Sơ ngộ - Thọ giáo với Chánh Thọ

21 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 8802)



Sơ ngộ - Thọ giáo với Chánh Thọ

 ( 1708, hai mươi ba tuổi )

 

Bước qua ngưỡng cửa


 Trở lại con đường tu đạo, Bạch Ẩn phát khởi một quyết tâm mãnh liệt, ngày đêm chuyên chú miệt mài nghiền ngẫm đạo pháp, không còn biết đến cái gì khác nữa. Thời gian này được diễn tả lại như sau trong tự truyện của ngài:

 

 “Một ngày nọ, khi đọc quyển “Phật-Tổ tam kinh”, tôi bắt gặp được một đoạn thật đắc ý khiến tôi phải nhẩy dựng lên vui mừng, trong đó, một hành giả tu pháp Đại thừa được so sánh như một khúc gỗ lênh đênh trôi theo giòng sông chẩy xuống hạ lưu: không đụng vào hai bờ bao giờ, rồi cuối cùng cũng sẽ ra được đến biển.


 Mùa xuân, do sự thúc dục của một sư huynh trước đây, tôi du hành tới Fukuyama và nhập chúng tại chùa Tensho-ji. Ở đó, vì siêng năng dụng công liên miên, khiến tôi như đi vào trong một cái hang tối đen. Khi đi đứng hay làm những công việc nào khác, tôi không biết là mình đang làm gì nữa. (lúc đó, Bạch Ẩn đang tham khán công án “Vô”). Mùa thu đến, tôi lên đường về quê quán cùng với một số bạn học tăng khác.


 Chúng tôi đi vòng qua bờ biển Nội địa ở Maiko, vượt qua những bãi biển ở Suma, đi ngang nấm đất chôn vùi thi hào Hitomaru và ngôi mộ của Atsumori. Chúng tôi đi bộ qua những cánh đồng ở Koyano và ven rừng Ikuta. Nhưng tôi không hề để mắt nhìn đến những thắng cảnh nổi tiếng này. Suốt trên đường về nhà, tôi thấy như mình không chuyển động gì cả mà chỉ đứng nguyên giữa đường chơ vơ một mình, và những người, nhà cửa, hay cây cối hai bên đường dường như đều tự di chuyển về phía Tây.


 Tôi đi mất nửa tháng trường mới về đến nhà. Gia đình, họ hàng, bạn bè tất cả đều xúm nhau đến chào mừng tôi. Họ nóng lòng muốn nghe tôi kể lại tất cả những câu chuyện, hay hay dở, mà trong thời gian đi xa tôi đã kinh nghiệm được. Nhưng những câu hỏi dồn dập của họ chỉ được đáp lại bằng một chuỗi những tiếng ậm ừ cụt ngủn... không đáp ứng lại chút nào. Điều đó làm cho họ hoang mang thất vọng, lên án tôi là đã thay đổi khác trước. Họ bảo tôi là tôi đã trở thành một con người “xa lạ”.


 Nhưng thái độ của tôi trong khoảng thời gian đó là hoàn toàn giống như những câu chuyện kể xưa nay về những hành giả tu thiền truyền thống. Quốc sư Kan-zan chẳng hạn, tương truyền là đã đi bộ qua lại suốt Đại lộ phía Đông tới hai mươi lần mà chẳng có lần nào ngước lên ngắm nhìn núi Phú Sĩ khi ngài đi ngang đó. Tôi vẫn còn nhớ, lần đầu tiên đọc câu truyện này tôi đã có ấn tượng thật sâu xa thế nào. Sự ngưỡng mộ đại sư Kanzan tràn ngập trong tôi, không bao giờ giảm bớt đối với ngài.


 Sau đó ít lâu, tôi đọc tới một đoạn trong quyển “Vượt rào cản vào thiền” về Bồ Tát Thường Khóc. Ngài nghe một tiếng nói không biết từ đâu vọng đến, bảo là ngài không được nhìn qua phải hay qua trái, không được nhìn lên hay nhìn xuống, hay nhìn quanh bốn phương, khi đang đi bộ hành. Từ đó, tôi đã tin tưởng ở những lời nói ấy, xem chúng như một công án vậy. Có lẽ đó là lý do tại sao tôi đã trở thành một kẻ điên rồ!”

 

 Mùa xuân năm hai mươi ba tuổi, Bạch Ẩn cùng ba học tăng khác đi đến chùa Eigan-ji ở Takada, một thành phố thịnh vượng bên bờ biển Nhật Bản thuộc vùng Echigo. Sư đến đó để dự một loạt các buổi giảng pháp về “Nhục nhãn và thiên nhãn”, cũng vì nghe tiếng sư huynh trưởng môn ở đó đã được ấn chứng với một danh sư Thiền tông là Egoku Domyo.


 Khi tới đó, Bạch Ẩn tìm gặp ngay vị tăng có tiếng tài giỏi; hai người thảo luận một lúc lâu, khiến Bạch Ẩn có dịp nhận xét trình độ kiến thức của ông ta, và nhận thấy rằng vị sư đó không thực sự đã giác ngộ như tiếng đồn.


 Thất vọng, sư tránh mặt tất cả mọi người, trốn vào trong một căn phòng khách cô lập đàng sau chùa, thề sẽ nhịn ăn và nhất tâm tọa thiền trong một tuần. Không ai trong chùa biết sư ở đâu cả; khi không thấy bóng sư, mọi người đều cho là sư đã bí mật rời khỏi chùa đi về nhà.


 Đêm thứ bẩy, đêm cuối cùng của công phu tọa thiền, vào khoảng nửa đêm, tiếng chuông trầm hùng từ một ngôi chùa xa vang vọng tới tai; bỗng nhiên, toàn thân và tâm sư như tan biến đi trong hư không, một cái Không thanh tịnh không hề dính líu một chút bụi trần . Niềm vui bùng vỡ ào ạt, sư hét lớn: “Ông già Nham Đầu vẫn còn sống y nguyên!”


 Tiếng la của sư khiến huynh đệ các nơi vội vàng chạy đến, họ nắm chặt tay nhau, cùng chia xẻ niềm vui chứng ngộ. Lần đầu tiên bước qua được ngưỡng cửa, kinh nghiệm này thật mạnh mẽ, khiến sư tin tưởng rằng từ mấy trăm năm nay chưa ai có thể có được những giây phút tuyệt vời như vậy. Trong những tuần sau đó, sư tràn đầy tự đắc, coi mình như đã vượt cao hơn hẳn mọi người.


 Kỳ đại hội thuyết pháp này, tăng chúng các nơi về dự có đến hơn năm trăm người, phải mượn thêm một ngôi thiền tự gần đó làm nơi cư trú thêm. Bạch Ẩn được cử làm huynh trưởng trông nom một nhóm khoảng chừng 30 người. Không bao lâu, nhóm Bạch Ẩn lại thêm một vị tăng khác mới vào gia nhập, một người có phong cách đặc biệt dị thường. Cuộc gặp gỡ này là một nhân duyên lớn, đưa cuộc đời Bạch Ẩn đến một ngã rẽ quan trọng. Câu chuyện được kể lại như sau:

 

 “Một ngày nọ trong kỳ thuyết pháp, Dan Zennin (sau này được biết với danh xưng là Kyosui Osho, trụ trì chùa Rinzai-ji), người được cử làm phụ tá của tôi, từ ngôi chùa chính vội vã chạy về, tinh thần khích động cao độ. Ông nói với tôi.


 “Có một vị tăng mới đến trông khác thường lắm! Ông ấy cao đến hơn 6 bộ Anh, trông mặt có một vẻ gì dữ dội thế nào ấy. Ông ấy đứng như trời trồng trước cổng chùa, như một cái cây lớn khô cằn vậy, dưới nách ôm khư khư một cây gậy to khổng lồ. Rồi với giọng nói thô lỗ của người vùng Bando, ông ấy cất tiếng oang oang xin được nhận vào ở đây. Huynh à, đệ thấy ông này không phải là một vị tăng bình thường đâu. Không biết người như vậy có nên cho ở lại đây không nữa.”


 Nghe vậy, những vị tăng khác cũng tỏ vẻ khó chịu ra mặt, không muốn cho vị tăng này ở lại.


 Nhưng chỉ ít lâu sau, Dan lại hối hả chạy về. Ông nói một hơi:


 “Ở chùa chính người ta họp nhau về vấn đề này, rồi họ quyết định cho ông ấy gia nhập bọn mình. Bộ họ coi toán của mình như là nơi đổ rác hay sao đó, mà cho tất cả những người không giống ai , những kẻ gây rối vào đây. ”


 Tôi mắng Dan:


 “Việc gì ông cứ lăng xăng chạy tới chạy lui như những câu chuyện tầm phào đang lan truyền vậy? Ông làm những học tăng bạn phân trí rồi đó! Sao ông không lấy bản thảo “Nhục nhãn và thiên nhãn” ra xem để sửa soạn cho khóa tu này?”


 Đúng lúc đó, Cho Joza, vị huynh trưởng từ chùa chính (người tôi đã lặn lội từ Echigo đến để gặp mặt) xuất hiện, dẫn theo vị tăng mới đến. Ông thông báo với một thái độ thật khéo léo và niềm nở,


 “Vị khách mới này đến từ huyện Shinano. Ông ấy sẽ ở lại đây với quý vị trong khu này. Chúng tôi đặt ông ấy vào hàng cuối cùng danh sách công tác ở đây. Xin thỉnh cầu chư liệt vị giúp đỡ, hướng dẫn cho ông ta và giao cho những công tác như quét tước, lau nhà chẳng hạn.”


 “Tôi không hiểu tại sao ông lại đem ông ấy đến đây,” Tôi nói,


 “Ở đây đã có sáu, bẩy người có tiếng là gây phiền toái trong sảnh đường tu học rồi. Cả cái chỗ ở này cũng không phải của mình nữa, mà là mượn từ chùa của phái Tào Động. Ông không nghĩ là nên cho những học tăng đứng đắn nghiêm chỉnh hơn đến đây hay sao? Người này bây giờ thì trông có vẻ đàng hoàng đấy, nhưng khi nào ông ấy thấy mấy người kia lộn xộn như thế nào, thì chắc là sẽ loạn lên đó. Ông này trông có vẻ láu cá lắm, chắc là một người gây rối thứ thiệt đó.”


 “Chúng tôi gởi ông ta đến đây bởi vì chúng tôi tin cậy nơi tài đối phó của anh.” Vị sư trưởng nói.


 “Trong trường hợp đó,” tôi nói, “chúng tôi đành phải tuân lệnh. Nhưng nếu có dấu hiệu gì tỏ ra lộn xộn, là chúng tôi trả ông ta lại ngay đó. Đồng ý không?”


 Vị sư trưởng trấn an bừa là ông sẽ không chống đối gì điều kiện đó. Xong xuôi mọi việc, ông trở về ngôi chùa chính.


 Ngày hôm sau, khóa tu khai mạc tốt đẹp, không có gì xẩy ra. Những vị sư huynh đi vòng quanh sảnh đường khen ngợi mọi người. Cho Joza cũng quá bộ đến thăm chúng tôi từ ngôi chùa chính. Khi đến nơi, ông nhặt một bản “Nhục nhãn và thiên nhãn” nằm ở dưới lên, lấy tay dở vài trang, rồi ông chỉ ra vài chỗ trong bản văn này và hỏi một vài vị tăng quanh đó:


 “Anh giải như thế nào về đoạn này?”


 “Còn chỗ này thì thế nào? Anh cắt nghĩa làm sao?”


 Sau khi đã kiểm tra như vậy rồi, ông bèn đi. Thấy ông đi rồi, vị tăng mới đến nói, “Đó có phải là vị huynh trưởng ở đây không?”


 “Anh hỏi cái đó làm gì?” tôi trả lời.


 “Tôi công nhận là ông ấy cũng có một chút hiểu biết,” vị tăng nói. “Nhưng sự lý giải của ông ta về một đoạn trong đó chắc chắn là nghe không được chút nào.”


 Tôi thách vị tăng giải một ít trong đoạn đó. Ông ta lần lượt đi từng điểm một, chứng tỏ có kiến thức thật rõ ràng thấu suốt trong đó.


 Những học tăng trong sảnh đường đã phê phán vị tăng này trước đây (có tên là Kaku, đệ tử của một vị sư tên là Chánh Thọ (Shoju)), đột nhiên đổi hẳn thái độ. Bây giờ họ ngồi im thin thít, run rẩy lo sợ. Một vài người khác trước đây thường lảng vảng quanh sảnh đường phát ngôn bừa bãi về những lập trường ý kiến của họ bây giờ tự nhiên rụt rè hẳn. Sau đó, tôi không còn thấy mặt bọn họ nữa.


 Đối với tôi, người này giống như một cơn mưa rào tươi mát sau cơn nắng hạn dài. Tôi cảm thấy như đã gặp được một người bạn cố tri tin cậy cùng quê quán vậy. Kể từ đó, chúng tôi thảo luận với nhau đêm ngày về Pháp Phật. Tôi không ước ao một niềm vui nào hơn thế được.


 Buổi tối cuối cùng của khóa tu đến quá sớm, và đã đến lúc chúng tôi phải ra đi. Tôi mời Kaku đến gặp riêng để có thể hỏi về sư phụ của anh. Anh nói,


 “Ông ấy là một ẩn sĩ tên là Etan Zosu. Ông ấy sống ở am Chánh Thọ, một nơi ẩn cư vùng Iiyama”.


 Tôi nói ra ước vọng ngấm ngầm muốn đến Iiyama yết kiến vị thầy này.


 “Tôi cũng đã hi vọng anh sẽ đề nghị như vậy,” Kaku trả lời khi tôi hỏi ý kiến anh về việc đó. “Nếu anh đi, tôi sẽ đi với anh.”


 Hôm sau, chúng tôi chờ hồi chuông báo hiệu bế mạc khóa tu, rồi lẳng lặng rút lui ra khỏi cổng chùa, ra đi vượt núi Tomikura lên đường thẳng tiến về Iiyama.” 

 


Chánh Thọ Lão Nhân

 

 Trong một vùng xa xôi hẻo lánh, cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài cũng như với thế giới của Thiền tông, có một cái am nhỏ xíu trong đó có một thiền sư sống ẩn dật. Vị ẩn sĩ này có tên là Etan Zosu, nhưng vì am này tên là Shoju-an (Chánh Thọ Am) nên cũng được gọi là Chánh Thọ Lão Nhân. Chánh Thọ đúng là một minh sư mà từ lâu nay Bạch Ẩn đã tha thiết muốn tìm kiếm. Ngài có rất ít đệ tử, vì những người muốn được ngài thu nhận phải tỏ ra có một chí nguyện thật kiên cường, có đầy đủ bi trí dũng để có thể đạt đạo và nối tiếp sự nghiệp truyền pháp. Và đối với những đệ tử, Chánh Thọ lão sư cũng dùng những phương pháp huấn luyện thật gắt gao, thật khắc nghiệt đến tận cùng. Bạch Ẩn đã kể lại sau này, rằng cho tới khi gặp Chánh Thọ, ngài vẫn nghĩ rằng đạt đạo là chuyện tương đối dễ dàng. Nhưng những thôi thúc không ngừng của Chánh Thọ đã làm ý nghĩ đó tan biến ngay, như “cái vỏ trứng bị đập nát” vậy. Torei, đệ tử của Bạch Ẩn, kể lại rằng thầy của ông khi ở với Chánh Thọ luôn luôn ở trong một tình trạng hãi hùng, “tay chân run cầm cập, toàn thân nổi da gà”. Có lần Chánh Thọ đã nắm lấy Bạch Ẩn và quăng ra ngoài hành lang rơi xuống đất, “như là quăng một con mèo con vậy.” Nhưng Chánh Thọ đã đưa cho Bạch Ẩn giải những công án thật khó khăn, mà khi tập trung nỗ lực cố thông qua, Bạch Ẩn đã có được những chứng ngộ sâu xa, và hiểu được tại sao thầy mình đã thúc ép như vậy.


 Bạch Ẩn chỉ ở với Chánh Thọ trong tám tháng, nhưng đó chính là thời gian quan trọng nhất trong đời sư; tám tháng ấy đã tạo dựng căn bản cho sự giác ngộ viên thông lý và sự mà sau này sư đã hành trì và tuyên giảng cho đến hết cuộc đời.


 Trong bản tự truyện “Trường sinh thảo”, Bạch Ẩn đã kể lại như sau về cuộc gặp gỡ của ngài và Chánh Thọ đại sư:

 

 “Khi chúng tôi đến am Chánh Thọ, tôi được thu nhận ngay vào làm đệ tử, và được treo gậy ở đó.


 Một lần, sau khi tôi đã trình lên sự hiểu biết của mình với lão sư , ngài nói: “Chí nguyện muốn học Thiền phải thật chân thành. Ngươi nghĩ gì về công án Con chó có Phật tánh hay không?”


 “Không có cách gì để tay hay để chân lên đó được,” tôi trả lời.


 Đột nhiên, thầy dơ tay ra nắm mũi tôi. Nhéo một cái thật mạnh, ông nói: “Ta để tay thật chặt ở đấy đấy!”


 Tôi ngồi đó chết trân, không nhúc nhích gì được. Trong trí tôi không nghĩ ra được một chữ gì để nói cả.


 Buổi gặp gỡ này đặt tôi vào một tình trạng rất xúc động. Tôi bực bội và ê chề tràn ngập. Tôi ngồi đó mắt đỏ hoe khốn khổ, hai má nóng bừng với đôi hàng lệ tuôn rơi không ngừng.


 Thấy tội nghiệp, thầy bèn giao cho tôi tham khán mấy công án như: Bảo tháp của Sơ Sơn, Con trâu đi qua cửa sổ, Cái chết của Nam Tuyền, Bụi hoa của Nam Tuyền, Vạt áo của Ching-chou, Que cát của Vân Môn.


 “Người nào thông qua được bất cứ công án nào trong số đó thì trọn vẹn xứng đáng được gọi là hậu duệ của các vị Phật, Tổ.” ngài nói.


 Trong tôi chợt bùng lên một niềm phấn chấn mãnh liệt, làm kiên cố thêm chí nguyện sẵn có. Tôi nghiền ngẫm ngày đêm những công án này. Tấn công chúng từ đằng trước. Gậm nhấm chúng từ hai bên. Nhưng chẳng lóe lên được một tia hiểu biết nào. Thất vọng, nức nở, tôi thề nguyền: “Triệu thỉnh, triệu thỉnh chư thiên vương, quỷ thần mười phương tám hướng, nếu sau bẩy ngày mà tôi thất bại không thông nổi một trong những công án này, xin đến bắt sống tôi đi.”


 Tôi thắp một nén hương, cúi xuống đảnh lễ, rồi tiếp tục tọa thiền. Tôi hành thiền liên miên không hề ngưng nghỉ, không để ra một phút nào nằm xuống ngủ. Thầy đến, la mắng tôi: “Mi chỉ biết hành Thiền trong một cái hố!”


 Rồi ngài nói, “Nếu hôm nay mi có ra ngoài năm châu bốn biển, đi tìm cùng khắp trên thế giới này một vị chân sư – một người có thể làm hồi sinh được cái kho báu Thiền đã bị “đóng rào kín” lại – thì còn khó hơn đi tìm sao trên trời giữa trưa.”


 Nghe vậy, tôi lấy làm nghi ngờ. “Dù sao đi nữa,” tôi lý luận, “cũng có biết bao nhiêu là thiền viện trong nước với bao nhiêu là danh sư, nhiều như hạt đậu, như mè vậy. Ông già này, trong cái chùa tồi tàn mục nát này, sao mà kiêu căng ngã mạn thế! Chắc ta nên rời nơi này mà đi chỗ khác tốt hơn.”


 Sáng sớm hôm sau, vẫn còn nặng chĩu những chán chường, tôi cầm lấy bình bát, đi ra khất thực ở ngoài làng, vùng lân cận lâu đài Iiyama.


 Tôi hoàn toàn chú tâm vào công án của mình – không hề xao lãng đi một giây một phút nào. Rồi tôi đến trước một căn nhà, bình bát trong tay, đứng lặng người như đang trong mê. Từ trong nhà, có tiếng thét vọng ra: “Đi chỗ khác đi! Đi chỗ khác đi!” Nhưng tôi không hề để ý đến, vì trong tâm đang quá chú mục tập trung. Chắc điều ấy làm người trong nhà nổi giận, nên đột nhiên bà ta xuất hiện trước ngưỡng cửa, vung vẩy chổi chà trên tay. Rồi bà ta nhào tới đập loạn xà ngầu, đánh lên đánh xuống trên đầu tôi như là muốn bửa óc tôi ra vậy. Cái nón rộng vành của tôi tan tành, rách tơi tả. Tôi ngã nhào xuống, nằm thẳng cẳng trên mặt đất, bất tỉnh nhân sự. Tôi nằm đó như người chết rồi.


 Lúc đó, hàng xóm nghe tiếng ồn ào, đều ló người ra khỏi cửa, tỏ vẻ lo lắng: “Coi kìa, bà già điên đã gây cớ sự như thế đấy!” họ kháo nhau, rồi vội vàng rút lui vào trong nhà. Một màn im lặng bao trùm theo sau, không một tiếng động chung quanh, không một dấu hiệu gì của sự sống. Một lúc lâu sau, có một số người đi ngang qua, họ tiến tới gần tôi, lộ vẻ ngạc nhiên. Rồi họ đỡ lấy người tôi, dựng tôi ngồi dậy.


 “Làm sao thế? Cái gì xảy ra vậy?” họ xôn xao hỏi.


 Trong giây phút bừng dậy mở mắt ra, đột nhiên ý nghĩa của những công án hắc búa và nan giải tôi đã tham khán ngày đêm—những cái móng mèo độc địa ấy—chợt hiện lên thật rõ ràng, thật thấu suốt, tới tận gốc rễ. Bỗng dưng, chúng không còn tồn tại nữa. Mừng rỡ, tôi vỗ tay, cười ha hả sung sướng, khiến những người đang tụ lại giúp đỡ tôi hốt hoảng.


 “Ông này mất trí rồi!” “Ông thầy điên rồi!” họ la lên, sợ hãi lùi ra xa. Rồi họ quay gót, ba chân bốn cẳng chạy mất, không hề dám nhìn lại.


 Tôi lồm cồm đứng dậy, vuốt ve lại áo, cột lại cái nón te tua đội lên đầu. Rồi với nét mặt rạng rỡ, nụ cười hoan hỉ, tôi chậm rãi, vui vẻ bước trên con đường trở về chùa.


 Chợt có một ông già vẫy tôi lại. “Đại đức,” ông nói với tôi, “Bà già đó, thực tình, đã làm thầy một phen mất vía, phải không?”


 Tôi thoáng mỉm cười, nhưng không trả lời. Ông già dâng cúng một bát cơm rồi để tôi đi.


 Tôi về đến cổng am Chánh Thọ, nụ cười nở rộng trên môi. Thầy đang đứng trên hành lang. Vừa nhìn thấy tôi, thầy nói, “Mi vừa gặp chuyện gì vui lắm hả. Nói cho ta nghe đi.”


 Tôi bước đến chỗ thầy, kể lể dông dài về kinh nghiệm chứng ngộ vừa qua. Thầy cầm cây quạt, khẽ đập lên lưng tôi.


 “Ta thực sự mong mi sẽ sống đến tuổi của ta,” ngài nói. “Mi phải cương quyết không bao giờ chịu hài lòng với những sở đắc nhỏ nhoi. Bây giờ đã đến lúc phải nỗ lực tu tập cho hậu chứng ngộ. Những người mới có chút đạt ngộ đã cho là đủ sẽ không bao giờ vượt khỏi hàng Thanh Văn. Những người nào ngừng lại không biết tiếp tục hành trì sau khi đạt ngộ thì thế nào rồi cũng chỉ được đến như A La Hán Tiểu thừa là cùng, cái quả nhận được ấy thật quả là tầm thường. Thật đấy, ta thà thấy mi tái sinh vào thân ghẻ lở hôi hám, trơ trụi của một con cáo già còn hơn là trở thành một tăng sĩ Nhị Thừa.”


 Nhắc đến sự tu tập hậu chứng ngộ, thầy có ý nói là sau khi đã được chứng ngộ lần đầu, vẫn phải nỗ lực chuyên tâm tu trì --- và khi sự tu trì đó có kết quả, vẫn phải tiếp tục tiến tới nữa. Khi tiếp tục tiến bước trên con đường Đạo ấy, thế nào ta cũng sẽ gặp phải một hàng rào cản cuối cùng rất khó khăn.


 Điều cần thiết chỉ là, phải dốc lòng kín đáo hành trì miên mật, cũng như dùng phương tiện chánh trực mà tùy thuận ứng hoá – đó chính là tinh túy của tinh túy vậy. Đám người thực hành kiểu Thiền Vô Sanh ngày nay nhiều nhan nhản, họ sống như những gốc cây khô “im lặng tự quán chiếu”, thật còn tệ lậu hơn là những con cáo già ghẻ lở hôi hám.


 “Cái gì là kín đáo hành trì và phương tiện chánh trực” Một người hỏi.


 Kín đáo hành trì chắc chắn không có nghĩa là lẩn trốn vào chỗ sơn cùng thủy tận để ngồi đó chết trân như một khúc gỗ hay một tảng đá, hay ở dưới một gốc cây “im lặng quán chiếu” mình. Mà đó có nghĩa là phải hoàn toàn chú tâm tu trì trong tất cả mọi lúc và tất cả mọi hoạt động--- đi, đứng, nằm ngồi. Vì thế, có câu nói rằng tập trung tu trì ngay trong lòng hoạt động là siêu việt hơn gấp trăm, gấp ngàn, ngay cả gấp triệu lần tu trì trong trạng thái không động.


 Khi đã chứng ngộ, nếu ta cứ tiếp tục nhiếp tâm tu hành, rút những nanh vuốt độc hại trong hang Pháp ra, xé nát những bùa mê xấu ác đã hủy hoại sự sống con người, duyệt qua những bản văn đủ loại, Phật pháp hay không Phật pháp, tích lũy một kho tàng Pháp thật phong phú, chuyển bánh xe Pháp của Tứ Hoằng Thệ Nguyện, thề sẽ độ hết chúng sanh trong khi mỗi giây mỗi phút đều dũng mãnh tinh tấn hành bố thí Ba La Mật, mà không có một chút gì --không một mảy may -- dính líu đến danh vọng hay lợi ích cá nhân ở bất cứ một hình thức gì—nếu làm được như thế, ta sẽ là một hậu duệ chân chính và hợp pháp của các vị Phật Tổ. Phần thưởng đó còn lớn hơn là được tái sinh vào cõi trời người.


 “Có câu nói rằng phước báo nhân gian là một lời nguyền trong ba đời, như vậy nghĩa là sao?”


 Một số lớn đàn ông cũng như đàn bà muốn tìm kiếm sự tái sinh thuận lợi ở đời sau, muốn được thành Phật, muốn được vãng sanh vào cõi Tịnh Độ. Họ theo một đời sống thanh tịnh khắc khổ. Hành trì giới luật không bỏ xót chữ nào. Tụng và ấn tống kinh sách liên miên. Thiết lễ cầu nguyện chư Phật, cúng dường chư tăng, lễ lạy thật kính cẩn. Đi hành hương đến những thánh tích chiêm bái khắp mọi nơi: nào là Chichibu ở Bando, rồi đến Shikoku ở miền Tây nước Nhật, đến Nara, và núi Koya. Người ta dùng tất cả mọi cách để cố tạo cả ngàn nhân lành--- nhưng chừng nào họ chưa đạt đạo qua sự kiến tánh và nghe được “tiếng vỗ của một bàn tay”, thì họ vẫn còn chưa đến gần được Phật: họ càng không thể có được một thoáng nhìn vào Tịnh Độ. Những gì thế giới này cho là tốt và có lợi ích thực ra là một sự nguy hại trong ba kiếp.


 Nói về kiếp này thì thế nào? Bằng những dụng công khó nhọc vô song và làm vô số việc thiện, chắc hẳn kiếp sau bạn sẽ có thể được tái sanh thành một vị hoàng tử, một viên tướng lãnh tài ba, một vị lãnh chúa đầy uy quyền, hay có thể là chủ nhân của một gia đình danh gia vọng tộc. Rồi bạn sẽ giầu có và có thể có chức tước như ý muốn. Quyền lực là ở trong tay bạn. Chắc chắn là bạn sẽ vui sướng trong những của cải và quyền thế đó. Trong kiếp sống mới này, những biến cố xẩy ra ở kiếp trước của bạn sẽ hoàn toàn bị lãng quên. Tất cả những việc thiện bạn đã làm trong kiếp trước sẽ tan biến đi như những giọt sương trong ánh nắng mặt trời. Bạn sẽ có trong tay bao nhiêu người đàn bà đẹp tuyển lựa các nơi về làm vợ, làm hầu thiếp. Kẻ hầu người hạ răm rắp chờ bất cứ lệnh gì bạn ban ra, thật không kể xiết. Nào là phải có xiêm gấm mầu tím cho bà vợ Trương. Vớ bằng tơ mỏng cho cô thiếp Lý. Kho tàng trong nhà không đủ để cung cấp những chi tiêu xa xỉ này, bạn sẽ thèm muốn gia tài của người khác, rồi mưu tính tìm cách bóc lột, chèn ép dân chúng cho đến khi họ kiệt quệ, người nghèo bị nghiền nát thành bột. Những hành động đàn áp này sẽ gây cho thần dân của bạn biết bao nhiêu đau khổ.


 Nghiệp ác chất chồng càng ngày càng nhiều, thế nào bạn cũng đi ngay vào những cõi giới ác khi chết. Bạn sẽ bị đọa vào ba đường dữ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) chịu những dày vò đau khổ vô tận, hay sẽ tái sinh lại trong tám cõi khó (nơi đó không thể gặp Phật hay Phật pháp để được giải thoát). Trước những sự việc như thế, làm sao chối cãi được là phước báo nhân gian không phải là lời nguyền trong ba kiếp?


 Một vị tăng đứng gần nói, “Nhưng chắc chắn là phước báo nhân gian chỉ là vấn đề của người cư sĩ thôi. Còn giới tăng ni thì đâu có sao.”


 Tôi trả lời, có chứ, nhưng đó là một vấn đề tôi không muốn nói sâu vào, bởi vì nó sẽ liên quan đến chuyện của một số các tăng sĩ khác.


 “Thế thì làm sao một vị tăng có thể tránh được cái xấu hại do phước báo nhân gian đem đến?”


 Tôi nói, đầu tiên, người ấy phải kiến tánh – thấy rõ bản chất của mình—và đạt được Đạo. Nếu muốn thấy tánh, trước hết người ấy phải nghe được “tiếng vỗ của một bàn tay”. Và dù cho có nghe được rồi, cũng không lấy đó làm tự mãn. Người ấy phải “lìa tất cả tiếng”, và rồi thông qua, từng cái một, tất cả những công án hắc búa, nan giải nhất. Mặc dù vậy, cũng vẫn còn một hàng rào cản khó khăn cuối cùng.


 “Nhưng nếu đã kiến tánh và vào được con đường giác ngộ,” vị tăng nói, “chắc là sẽ không còn cái xấu ác nào cản trở nữa chứ?”


 Có chứ! Vẫn còn, nếu ta tạo nó ra. Nếu không tạo, thì không có gì cả. Nhưng những cái ấy để đến sau khi ngộ Đạo rồi hãy nói. Lúc ấy có tự đặt những câu hỏi này với chính mình ---cũng chưa quá muộn.


 Quan trọng nhất cần phải biết là có ba cách đi theo.


 “Xin ngài chỉ giáo”, vị tăng nói.


 Người xưa nói rằng một người siêu đẳng sẽ đi theo kẻ thù của mình; một người trung bình đi theo người ơn của họ, và một người kém cỏi sẽ đi theo một người có nhiều quyền uy.


 “Kẻ thù” là người mắng chửi thật phũ phàng, dùng tay chân đấm đá đoạt mất hết cả ruột, gan, lục phủ ngũ tạng của bạn. Đó không phải là kẻ thù ư?


 Người ơn và người có uy quyền không cần phải có lời bàn tới. Ngay cả nơi này, trong số những đệ tử của tôi, cũng có rất nhiều loại người trung bình và yếu kém. Nhưng đó là lỗi của tôi. Chỉ là vì tôi thiếu sót,ï sai lầm, không phải lỗi của họ. Nếu tôi có đủ sức mạnh để thúc ép họ, đừng nghĩ rằng họ sẽ cam chịu làm kẻ trung bình hay yếu kém. Có một số người đi theo người ơn của họ là vì thầy họ bảo như vậy, và họ không thể từ chối được.


 Nói đến trường hợp tôi chẳng hạn. Một ngày nọ, khi tôi còn ở Iiyama với lão sư Chánh Thọ, ngài triệu tôi đến. “Ta biết chỗ ẩn cư trong núi này rất nghèo nàn,” ngài nói, “Nhưng trong tương lai, khi ta làm chuyến hành hương cuối cùng, ta sẽ muốn ngươi đến đây ở đến hết đời.”


 “Ngài đã may mắn có được người trưởng môn như Kaku rồi,” tôi trả lời.


 Ngài chỉ trả lời, “Ta không thể trông cậy vào hắn.”


 Lúc đó, tôi chưa nhận ra được ý nghĩa quan trọng của câu nói này. Câu nói đó có vẻ gì lạ thường trong đó. Nhưng cách đó ít năm, sau khi Kaku đột nhiên qua đời, tôi mới nhận ra được cái nhìn thấu suốt vô song của Chánh Thọ Lão nhân. Thật đáng tiếc là tôi đã không đi theo kẻ thù được và trở thành người siêu đẳng!


 Thời gian sau đó, có vài vị tăng trước đây đã chia tay với tôi ở chùa Anh Nghiêm (Eigan-ji) đến Iiyama tìm tôi. Họ muốn tôi đi cùng với họ trở về chùa Tùng Âm (Shoin-ji). Nếu tôi từ chối không đi, họ sẽ ở lại Iiyama với tôi. Trong khi tôi còn đang lưỡng lự, chưa biết phải quyết định như thế nào, một lá thư nhà gởi tới báo cho tôi biết Lão sư Nyoka đang lâm bệnh nặng. Lo lắng, buồn rầu, tôi quyết định lên đường trở về nhà không chậm trễ. Ba vị tăng đang chờ đợi quyết định của tôi thấy thế mừng rỡ, bèn hăng hái sửa soạn hành trang cho chuyến trở về.


 Có chừng ba, bốn người cư sĩ tôi đã kết thân trong những tháng dài cùng nhau tu tập tại đây đều đến đưa tiễn tôi. Họ được chính Lão sư Chánh Thọ tháp tùng theo. Tất cả cùng đi với chúng tôi đôi dặm đường cho đến khi tới chân dẫy núi cao. Từ đó bắt đầu con đường mòn leo lên, thật dốc và vất vả, khiến Lão sư già cả không thể đi thêm được nữa.


 Chúng tôi trao đổi mấy lời khích lệ lẫn nhau và sắp sửa chia tay, bỗng thầy nắm chặt lấy tay tôi, trầm giọng xuống, nói thật thân ái: “Nếu mi cứ tiếp tục hành trì và sau này sẽ tạo ra những người giống như mi, thì đó là mi đãõ trọn vẹn báo đáp được ơn sâu của Phật, Tổ. Sau khi mi rời khỏi đây về nhà chăm sóc cho thầy đang bệnh, mi không được ngừng nỗ lực tinh tấn và hài lòng với những sở đắc nhỏ nhoi. Bây giờ, phải tập trung hết sức lực vào tu tập hậu giác ngộ. Buông bỏ tất cả những vương vấn bụi trần, dù chúng trông có vẻ như không đáng kể. Mi phải không bao giờ quan tâm một chút gì đến chúng. Nếu có cơ hội, một ngày nào đó, mi hãy trở về đây thăm lại nơi ẩn cư nhỏ bé này.”


  Nói xong, thầy ra đi mất hút, nhưng tôi vẫn ở đó kính cẩn cúi rạp người xuống, áp trán sát tận đất. Trong khi bắt đầu leo lên con đường núi quanh co đưa tôi xa dần với thầy, trong mắt tôi tràn dâng hai hàng lệ nhạt nhòa.”

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng