Chương Tám - Mộng và Thực

14 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 8600)



 Chương Tám  

 

Mộng và Thực

 


Đầy đủ sức thần thông

Rộng tu trí phương tiện

Các cõi nước mười phương

Không cõi nào chẳng hiện.


 Kinh Liên Hoa


 

 quan_yin_statue_1-content Đã gần bốn mươi thập niên rồi kể từ đêm lễ vía Quan Âm ấy, khi trong tôi bỗng bàng hoàng một cảm giác như vừa nhận ra lại một điều gì rất thân thương đã mất, dấu vết mơ hồ của một ký ức dấy lên từ một kiếp trước nào đó. Chẳng có ích gì khi đi thăm lại ngọn núi thiêng ấy, cho dù tôi có cơ hội chăng nữa. Không còn đâu tiếng kinh cầu trang nghiêm huyền bí, tiếng mõ gỗ kình ngư dập dồn vang dội không gian, chỉ còn tiếng gió muôn thuở thở dài trên những nhánh tre, tiếng kêu ai oán của đàn chim hải âu di chuyển từ vùng Biển Đông bay ngang, và lâu lâu, tiếng cười của những người được ngày nghỉ đến chơi từ những vùng lân cận. Trải qua bao nhiêu năm, sự say mê của tôi đối với Quan Âm Bồ Tát đã như thế nào rồi? Không cần phải viết gì về sự vui thú của tôi đến thế nào với những tác phẩm nghệ thuật mang tượng hình của ngài, dù là họa trên những tấm liễn treo tường hay trên những cánh quạt, khắc trên ngọc hay bằng ngà, đúc tạc bằng gỗ quý, bằng đồng hay bằng sứ sáng bóng; nếu tôi nói nhiều đến những điều này, tiếng cười của Quan Âm sẽ văng vẳng bên tai. “Chắc ngươi cũng biết, ta sẵn sàng nhận cúng dường bằng một việc thiện nhỏ hơn là một bức tượng điêu khắc thiện xảo bằng ngọc lớn như thật do một nghệ nhân tài ba tạo nên chứ? Người chẳng có gì hơn để nói sao?”


 Tôi có thể lý sự rằng tôi đã làm được nhiều điều lành hơn sau nhiều năm qua, nhưng rồi đối với những người đã tới tuổi của tôi điều đó cũng là thường, và cũng có thể là ngọn lửa ái ngã đã nguội lạnh dần vì không còn đủ nhiên liệu, hay chỉ là sự chịu đựng lười biếng của một ông già đã quen sống thoải mái nên không muốn có gì làm bận tâm. Hoặc tôi cũng có thể cãi là Quan Âm, trong tướng của Tara, đã là đối tượng cho những quán tưởng mật tông của tôi, rằng tôi đã quán ánh sáng từ hình ảnh của ngài trong tâm tràn ngập thân tôi, rằng câu chú niệm của ngài luôn luôn ở trên môi tôi, nhưng có lẽ ngài sẽ trả lời rằng: “Thế rồi sao? Trong vô lượng thế giới có hằng hà sa số những vị tiên thánh đã nghe tiếng nói tín đồ của họ nhiều hơn. Trong thế giới trước đây của ngươi với Isis, Artemis và Aphrodite cũng vậy; và bây giờ ở nhiều nơi cũng đang thờ cúng Mary như là vị Thánh Mẫu của thiên đường, cũng như thần Kali đang vui hưởng máu của những vật hi sinh tế thần, và còn nhiều, nhiều vị khác nữa đó thôi.”


 “Bạch Ngài, đúng vậy. Nhưng con tưởng rằng những tín đồ đó đã hạ thấp những vị ấy bằng cách nhất định cho họ là cách biệt với tín đồ và do đó họ không có được sự vô hạn vô biên. Bạch Ngài, còn con thì đã hiểu rằng ngài là vô biên, rằng con với ngài là một và rằng, như mọi chúng sinh hữu tình khác, con cũng có đồng một thánh tính với ngài. Con biết rõ rằng sự đối đãi phân biệt giữa người và thần thánh chính là sự si mê khởi từ đám mây mù vô minh từ vô thủy tới nay.”



 Có lẽ rằng ngài sẽ cười vào những lời nói hoa hòe của tôi trong khi chính tôi vẫn còn đang bị hành hạ với cái cảm tưởng hư dối của nhân ngã trong ngoài đối với những gì ở ngoài làn da của mình? “Coi kìa, ngươi chơi chữ như thế sao? Miệng lưỡi của ngươi, dài và uốn cong như con rắn, lúc nào cũng sẵn sàng làm cho ngươi vấp ngã. Bộ ngươi không thấy chán sao?”


 Nếu có cuộc đối thoại thật sự với Quan Âm, có lẽ tôi sẽ bị thất bại một cách ê chề. Cho dù có nhờ vào sở học với các thầy của tôi mà tôi có thoáng nhìn được một chút mặt nhỏ xíu nào của chân lý, thì nếu cố đem lời nói ra để diễn giải chắc cũng sẽ có khe hở rất nhiều hơn cả những lỗ thủng trong một lưới cá nữa. Im lặng vẫn là cách tốt nhất, im lặng và sự an tĩnh trong tâm – một tâm tỉnh giác nhưng không chứa chấp một đối tượng nào, tựa như ánh đèn lồng chiếu trên nền tuyết không dấu chân người. Nhưng rồi, nếu ngôn từ không bao giờ được dùng đến, liệu người ta có mang tội tích trữ kiến thức như một kẻ bủn xỉn tích trữ vàng không? Tuy rằng chân lý huyền vi khi vừa được diễn tả đã biến mất đi như nước đổ lên nền cát nóng bỏng, nhưng có thể nào người ta cũng còn thấy được một vài giọt khi rơi xuống và như vậy sẽ khuyến khích cho họ đi tìm tới nguồn gốc của chúng không?


 Cuộc đối thoại kể ra ở trên là hoàn toàn tưởng tượng, nhưng cũng có những câu chuyện khác trong đó ranh giới giữa thực và tưởng tượng thật khó mà định hơn. Đôi lúc có những hành giả tu thiền rơi vào trong những cơn mộng mà lúc đầu ông đã cố hướng đến, nhưng rồi diễn biến lại đưa đến những kết thúc kỳ lạ và bất ngờ. Nói cho cùng, nếu các thiên thể Bồ Tát thực ra không hề lìa tâm, thì ai biết được rằng những tư tưởng có vẻ như tự ý khởi lên nhưng thực ra đôi khi là do sự cảm ứng nào đó mà ra? Có lần tôi đã được dẫn vào một cơn mộng rất khác thường như sau.


 

 Ở Kanchanburi, một tỉnh lẻ không xa mấy phía Đông của biên giới Thái-Miến, có một ngôi chùa nhỏ thờ Quan Âm mà cách đây hai năm tôi đã khám phá ra. Trong khi thắp nhang ở đó, tôi để ý thấy một người đàn ông và hai người đàn bà Hoa kiều đang nhìn tôi một cách thú vị, rồi người đàn bà trẻ hơn nói: “Ôi chào! Trên đời này có biết bao nhiêu điều kỳ quái, thì một quái nhân lông đỏ có dâng hương lên Quan Âm cũng chẳng có gì lạ!” Thực ra, tôi không phải là người có nhiều lông, và tóc trên đầu tôi cũng mầu đen nhiều hơn là đỏ, nhưng những Hoa kiều ở vùng Đông Nam Á này vẫn thường nói đến người Tây phương như thể là, ngoài sự là những quái nhân ra, người chúng tôi còn phủ đầy lông đỏ rậm rạp giống như là những con cáo vậy!”


 Muốn đùa chơi một chút, sau khi lễ lậy xong, tôi cúi thấp người thi lễ với họ và nói to, dùng những lời lẽ lịch sự dành cho các phu nhân: “Thái Thái, bà không nghe nói rằng Quan Âm thường độ các chúng sinh không phân biệt thú hay quái với những con người như bà vậy sao?”


 

 Sự quở trách này, được đưa ra một cách bất ngờ bằng chính ngôn ngữ của họ, đã gây nên một phản ứng kinh ngạc như ý tôi mong muốn; nhưng thực ra họ là những người đáng mến – một cặp vợ chồng già và cháu gái của họ đến từ Penang ở Mã Lai—và để cáo lỗi cho sự bất nhã không cố ý kia, họ nhất định mời tôi đi ăn với họ ở một tiệm ăn gần đó, nơi họ đã sắp xếp trước để có những món chay nấu đặc biệt trong thời gian họ cư ngụ tại đây. Qua bữa ăn với canh dưa và vài tô xà lát nấu với nấm, đậu hũ, măng và nấm mèo, Bà Yeo, người đàn bà trẻ hơn, hỏi tôi có bao giờ được Quan Âm cho thấy những giấc mộng tốt lành không? Đây là một câu hỏi hợp lý, vì những giấc mộng như vậy thường coi như là quả gặt hái được qua công phu quán tưởng thiền định về một vị Phật Bồ tát nào đó, nhưng tôi chắc rằng đây chỉ là lời rào đầu cho một kinh nghiệm riêng tư của họ thôi. Quả nhiên, bà Lee, người dì, sau đó đã kể cho tôi rằng bà có đến Kanchanburi một lần trước đây, và sau khi thăm viếng ngôi chùa chúng tôi đã gặp nhau đó, bà đã có một giấc mộng rõ ràng như thật.


 Bà thấy bà đang đứng trên một ngôi chùa ở ven biển, cao sang lộng lẫy như cung điện, trang trí với gỗ tạc thếp vàng, những đồ trang hoàng bằng ngọc trai và san hô và những tấm phướn lụa trên đó ghi những câu chú niệm đến Quan Âm – một nơi chốn đẹp đẽ huy hoàng hơn mười ngàn lần so với bất cứ nơi nào bà đã du lịch đến. Nổi bật nhất là một cái ngai lớn trống không như đang chứùa đựng một hình ảnh đặc biệt, một cái ngai hình dạng hoàn toàn như một hoa sen tuyệt đẹp lạ thường, trông dường như một đóa hoa tươi với sương mai óng ánh trên những cánh hoa mướt vậy! Tiếng nhạc sáo êm ru bay tới, tiếng đàn, tiếng chuông khánh được đánh lên từ những nhạc sĩ vô hình và một mùi hương tế nhị khác thường tỏa ra ngây ngất khắp không gian. Sau khi rạp mình xuống đảnh lễ trước cái ngai, khi đứng dậy bà thấy Thiên thủ Quan Âm ngồi đó với tất cả sự trang nghiêm huy hoàng, một hàng những tích trượng sáng chói được bầy trên ngàn bàn tay của ngài, từ thân ngài phát ra một luồng hào quang sáng hơn mặt trời, nhưng êm dịu hơn cả ánh sáng mặt trăng. Buồn bã và không kém phần nghiêm khắc nhìn người đàn bà đang quỳ gối trước mặt, ngài Bồ Tát đã nói như sau với giọng ngọt ngào không thể tưởng tượng: “Khi ngươi là một đứa bé mới ra đời còn tên là Ying-Ying, ngươi đã bị một chứng bệnh hô hấp và mẹ ngươi đã nguyện rằng, nếu ngươi được cứu sống, bà ấy và ngươi sẽ suốt đời không ăn thịt các sinh vật. Bà ấy đã giữ đúng được lời nguyện cho đến cuối đời, nhưng còn ngươi sau khi lấy chồng đã phạm giới mỗi ngày trong hơn ba mươi năm nay. Tại sao thế? Ngươi phải biết không được như vậy chứ.”


 Trong khi bà Lee đang run rẩy và xấu hổ, cố tìm kiếm một câu trả lời, giấc mộng kết thúc một cách đột ngột và bà thức dậy, nước mắt đầm đìa trên má. Sau đó, cả gia đình bà vốn là Phật tử, khi nghe bà kể lại giấc mộng này khi trở về Penang, đã xúc động đến nỗi chồng bà – chính người đàn ông đã dụ dỗ bà bỏ ăn chay cho tiện việc giao tiếp xã hội—đã là người đầu tiên đề nghị rằng kể từ đây họ đều nhất trí “ăn uống thanh tịnh”, và kể từ đó họ đã làm như vậy. Bây giờ, vì tin rằng sở dĩ giấc mộng khác thường như thế là do bức tượng trong ngôi chùa này có cái gì đặc biệt khác thường, cả hai vợ chồng đã đem cháu gái đến lễ bái, hi vọng rằng cả ba họ đều sẽ có những giấc mộng phấn khởi sau này.


 

 Câu chuyện này đã cho tôi ấn tượng mạnh, nên tôi cũng hi vọng đêm đó sẽ có một giấc mộng tốt lành, nhưng chẳng có gì tới cả. Còn hai vợ chồng ông bà Lee và cô Yeo thì tôi không biết thế nào vì tôi đã rời thành phố trước bình minh và không trở lại đó cho đến mấy ngày sau. Lúc ấy thì, có hỏi về họ cũng chẳng kết quả gì, vì người duy nhất tôi bắt gặp được trong những bà già quản tự ở đó thì không biết chút gì về những người tôi kể và có vẻ hơi ngạc nhiên khi nghe nói rằng những người ấy đã lặn lội từ Mã Lai tới để hi vọng bức tượng bà vẫn phủi bụi hàng ngày đó sẽ đem đến cho họ những giấc mộng lành. Tuy nhiên, sau khi trở về Bangkok trong buổi chiều cùng ngày ấy và đi vào hoa viên kiểu Trung Hoa của tôi ở sau nhà để thưởng thức những giờ phút mát mẻ trước hoàng hôn, tôi đã rơi vào một giấc mộng thật linh động khác thường đến nỗi tôi không khỏi nghĩ rằng có một điều gì đó lạ thường mà gia đình người Hoa kia đã cảm thấy được. Tôi xin cố diễn tả lại giấc mộng đó thật đúng, nhưng, thẳng thắn mà nói, tôi không thể biết được bao nhiêu phần trong diễn biến của giấc mộng đó đã khởi lên từ chính ý thức trong tâm tôi. Nhưng tựu trung thì có vẻ như chắc chắn rằng giấc mộng đó đã hoàn toàn tự đến vậy.



 quan_am_11-content Tôi đang ngồi trên một chiếc đôn sứ để trong vườn kiểu Trung Hoa, loại dùng thay cho ghế, luôn luôn đẹp đẽ dù cho trời có mưa nắng, và tình cờ lại đối mặt với khu vườn đá trong đó có một pho tượng nhỏ Quan Âm bằng sứ bị các lá cây dương sỉ và cây trúc che mất một nửa. Lúc ấy tôi rơi vào một trạng thái nửa tỉnh nửa mê trong đó thường có những giấc mộng đến như hư như thực. Ít phút sau, tôi như đang đứng trước Quan Âm trong một hang động thật lớn, mà nghe tiếng sóng vỗ đàng xa vọng vào, tôi đoán đó là Động Hải Triều ở trên đảo Phổ Đà, tuy rằng cũng có thể là tôi tưởng tượng như vậy. Ngoài sự cảm thấy một năng lực bao la kỳ diệu tỏa ra từ người đang ngồi trên tảng đá trước mặt tôi ấy, trông bà có vẻ giống một người thường hơn là một vị thần tiên, với y trang mũ miện bằng vải thường mầu trắng, không có nữ trang hay tích trượng gì cả, không có hào quang rực rỡ chung quanh, mà chỉ thấy tỏa ra một ánh sáng êm dịu khiến cho mọi chi tiết của người bà nổi lên rõ mồn một trên nền tối phía sau. Lúc ấy một niềm an lạc sung sướng tận cùng tràn đầy, tôi sửa soạn đảnh lễ ngài, nhưng ngài ra dấu cho tôi ngưng lại và ngồi đó nhìn nét mặt của tôi với một nụ cười, như chờ đợi tôi nói. Sợ mất thì giờ với những lễ nghi mở đầu, lỡ ngài lại biến mất trước khi tôi nói xong thì sao, nên tôi buột miệng nói ra câu hỏi hằng ôm ấp trong tâm lâu nay kể từ lần đầu tiên tôi gặp ngài.


 “Bạch Ngài, Ngài là ai và là gì vậy?”


 Lạ chưa, sau bao nhiêu năm nay, sao tôi vẫn còn cần phải hỏi câu ấy? Nhưng Ngài dường như không nghĩ như vậy, bởi vì ngay lập tức trong tâm tôi hiện lên một câu ngạn ngữ quen thuộc của Trung Hoa là: “Một con ếch ngồi đáy giếng thì biết gì về trời xanh bao la?”, có nghĩa là: “Một tâm trí giới hạn có thể nào nắm bắt được cái vô hạn không?” Dĩ nhiên là không! Ngay cả lúc còn bé, tôi cũng đã coi thường những ông cha và thầy giáo nào nói như đã hoàn toàn thông thuộc được ý của Thượng đế, và thẳng tay gạt bỏ những lời nói đạo lý vớ vẩn của họ, xem còn kém hơn tiếng rào rào của bầy ong. Bây giờ, khi thấy nụ cười của ngài, tôi dạn dĩ hơn nên tiếp tục: “Bạch Ngài, con đánh bạo nghĩ rằng ngài đã được biết đến, hay ít nhất cũng được mơ hồ nhận thức đến, bởi nhiều người chưa từng nghe đến tên ngài. Phải chăng Ngài là cội nguồn của tất cả trí tuệ từ bước đầu hoan hỉ của Như Thị cho đến Tri kiến Phật của Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác? Phải chăng ngài là mẹ của tất cả những bậc thần nhân? Và, nếu vậy thì, ngoài sự đồng thể tánh của Ngài với tất cả các thiên thể Phật và Bồ Tát, phải chăng Ngài cũng còn có tên là Brahma hay còn là Ngọc Hoàng, Allah, Jahveh, Chúa?” 


 Giật mình trước sự liều lĩnh của chính mình, tôi hồi hộp đợi xem mặt ngài có nghiêm lại không. Phải chăng tôi đã vô tình phạm phải cái lỗi mà các Phật tử cho là nguy hiểm nhất – sự phân biệt đối đãi giữa người đang sùng bái và người được sùng bái? Phải chăng tôi đã để rơi rớt ra một vài mảnh vụn suy nghĩ theo thần quyền?


 Nhưng không! Nụ cười của Ngài vẫn không tắt trên môi. Ngài đã biết tôi không hạ thấp Ngài hay lẫn lộn Ngài với Thượng đế, hoặc đổ cho Ngài sự ác độc ghê gớm là đã tạo nên một thế giới trong đó các chúng sinh phải cấu xé ăn thịt lẫn nhau để mà sống! Ý tôi muốn nói nhiều hơn là quan niệm về Thượng Đế bắt nguồn từ một linh tính mờ nhạt về Như Thị, trong đó Quan Âm và các thiên thể Bồ Tát là những hiện tướng phát xuất từ thâm sâu ý thức, chỉ thấy được qua con mắt bên trong màø không bị bóp mép theo khái niệm như của người Do Thái về một Hóa công Thượng đế hoàn toàn tách biệt với những chúng sinh được tạo ra. Cái Như Thị ấy vượt ra ngoài sự nhận thức giới hạn bình thường của con người, nên phải được quán bằng những biểu tượng mang hình tướng; tất cả các thần nhân trong vũ trụ này đều là phản ảnh của Tâm, cái mang chứa và cũng là cái được mang chứa, hoặc họ cũng là những cỗ xe luân chuyển những lực tốt lành khởi phát từ đó ra. Tư tưởng ấy của tôi có vẻ như được chấp nhận. Như muốn vẽ lên chân lý thần diệu trong muôn vàn phương diện, Bồ Tát làm tôi giật mình khi ngài bỗng thị hiện ra một loạt những hóa thân thay đổi nhau, lúc thì như Avalokita với mười một đầu, lúc như Chuẩn Đề mang gương có nhiều tay, lúc thì là Hayagriva có đầu ngựa, lúc là Tara, lúc là vị thần đang phẫn nộ trông đáng sợ không khác gì Yamantaka, vị Thần Chết có đầu bò mầu xanh, lúc thì lại như Văn Thù trẻ đẹp – tất cả những hiện tướng ấy xen lẫn với nhiều hiện tướng vô danh khác, vừa nam vừa nữ, vừa dễ sợ vừa tuyệt vời, mỗi cái lại hòa nhập vào cái khác như những mô hình biến đổi trong ống nhòm của một đứa trẻ! Cuối cùng, ngài thị hiện trong thể Không, một sự không rỗng an tịnh, bao la, trong đó hang động và ngoại cảnh chung quanh bỗng tan biến hết cả. Trong một giây phút ngắn ngủi tôi cảm thấy kinh hoàng; rồi ngũ uẩn của “cái Tôi” chợt vỡ tan thành từng mảnh vụn và bị cuốn hút vào cái Không toàn diện đó! Khoảng một giây sau đó, tôi như người tỉnh lại sau một cơn bất tỉnh dài, và thấy mọi sự lại như trước với Quan Aâm ngồi trên tảng đá đang cất tiếng cười thánh thót. Rồi hình bóng ngài mờ dần và biến đi trong không gian tối thẫm chung quanh, và hình ảnh ấy cũng dần dần biến đi, nhường chỗ cho cảnh hoàng hôn đang chìm vào trong đêm.


 Lúc này tôi đã tỉnh lại hoàn toàn và chưa kịp cảm thấy tiếc nuối sau khi đã xa rời giấc mộng như vậy, thì bỗng cảm thấy một niềm vui ào ạt, tin tưởng đã nhận được một khai thị chớp nhoáng nào đó. Tâm tôi đầy ắp với sự mới mẻ của ý nghĩ: “Chúng sanh phải lựa chọn những biểu tượng thần nhân cho riêng họ” và những chữ này dường như vang rền trong tai tôi. “Dĩ nhiên, dĩ nhiên!” Tôi la lớn lên (hình như vậy). “Vứt bỏ những khái niệm ngớ ngẩn áp đặt lên chúng ta lúc còn nhỏ không chưa đủ. Chúng phải được thay thế bằng điều gì có thể tạo ra niềm hứng khởi, sáng ngời rực rỡ như tiên dược mà những đạo sĩ Lão giáo đã tìm kiếm, như mật ngọt cam lồ bất tử từ trong bình nước của Quan Âm! Vì ở trong lớp sương mù dầy đặc không xuyên thấu được nên ta không thể nhận được cái Như Thị, vì những biểu tượng của chúng ta cách xa cả hàng tỉ tỉ do tuần với sự thực được suy diễn, nên ít nhất chúng ta phải đi tìm những biểu tượng xứng đáng với sự huy hoàng của nó. Chúng ta phải ngưng thuận tay đưa trẻ con vào những bài kinh chán ngắt, với sự khẳng định một niềm tin mà chúng ta có rất ít hay chẳng có chút nào, với ý niệm về những vị thần đầy sân si uế trược với khói đốt của đồ cúng, với biểu tượng một cái chết tra tấn đau đớn hoàn toàn trái ngược với cảm quan tự nhiên của một đứa trẻ về cái gì là tốt, là đẹp, là vui vẻ. Những cảm quan tự nhiên của trẻ con không nên bị dập tắt và phải được tự do! Nếu lâu nay điều này đã được làm, thế giới hiện đại của chúng ta sẽ không phát sinh ra bao nhiêu những quái tượng, hậu quả của những sự bác bỏ niềm tin tâm linh và các nỗ lực tu trì. Con người đương thời của chúng ta sẽ không sẵn sàng chấp nhận thực tại như những cái thô lậu được cảm giác ghi nhận! Những ngọn núi ác chất đầy tay do lỗi lầm điên rồ này lập nên sẽ không hiện hữu! Con trẻ của chúng ta phải được cứu cho không nếm phải quả đắng của sự bất tín hoài nghi. Làm thế nào đây?



 “Chúng ta phải xây dựng trên cảm quan tự nhiên của chúng về những gì đáng kính sợ, trên niềm tin của chúng nơi những linh thể, nơi các vị thần tiên. Chúng ta phải nói thẳng thắn với chúng rằng, vì ít người có thể thấy rõ được, và không thể nào miêu tả lại được sự thật—một cái gì bao la huy hoàng và xa xôi vô tận hơn những ngôi sao xa nhất, nhưng cũng gần hơn lông mày đối với mắt – nên chúng phải tự chọn cho mình những biểu tượng nào thật đẹp đẽ, sáng ngời, vui tươi mà tâm chúng có thể nghĩ ra được. Chắc chúng sẽ vui sướng lắm nếu trước khi “bóng tối của căn nhà ngục tù ập lên” những trực giác chúng có về cái đẹp lan tỏa mọi nơi, mỗi đứa trẻ được khuyến khích đi tìm một biểu tượng đặc biệt đáng kính yêu với nó, một biểu tượng để cho nó thờ phụng và một phương tiện truyền đạt những ý niệm siêu nhiên vượt trên tất cả những biểu tượng. Sự trau dồi tâm linh không còn bị coi như một bổn phận đáng chán nữa, mà sẽ tràn đầy những tiếng cười hăng hái. Lòng tràn đầy niềm kính sợ hân hoan, trẻ con sẽ tiến tới với một nhiệt tâm làm cho chúng có thể đạt được chỉ trong một kiếp sống cái kết quả mong muốn của mọi nỗ lực huyền môn – đó là sự Giác Ngộ!”


 Tôi tự hỏi không biết mình có thành công chút nào không khi cố bắt lấy niềm hứng khởi đang bừng cháy trong tâm trong khi màn đêm nhiệt đới đang nhanh chóng trùm lên mảnh vườn, những tảng đá và cây chỉ còn thấy lờ mờ qua ánh sáng từ khung cửa sổ khiến pho tượng Quan Âm bằng sứ tỏa chiếu một mầu trắng êm dịu huyền hoặc. Tôi vào giường ngủ khuya hôm đó, vẫn còn say sưa với sự khai thị mới mẻ sáng chói vừa rồi; nhưng khi bình minh tới ngày hôm sau, sau một trận mưa dữ dội, tôi cảm thấy mất hết nhuệ khí như một quả bóng xì hơi. Cố gắng nắm bắt lại chút nào đó của tâm trạng trước, tôi đi thăm lại khu vườn ướt sũng trong buổi sáng tinh mơ, để chỉ thấy những bụi tre và cây cối thảm não rũ cành như đang bị khiển trách. Những cành hoa giấy cho rụng tơi tả những bông hoa sũng nước trong tiếng thở dài. Bầu trời ảm đạm dường như đang sửa soạn đổ thêm nước mắt. Nhìn con cắc kè đang đứng đó trừng mắt vào tôi như lạnh lùng ghét bỏ, tôi tự công nhận mình đã quá đi vào giả tưởng. Làm sao tôi dám mơ mộng giải quyết những tệ nạn của thế giới này bằng cách cổ võ sự trở lại điều mà những nhà trí thức gọi là “sự mê tín sơ khai?” Nhất là, sao tôi lại có thể giả định là những bậc cha mẹ sẽ sẵn sàng cho phép con cái được chọn các thượng đế riêng của chúng được?”


 Bây giờ, hai năm sau, tôi không còn chắc lắm là đêm hôm đó tôi đã không thực sự được một cảm ứng nào đó. Tôi nhớ lại, khi lần đầu tiên đến viếng thăm miền quê hương rừng núi của Phật giáo Kim Cương Thừa, ở đó có một vùng trải rộng quanh Gangtok, Kalimpong, Darjeeling, tôi đã kinh ngạc thấy có một hiện tượng rất giống với việc tự chọn cho mình một biểu tượng để thờ. Các hành giả mới ở Tây tạng được quyền chọn lựa rộng rãi những biểu tượng được đề ra trong muôn vàn những hình tướng khác biệt – từ xấu xí cho đến đẹp đẽ, giận dữ hay từ bi. Biểu tượng được chọn lựa từ trong số này được gọi là idam , và biểu tượng ấy không chỉ là một hình ảnh để tôn thờ, mà còn là một phương tiện trung gian nối kết để hành giả trực diện với Như Thị! Trong khung cảnh ấy, tôi đã có dịp được lãnh hội khá nhiều điều về bản chất của Quan Âm – không phải như cách nhìn ở Trung Quốc, nơi ngài đã ngự trị trong tim của biết bao nhiêu người, nhưng là ở những người Tây tạng không hề biết đến ngài (trừ khi là trong tướng nam như Chuẩn Đề hay Avalokita, hoặc như Tara). Nhưng đó không có nghĩa là tôi đã hiểu được đầy đủ bản chất của ngài. Dù giả định về giấc mộng của tôi có được chấp nhận như kết quả của trực giác đúng thực hay không, tôi cũng không thể bảo đảm là những vị tăng Trung Hoa hay Tây Tạng sẽ ấn chứng cho điều đó. Cho tới nay lời giải của các thầy tôi về vấn đề này thường rất mơ hồ, không phân biệt rõ nét giữa sự cảm nhận Quan Âm như là một thực thể độc lập hay như một hình ảnh không ngoài tâm. Họ sẽ sẵn sàng đồng ý với lời nói của Hòa thượng Tuyên Hóa rằng, khi kính ngưỡng những vị ấy, nói cho cùng là chúng ta đã kính ngưỡng chính chúng ta; nhưng nếu ta nói rằng các vị ấyï không phải là một thực thể độc lập thì điều đó sẽ có thể bị khiển trách; và ngược lại nếu cho họ là hiện hữu độc lập cũng sẽ không được chấp nhận! Đối với những vị cao tăng đạt đạo này hai khái niệm ấy không khai trừ lẫn nhau, chính ở điểm này những người Tây phương quen có lối suy nghĩ phân biệt theo luận lý hay gặp những trở ngại. Cách duy nhất để đạt đến chân lý là bỏ đi những lý luận dông dài và chuyên vào việc quán tưởng, có nghĩa là tập trungï tu tập để có được sự chứng nghiệm trực tiếp.


 

 Một câu chuyện thu thập được trong những ngày cuối cùng của tôi ở Bắc Kinh đã cho một hình ảnh khá rõ ràng về vấn đề này. Tôi đã đi thăm từ giã chùa Pai Ta Szu, một ngôi chùa Mông Cổ với bảo tháp rất đẹp, mà từ trước chiến tranh đến giờ tôi không có dịp đến viếng. Khi xưa ngôi chùa này đã từng có đông đảo các vị lạt ma trong tăng chúng, nay chỉ còn một cảnh tượng tiêu điều; số ít lạt ma còn lại trông có vẻ tiều tụy và thiếu thốn, nhưng họ cũng tiếp đón tôi tử tế, mời dùng trà và một loại bánh bột chiên hơi ngọt. Chúng tôi ngồi xếp bằng quanh một chiếc bàn thấp trên nền gạch nơi dùng để ngủ, ở trên phủ một tấm thảm đẹp nhưng đã sờn và xơ xác thảm hại. Câu chuyện hướng đến vị Bồ Tát chủ yếu nhất của họ, Avalokita, lúc ấy vị lạt ma trưởng thượng kể lại chuyện thầy của ông, khi còn là một thiếu niên mười hai tuổi từ Pao Tou đã đi theo thầy đến Urga để sống trong một ngôi chùa nằm trong một khu vực đóng kín với rào sắt chung quanh, trong đó rải rác những túp lều và ở trung tâm là một ngôi chánh điện bằng gạch, với tượng Bồ Tát mười một đầu – vị Bồ Tát có tuệ nhãn nhìn thấu suốt hết mọi phương. Nói tiếng Hoa bằng một giọng Mông Cổ đều đều, và gọi Bồ Tát là Quan Âm theo như người Hoa, vị trưởng lão đã miêu tả kinh nghiệm của thầy ông trong những ngày thiếu thời như sau:


 “Lúc thầy tôi còn rất nhỏ, có lần đã cẩu thả phạm một lỗi lầm gì đó, khiến bị phạt phải đứng trước tượng Quan Âm lậy suốt đêm – không phải kiểu lậy thông thường, mà là kiểu gieo người liên tục xuống áp hết mình trên sàn đất. Khỏi cần phải nói, ta cũng biết như vậy thật quá sức cho một đứa trẻ rồi. Đến nửa đêm, cậu bé đã hết chịu được nữa, bèn rón rén ngồi lên một cái gối nệm, sẵn sàng nhỏm dậy nếu nghe có tiếng ai đến gần. Aùnh sáng của những ngọn đèn bàn thờ hắt từng vệt lên bóng tối chập chờn, và vì không thể biết được có ai đang ẩn nấp trong màn đêm tối đó không, cậu bé cảm thấy sợ hãi, bắt đầu lắp bắp niệm câu thần chú Quan Âm. Lúc ấy từ trong góc điện, nơi để những bức tượng hộ pháp, cậu thấy như có ba đôi mắt sáng rực như lửa, và tuy cố tự nhủ rằng đó chỉ là những đôi mắt nạm ngọc phản chiếu ánh đèn lóng lánh, cậu cũng run sợ không biết những vị hộ pháp đó có nhẩy ra phạt cậu vì cái tội dám ngồi nghỉ hay không. Kỷ luật tu viện gắt gao khiến cậu thà đánh liều cho những vị hộ pháp kia ăn tươi nuốt sống còn hơn là đi ra khỏi chánh điện mà không có phép của thầy; cậu đành phải chịu đựng nỗi kinh hoàng, hai hàm răng đánh vào nhau lập cập to đến nỗi dường như cậu nghe được tiếng xương kêu răng rắc. Cuối cùng, nhớ lại những điều đã được dậy, cậu ngưng lắp bắp mà tập trung hết sức lực, cố nói thật to câu chú niệm Quan Âm OMMMMMMMMM MANI PADME HUMMMMMMMMMMMM!


 Ngay tức thời, một hình mẫu rập khuôn bức tượng nạm vàng trong chánh điện, giống hoàn toàn mọi phương diện, chỉ trừ một điểm là nhỏ hơn và có mầu sắc như vàng ròng, từ phía sau bàn thờ tụt xuống và đến sờ lên đỉnh đầu của cậu bé, làm những đợt sóng an lạc dâng lên, lan tỏa đến khắp các tứ chi, khiến cả thân mình và chân tay cậu gợn lên những cảm giác vui sướng tràn ngập.


 Trước khi bình minh đến, những tiếng khua động từ bếp vọng vào đã đánh thức cậu bé sau một giấc ngủ say sưa không mộng mị, trong khi những động tác lễ lậy vẫn tiếp tục và cậu chợt nhận ra rằng hóa ra là cậu đã lậy suốt đêm! Không những vậy, bây giờ những động tác ấy cũng thật dễ dàng, không cần đến một chút nỗ lực nào, tựa như một lực sĩ đô vật vừa thức giấc sau một đêm nghỉ ngơi an dưỡng vậy!”



 Trong khi câu chuyện này đi dần đến cực điểm, vị sư già hồn nhiên theo dõi nét mặt tôi một cách thích thú, không hề mơ tưởng rằng một câu chuyện chân phương như vậy về lòng từ bi của Bồ Tát lại có thể khiến một số người trên đời này nghi ngờ là không thật, thay vì là được khai ngộ! Tôi dè dặt đặt câu hỏi rằng nếu ngay lúc ấy có người vào chánh điện, thì người ấy có thấy được hình ảnh vàng chói đó không.


 “Chắc chắn rồi!” vị sư ngạc nhiên trả lời. “Bồ Tát của chúng ta sẽ không bao giờ từ chối ân huệ đó ngay cả đối với một tên du thủ ăn cắp Kirgiz, một tín đồ thờ thần A La (Allah)!”


 “Thế thì hình ảnh ấy không phải dấy lên từ tâm ông ấy à?”


 Bối rối, vị sư già ném cho tôi một cái nhìn trách móc như tự hỏi không biết có phải vì chiếc áo rách vá chằng trên người ông khiến cho tôi không mấy nể trọng mà giả định như ông là một người nói dối chăng. “Ông nói lạ thật. Chẳng phải là Quan Âm lúc nào cũng hiện diện không phân biệt trong hay ngoài tâm hay sao?”


 Tôi vội vàng nhiệt liệt đồng ý, và mọi sự lại yên ổn như cũ, nhưng tôi cũng thầm lấy làm lạ rằng tại sao ông không thấy được một điều rõ ràng là bất ổn như thế đối với con mắt của một người Tây phương. Hầu hết chúng tôi thường cho rằng một hiện tượng xẩy ra nếu xuất phát từ tâm thì chỉ có đương sự mới thấy được thôi, còn nếu không vậy thì đó phải là một hiện tượng vật chất mà tất cả mọi người đều thấy được. Nhưng kể từ đó, tôi đã học được cách không đoan quyết là hai khả năng đó sẽ loại trừ lẫn nhau.


 Những câu chuyện như vậy không thể bị bác bỏ như là dựng đứng, vì những người kể lại chúng thường là những người rất khinh ghét sự nói dối. Nhiều trường hợp như vậy đã xẩy đến cho những người sùng mộ Quan Âm và, dù cho chúng diễn ra như những hiện tượng vật chất có thể được chụp lại hay như những kinh nghiệm tâm lý được cảm nhận như thực tại ở ngoài, chúng đều có tính cách thần kỳ của một phép lạ. Vừa mới đây tôi đã tình cờ được biết một tỷ dụ rõ rệt về một lối hiện hữu thứ ba, không hoàn toàn ở trong hay ở ngoài. Một vị lạt ma gốc Anh đến từ Nepal đã kể cho tôi về câu chuyện xẩy ra tháng trước, khi ông trở về Anh Quốc thăm mẹ, đã phải nghỉ đêm cùng phòng với một cậu bé còn trong tuổi vị thành niên. Không muốn gây sự chú ý một cách không cần thiết, ông đã âm thầm hành thiền trong tâm rồi sửa soạn đi ngủ. Sáng ra, cậu bé cho biết rằng, đêm hôm đó cậu thức dậy mấy lần, và ngạc nhiên thay, cậu thấy có một vừng ánh sáng bao phủ chung quanh chiếc giường của người khách cùng phòng, và rồi, lúc nửa đêm khi vị lạt ma này ra khỏi giường để đi vào phòng tắm, ánh sáng đó cũng đi theo rồi trở lại với ông. Cậu bé này, tuy rõ ràng có một năng lực tâm linh khác thường, nhưng vốn không biết chút gì về Phật giáo và không hề có một ý niệm gì là một vị lạt ma trước khi đi ngủ thường cầu đến biểu tượng tôn thờ idam của ông và tạo ra trong tâm một “tấm lều Kim Cang”, một lớp bao che chở bên ngoài và giữ nguyên đó cho đến khi sáng. Sự kiện là cậu trai kia, mặc dù chưa bao giờ nghe nói đến những điều như vậy, đã thấy được tấm lều Kim Cang đó, hay ít nhất là ánh sáng của nó, chứng tỏ rằng những gì được quán tưởng trong tâm cũng có thể được biểu hiện ra ngoài như một hiện tượng không hoàn toàn giới hạn ở trong tâm, nhưng cũng không phải như một vật thể rắn chắc để có thể hiện ra rõ rệt trước mắt tất cả mọi người. Tôi tin tưởng rằng chìa khóa giải đáp cho nhiều chuyện huyền bí là ở chỗ này.



 quan_am_13-content Câu chuyện này có thể gián tiếp hé mở một chút ánh sáng về cách nhìn của những vị tăng sĩ và lạt ma về bản chất của một thiên thể Bồ Tát. Không có một Phật tử hiểu biết nào lại cho Bồ Tát là hiện hữu trong một ý nghĩa xác thực như trang sách này, cũng chẳng phải trong một ý nghĩa huyền thoại như Aphrodite hiện hữu nơi cảnh giới thần tiên của núi Olympus; tuy nhiên có rất nhiều chứng cớ để h trợ cho niềm tin là có những sự hiện hữu quá tế nhị để có thể phân loại như những hiện tượng vật lý, nhưng lại được thấy biết quá rõ ràng qua con mắt của một người thứ ba có khả năng tâm linh khác thường hay một người có công năng tu tập, để có thể bị gạt bỏ như là hoàn toàn tưởng tượng. Tôi không có ý nói rằng thực chất cái lều Kim Cang của vị lạt ma đó là tương đồng mật thiết với thực chất của Quan Âm, vì theo tôi lều ấy chỉ là một trong rất nhiều những thực thể vi tế bao la nằm lơ lửng giữa chừng trong sự phân loại những hiện tượng thuần vật chất và thuần tinh thần. Mục đích kể lại câu chuyện trên chỉ là để cho thấy còn có những cách hiện hữu khác hơn bình thường ta biết đến.


 Tới đây tôi ngần ngại không muốn đi xa hơn nữa. Có những vấn đề quá cao siêu để có thể đem ra giải lại qua một tri kiến nào đó. Không phải là một người có kiến thức uyên bác, nên tôi không hề có ý muốn trèo lên cao quá. Không biết mà viết ra thì sẽ có thể làm hại. Nếu ai đó có muốn bắt đầu từ điểm này, sách vở sẽ chẳng giúp ích gì hơn được. Con đường phải làm là thực tập thiền định để có được một chứng nghiệm trực tiếp. Người hành giả phải sống cần kiệm và thanh cao để khỏi phung phí năng lực của mình; người ấy phải hành động trong sự vô ngã, với lòng từ bi và sự bình đẳng hoàn toàn đối với tất cả những chúng sinh hữu tình. Ngoài ra, cửa ngõ đi vào con đường thiền định thường ít khi có được nếu không có một vị thầy hướng dẫn; nhưng có thể vài chặng đầu của pháp tu này khi kể ra sẽ có ích lợi phần nào. Chúng ta không nhất thiết phải chọn Quan Âm hay Tara như là đối tượng quán tưởng chính, nhưng truyền thống đã dậy ta rằng hai vị này dễ linh ứng hơn những vị khác, như là Văn Thù chẳng hạn, vị Bồ Tát nhút nhát tượng trưng cho trí tuệ.

 


 Chặng 1: Trên hình thức, cần phải thờ phụng vị idam hay biểu tượng thần nhân tôn thờ của mình, như thể vị ấy là một tiên nhân cách biệt với mình, mặc dù ta có thể không nghĩ như vậy. Nên cúng dường những vật phẩm thanh tịnh như hương, hoa và nước, không bao giờ nên cúng thịt chúng sinh. Bằng phương tiện quán tưởng hỗ trợ với thần chú, nước sẽ được chuyển hóa thành những bảo vật – đó là tất cả những gì ta có được nơi thân, khẩu, ý, tất cả những phẩm chất tốt và những của cải, tất cả những công đức, cũng như những gì quý giá có thể tưởng tượng được trên đời này gồm cả vũ trụ, với mặt trời và mặt trăng làm vật trang trí. Trong chặng này của pháp quán tưởng cần phải suy diễn rằng vị idam ấy muốn được cúng dường như một vị vua, mặc dù hầu hết những vật phẩm cúng dường quý giá ấy chỉ là những gì được tạo ra trong tâm trí. (Một trong những mục đích của sự cúng dường là để đáp ứng lại niềm tin sơ khai của con người về những thần nhân đầy uy quyền ở ngoài tín đồ, thường hay có những đòi hỏi độc tôn như Artemis đòi uống máu chim bồ câu, hay Jehovah thích thưởng thức những vật tế thần đốt cháy và đòi hỏi cả sự đau khổ và cái chết của con trai mình để trả giá cho sự cứu vớt nhân loại. Có lẽ những đại sư Phật giáo thời ban sơ thấy rằng nên chấp nhận nghi lễ truyền thống mà những người mới đổi đạo quen thực hành và dần dần chuyển chúng qua nhiều chặng thành ra thuần khiết hơn. Có thể rằng tâm lý con người vẫn còn cần đến một dẫn nhập bán thần quyền vào lúc khởi đầu chăng? Tôi không biết được. Tốt nhất là nên tuân theo lời hướng dẫn của những bậc thầy dậy tu thiền định.)


 

 Chặng 2: Thỉnh cầu biểu tượng idam từ một hình ảnh tạo nên trong tâm trí sẽ du nhập vào thân của hành giả, cầu cho sự hợp nhất hoàn toàn của người tôn thờ và đối tượng được tôn thờ được chuyển hoán một cách tự nhiên từ chặng 1. (Tại điểm này, hành giả có lẽ vẫn còn chưa biết được bằng kinh nghiệm trực tiếp – tuy rằng có thể đã biết được qua lý thuyết—rằng chưa bao giờ có sự cách ly giữa idam và người tôn thờ.)

 


 Chặng 3: Biểu tượng idam, sau khi được thỉnh cầu trở lại, đã được giữ ở trong thân của hành giả bao lâu hành giả này còn có thể hành xử xứng hợp với vai trò thiêng liêng của một vị Bồ Tát, xa lìa những khởi niệm hay những hành vi có tính cách vị kỷ nhỏ nhặt nhất. (Thời kỳ hợp nhất này dần dần được tăng lên và hành giả nào dũng mãnh có thể chọn đi nhập thất trong một thời gian dài có khi kéo tới bẩy năm, một phương tiện thiện xảo để hoàn thiện những đức tính cao quý như từ bi, tâm bình đẳng, sự vô ngã v.v…)

 


 Chặng 4: Sự hợp nhất này trở thành thường trực và phát sinh một khả năng huyền diệu có thể nhận biết trực tiếp về chính mình và về người khác, cũng như về cảnh giới của Sắc và Chân Không. Trí và Bi được hợp nhất và con đường đi đến Giác Ngộ được thu ngắn vô cùng tận.

 


 Trong những độc giả đã đọc tới chương cuối cùng này, tôi hi vọng sẽ không có ai nghi ngờ lòng thành thật của tôi. Tôi sẵn sàng đón nhận ý kiến nào cho rằng tôi chỉ là nạn nhân của những sự sai lầm và si mê do ứng dụng thiếu kinh nghiệm kiến thức về thiền định; và ai biết được điều này không phải là đúng? Tuy nhiên, nếu có ai đã đi theo tôi được tới đây và chấp nhận những điều tôi viết ra là hợp lý, tôi xin được cáo lỗi với họ. Đã hé lộ cho thấy những cái nhìn chớp nhoáng về Quan Aâm qua nhiều trình độ khác nhau, đầu tiên như là một nữ thần của ngư dân, nhưng rồi tôi lại chấm dứt nửa chừng để đến cuối cùng ngài chỉ còn là một cái bóng mờ ảo. Tôi rất tiếc phải diễn tiến như vậy, nhưng tôi có thể làm gì được bây giờ? Tôi không thể sáng tác ra một cao điểm nào cho công cuộc tìm kiếm này. Không còn có đường nào đi xa hơn được nữa, trừ khi là dấn thân vào việc tu tập thiền định đến rốt ráo và đạt được sự thấy biết trực tiếp của trực giác. Đối với những người làm điều này được thành công, chắc hẳn họ sẽ biết được những bí mật về ngài.


 Có một điều chắc chắn là, sự theo đuổi tìm kiếm Bồ Tát dù lúc đầu có khởi lên từ một ngẫu hứng nhỏ nhặt, nhưng nếu cứ tiếp tục đi tới, nó sẽ đem đến những niềm an lạc tột độ của kinh nghiệm huyền môn. Toàn thể vũ trụ này sẽ như đồ chơi trong tâm trí hành giả. Cùng với một niềm vui không tả xiết khi càng tự đồng hóa mình với Bồ Tát, sẽ khởi phát một tri giác mới mẻ về bản thân và những gì ở ngoài. Phong cảnh tầm thường ở dưới chân núi sẽ được tiếp nối bằng những đỉnh cao đầy mây phủ và con đường đi, tuy càng lúc càng dốc và hiểm trở, sẽ đưa đến những vùng khoảng khoát đầy tuyết phủ trắng tinh đẹp tuyệt vời, và càng ngắm lâu sẽ thấy ở trên đó có một ánh hồng bừng lên. Aùnh hồng ấy trở thành một vừng ánh sáng chiếu rọi, ánh sáng chiếu rọi ấy bỗng bùng lên đột ngột thành sự thấu hiểu thông suốt, và rồi sao nữa?



 Vượt trên cảnh giới đó là một trạng thái siêu việt khỏi những ý niệm cao vời nhất. Phải chăng đây là lúc Bồ Tát Đại Bi Tâm sẽ thật đáng sợ, vì cuối cùng ngài đã hiện ra như sự đồng nhất thể với khoảng không bao la vô hạn vô biên, quá lớn rộng để những con người hữu hạn có thể chiêm ngưỡng được. Cái Ngã sợ hãi co quắp kêu thét lên, chiến đấu cho sự sống còn của nó, làm cho toàn thân và tâm đau đớn như dần. “Trở lại đi, trở lại đi!” Nó rên la. “Trước mắt ta là sự mất trí, là đại dương khủng khiếp không thể tưởng tượng trong đó ta sẽ bị tan rã! Chung cuộc là đây rồi, là khoảng Không vô biên vô tận, khoảng Không ghê gớm và đáng sợ trong đó chúng ta sẽ bị tan vỡ, bị tiêu hủy! Aùiiiiiiiiiiii!”


 Chẳng mấy chốc cái Ngã không còn ở đó nữa. Bị những Tia Sáng Thấu Suốt của Thực Tại chiếu tới, nó rúm ró lại, co nhỏ đi rồi hoàn toàn tiêu tan. Bây giờ Bồ Tát mới hiển lộ ra toàn diện. Người tín đồ trước đây của ngài, không hề bị tiêu hủy chút nào, mà đã vừa được phóng lớn vô tận và trong cái từng được lầm tưởng trước đây là “cái Ta”, nay mang chứa cả một vũ trụ thiên hình vạn trạng, một hiện hữu Như Thị bao la và toàn diện đến nỗi không còn chút ý niệm gì về “cái khác ở ngoài” còn sót lại. Từ đây tỏa chiếu một niềm vui miên viễn, niềm vui không tả xiết được của Niết Bàn –sự giải thoát tối hậu là đây!


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng