-- Oretagama II: Bệnh khổ và Thiền

30 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 8678)



Oretagama II: Bệnh khổ và Thiền



Thơ gởi tăng bệnh ở xa


 

 Mỗi lần nhận được thơ và tin tức của ông tôi đều rất vui, hôm nay nhờ Quan Âm gia hộ, lại được thơ ông gởi đến với một chút hương thơm đồng nội. Tôi đã tính lúc nào đi thăm ông, hi vọng rằng ông vẫn luôn tinh tấn tu hành, và có thể đã đạt được niềm vui bùng vỡ của đốn ngộ với tiếng hét “Ka” vang dội. Rồi nhận được tin là từ mùa hè năm ngoái ông đã không được khỏe, phải bắt buộc nằm dưỡng bệnh, và có nhiều lo lắng bất an. Nhưng bây giờ Quan Âm cho thấy mọi sự không đến nỗi tệ như thế và trong mấy ngày qua ông đã có thể vào thiền đường tu tập. Thật vui mừng xiết bao!


 Một vị tăng dù bệnh đến thế nào đi nữa cũng phải để bệnh tật qua một bên, lo lắng bệnh tật là vấn đề của thế gian. Vị tăng chỉ nên chú tâm vào việc trọng yếu nhất của mình là tiếp tục tu tập hành thiền. Tinh tấn hành trì trong lúc bệnh khổ là điều thiết yếu, và không nên quan tâm đến những gì sẽ xẩy đến trong tương lai. Nhất định là không được giải đãi, vì ông phải tin tưởng rằng đây chính là thời điểm quan trọng nhất, và trong bất cứ trường hợp nào cũng không được buông lung, cẩu thả.


 Ba mươi năm trước lão sư phụ của tôi là Chánh Thọ Lão Nhân đã nói với một vị tăng đang bệnh như sau:


 “Không có gì khốn khổ và đau đớn bằng cơn bệnh đến với những người nhậy cảm. Tâm trí bất an của họ không ngừng nghĩ đến những điều đã xẩy ra trong quá khứ và thắc mắc lo lắng cho tương lai. Họ than phiền những người chăm sóc cho họ không được chu đáo, rồi họ bực tức vì không thấy bạn hữu ở xa hỏi thăm. Họ nuối tiếc đã không đạt được danh vọng ước mơ trong đời và lo sợ sự đau khổ sẽ đến trong màn đêm dài dặc sau cái chết. Họ nhớ về cố hương xa xưa và buồn lòng vì không có được đôi cánh bay về đó. Họ cầu khẩn thánh thần và rồi giận dữ vì không thấy có sự đáp ứng tức thời nào đến. Khi nằm xuống nhắm mắt lại, trông họ như có vẻ đang nghỉ ngơi thoải mái, nhưng thực ra trong lồng ngực của họ là cả một trận chiến sôi sục và tâm họ còn đau khổ hơn cả những chúng sanh trong ba cõi dữ. Một cơn bệnh nhẹ đến cũng bị họ tưởng tượng ra thành trầm trọng. Nếu lúc sống bệnh tật làm họ điên cuồng lên như vậy, thử hỏi lúc chết rồi họ sẽ như thế nào? Nếu những điều nghĩ tưởng có thể chữa được bệnh như những vị thuốc, tôi cũng vui lòng đến giúp cho họ tha hồ mà nghĩ tưởng. Nhưng chính những điều nghĩ tưởng lại gây tác hại vô cùng: chất hỏa của ngọn lửa trong tim bốc lên cao, chất kim trong phổi kiệt quệ đi trong đau đớn, chất nước trong cơ thể khô cạn đi, và những cơn sốt nóng lạnh kéo đến hành hạ thân xác không ngừng nghỉ. Dần dần mồ hôi xuất ra dầm dề cho tới khi khó thể bảo trì được gốc rễ của sự sống nữa. Những người này lãng phí một đời trong sự lười biếng vô mục đích và tâm trí điên đảo của họ biến những bệnh nhẹ thành những căn bệnh trầm trọng. Những người như vậy không bị giết bởi căn bệnh mà chết dần theo những vọng tưởng điên đảo. Những vọng tưởng điên đảo thật ra còn đáng sợ hơn cả cọp beo và chó sói. Những con vật này còn bị các hàng rào, các cánh cửa chận lại, chứ những con chó sói của vọng tưởng còn đi xuyên qua được nền tảng tọa thiền và gây tàn phá bên trong những lớp áo của người tu. Một số người bệnh than khóc thảm hại, cho là trên đời này không còn ai bất hạnh hơn họ được nữa. Được sinh ra làm người đã là một cái phước hiếm có, lại còn được tôn kính với địa vị tăng sĩ của mình, thế mà họ không chịu tọa thiền tích lũy công đức, cũng chẳng thấy được một chút ánh sáng nào của Phật. Họ chỉ biết khóc lóc than phiền, thương tiếc cho những lãng phí đã qua, và tuy họ muốn tìm kiếm sự đồng cảm nơi chúng ta, nhưng họ có là gì đâu, chỉ là những phàm tăng vô minh không đạt được đạo vì cẩu thả và lười biếng.



 Để tọa thiền có hiệu quả, không gì hơn là tọa thiền trong lúc bệnh. Các bậc trí giả ngày xưa thường đi về những nơi chốn xa xôi, sống mai danh ẩn tích trong rừng sâu núi thẳm, buông đi chuyện thế gian, cách ly với những bổn phận phàm tình mà nhất tâm tập trung vào sự tu hành đạt Đạo. Nhưng khi bị bệnh, ông không cần phải đi về chốn núi rừng xa xôi ở đâu cả. Dù sao đi nữa, vị tăng bị bệnh cũng tránh được những công tác khó nhọc như là đi khất thực, hay làm những việc lao dịch trong chùa. Ông ta không phải phục vụ những vị tăng khác hay tiếp khách, ông được miễn không phải tham dự những buổi thuyết giảng ồn ào, chộn rộn với đủ thứ chuyện tầm phào. Ông ta không biết gì đến những nỗi khó khăn trong việc quản lý một ngôi chùa, và cũng chẳng thấy những sự đời điên đảo xảy ra hàng ngày. Việc sống chết của ông ta là tùy thuộc vào ý trời, việc ăn mặc của ông là tùy thuộc vào người săn sóc. Như con chó hoặc con mèo cúi mình chấp nhận hoàn cảnh, ông ta chẳng cần phải hiểu biết mọi sự để có quyết định gì cả. Tất cả điều ông ta phải làm chỉ là ngồi yên trên gối thiền và quan tâm làm sao cho việc tọa thiền chân chính không bị làm cho mất đi. Thấy sanh tử như mộng huyễn, buông bỏ những khái niệm về cõi trời và cõi địa ngục, cõi uế trược thế gian và Tịnh Độ, ông ta xoay tâm hướng về nơi chưa khởi một niệm thiện ác, về trạng thái vô vi không dính líu những tạo tác phàm trần. Nếu ông ta cứ tìm hiểu vấn đề này và tiếp tục kiên trì tinh tấn hành thiền, một lúc nào đó đột nhiên ông ta sẽ vượt lên trên ranh giới của sanh và tử, nhẩy vọt qua biên giới của mê và ngộ.


 Đạt được thân Kim Cương Bất Hoại đích thực, lúc đó chẳng phải ông ta là con người bất tử thực sự, là vô sanh vô tử đó sao? Lúc đó chẳng phải là ông ta thấy vui mừng đã được sinh ra làm người đó sao? Đó chẳng phải là sự trang nghiêm của một vị tăng đó sao? Đó chẳng phải là sự nhiệm mầu của Phật đạo đó sao? Đối với người tọa thiền chân chính, tất cả những chuyện may và rủi, thành công hay thất bại, thuận cảnh hay nghịch cảnh chỉ là những chất liệu nuôi dưỡng cho cơ duyên đưa đến quả Phật. Đối với những kẻ yếu đuối hèn nhát, những chuyện thế gian tầm phào nhỏ nhặt, ngay cả một cơn bệnh nhẹ như hột cải cũng trở thành chướng ngại lớn lao, để rồi cuối cùng chúng tạo thành lưới nghiệp. Họ tìm đủ các cớ để biện minh, như là kém cỏi không có được trí tuệ, như vậy là họ đã tự xa rời nguồn trí tuệ có sẵn nơi tự thân và nuôi dưỡng những chướng ngại làm nên nghiệp quả. Không có gì đáng thương hơn là sống sai lầm một đời với những lý do như vậy. Từ thời xa xưa, có rất nhiều người mang bệnh nặng nhưng cũng vẫn có thể đập nát được khối nghi trong lòng.


 Cách đây ít lâu có một vị tăng già bị một cục bướu thật to đến nỗi lưng ông gồ lên như một quả dưa bị nứt. Chẳng ai làm gì được hơn là đổ thuốc vào vết thương ghê gớm đó và đem đồ ăn đến nuôi dưỡng ông mỗi ngày. Ông không cho ai đến gần, suốt ngày nằm một mình nhắm mắt với cơn đau. Một ngày nọ, có một vài vị tăng bạn đến thăm ủy lạo, cùng lúc đó cũng có một vị bác sĩ hiện diện. Sau khi mổ cắt cục bướu kinh khủng đó, vị bác sĩ nói để an ủi ông trong cơn đau đớn: “Tôi cho thuốc vào vết thương rồi tối nay thầy sẽ thấy đau hơn nhiều đó. Thật tội cho thầy phải chịu khổ với cục bướu này từ bao lâu nay. Nhưng thôi, bắt đầu từ hôm nay vết thương sẽ lành lại và thầy sẽ dần dần hồi phục được.”


 Vị tăng mở mắt ra, trông như vừa mới thức dậy sau một giấc ngủ say. “Cám ơn quý vị đã có lòng thương đến thăm tôi. Tôi muốn nói cho quý vị nghe một điều không thể chôn dấu mãi. Tất cả quý vị hãy đến gần đây. Chính cơn bệnh ngặt ngèo này lại là một người thầy đáng quý đối với tôi. Chính vì có cục bướu này, tôi đã nhận ra được những lỗi lầm đã phạm phải từ hai mươi năm nay và bây giờ mới có được niềm vui thành tựu lời nguyện tôi đã lập từ hơn bốn mươi năm trước đây. Trước khi bị bệnh tôi tưởng rằng mình đã đạt được giác ngộ viên mãn, thấy mình đã đến được mức độ không còn gì khiếm khuyết nữa. Bỏ sự tu tập, tôi điềm nhiên thọ nhận mọi cúng dường và hành xử thật khiếm nhã và ngạo mạn. Rồi bất ngờ tôi bị căn bệnh trầm trọng này. Đầu, tay, và chân tôi cảm thấy như sôi sục lên, xương và gân cốt như muốn rã rời hết. Tôi thấy như mình sắp mê man đi và tim tôi dường như đang bị cái gì chận đứng lại. Tôi cảm thấy những hình phạt tra tấn của địa ngục đang bắt đầu được thành hình và những tri thức và giác ngộ đạt được đã biến đi đâu mất rồi. Tôi không còn có một phần nhỏ sức lực nào trước đây, và chỉ còn lại những loạn tưởng và cơn đau đớn. Thật kinh khủng quá! Có ai muốn bị như tôi thế này không, chẳng lẽ tôi phải chết trong sự khốn khổ và đau đớn như vậy sao?


 Cảm thấy cuộc đời không còn gì cứu vãn được nữa, tôi quyết định chân chính tọa thiền. Không biết sự đau đớn hay tọa thiền cái nào sẽ thắng, tôi quyết tâm chiến đấu đến tận cùng khả năng của mình. Tôi nung nấu một ý chí mãnh liệt và dũng mãnh tiến tới. Một đôi lần tôi bị lung lay với cơn đau nhưng rồi sau đó lại quyết tâm trở lại và kiên cường tiếp tục. Nhất định rằng tôi sẽ phải thắng một lúc nào đó, tôi quên cả ngày đêm, quên thức, quên ngủ. Và rồi cuối cùng tôi bỗng được đại ngộ. Trong hai tuần qua tâm tôi không còn bị bao phủ bởi những đám mây mù của vọng tưởng và cơn đau đớn, mà chỉ còn cảm thấy một niềm an lạc vô biên. Tôi đã giác ngộ được chân lý bất nhị của sanh và tử; tôi đã vượt qua được sự đối đãi phân biệt của Phật và chúng sanh. Tôi đã thấu suốt được những nguyên lý ẩn tàng của thân Kim Cương Bất Hoại duy nhất hiện hữu. Kể từ nay, dù cho có bất cứ những bất hạnh hay trở ngại nào đến, tôi cũng nhận ra rằng không có gì có thể làm suy suyển sự giác ngộ này. Tôi hi vọng rằng những người khác, khi đến thời điểm như thế này, sẽ không ỷ lại vào những sở đắc nhỏ nhoi mà hành xử như tôi đã làm trước đây. Tôi không biết nói sao cho đủ sự thiết yếu phải thực tập tọa thiền chân chính không lơi lỏng khi còn đang khỏe mạnh. Ngày hôm nay tôi có được duyên lành, cầu sao cho mọi việc cũng sẽ được may mắn như vậy! Nghĩ lại, chẳng phải là cục bướu này đã là một vị thầy siêu việt đối với tôi đó sao? Tuy nhiên, khi nghĩ đến những gì cần cúng dường hay tán thán, tôi không khỏi có một chút luyến tiếc phải chia tay với cục bướu này, khi thân thể bắt đầu lành bệnh.” Nói xong, ông nở một nụ cười rộng trên môi.


 Câu chuyện này đã được một vị tăng hiện diện lúc đó kể lại cho tôi.


 Cũng có một câu chuyện khác được kể lại về một vị Pháp sư thuộc phái Tu nghiệm đạo (Shugendo) của Chân Ngôn Tông (Shingon) . Ông bị sốt trầm trọng với căn bệnh nhiễm trùng đường ruột (typhoid), suốt ngày đêm nằm rên xiết trên giường bệnh. Nghe ông rên, một đệ tử của ông táo tợn nói đùa: “Thầy mình không có bình thường rồi đó. Nghe tiếng thầy chẳng giống với lúc ông mắng mình thường ngày chút nào. Cứ nghe ông ấy rên thì biết!”


 Vị thầy nghe vậy bật cười: “Coi chừng đó, tiểu tử! Ba ngày trước đây đúng là tiếng rên của ta nghe như tiếng bị tra tấn vọng lên từ cõi Địa ngục. Nhưng hôm nay đó lại là Diệu Âm của Vô Thượng Pháp đó. Nếu mi diễu cợt ta là sẽ bị trừng phạt vì tội báng bổ chánh pháp đó, nghe chưa.”


 Vị tăng trẻ hỏi: “Có thể nào người ta đắc được quả Phật nhanh như trở bàn tay không?”


 Pháp sư trả lời: “Vì lợi ích chúng sanh, Đức Phật đã trải qua ba a-tăng-tỳ-kiếp vô tận để chứng đắc Niết Bàn, và ngài đã giảng cho những người có đủ trí dũng biết là chỉ trong một niệm cũng có thể thành tựu Phật đạo được.


 Trước đây trong căn bệnh trầm kha này, ta đã phải chịu đựng những đau đớn vô cùng tận, khiến lòng ta tràn đầy những nỗi sợ hãi cơn đau và lo lắng sẽ phải chịu đau khổ khi lại tái sanh trong một kiếp khác. Suốt đêm ta khóc lóc hối hận vì đã gây tạo nghiệp ác trong kiếp sống này. Nhưng rồi ta quyết thay đổi tình huống này, và bắt đầu tọa thiền quán tưởng đến sự bất nhị giữa ta và Đức Phật Tỳ Lô Giá Na. Ta nhắm mắt, nghiến răng kiên trì tọa thiền. Kỳ diệu thay! Những cơn đau bỗng nhiên biến đi như là đã bị quét sạch ra khỏi thân ta vậy. Xác thân co quắp, héo mòn vì đau này bỗng thể hiện trong một thể Nhất Như của thân khẩu ý , và vô hình trung ta đã chứng được chân thân Kim Cương Bất Hoại. Giọng rên của ta bỗng biến thành Pháp Âm của Đà La Ni huyền diệu. Giường ta đang nằm bỗng biến thành quốc độ của Đức Phật Tỳ Lô Giá Na. Và trước mắt ta là một Mạn Đà La huy hoàng của muôn vàn thế giới phản chiếu trong nhau. Thật vui mừng xiết bao! Ta đã đạt được điều ước nguyện muốn thấy được đồng thân pháp tánh nơi mọi chúng sanh hữu tình cũng như vô tình. Nay ở khắp cả mọi nơi, từ cây cỏ cho đến đất đá, pháp tánh đều hiển hiện trước mắt ta.”


 Những điều vị thầy nói, các học tăng trẻ nếu chỉ nghe qua cũng khó mà hiểu được , nhưng họ đều chảy nước mắt vui mừng và hứa sẽ loan truyền câu chuyện tốt lành hôm đó. Sau này, nhờ kinh nghiệm chứng ngộ ấy, pháp sư đã đạt được vô thượng chánh đẳng chánh giác.


 Ngay cả ở ngoại quốc cũng có khá nhiều người có trường hợp giống vậy: Châu Hoằng bị bỏng nặng và Meng shan bị bệnh kiết lỵ, nhưng họ đều đạt được tiến bộ trong việc tu hành nhờ những cơn bệnh này. Thế mà những tăng sĩ như các ông lại than phiền về những căn bệnh nhỏ nhặt, rồi làm ra vẻ thảm thương lắm. Tại sao các ông phải chịu thua kém người xưa? Ngay giờ phút này, dù cho cái chết có đến ngay trước mặt, nếu ông nhất quyết thực tập tọa thiền chân chính và ra đi một cách tốt đẹp, chắc chắn ông sẽ được xem như hậu duệ đích thực của Phật và chư Tổ. Đây không có nghĩa là ông phải đợi cho đến khi bệnh nặng mới thực tập tọa thiền. Nhưng ngay cả những người không có sức khỏe sung mãn, nếu ngày đêm đều chuyên cần, tỉnh giác giống như những vị sư ở trên, họ sẽ tất cả thành tựu được Phật đạo. Dù thế nào đi nữa, trong đời này không có gì thiết yếu hơn là tọa thiền chân chính, không có gì đáng được quý trọng hơn. Người nào chưa chứng ngộ hãy tìm đến một vị chân sư , và trên hết phải lập một chí nguyện tu học. Một khi chí nguyện này đã được lập nên, điều cần yếu là không bao giờ xa lìa sự tọa thiền chân chính trong bất cứ những việc làm hàng ngày.


 Thiền sư Đại Huệ đã nói rằng: “Trong tất cả mọi lúc hãy luôn luôn tự kiểm chứng lại xem lại mình có còn, hay đã mất chánh giác.” Đây là lời diễn giải rộng rãi về pháp tu thiền chân chính như các vị thánh hiền tăng đã làm từ thời xưa. Đây chính là pháp tu đích thực, không thay đổi từ thời tối cổ. Từ trước tới nay, đó đã được gọi là Chân Tâm, Phật Tánh, Bồ Đề, Niết Bàn, Vô Vị Chân Nhân. Chân Nhân này từ vô thủy tới nay chưa bao giờ bệnh, chưa bao giờ nhiễm một chút cảm cúm nào. Trong kinh Pháp Hoa vị ấy được vinh danh như một Cổ Phật đã được giác ngộ qua nhiều kiếp xa xưa. Thiền sư Nam Tuyền đã giải nghĩa như sau về vị Chân Nhân này: “ Thời cổ xưa trên núi Linh Thứu, vị ấy được gọi là Liên Hoa; thời cận đại nơi cõi Tây Phương được gọi là A Di Đà, và trong thời mạt pháp này thì được gọi là Quan Âm.” Nếu ông tôn kính, cúng dường ngài, đến gần ngài và không để mất đi, bệnh nào mà không chữa được, Đạo nào mà không thành được? Trong Pháp Phật ngay cả một bà già bệnh hoạn, một ông lão gầy yếu nếu biết miên mật tọa thiền chân chính, họ cũng trở thành người dũng mãnh, khỏe mạnh và không có tật bệnh.


 Nhưng nếu một người có thân hình cao lớn tới bảy hay tám bộ Anh, dù cho người ấy có được trí tuệ như Xá Lợi Phất hay biện tài như Phú Lâu Na, dù cho người ấy có thuyết giảng được Tam Tạng kinh điển và thấu hiểu được giáo nghĩa cao tột trong mọi pháp môn tu tập, có sức mạnh nâng được cây kiềng ba chân của triều đình nhà Chu, có con mắt nhìn suốt được tới những xó xỉnh xa xôi nhất của vũ trụ, mà không biết chân chính tọa thiền, thì hắn cũng chẳng là một cái thây thối chương phình. Hãy cẩn thận! Tọa thiền không phải là điều có thể coi nhẹ được. Đại Sự của việc tọa thiền chân chính rất khó để tới được, rất khó để giữ được. Điều đáng thương nhất trong thời mạt pháp này là mọi người đều không ngừng đi tìm kiếm danh lợi. Có những người có tâm hướng về Đạo, nhưng chỉ làm một cách hình thức hời hợt. Người có chí nguyện muốn tu tọa thiền chân chính rất khó tìm thấy. Thực thế, nếu muốn tìm một người có tâm nguyện muốn miên mật tọa thiền chân chính, dù có tìm trong cả ngàn, hay cả mười ngàn người cũng khó mà thấy được.


 Khi lên mười ba tuổi tôi bắt đầu có niềm tin vào giá trị của pháp môn tu Thiền. Khi lên mười sáu tuổi tôi đã tiêu hủy bộ mặt được mẹ sinh ra. Năm mười chín tuổi tôi xuất gia đầu Phật, và năm ba mươi lăm tuổi tôi về sống ẩn dật tại ngôi chùa này (Chánh Thọ Am ở Iiyama). Bây giờ tôi đã gần sáu mươi lăm tuổi rồi. Trong suốt bốn mươi năm hơn tôi đã dứt mọi duyên trần, xa lìa thế gian, và dốc hết tâm hết ý vào việc tu dưỡng đạo pháp. Cuối cùng, năm hoặc sáu năm trước đây, tôi nhận ra rằng mình đã đạt được tới mức có thể liên tục sống trong tỉnh giác. Thật là điên rồ nếu tưởng rằng mình vừa có thể tu thiền tinh tấn được trong khi vừa nói lời ngon ngọt giả dối với các hàng tôn đức hay các thí chủ, tham lam cầu danh cầu lợi. Thường các Thiền sư và đệ tử của họ hay gom góp thật nhiều để có nếp sống xa hoa, cho là sự phù trú của ngôi chùa sẽ làm tăng vẻ hào nhoáng cho việc giảng pháp. Họ tưởng có tài hùng biện, ăn nói lưu loát là có trí tuệ, coi việc ăn ngon, mặc đẹp là đồng với Phật đạo, xem vẻ đẹp hấp dẫn và sự kiêu ngạo như những đức tính, và cho rằng lòng tin của tín đồ đối với họ là chỉ dấu cho thấy họ đã giác ngộ được Pháp Phật.


 Nhưng đáng buồn nhất là họ đem cái thân xác con người khó được này ra làm nô lệ cho sự mưu cầu danh lợi của họ, và như vậy đã chôn vùi Phật tánh vô thượng ï dưới những lớp bụi chồng chất của ảo tưởng. Nay đến chỗ này mời, mai đi những buổi lễ cúng dường khác, họ ăn mặc không thích hợp trong gấm vóc lụa là sang trọng, giảng bừa bãi về những giáo lý Thiền khó nắm bắt, mặc dù chính họ còn chưa hiểu được. Đối với giới Phật tử không hiểu biết, họ biểu diễn nói chuyện hùng hồn như Khổng Minh hay Trương Lương. Để tìm cách khéo léo nhận tiền cúng dường từ công khó lao động của thí chủ, họ làm ra vẻ như đã có được năng lực kỳ diệu của Mục Kiền Liên, như Xá Lợi Phất. Chạy theo chút danh lợi phù du, họ không tin mình đã tạo nghiệp cũng không sợ quả báo sẽ đến. Khi đến lúc phải chết, ngọn đèn vàng hiu hắt chiếu leo lét cạnh giường trong khi họ nằm giữa ranh giới sanh và tử, họ mới rên rỉ than khóc, những vọng tưởng thất điên bát đảo xâu xé tâm can. Điên cuồng, không biết nắm bắt vào đâu, họ chết quằn quại trong đau khổ, đến nỗi những đệ tử và tín đồ của họ đều không nỡ chứng kiến. Đừng nên sai lầm! Nếu ngày nay chỉ có những sự tu hành như vậy, làm sao có người tu thiền chứng đắc được như Phật, như Tổ, dù người ấy có là ai, xuất thân từ đâu đến chăng nữa? Nhân vì một chuỗi nhân duyên kỳ bí nào đó, có một số người đã đến chốn tẻ nhạt này dự khóa an cư kiết hạ. Có lẽ nào tôi truyền đến cho họ những giáo pháp tệ lậu như vậy không? Tôi là một ông tăng già sống trong một căn nhà xập xệ, chẳng biết gì đến thế giới bên ngoài, nhưng tôi không làm cho Phật Pháp biến thành một điều gì đơn giản, ngon ăn.


 Dù sao đi nữa, không có gì tệ hơn là một người tu xem thân mình như báu vật, hết lòng quý giá và nuông chiều nó. Một năm nọ khi có một đoàn chó sói đông đảo đến quấy phá xóm làng ở chân núi, tôi đã ngồi thiền bẩy đêm ở nghĩa địa gần đó. Tôi làm điều này để thử xem tôi có thể tọa thiền được thực sự không bị gián đoạn không khi bị một đoàn chó sói vây quanh, đánh hơi bên tai, bên cổ tôi. Ngay cả khi bị rắn rết và ma nước bao vây, một người khi đã lập quyết tâm làm điều gì, phải nhất định làm cho đến nơi đến chốn điều đó. Dù cho có đói lạnh đến thế nào, người ấy cũng phải gồng mình chịu đựng; dù có mưa gió đến thế nào, người ấy cũng phải vượt qua. Ngay cả khi phải đi vào giữa ngọn lửa hay chìm xuống đáy nước băng giá, người ấy cũng phải mở được con mắt mà chư Phật, chư Tổ đã mở, đạt đến quả vị mà chư Phật, chư Tổ đã đạt, thâm nhập được ý nghĩa cốt yếu của giáo pháp, và thông suốt được nguyên tắc tối thượng. Người ấy phải đập nát bộ óc suy nghĩ của Thiền tăng khắp mọi nơi, kéo ra những nanh vuốt, đạp đổ những cọc trói buộc, làm vậy là đã đền đáp được ơn sâu đối với chư Phật và chư Tổ.


 Nếu ông tinh tấn nỗ lực không gián đoạn và không thoái chuyển để hoàn thành Bốn Lời Nguyện Lớn, làm sao còn có chỗ cho bệnh tật tấn công? Nếu ông tu theo chư Tổ thời xưa và không bao giờ giải đãi, dù cho có phải chịu những khổ nhọc như Huyền Sa, như Từ Minh, ông là người đáng được tôn kính. Nhưng nếu ông cẩu thả, ông sẽ trở thành một người tu thiền giả mạo. Tôi không có ý nói giả mạo là dối trá hay lường gạt. Không ai muốn cố tình biến con người toàn vẹn của mình thành một kẻ lường gạt, nhưng nếu ông không noi gương của các vị Tổ thời xưa, không biết khắc ghi cho sâu tâm nguyện muốn cầu Đạo, mà đi nói chuyện Thiền và được người khác kính nể, thì ông trở thành một kẻ lường gạt tuyệt luân. Nếu ông thấy rằng giữ giới cẩn thận và canh chừng tư tưởng của mình là không đủ, ông nên đi về một chốn xa thẳm mà chết đói ở đó, hoặc vào sâu trong rừng núi mà chết cóng thì hơn. Vàng vẫn là vàng, dù cho có lấy rơm gói lại chăng nữa. Một hậu duệ chân chính của Phật, Tổ sẽ được chư thiên chắp tay kính ngưỡng, được long thần hộ pháp cúi đầu bảo hộ. Ông có thể ưa thích những lời tán tụngï, làm giầu và tích lũy của cải, có cả ngàn vị tăng đến tham dự lễ an táng của ông, có những đồ quý giá để trưng bầy, treo cờ, dương lọng đập vào mắt mọi người, và xây dựng tu viện thật hoành tráng, nhưng Diêm Vương đang trừng mắt giận dữ, quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa đang vung vẩy những cây roi sắt, như thế thì số phận chờ đợi ông quả thật là đắng cay.”


 Thầy đã nói những điều này với vài ba vị tăng đến tham vấn từ tám giờ tối cho đến ba giờ sáng, nghe thật lôi cuốn đến nỗi thời gian dường như chỉ trôi qua trong một chớp mắt. Họ đều nhỏ lệ cám ơn và những lời của thầy đã ghi sâu vào tâm họ, khiến họ lạnh người, đổ mồ hôi hột. Sau này, khi bị bệnh, tôi cũng nghĩ đến những điều thầy đã nói, tim tôi bỗng nhiên bị đánh động trong tủi hổ, và những bệnh tật dường như không còn thấy nghiêm trọng nữa. Có lẽ những ý chính rút ra từ những điều ghi lại trên sẽ có thể giúp ích phần nào cho những người đang nằm bệnh. Những gì tôi diễn tả lại đây là phương thuốc chung mà lão sư Chánh Thọ đã kê ra cho mọi người, thực là một phương thuốc tuyệt hảo với một vị duy nhất, rất hữu hiệu để làm nhẹ đi những cơn sốt của thân bệnh .

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng