Oretagama 1: Sức khỏe và thiền tập
1. Nội quán: phương pháp toàn hảo để an định thân và tâm.
Thân định thì tâm mới định.
Phương pháp để làm cho thân được an định và do đó mà tâm cũng được
định là Nội Quán. Nếu ngồi thiền quá độ với một vọng cầu nào đó,
hành giả có thể gập những chướng ngại khiến gây ra những căn bệnh
trầm kha nơi thân và tâm. Nếu hành giả không biết tu theo đúng
hướng, mà cố tìm một lối đi riêng biệt cho mình, sẽ có thể bị chướng
ngại vì quá nhiều sở học (sở tri kiến), và bị những vọng tưởng làm
cho rối loạn. Lúc ấy hệ thống hô hấp bị ngưng trệ, tim nóng bừng như
lửa đốt, trong khi chân lạnh ngắt như nước đá. Phổi bị co lại, các
dung dịch trong cơ thể bị khô đi, hành giả sẽ rơi vào một căn bệnh
hiểm nghèo, có thể nguy đến tính mệnh. Thiền sư Bạch Ẩn đã kể chính
kinh nghiệm của mình như sau (lược dịch):
“Khi tôi còn trẻ, tôi thường nghĩ một cách sai lầm rằng phải làm sao tâm được tuyệt đối yên lặng mới là đúng đạo. Vì vậy, tôi coi thường những hoạt động bên ngoài và chỉ đi tìm sự yên tĩnh. Tôi thường kiếm những chỗ vắng vẻ, u ám rồi ngồi thiền ở đó như chết. Nhưng rồi, vọng tưởng bị đè nén tràn ngập trong lồng ngực và tim tôi như muốn bốc hỏa. Tôi không thể nào đạt được sự an định trong khi thiền, và đâm ra trở thành nóng nẩy, lo sợ mông lung. Toàn thân và tâm tôi yếu dần đi, mồ hôi đổ ra dầm dề, mắt mờ vì lệ dâng. Tôi thường xuyên ở trong tình trạng u uẩn tâm thần, và không tiến được bước nào trên con đường học Phật.
Nhưng rồi may mắn tôi được một vị chân nhân chỉ dậy cho phương pháp Nội Quán và trong ba năm liền tôi dốc toàn lực để thực hành phương pháp này. Kết quả là căn bệnh trầm kha tưởng như khó thể chữa được của tôi trước đây bỗng nhiên tan biến đi như sương tuyết dưới ánh nắng mặt trời. Và bây giờ tuy đã ngoài 70 tuổi, sinh lực tôi vẫn dồi dào còn hơn gấp 10 lần hồi 30, 40 tuổi. Tâm và thân tôi vững mạnh, sáng suốt mặc dù tôi rất bận rộn với công việc Phật sự và giảng dậy cho hàng mấy trăm đệ tử hàng ngày. Nếu tôi không ngủ trong 2, 3 ngày hoặc có khi cả tuần, tôi cũng vẫn sáng suốt và tỉnh táo như thường. Và tôi tin chắc rằng, đó là nhờ năng lực đã đạt được khi thực hành phương pháp Nội Quán.”
Nội quán đã được Đức Phật
Thích Ca chỉ dậy và rồi được Thiền sư Trí Giả, tổ sư của môn phái
Thiên Thai viết ra trong quyển “Diệu Pháp Chỉ Quán”. “Chỉ” là tập trung
vào hơi thở để dừng các vọng niệm, “Quán” là quán nơi dưới bụng
tràn đầy nguyên khí nuôi dưỡng thân mệnh. Hơi thở là nguyên liệu
nuôi dưỡng mạng sống, và khí do hơi thở dẫn vào luôn luôn phải được
tích lũy tràn đầy trong khoảng không phía dưới rốn và trên hạ bộ,
được gọi là Khí Hải (dưới rốn 1.5 inches) và Đan Điền (dưới rốn 2
inches). Khí Hải là nơi tích trữ và bồi bổ sinh khí. Đan Điền là cái
nôi của mạng sống, có khả năng nhiệm mầu chuyển hóa những yếu tố
vật chất và tâm linh. Thực ra thì Khí Hải và Đan Điền thông với nhau
và là một. Nội quán dựa theo nguyên tắc của Aâm Dương Ngũ Hành, là
phương pháp đem cái Hỏa của tim xuống điều hòa với cái Thủy của các
bộ phận như gan, thận. Nếu biết
trụ tâm nơi hơi thở tại khoảng không trong khu vực này, nói một cách
khác là “đem tim xuống dưới bụng và chân”, tức là đem khí dương từ trên xuống giao
tiếp với âm ở dưới, đưa khí âm
lên giao tiếp với dương ở trên, hai bên giao hòa tạo nên sự quân
bình hoàn hảo của quẻ Thái trong đạo Dịch (ba hào âm ở trên, ba hào
dương ở dưới), cho nên dưới thì vững chãi, trên thì nhẹ nhàng,
thân được an định mà tâm sáng
suốt, phát sinh trí huệ, không bị vọng tưởng làm cho nhiễu loạn.
Nói đến công dụng của Khí Hải và Đan Điền trong sự an dưỡng cho thân và tâm, thiền sư Bạch Ẩn trích lời của Hakuyu (Bạch U), một tiên ông Lão Giáo đã sống rất trường thọ trong một hang núi thuộc vùng Shirakawa như sau:
Điều cần yếu nhất để làm cho thân được sung mãn là: luôn luôn giữ cho phần trên của thân được mát, và phần dưới được ấm. Muốn thân an dưỡng, phần dưới của thân phải luôn luôn tích chứa đầy đủ sinh lực. Chúng ta thường nghe nói đến việc luyện linh đơn của các vị tiên tu theo đạo Lão bằng âm dương ngũ hành. Điều chúng ta không biết là, chính ngũ hành ấy (thủy, hỏa, mộc, kim và thổ) ở ngay trong chúng ta, ứng vào năm căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Nếu buông lung theo các căn thức, năng lượng sẽ bị tiêu tán, cho nên muốn tồn trữ năng lượng, phải thu nhiếp các căn: thu nhiếp mắt, thu nhiếp tai, thu nhiếp lưỡi, thu nhiếp thân, thu nhiếp ý. Thu nhiếp được các căn, năng lượng sẽ không bị tiêu tán mà tập trung lại. Hướng nguồn năng lượng đó vào khoảng không phía dưới rốn, bảo tồn, dung dưỡng nó, năm này qua năm khác, đó là cách luyện linh đơn để có thể trường sinh, cải lão hoàn đồng, ngộ nhập được tánh bất sanh bất diệt nơi tự thân chúng ta cũng như nơi vũ trụ. Cách luyện linh đơn đó cũng không khác gì một cách tu để “kiến tánh thành phật”, chuyển hóa một phàm nhân thành một thánh nhân, tựa như người luyện kim chuyển kim loại thành vàng ròng vậy.
Po Yu Chan, một đạo sư Lão Giáo, đã nói: “Điều thiết yếu để an dưỡng sinh mạng là phải làm cho thân được mạnh. Bí quyết làm cho thân mạnh là phải biết tập trung tâm (tinh thần). Khi tâm tập trung, năng lượng sẽ được tích lũy. Khi năng lượng tích lũy, linh đan được hình thành. Khi linh đan hình thành, thân sẽ trở nên vững mạnh. Khi thân được vững mạnh, tâm (tinh thần) sẽ được toàn hảo.”
2. Thiền tĩnh và thiền động.
Thiền động là thiền ngay trong các hoạt động hàng ngày. Thiền tĩnh là thiền trong sự tĩnh lặng, trầm mặc. Có nhiều lúc hành giả gập khó khăn khi thiền trong các hoạt động hàng ngày, và cảm thấy thoải mái hơn khi ngồi thiền trong tĩnh lặng. Nhưng theo Bạch Aån thiền sư, thiền tĩnh so với thiền động có nhiều khiếm khuyết. Nếu chỉ quen với sự tĩnh lặng, sẽ không bao giờ đạt được sự tỉnh thức ở trong các hoạt động hàng ngày được. Nếu cho rằng chỉ ngồi thiền mới giác ngộ được, thì hành giả sẽ bỏ nhiều thì giờ trong ngày ra ngồi thiền và quên lãng nhiệm vụ của mình đối với gia đình và xã hội. Nếu hành thiền xa rời với ngoại cảnh, chút năng lực đạt được đó sẽ bị tiêu tan ngay khi gập phải những xáo trộn trong hoàn cảnh sống. Hành giả sẽ bứt rứt, khó chịu khi phải đối phó với những nghịch duyên, và sẽ phản ứng trong sự si mê như những người tầm thường nhất.
Tăng Sán, Tam Tổ của Thiền tông Trung Hoa kể từ Bồ Đề Đạt Ma, đã nói rằng: “Nếu muốn được thực sự giác ngộ, đừng nên lánh các trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp).” Điều đó không có nghĩa là buông lung theo các trần, mà luôn luôn tỉnh thức, giữ tâm trong sạch không nhiễm theo các trần, tựa như cánh sen ở trong nước mà không thấm nước vậy.
Nếu chỉ đi tìm sự vắng vẻ, yên tịnh mà tu, dù có sống kham khổ, tu hành tinh chuyên đêm ngày, mà không kiến tánh được, thì cũng không thấy được Đạo. Còn nếu ở ngay trong ngũ dục, sống trong dòng đời mà vẫn tu được, thì cái trí huệ của một người phải va chạm với đời sống hàng ngày siêu việt hơn rất nhiều so với trí huệ của một người lánh đời sống trong rừng sâu.
Bạch Ẩn thiền sư cổ võ rất nhiều cho việc hành thiền ngay trong các hoạt động hàng ngày, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là bác bỏ việc tọa thiền trong tĩnh lặng, và chỉ đi tìm những hoạt động để hành thiền. Cách hữu hiệu nhất để có thể phối hợp hai cách hành thiền này, theo Bạch Ẩn, là quán công án, bởi vì công án không phân biệt hai khía cạnh “động” và “tĩnh”. Công án là một câu hỏi lớn vượt ngoài suy luận, đem lại một mối nghi lớn mà khi chưa giải được, sẽ đeo đẳng trong tâm của hành giả trong mọi lúc dù đang đi, đứng, nằm, ngồi. Công án là một phương tiện mạnh mẽ, như một cơn gió lớn quét sạch những mầm móng của vọng tưởng, điều mà theo Bạch Aån, khó đạt được với “mặc chiếu” (chỉ quán tâm không). Người quán công án đã suy luận tới mức không còn gì để suy luận, đã học đến mức không còn gì để học, và cuối cùng chỉ còn biết buông hết tất cả như người buông tay rơi xuống vực thẳm, để rồi trong cái Chết toàn diện đó mới thấy được cái bất sinh bất tử và cảm nhận được sự an lạc tuyệt vời. Sau đây là lược dịch một trích đoạn trong sách nói về cách dùng Nội Quán để quán công án:
“Nội quán đúng nghĩa (khi quán công án) là quán tưởng như sau: Khu vực từ dưới rốn chí cho đến các gót chân của tôi chính là cái Không của Triệu Châu. Trong cái Không này, còn có nguyên tắc gì để phân biệt? Khu vực từ dưới rốn chí cho đến các gót chân của tôi chính là Bộ Mặt Bản Lai của tôi. Trong Bộ Mặt Bản Lai này, còn có thấy cái mũi nào không? Khu vực từ dưới rốn chí cho đến các gót chân của tôi chính là cõi Tịnh Độ trong tôi. Trong cõi Tịnh Độ này, còn có gì để làm trang nghiêm? Khu vực từ dưới rốn chí cho đến các gót chân của tôi chính là Phật A Di Đà trong tôi. Với Phật A Di Đà này, còn có pháp gì để mà thuyết? Khu vực từ dưới rốn chí cho đến các gót chân của tôi chính là quê hương nguyên thủy của tôi. Về đến quê hương rồi, còn phải đi tìm gì mới lạ nữa?
Trong tất cả mọi thời dù đang ho, đang nuốt, đang vẫy tay, đang ngủ hay đang thức, nếu hành giả hoàn tất mọi công việc cần làm và mang một quyết tâm dũng mãnh, tiến tới không ngừng nghỉ, hành giả sẽ chuyển hóa được tâm tư và cảm xúc của mình trong đời sống hàng ngày. Tâm hành giả sẽ tràn ngập một niềm thanh tịnh và sáng tỏ lạ thường, như thể là hành giả đang đứng trên một tảng băng đá trong suốt trải dài vô tận. Nếu hành giả có phải đi vào trong một trận chiến hay tham dự một buổi hội đàn ca hát xướng, dù có làm gì, hành giả ở trong cảnh mà vẫn lìa cảnh được. Năng lực phi thường của hành giả, như Vân Môn, sẽ tự hiển lộ, mà không cần phải tìm kiếm đến nó.”
Quán công án để đạt đến sự sáng tỏ toàn diện không phải là điều dễ làm, mà là một quá trình cam go đầy thử thách. Nhưng khi đã vượt qua được mối nghi lớn trong quá trình đó, với một tâm tinh tấn và bền vững, đến một lúc nào đó hành giả sẽ cảm thấy như tảng băng sơn lớn trước mặt đang nứt ra, và một niềm hân hoan chưa từng thấy sẽ tràn ngập trong tâm hồn.
Làm sao để được giác ngộ thực sự? Giác ngộ là do ở nơi tâm có một chí nguyện kiên cường muốn được giác ngộ. Theo Bạch Aån đại sư, giữa những đa đoan của cuộc đời, giữa những rối ren của thế sự, giữa những vây hãm của kiến chấp, nếu hành giả như người chiến sĩ xông pha trận mạc, với một tâm kiên cố, buông xả và bất động,không sợ hãi, không phân tán, nhất quyết phá si mê, phá những đối đãi phân biệt của phải và trái, yêu và ghét, trật tự và không trật tự v.v.. thì tự thân sẽ có được một năng lực lớn lao. Và, nếu cứ tiếp tục hành trì trong sự dũng mãnh tinh tấn, thực hiện Chân Thiền, sẽ có thể đạt được giác ngộ thực sự.