Hoằng Dương Chánh Pháp

28 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 9730)



Hoằng Dương Chánh Pháp

 (1716-1768 )

 


 Trở về mái chùa xưa Tùng Âm ở quê nhà, Bạch Ẩn thấy cả một khung cảnh hoang tàn đổ nát, nghèo nàn xơ xác không thể nào tả xiết. Vị trụ trì trước, Torin Sosho, là một người có vai vế cao hơn Bạch Ẩn trong tông phái, vì lý do nào đó không rõ, đã bỏ đi khỏi ngôi chùa này. Nguyên nhân có thể là vì sức khỏe của ông thường xuyên suy yếu, cũng có thể vì ông có những thói quen hoang đàng, nhưng chắc chắn là tình trạng tồi tệ của ngôi chùa này cũng đóng một vai trò không nhỏ trong sự bỏ đi của ông. Theo như lời tả lại: “Đêm đến, ánh sao lập lòe chiếu xuyên qua mái nhà dột nát. Nền nhà ướt sũng với nước mưa và sương đêm... Điện thờ đã không còn có cửa hay then cài nữa. Tài sản của chùa đã rơi vào tay những chủ nợ, và những dụng cụ để làm lễ cũng như những đồ đạc bầy biện trong chùa đã đều được đem cầm thế hết... Có lẽ bây giờ chỉ còn có ánh trăng và tiếng gió reo là những thứ duy nhất còn lại trong chùa đáng được để ý đến.”


 Mười ba tháng sau khi trở về, Bạch Ẩn được chính thức phong là vị trụ trì tại chùa Tùng Âm. Cùng năm đó, năm 1718, ngài được sắc phong chức Đệ Nhất Thượng Tọa từ ngôi chùa chính là chùa Diệu Tâm. Đó là cấp bậc tối thiểu theo như quy định của chính phủ cho những vị được sắc phong trụ trì một ngôi chùa, nhưng cấp bậc đó không chỉ thuần túy là việc đóng một số tiền và đăng ký Bạch Ẩn như là người đang trụ trì ở ngôi chùa Shoin-ji. Khoảng thời gian này cũng là lúc mà sư đã lấy pháp danh là Bạch Ẩn, và được biết đến nhiều nhất với cái tên đó.


 Tại ngôi chùa cũ kỹ tồi tàn này, Bạch Ẩn đã ở suốt trong những năm ba mươi cho đến bốn mươi tuổi trong những điều kiện cực kỳ khó khăn và thiếu thốn. Một người tớ già của gia đình đi lượm củi đem về, lục lạo khắp nơi kiếm chút rau để nấu, và cố gắng thu vén cho hai bữa ăn mỗi ngày. Một vị tăng đến đó ngày ngày đi khất thực cũng giúp đem lại thêm thực phẩm cho nhà bếp. Nhưng đồ ăn bao giờ cũng thật là ít ỏi, và người nấu bếp của chùa vẫn thường phải moi móc những đồ ăn đã hư thối hoặc bị mối mọt vứt đi từ những thùng rác trong xóm làng.


 Trong mười năm đầu ở chùa Tùng Âm, Bạch Ẩn sống lặng lẽ, không gây sự chú ý nhiều ra ngoài huyện Suruga, nơi chôn nhau cắt rốn của sư. Sư chỉ ở trong chùa, tham thiền nhập định, đôi khi giảng pháp cho một số ít tăng lữ và Phật tử đến tham vấn, và lo việc quản lý ngôi chùa. Một vài đoạn trong tập Hồi ký của Bạch Ẩn cho ta thấy được phần nào những khổ hạnh mà ngài đã trải qua trong cuộc sống giản dị, thanh bần ở chùa Tùng Âm trong khoảng thời gian này. Chiều đến, khi mặt trời vừa tắt sư trèo vào một cái kiệu cũ sập sệ, rồi ngồi lên một chiếc gối thiền đã để sẵn trong đó. Một trong những chú tiểu học đạo ở chùa sẽ đến quấn chăn futon quanh người sư, rồi lấy dây cột chặt lại để sư ngồi yên trong vị trí ấy. Và cứ thế sư ngồi như một pho tượng, “một bức họa tổ Bồ Đề Đạt Ma”, cho đến khi chú tiểu đến tháo dây ra ngày hôm sau. Phía sau nơi cư ngụ của sư, có một căn phòng đặc biệt để cho sư nhập thất chuyên tâm tọa thiền. Sư cũng luôn luôn thường tinh tấn, không sao lãng việc nghiên cứu những tác phẩm Thiền cũng như các kinh sách Phật khác: “Ngữ lục của các vị Phật, Tổ không bao giờ rời xa bên ngài. Ngài dùng tâm để làm sáng tỏ những giáo lý xưa, và cũng dùng những giáo lý ấy để làm sáng tỏ tâm.” 



 Nỗ lực ngộ đạo, trọng tâm duy nhất trong đời sư qua hơn một phần tư thế kỷ, đã kết thúc vào một đêm khi sư vào tuổi bốn mươi mốt. Lúc ấy sư đang ngồi đọc kinh Pháp Hoa trong phòng ở chùa Tùng Âm, ngay nơi phẩm có nhiều câu chuyện huyền nghĩa, mà trước đây nhiều năm sư đã bác bỏ như là “những câu chuyện đơn giản về nhân quả”. Trong phẩm này, Đức Phật nói cho đại đệ tử Xá Lợi Phất biết về thực tánh của Bồ Tát Đại Thừa, trong đó giác ngộ chỉ là bước đầu cho cả một quá trình hạnh nguyện của “tự độ, độ tha”. Đây cũng chính là điều mà Chánh Thọ Lão Nhân đã cố khai thị cho Bạch Ẩn nhiều năm trước đây. Giống như Xá Lợi Phất, Bạch Ẩn đã lầm tưởng rằng có được kinh nghiệm giác ngộ bước đầu có nghĩa là đã đầy đủ tất cả, và như thế có lẽ ngài sẽ không thể vượt qua được kinh nghiệm giác ngộ ấy nếu không có sự trợ giúp đúng thời của một vị chân sư.


 Trong khi Bạch Ẩn đang đọc, bỗng có tiếng dế kêu từ dưới nền đá của ngôi chùa vọng đến như một tiếng chuông đánh động; ngay lúc đó, sự bùng vỡ trong tâm đã đưa ngài băng qua ngưỡng cửa của đại ngộ. Những nghi vấn và hoang mang của suốt bốn mươi năm qua bỗng tan biến không còn dấu tích. Bây giờ ngài đã hiểu tại sao kinh Pháp Hoa lại được xem là cao siêu nhất trong tất cả kinh sách của giáo lý Phật , “thật rõ ràng sáng tỏ đến lóa mắt”. Những giọt lệ vui mừng tuôn trào trên má từng giọt nối tiếp nhau như những hạt trong chuỗi tràng – chúng đổ ra như những hạt đậu rơi lả tả xuống từ một bao bố rách. Kể từ lúc ấy, theo lời của Torei, “Thầy sống trong một trạng thái giải thoát thật vĩ đại. Giờ đây, những gì ngài làm cũng là những gì Phật làm, không thiếu sót chút gì, như thể là ngài nói cùng một lời với Phật, có cùng một miệng với Phật, như tất cả những vị Phật trước đây đã làm vậy. “

 

 Trong bốn mươi năm còn lại của cuộc đời, Bạch Ẩn đã tận dụng hết khả năng để truyền đạt lại những kinh nghiệm và tri thức của mình, đem hết năng lực phi thường sẵn có ra xoay chuyển bánh xe pháp luân để hoằng pháp độ chúng sanh. Nhớ lại khi trước, những sách như là “Vượt rào cản vào Thiền” và “Ngữ lục của ba vị Tổ” đã đóng một vai trò quyết định trong tiến trình khai ngộ của ngài, nên ngài đã nhận ra tầm quan trọng thiết yếu của văn chương giác ngộ trong sự truyền đạt chánh pháp Thiền. Đôi khi ngài nói đến việc tập viết văn như là “sự thực tập trí tuệ bằng lời”, mô tả rằng, “chỉ một đôi lời của một vị minh sư đạt đạo cũng đủ làm khuấy động hằng bao nhiêu thế hệ về sau”.



 Năm 1732, sáu năm sau khi đại ngộ, chùa Tùng Âm đã có khoảng hai mươi vị tăng cư ngụ và tu học ở đấy. Trong vài năm sau đó Bạch Ẩn bắt đầu đăng đàn tại chùa Tùng Âm thuyết giảng một số văn bản quan trọng của Thiền môn, trong đó có tác phẩm trứ danh Bích Nham Lục. Năm 1737, vào tuổi năm mươi hai, ngài bắt đầu được thỉnh cầu đi thuyết pháp ở các nơi khác, đầu tiên là tại chùa Lâm Tế (Rinzai-ji) ở huyện Izu gần đó, với khóa tu bốn ngày học về Bích Nham Lục, và hơn hai trăm người tham dự. Từ đó, ngài được khắp nơi trong nước bắt đầu gởi lời mời đến, khiến ngài phải bỏ nhiều thì giờ hơn bôn ba lên đường đi đây đi đó. Thời gian hoằng pháp này lên đến cao điểm khi ngài được 55 tuổi trong một pháp hội được tổ chức quy mô tại chùa Tùng Âm. Có tới hơn bốn trăm người đã tụ hội về tham dự. Nhân cơ hội này, Bạch Ẩn đã công bố một bản tuyên ngôn thật đầy đủ về Thiền, trong đó kết hợp tất cả những quan điểm căn bản của ngài về giáo lý và thực hành. Ngài công bố cho mọi người biết quyết tâm muốn cải tổ lại Thiền tông, bằng cách trừ bỏ những tà kiến, những nhận định sai lầm trong lề lối tu mà ngài cho là đã gây ra tình trạng băng hoại thời bấy giờ trong Thiền tông. Pháp hội này đã đánh dấu một ngã rẽ lớn. Đông Lãnh, đệ tử của ngài, nói rằng: “Kể từ đó, thầy được công nhận là bậc đại sư hàng đầu trong nước này.” 



 Một trong những đệ tử của Bạch Ẩn đã ghi nhận rằng, “Nếu lão sư của chúng mình được ngồi giảng pháp trên tòa cao của một ngôi chùa lớn danh tiếng, chắc chắn là cả thế giới này sẽ tìm đường đến đây.” Dù không hẳn như vậy, tiếng tăm của ngài đã bắt đầu vang xa, và người ta tìm đến chùa càng ngày càng nhiều. Từ khắp nơi trong nước, những tăng sĩ đã lần lần tìm đến xin nhập chúng . Nhưng bởi vì chùa Tùng Âm không thể nào cung cấp được chỗ ở và nuôi được số lớn người như vậy, các vị tăng này đã phải tự lo thu xếp cho mình. Họ tìm những nơi trú ngụ ở tản mác khắp nơi trong thôn xóm gần chung quanh ngôi chùa. Một vùng rộng lớn với rừng núi bao quanh đã được biến thành một trung tâm tu học Phật giáo thật vĩ đại. Bạch Ẩn khuyến khích họ lập thành từng nhóm ba người một, ra ngoài tìm kiếm những ngôi nhà, hay đình, chùa bỏ hoang, rồi vào đó lập thành những cái thất, và ở đó nỗ lực chuyên tu tọa thiền không ngưng nghỉ.



 Thật quả là chuyện hãn hữu chưa từng có. Một trung tâm tôn giáo mọc lên một cách tự phát, do chính những học tăng tự lập ra, những người đến đó với một động cơ tâm linh thật thuần khiết, với ước vọng mong mỏi được thọ giáo từ chính tay đại sư Bạch Ẩn. Một đoạn nổi tiếng trong tập “Dạ thuyền đàm thoại” đã diễn tả lại phần nào những khó khăn mà những tăng sinh này đã phải đối phó như sau:


 “Các tăng sinh vui vẻ chịu đựng những bãi độc dược mà thầy nhổ lên họ. Họ đón nhận những cái đánh từ cây gậy của thầy. Không bao giờ họ có ý tưởng muốn rời bỏ chỗ này đi đâu cả. Một số ít người đã ở lại đó đến mười năm, có khi hai chục năm, hoàn toàn không quan tâm gì đến việc họ có thể chôn vùi cuộc đời nơi xó chùa Shoin-ji này, trở thành cát bụi dưới hàng cây tùng ở chùa... Buổi sáng, họ thức dậy với cái đói đang đợi chờ sẵn. Buổi tối, cái lạnh buốt giá tràn đến như quất vào người. Họ tự nuôi sống mình bằng rau cỏ, bằng cám lúa mì. Tai họ lúc nào cũng bị tấn công với những lời chửi mắng, la hét đến điếc tai của thầy. Xương cốt của họ bị dần rã rời với những cú đấm, cú đánh bằng gậy của thầy. Những điều thấy được khiến họ phải nhăn mày lại kinh ngạc. Những điều nghe được khiến cả người họ toát mồ hôi như tắm... Khi mới đến chùa Tùng Âm, họ là những thanh niên tuấn tú như Tống Ngọc, như Ho Yen, da dẻ họ tươi tắn, sáng rỡ khỏe mạnh. Nhưng chẳng bao lâu, họ gầy gò, hốc hác đi như Đỗ Phủ, như Giả Đảo, làn da xanh xao bọc trên đôi gò má xương xẩu... Thử hỏi có ai trong số họ muốn ở lại chùa Tùng Âm này không, dù chỉ trong một phút chốc, nếu trong tâm họ không hoàn toàn muốn dốc lòng cầu đạo, chẳng còn để ý gì đến thân xác, lẫn cuộc đời của mình?”


 

 Làm sao những tăng sinh này lại có thể hi sinh hết cuộc đời, quên cả thân mình để về một ngôi chùa xác xơ chịu cực khổ từ vật chất cho đến tinh thần như vậy? Chẳng qua vì họ biết được rằng họ đã kiếm được một vị minh sư trong ngàn năm một thuở, một con người giác ngộ chân chính mang tâm nguyện thắp lên ngọn đèn chánh pháp cho tiếp nối mãi mãi về sau. Trong bao nhiêu năm trường, cho đến số tuổi lục tuần, Bạch Ẩn đã dồn hết nỗ lực vào việc giảng dạy những thiền sinh tu học toàn thời gian trong khu vực chùa Tùng Âm cũng như trong các vùng lân cận mà sư được mời đến dạy. Cho đến mùa đông năm 1750 – vào tuổi sáu mươi lăm—sư bắt đầu ra khỏi lãnh vực phụ cận chùa Tùng Âm và làm một chuyến du hành thật xa tới tận huyện Harima ở phía tây Osaka để thuyết một loạt bài pháp tại chùa Ryokoku-ji. Mùa xuân năm sau, sư chuyển qua dạy tại vài ngôi chùa ở huyện Bizen phụ cận. Trên đường trở về nhà, sư ghé qua Kyoto, ở lại đó vài tháng hướng dẫn tu học tại tư dinh của một cư sĩ giầu có tên là Yotsugi Masayuki. Trong những cư sĩ đến đó tu học, có họa sĩ văn nhân danh tiếng Ike Taiga.



 Cũng trong thời gian này Bạch Ẩn bắt đầu chú tâm nhiều hơn đến sinh hoạt văn chương của mình. Ấn bản đầu tiên của sư được ra đời vào năm 1743, khi tới tuổi 58, đó là tác phẩm Hư Đường Khai Diễn Phổ Thuyết ( Sokko-roku kaien-fusetsu). Tiếp theo là quyển Biên tập lời bình về những bài thơ Hàn Sơn tại Sendai (Kanzan-shi Sendai- kimon) vào năm 1746. Bốn năm sau là quyển Những lời mộng từ nơi xứ Mộng (Kaian-kokugo). Ba quyển sách này, trong số những tác phẩm quan trọng nhất của sư, là những bản ghi chép các lời giảng dạy cũng như các bài thuyết pháp Thiền môn dành cho các đệ tử cao cấp, những người đã quán triệt được lối hành văn khó hiểu của văn chương Thiền Trung Hoa. Những tác phẩm này biểu hiện một Bạch Ẩn đã chín mùi tới cao điểm năng lực, một Thiền sư đáng sợ, cứng cỏi vững chắc, mà những “lời nói sấm sét” được các đệ tử của ngài diễn tả như là “có một sức mạnh thật sắc bén khiến cho người ta hầu như không thể đến gần được ngài”.


 Có lẽ trong hầu hết cuộc đời sự nghiệp, Bạch Ẩn đã tránh không đi vào vòng cương tỏa của hệ thống đại thiền viện ở Kyoto, không chỉ trong thời gian hành khước khắp nơi mà còn lúc sau này, khi sư đến giảng pháp ở những chùa thuộc các vùng lân cận kinh đô. Còn về ngôi chùa Diệu Tâm (Myoshin-ji), trụ sở chính mà chùa Tùng Âm trực thuộc vào, cũng có những chỉ dấu cho thấy ít nhất đã có một vài vị chức sắc cao cấp ở đó biết đến những hoạt động vùng phía đông của vị tăng đơn lẻ miền quê này. Một trong những vị này là tăng sĩ học giả xuất chúng Muchaku Dochu đã đặc biệt ghi chú trong nhật ký của ông về những bức họa thư pháp lớn của Bạch Ẩn treo ở một nơi danh dự trong một phòng khách chính của chùa Diệu Tâm. Xét theo ngày tháng ghi chú trong nhật ký này, có lẽ đó là những tác phẩm khá xưa của sư, có lẽ lúc ngài vào khoảng gần cuối tuổi ngũ tuần, trước khi thư pháp của sư đạt tới mức tuyệt diệu vừa đơn giản, vừa hoành tráng như sau này, nhưng Dochu cũng đã tấm tắc khen ngợi cái nét “sinh động và dũng mãnh không tả xiết được” trong nét bút của ngài.


Đồng thời, sư cũng dọ dẫm những bước đầu tiên để truyền bá thông điệp của mình đến những đối tượng ở ngoài, và đối với những dân làng Hara cũng như dân chúng ở các vùng phụ cận, Bạch Ẩn không phải là người đáng sợ tới mức không thể đến gần được. Rõ ràng là sư đã quyết trong tâm rằng tất cả mọi người đều phải được chia xẻ những lợi ích trong những lời giảng dạy về Thiền của ngài. Sự phân biệt giai cấp, địa vị, hay giới tính hầu như là vô nghĩa khi đối diện với vấn đề quan trọng nhất là kiến tánh – sự thức tỉnh tâm linh có được khi con người nhận thấy bản tính thực sự nơi mình. “Trong vũ trụ này, có một kho tàng thật vĩ đại”, có lần sư đã nói, “Nếu bạn làm chủ được nó, thì dù bạn có là người lái thuyền hay kéo xe, có là gia nhân hay người tớ gái, bạn cũng vẫn là một người giầu có vô song, với đạo hạnh và trí tuệ. Nếu bạn không làm chủ được nó, thì dù bạn có là vua, là đại thần, với chức tước và bổng lộc giầu sang, bạn vẫn là một kẻ nghèo nàn ngu dốt, một con người thuộc hạng thấp kém.”


 Cho đến năm cuối cùng cuộc đời, càng ngày Bạch Ẩn càng gia tăng những nỗ lực và thời giờ để dành cho nhu cầu của lớp thính chúng mới mẻ và mở rộng này. Một nét thông thường biểu lộ sự truyền bá giáo pháp đến những tầng lớp bình dân nhất là những bức họa bằng mực Tầu đơn giản mà sư đã phát cho hàng ngàn những nông phu và dân làng đến xin. Và cũng vì họ, mà trong mười lăm năm cuối của cuộc đời, sư đã sáng tác cả mấy chục tác phẩm, vừa theo thể văn xuôi vừa theo thể thơ, trong những dạng biến đổi khác nhau. Một vài bài được sáng tác trong ngôn ngữ Nhật Bản bình thường, một số bài khác, vay mượn nét văn hóa phổ thông thời đại, lại dùng những ngôn từ bình dân, những tiết điệu đặc thù địa phương. Những bài thơ điên khùng, những câu nói vô nghĩa, những câu truyện dân gian, những bài ca nhái lại những bản nhạc phổ thông đương thời, những bài hát trên đường phố, quảng cáo bán thuốc, kể cả những câu đố – tất cả đều là những phương tiện truyền đạt giáo pháp mà căn bản nhất là vấn đề kiến tánh, làm sao nhận ra được con người thực sự, vô thủy vô chung của mình. Bằng lời văn giản dị, dễ phổ cập đến đại chúng, sư đã có thể truyền bá ý nghĩa Phật pháp đến tất cả tầng lớp trong xã hội.



 Bạch Ẩn cũng có biệt tài vẽ tranh và thư pháp, và những tác phẩm này của ngài lên đến hàng ngàn bức. Những bức vẽ của ngài thường là về những nhân vật Phật giáo như Đức Thích Ca Mâu Ni, Tổ Bồ Đề Đạt Ma hay các vị Tổ sư Thiền trong lịch sử. Nhưng ngài cũng sáng tác những đề tài mới lạ, gợi hứng từ những câu truyện dân gian, những niềm tin đại chúng, cũng như sự tưởng tượng phong phú của chính ngài. Sự sáng tạo và đa dạng của ngài cũng thể hiện thật rõ ràng qua những bức thư pháp. Tuy ngài dùng rất nhiều kiểu viết khác nhau, nhưng đặc tính chung trong thư pháp của ngài là nét bút sắc sảo dũng mãnh với một chiều sâu, tỏa ra một năng lực gây ấn tượng mạnh mẽ cho người thưởng ngoạn, thật độc đáo hơn các tác phẩm thư pháp Thiền từ trước tới nay. 


 Một nét khác đặc biệt trong những tác phẩm của Bạch Ẩn để lại là những đoạn văn thuật lại những kinh nghiệm học đạo và giác ngộ của ngài trong bao nhiêu năm. Ngài dùng những câu chuyện cuộc đời của chính mình, cũng như cuộc đời của các vị Tổ sư Thiền trong quá khứ trước đây làm bài học cho đời, kể lại những kinh nghiệm, những khó khăn đã vượt qua để khuyến khích kẻ hậu học tiếp tục kiên trì và tinh tấn trên con đường tu học Thiền. 


 Tinh thần sáng tạo và ước vọng muốn tìm những phương tiện thiện xảo để đưa người vào kinh nghiệm kiến tánh chính yếu đã khiến sư nghĩ ra một số những công án đặc thù và mới mẻ, bao gồm công án nổi tiếng “Tiếng vỗ của một bàn tay” – mà bắt đầu từ tuổi giữa lục tuần trở đi, sư đã giao cho những thiền sinh nghiên cứu thay cho công án “Vô” truyền thống.

 

 Khi tôi hai mươi mốt hay hai mươi hai tuổi, tôi đã nung nấu một chí nguyện lớn và ngày đêm nỗ lực dụng công, nhất tâm dũng mãnh tập trung tham khán công án Vô. Rồi một đêm... vào năm hai mươi ba tuổi,.. tôi đã có một kinh nghiệm đốn ngộ thật lớn lao. Muốn làm cách nào cho người khác cũng có thể tạo được cái năng lực ... để mà thấu suốt được Đại Sự này, tôi đã hướng dẫn, dạy dỗ họ từ ngày đó cho tới bây giờ, đã bốn mươi lăm năm qua rồi. Không chỉ với những người thân và bạn bè, nhưng tất cả mọi người, già trẻ lớn bé, trong các tầng lớp cao hay thấp cũng vậy. Tôi đã cho họ có những nghi vấn về cái Ngã của họ, tôi cho họ công án Vô để nghiền ngẫm, tôi dùng nhiều những phương tiện thiện xảo khác nhau... chắc hẳn trong bọn họ cũng đã có khá nhiều người có thể kinh nghiệm được niềm vui bao la của sự chứng ngộ.


 Thế rồi, khoảng năm hay sáu năm trước, tôi bỗng nẩy ra ý tưởng mới để dạy cho các đệ tử của tôi là bảo họ tất cả đều phải làm sao nghe được tiếng vỗ của một bàn tay. Tôi thấy đó là một cách dạy tốt hơn những phương pháp cũ tôi đã dùng rất nhiều. Những thiền sinh dùng công án này dễ khởi một khối nghi hơn, và họ đạt được tiến bộ rất nhiều hơn khi tham khán nó trong lúc tọa thiền. Sự vượt trội của công án này trên những phương pháp khác được dùng trước đây cũng tựa như là sự khác biệt giữa mây với bùn vậy.


 

 Năm sáu mươi sáu tuổi, Bạch Ẩn đến Kyoto trong thời gian khoảng ba tháng và được mời đi thuyết giảng tại chùa Diệu Tâm và một chùa khác lớn và quan trọng tương đương là chùa Đông Phước (Tofuku-ji). Tài liệu giảng là Bích Nham Lục. Trong những người theo dự khóa giảng này có ba vị sư cô trụ trì của ba ngôi chùa hoàng gia, một người trong số đó là con gái của Thiên Hoàng.

 

 Năm bẩy mươi bốn tuổi, Bạch Ẩn đã hoàn toàn tự tin nơi sự quán triệt và tri thức truyền đạt của mình , với những lời phát biểu như sau: “Bất cứ những gì tôi đưa lên để làm rõ nghĩa cho các bạn– dù chỉ là một mảnh vụn, một hòn sỏi—cũng sẽ biến thành vàng ròng. Bất cứ tôi có đang ở đâu lúc này, dù là đang ngồi nói chuyện đùa thoải mái với mọi người, cũng là đang chuyển bánh xe Pháp. “


 Bốn năm sau, vào mùa xuân 1763, tuổi già chồng chất và bệnh hoạn khiến càng ngày sư càng yếu đi thấy rõ. Những đệ tử của Bạch Ẩn thấy thầy mình không còn nét sinh động và linh hoạt như hồi xưa nữa. Những buổi thuyết giảng làm cho sư kiệt sức. “ Dường như nguồn năng lực bao la mà ngài đã đổ vào trong những hoạt động truyền pháp nay đã kiệt quệ rồi.” Đến giữa mùa đông, sự xuống dốc này càng đậm nét hơn. Những vị tăng đã hoạch định một buổi thuyết pháp cuối cùng cho thầy mình vào mùa xuân năm sau, giờ đây sợ không biết ngài có tham dự nổi không. Trong khi Bạch Ẩn vẫn không tỏ vẻ muốn giảm bớt những công việc giảng dạy, nhưng sư cũng cảm thấy cần phải “chia xẻ việc đăng đàn thuyết pháp” với người đệ tử chính là Đông Lãnh cũng như các đệ tử khác. Năm sau, sư chính thức từ chức trụ trì chùa Tùng Âm, giao lại cho đệ tử là Túy Ông Nguyên Lư (Suio Genro) đảm nhiệm.


 Mùa xuân năm tám mươi mốt tuổi, sau khi ra thông cáo không nhận thêm học trò nữa, Bạch Ẩn lên kiệu du hành tới Edo đến ngôi chùa mới lập xong của đệ tử Đông Lãnh ở đó một thời gian. Trong sáu tháng ở lại đây, mỗi ngày sư đều tiếp tục giảng dạy , và trong thính chúng cũng có những chức sắc cao cấp của chính quyền tham dự.


 Mùa xuân và mùa hè năm sau, Bạch Ẩn đi nghỉ mát tại một suối nước nóng trên bán đảo Izu, nhưng mùa đông đến sư trở về chùa Long Trạch (Ryutaku-ji) mà ngài mới lập trên vùng Mishima lân cận, ở đó sư đã thuyết giảng những biên tập về Thiền của ngài, “Những ngòi độc trong một bụi gai dầy”  (Keiso Dokuzui). Thính chúng bao gồm hơn hai trăm năm mươi vị tăng – nhiều người trong số đó đã là đệ tử lâu nay—vân tập về từ khắp nơi trong nước để nghe thầy giảng có lẽ là lần cuối. Qua nửa chừng khóa tu, sư quá mệt mỏi yếu đuối không còn tiếp tục được nữa, đành phải giao lại cho Torei đảm nhiệm.


 Tết Nguyên Đán (năm 1768) đến, sư vẫn ở tại chùa Long Trạch. Khi khóa tu mùa đông vừa hết, sư bắt buộc phải nghỉ ngơi trên giường bệnh với một chứng bệnh mà các bác sĩ gọi là “có quá nhiều đường”, có lẽ là một hội chứng của bệnh tiểu đường. Sau khi uống thuốc tẩy độc, và ngủ được đôi chút, sư đã hồi phục lại phần nào. Sau đó trong năm, sư cảm thấy đủ mạnh để nhận lời đi thuyết giảng cho ba ngôi chùa lân cận. Trong hai ngôi chùa, sư đã để ra vài ngày nói chuyện về bất cứ đề tài gì ngài nghĩ đến. Sự gắng sức một lần nữa lại làm sư kiệt quệ, nhưng khi một đệ tử thử đề nghị ngài ngưng giảng pháp, ít nhất cho đến khi ngài cảm thấy mạnh hơn một chút, thì câu trả lời tiêu biểu bao giờ cũng là: “Ta mệt thì có nghĩa lý gì, so với những khát khao mà đệ tử của ta phải chịu?”


 Có lẽ những ngày cuối đời của Bạch Ẩn được mô tả đúng thực nhất trong quyển “Hồi ký Bạch Ẩn” của Đông Lãnh như sau:

 

 “Tháng mười một, thầy trở về chùa Tùng Âm. Tình trạng sức khỏe của thầy càng ngày càng trầm trọng hơn thấy rõ.


 Vào ngày sáu tháng mười hai, một cơn bão lớn quét qua khu vực, sấm sét ầm ầm nổ vang trên mặt đất thật dữ dội . Ngày hôm sau, y sĩ Furushori đến xem mạch cho thầy. Thầy hỏi:


 “Ông thấy thế nào?”


 “Không có gì bất thường,” ông ta trả lời.


 Thầy mắng:


 “Có thể nào gọi một y sĩ là tài giỏi được không, nếu ông ta không biết nổi bệnh nhân của mình chỉ ba ngày nữa là chết?”


 Cụ Yamanashi được cho phép vào thăm. Một bàn cờ go được bầy ra, nhưng chỉ sau hai hay ba nước, thầy bị bắt buộc phải ngưng lại. 


 Đến ngày mười, thầy gọi đệ tử Túy Ông vào giường bệnh, căn dặn những công việc riêng phải lo sau khi thầy viên tịch.


 Ngày hôm sau, lúc trời vừa sáng, thầy nằm nghiêng bên tay phải, ngủ rất an bình. Bỗng nhiên thầy rên lên một tiếng lớn, “Unnn”, rồi nhẹ nhàng ra đi.


 Đám tang được tổ chức vào ngày mười lăm. Một cơn bão thổi đến, mưa gió dầm dề khiến lễ hỏa táng phải dời lại đến hôm sau. Hỏa thiêu xong, trong đám tro tàn có vô số xá lợi được tìm thấy.... Trông chúng giống như những viên ngọc mầu xanh biếc thật quý – đúng là kết tinh của một đời thiền định và trí tuệ. Những đám đông người kéo nhau lũ lượt đến nơi hỏa thiêu, một số ít trong bọn họ trông như những con quỷ tụ lại nơi hỏa thiêu Đức Phật hầu mong lấy được chút xá lợi quý báu. Vì vậy, xá lợi của thầy được chia ra làm ba, thờ trong những bảo tháp ở ba ngôi chùa của thầy.”

 

 Hai năm sau khi viên tịch, Bạch Ẩn được hoàng gia sắc phong chức vị danh dự “Thiền sư” (Zenshi), danh hiệu là Shinki Dokumyo. Năm 1884, Minh Trị Thiên Hoàng ban thưởng cho ngài chức Quốc Sư (Kokushi), danh hiệu là Shoshu. Ngài cũng là vị Quốc Sư cuối cùng được sắc phong tại Nhật Bản.


Ý kiến bạn đọc
25 Tháng Hai 20118:00 SA
Khách
Tôi đã rất xúc động và học được nhiều bài học quý giá khi đọc bài viết về cuộc đời Thiền sư Bạch Ẩn . Cảm ơn dịch giả Ngọc Bảo nhiều lắm ! Thiền sư Bạch Ẩn , cảm ơn Phật pháp đã đem đến cho loài Người những hoa trái diệu kì ! Chúc dịch giả Ngọc Bảo luôn khỏe mạnh , an lạc và mang nhiều bản dịch nữa đến với mọi người .
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng