Sơ lược bối cảnh Thiền tông của Nhật Bản

19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 12053)


Sơ lược bối cảnh Thiền tông của Nhật Bản


 

 Phật giáo từ Trung Hoa được lưu truyền đến Nhật Bản rất sớm, nhưng Thiền tông chỉ coi như được khởi đầu vào thế kỷ thứ 12 với đại sư Vinh Tây (Eisei, 1141-1215), vì ngài là người đầu tiên thiết lập thiền viện. Lúc bấy giờ hệ phái Thiên Thai rất mạnh ở Nhật, bản thân Vinh Tây cũng thuộc hệ phái này, và sau khi đi tu học ở Trung Quốc về, ngài mang một tâm nguyện muốn cải tổ đường lối tu của phái Thiên Thai, đem thiền tông phối hợp vào. Tác phẩm nổi tiếng của đại sư Vinh Tây là “Hưng Thiền Hộ Quốc Luận” và “Thiền Uyển Thanh Quy”, nói lên chí hướng muốn chấn hưng Phật giáo nói chung và Thiền tông nói riêng vào thời đại đó. Cùng thời với Vinh Tây còn có Đại Nhật Năng Nhẫn (Dainichi Nonin), một thiền sư đạt đạo được một vị cao tăng thuộc dòng Lâm Tế ở Trung Quốc ấn chứng, cũng muốn phát triển hệ thống Thiền tông tại Nhật Bản. Nhưng không được bao lâu, ảnh hưởng của Thiền tông bị các hệ phái khác phản đối mạnh mẽ, thiền tông do Năng Nhẫn thành lập bị tan rã sau những vụ đốt chùa ở Nara, các đệ tử của ngài sau này đã hợp lại và phát triển ra trường phái Soto (Tào Động) ở Nhật.


 Nhưng phải đến thế kỷ 13, thiền tông mới được khôi phục mạnh mẽ nhờ thiền sư Đạo Nguyên (Dogen, 1200-1253). Cũng xuất thân từ hệ phái Thiên Thai, Đạo Nguyên đã qua Trung Quốc tu học với phái Tào Động, và đã chứng ngộ sâu xa được lý thiền theo truyền thống nguyên thủy, với chủ trương “tu chứng nhất như” hay còn gọi là “tu chứng nhất đẳng”. Chính ngài là người đã biên soạn toàn bộ 300 công án và có lẽ đã dùng những công án này để hướng dẫn các đệ tử. Tác phẩm “Chánh Pháp Nhãn Tàng” của ngài gồm 95 quyển là bản văn tu học thiết yếu cho các thiền tăng ở Nhật Bản. Khi trở về Nhật, thấy không thích hợp với không khí của Kyoto, ngài thiết lập thiền viện ở vùng Fukui xa xôi năm 1243, triệt để áp dụng đường lối tu nghiêm ngặt đối với các đệ tử. Vì ngài viên tịch quá sớm, các đệ tử đã mất phương hướng và phân hóa dần, sau này lại du nhập thêm những nghi lễ khác như tụng kinh, niệm chú vào trong sự tu tập. Đến đời tổ thứ 4, Tào Động Nhật Bản đã phát triển ra khắp nước Nhật, không chỉ giới hạn ở vùng Fukui, và sau này Tào Động đã trở thành một trong ba hệ phái lớn nhất tại Nhật Bản thời bấy giờ, kết hợp chặt chẽ thiền tông với những nghi lễ có tính cách thần bí, chủ trương xây dựng đền chùa và phổ độ chúng sinh.


 Trong thế kỷ thứ 13 và 14, tông Lâm Tế dần dà phát triển ở Kamakura và Kyoto, hai trung tâm văn hóa và tôn giáo lớn nhất ở Nhật thời bấy giờ. Nhiều vị sư Nhật qua Trung Quốc tu học trở về đã ít nhiều mang ảnh hưởng thiền tông , phần lớn từ dòng Lâm Tế đang thịnh hành lúc đó. Ngoài ra, còn có những vị sư Trung Hoa qua Nhật hoằng pháp, vì vấn đề trở ngại ngôn ngữ, đã chủ yếu dùng văn từ để giáo hóa, đem lại nét trí thức văn học cho đạo Phật lúc bấy giờ. Nước Nhật lúc ấy đang trong thời chính trị nhiễu nhương, quyền cai trị phân đôi giữa triều đình Thiên Hoàng và Phủ Tướng Quân (Shogunate) ở Kamakura, nhưng các vị thiền sư chẳng mấy chốc đã được sự ủng hộ của cả hai thế lực này, nên tránh được sự đàn áp của các hệ phái Phật giáo lâu đời khác ở đây.


 Đáng chú ý nhất là dòng Lâm Tế do Nam Phố Thiệu Minh (Nampo Jyomo, 1235-1309) thành lập, nguồn gốc dòng thiền đã được Bạch n thiền sư phục hưng lại sau này. Nam Phố đại sư theo học với đại sư Lan Khê Đạo Long (Lan-hsi, 1213-1278) ở Kamakura, rồi qua Trung quốc tu học năm 1259. Trở về Nhật, ngài thiết lập một hệ thống tu thiền thuần túy theo truyền thống của các vị tổ Trung Hoa, chú trọng nhiều đến việc khán công án. Đệ tử xuất sắc của ngài là Đại Đăng Quốc Sư ( Daito Kokushi), tức Tông Phong Diệu Siêu, và vị truyền thừa sau đó là Quan Sơn Tuệ Huyền (Kanzan Egen), đã thiết lập một dòng thiền có hệ thống, được gọi bằng chữ đầu tiên trong pháp hiệu của các vị tổ là Ứng Đăng Quan (O-To-Kan)ø trải suốt bao năm tháng vật đổi sao dời, và vẫn còn tiếp tục tới nay qua dòng thiền của Bạch Aån thiền sư. Có thể nói Bạch Ẩn là người đã tiếp nối truyền thống của dòng Ứng Đăng Quan, vì người thầy đã khai thị cho ngài là thiền sư Chánh Thọ Lão Nhân (Shoju Rojin), tức Đạo Cảnh Huệ Đoan (Dokyo Etan, 1642-1721) chính là người truyền thừa đời thứ ba của Ngu Đầu Đông Thật ( Gudo Toshoku), một vị tổ thuộc tông phái của Quan Sơn, Tông Phong, Nam Phố (Kanzan, Shuho, và Nampo).


 Thiền tông trong thời đại này (thế kỷ 13-14) được phổ cập trong giới thượng lưu trí thức, mang nặng tính chất văn học nghệ thuật, nhất là dưới thời Muromachi, các vị sư trở thành những nghệ nhân, những văn thi sĩ và học giả. Các tăng sĩ đem sắc thái thiền vào những nghệ thuật như nghệ thuật cây cảnh, thi văn, trà đạo, kịch nghệ. Các sản phẩm nghệ thuật được ưa chuộng và nhập cảng từ Trung Hoa, và nét văn hóa đượm nhiều tính thiền này không chỉ giới hạn trong giới vương giả, mà còn phổ cập nơi tầng lớp dân chúng trí thức. Sự dũng mãnh tinh tấn, kỷ luật bản thân trong nếp sống của người hành giả tu Thiền mang một vẻ đẹp nào đó thu hút tâm hồn lãng mạn của người Nhật. Nhưng, khi tính văn học nghệ thuật lên cao, thì tính Đạo cũng xuống thấp, sự đạt lý Thiền trở nên rất hời hợt. Trong truyền thống thiền của Trung Hoa đời nhà Đường, cũng như của thiền sư Đạo Nguyên và dòng Ứng Đăng Quan (O-To-Kan), nguồn gốc của truyền thống Bạch Aån sau này, điều cần yếu nhất của một hành giả là phải dồn hết mọi nỗ lực trong đời vào việc minh tâm kiến tánh, và khi đạt ngộ rồi thì phải thâm nhập kinh nghiệm chứng ngộ đó và hằng sống với nó; mục tiêu của một vị thiền sư là phải trao truyền được Tâm Giác Ngộ cho những kẻ hậu học, để ngọn đèn chánh pháp được nối tiếp mãi mãi cho những thế hệ về sau. Trong sự tập trung toàn lực như vậy, những hoạt động văn học và nghệ thuật ngoại vi là gây chướng ngại và không cần thiết. Vì vậy, trong thời đại này, ít xuất hiện những vị thiền sư xuất chúng, tuy nhiên, cũng có người như Nhất Hưu Tông Thuần (Ikkyu Sojun, 1394-1481) được thiền sư Bạch Aån hết lòng ca tụng.


 Thế kỷ thứ 15 và 16 chứng kiến một thời kỳ nội chiến cực kỳ nhiễu nhương giữa các sứ quân, cao điểm là cuộc chiến tranh tương tàn Ứng Nhân ( Onin, 1467-1477), trong đó Kyoto và những đền chùa ở đó bị đốt cháy. Trong thời gian này ít nghe nói gì đến những hoạt động của Thiền tông, tuy vẫn có tên của những thiền sư được ghi lại trong sổ bộ của các đền chùa.


 Đến thế kỷ 17, đất nước hòa bình và thống nhất dưới thời đại Đức Xuyên (Tokugawa), chính phủ ban hành quốc sách bảo trợ Phật giáo và ra nhiều luật lệ gắt gao đối với hàng tăng chúng. Điều đó đưa đến sự suy vi đáng tiếc trong các đền chùa và tu viện Phật giáo, nhưng cũng khuyến khích một khuynh hướng học giả trong hàng tăng sĩ, và sự tái thẩm định lại tôn giáo của mình. Với sự thành lập Edo làm Đông kinh (Tokyo, kinh đô phía Tây) , những tiêu điểm tôn giáo di chuyển từ vùng Kansai chung quanh Kyoto sang vùng Kanto ở phía Đông thuộc khu vực Tokyo, và ở khắp nơi trong nước, những hoạt động tôn giáo cũng trở nên náo nhiệt hơn. Dòng Lâm Tế, trước đây chỉ giới hạn trong giai cấp vương giả và quý phái ở Kyoto, nay phổ cập ra các tầng lớp dân chúng. Thiền tông đã dần dần ra khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa và mang bản sắc dân tộc Nhật Bản. 


 

 Trong bối cảnh khởi sắc này của đất nước, Bạch Ẩn Tuệ Hạc đã ra đời như một nhân duyên lớn đúng thời, đem lại sự chuyển mình cho Thiền tông Nhật Bản. 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng