Núi Iwataki

28 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 8818)


Núi Iwataki

 

 Căn bệnh thiền của Bạch Ẩn đại sư xẩy ra trong thời điểm nào của cuộc đời , điều đó chưa thể xác định được vì có sự mâu thuẫn trong tự truyện của ngài. Khi thì ngài nói đó là khoảng ngoài 20 tuổi, ngay sau khi từ giã Chánh Thọ lão sư, khi thì nói vào khoảng ngoài 30, ngay trước khi ngài trở về chùa Tùng Âm. Theo như Kato Shoshun, một người có thẩm quyền nhiều về thân thế của ngài Bạch Ẩn, căn bệnh này có lẽ xẩy ra trong những năm cuối thập niên 20 tuổi của ngài, trước khi ngài về ẩn dật tại núi Iwataki. Trong chiều hướng đó, những diễn biến xẩy ra trước khi ngài về ẩn dật tại núi Iwataki được kể lại như sau:

 

 “Tiếp tục cuộc hành trình lang thang vô định qua những vùng tiêu sơ hoang dã không một bóng người, tôi rên rỉ trong cơn đau khổ, lại càng thấy gian lao hơn trong sự cô quạnh, không có ai để chia xẻ. Khi đến trạm dừng chân ở Ota, hơn bao giờ hết tôi cảm thấy buồn phiền não nề. Bỗng từ phía đàng xa, nơi mé trái của con đường, tôi thấy có một ngôi chùa cảnh trí thật thanh tịnh. Vì lúc ấy đã quá ngọ lâu, tôi quyết định đến đó xin ít trà để uống với bữa cơm. Tôi lầm lũi đi về phía cổng chùa, giở nón ra, rồi bước vào.


 “Làm ơn cho tôi xin chén trà được không?” tôi cất tiếng gọi.


 Vị trụ trì trong chùa (Manshaku-ji) bước ra, ngờ đâu lại là Chin Shuso ,một người bạn cũ thân thiết xa cách mấy năm nay. Cuộc trùng phùng bất ngờ này thật là một ngạc nhiên lớn , nói sao cho xiết sự mừng rỡ, chúng tôi nắm chặt lấy tay nhau, vừa khóc, vừa cười vì vui sướng. Cả buổi chiều hôm đó chúng tôi ngồi nói chuyện ngày xưa và kể lể những ước vọng cho tương lai. Đêm hôm đó tôi ở lại chùa, nhưng nói với Chin ngay sáng mai tôi sẽ lại phải ra đi lên núi Kokei.


 “Bây giờ đã đến đây rồi, việc gì huynh phải đi lên núi Kokei làm gì nữa?”


 Tôi thẳng thắn nói cho bạn biết ý định của mình.


 “Vậy thì, nếu thấy núi Kokei không thích hợp, nhất định huynh phải trở về đây. Đệ biết một chỗ có thể tốt cho huynh đó.”


 Sáng ngày hôm sau chúng tôi chia tay, nước mắt lưng tròng.


 Tôi lại lê gót chân phong trần buồn bã, quyết chí sẽ tìm một chỗ nào để “khô héo đi với cây cỏ núi rừng”, nhưng chẳng biết tìm nơi đâu cho một chỗ thích hợp để làm điều đó. Câu nói của lão sư Shoju than rằng “khó mà tìm được sao trên trời giữa trưa” lại đến trong trí tôi. Với con tim rên xiết như ngọn gió cuốn đại dương thành những đợt sóng trắng xóa giận dữ và đập rào rào qua những rừng thông, tôi lại tiếp tục bước chân trên những con đường hoang vắng. Bỗng chốc tôi thấy mình đang đi vào một vùng cảnh sắc đẹp vô ngần. Rừng cây lá xanh ngắt một mầu và vẻ đẹp thiêng liêng của cảnh trí này không gì có thể sánh được, kể cả những phong cảnh được tán dương trong thi ca cổ điển Trung Hoa và Nhật Bản.


 Trong khi đi quanh tìm kiếm và hỏi thăm người ở đấy, cố tìm một chỗ để dừng chân, tình cờ tôi gặp được một người quen cũ giờ đang trụ trì tại một ngôi chùa nhỏ trong vùng núi. Trong mấy ngày liền chúng tôi ngồi thảo luận với nhau thật sâu xa về những vấn đề liên quan đến đời sống tâm linh.


 Đồng thời, tôi cũng đi tìm kiếm, dọ hỏi khắp nơi, nhưng rồi cũng chẳng tìm ra được một chỗ nào thích hợp. Tôi đành quay gót buồn phiền trở về chùa Manshaku-ji.


 Chin đón mừng tôi. “Đệ biết huynh sẽ trở về đây mà,” Anh nói. “Hôm trước, đệ đã tìm được một chỗ đúng như huynh muốn. Đó là một nơi nhập thất lý tưởng, hoàn toàn tách biệt khỏi chốn bụi trần – thật yên tĩnh như đang ở trong Định vậy. Chỗ đó gọi là Iwataki, ở trong vùng núi cách đây chừng một dặm (Nhật) về phía Bắc. Có một vị thí chủ lớn tuổi tên là Shikano Tokugen đã cúng dường nơi đó. Cư sĩ Tokugen rất giầu, và là một phật tử thuần thành theo phái Tịnh Độ. Đệ đã mạn phép nói chuyện về thân thế của huynh với ông ta, và ông đã đồng ý cho xây ngay một chỗ ẩn cư cho huynh. Trong khi chờ đợi xây xong, huynh có thể đến tạm trú tại một nơi gọi là Kawaura, cách đây không xa lắm. Khi nào nơi ẩn cư đã sẵn sàng, đệ sẽ đến gọi huynh ngay.”


 Sau chừng một tháng ở Kawaura, Chin xuất hiện và đưa tôi về nơi cư ngụ của Tokugen. Tôi dọn về nơi ẩn cư mới, Iwataki-an (am Iwataki) ngay ngày hôm sau.


 Vị thí chủ lớn tuổi cử Shikano Kanji, người con trai lớn và cũng là người thừa kế của ông, đến đưa tôi về nơi ẩn cư. Một gia nhân theo sau mang một cái thùng gỗ trơn, loại thường được dùng để đựng gạo. Từ đó đi không xa lắm, chỉ chừng một dặm (Nhật) là chúng tôi đã đến nơi ẩn cư.


 Khi vào đến nơi rồi, tôi thắp lên một nén hương, lậy ba lậy, rồi ngồi ngay ngắn trong tư thế tọa thiền, im lặng và bất động. Kanji chắp hai tay lại cúi lậy tôi. Rồi anh ra đi xuống núi, để tôi ở lại đó hoàn toàn một mình.


 Còn lại hoàn toàn cô độc trong chốn ẩn cư này, tôi ngồi thẳng lưng kiên cố nhập định suốt cho tới sáng. Đêm hôm đó, căn phòng này bị một mãnh lực ma quái đáng sợ đến ám ảnh quấy nhiễu. Để tránh làm rườm rà thêm cho câu chuyện, tôi không muốn thuật lại những chi tiết ấy ở đây.

 

 (Theo hồi ký của Đông Lãnh (Torei), đệ tử của ngài Bạch Ẩn, câu chuyện đó được kể như sau:


 Đêm đó, sư ngồi tọa thiền rất khuya. Vào khoảng nửa đêm, sư nghe có tiếng chân rào rạo ngoài cửa. Rồi có tiếng cửa mở kẽo kẹt, và một người nào đó bước vào trong nhà. Người đó trông thật khổng lồ, đứng sừng sững bề cao có lẽ đến 8 hay 9 feet, dáng dấp man rợ như một người rừng. Một tiếng nói thật to vang dội lên: “Sư Bạch Ẩn!” Nhưng sư không quay đầu nhìn lại và cũng không trả lời. Sau một lúc lâu chừng như vô tận, bóng người ấy biến mất. Khi sư đứng dậy kiểm soát lại căn phòng, ngài thấy cửa vẫn cài then chặt chẽ, không có một dấu hiệu nào là đã có người đột nhập vào. Lúc ấy sư nhận ra rằng người khách lạ đã đến thử thách sư đó không phải là người thường.)

 

 

 Sáng hôm sau, tôi mở thùng gạo ra, dùng tay trái bốc một nắm gạo, rồi đun một nồi cháo ăn làm hai bữa. Ngày nào tôi cũng lập lại thói quen ấy. Rồi tôi tự hỏi, không biết chế độ ăn uống của mình có thoải mái hơn của Quốc sư Mộng Song (Muso), với chỉ có một nửa quả hồng một ngày thôi không?


 Sau một tháng sống như vậy, tôi vẫn chưa bao giờ thấy đói lòng. Ngược lại, thân và tâm tôi như bừng lên trong một tinh thần phấn chấn cao độ và một ý chí kiên quyết. Đêm tôi ngồi tọa thiền. Ngày tôi tụng kinh. Tôi chẳng bỏ qua một giây phút nào. Trong thời gian này, tôi đã kinh nghiệm những lần tiểu ngộ và đại ngộ không kể xiết. Biết bao nhiêu lần tôi đã nhẩy dựng lên, múa may quay cuồng quên hết tất cả mọi sự! Tôi không còn nghi ngờ gì nữa về lời của thiền sư Đại Huệ nói là đã có tới 18 lần đại ngộ và vô số lần tiểu ngộ. Thật đáng buồn là bây giờ người ta không còn đếm xỉa gì đến việc kiến tánh, coi đó như là đất vậy!”

 

  Trong những ngày ẩn dật trên núi Iwataki này, Bạch Ẩn đã hết sức dụng công, ngày đêm tinh tấn không ngơi nghỉ, có nhiều lúc không ngủ mấy ngày liền, quyết chí không dừng bước cho tới khi nào liễu ngộ được hoàn toàn. Thời gian trôi qua thấm thoát đã hơn một năm, Bạch Ẩn vẫn tiếp tục tưởng như có thể kéo dài vô tận cuộc sống đầy kham khổ nhưng hứng thú này đối với sư. Nhưng rồi một ngày, cuộc đời ẩn tu này bị chấm dứt đột ngột vì sự xuất hiện của một người khách phương xa. Đó là Yake Shichibei, một gia nhân trong gia đình, đã đem đến tin dữ về thân phụ của sư, lúc ấy đang lâm bệnh trầm trọng và thiết tha mong đợi sư trở về trụ trì nơi chùa Tùng Âm tại quê nhà, ngôi chùa hiện nay đang hoang tàn vì không có người làm chủ. Khó lòng từ chối sự yêu cầu khẩn khoản của người tớ trung thành, Bạch Ẩn đành phải nhận lời trở về cố hương, thầm nghĩ sẽ chỉ trong một thời gian rồi sẽ quay lại nơi rừng sâu núi thẳm này sống cuộc đời hoang dã, tự tại, tự do. Nhưng ngờ đâu, sự trở về này đã chấm dứt cuộc hành trình dài lang thang tìm Đạo từ bấy lâu nay của sư.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng