĩ ngợi phân vân đủ thứ chuyện trong đầu. Chợt tôi nhận ra rằng, nếu như có một điều không tưởng xẩy ra là tôi có thể làm thơ hay được hơn cả Lý Bạch hay Đỗ Phủ, thì cũng không giúp tôi tránh khỏi rơi vào ba ác đạo luân hồi khi mãn kiếp này được. Một lần nữa tôi lại đắm chìm trong sự buồn rầu – than vãn hối tiếc cho tình trạng của mình hiện giờ. “


 “Tôi đã đến một ngõ cụt hoàn toàn... trong tâm trí tôi vẫn còn tràn đầy sợ hãi... mà không biết nương tựa vào đâu để vượt qua. Những giòng lệ vô tình chẩy dài trên má ... đôi mắt lờ đờ tôi ngước nhìn lên hành lang của Phòng Khách, nơi có hàng trăm quyển sách đang chất chồng trên những bàn giấy cũ kỹ, sau công việc tảo thanh và dọn dẹp thư viện hàng năm. Khi nhìn thấy mấy quyển sách đó, bỗng tôi có một cảm giác hân hoan lạ lùng. Thắp nhang lên, tôi đến trước những quyển sách, đọc một bài kinh rồi cầu nguyện chân thành đến chư Phật, chư thần hộ pháp xin soi đường chỉ lối... rằng tôi, sau bốn, năm năm nay thí phát quy y, vẫn còn dậm chân tại chỗ, còn chưa biết phải làm gì với cuộc đời mình... rằng tôi đặt hết tin tưởng nơi các ngài... con đường trước mặt dù đó là Phật giáo, Nho giáo hay Lão giáo, tôi sẽ đi theo bất cứ một dấu hiệu nào hiện ra... Rồi tôi từ từ tiến đến một đống sách trên bàn, nhắm mắt lại, tôi dơ tay ra mò mẫm, rút ra một quyển sách. Lòng đầy kính cẩn, tôi nâng quyển sách lên ngang đầu vài ba lần, rồi mở mắt ra. Tôi đã chọn đúng một kho tàng quý giá -- quyển “Vượt rào cản vào Thiền”! (một tuyển tập rộng rãi của những mẩu truyện, những đoản văn Thiền trích từ nhiều văn bản Thiền và Phật giáo).


 Lòng vui sướng tột độ, tôi cẩn thận mở sách ra và liếc nhìn dòng chữ hiện trong trang trước mắt tôi. Tôi đã dở đúng vào một đoạn đang miêu tả những thử thách cam go mà vị thiền sư Trung Hoa Từ Minh đã trải qua nhiều năm trước đây, khi ngài còn tu tập dưới trướng của Thiền sư Phần Dương.”

 

 Từ Minh, khi còn tu thiền nơi miền Bắc Trung Quốc lạnh giá như cắt, đã tự đâm vào đùi mỗi khi muốn đối phó với “con ma buồn ngủ”. Với Bạch Ẩn, đó là sự tu hành chân chính, quyết lòng xả thân vì đạo, không lùi bước trước bất cứ một trở ngại nào để đạt được tới cứu cánh. Từ Minh cũng là một nhân vật cực kỳ quan trọng trong dòng thiền Lâm Tế. Ngài được coi là đã có công phục hồi dòng Thiền này khỏi sự diệt vong trong những năm đầu của triều đại nhà Tống. Khi xét đến vai trò của Bạch Ẩn trong sự chấn chỉnh lại tình trạng suy vi trong Thiền tông ở Nhật, đó cũng là một điềm báo trước thật kỳ diệu khi trang sách được Bạch Ẩn chọn lại đúng là nói về Từ Minh. 


 Bạch Ẩn còn ở lại chùa của Mã Ông cho đến mùa xuân năm sau. Từ đó, sư đã bắt đầu một cuộc hành khước lâu dài trong mấy năm liền, đưa sư đi qua hầu hết các nơi chốn trong vùng trung nước Nhật, có khi đi xa đến tận Matsuyama, ở trên hòn đảo Shikoku. Những tháng ngày thọ giáo với Mã Ông đã phát huy trong Bạch Ẩn một thiên tài về thơ và thư pháp, mà sau này sư đã tận dụng khả năng ấy thật hữu hiệu trong việc truyền giảng chánh pháp.


 Trong thời gian này, khi dừng chân ở Matsuyama, một sự việc tình cờ đã run rủi cho Bạch Ẩn có sự thay đổi cái nhìn về thư pháp; sư nhận ra rằng, một thư pháp toàn bích chỉ có thể được thực hiện trong một tâm đã chứng ngộ. Từ đó, Bạch Ẩn dồn nỗ lực cho việc tu đạo hơn là lo chau chuốt tài năng về thư pháp và nghệ thuật. Sư đã kể lại câu chuyện này như sau: 


 “Khi tôi ở Matsuyama, dư luận trong vùng đồn đãi rằng ngôi chùa Shoju-ji, nơi tôi tạm trú, có nhiều vị sư có kiến thức rộng đang quang lâm, nên một vị tướng lãnh cao cấp trong vùng đã có nhã ý mời năm vị sư trong chùa đến nhà dùng trà và đàm đạo về văn hóa. Tôi là một trong những vị sư được mời.


 Ngày hôm đó, chúng tôi đến tư dinh của ông ấy, và sau khi trao đổi những lời chào hỏi và giới thiệu qua lại, chủ nhà đem ra một bộ sưu tập những bức liễn treo tường. Có khoảng 20 tấm tất cả, gồm các bản thư pháp, mà có vài bức chủ nhà thú nhận ông không đọc ra được chữ nào. Nghe vậy, tất cả các vị sư bèn nhìn về phía tôi, toét miệng ra cười chờ đợi.


 Có một bức trong đó đặc biệt cách chấm phá trong các chữ không đúng cách, khiến đọc cách nào cũng không thể đoán ra được là chữ gì. Trong khi những người khác ngồi đó nhăn mặt nhíu mày, gãi đầu gãi tai suy nghĩ, tôi cầm lấy bức liễn, viết trên mặt sau chữ “nhạc mẫu” và “bà già”. Mọi người bây giờ lại càng khó hiểu hơn, ai nấy đều cau mặt lại, hai tay nắm chặt hai bên sườn. 


 “ Như thế nghĩa là làm sao?” một người nói thì thào. “cái này cũng thật là khó hiểu đó,” người khác lúng búng nói, “chẳng hiểu được gì cả,” một người thứ ba nói. “ Sư huynh, làm ơn đi,” họ đều nói,” đừng ở trên đài tuyệt đối trên cao nữa, hãy xuống cõi giới tương đối này nói cho chúng đệ biết là cái gì đi.”


 Thế là, “từ trên mây bước xuống,” tôi đùa chơi một ít với họ. “Mấy chữ đó có nghĩa là: ‘khó...đọc...’” Nghe vậy, họ phá lên cười vui vẻ và vỗ tay hoan nghênh tưng bừng.


 Có một bức họa được cất đặc biệt trong một bộ hai hộp gỗ. Hộp gỗ này lại được bao trong một cái túi bằng gấm thêu tuyệt đẹp. Chúng tôi hồi hộp kính cẩn nhìn khi bức họa này được cẩn thận lấy ra cho chúng tôi chiêm ngưỡng. Đó là một bức thư pháp của Daigu Sochiku (một đại sư của thế kỷ 17). Những nét chấm phá sắc sảo hoành tráng cũng như những chữ được chọn viết dường như đã phối hợp với nhau thật tự nhiên và hài hòa. Tất cả mọi thứ đều thật đúng, thật hoàn hảo. Tôi nghĩ thầm: đây là tác phẩm của một con người đã giác ngộ chân chính. Bức thư pháp này có ý nghĩa đối với tôi nhiều hơn tất cả các bức thư pháp khác--- bỗng nhiên, tôi cảm thấy mất hết cả hứng thú đối với chúng.


 Khi trở về chùa, tôi về phòng đem bộ sưu tập nhỏ bé của mình ra, gồm có một ít thư pháp và bức họa --- khoảng chừng một tá --- một vài quyển sách thư pháp đã được làm cho riêng tôi, những bức vẽ và thư pháp những người khác tặng tôi theo yêu cầu (mà tôi vẫn thường trân quý), cũng như một vài tác phẩm của tôi. Cột chúng lại thành một bó, tôi đem ra ngoài nghĩa địa, đặt trước một trong những tấm bia mộ hình quả trứng, rồiø đốt cháy. Tôi ngồi đó nhìn cho đến khi chúng đã hoàn toàn bị ngọn lửa thiêu rụi.”

 

 Kể từ đó, quyển “Vượt rào cản vào Thiền” làm sách gối đầu tay, làm thầy để nương tựa, Bạch Ẩn đã đi lang thang khắp các chùa, tìm kiếm một vị thầy có thể bái phục được. Nhưng những cuộc du hành này không đem lại kết quả thành công nào, mà đã mở mắt cho Bạch Ẩn thấy một tệ trạng phổ thông lúc đó của Thiền tông. Hầu hết những vị thầy, kể cả ở trong ba trường phái Thiền lớn, đều là những người cổ võ việc tu thiền một cách thụ động, loại Thiền tĩnh lặng mà sau này Bạch Ẩn đã bài bác hết lời, gọi là đã làm nhụt chí của những thiền sinh hành giả. Ngài viết:


 “Nếu các thiền sinh không được thúc ép phải tìm hiểu chân lý cho tới cùng trong một tinh thần dũng mãnh và kiên cường, họ sẽ chẳng bao giờ thoát được lưới mê vọng giăng mắc của Ma Vương. Nó sẽ bám chặt lấy tận xương, tận da của họ, cho đến hơi thở cuối cùng của họ.”


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng